ĐEM TRUYỆN THIÊNG VIỆT VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC



1. KINH NGHIỆM ĐẠI HỘI GIÁO LÝ VIỆT NAM

Những người đi dự Đại Hội Giáo Lý Việt Nam Kỳ I tại Los Angeles tháng 8.1991 đều có thể ngồi ghi lại một kinh nghiệm sống động về phương pháp và đường hướng huấn luyện. Nó không bắt đầu bằng những bài thuyết trình. Nhưng bằng những chia sẻ kinh nghiệm của mỗi người đang cảm thấy. Và từ kinh nghiệm sống đó dẫn tới kinh nghiệm ngàn đời của cộng đồng đức tin. Nó “từ dưới đất chui lên” chứ không ”ở trên trời rơi xuống”.

Đây là giáo lý nhập thể, mang xương thịt đàng hoàng chứ không phải một mớ lý luận trìu tượng. Làm sao cho chính mình và học sinh có thể gặp gỡ Chúa Kitô qua kinh nghiệm sống thường ngày. Chúa Kitô ở đây như vậy là cũng đang nhập thể mang xương thịt đàng hoàng, khiến cho người Kitô chạm đến được, cảm thấy được trong hành trình đức tin hôm nay trong không gian và thời gian. Chứ Ngài không phải là cái kết luận do một hệ thống suy tư lý niệm, rất có thể chỉ là một thứ bánh vẽ dẫn tới không tưởng (utopia).

Nhiều người đã chia sẻ:

“Tôi đã gặp được Chúa Kitô qua những chia sẻ và cảm thông tình người”.

“Tôi đã gặp được Chúa Kitô nơi những anh chị em đã bỏ thời giờ và công việc gia đình từ nhiều tiểu bang thật xa về dự đại hội, như từ Maryland, Philadelphia, Virginia, Minnesota, Chicago, Orlando, Pensacola Florida, New Orleans, Houston, Wichita Falls v.v. Họ phấn khởi và đầy lửa, khiến tôi cảm thấy lửa Thánh Thần Chúa đâu phải là Đấng Vô Hình”.

“Tôi đã gặp được Chúa Kitô nơi những anh chị em phục vụ. Họ từ đâu tới mà đông thế. Họ cặm cụi lau nhà, nấu cơm, đón tiếp. Tuy mồ hôi nhễ nhãi mà luôn có nụ cười tươi, thật tươi. Chúa Kitô không đang nhập thể là gì?”

“Tôi đã gặp được Chúa Kitô nơi các cha, các sơ, và anh chị em trong ban nội dung. Sức thiêng nào thúc đẩy mà ai cũng rung một nhịp như nhau, nói một lời đều ăn khớp nhau, khiến cho mọi người trong khóa như đang hòa vào một sức sống chung. Tôi vẫn nghe nói Chúa là Tình Yêu, và Thánh Thần của Ngài là Sức Sống. Tôi vẫn tin vậy. Nhưng bây giờ thì tôi không cần phải tin nữa, mà tôi đang trông thấy”

“Lần đầu tiên tôi đã gặp được Chúa Kitô qua lịch sử dân tộc tôi, qua những ghi nhận kinh nghiệm của tổ tiên đúc nặn nên tôi. Không ngờ mà chính tôi cũng đã và đang nhập thể: vì tôi đã làm người, mang thân xác và tâm hồn Việt Nam. Như Chúa Kitô đã nhập thể làm người Do Thái mang tên Giêsu, tôi yêu đất nước tôi, tiếng mẹ đẻ tôi, truyền thống dân tộc tôi. Tôi như ngỡ ngàng phát giác một điều mới lạ, là lần đầu tiên tôi sống đức tin Công Giáo như một người có xương thịt Việt Nam, Đức tin này mới gọi là đức tin nhập thể, nếu không thì chỉ là đức tin giữa trời không tưởng”.

“ Tôi hãnh diện vì quê hương mình có những truyện thiêng mang ý nghĩa sâu xa tuyệt vời và giữ vai trò quan trọng như vậy đối với tiền đồ dân tộc. Trước đây tôi coi thường, cho là những truyện hoang đường tầm phào”....

