SUY NGHĨ VỀ NẠN UỐNG RƯỢU TRONG CÁC LÀNG THƯỢNG

(MỘT SỰ LÊN TIẾNG – DÙL BƠTA KƠMRÀO)

Khi nhận định về chuyện này thì ưu tư lớn nhất là sao cho công bằng và xác thực, thấy sao thì nói thế. Dĩ nhiên đòi hỏi phải mắt thấy tai nghe, đã có thời gian dài tiếp xúc với thực tế. Nói như thế là để lưu ý rằng không nên chỉ phỏng đoán dựa trên dư luận từ bên ngoài, bởi vì điều ấy sẽ đưa tới những nhận định phiến diện, vội vàng, thiếu cảm thông và có khi gây ra những xúc phạm không nên có đối với một anh chị em Dân tộc.

Nhưng cần thiết phải có cái nhìn từ bên trong, cái nhìn cảm thông của con người trong cuộc, và cần phải tìm hiểu được thế nào và tại sao.

Để bàn giải vấn đề một cách thấu đáo và sâu rộng thì không phải là chuyện dễ, nó cần phải liên hệ tới nhiều ngành chuyên môn khác nhau và làm việc thật khách quan và khoa học, nghĩa là có thống kê, có so sánh và đánh giá.

Đây chỉ là một cái nhìn cá nhân của người đã từng sống trong cuộc với anh chị em của mình.

THỬ ĐÁNH GIÁ VẤN ĐỀ TỪ BÊN TRONG

Có lẽ không nên ngộ nhận cho đây là một tục lệ, mà chỉ nên gọi đó là hủ tục đã phát triển và tồn tại lâu dài trong đời sống người Thượng, bởi vì nếu là tục lệ mà tiếng Thượng gọi là bơhiàn thì luôn có chủ đích tốt là xây dựng con người, xây dựng gia đình và Cộng đồng. Còn nếu là hủ tục (ờ di bơhiàn) thì nó gần như là một thứ tệ nạn xã hội làm giảm hạ phẩm giá con người, gây thiệt hại cho gia đình và cho cả Cộng đồng nữa. Vậy thì nên nhận định rằng đây chính là một loại hủ tục đã tồn tại lâu đời, đã không được và không có ai có đủ thẩm quyền, đủ uy tín để bài trừ và lên án quyết liệt, nên với thời gian người ta lại có thái độ dung dưỡng, và chấp nhận như một chuyện đương nhiên trong cuộc sống. Một người, hai người, ba người sống như thế và rồi lây lan cho cả Cộng đồng, chuyện còn một số ít người nào đó sống khác với lề thói ấy được coi như là hiếm và lạ.

Hẳn là chuyện này không riêng gì ở thế giới của người Thượng.

Uống rượu hút thuốc là chuyện thường tình như bao dân tộc khác, người Thượng nào mà cũng thế thôi, ai sống không rượu không thuốc (ờ alăk-tơpai, ờ jrào-bơkao) là chuyện khác người và thường sống tách biệt với hàng xóm.

Hoặc chuyện trước đây một thanh niên hay thanh nữ ờ tir ờ dờr, có nghĩa là không biết chuyện ấy trước khi lập gia đình cũng có mà hiếm, chỉ có tại những nơi có nền giáo dục tốt, hoặc ý thức do được niềm tin tôn giáo đem đến.

Cả đến chuyện này nữa cũng không phải riêng cho người Thượng.

Không nên vơ đũa cả nắm, thực tế chứng minh được cho thấy vấn đề còn tùy từng hoàn cảnh, tùy từng môi trường giáo dục gia đình và từng truyền thống dòng tộc nữa.

Cũng nên biết rằng luôn có những con người mà người ta gọi là “Cau ngăn cau ngồn”, nghĩa là người ngay chính, và cũng có những dòng họ người ta gọi là “Nòi ngăn nòi ngồn”, nghĩa là dòng tộc danh giá, họ luôn ý thức bảo vệ danh dự gia tộc, nên không chấp nhận việc rượu chè bê tha, nhất là trong chuyện quan hệ nam nữ trước và ngoài hôn nhân, họ gọi đó chuyện “rềs àr”, nghĩa là vô luân, chuyện trái khoáy, xui xẻo, chuyện đáng xấu hổ “bàssìl-bàsso”.

