SỨC MẠNH CỦA BIỂU TƯỢNG

ăn thua đủ giữa lái buôn và nhà giáo dục

Ngồi thả hồn theo dòng nước suối chảy rì rào, hay theo gợn mây giăng bay trong chiều gió, ai mà chả thấy tâm hồn mình thênh thang thảnh thơi, vượt lên khỏi những ràng buộc lẩm cẩm thường ngày. Có lẽ người Việt mình đã từ cảm nghiệm này mà diễn tả ra chữ ”phong lưu”. Sống được đạo sống của luồng gió và dòng nước thì lại chẳng phải sống phong lưu là gì. Phong lưu như chim trên trời, cá dưới nước, hoa huệ ngoài đồng.

Gió và nước là những biểu tượng, có sức biến đổi, vì nối được tới một thực tại lớn hơn, một thực tại toàn mãn.

TIẾNG KHÓC KHI ĐỨT CUỐNG NHAU

Thảo nào khi mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

Lời thơ vẫn xoáy sâu vào tâm khảm con người như một khắc khoải triền miên trong suốt cuộc đời đi tìm nốI lại cuống nhau đã một lần bị đứt.

Phim tài liệu ”Phép Lạ Sự Sống” (The Miracle of Life) thật hiếm lạ, đã dùng phương pháp tân kỳ nhất để chụp được diễn tiến việc hình thành một con người, từ lúc thành thai, rồi bắt đầu phát triển qua một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng, đến chín tháng, rồi tiếng khóc oa oa chào đời. Xem phim như đang xem chính mình cách đây mấy chục năm về trước, tôi thực sự xúc động về phép lạ sự sống.

Cái cục thịt bé tí ti kia đã là chính tôi. Nó bắt đầu mọc tay. Cái đầu cựa quậy, bơi lội trong dòng suối tình yêu là lòng mẹ tôi. Đứa bé sống được nhờ cuống nhau là cái ống dẫn chất sống, từ chính sức sống của mẹ tôi, từ chính nhịp tim đập của mẹ tôi, từ chính tình yêu ấp ủ của mẹ tôi...và như đang hát bài lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.

Ấy, đứa bé không biết nhân chủng học hay ”tâm sinh lý xã hội học” gì ráo trọi. Vậy mà nó dạy tôi bài học về một điều mà nhà nhân chủng học Le Debleu gọi là ”participation mystique”, thông hiệp huyền nhiệm. Cái ông Le Debleu này thích dùng chữ nghĩa văn vẻ vậy, chứ thực ra thì đứa bé có vẻ tung tăng bơi lội như con cá đang bơi trong dòng suối cuộc đời, nhờ sức sống của mẹ nó. Đối với nó, lòng mẹ là thiên đàng nhiệm hiệp.

Cho đến một ngày, nó được hay bị kéo ra khỏi bến thiên đường. Đang khi cha mẹ cười tươi, thì nó vùng vằng khóc thét lên. Vì nó vừa mất một cái gì quá lớn. Mâu thuẫn thật, sự sống bắt đầu bằng việc mất sự sống. Nó khóc là phải. Và cả đời nó đi tìm lại cái cuống nhau. Chữ nghĩa hoa hoè hoa sói bây giờ gọi là biểu tượng. Cuống nhau đúng là biểu tượng khởi nguyên cho mọi thứ biểu tượng khác. Cuống nhau có thể là hình ảnh một con chim bay, một đám mây, một dòng suối, một đốm lửa...

Cuộc đời mỗi người có bốn tiếng khóc chính. Tiếng khóc đầu tiên lúc lọt lòng mẹ. Tiếng khóc thứ hai lúc đã lớn khôn phải rời mái ấm gia đình đi lập thân. Tiếng khóc thứ ba lúc rời bỏ tuổi thanh xuân đầy nhựa sống để bước sang trung tuổi. Tâm lí bây giờ gọi là khủng hoảng trung niên (mid-life crisis), dịch nôm là tiếng khóc tuổi xồn xồn. Ở tuổi này thì tiếng khóc mang chất giẫy giụa nhiều. Vì mất mát và trống rỗng, ”đứa bé” xồn xồn hung hăng gỡ gạc bằng nhiều hình thức: kiếm thêm một chỗ đứng cho bớt hụt hẫng bên trong, đeo thêm một vài màn khoe mẽ cho bớt trần trụi. Còn tiếng khóc cuối cùng là tiếng khóc của mùa thu lá bay của cuộc đời. Một buổi chiều vàng nào đó ngồi bên hồ nơi công viên như trong phim ”On The Golden Pond” (Trên Ao Vàng), nhìn chiếc lá vàng mùa thu rơi từ cành cây trơ trụi, ”đứa bé” già không khóc thét được lên như xưa, nhưng trong khoé mắt long lanh giọt lệ, vì sắp đứt lìa cuống nhau cuộc đời này mà sinh ra vào một thế giới đang tới.

