HỒ QUY LY và CHẾ ĐỘ CHÍNH TRị PHÁP QUYỀN

Bút ký của Hoàng Đình Hiếu

LNĐ Cách đây hơn 600 năm, sau khi thanh toán chế độ quân chủ nhà Trần, Hồ Qúy Ly lên làm vua, mở đầu vương triều nhà Hồ, nhưng chủ trương một nền pháp trị triệt để, đồng thời tiến hành công cuộc cải cách về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục trên qui mô cả nước. Và Hồ Qúy Ly đã thành công với chủ trương pháp trị của ông.

Sang thế kỷ 21, ở Việt Nam chỉ mới nghe có sự cởi trói, cởi mở, rồi mở cửa nửa vời. Rõ ràng là đang cai trị bằng nghị quyết chứ không phải bằng luật pháp. Cho nên nhắc lại nhân vật Hồ Qúy Ly và công cuộc cải cách của ông lúc nầy có thể là một tín hiệu có ý nghĩa thời sự đặc biệt, cho những ai còn quan tâm đến lẽ sinh tồn của dân tộc Việt Nam.

Trong hơn 30 năm phục vụ nhà Trần và 7 năm đứng đầu bá quan văn võ của nhà Hồ, Hồ Qúy Ly đã đưa ra hàng loạt những chủ trương cải cách trọng đại. Mỗi chủ trương của ông đều có ý nghĩa sâu sắc và được thực hiện một cách quyết liệt. Thành qủa quan trọng của cải cách Hồ Qúy Ly là đã xây dựng nên những thể chế mới về chính trị, hành chính và pháp quyền. Bởi đó là cơ sở quan trọng hơn hết để có thể tiến hành các cải cách khác và đảm bảo cho công cuộc cải cách được thành công.

1.Thân thế, sự nghiệp của Hồ Qúy Ly

a- Nguồn gốc lai lịch: Sử cũ chép lai lịch của Hồ Qúy Ly không rõ ràng về năm sinh và năm mất. Sách Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép: ’’Ông tổ của Qúy Ly là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Chiết Giang, về đời Ngũ Quí (907-959) sang bên ta, lập ấp ở tại làng Báo Đột thuộc Diễn Châu. Về sau Hồ Liêm di cư sang Thanh Hóa, làm con nuôi Lê Huấn, do đấy đổi theo họ Lê. Qúy Ly là cháu bốn đời của Lê Liêm.

Theo thư tịch Trung Hoa, đất Chiết Giang là địa bàn của nước Việt thời Xuân Thu (770-475 TCN). Họ Hồ ở đất nầy có thể không thuộc dòng Hán tộc mà là người Việt tộc, thuộc một trong những tộc Bách Việt cổ sinh sống ở vùng đất nầy, bên Trung Hoa ngày nay. Như vậy, viễn tổ của Qúy Ly là Hồ Hưng Dật, gốc từ đất Chiết Giang, sang nước ta làm quan ở Diễn Châu, sau làm nhà ở hương (làng) Đào Bột thuộc châu ấy, đời nào cũng làm chủ trại. Từ khi sang sinh sống ở nước ta, dòng họ Hồ phân ra nhiều chi, sống rải rác ở nhiều vùng khác nhau : Ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thổ Thành, Bình Định... Ở Nghệ An có Hồ Phi Phúc (thuộc một chi của họ Hồ), sau nầy bị ép di cư vào đất Tây Sơn, sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ...

Hồ Liêm là cháu 12 đời của Hồ Hưng Dật, thủy tổ của họ Hồ ở vùng Đại Lại, Thanh Hóa, sau này sinh Hồ Qúy Ly (cháu đời thứ tư của Hồ Liêm) và Hồ Qúy Tỳ (em của Hồ Qúy Ly). Trong dòng họ Hồ nầy, đời trước Hồ Qúy Ly có hai người nữ mà Qúy Ly gọi bằng cô: một người (bà Minh Từ Hoàng phi) lấy vua Trần Minh Tông sinh ra vua Hiến Tông và Nghệ Tông và một bà nữa (bà Đôn Từ Hoàng phi) cũng lấy vua Minh Tông sinh ra vua Duệ Tông.

b-Tương quan liên hệ giữa Hồ Qúy Ly và các vua Trần: Mối quan hệ gia đình giữa Hồ Qúy Ly và các vua nhà Trần là điều kiện thuận lợi giúp ông bước chân vào hoạn lộ và củng cố thêm vị trí chính trị vững chắc.