2. KINH NGHIỆM CỦA NHÀ GIÁO TÊN LÀ GIÊSU

Có thể nói, bài sư phạm giáo lý mà Chúa Giêsu áp dụng là bài thực hành trên đường Emmaus. Lớp học không ở phòng này phòng kia, mà trên đường đi, tức trong hành trình cuộc sống thường ngày. Tất cả những phương pháp sư phạm và tu đức ngày nay đều theo diễn trình tâm lý này.

Chúa đã không bắt đầu bài dạy bằng những định nghĩa Đức Chúa Trời Mấy Ngôi, Đức Kitô có mấy bản tính, hay tại sao Chúa Giêsu phải chết. Nhưng Ngài đã bắt đầu bằng gợi ra kinh nghiệm của hai người trong ”lớp học” về một biến cố xẩy ra, về một Thời Điểm: ”Hai người có chuyện gì mà có vẻ buồn rầu vậy?”.

Thế là hai môn đệ có dịp xả mọi dồn nén và chán chường: ”Giêsu Maria lạy Chúa tôi, duy chỉ có mình ông là không hay biết gì à. Cả thành phố náo động trong mấy ngày qua. Chuyện xẩy ra thế này...”. Họ có dịp diễn ra được những thất vọng bỏ cuộc sau khi những tin tưởng và hy vọng.

Chia sẻ kinh nghiệm tức là bắt đầu đặt những câu hỏi về cuộc sống, nhân biến cố xẩy ra. Họ cũng bắt đầu tìm giải đáp cho vấn đề vừa nêu ra. Nhiều giải đáp được kiếm tìm. Nhiều lăng kính được đưa ra để soi chiếu thời điểm. Hay là tại thế này, hay là tại thế kia... Rồi họ bị bế tắc.

Đợi cho đến khi họ giằng co vật lộn với chính họ và không có đường thoát thì Chúa Giêsu bắt đầu kể truyện kinh nghiệm tổ tiên, kinh nghiệm của cộng đồng đức tin là cả dân tộc mình qua những thăng trầm, qua những hùng tráng và bi thảm của lịch sử, bắt đầu từ Maisen và các tiên tri.

Có thể từ những truyện Maisen đi vào sa mạc hoang vu cô đơn cùng tột để tìm ý nghĩa cuộc sống, và từ vùng tối đen đó một đốm lửa sáng đã bừng lên. Đùng một cái, Masen nhìn thấy rõ lẽ tất nhiên của hành trình đức tin.

Có thể là câu chuyện Maisen lên núi đi vào mây mù, nhưng chính lúc đi vào cõi hang sâu hun hút như vậy thì ánh sáng Đức Giavê chói lòa.

Có thể là truyện tiên tri Ezekiel với bãi tha ma đầy xương trắng và Thần Khí hồi sinh. Có thể là truyện dân Do Thái đi đầy Babylon ”lớp già thì nghiêng ngả đổ nhào, lớp trẻ thì rời rã suy vi”, bỗng vụt cánh bay lên được do lòng tin vào hành trình của Đức Giavê dẫn lối phải đi như vậy v.v.

Và Ngài đã dẫn tới một kết luận và cũng là câu trả lời mà hai ”học sinh” đang tìm: ”Vậy thì Đức Kitô đã chẳng trải qua đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”

Đến đoạn này thì thánh Luca ghi rõ: ”lòng họ nóng bừng lên”. Họ thấy sao mà câu chuyện người đồng hành kể giống chuyện kinh nghiệm của mình quá. Mạch máu họ bắt đầu chuyển rạo rực hẳn lên. Mặt họ thấy nóng ran lên. Họ cũng đang nhìn thấy một đốm lửa loé sáng từ hang tối trong lòng. Mắt họ như đang mơ hồ nhìn ra ý nghĩa những đoạn đường lên xuống cao thấp thuận nghịch của hành trình cuộc sống vẽ ra. Có một tia sáng đang xuyển thủng màn vô minh ngăn cách những cái hộp nhốt kín không gian và thời gian, để hướng tới một chân trời toàn mãn.

