MỘT VÀI NÉT VỀ TỤC HÀO HÌU TRONG CÁC LÀNG THƯỢNG CÁCH RIÊNG TRONG BỘ TỘC KƠHO-SRE

Ánh sáng Tin Mừng đã giúp đẩy lùi dần các hủ tục vốn hình thành từ lâu đời trong các làng Thượng, nhờ đó cuộc sống trở nên trong sáng và tốt đẹp lên.

Tuy nhiên vì các tập tục, trong đó bao gồm các hủ tục đã ăn rễ sâu trong đời sống Cộng đồng, nên việc phê phán và bài trừ nó cũng đòi hỏi phải suy nghĩ, kiên nhẫn, khôn ngoan rồi cũng cần phải có thái độ mạnh tay để gây ý thức rằng : những hủ tục là điều không tốt và nên loại bỏ càng sớm càng hay khỏi sinh hoạt Cộng đồng.

Có một tập tục gọi là hào hìu, (hào là lên, hìu là nhà), là tập tục người con gái đến nhà người con trai để công khai hóa chuyện hai người lâu nay vẫn ẩn dấu trong bóng tối, và một khi đã công khai hóa thì phải đi tới quyết định : hoặc là cưới hay là không cưới thì phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho người con gái.

Nếu cưới thì phải làm nghi thức jơrkă khà, nghĩa là bẻ cái thẻ tre để làm dấu về của hồi môn mà nhà gái phải trả cho nhà trai.

Ví dụ : cái thẻ thứ nhất là một con trâu, cái thẻ thứ hai là một chiếc ồi (cái khăn), cái thứ ba là một cái áo…

Cũng cần phải hiểu rằng vì trong một Cộng đồng ngày xưa không có chữ viết nên người ta phải dùng thẻ tre, và rồi trở thành một tập tục truyền lại cho con cháu cho đến ngày nay.

Sau khi cha mẹ họ hàng bên gái chấp nhận (đư khà) các điều kiện về của hồi môn mà bên trai đưa ra thì đến nghi lễ gọi là bơcik bồ, nghĩa là trai gái cụng đầu nhau tỏ sự ưng thuận chính thức.

Còn nếu không cưới thì phải bồi thường (tơm dồs) những thiệt hại đã gây ra cho người con gái bằng một số tiền hay hiện vật nào đó, nặng hay nhẹ do phía người con gái định đoạt.

Tục hào hìu được người Thượng chấp nhận như một sinh hoạt bình thường của xã hội Thượng, nó làm công khai hóa mọi chuyện quan hệ gái trai, dù là quan hệ chính đáng tiến tới hôn nhân hay là không.

Đàng khác, tục hào hìu làm cho chàng trai phải trả lẽ trước người con gái và gia đình của nàng. Cũng có trường hợp cha mẹ con trai cảm thấy bị nhục nên la mắng và rượt đánh con mình.

Nhưng lại gỡ gạc danh dự cho người con gái, nếu chẳng may đã có tí nhau mà chàng lại không muốn tiến tới hôn nhân nữa, như thế người con gái tránh được tiếng dri-tơlàr (hoang đàng) hay có khi là bun tir (chửa không chồng), điều này là tai họa cho cả đời con gái.

Có thể nói rằng đây là một tập tục rất đặc trưng của người Thượng, đặc biệt trong bộ tộc Kơho-Sre vùng Njrềng (Di linh), nó cũng nói lên rằng trong xã hội Thượng chuyện trai gái có quan hệ với nhau không thể được che giấu mãi trong bóng tối, nó sẽ bị đưa ra ánh sáng để bắt buộc người con trai là kẻ chủ động phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Chuyện một con gái có con mà không chồng cũng bị dư luận lên án nghiêm khắc, nên không một con gái nào dám giấu nhẹm chuyện riêng tư, dù có lỡ lầm mà không hậu quả mặc lòng, họ cũng bị buộc phải công khai hóa, nếu không thì chính gia đình cũng không thể chấp nhận.

Hào hìu cũng có thể gọi là một thứ tòa xử trong phạm vi giữa 2 gia đình, người con trai phải cưới hay phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho con gái.

Thí dụ sau đây có thể giúp hiểu sự việc :

Anh K’A đã ngủ (bic) với cô K’B, không cần biết hai người có thương và có ý định cưới nhau hay không, trong thời gian quan hệ cô K’B phải cố gắng làm sao lấy được một đồ vật nào đó của anh K’A để sau này làm bằng chứng, có thể là một cái quẹt, một cái khăn tay hay bất cứ một loại đồ vật khác để làm bằng chứng rằng : “Anh ta đã (bic) ngủ với tôi, nay tôi công khai hóa trước cha mẹ, bà con họ hàng của anh ta, và anh ta phải cưới hay là phải bồi thường cho tôi...”

Có một số từ ngữ chuyên môn trong lãnh vực này :

Bơjồ có thể dịch là thăm thử, người con trai khi thấy con gái vừa ý mình thì ban đêm đến thăm thử, xem cô ta có chịu không, nếu chịu thì gọi là rờm (chấp nhận), rờm rồi thì mới bic, (có thể hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), khi ấy thì hai người là tir (người yêu) của nhau.

Ví dụ : K’A tam tir mơ K’B = K’A và K’B yêu nhau.

Người con gái phải có vật chứng như đã nói, nên phải kup phăn (giữ vật chứng).

Sau đó là hào hìu sau một khoảng thời gian nào đó được thỏa thuận giữa hai 2 người nếu tiến tới chuyện cưới xin. Còn nếu không cưới thì cũng phải hào hìu như đã nói trên kia.

Tục hào hìu thời nay dần dần ít đi, có lẽ do ý thức về hệ quả tâm lý mà người con trai và người con gái phải gánh chịu trước những tiếng đồn thổi trong dư luận, và nhất là do mặc cảm tội lỗi nữa.

Có một số người Thượng muốn cải thiện đời sống luân lý của Cộng đồng nên lên án tục hào hìu, họ cho rằng nếu là chuyện vô luân thì không nên công khai hóa mà nên chôn vùi nó đi, trừ phi do hậu quả nơi người con gái không thể chấp nhận được.

Hơn nữa người con gái có thể trở nên “lờn mặt” (lào ir), sau một đôi lần như thế thì không còn biết xấu hổ và cứ sống kiểu “ngựa quen đường cũ” rất tai hại.

Trường hợp này đã xảy ra không ít.

Trong vai trò thánh hóa, Hội Thánh cần biết những điều phải biết, giống như một lương y phải biết biết bệnh thì mới biết phương thuốc mà chữa cho bệnh nhân.

Nơi nào không ai dạy bảo thì người Thượng thời nay chẳng khá hơn thời xưa về chuyện này. Đáng buồn hơn nữa là mang danh Kitô hữu, nhưng đời sống luân lý chẳng những không Kitô hóa mà vẫn như xưa.

Thiết tưởng cần phải lên án và bỏ tục hào hìu, thay vào đó đề cao hình thức bao lăp rò, trong sáng, đạo đức, đề cao phẩm giá hôn nhân và phẩm giá con người.

Kỷ niệm 80 năm truyền giáo

cho người Dân Tộc Giáo phận Đàlạt.

Lm. Phanxicô Xaviê K’Brel

www.simonhoadalat.com