Năm 1371, Qúy Ly được vua Nghệ Tông gả cho người em gái là Huy Ninh Công Chúa (bà nầy trước là vợ của tôn thất Trần Nhân Vinh, đang góa chồng) nên Qúy Ly từ địa vị một người em bà con cô cậu của vua đã trở thành em rể của vua Nghệ Tông. Lúc ấy Qúi Ly cũng đã giữ chức Khu mật viện đại sứ trong triều.

Kế nữa, đối với vua Trần Nghệ Tông, người em gái họ (con của chú) của Qúy Ly là vợ của vua Duệ Tông (Gia Từ Hoàng hậu). Cho nên, Qúy Ly, vừa là em cô cậu, vừa là em rể của vua Duệ Tông, tức là cậu họ của vua Phế Đế sau đó (vua Phế Đế là con của vua Duệ Tông và Gia Từ Hoàng hậu). Đối với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, Qúy Ly là em cô cậu, là em rể và sau là sui gia. Sau khi vua Trần Phế Đế bị truất, con của Thượng hoàng Nghệ Tông là Trần Ngung được đưa lên làm vua (tức Trần Thuận Tông), thì Qúy Ly liền gả ngay con gái lớn của mình cho vua Thuận Tông để trở thành Hoàng hậu. Do mối quan hệ nầy, Qúy Ly đương nhiên là ông ngoại của vua Trần Thiếu Đế sau nầy, tức vị ấu quân cuối cùng của triều đại nhà Trần.

Đối với hai vua cuối nhà Trần, với tư cách là Phụ chính lại là cha vợ và sau cùng là ông ngoại của vua, Hồ Qúy Ly có đủ mọi điều kiện thuận lợi để chuyên quyền rồi giành lấy ngôi vua.

c- Con đường hoạn lộ: Hồ Qúy Ly bắt đầu có mặt ở triều Trần từ năm 1370, đầu đời vua Trần Nghệ Tông. Ông tham chính trải 5 đời vua cuối nhà Trần, đó là Trần Nghệ Tông (1370-1372), Trần Duệ Tông (1372-1377), Trần Phế Đế (1377-1388), Trần Thuận Tông (1388-1398) và Trần Thiếu Đế (1398-1400).

Năm 1370 Qúy Ly là Chi hậu tứ cục Chánh chưởng, một chức quan võ coi lính cận vệ. Chức nầy thường chỉ có những người tôn thất mới được giao phó. Vì cô của Qúy Ly (bà Minh Từ) là mẹ đẻ của vua Nghệ Tông, nên ngay từ khi mới lên ngôi (tháng 11 năm Canh Tuất, 1370), vua Nghệ Tông đã dành nhiều cảm tình và rất tín nhiệm Qúy Ly.

Chưa được một năm, tháng 5 năm Tân Hợi (1371), Qúy Ly được vua Nghệ Tông thăng chức cho làm Khu mật viện đại sứ. Vua gả em gái của mình là Công chúa Huy Ninh vừa mới góa chồng 6 tháng cho Qúy Ly. Tháng 8 năm ấy, Qúy Ly được đề cử đi vỗ yên dân miền biên giới Nghệ An và tháng 9 được gia phong Trung tuyên quốc Thượng hầu.

Đến khi vua Nghệ Tông nhường ngôi cho người em khác mẹ là Thái tử Trần Kính, tức vua Trần Duệ Tông (tháng 11 năm Nâm Tý, 1372), thì Qúy Ly cũng được tin dùng, vì vua Duệ Tông là con đẻ của một bà cô khác của Qúy Ly (bà Đôn Từ}.