RƯỢU TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI THƯỢNG

I. MỘT VÀI LÝ LẼ CỦA VIỆC UỐNG RƯỢU

Có lẽ ở trong cuộc thì hiểu vấn đề của mình, đồng thời có sự thông cảm trong cách nhìn.

Cuộc sống của người Thượng trên miền núi rừng này từ xa xưa có gì mà vui, quanh năm suốt tháng sống trong cái khung cảnh đơn điệu, chỉ biết chuyện rẫy nương, do vậy chuyện ngồi bên choé rượu là một sự thư giãn đôi khi cũng cần, một thú vui chưa phải là xấu, bởi vì nơi ấy là nơi cởi bỏ nỗi lòng, gác một bên sự vất vả gần như bất tận, ngồi chia sẻ chuyện đời, chuyện ta, chuyện người…, hơn nữa rượu cần uống vào tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái…, con người lâu lâu bay bổng một chút, chứ ở mãi dưới mặt đất này mà phát rẫy làm nương miết thì chán chịu sao nổi !

Nếu chỉ có chừng ấy thì không thấy có lý do mạnh để kết án chuyện anh em uống rượu là xấu, đó vẫn còn là chuyện ở mức mà họ gọi là bơhiàn kòn cau, lành mạnh và tự nhiên. Cuộc sống không thể thiếu rượu, bởi vì rượu làm vui lòng người, rượu là phương tiện liên kết con người với nhau, làm hài hòa tình anh em, bè bạn, xóm làng, là miếng trầu mở đầu câu chuyện…, thực khó tưởng tượng quan hệ bà con họ hàng và Cộng đồng mà lại không có rượu, như chuyện dựng vợ gả chồng, chuyện đất đai, chuyện làm ăn sinh sống, chuyện vay mượn… rất khó có thể làm được chuyện này nếu chỉ là một tay không hề biết uống rượu.

Đàng khác có thể thấy rằng người Thượng sống ở miền rừng núi, nên thích hòa đồng với những người xa gần, tính hòa đồng ấy được thể hiện cụ thể nhất nơi việc uống rượu với nhau, hai người chưa quen biết nhau chỉ cần một chầu là nhớ nhau suốt đời, hoặc hai người đang có chuyện gì xích mích hoặc khó với nhau về chuyện gì đó, chỉ cần một choé rượu là làm hòa và dễ dàng cho nhau. Trong một lịch sử dài người ta thấy rằng rượu là phương tiện giải hòa những xung khắc gia đình, xóm làng, Cộng đồng, khi người ta ngồi uống rượu với nhau thì mọi sự coi như đã giải quyết xong.

Như vậy thì chỗ đứng của rượu quan trọng biết chừng nào, nó thường được xếp sau cơm gạo nếu được nhìn theo cách nói sau :

Piăng – tơrnờm – jrào-bơkao nghĩa là cơm rồi đến rượu, rồi đến thuốc hút, là những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống con người, không có rượu uống, không có thuốc hút thì không chết, nhưng cuộc sống buồn tẻ đìu hiu chốn núi rừng này.

Vì thế rượu được xếp sau cơm gạo mà thôi.

Do vậy mà ai cũng thấy thời xưa gia đình nào cũng có sẵn choé rượu để phòng khi có khách đến nhà bất ngờ thì có cái lấy ra mà đãi.

Cũng cần nêu ra một số lý do cho việc uống được nhiều người Thượng chấp nhận là chính đáng, hợp lý hợp tình (bơhiàn), có thể kê ra một số trường hợp như sau :

1. Uống rượu đãi khách

Người Thượng có câu nói cửa miệng : “Năc mut hìu, klìu mut trồm”, (khách vào nhà như cọp vào hang), nghĩa là chẳng mấy khi có dịp, được đến thăm là quí hóa lắm. Đó lý do mạnh cho việc uống rượu đãi khách, có rượu thì việc đối thoại với khách sẽ ra chuyện hơn. Do vậy nếu không say thì phải ngà ngà mới đạt, gia chủ càng cho khách uống say thì càng cho rằng mình hiếu khách và sành điệu trong giao tế, còn về phía người khách nếu từ chối sẽ bị gọi là chê gia đình người ta, do vậy cũng phải biết điều mà uống cho người ta vui lòng. Nói tới đây cho chúng ta hiểu rằng có một thứ luật tục bất thành văn nào đó khi uống rượu, đã uống là phải uống say, rượu đã vào thì lời phải ra, khách và chủ nhà có lúc hát ca vui nhộn cả nhà, nếu có say quá mà tè ra quần cũng chẳng ai cho đó là chuyện đáng chê trách, hơn nữa người ta còn cho là người biết sống hết tình và tạo nên một kỷ niệm khó quên.

