KINH TIN CỦA NGƯỜI TRẺ

Cuộc khủng hoảng của giới trẻ ngày nay được các nhà tâm lý và xã hội phân tích và kết luận đó là cuộc khủng hoảng về căn tính (identity crisis): không biết mình là ai! Nói khác hơn, là không nhận ra con người thật của mình, không có một khuôn mẫu nào để mà rèn luyện, không có một lý tưởng nào để mà vươn lên.

Một lúc nào đó, người trẻ nhận ra mình như những tên bù nhìn bị bịt mắt dẫn vào những chủ thuyết, trở thành những cái nút bấm tự động ”phản ứng vô điều kiện” giống súc vật do những tay tài phiệt quốc tế dẫn dụ tài tình. Đã đến lúc người trẻ thấy có cái gì cao hơn, vượt lên khỏi những bon chen vật chất thường ngày, vượt lên khỏi cái hộp đã được tạo sẵn. Và người trẻ ý thức nhận lấy trách nhiệm đối với tiền đồ quê hương dân tộc mình, chứ không chui đầu vào cát để mặc ai muốn thao túng sao cũng được!

Cái khuôn mẫu này chính là lý tưởng mà Đức Thánh Cha cũng như chương trình giáo dục giới trẻ nhằm tới: mở cho giới trẻ một nhãn quan mới về cuộc đời và hướng đi. ”Cha ban cho con một trái tim mới”.

1. CHIM HẢI ÂU TÊN LÀ JONATHAN LIVINGSTON

Đó là tựa đề một cuốn truyện và cuốn video của Richard Bach với hình ảnh thật gợi cảm. Câu truyện diễn tả cuộc đời của một con chim hải âu có tên là Livingston. Một buổi sáng tự nhiên nó cảm thấy buồn nôn. Mặt trời vừa mọc thì một ngày bận rộn khác trở lại với đàn hải âu. Livingston thức giấc vừa lúc những chiếc tầu đánh cá ngoài khơi vào bờ. Những ngư phủ hân hoan thu nhặt những con tôm tươi đem bán lấy tiền, còn những con cá thối được vất xuống bãi. Thế là đàn hãi âu hồ hởi tranh giành cắn cấu nhau để lấy phần cho một bữa ăn sáng thịnh soạn.

Cứ thế ngày này qua ngày khác. Một ngày như mọi ngày. Livingston rùng mình tự hỏi đời sống sinh ra chỉ có vậy thôi à? Suốt ngày chỉ còn biết nghĩ đến chuyện tranh nhau mấy con mồi thối, ganh nhau từng tiếng gáy, chèn nhau từng chỗ đứng cao thấp, thì khá thế nào được. Phải có gì hơn thế chứ!

Kể từ hôm đó, Livingston tập bay lên miền núi. Lúc đầu thật khó khăn, té lêm té xuống. Bầy hải âu thì chế nhạo mỉa mai, đôi khi hè nhau tấn công. Livingston kiên trì nhắm đích. Rồi một ngày nó đã có thể tung cánh bay cao trên đầu đàn hải âu vẫn tiếp tục tranh bữa ăn sáng sà sà mặt đất ở bãi biển.

Jonathan Livingston đã tìm ra ý nghĩa đời sống, đã tìm ra phẩm giá của mình.

Vậy thì giải pháp cho những khủng căn tính của giới trẻ ngày nay là làm sao tìm lại được phẩm giá con người thật của mình. Nếu chỉ nghĩ mình là con vật kinh tế hay con khỉ tiến hóa biết mặc quần áo và chạy xe hơi, thì cũng chẳng hơn đàn khỉ trong rừng bao xa.

Trong một Đại Hội cho giới trẻ, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô đã nhắc lại lời Kinh Thánh từ thư thánh Phaolô:

”Chúng con đã lãnh nhận tinh thần con cái”. Là con cái của Thiên Chúa, là hoàng tử, công chúa của nước Trời, mang trong mình chính bản chất Chúa, hình ảnh Chúa”.