Đợi cho tới lúc Chúa dùng ”biểu tượng” bẻ bánh, thì mắt hai người mới thực sự mở ra. Đó là giây phút con mắt của tiểu ngã nhốt kín to vo trong không thời được phá tung gẫy ra để bừng lên con mắt thứ ba, mắt của tuệ giác, mắt của Đại Ngã Tâm Linh, mắt của Thánh Linh, là thần nhãn.

3. KINH NGHIỆM, KINH THIÊNG, KINH THÁNH

Một việc xẩy ra được ghi nhận lại với một lăng kính là một kinh nghiệm. Cũng giống như một người chụp hình khi chụp một tấm hình là đã ghi cái tâm của mình vào đó rồi. Nhìn vào tấm hình người ta có thể nhìn ra cái tâm của người chụp.

Tất cả các nghệ sĩ, từ nhà thơ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ, đều nhìn thấy một cái gì phản ảnh cái tâm của mình nơi kinh nghiệm cuộc sống mà ghi lại, vẽ ra, tả ra, diễn ra, thành những tác phẩm. Một tác phẩm hay là tác phẩm lột được cái tâm người nghệ sĩ, mà cũng là cái tâm của người thưởng thức. Cái tâm đó là đại ngã tâm linh. Cái tâm này chỉ đạt được khi màn chắn vô minh của cái tôi tiểu ngã đã được ”bẻ ra”, còn quan trọng hơn cái nổ tung ”big bang” của thuở tạo thiên lập địa.

Nếu đã có cái hình đẹp thì cũng có có cái hình xấu, tùy theo lăng kính. Cũng vậy, kinh nghiệm của mỗi người cũng có kinh nghiệm đúng, kinh nghiệm sai, kinh nghiệm hay, kinh nghiệm dở. Kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus là kinh nghiệm méo mó. Câu chuyện họ kể lại đã được nhìn dưới lăng kính khúc xạ, nên hình họ chụp được là tấm hình ”ôi kẻ khờ dại”.

Vì thế kinh nghiệm của mỗi người cần phải được gạn lọc dưới một lăng kính khác cao hơn. Kinh nghiệm ngàn đời của một dân tộc đã được thanh tẩy tích tụ lại thành những truyện thiêng, thành bộ kinh tin của dân tộc ấy, thành bộ lăng kính để soi chiếu mọi kinh nghiệm khác. Đó là kinh nghiệm của cả một cộng đồng ”đức tin”. Lăng kính đó được gọi là ”biểu tượng nguyên sơ”. Chúa Giêsu đã đưa lăng kính tiêu biểu của tổ tiên cho hai ”học trò” đối chiếu để điều chỉnh mà tìm ra hình đúng của con người thật của mình.

Và từ Kinh Thiêng của tổ tiên, Chúa Giêsu đã dẫn tới Kinh Thánh đích thực là chính Ngài, Ngôi Lời nhập thể. Vì Thiên Chúa Cha đã chỉ nói có một Lời qua Con của Ngài, vượt qua chữ viết. Vì đạo khả đạo vô thường đạo: đạo mà diễn được bằng lời thì không phải là đạo vĩnh cửu. Lời Kinh này không đọc được bằng mắt thịt, không hiểu được bằng trí óc, nhưng chỉ đọc được bằng con mắt thứ ba và chỉ hiểu được bằng tuệ giác : thấy được Ngài đang nhập thể có mặt trong kinh nghiệm đời mình.

Tiến trình tu đức cũng như huấn luyện đều nhằm tới chót đỉnh kinh nghệm (peak experinece) là giây phút trên. Có nhiều ngôn ngữ diễn tả kinh nghiệm này lắm. Đó là samadhi tiếng Ấn Độ, satori tiếng Nhật, giác ngộ (breakthrough), thức tỉnh (awakening), loé sáng (enlightenment), trở về (conversion) v.v. Kinh Thánh đã nhiều lần kể truyện người mù được chữa cho sáng mắt.

4. ÁP DỤNG KINH THIÊNG VÀO BÀI GIÁO LÝ

Thử đưa một truyện thiêng trong Kinh Trầu Cau.