Đó mới chỉ là một cái lý về chuyện uống rượu trong làng Thượng.

2. Uống rượu trong lễ nghi cúng bái

Có thể cho rằng dân tộc Thượng là dân có tâm tình tín ngưỡng sâu đậm, trong cuộc sống của họ luôn luôn diễn ra những cuộc cúng tế, nó phù hợp với các chu kỳ của một vụ lúa là sinh hoạt kinh tế chính yếu, ví dụ :

Khi gieo xạ thì cúng xạ lúa (lơh-yàng sih kòi).

Kết thúc một vụ cày thì cúng rửa chân trâu (lơh-yàng rào jơng rơpu).

Khi lúa đã đòng đòng thì cũng cúng (lơh-yàng kiăp sre kiăp mìr).

Nghĩa là liên tục trong một năm thường trong mỗi gia đình có ít nhất là 7, 8 lý do và dịp cho việc cúng tế, khoảng cách chỉ trong vòng một tháng mà thôi.

Trong những trường hợp bất thường như qua khỏi một cơn bệnh, một tai nạn, người nhà đi xa trở về… đều có buổi cúng tế để tạ ơn thần linh đã ban phúc lành, cho tai qua nạn khỏi.

Dĩ nhiên trong các buỗi cúng tế như vậy rượu luôn có chỗ đứng quan trọng, cúng mà không có rượu thì không ra cúng, họ dùng tiếng gọi là “Nô lơh-yàng”, dịch là uống cúng, nghĩa là cúng và uống là một, mà không cúng thì lỗi bổn phận với thần linh có khi sẽ bị thần linh phạt, do vậy trong buổi cúng thì uống say không sợ bị ai chê trách. Cả gia đình có nghĩa vụ cúng tế thì phải cho phép uống, hay nói theo kiểu nói vui : “Cúng cho thần mà thần mà thần chỉ ăn hương ăn hoa, còn lại thì ta xơi chớ !”. Do vậy, choé rượu bỏ ra thì phải uống cho nhạt, nếu một choé không đủ say thì phải một choé nữa.

Thế là thêm một cái lý khác nữa !

3. Uống rượu trong hội hè, đình đám

Hội hè thì có nô wèr, là cúng cầu mưa của cả làng, mỗi năm chỉ diễn ra một lần, nay hình thức cúng tế hội hè này nơi bộ tộc Sre-Koho không còn được duy trì nữa, lý do là vì những thay đổi xã hội bên ngoài quá nhanh, môi trường thiên nhiên không còn thích hợp như thời xưa, những nhà để cúng gọi là Hìu wèr không còn được xây dựng, giếng nước dùng chung cho cả làng cũng không còn, nên hình thức hội hè cúng tế này coi như đang trong thời kỳ khó còn lý do để mà tồn tại.

Đình đám thì cũng như những dân tộc anh em khác là đám cưới và đám tang, là lúc người ta say xưa nhiều hơn cả.

Trong đám cưới, chàng rể là người bị thử sức nhiều hơn cả. Nơi bộ tộc Sre-Koho khi đi mời đám cưới thì chàng rể phải đích thân đến từng nhà một, giấy mời thì chỉ là chữ chết nên phần lớn chưa quen, phải đích thân con người đến mời thì mới có tình có nghĩa, và thế là chàng rể phải uống từ nhà này sang nhà kia, uống cả ngày lẫn đêm ít là năm ba ngày, nhiều chàng chịu không nổi nên khi về thì dáng người trở nên tùy tiều tụy hốc hác trước khi có thể về tổ chức tiệc cưới tại chính nhà mình.

Nói chung muốn làm rể thì không những chỉ biết phát rẫy làm nương, mà phải sành uống rượu nữa, có như vậy mới có thể sống với bà con dòng họ cả nội lẫn ngoại, phải biết tiếp khách và hòa đồng với mọi người.