TIẾNG CƯỜI HAY SỨC BIẾN ĐỔI CỦA BIỂU TƯỢNG

Có tiếng khóc ắt phải có tiếng cười. Khóc rồi cười. Cười rồi khóc. Tùy ở mức độ tìm lại được cuống nhau cuộc đời. Có điều mâu thuẫn nhất là mọi tiếng cười đều phải do tiếng khóc, đều phải bằng lòng giã từ cái nôi ấm êm cũ để bước lên đi tìm cái cuống nhau nốI vào cái nôi nguồn sống mới ở mức độ cao hơn. Không bằng lòng giã từ để an nhiên bước tới, mà chỉ tiếp tục căn me, chộp giật, chôm chỉa, để khỏa lấp bù trừ, thì mãi mãi sẽ ấu trĩ và trở thành hiện tượng tâm bệnh, chứ không thể trưởng thành được.

Chắc hẳn ai cũng cũng có kinh nghiệm về những giây phút hút hồn. Ngồi ở bờ biển nhìn mặt trời mọc ban mai, trời ơi đẹp quá. Đứng thả hồn vào dòng suối Pecos chảy trên vùng nam Rocky Mountains, cõi mộng là đây, thảo nào có bài hát ”rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng.. .”

Trong một khóa sư phạm giảng viên giáo lý ở New Orleans năm 1991, một tham dự viên bỗng nổi hứng sáng tác ngay một bài hát thật có hồn. Hứng lên vào lúc diễn nghi thức tối khai mạc về biểu tượng nước và lửa. Bầu khí thật linh thiêng, điện được tắt đi hết, chỉ để ánh nến chầp chờn, đồng thời có tiếng sáo vi vút bên cạn tiếng suối róc rách từ một băng nhạc phát ra. Rồi bốn tham dự viên mặc áo trắng dài như những nàng tiên xuất hiện từ từ mang những bình nước rót xuống chậu nước lớn để ở chính giữa, đang khi đó giọng lời ca tiên tri Ezekiel trổi lên: Ta sẽ rảy nước trong ngần, và các ngươi sẽ trở nên tinh khiết...

Mỗi kinh nghiệm đều khác nhau. Có người thấy đê mê hút hồn, mắt sáng lên. Có người bật nhảy mừng sung sướng. Có người nở nụ cười rạng rỡ. Có người sáng tác được những tác phẩm tuyệt vời về nhạc, văn thơ, tranh vẽ... Đó là những giây phút con người phá vỡ cái tiểu ngã nhỏ bé to vo dầy vỏ, mà hòa vào một sức sống lớn hơn, thả hồn vào một thực tại bao la hơn. Nhà tâm lý Karl Jung thì bảo là hủy bỏ được cái Persona (ego) mà hòa nhập vào cái Self, tức là đại ngã tâm linh. Nhà thiền thì nói là xả trống được cái tôi mà nên một với cái ta.

NHỮNG LÁI BUÔN LỢI DỤNG ĐƯỢC BIỂU TƯỢNG

Quảng cáo xe Toyota thật là hấp dẫn. Sau khi đã biểu diễn các màn ”an toàn trên xa lộ” bằng xe Toyota, mấy người theo điệu nhạc bài ”Tố-giô-tà” vút cánh bay lên như chim, nét mặt tươi sáng rạng rỡ...

Có lần nhìn bảng quảng cáo giầy L.A. Gear bên xa lộ, tôi mới chợt sợ kỹ thuật quảng cáo bây giờ: cả tấm bảng rực lửa, có vẻ đầy nhiệt lực, và ngay giữa là đôi giầy L.A. Gear.

Thì ra các lái buôn ngày nay đã nghiên cứu tâm lý miền sâu rất kỹ. Học để mà đánh lừa. Gợi lên từ tiềm thức những hình ảnh uyên uyên, tức là những hình ảnh vốn nằm sẵn trong ước mơ của con người. Rồi trong khi cao hứng nhất thì đưa cái món hàng muốn bán ra, để người xem tự nhiên đồng hóa cái biểu tượng ước mơ với món hàng.

