TRẦN LỤC: HAI SỨ ĐIỆP TRÊN ĐÁ

Phạm Đình Khiêm

Trần Lục: Một cuộc đời xuất chúng, một sự nghiệp phi thường, vượt thời gian và không gian… (1)

Đứng trước một con người và một sự nghiệp như vậy, chiêm ngưỡng chưa đủ, nghiên cứu và ca ngợi cũng chưa đủ. Còn cần phải lắng nghe xem con người ấy, sự nghiệp ấy muốn nói gì với hậu thế, cụ thể với chính thế hệ của chúng ta sau một trăm năm vắng bóng người.

Phạm vi bài này không đề cập đến các tác phẩm thi ca của Cụ (được gọi khiêm tốn là “ca vè”) mà ở đó những ưu tư, nhận xét, và khuyến cáo của Cụ biểu hiện trên giấy trắng mực đen, đặc biệt trong vấn đề gia đình, nền tảng hòa bình xã hội, qua các sáng tác như Hiếu tự ca về đạo hiếu trong gia đình, Nữ tắc thường lễ về giáo dục phái nữ, Nịch ái vong ân về vấn đề lứa đôi… (2)

Ở đây chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu tâm sự và ngôn ngữ của Cụ qua công trình kiến trúc độc đáo của cụ, như thể đi vào cái triết lý và thần học của công trình.

I. Hãy tự hào là người Việt

Du khách đến Phát Diệm, chiêm ngưỡng kỳ công kiến trúc của Cụ Sáu, nếu lòng biết hỏi lòng, tất sẽ rạo rực lên trước cái tinh tuý hiển hiện của tinh thần Việt Nam, cái hào khí vươn lên của dân tộc Việt Nam, như quyện lấy cái linh thiêng của tôn giáo nơi đây.

Cụ Trần Lục xây dựng công trình này vào buổi đầu tiếp xúc với văn minh Tây phương. Biết bao người đã loé mắt trước cái tân kỳ của văn minh Âu Tây, mơ ước hoặc chạy theo những bóng hình của văn minh đó, và đầy mặc cảm đối với cái vốn văn hóa truyền thống dân tộc. Khuynh hướng ấy dần dà đưa đến tình trạng mất gốc của một số người.

Rõ rệt là Cụ Trần Lục đã đi ngược lại trào lưu xuống dốc ấy. Cụ muốn chứng minh, hiển dương và củng cố những gì là tinh hoa, tinh tuý của người Việt, những gì tạo nên cái hào khí của dân tộc.

Bằng kiến thức rộng rãi, lại sẵn có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài. Cụ rất có thể tìm đuợc những kiểu mẫu mới lạ từ phương Tây để tỏ ra dẫn đầu trào lưu mới, văn minh mới. Nhưng Cụ không làm thế, Cụ giữ vững tinh thần dân tộc và tìm được ở đó những cảm hứng hướng dẫn công trình xây dựng của cụ.

Từ cái vốn văn hóa truyền thống, Cụ đã có thể tìm tòi, chắt chiu và gạn lọc được những gì khả dĩ kết hợp được với những đòi hỏi của Kinh thánh và nghệ thuật tôn giáo để hoàn thành kiểu mẫu và đồ án xây dựng. Nhưng về mặt kỹ thuật và những cách thức thực hiện công trình, người ta lại thấy chỉ là do khối óc cá biệt của cụ. Quả thực phải biết bao suy tư, tính toán, biết bao thông minh, sáng kiến mới có thể tập trung được, giữa chốn đồng lầy nước đọng như Phát Diệm thời đó, những số lượng đá lơn lao nguyên khối cùng với những cây gỗ lim cao ngất mà đường kính hai người ôm không xuể, từ những vùng rừng núi xa xôi hiểm trở, chở về bằng những cách thức ít ai tưởng tượng được, để rồi giàn dựng thành công trình nguy nga đồ sộ kia trong khi chưa có một phương tiện cơ khí văn minh nào!