Trong chính bữa tiệc cưới thì thường diễn ra rất rôm rả, rượu cần và cả rượu đế có thể nói là chảy như suối, không chỉ có thế, tiệc cưới còn diễn ra ít là ba ngày, hết nhà chàng rể lại về đến nhà cô dâu, khi họ bên này sang nhà họ bên kia thì chân nọ đã đá chân kia rồi. Dù vậy, tập tục vẫn đòi hỏi người ta phải chu toàn nghi lễ, tôi đến nhà anh thì anh cũng phải đến nhà tôi, tôi uống nhà anh một choé thì anh cũng phải uống nhà tôi một choé, nếu đã say rồi thì phải uống cho say nữa, say cho đến không đi được nữa thì thôi, như thế anh mới là người sống trọn tình trọn nghĩa, mới đúng với tục lệ từ ngàn xưa.

Còn trong đám tang thì phải nói như thế nào ?

Ở đây chỉ xin nêu một điển hình.

Đám tang nơi bộ tộc Kơho-Sre là lúc người ta uống rượu nhiều hơn đám cưới, lúc ấy là lúc mà người gọi là sa boh chơt, nghĩa ăn thí, ăn cho hết không nên để lại, vì người đã chết rồi nên không để nữa. Thế là kẻ khóc thì ít, mà kẻ vui cười thì nhiều, cũng không ai cho đó là chuyện trái khoáy, mà ngược lại đó là những người sống có tình có nghĩa đối với kẻ chết và gia đình tang quyến.

Người trong cuộc không lấy làm lạ khi thấy rằng mỗi khi có ai qua đời thì lần lượt nhiều người mang tới những lít rượu, họ là những bà con xa gần, họ mang rượu đến gọi là alăk tăc nhơm, nghĩa là rượu tắt thở, rồi sau đó là rượu alăk tơngăc, nghĩa là rượu tiễn chân. Thế là khách dự lễ tang tha hồ mà uống ngày uống đêm, ai than khóc thì cứ việc than khóc, còn ai uống thì cứ việc uống, uống cho vơi nỗi buồn biệt ly, uống để xua đuổi thần chết đi xa khỏi thế giới này… uống cho đến khi chôn cất xong, về uống tiếp, cho đến khi mọi sự trong nhà tang được thu xếp ổn thỏa.

Có thể nhận rằng : Trong đám tang ngời Thượng ít thấy bầu khí tang thương nặng nề, thay vào đó nó cái vui như ngày hội vui gia đình và họ hàng, không buộc mọi người phải mang bộ mặt sầu thẳm, không cần những bài ai điếu để tăng thêm vẻ bi ai và gây thêm những tiếng khóc, nếu có thì chỉ là ít người, còn phần lớn những khách hiện diện cứ việc dùng rượu để làm cố xua tan nỗi buồn tang chế.

Đó mới chỉ là một số những cái lý cho việc uống rượu được mọi người chấp nhận là chuyện đương nhiên (di bơhiàn), vậy thì vẫn còn có những cái uống rượu không được chấp nhận là chuyện đương nhiên (ờ di bơhiàn).

Vấn đề đặt ra là chính từ cái đương nhiên (bơhiàn) ấy mà hình thành một thế hệ bợm rượu, cái ranh giới giữa di bơhiàn và ờ di bơhiàn là rất mong manh.

Nói cách khác, chính cái tập tục sinh ra cái hủ tục, khi việc uống rượu không còn được kiểm soát bằng sự điều độ nữa thì là sự quá độ và tai hại. Sự khó khăn và phức tạp chính là ở đây.

II. NHỮNG ĐIỀU LO NGẠI VỀ RƯỢU TRONG CÁC LÀNG THƯỢNG

Rất có lý để nói rằng thời nay vấn đề uống rượu trong các làng Thượng đã đến mức đáng báo động.

Trước hết là hậu quả về sức khỏe : bệnh về gan, về nội tạng…

Giảm tuổi thọ do việc uống rượu quá độ, nhiều anh em đã bị bệnh và chết, lý do có thể kiểm chứng được là do uống rượu.

Hơn nữa có những thứ rượu rẻ tiền và độc hại được bán cho người Thượng, điều này dĩ nhiên cần sự tham gia của chính quyền và sự kiểm chứng của ngành y tế, để kiểm định vấn đề rõ ràng hơn.

Chuyện này cũng chưa ai làm được.

Theo truyền thống, người Thượng ít khi uống rượu không có lý do như đã nêu trên, nhưng bối cảnh thời nay đã thay đổi nhanh chóng và khác xưa một trời một vực, cụ thể là rượu rất sẵn, rất rẻ tiền.