Trong thực tế, suốt các đời vua Duệ Tông, Phế Đế đến đời Thuận Tông, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông vẫn năm triều chính trong tay. Hồ Qúy Ly được liên tiếp thăng quan tiến chức một cách nhanh chóng và bắt đầu nổi bật vào tháng 3 năm Đinh Mão, 1387, khi được Thượng hoàng ban cho chức Đồng Bình chương sự là chức đại thần thuộc hàng Tể tướng của triều đình. Ngoài ra Thượng hoàng còn ban cho Qúy Ly một thanh gươm báu và một lá cờ đề tám chữ Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức (nghĩa là: Văn võ song toàn, vua tôi một dạ).

Năm 1395, Qúy Ly lên làm Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc Đại vương. Đến đây, Qúy Ly đã thực sự lên tới chỗ tột đỉnh quyền hành, đeo lân phù vàng, vào ở nhà bên hữu Trung thư sảnh và Ngự sử đài, dạy vua Thuận Tông và tự xưng là Phụ Chính cai giáo Hoàng đế (nghĩa là giúp vua trị nước kiêm việc dạy bảo ).

Trên hoạn lộ, Qúy Ly chỉ có thăng tiến mà không hề bị giáng truất lần nào. Từ một võ quan hạng thấp, ông đã bước lên hàng đại thần đứng đầu bá quan văn võ, mang tước hầu, tước vương, được trọng dụng suốt 5 đời vua thời Trần mạt. Cũng đã có nhiều trở ngại trên đường thăng quan tiến chức, khi Đế Hiện (tức Trần Phế Đế là cháu gọi Thượng hoàng Nghệ Tông bằng bác) và đồng bọn tìm cách loại trừ ông ra khỏi triều chính nhà Trần, nhưng Hồ Qúy Ly đã mưu trí vượt thắng tất cả, để cuối cùng đoạt ngôi vua, xây dựng được vương triều nhà Hồ.

2. Vương triều nhà Hồ

Năm Bính Tý, 1396, Qúy Ly ép vua Thuận Tông đời đô về Thanh Hoa (Tây Đô) rồi lập mưu cho đạo sĩ Nguyễn Khánh xui vua đi tu. Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử An mới 3 tuổi rồi lên núi tu tiên. Năm 1398, Thái tử An đã lên ngôi vua ở cung Bảo Thanh và ngự điện ở kinh đô mới, Qúy Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng liệt Đại vương, sau gọi là Quốc tổ Chương hoàng, mặc áo màu bồ hoàng, ở cung Nhân Thọ, ra vào theo cung cách thiên tử. Con của Quý Ly là Hồ Hán Thương xưng là Nhiếp Thái phó, con trưởng là Hồ Nguyên Trừng lãnh chức Tư Đồ. Văn bản triều đình ghi là Phụng Nhiếp chính Quốc tổ Chương hoàng. Tháng Giêng năm Canh Thìn, 1400, Hồ Qúy Ly lập Hán Thương làm Thái Tử. Liền sau đó, ngày 28 tháng 2 tôn thất nhà Trần cùng các quan văn võ dâng biểu tôn Hồ Qúy Ly lên ngôi vua.

Chưa đầy một năm, tháng 12 năm Canh Thìn, 1400, Qúy Ly nhường ngôi cho con là Thái tử Hán Thương để lên làm Thái thượng hoàng, thâu tóm và quyết đoán mọi việc của vương triều nhà Hồ.

Nhà Hồ trị vì được hơn 7 năm, qua hai đời vua:

Hồ Qúy Ly (1400): làm vua chưa được một năm, làm Thái thượng hoàng 6 năm

Hồ Hán Thương (1400-1407): làm vua hơn 6 năm.

3. Sơ lược những cải cách của Hồ Qúy Ly

Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Qúy Ly được coi là một nhà cải cách lớn. Công cuộc cải cách của ông có tính toàn diện, có hệ thống, bao gồm nhiều lãnh vực, từ chính trị, hành chính, pháp chế, an ninh quốc phòng, đến kinh tế tài chính, xã hội, văn hóa, giáo dục..

a. Cải cách chính trị -hành chính: Cơ sở bảo đảm cho chủ trương cải cách là cải cách chính trị. Cuộc chính biến cuối tháng 2 năm Canh Thìn, 1400, đoạt ngôi vua là một hành động táo bạo và triệt để nhất của Hồ Qúy Ly. Nhưng khi còn là một đại thần ngoại thích, để có thể chi phối triều đình nhà Trần, Hồ Qúy Ly đã cho thay thế những quan chức cao cấp của nhà Trần bằng cách dùng người thân tín do chính ông lựa chọn. Đến khi nắm trọn quyền bính trong tay, nhà Hồ đặt thêm một số quan chức mới, tổ chức các khoa thi, tuyển mộ nhân tài, thay đổi trang phục quan triều.

Năm 1397, Hồ Qúy Ly đã tiến hành việc cắt cử đại thần triều đình nắm giữ chức vụ đứng đầu các địa phương. Bải bỏ cấp xã thay bằng huyện. Hồ Qúy Ly dù chủ trương trung ương tập quyền trong tổ chức hành chính, nhưng vẫn duy trì một hệ thống tự quản do dân điều hành nơi các làng xã.

b. Cải cách an ninh - quốc phòng: Hồ Qúy Ly có một hành động tích cực về mặt phòng thủ khi ông chuẩn bị nắm trọn quyền bính, ấy là việc dời đô từ Thăng Long về Tây Đô (Thanh Hoa) năm 1397. Đây là một quan tâm cần thiết để đối phó với cảnh thù trong giặc ngoài trong tình thế nguy hiểm của một cuộc chính biến nhiều bất trắc. Hồ Qúy Ly tăng cường nhiều mạng lưới kiểm soát an ninh hành chính, lập Liêm phòng sứ, để bảo đảm trật tự xã hội. Cảnh giác đối phó với những hoạt động dòm ngó của nhà Minh, mua chuộc và sử dụng quân dân của nhà Minh trong việc do thám bên ngoài lãnh thổ. Từ năm 1375, Hồ Qúy Ly đã bắt tay vào việc cải cách quân đội nhà Trần bằng cách thực hiện sổ quân, bổ sung thanh niên trai tráng vào quân ngũ. Năm 1401, nhà Hồ ra lệnh kiểm tra dân số trong cả nước, định lại quân hiệu, chọn người tín cẩn vào chức vụ chỉ huy, thực hiện quân kỷ nghiêm minh, xây dựng hệ thống phòng thủ, chuyển vận, tăng cường thủy quân, sắm vũ khí và các trang cụ chiến đấu, cải tạo súng Thần cơ sang súng pháo..

c. Cải cách kinh tế - tài chính: Chính sách hạn điền và việc phát hành tiền giấy là những cải cách triệt để và tiến bộ của Hồ Qúy Ly. Phép hạn điền được ban bố vào tháng 6 năm Đinh Sửu (1397). Trừ Đại vương và Trưởng Công chúa, không ai được thủ đắc qúa 10 mẫu ruộng. Vượt qúa mức qui định, tư nhân phải nộp cho nhà nước. Hồ Qúy Ly thực hiện việc đo đạc lại ruộng đất năm 1398 trong cả nước. Ruộng nào không có người quản lý bị sung vào ruộng công. Phát hành tiền giấy là một sáng kiến độc đáo của Hồ Qúy Ly. Tiền giấy Thông bảo hội sao được in thành nhiều loại với mệnh gía và hình thức khác nhau. Có các loại 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng; 1 tiền, 2 tiền, 3 tiền, 5 tiền; 1 quan, 2 quan...Cứ 1 quan tiền đồng (cũ ) đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy (mới). Cấm tuyệt việc lưu dụng tiền đồng trong mua bán. Kẻ nào vi phạm bị nghiêm trị như tội làm tiền gỉa, phải tử hình.