Tò mò về cái kỹ thuật trên, có lần tôi đi dự một khóa cuối tuần về ”Mastering persuasion Techniques” (làm chủ kỹ thuật chiêu dụ) của Anthony Robbins. Nguyên tắc căn bản của khóa: người ta mua món hàng không phải là món hàng, mà mua cái điều đang mơ ước trong lòng, mua cái cuống nhau. Người bán hàng giỏi là người gãi đúng chỗ ngứa đó. Người bán hàng giỏi không phải là người van xin người ta mua hàng, nhưng phải là người làm ơn, đáp ứng những ”nhu cầu” căn bản nhất của con người. Người ta mua là mua cái ”nhu cầu” đó. Mua về rồi có được như vậy hay có dùng tới không lại là một chuyện khác. Người ta đã khéo đánh lừa để thấy đôi giầy hay chiếc xe là cái cuống nhau nối vào được nguồn hạnh phúc, sẽ trở nên thật ”ngầu” chứ không ”dổm” như hiện trạng. Nhưng rồi lại thấy đây chỉ là cuống nhau giả, sẽ chẳng dẫn tới độ bay cao hay rực lửa nhiệt lực như quảng cáo!

Theo Anthony Robbins trong cuốn ”Khơi nguồn tiềm năng trong lòng” (Unleash the Power within) thì cái giá trị khách quan của một món hàng chỉ thật sự có 7%. Còn 93% là do gợi lên được hình ảnh đang mơ ước bên trong của người mua hàng, và những cử điệu diễn tả. Trong quảng cáo xe Toyota, lái buôn đặt trọng tâm vào biểu tượng chim bay (93%) chứ giá trị của xe như bền và đỡ tốn xăng chỉ chiếm 7% mà thôi. Trong quảng cáo giầy L.A. Gear, hình ảnh rực lửa đúng là kỹ thuật đánh lừa tinh vi tột độ. ”Chúa Thánh Thần” đó. Đi giầy L.A. Gear thì bạn sẽ đầy nhiệt lực, sẽ đầy ơn Thánh Thần rồi còn gì! Dại gì mà không mua, chỉ có $49.95 thôi, có cần gì phải học giáo lý hay đi nhà thờ!

Cách thức đắc nhân tâm này ngày xưa Dale Carnegie đã viết thành sách hẳn hòi, nhưng vẫn còn chỉ là lý thuyết suông. Còn bây giờ Anthony Robbins đưa vào kỹ thuật khoa học đàng hoàng, và bắt thực hành tại chỗ. Thẩy hàng ra là đắt như tôm tươi, chôm tiền ào ào.

Chìa khóa của kỹ thuật dùng biểu tượng thật rất cần cho việc đào tạo như giảng thuyết, dạy học, dạy giáo lý.. .Chỉ khác ở chỗ là quảng cáo thì học kỹ thuật đánh lừa, còn giáo dục thì cho cảm nhận sự thật là phải bẻ bánh, bẻ cái tôi ra để mới có thể rực sáng và bay lên. Điều quan trọng vẫn là biểu tượng, chiếm chỗ tới 93%. Đây không phải là một khám phá mới trong khoa sư phạm giáo dục hay sao?

TRỊ LIỆU BẰNG HÌNH ẢNH

Hans Karl Leuner, một nhà tâm lý trị liệu người Đức, đã áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng một chuỗi hình ảnh được hướng dẫn để bệnh nhân tưởng tượng theo như đang sống trong khung cảnh thực. Phương pháp này gọi là GAI (guided affective imagery). Ông để bệnh nhân nằm trong một phòng yên tĩnh, ánh sáng mờ mờ, rồi dùng lời êm êm như lời ru giúp bệnh nhân đi vào trạng thái thư giãn ngơi nghỉ. Sau đó ông dẫn bệnh nhân bằng tưởng tượng qua 10 hình ảnh liên tục.

- Hình 1: bước vào một thửa vườn cây cỏ xanh tươi. Theo Leuner, thửa vườn là biểu tượng của hạnh phúc ban sơ, như vườn địa đàng, như lòng mẹ.

- Hình 2: leo núi. lên núi cao là biểu tượng của sự tiến thân thành đạt trong đời sống.

- Hình 3: dòng suối chảy xuống từ nguồn. Dòng suối biểu tượng dòng sinh lực cho việc phát triển tình cảm. Dòng suối cũng diễn tả chất chữa bệnh. Vì thế bệnh nhân được hướng dẫn tắm mình trong dòng suối hoặc uống nước suối.

- Hình 4: Vào một tòa nhà qua các phòng. Tòa nhà với các phòng là biểu tượng cho những gì con người phóng chiếu những sợ hãi hay mơ ước bên trong ra. Thánh Têrêsa đã áp dụng đường tu đức với hình ảnh tòa nhà bảy phòng.

