Hoa hồng nước Mỹ

Nguyễn Bính Châu
Luật sư, TP. HCM
Tác giả kể chuyện đi Mỹ, với một số bài học rút ra

Từ Việt Nam xa xôi cách nhau hơn nửa vòng trái đất, tôi đặt chân lên nước Mỹ và được bước chân vào đại học Mỹ như là một giấc mơ.

Tôi xúc động đi bên cạnh ông George Alexander, vị giáo sư cao niên khả kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật Quốc tế Santa Clara University, người đã tận tình giúp đỡ cho tôi được vào học trường này. Và hôm nay, theo lời mời của ông, tôi đến văn phòng giáo sư thật đúng hẹn để theo ông đến phòng tiệc tổ chức buổi Party Thanksgiving (Lễ Tạ ơn) của nhà trường.

Santa Clara, ngôi trường tôi đang học là một đại học tư rất lâu đời và nổi tiếng thuộc dòng Thiên Chúa giáo được sáng lập từ 200 năm nay và đào tạo rất nhiều vị thẩm phán thanh liêm sáng suốt, những nhà luật học thật nổi tiếng, nên có nhiều sinh viên từ các tiểu bang khác cũng theo về học tại đây.

Tại buổi Thanksgiving này, tôi có dịp quen biết thêm với những người bạn Mỹ, cũng có những luật sư, viên chức chính phủ, đại diện các công ty và hảng luật quốc tế châu A8: Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ.. đang theo học về Luật Quốc tế tại đây. Có một phát hiện thật bất ngờ xúc động ngoài dự kiến của tôi, đó là các bạn rất quan tâm sâu sắc đền Việt Nam, biết rõ Việt Nam đã vượt qua một giai đoạn cực kỳ gian truân, khó khăn trì trệ sau Chiến tranh 1975. Hiện nay, bánh xe lịch sử đã ngưng không còn quay ngược, và đang bắt đầu tiến lên phía trước trên con đường hội nhập và phát triển!

Là các nhà Luật học, tất cả các bạn đều tỏ ý quan tâm, mong muốn rằng Chính phủ sẽ có những cải cách về pháp luật và thực hiện mở rộng việc hoà hợp dân tộc, mở rộng dân chủ hơn nữa, để Việt Nam có thể tiến nhanh hơn trong việc xây dựng mục tiêu: dân chủ, dân giàu nước mạnh, ấm no hạnh phúc.Thì ra, giới trí thức ở đâu cũng có những suy nghĩ trăn trở và đồng cảm, cũng có khả năng hết sức nhạy bén, phát hiện ra được những khuyết điểm của chúng ta một cách thật chuẩn xác và chân tình.

Sau bữa tiệc trên đường từ trường về nhà người bạn gần đó, để xin tạm ngủ trọ một đêm “bụi đời” nơi “đất khách quê người”, tôi bỗng cảm thấy nực cười, vì rằng do mãi mê nói chuyện với các bạn quốc tế (đôi khi gặp phải khó khăn vướng mắc khi diễn đạt bởi ngôn ngữ bất đồng), tôi đã quên khuấy đi mất, việc thưởng thức món gà Tây Thanksgiving của Mỹ để xem hương vị đặc sản Mỹ như thế nào?

Đôi bài học

Tôi qua Mỹ học chỉ có 6 tháng, và rất tiếc là mình đã không thể tiếp tục theo đuổi việc học đến thành tài như dự kiến lúc ban đầu. Nhưng tôi cũng rút ra được những kinh nghiệm tâm đắc của đời mình, và đã sống những chuổi ngày tươi đẹp trong cuộc đời đáng nhớ. Điều trớ trêu, những gì tôi học được chỉ vỏn vẹn là hai câu tục ngữ rất thông thường của ông cha ta, mà do quá quen thuộc nên ta không để ý đến:

Đi một ngày đàng học một sàng khôn:

Mặc dù nhiều người khách hàng quen biết với tôi đang sống ở Anh Úc Pháp và Thuỵ Điển, đều cho tôi biết là bản thân họ lại thích sống ở các nước này hơn là ở Mỹ do hệ thống an sinh xã hội rất nhân bản, họ không bị căng thẳng như cuộc sống quá sòng phẳng thực dụng ở Mỹ. Thế nhưng, tôi vẫn thấy các nước phương Tây và đặc biệt ở Mỹ, vẫn có một đời sống dân chủ khá cao, chính quyền có bổn phận phải phục vụ nhân dân với một tinh thần trách nhiệm cao độ, còn lâu thì các nước châu Á mới bắt kịp được họ về trình độ và quan điểm.