Kết quả thật kỳ diệu, làm ngơ ngác và gây cảm phục biết bao, trước hết cho chính những người Âu Mỹ vẫn nhận mình là đã đạt tới văn minh tột độ và thường có thành kiến coi rẻ các nền văn hóa khác. Đối với người trong nước, vì đã quá quen thuộc với những đường nét kiến trúc và mỹ thuật truyền thống, nên buổi đầu và trong một giai đoạn nào đó còn quá vọng ngoại, người ta chưa tỏ ra phấn khởi lắm trước công trình của cụ. Nhưng thời gian càng trôi qua, công trình của Cụ càng lui vào dĩ vãng, thì lại càng có sức quyến rũ và gây thán phục và cả niềm tự hào dân tộc giữa những người cùng máu mủ, không phân biệt tôn giáo, chính kiến.

Tóm lại, qua công trình kiến trúc qui mô và độc đáo này, Cụ Trần Lục đã muốn chúng minh cho cái giá trị bất biến, trường tồn và phong phú của văn hóa Việt Nam. Đồng thời Cụ đã chứng minh cho khả năng sáng tạo của trí óc Việt. Để cho đồng bào đương thời và hậu thế nhận ra bài học cần thiết này:

Hãy vứt bỏ mọi tự ti mặc cảm!

Hãy vững tin vào tinh thần dân tộc!

Hãy vun đắp hào khí dân tộc!

Và hãy tự hào là người Việt Nam!

II. Hãy tự hào là dân Chúa

Hàng tỉ con người thuộc Do Thái giáo và Kitô giáo qua dòng thời gian ba mươi thế kỷ, vẫn còn hát lên bài ca thánh vương tiên tri Đavít mở đầu như sau:

“Tôi vui mừng khi người ta đến nói cùng tôi:

Nào ta lên đền thánh Chúa”. (Thánh Vịnh 122, 1)

Đền thánh nói đây là đền Giêrusalem mà chính nhà vua có ý xây dựng, nhưng thực hiện là do vua con Salômon với tối đa huy hoàng tráng lệ.

Ba ngàn năm sau, một tông đồ khiêm tốn của Chúa ở Việt Nam cũng đem hết tài trí và sức lực kiến tạo cho Chúa một đền thánh độc táo trên đất Phát Diệm, trong khi chính tâm hồn người hằng rạo rực với “Khúc ca lên Đền” kia.

Niềm hoan lạc mà vua Đavít chia sẻ với dân Chúa thời Cựu Ước nơi đền thánh Giêrusalem là hoan lạc chờ mong Đấng Cứu Thế. Còn hoan lạc của Cụ Trần Lục với đền thánh Phát Diệm là hoan lạc chia sẻ chính ơn Cứu độ Chúa đã mang đến rồi. Nếu Thánh vịnh của vua Đavít là một tác phẩm Cựu Ước, thì công trình xây dựng của Cụ Trần Lục lại chứa đựng toàn bộ Kinh Thánh với Phúc Âm là chủ yếu.

Suốt cuộc đời của Cụ, từ giáo sư chủng viện Vĩnh Trị đến cha xứ Thanh Hóa - Phát Diệm, Cụ đã không ngừng rao giảng Lời Chúa. Đến lúc cuối đời, Cụ muốn lưu lại cho hậu thế không phải chỉ một “bài tụng ca bằng đá” như có bài báo đã viết rất đúng, nhưng đúng hơn là cả một pho Kinh thánh bằng đá!

Khách hành hương hãy giũ bụi đường xa, cởi giày ra, tiến vào đền thánh để đọc bộ Sách Thánh bằng đá này.

Qua tòa “Phương Đình” (nhà vuông) nguy nga với những tường đá kiên cố, lầu đá uy nghi và nhất là chiếc sập đá to lớn “dễ sợ”, một tòa nhà như bài tựa của cả công trình…

Rồi qua một sân rộng với ngôi mộ khiêm tốn của Cụ Sáu, mà ai cũng nghiêng mình chào kính…

Khách sẽ trang nghiêm bước vào ngôi nhà thờ lớn, nguy nga hơn hết, mang danh hiệu Đức Mẹ Mân Côi, nay là nhà thờ Chính tòa của vị Giám mục Phát Diệm.

Đã là nhà thờ công giáo thì chỉ là nơi phụng thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, gặp gỡ Ngài, tâm sự với Ngài, cầu nguyện Ngài. Mỗi tước hiệu hay danh hiệu đặt cho nhà thờ nào chỉ là tước hiệu, danh hiệu Đấng bảo trợ (quan thầy) nhà thờ ấy, tất nhiên cũng được tôn kính cách riêng trong sự phụng thờ Đấng Tối Cao. Nơi đây chính là cuốn Phúc Âm sống, vì Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, ngự tại đó trong Nhiệm tích Thánh thể là phương thức Ngài lập để ngày đêm hiện diện giữa loài người. Lại vì ở đó Lời Chúa được rao giảng, các bí tích mang thánh sủng Chúa luôn được cử hành và ban phát cho dân Chúa.