”Hỡi các bạn trẻ, chúng con đừng sợ nên thánh. Chúng con hãy bay lên thật cao, hãy trở nên những người nhắm mục tiêu xứng đáng với con cái Chúa. Hãy ca ngợi Chúa bằng cuộc sống của chúng con”.

2. TRỨNG RỒNG LẠI NỞ RA RỒNG

Đối với người trẻ Việt, Đức Giáo Chủ Công Giáo như đang vẽ ra trước mắt hình ảnh những con chim Việt, xác tín về căn tính nguồn gốc của mình để có hùng khí theo chim Âu Tổ Mẫu bay về núi:

Trứng Rồng lại nở ra rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

Trứng Rồng lại nở ra rồng

Chim Tiên lại đẻ ra dòng chim tiên.

Chúa là Đấng Vô Hình, nhưng Kinh Thánh đã vẽ ra bằng hình ảnh chim bồ câu thanh thoát bay bổng, hay như nguồn lửa thiêng. Kinh Thánh cũng nói, con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Nhiều người sẽ giật mình nhận ra rằng hình ảnh chim Tiên đang vút cao và hình ảnh con rồng đang phun lửa đầy dũng lực của Việt Tộc sao mà giống hình ảnh Kinh Thánh thế.

Tin rằng mình thuộc dòng giống nào thì sẽ trở thành như vậy. Người Nhật tin rằng họ là con cháu của Nữ Thần Mặt Trời, nên trên lá cờ cũng như trong lòng họ, mặt trời luôn chiếu sáng. Người Do Thái tin rằng họ là dân được Đức Giavê tuyển chọn, nên họ đã phát sinh ra biết bao nhân tài cho nhân loại, và trở thành một dân tộc hùng mạnh đáng cho thế giới nể vì. Đó là sức mạnh của niềm tin:

“Người lớn thì nghiêng ngả đổ nhào. Giới trẻ thì mỏi mệt rời rã. Nhưng những ai tin tưởng vào Chúa, thì họ sẽ được canh tân mang sinh lực mới, họ sẽ mọc cánh như chim phượng hoàng bay cao. Họ chạy mà không mỏi, họ đi mà không mệt” (Isaia 40:31)

Đây có phải là thời điểm cho người trẻ Việt tỵ nạn xác tín và hãnh diện về căn tính của mình sau những khủng hoảng rã rời mất hướng đi và mất niềm tin về chính mình hay không? Vì chỉ khi nào tự tín và hãnh diện về căn tính nguồn gốc của mình thì mới có sức vươn lên, còn ngược lại thì vẫn sống đời bệ rạc nghèo hè. Ca dao Việt Nam có câu tuyệt vời về niềm tin này:

Con vua thì lại làm vua

Con bác sãi chùa lại quét lá đa.

3. THỜI ĐIỂM XÂY LẠI BỘ KINH TIN

Bộ Kinh Việt Tộc bắt đầu bằng Kinh Khởi Nguyên: người Việt là con Rồng cháu Tiên. Điều đó có ý nói: từ khởi nguyên, con người là Hùng Vương, là Hùng Khí của Tiên Rồng kết tinh lại, là tụ điểm của sinh khí trời đất (thiên địa chi đức).

Tin hay không tin điều đó là vận mạng của Việt Tộc và của mỗi người.

Truyện kể về một người đã luyện nội cộng bằng niềm tin:

O-Nami là một võ sĩ người Nhật sống vào đầu thời Minh Trị Thiên Hoàng. Anh ta rất giỏi và khỏe, có thể thắng cả thầy mình khi đấu riêng tư. Nhưng khi đấu chung ở nơi công cộng thì đôi khi thua cả học trò. Điều đó làm O-Nami xấu hổ vô cùng. Không hiểu được lý do của tình trạng này, O-Nami đã tìm đến một đạo sư tên là Hakuin để nói về nỗi khổ tâm của mình và xin cao kiến.

Nghe O-Nami kể lể xong, đạo sư Hakuin nói ngay: ”Tên anh là O-Nami, có nghĩa là Sóng Lớn. Vậy tối nay anh hãy ở lại đây, để giờ yên tĩnh, xả trống mọi hình ảnh và tạp niệm, chỉ giữ lại một hình ảnh thôi: hãy hình dung mình đang là con sóng lớn đó. Anh sẽ là một võ sĩ không ai thắng nổi. Anh đang là con sóng khổng lồ lùa cuốn mọi vật trước mặt. Hãy làm như thế, và anh sẽ là một tay vô địch trên trái đất này”.

Tối hôm đó, O-Nami bắt đầu ngồi thiền định và hình dung mình đang là một con sóng lớn. Rồi từ từ cảm giác đó như bừng lên từ bên trong thành những con sóng càng lúc càng mãnh liệt. Đêm càng khuya, sóng cành lớn, cuốn sạch những bình hoa trong phòng. Ngay cả những tượng ảnh cũng bị nước tràn ngập. Trước khi trời sáng, ngôi đền chỉ còn là một cơn thủy triều dâng lên trong biển cả mênh mông.

Sáng hôm sau, Hakuin thấy O-Nami còn đang ngồi thiền định, trên mặt anh ta thoáng nhẹ một nụ cười. Hakuin đập nhẹ vào vai O-Nami: ”Bây giờ thì không còn gì có thể cản trở anh được nữa. Anh là con sóng đó. Anh sẽ cuốn sạch mọi sự”.

4. THẤY HÌNH CỦA MÌNH

Cuốn ”Nhìn với con mắt của tâm” (Seeing with the mind's eye) của Mike và Nancy Samuels, đã chứng minh sức mạnh của hình ảnh trong đời sống. Người ta nhìn cuộc sống với một hình ảnh đã sẵn trong mắt như một lăng kính để đánh giá mọi sự. Hình ảnh này gọi là ”self-image”, tức là hình ảnh về chính mình phóng rọi ra cuộc sống. Hình ảnh này có thể bị sai lệch do các chủ thuyết, các niềm tin khác nhau. Người tưởng mình là khỉ thì hành vi cử chỉ của mình sẽ dần dần giống khỉ, và nhìn người khác cũng giống khỉ. O-Nami giữ hình ảnh mình là Sóng Lớn nên trở thành sóng lớn thật.

Người Việt vẫn nghĩ mình là con cháu Tiên Rồng. Đó là hình ảnh đích thật mà những nhà tâm lý gọi là hình ảnh gốc (archetypal image), hình ảnh uyên nguyên trong tiềm thức mỗi người vốn đã có sẵn nhưng bị ngoại cảnh che mờ đi. Người nào ngày đêm để hình ảnh đó trong mắt để nhìn cuộc sống thì trước sau cũng trở nên vua Hùng, kết tinh hùng khí của mẹ Tiên Bố Rồng, nơi qui tụ cái đức của trời đất.

Vì thế, đây là thời điểm để giới trẻ nhìn thấy cuộc phục hưng dân tộc từ những căn bản sâu xa hơn. Đọc lại những truyện thiêng do tổ tiên để lại trong bộ kinh dân tộc với cái nhìn như một bộ hình ảnh uyên nguyên, một bộ lăng kính chính gốc để qui chiếu sự vật, một bộ kinh tin tạo sức mạnh tinh thần.

Chính trong kinh nghiệm này mà Kinh Thánh đã nói:

“Lòng xác quyết quí hơn vàng bạc

Chọn đúng tên vượt mặt sang giầu”

(Cách Ngôn, Tục Ngữ 22:1)

Niềm tin mọc cánh chim Âu

Tiên Rồng tụ lực dâng cao sức Hùng.

Nói về sức mạnh của niềm tin, chính Đức Giêsu đã quả quyết:

“Thầy bảo thật các con, nếu các con có lòng tin và không nghi ngờ, thì chẳng những các con cũng khiến được cây vả này héo đi, mà còn có thể bảo cả núi này rằng: hãy cất mình lên và lăn xuống biển, thì cũng sẽ xẩy ra như vậy” (Mt 21:21).

5. BẦY CHIM HUYỀN SỬ

Người Việt có câu:

Con nhà tông

Chẳng giống lông cũng giống cánh.

Câu nói này đúng và hợp với lời Đức Thánh Cha nói với giới trẻ thế giới trong Đại Hội tại Ba Lan:

“Chúng con hãy bay lên thật cao”.

Câu nói này càng đúng hơn với người trẻ Việt tỵ nạn. Tin rằng mẹ mình là chim Tiên Âu Cơ, thì trước sau gì mình cũng có thể mọc cánh bay lên được như Phù Đổng Thiên Vương.

Trong Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, nhạc sĩ Phạm Duy đã trổi lên thị kiến hình ảnh tuyệt vời về Bầy Chim Huyền Sử. Thiết tưởng đây là thông điệp của thời điểm gởi tới giới trẻ Việt Nam. Hôm nay, mỗi người thử tìm một giây phút tĩnh lặng nhất, mở rộng cõi lòng cho thênh thang, và hòa mình vào Bầy Chim Hyuền Sử mà bay về Non ngàn Tản Viên trong một khung trời mới, bay ngược lại dòng thời gian với những bi hùng của lịch sử, vượt thoát ra khỏi những ràng buộc thường ngày:

“Lặng nghe, đây con chim Hồng, đây con chim Lạc!

Hỡi những cánh chim huyền sử xa vời.

Những cánh chim là Người cho Thiên và Địa chung vui.

Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Lạc!

Hỡi những cánh chim của Tiên với Rồng.

Những cánh chim ẩn ngữ Đông Sơn hoàn mỹ âm dương.

Những cánh chim dẫn đường đưa lối

Những cánh chim sinh tử không rời

Vỗ cánh theo cha về miền xuôi

Vỗ cánh bay theo mẹ lên núi.

Những cánh chim bay từ Mê Linh

Bát ngát trời Phù Đổng oai linh

Những cánh chim khơi động Hoa Lư

Những cánh chim Lê Lý Trần xưa.

Lặng nghe đây con chim Hùng, đây con chim Việt!

Hỡi những cánh chim huyền sử mơ mòng.

Những cánh chim lịch sử oai phong bảo vệ non sông.

Lặng nghe đây con chim Hùng, đây con chim Việt!

Hỡi những cánh chim mở hội Diên hồng.

Những cánh chim Hồng Đức hân hoan mở cõi giang sơn”.

6. NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI

Đối với nhiều người Việt thì biến cố 1975 là một biến cố đau buồn và xui xẻo. Cả triệu người phải bỏ nước ra đi. Có bao giờ bạn thử để ra một buổi chiều ngồi trả lời với thực lòng mình câu hỏi tại sao tôi ra đi, và ra đi để làm gì không? Lúc ban đầu phải vùng vẫy để sống còn, chứ bây giờ câu hỏi đó được đặt ra bắt mỗi người tỵ nạn phải trả lời chứ không trốn chạy được nữa. Cả một luồng khí mới đang thổi trên thế giới làm thức tỉnh những ai an phận sống qua ngày trên mảnh đất ly hương này.

Nhiều người lại nhìn biến cố 1975 một cách tích cực và lạc quan hơn. Cứ tưởng tượng Việt Nam phải đuổi theo Nhật Bản mất 150 năm thì bao giờ mới kịp! Đang khi ngay cả thời bình trước 1975, cả nước mình được mấy người du học? Vậy mà bây giờ Việt Nam có cả triệu du học sinh thuộc đủ mọi ngành khác nhau. Nếu nhìn như vậy thì biến cố 1975 biết đâu lại là một cơ may. Chỉ có dịp duy nhất như vậy thì Việt Nam khi phục hưng mới có đủ nhân tài để có thể theo kịp đà tiến quá nhanh của thế giới ngày nay.

Những biến cố dồn dập của thế giới trong những năm qua cho người Việt càng ngày càng nhìn rõ hơn về một thời điểm Việt Nam. Và tương lai cuộc phục hưng xây lại quê hương không còn là chuyện viễn mơ nữa. Vậy thì câu hỏi được đặt ra lúc này phải là tôi đang chuẩn bị gì để góp phần xây dựng cho đại cuộc một Việt Nam phục sinh?

Trả lời câu hỏi đó, tự nhiên người Việt và nhất là lớp trẻ nhìn thấy rõ hướng đi cho cuộc sống ly hương. Và cũng tự nhiên những vấn đề lẩm cẩm giẵm chân tại chỗ ở nhiều tổ chức tìm ra lối thoát vươn tới trong một hừng đông tươi sáng.

Ngày xưa công chúa Huyền Trân đã vâng lời vua cha ra đi lấy vua Chàm để đổi lấy mảnh giang sơn là đất Huế ngày nay. Phạm Duy đã có lần vang lên tâm sự của người ra đi trong Con Đường Cái Quan:

“Nước non ngàn dặm ra đi. Nước non ngàn dặm ra đi.

Dù đường thiên lý xa vời, dù tình cố lý chơi vơi,

Cũng không dài bằng tình yêu mến người.

Bước đi vào lòng muôn dân, bước đi vào lòng muôn dân...”

(Ngàn Lời Ca trang 119)

Công chúa Huyền Trân có ý nói rằng con đường ra đi vào Nam để mở cõi bờ giang sơn dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người, đi vào lòng muôn dân như những người Việt hiện nay. Nàng mong người lữ khách nối tiếp công việc đi vào lòng đất nước và lòng người của nàng xưa kia, để cuộc ra đi của mỗi người cũng mang tính cách lịch sử ”mở cõi giang san” nữa. Vì cuộc ra đi này là đi vào lòng thế giới, thu thập được tinh hoa của thế giới góp phần phục hưng quê cha đất tổ.

7. LỜI TRỐI CỦA MẸ

Để có thể chu toàn sứ mạng trên thì người lữ khách không thể không luyện được cục nam châm mầu nhiệm được tích tụ lại bằng một Niềm Tin chung qua Bộ Kinh thiêng của Việt Đạo. Bước đi vào lòng muôn dân như người Do Thái hay người Nhật mà có được cục nam châm thì sẽ hút được tinh hoa thế giới mà làm giầu cho dân mình. Còn ngược lại là sẽ tan loãng mất hút đi một cách đáng thương!

Đêm vừa rồi có bạn đã có thể nghe lời Mẹ Việt Nam trong tiềm thức chung của dân tộc trải dài suốt mấy ngàn năm lịch sử căn dặn:

”Trên đường ly hương, nếu con có gặp ai làm nhục con, con đừng phí sức thù ghét nó. Trên đất nước mình còn nhiều chuyện phải làm hơn. Con hãy dành sức mà luyện thành tài, mà làm cái gì cho quê hương con. Bao nhiêu máu xương đã đổ ra cho đất nước con không phải là vô ích đâu, nhưng để tinh anh dân tộc đúc thành khối chiếu sáng như mặt trời.

Ngày xưa Phù Đổng Thiên Vương cũng như con: khi còn tu luyện thì âm thầm không cần nói, để khi đất nước cần đến thì đã có đủ tài lực vươn vai đứng dậy cao mười trượng, đủ mười thành công lực đó con thấy chưa? Con còn sống sót sau cuộc vượt biên, là con còn một món nợ phải trả, con còn có một sứ mạng phải chu toàn. Tổ quốc đang chờ con từng ngày. Nếu con nhận thức được như vậy thì Mùa Xuân Dân Tộc bắt đầu đâm chồi nẩy lộc”.

Đã có một Việt Nam khổ nạn tột cùng thì cũng phải có một Việt Nam phục sinh. Niềm tin này là hành trang cho người Việt dám ngẩng đầu lên mà bước vào thiên kỷ thứ ba năm 2000, và cũng là thiên kỷ thứ năm của Việt Tộc.

Việt Nam ơi, bằng ấy năm đầy đọa vùi dập và cúi đầu chịu nhục đã đủ chưa?

www.dunglac.net