Tôi đề nghị Nhà nước thay vì phải tốn kém tiêu tiền vào các chương trình nghiên cứu cải cách hành chánh nặng về từ chương lý thuyết, thì nên lập quỹ “Học tập vì Tổ quốc” trích một phần kinh phí cho các ông bà chủ tịch tỉnh thành phố, quận huyện đi “tham quan học tập“ở các nước như Singapore, Trung quốc, Mỹ Pháp.. để các ông bà có điều kiện mắt thấy tai nghe, cảm nhận được cách thức người ta điều hành đất nước và phục vụ Nhân dân. Để tránh việc các ông bà chỉ lo bù khú mua sắm, mỗi vị quan chức đi học phải làm bản thu hoạch, ghi nhận những gì mình học tập, đề xuất cách cải tổ guồng máy hành chính do mình phụ trách cho có hiệu quả hơn xưa!

Con ếch không bao giờ to bằng được con bò:

Chúng ta đừng hô hào đặt để những việc xa vời, quơ quào ôm đồm ưu tiên phát triển Công nghiệp nặng, cũng đừng tính chuyện đón đầu thế giới, xuất khẩu xăng dầu tinh chế.. đừng có kiêng cưỡng duy ý chí, lấy cái sở đoản (cái mình yếu kém) thành sở trường (cái mình ưu việt).

Chỉ cần làm cho tốt, phát huy và tận dụng thế mạnh của mình, như phát triển du lịch, giáo dục ĐẠO ĐỨC LỊCH SỰ TƯ CÁCH cho công chức và nhân dân, tổ chức các điểm dừng dọc đường là khu liên hoàn sạch sẽ khang trang: có trạm xăng, có cửa hàng bách hoá, có nhà vệ sinh sạch sẽ nghiêm chỉnh.

Suốt thời gian ở Mỹ, tôi chỉ muốn tìm hiểu là Hoa Kỳ đã có những “bí quyết” gì để họ có thể phát triển đất nước một cách nhanh chóng và tài tình đến như thế. Và tựu trung, tôi có được một cảm nhận thật sâu sắc cái cơ chế và động lực đã khiến nước Mỹ vượt lên các nước khác bằng “Đôi hia bảy dặm”. Đó là việc tôn trọng quyền MƯU CẦU HẠNH PHÚC của nhân dân, quyền con người và các quyền tự do dân chủ khác như: quyền Tự do Ngôn luận, Tự do Phát biểu Chính kiến, quyền Tự do Báo chí, quyền Tự do Kinh doanh, quyền Tự do Bầu cử và Ứng cử.

Tự do bầu cử là một trong những quyền căn bản của con người

Chính Quyền Tự do Bầu cử và ứng cử đã cống hiến bổ sung cho chính quyền một lực lượng đại diện Nhân dân xuất sắc, có đủ trình độ về tri thức và tư cách đáng khâm phục, họ giữ vai trò cùng lãnh đạo, tham mưu tư vấn cho các viên chức việc điều hành guồng máy hành chính địa phương được kịp thời hữu hiệu, hợp lòng dân.

Chính Quyền Tự do Báo chí đã là một vũ khí sắc bén của Nhân quyền, họ có thể kịp thời điều chỉnh những lệch lạc của xã hội, kịp thời phát hiện những khuyết điểm bê bối của chính quyền, những sai phạm về ăn chơi tham nhũng của các quan chức nhà nước, khiến bọn tham nhũng phải chùng tay, bọn bất tài thối nát phải rút lui. Tất cả những chế định này quả là những biện pháp tuyệt vời, những cơ chế chủ yếu đưa nước Mỹ trở thành một cường quốc về kinh tế và chính trị, giàu đẹp và văn minh nhất hành tinh.

Một đặc điểm chính trị đặc biệt nổi bật của Mỹ mà ai cũng dễ nhận thấy là những người giàu có thành đạt rồi thì họ mới bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình bằng cách “tham chính”, chứ không theo “quy trình ngược” của phần nhiều các nước châu Á là: “tham chính” trước, nhờ có chức có quyền rồi thì mới trở nên giàu! Tuy nhiên lịch sử nước Mỹ cũng ghi nhận những trường hợp các Tổng thống Mỹ xuất thân từ cơ hàn như Abraham Lincoln, Richard Nixon, Bill Clinton, đó là những tấm gương lập thân xuất sắc, vượt lên số phận để đạt được vinh quang, là những câu chuyện cổ tích hiện đại, thường chỉ có nhiều ở Mỹ, nơi có truyền thống tìm kiếm và trân trọng nhân tài.