Có vua thì có quan, có tướng phải có quân, mà quan quân lại nhiều thứ bậc. Quân, thần, tá, sứ là một trật tự truyền thống Á Đông, được áp dụng theo nghĩa bóng cho nhiều lĩnh vực khác, tỉ như y dược cổ truyền. Cụ Trần Lục dường như cũng áp dụng phần nào quan niệm truyền thống đó để tôn vinh và thêm trang trang trọng tối đa cho nhà thờ Lớn, bằng cách xây dựng một loạt những ngôi đền nhỏ ở hai bên và phía đầu Đền thánh lớn. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa kiến trúc của Cụ Sáu và kiến trúc phương Tây. Trong khi Tây phương tập trung tất cả, bao gồm tất cả (ý nói các nhà nguyệnnhỏ, chapelles) trong ngôi đền lớn duy nhất, thì với óc sáng tạo cá biệt và truyền thống Á Đông, Cụ Sáu đã thực hiện một quần thể kiến trúc vừa lớn lao ở trọng điểm, vừa trải rộng trong không gian với những ngôi đền nhỏ. Những đền thờ nhỏ này chính thực là nhằm cổ võ và làm thỏa mãn những việc tôn sùng đặc biệt của dân Chúa. Do đó, khách hành hương lại được kính viếng:

- Đền Thánh Tâm Chúa Giêsu

- Đền Khiết Tâm Đức Mẹ

- Đền Thánh Giuse, Cha Đồng trinh Ngôi Lời nhập thể, Đấng bảo trợ Hội thánh toàn cầu.

- Đền Thánh Gioan Tẩy giả, Tiền sứ của Chúa Kitô, về sau được đổi là đền Thánh Rôcô để ghi ơn Người đã chấm dứt một nạn dịch tế cho vùng Phát Diệm theo lời khấn.

- Đền Thánh Phêrô, Tông đồ trưởng của Đấng Cứu thế, quan thầy cha Sáu

Mỗi ngôi đền nói trên đều là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật với những đặc điểm riêng. Nhưng nổi bật nhất là đền kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, dài 18 thước, rộng 9 thước, cao 8 thước, xây toàn bằng đá, từ kèo cột, tường, mái đến các chấn song cửa sổ chạm trổ tinh vi, toàn đá là đá, chỉ trừ hai cánh cửa sắt ra vào. Một kiến trúc duy nhất ở Việt Nam và cũng thật hiếm trên thế giới.

Chính tòa Bảo Ngọc “Khiết Tâm” ấy cùng với Đền Vàng “Mân Côi” và toàn thể công trình này là kết quả một lời khấn linh thiêng của Cụ Sáu và sự can thiệp kỳ diệu của Mẹ trên trời.

Năm 1858, lúc 33 tuổi và vừa mới chịu chức Sáu trong bảy chức của bậc linh mục, Cụ bị bắt do chính sách đàn áp công giáo của triều đình Huế, bị giam cầm tra tấn và sau cùng đày lên nơi lam sơn chướng khí ở Lạng Sơn. Nơi đó, một người em ruột của Cụ sẽ được phúc tử đạo vì hy sinh chốn lưu đày, còn Cụ chỉ được giải thoát do điều khoản tự do tín ngưỡng trong hòa ước Pháp-Nam năm Nhâm Tuất 1862. Chính giữa thời gian lưu đày, Cụ lại được thụ phong linh mục cách kín đáo năm 1860. Rồi trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, không còn hy vọng gì ở thuốc trần gian, Cụ tin tưởng cầu nguyện Đức Mẹ và dâng lời khấn: Nếu được qua khỏi, khi được trở về, sẽ cất một ngôi thánh đường kính dâng Đức Mẹ, tài lực cho phép chừng nào sẽ làm xứng đáng chừng ấy. Mấy ngày sau, bệnh tự nhiên chuyển. Cụ được bình phục, người ta tin phép lạ, và chính Cụ cũng nhận là ơn Đức Mẹ (3).