- Hình 5: Trở lại thửa vườn và gặp một người thân. Biểu tượng này là dịp cho bệnh nhân sống lại những tình cảm tích cực, những lúc sung sướng.

- Hình 6: đối diện với tính dục, một bản năng thường bị kềm chế ấn xuống tiềm thức thành sức công phá có thể rất nguy hại.

- Hình 7: Gặp sư tử trong cũi. Đây là hình ảnh về chính mình với những khuynh hướng bạo động.

- Hình 8: Gặp một người cùng phái mà mình mến phục, vốn hằng ao ước trở nên giống người đó.

- Hình 9: Gặp con quái vật từ trong hang. Đây là biểu tượng diễn tả những gì mình sợ hãi nhưng bị giồn nén bên trong.

- Hình 10: Gặp con giao long nổi lên từ một vũng nước sâu, biểu tượng cho tiềm lực sinh lý bị giồn nén lâu ngày.

Leuner cho biết thường là bệnh nhân có phản ứng sợ hãi chạy trốn ở hai tưởng tượng cuối cùng. Nhưng cũng chính đây là lúc bệnh nhân được giúp đỡ để dám đối diện với quái vật, là bóng tối của chính mình, thấy được những nét tích cực của bóng đen, và có thể kết thân, ”make friend with the shadow” theo kiểu nói của phân tích tâm lý Karl Jung.

( xem thêm Mike Samuels và Nancy Samuels, Seeing with the Mind's Eye, A Random House, trang 196-201)

ĐƯỜNG VỀ GIẾNG VIỆT ÍT NGƯỜI ĐI

Nhà tâm lý Scott Peck trong cuốn Đường Ít Người Đi (The Road Less Traveled), đã diễn tả con đường gian nan là những nỗi khổ sở sợ hãi trong cuộc sống cần phải được đối diện để đi tới. Vì đó là con đường tất nhiên làm cho con người tăng trưởng. ”Nhưng phần đông chúng ta không khôn ngoan như vậy. Chúng ta cố quên hay làm ra vẻ như không có. Thay vào đó là khuây khỏa bù lấp bằng nhiều thứ: chức tước địa vị, công việc ”keep busy”, thuốc, rượu”. Một xị mở mang trí hóa, hai xị giải phá cơn sầu...“Nhưng tránh đau khổ là căn mọi bệnh tâm thần”.

Việt Nam có truyện thiêng Việt Tỉnh rất gần với những biểu tượng trên. Việt Tỉnh là giếng Việt, là nguồn nước, là lòng mẹ, là bọc mẹ chim Âu. Truyện được kết bằng một câu ít ngừi để ý: ”Nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu, hang thì còn trên núi Trâu Sơn. Người đời gọi là Việt Tỉnh Cương vậy”.

Tại sao đường về giếng Việt (Việt tỉnh cương) bị bỏ hoang chẳng còn ai tin theo, nên cả một dân tộc quằn quại hết nước, hết sinh lực?

Câu trả lời được tìm thấy trong câu truyện. Thôi Vỹ đã được hòn ngọc Long Toại, qua một cơn gian nan. Làm việc thiện mà bị đuổi bắt phải chạy lên miền núi, trượt chân rơi xuống hang sâu! Dưới hang sâu lại gặp rắn! Nhưng thay vì trốn chạy, Thôi Vỹ đã kết thân được với rắn: ”bạch xà lập tức ngẩn đầu lên cho Thôi Vỹ cứu, bỗng thấy cả vùng đầy lửa cháy, tia lửa bay vào trong hang...” Biểu tượng này thật giống con rắn lửa Kundalini của Yoga Ấn Độ, hay con rắn lửa Saraph của Moisen trong sa mạc. (Thiên thần sốt mến chuyên gắp than lửa trên tế đàn có tên là Seraphim, nguyên nghĩa là con rắn lửa có cánh bay).

Con đường bị bỏ hoang dưới cái nhìn của tâm lý ngày nay, chính là những khó khăn khổ sở trong cuộc sống ít người dám đối diện bước vào. Con đường khai mạch nối được vào nguồn giếng Việt của Thôi Vỹ nay bị coi là lỗi thời và khó chấp nhận được. Người ta ham chạy theo những con đường trải nhựa. Chính vì thế nguồn nước hạnh phúc cứ bị tắc mạch. Chúa Giêsu đã chẳng bảo phải qua cửa hẹp là gì? Vì đường thênh thang dẫn tới diệt vong.