Ngoài ra, Hồ Qúy Ly còn đề ra một số biện pháp khác về kinh tế như di dân, khai khẩn vùng đất mới, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, đổi mới chính sách thuế má.

d. Cải cách văn hóa, tư tưởng, giáo dục, xã hội: Hồ Qúy Ly thể hiện chủ trương phát huy văn hóa dân tộc, đề cao chữ Nôm, đồng thời bài bác tư tưởng nho sĩ Trung Hoa mà giới nho gia lúc bấy giờ ai cũng cho là bất khả xâm phạm. Cuối năm Nhân Thân, 1392, Qúy Ly đã soạn sách Minh Đạo, nhận định rằng Chu Công là Tiên thánh, Khổng Tử là Tiên sư hàm ý hạ thấp vai trò của Khổng Tử, đồng thời nêu lên 4 điểm đáng ngờ trong sách Luận Ngữ. Năm 1395, Qúy Ly biên dịch thiên Vô Dật trong Kinh thư từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ để dạy vua. Năm sau, ông làm sách Quốc Ngữ Thi nghĩa (giải thích Kinh thi bằng quốc ngữ), bỏ bài tựa của Chu Tử và viết lại theo ý của mình.

Theo đề nghị của Qúy Ly, tháng 5 năm Đinh Sửu, 1397, vua Trần Thuận Tông ban chiếu cải cách giáo dục, mở trường học ở các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông và đặt quan giáo thụ phụ trách, cấp ruộng cho các trường để có hoa lợi làm chi phí cho việc dạy và học ở các địa phương. Cải tổ thi cử, bỏ thi ám tả cổ văn trong kỳ thi Cử nhân, thêm bài thi viết chữ quốc ngữ và làm toán.

Về xã hội, Hồ Qúy Ly ban hành chính sách hạn nô. Các vương hầu, qúy tộc, đại thần, quan lại tùy theo phẩm cấp chỉ được giữ lại một số gia nô nhất định, ngoài ra phải sung vào lực lượng quan nô của nhà nước. Chủ nhân có số gia nô bị sung công được trả 5 quan tiền cho một đầu người. Năm 1396, Hồ Qúy Ly ban hành lệnh kiểm tra sư tăng, ai chưa đến tuổi 50 đều phải hoàn tục. Những ai đủ tuổi phải qua một kỳ thi kinh giáo để được thâu nhận hoặc bị sa thải. Quảng tế thự là cơ quan lo việc chữa bệnh cho dân do nhà Hồ lập ra năm 1403, đồng thời cũng lo việc cứu đói, giúp người nghèo, giải quyết việc thiếu ăn bằng cách đưa đi lập nghiệp những nơi xa.

Hồ Qúy Ly với việc cải cách một thể chế pháp quyền hiệu lực

Muốn củng cố trật tự xã hội và bảo vệ uy quyền một nhà nước quân chủ, Hồ Qúy Ly đã quyết tâm đổi mới việc trị nước bằng chủ trương tăng cường pháp trị (lấy pháp luật mà trị nước khác với nhân trị là lấy lòng nhân mà hành xử quyền bính cai trị dân).

Trong sự nghiệp chính trị của Hồ Qúy Ly, điểm nổi bật nhất là việc ông dùng pháp luật để đề ra các chính sách đổi mới, thực hiện các chính sách ấy một cách triệt để bằng cách áp dụng pháp luật trong mọi phạm vi hành xử quyền bính đối với nhân dân. Hồ Qúy Ly là một nhà nho, nhưng ông không đi theo con đường nhân trị của nho gia mà lại chủ trương thực hiện một nền pháp trị triệt để.

Thời nhà Lý do chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật là quốc giáo, nên đường lối trị nước thiên về nhân trị. Chuyển từ thời Trần sang nhà Hồ, nhà nước suy yếu, xã hội hỗn loạn, kỷ cương đảo lộn, với ấn tượng việc Trần Thủ Độ thao túng quyền uy, coi thường đạo lý chưa phai mờ trong tâm trí của nhân dân, Hồ Qúy Ly khi đứng ra nhận trách nhiệm đã muốn tận dụng chính sách pháp trị để khôi phục kỷ cương, tái lập trật tự xã hội, nhằm củng cố uy quyền một nhà nước trung ương tập quyền do ông lãnh đạo. Đó là một động lực thông thường nhưng đã được Hồ Qúy Ly thực hiện một cách khác thường, làm nổi bật nét đặc thù trong sự nghiệp chính trị của ông.