Bài này có thể dạy liên quan đến tình gia đình, hoặc bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu, theo tiến trình sư phạm trên. Bắt đầu bằng truyện kinh nghiệm, bác cầu qua Kinh Thiêng dân tộc, rồi hướng tới Kinh Thánh.

A. KINH NGHIỆM TÌNH YÊU

Bạn đang cảm nhận tình yêu trong gia đình? Có lần nào bạn cảm thấy tình yêu từ những hy sinh, từ những ”làm vơi”, ”bẻ mình ra” chưa? Có lần nào bạn được mẹ thức khuya canh cho mình ngủ khi đang đau ốm không?

Truyện kể về hai anh en, cha mẹ mất sớm, nên thương nhau lắm. Gia tài cha mẹ để lại được chia đều cho hai người, mỗi người một cót lúa. Còn đồng ruộng thì chung nhau cấy cầy, đến mùa gặt thì chia đôi.

Một hôm ngủ không được, người em còn độc thân nghĩ việc chia đôi như vậy là không công bằng. Vì anh mình đã có gia đình với bẩy người con, cần phải có lúa gạo nhiều hơn để nuôi gia đình. Còn mình thì độc thân sống sao chả được. Nghĩ vậy nên ban đêm thức dậy đi xúc lúa ở cót của mình lén sang đổ vào cót lúa của người anh.

Trong khi đó thì người anh trằn trọc ngủ không được, bèn nghĩ tới em. Nó mồ côi tội nghiệp, mà lại chưa có gia đình, nên chắc là phải cần nhiều tiền bạc hơn mà lo việc tương lai. Còn mình thì dù sao cũng có vợ con đầy đủ, có gì phải lo đâu. Vì thế chia đôi lúa là không công bằng. Nghĩ thế, người anh liền dậy đi xúc lúa ở cót nhà mình lén sang đổ vào cót lúa của em.

Một thời gian trôi qua. Đêm nào người em và người anh cũng làm như vậy mà không biết việc làm của nhau. Cả hai đều lấy làm lạ là tại sao mình xúc lúa mỗi đêm mà thay vì cót vơi đi thì lại có vẻ đầy thêm ra.

Rồi đêm đó, hai anh em lại tiếp tục làm cái trò tự nhủ ”không công bằng”. Và tình cờ trong đêm tối hai anh em xô vào nhau ở giữa đường, mới vỡ lẽ. Hai anh em ôm nhau xụt xùi cảm động. Và họ đã xây ở đó một trụ đá ghi dấu tích tình yêu.

B. KINH TRẦU CAU: Kinh Tình Yêu

Truyện kể về hai anh em nhà kia tên là Tân và Lang, cha mẹ mất sớm, phải đi trọ học tại nhà ông Lưu Huyền. Hai anh em sinh đôi giống nhau như đúc, và rất thương nhau, ít khi rời nhau.

Ông Lưu Huyền có một cô con gái xinh đẹp rất cảm mến tính nết anh em, muốn kết hôn với người anh, mà không làm sao phân biệt được ai là anh ai là em, nên nghĩ ra cách bưng một bát cơm và một đôi đũa mời hai người ăn, để xem ai là anh. Vì chắc thế nào em cũng nhường cho anh. Thế là cô đã kết hôn với người anh.

Tình vợ chồng thắm thiết hơn thì tình anh em tự nhiên lỏng lẻo ra. Rồi vì nghĩ vì sự có mặt của mình trong gia đình làm phiền hạnh phúc của anh, nên người em đã lẳng lặng bỏ nhà ra đi. Tới một con suối lớn không có thuyền sang ngang, người em ngồi một mình tủi thân khóc ròng rồi chết hóa thành một cây cau.

Đến khi người anh mất em mới bỏ vợ đi tìm đến chỗ bờ suối thì thấy em đã chết, liền buồn quá ôm lấy gốc cây cau mà khóc đến chết thành tảng đá.

Sau đấy, người vợ lấy làm lạ là tại sao chồng mình đi đã lâu mà không thấy về, liền đi tìm. Thấy chồng đã chết, nàng cũng gieo mình ôm lấy tảng đá mà chết luôn, hoá thành dây trầu quấn quít lấy tảng đá, lá có mùi thơm và cay.