BIỂU TƯỢNG TRONG GIÁO DỤC

Ngày 18.5.1993, tờ The Times-Picayune của New Orleans có một bài phiếm luận đáng chú ý. Đầu bài là hình một đứa bé đeo kính. Mà hai mắt kính là hai màn ảnh Tivi. Nó được các lái buôn đào tạo để nhìn đời bằng những ống kính hay hình ảnh đã được tính toán hẳn hòi, biến cả một thế hệ thành những khách hàng ”không người lái”. Trẻ thích ăn Domino Pizza là vì bọn Ninja Turtles mỗi lần đi cứu thiên hạ về đều đưa Domino Pizza xuống cống rãnh ăn. Những Raphael, Michel Angelo trong băng Rùa đều là những biểu tượng như Thôi Vỹ. Hèn chi trẻ rất mê loạt phim này và đòi mua cho được bất cứ đồ chơi hay gầy dép quần áo nào có hình Băng Rùa.

Việc đào tạo trẻ em bây giờ đúng là một cuộc tranh thủ giữa các lái buôn và các nhà giáo dục! Các lái buôn đã biết lợi dụng sức mạnh của biểu tượng để đào tạo. Họ đã nắm được giới trẻ. Họ đã biến đổi được giới trẻ.

Trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã dùng phương pháp gì để đào tạo, để biến đổi hai môn đệ đang trong tình trạng rã rời mất hướng?

Câu chuyện Emmaus chính là tiến trình của một thánh lễ. Sau khi được gợi ý để nhìn lại để đối diện với những gì đã xảy ra trong đời mình để thấy được sợi chỉ mầu vẫn nối liền mọi biến cố, hai người thấy lòng mình bật lửa nhiệt tình. Nhưng hai người chỉ thực sự mở mắt sáng khi Chúa bẻ bánh. Đây là biểu tượng then chốt. Kinh thánh ghi lại là ngay lúc đó Chúa biến đi. Tôi hiểu là Chúa không biến đi lên tầng trời nào cả, mà hòa nhập vào trong hai môn đệ như Chúa đã nói ”ai ăn thịt Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”. Hai người đúng là đang trải qua cảm nghiệm “thần nhập”, nhiệm hiệp hòa vào một thực tại lớn hơn, một nguồn sinh lực toàn mãn, gọi là giây phút giác ngộ hay bừng tỉnh con mắt thứ ba tức là tuệ giác.

Được dạy giáo lý hay nghe giảng, đứa trẻ mới chỉ hiểu một cách nào đó thôi, lòng mới chỉ thấy bắt đầu ham mộ. Nhưng đứa trẻ phải chờ đến tác động bẻ bánh, phải được dẫn vào bầu khí của biểu tượng phụng vụ, thì mới thực sự được biến đổi.

Mầu nhiệm đức tin diễn ra trong mỗi thánh lễ được tóm gọn trong ba câu: chết đi, sống dậy, trở lại, để nối lại vòng tròn viên mãn. Đó là con đường ít người đi. Nhưng lại chính là con đường mà Thôi Vỹ đã dám đi để đạt lửa tình sinh động giống như trong đường tu đức của Thánh Gioan Thánh Giá.

ÂU CA DŨNG LẠC

Thánh Dũng Lạc và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những chứng nhân hùng hồn cho niềm tin và con đường Thập Giá khơi nguồn Giếng Việt bằng đường tu đức Việt. Công cuộc đào tạo lớp trẻ bây giờ phải là công cuộc tìm nối lại cuống nhau chứ không chỉ truyền đạt một số kiến thức nào đó. Giáo lý phải dẫn được tới phụng vụ, là tột đỉnh và là nguồn sống.

Bài ”Âu Ca Dũng Lạc” do linh mục Ngô Duy Linh phổ nhạc bằng điệu ngũ cung, bằng nhịp ru lục bát như nhịp thở của hồn dân tộc, và bằng những biểu tượng Việt tộc, là một trong những nỗ lực mang bản sắc văn hóa Việt đóng góp vào phụng vụ và công cuộc đào tạo những con Chim Non Dũng Lạc để có thể mọc cánh bay lên.

Âu ca là bài hát ngợi ca tạ ơn, bài hát của chim Âu, bài hát của đàn chim dũng lạc.

“Niềm Tin mọc cánh chim Âu

Lòng đầy Thần lực tuôn trào suối thiêng

Đường Dũng Lạc, lối bay lên

Hùng Dũng An Lạc như Tiên như Rồng.

Bước theo đạo sống vuông tròn

Mang gươm Thập Giá khơi dòng tình yêu

Con đường nghiền nát trầu cau

Nên màu đỏ thắm nên màu sắt son”.

Nguồn: www.dunglac.net