Thật bất ngờ là chỉ vài ngày sau khi đặt chân vào nước Mỹ, khi khởi động cái laptop của một người bạn cho mang theo từ VN, click vào email của tôi thì màn hình máy tính bỗng xuất hiện hình ảnh một con chim đại bàng uy nghiêm đang tung cánh, nếu tôi nhớ không lầm thì chân đại bàng đầy vuốt nhọn cầm một bó tên và bó lúa mì. Đó quốc huy của nước Mỹ và giòng chữ The President of the United States. Thì ra, Văn phòng Tổng thống Mỹ đã lịch sự gửi email chúc mừng tôi đặt chân trên đất Mỹ và giới thiệu cho tôi một website để tìm hiểu về nước Mỹ.

Phục vụ người dân

Trong thời gian ở Mỹ, tôi đã từng được bạn bè kể nhau nghe về việc cả nước Mỹ hồi họp và vui mừng rơi nước mắt khi đội cứu hộ đã giải thoát an toàn một chú mèo con mắc nạn trong một cao ốc, chính trang web Yahoo cũng đã bình chọn con mèo trên là biều tượng cho sự đồng tâm của toàn nước Mỹ. Bản thân tôi đã mục kích việc cả nước Mỹ sục sôi phản ứng khi trên màn hình TV chiếu cảnh một bà mẹ di dân người Mexico đã dúi đứa con nhỏ của bà vào khoang sau chiếc xe hơi, và đoạn phim chỉ thấy cảnh quay những bàn tay của bà cử động như thể phát vào mông của cháu bé. Kết cuộc người phụ nữ đó phải lên TV khóc lóc xin lỗi mọi người và bị kết án tù vì ngược đãi trẻ con.

Việt Nam đang giàu hơn, nhưng số người nghèo bị bỏ lại đằng sau vẫn nhiều

Khi có dịp du lịch Nhật Bản vào năm 2000, bản thân tôi cũng đã từng thấy cảnh TV ở Nhật, chiếu đi chiếu lại hình ảnh một tên hành khách bệnh tâm thần đã leo lên xe buýt dùng dao đâm trọng thương các hành khách khác. Rồi chừng vài giờ sau, một quan chức Nhật bản trông thật nhỏ thó ốm yếu và hiền lành với mái đầu bạc trắng xuất hiện. Ông hồn nhiên như một trẻ thơ và thật trân trọng xúc động, ông vừa khóc vừa xin lỗi bà con bằng tiếng Nhật. Các em tôi dịch lại đây là ông Thị trưởng đã xin lỗi và xin từ chức do không kịp thời ngăn chặn hành vi của tên tâm thần. Những tấm gương về phục vụ Nhân dân ngày nay không hề biến mất như truyện cổ tích, mà nó vẫn còn hiện diện khắp nơi giữa thời đại văn minh này, quả là một bài học sâu sắc và to lớn mà chúng ta cần học hỏi cung cách phục vụ Nhân dân của các Chính quyền hiện đại.

Gần một năm qua kể từ ngày tôi khăn gói ra Hà Nội cùng bà con đi nộp Đơn xin xem xét lại cho người dân theo thủ tục giám đốc thẩm do có sự oan sai và vi phạm pháp luật của bản án, với tư cách là luật sư, và luật sư thành viên Chương trình Trợ giúp Pháp lý Miễn phí của Báo Pháp luật TP.HCM.

Một ngày hành chính xử sai hơn một vụ. Một con số quá lạnh lùng bê bối, và không thể chấp nhận (Nguyễn Bính Châu)

Thú thật đến hôm nay, tôi vẫn không hề nhận được một dòng chữ nào thông báo hồi âm. Tại sao chúng ta lại VÔ CẢM VÔ TÂM đến vậy, đối với những bức xúc đau khổ của Nhân dân, và không hề tôn trọng những Luật sư được quyền hành nghề Hiến định, những đơn thỉnh cầu xem xét lại bản án oan sai, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và Công lý?

Báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao tại Quốc hội vừa qua, cho biết trong năm qua có 7.000 đơn xin xem xét lại bản án, và Toà án Nhân dân Tối cao chấp nhận kháng nghị 300 đơn. Tức có nghĩa là bình quân, một ngày hành chính xử sai hơn một vụ. Một con số quá lạnh lùng bê bối, và không thể chấp nhận cho một nền Tư pháp minh bạch.

Hoa hồng nước Mỹ thật là đẹp, vậy thì tôi vẫn cứ giữ niềm mong ước đất nước thân yêu của mình sẽ có được những bông hồng tươi đẹp bằng con đường phát huy quyền Dân chủ của Nhân dân, tôn trọng quyền hành nghề của Luật sư, biết trân trọng lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của “Nhân dân”, đối tượng phục vụ của mọi Chính quyền trên toàn thế giới.