Toàn bộ “Công trình theo lời khấn” được hoàn tất năm 1891 và nhà kiến tạo thiên tài đã về với Chúa bên Đức Mẹ, năm tận cùng thế kỷ XIX. Bất ngờ thay, không đầy 20 năm sau, Mẹ trên trời đã hiện ra với những hiện tượng lừng lẫy ở Fatima năm 1917, long trọng tuyên xưng tước hiệu là “Đức Mẹ Mân Côi” và khuyến cáo mọi người sám hối cải thiện, lần chuỗi Mân Côi, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Người còn nhắn nhủ Đức Giáo hoàng và hàng giáo phẩm ký thác Hội thánh và thế giới cho sự phù hộ mẫu ái của Khiết Tâm Mẹ, để Mẹ có thể rộng tay can thiệp cho thế giới trước những thảm họa sắp tới do tội lỗi loài người ngày càng chồng chất.

Thế là bất ngờ, chúng ta lại “khám phá” ra những tương quan huyền nhiệm giữa công trình Phát Diệm và sứ điệp Fatima: Cụ Trần Lục đã trở thành một tiền sứ cho sứ điệp Fatima, và trứơc sau Cụ vẫn là tông đồ của Trái Tim Đức Mẹ, của mầu nhiệm Mân Côi, đồng thời và trước hết là tông đồ của Thánh Tâm và Thánh Thể Chúa Kitô, của ơn Cứu Độ, qua công trình vô cùng phong phú của cụ.

Theo quan niệm phong thuỷ Á Đông và dưới con mắt thẩm mỹ chung, một phong cảnh hữu tình phải có non xanh nước biếc. Do đó, trước khu thánh đường, Cụ đã tạo một hồ nước mênh mông, gợn sóng theo mỗi làn gió nhẹ, chung quanh là đường kiệu thênh thang.

Hậu thế sẽ xây thêm một tượng đài Kitô Vương, uy nghi ngoạn mục, soi bóng giữ hồ, hai tượng đài kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô trên quảng trường kế cận, càng tăng thêm vẻ đẹp và khí thiêng cho thánh địa này.

Đến phía đầu nhà thờ Lớn, khách hành hương sẽ cảm thấy phảng phất một không khí trầm mặc tỏa ra từ ba quả núi nhân tạo phủ bóng cây xanh, chất chứa những kỷ niệm lớn của mầu nhiệm Cứu Chuộc: hang đá Bêlem, vườn Giệtsêmani (nay là hang đá Lộ Đức), núi Canvê…

Nhìn toàn cảnh thì từ hồ Kitô Vương đến núi Canvê, trải rộng một rừng cổ thụ tỏa bóng trên các quảng trường và hai bên các lối đi, thấp thoáng để lộ những mái ngói đỏ vương vấn rêu xanh, những mảng kiến trúc hùng mạnh, những nét mỹ thuật tinh vi…

Tất cả, chìm lặng trong bầu khí an tĩnh, thanh bình, linh thiêng. Bầu khí vui mừng và hy vọng.

Đó chẳng phải là bầu khí toát ra từ pho Kinh thánh cứu độ mà Cha Trần Lục đã dụng ý mở sẵn và cống hiến cho đồng đạo, đồng bào và đồng loại đó ư?

Và lời mà Cụ muốn nhắn nhủ với mỗi người chúng ta chẳng phải là lời sau đây sao?

Hãy hân hoan bước vào Nhà Chúa!

Hân hoan ôm lấy ơn Cứu Độ đã rộng mở!

Và hân hoan là Dân Chúa!

Chú thích

(1) Cụ sinh năm 1825 ở Mỹ Quan, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) mang tên là Phêrô Trần Văn Hữu, khi vào chủng viện, được đổi là Triêm, đến khi chịu chức Sáu và cả chức linh mục, chính vua Tự Đức gọi Cụ trong các đạo sắc, từ đấy dần dần đựơc quen dùng.

(2) Viết tập Nữ tắc thường lễ, vị linh mục thi sĩ Việt Nam bất ngờ đã gặp vị Giám mục danh sĩ Pháp Fénelon với tác phẩm De l’éducation des filles (Bàn về giáo dục nữ nhi).

(3) Xem J. Trần Công Hoán – Tiểu sử cha Trần Lục, Phúc Hải tái bản, Sài Gòn 1963 tr.46.

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo