Dạo tháng 10 vừa qua, một số tờ báo ở Sàigòn đã khám phá ra rằng phẩm chất của đồng tiền do ngân hàng nhà nước phát hành trên loại giấy polymer rất tồi tệ. Tiền in ra mực lem luốt có đồng tiền in ra không đủ hình nhủ vàng, có đồng tiền không đúng kích thước. Các nhà báo lại nghe một đại biểu quốc hội nói rằng con trai của ông thống đốc ngân hàng là phó giám đốc của một công ty lớn có liên quan đến việc in tiền. Có người từ bên trong ngân hàng nhà nước còn cho biết đã từng can gián không cho in tiền bằng loại giấy polymer nhưng lời cảnh báo đã không được lắng nghe! Tựu trung đây là một câu chuyện tham nhũng.

Dĩ nhiên những người làm báo dù là báo công cụ của nhà nước nhưng còn có chút lương tâm chức nghiệp không thể không cho dân chúng biết bởi vì được thông tin là một trong những quyền cơ bản được nhìn nhận trong hiến pháp của Cộng Hòa XHCNViệt Nam. Tại các nước dân chủ tự do thực sự tất cả mọi nhà báo đều làm công việc thông tin ấy. Báo nào tìm được tin mới và sớm nhất sẽ được độc giả tín nhiệm, nhưng điều gì đã xảy ra tại Cộng Hòa XHCNViệt Nam sau khi một số báo đã loan báo sự kiện trên đây? Ngày 30/10 vừa qua bộ văn hóa thông tin của nhà nước CSViệt Nam đã ra lệnh phạt tám tờ báo trên vì đã loan tải tin tức liên quan đến việc in ấn tiền polymer. Không những nhà cầm quyền không mở cuộc điều tra về những tố cáo được loan tải trên các tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Thời Báo Kinh Tế, Nhà Báo và Công Luận, Sài Gòn Tiếp Thị, An Ninh Thủ Đô, Thể Thao và Văn Hoá, trái lại chính các tờ báo trên đây lại bị phạt hành chánh. Riêng tờ Thế Giới thuộc bộ ngoại giao bị đình bản, còn hai tờ khác là Công Lý và Thời Đại thì bị đình bản một tháng.

Cùng với việc phạt hành chánh các tờ báo trên đây mới đây nhà nước Việt Nam lại còn tỏ ra quyết liệt hơn trong việc chà đạp quyền tự do ngôn luận và phát biểu. Trong khi điều 69 của hiến pháp viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do bái chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội hợp, lập hội, biểu tình thì ngày 29/11 vừa qua thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại ban hành chỉ thị: “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng chi phối báo chí để phục vụ quyền lợi riêng gây tổn hại cho lợi ích đất nước. Thật ra trước khi có chỉ thị trên đây trong suốt hai năm qua, nhà cầm quyền cs Việt Nam đã liên tiếp đưa ra chỉ thị xiết chặt việc sử dụng internet nhầm ngăn chận dân chúng truy cập vào các trang điện toán khắp thế giới mà họ xem là phản động. Thế giới không ngạc nhiên tại sao tổ chức phóng viên không biên giới trong một bản xếp hạng về tự do báo chí trên thế giới trong năm 2005 đã đặt Việt Nam vào vị trí thứ 161 trong tổng số 167 nước được khảo sát. Việt Nam chỉ đứng trên một vài nước XHCN anh em như Bắc Hàn, Trung Quốc, Cu Ba và độc tài quân phiệt Miến Điện.

Sự kiện ngày càng có nhiều tờ báo chui tại Việt Nam là một bằng chứng hùng hồn về thành tích trên đây của Việt Nam. Ra đời hồi năm ngoái có báo Tự Do Dân Chủ của phong trào dân chủ. Đầu năm nay lại xuất hiện báo Tự Do Ngôn Luận của khối 8406 do LM Chân Tín làm chủ nhiệm, kế đó là một số tờ báo khác của đoàn thể, tổ chức quần chúng. Điển hình là tờ Tự Do Dân Chủ của các ông Hoàng Tíến, Nguyễn Khắc Toàn, Bạch Ngọc Dương và bà Dương thị Xuân ở Hà Nội. Tất cả những người có tên trong tờ báo này đều đã bị công an tới tận nhà tịch thu hết mọi phương tiện như máy chụp hình, máy điện toán, tài liệu, bản thảo… Họ bị lôi về trụ sở công an thẩm vấn liên tiếp từ ngày này sang ngày khác. Bước vào thế kỷ 21 và nhất là ở vào giai đoạn Việt Nam đã có thể đăng cai tổ chức hội nghị APEC mà vẫn còn có cảnh đàn áp trên đây thì quả thật Việt Nam đã lùi lại vào thời mà cụ Phan bội Châu gọi là thời chưa khai hóa khi các vua chúa Việt Nam cấm đạo bắt bớ những người không cùng tín ngưỡng với mình.

Dù có sống trong những ngôi biệt thự sang trọng, dù có ngồi trên những chiếc xe giá đến cả triệu Mỹ kim, dù có thừa tiền thừa bạc để gởi con cái du học tại các nước văn minh, những kẻ chối bỏ và chà đạp những quyền tự do cơ bản của con người nhứt là quyền tự do ngôn luận và phát biểu cũng vẫn là những con người lạc hậu chưa được khai hóa. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu kiến thức và ngay cả bị tước đoạt những quyền cơ bản nhứt nhưng vẫn giữ được tiết tháo và nhân phẩm của mình đó mới thực sự là những người có văn hóa. Bởi lẻ xét cho cùng có văn hóa thiết yếu là biết tôn trọng người khác và cư xử với người khác không chỉ bằng họng súng, dùi cui hay nhà tù mà bằng đối thoại trong tương kính và tình nghĩa.