Bằng các văn bản pháp luật cụ thể mà sử sách còn giữ lại được cho đến ngày nay, Hồ Qúy Ly, trong vai Tể tướng dưới triều Trần và là vua nhà Hồ, đã ban hành và cho áp dụng từ năm 1395 đến 1400 nhiều chiếu lệnh pháp luật căn bản.

Không kể lại những văn bản pháp luật đã nêu trong tổng số 27 chiếu lệnh đã ban hành, có thể làm chứng cho sự quan tâm của Hồ Qúy Ly về mặt pháp trị:

-Chiếu bỏ hai chữ húy Nguyệt và Nam (cho dùng lại bình thường), tháng 2 năm Ất Dậu, 1395

-Chiếu về y phục, đồ dùng của quan dân: cấm các quan không được dùng áo thụng tay. Dân được dùng tại nhà trong ngày chay, ngày giỗ. Đồ dùng không được nạm vàng, sơn son (chỉ dành cho vua), tháng 6 năm Ất Hợi, 1395.

-Chiếu qui định việc quản lý nhân hộ khẩu: Làm sổ hộ tịch trong cả nước, kê khai dân từ 2 tuổi trở lên, lấy hiện tại làm thực số, không cho phép ghi người vắng mặt, mất tích, bắt trở về nguyên quán những người ở xa tới trú ngụ...

Thông thường, mỗi chế độ chính trị đều để lại dấu ấn cai trị của của mình trong lịch sử. Nếu Hồ Qúy Ly có dấu ấn cải cách pháp trị hữu hiệu, thì Đảng CSVN đang để lại một dấu ấn độc quyền cai trị đất nước bằng nghị quyết. Vì chủ trương của Đảng CSVN là tùy tiện xử lý quyền bính độc tài đối với nhân dân.

Mới đây, giữa năm 2000, tình cờ trên đoạn đường bộ từ Sàigòn về một tỉnh miền Tây Việt Nam, bạn tôi có dịp nói chuyện với 3 luật sư, kiêm giảng sư Đại Học Luật Khoa tại Sàigòn về ưu tư áp dụng một nền pháp trị trong chế độ chính trị hiện nay tại Việt Nam. Các giáo sư tham gia cuộc mạn đàm có nêu lên nhiều sự khó khăn trong công tác giảng dạy luật pháp tại các địa phương. Theo các ông, khi trung ương gởi giáo sư về dạy luật cho quan chức, cán bộ địa phương, nhưng địa phương lại tỏ ra không hưởng ứng việc học hỏi, càng không muốn luật pháp được áp dụng triệt để ở từng đơn vị quận, huyện, xã, thôn. Các giáo sư không nói rõ lý do tại sao. Nhưng kết thúc câu chuyện, một giáo sư có để lại câu nói khá dí dỏm sau đây:‘’Ai cũng biết giữa trung ương và địa phương nào cũng có một số trung gian. Nhưng trung thì ít mà gian thì nhiều, thành thử việc dạy dỗ của chúng tôi nhiều lúc cũng vô ích, chi bằng tìm một nhân vật thời đại nào đó mà gởi gắm tâm sự, may ra nguôi ngoai được nỗi buồn giảng dạy hơn chăng?’’.

Chúng tôi cho rằng, Hồ Qúy Ly, một nhân vật lịch sử với chủ trương pháp quyền triệt để của ông, đang được các nhà nghiên cứu tìm đến, không phải chỉ để nguôi ngoai nỗi buồn, mà qua đó, một tín hiệu thời sự khá đặc biệt được tung ra, đáng cho nhiều người phải suy nghĩ. ..