Vua Hùng Vương nghe câu truyện này thì cảm thương tình nghĩa gia đình, liền bảo lấy một trái cau nhai chung với lá trầu và đá vôi, thì thành ra một màu đỏ thắm tươi. Và vì thế nhà vua cho lập phong tục ăn trầu cho những dịp đám cưới và hội họp : miếng trầu là đầu câu truyện.

DIỄN KINH

- Anh em dù có thương nhau lắm thì cũng có lúc hiểu lầm nhau. Gia đình nào mà chả có những xung khắc khác biệt như cau với đá hay trầu. Cũng như vật tổ chim tiên trên núi, rồng dưới sông.

- Điều quan trọng là biết quên mình tìm nhau, tìm đến điểm hội tụ ”tương dã” (cánh đồng gặp nhau).

- Tình yêu gia đình không chỉ cô đọng ở vợ chồng mà phải tỏa ra tình anh em, cha mẹ, họ hàng.

- Chỉ khi nào chịu ”bẻ ra”, chịu ”nghiền nát” để hòa được vào nhau như trầu với cau và đá vôi, thì mới trở thành mầu đỏ, là mầu đan tâm, mầu tình yêu.

C. KINH THÁNH

Câu truyện trên đường Emmaus có kinh nghiệm chóp đỉnh ở chỗ ”Người cầm lấy bánh, làm phép, bẻ ra và trao cho hai người, tức thì mắt hai người liền mở ra. Và hai người đã nhận ra Ngài” (Luca 24:30-31).

h trên bàn thờ cũng như tấm bánh cuộc đời của mỗi người Kitô, chỉ thành được từ những hạt lúa bị xay nghiền ra quện lại với nhau. Và chỉ thành của ăn khi bị bẻ ra và nhai nát đi.

Mỗi thánh lễ là một cử hành mầu nhiệm cuộc đời, như lời tuyên bố sau lúc Dâng Mình Thánh: đây là mầu nhiệm đức tin. Mầu nhiệm chết đi và sống lại trong kinh nghiệm tình yêu mỗi ngày.

Mắt muốn mở sáng thì cái tôi tiểu ngã cần phải được bẻ ra. Lúc đó con người hòa vào sức sống thần linh, với đại ngã tâm linh qua nghi thức Hiệp Lễ (communion). Tình yêu chỉ tươi thắm với hy sinh quên mình. Đây chính là giây phút hút hồn cảm hứng.

5. KẾT LUẬN

Karl Jung là tiếng nói uy tín nhất về huyền thoại học. Ông đã quả quyết rằng truyện thiêng không phải là những truyện hoang đường huyền hoặc, cũng không phải là những truyện cổ tích cũ rích chẳng ăn nhập gì với đà văn minh bây giờ.

”Con người cần truyện thiêng không kém cần cơm bánh. Không có những biểu tượng lớn từ truyện thiêng, con người giống như những đứa trẻ lạc; họ bị bỏ rơi không còn nghĩa sống, họ lang thang trong đêm tối. Karl Jung còn tuyên bố rằng con người Tây Âu thật bệnh hoạn, bệnh hết thuốc chữa, vì đánh mất truyện thiêng. Ông ta xin người Tây Âu hãy tìm lại truyện thiêng của mình, đừng chạy theo Phương Đông như những tên bắt chước tội nghiệp, nhưng hãy đào lên kho tàng đã chôn giấu trong truyền thống của mình” (William Johnston, The Mirror Mind, Harper &Row, trang 90)

Lời thức tỉnh trên đây nên dành cho người Việt trong những lạc lõng hiện tại thì đúng hơn.

Chúa Giêsu đa đem truyện thiêng dân tộc mình vào một bài giáo lý, là gợi lên những độ rung đã có sẵn trong máu, trong tiềm thức, trong nhiễm thể di truyền làm thành người Do Thái. Ngài đã hội nhập Tin Mừng vào văn hóa Do Thái.

Muốn đào tạo một thế hệ trẻ tìm lại căn tính của mình, tìm lại con người thực trong sức mạnh tiềm tàng của dân tộc mình, liệu chúng ta còn có con đường nào khác hơn không?

Nguồn: www.dunglac.net