Phần lớn đàn ông và giới trẻ sống bằng nghề nông tìm rượu như một sự giải khuây, giải tỏa nếp sống buồn tẻ, cô độc, giải nghiện…

1. Uống rượu giải khuây

Hiện tượng uống rượu giải khuây là hiện tượng chung của xã hội, Kinh Thượng như nhau.

Tuy nhiên trong xã hội người Thượng, ta có thể thấy có những lý do và những nét riêng. Điểu giúp hiểu hơn, có thể nghiên cứu về tập tục ăn uống của người Thượng, hiện nay nạn thiếu ăn thiếu mặc không còn đáng lo, nhưng họ ăn uống nhạt nhẽo, chỉ có cơm với rau là chính, cá thịt thì lâu lâu mới có. Do vậy tạo nên cảm giác thèm ăn thèm uống do thiếu chất dinh dưỡng cho cơ thể, nên nhiều người giải quyết bằng việc uống rượu, nhậu cho đỡ thèm, trong khi rượu thì rẻ tiền hơn thịt cá.

Người Kinh cũng có nhiều người uống rượu, nhưng họ biết chọn rượu ít độc hại hơn, còn người Thượng thì “xơi tất”, cái tai hại là ở chỗ đó.

Ăn uống thiếu thốn, làm việc cực nhọc đưa tới việc thèm ăn và tạp nhậu.

Người kinh ăn uống chú trọng sự dinh dưỡng cơ thể nhiều hơn, vệ sinh hơn trong ăn uống, việc ăn nhậu của họ dù sao hợp lý hơn. Điều này cho thấy trình độ ăn uống của người Thượng vẫn chưa khá, cụ thể là ruồi nhặng quá nhiều trong bàn nhậu.

Việc đồng áng, nương rẫy tự nó rất đơn điệu nên tìm vui trong rượu.

Thiếu chữ nghĩa cũng là một lý do : không tiếp cận được nguồn giải trí lành mạnh như sách báo, phim ảnh lành mạnh… nên không biết làm gì khác hơn là ngồi uống rượu với nhau cho đỡ buồn.

Rượu làm cho mệt thể xác, sinh bê trễ trong công việc làm ăn, nhiều người đã uống thì phải uống cho đã, thiếu điều độ. Do vậy dẫn tới chứng nghiện rượu nên ngày nào cũng uống, hay tìm dịp, tìm bạn rượu để uống với nhau. Nếu đã có gia đình thì thường tránh gia đình để uống và hay xảy ra “sáng say tối xỉn”, thế là tình nghĩa vợ con trở nên bạc bẽo, nếu chưa nói là tan vỡ.

2. Uống rượu đã giải tỏa nếp sống buồn tẻ

Hiện tượng này có thể xảy ra nơi những người đã lớn tuổi, đàn ông cũng như đàn bà. Có thể khi còn trẻ họ ít uống, nhưng nay lớn tuổi ít giao tiếp nên hễ có dịp là phải uống cho say để bù trừ tháng ngày cô đơn :

“Tao phải uống, vì ngày mai tao chết tao ăn đất.” – “An nô, chơt hìngnau sa ù.”.

Đó là cái lý của người già, rượu vào thì lời ra, ăn nói lè nhè dông dài, làm gương xấu cho con cháu.

Cũng có thể những người già có những lý do rất chính đáng như : Ta sống không còn bao lâu nữa, thời gian năm tháng ta gặp nhau rất có hạn, nên ta uống với nhau cho vui cuộc đời, vì khi ta chết là sự biệt ly. Nói chung việc uống rượu cũng có lý lẽ sâu xa, chứ không chỉ là sự thông thường như nêu trên kia. Ở đây có thể thấy một điều : nhu cầu tình cảm bà con họ hàng xa gần, chỉ có uống rượu là nơi để cho tình cảm được chan hoà với nhau.

Một kiểu suy nghĩ khác cũng cho thấy rằng : hạnh phúc của họ là những người bà con xa gần. Thế giới này rộng bao la thật và người đông như kiến, nhưng ta vẫn cảm thấy cô đơn nếu thiếu anh chị em dòng họ xóm làng, nên ta phải uống và uống cho say để thắt chặt tình ta với nhau.

3. Giải nghiện

Có bao nhiều kẻ nghiện rượu ? chúng ta không có số liệu thống kê cụ thể, chỉ biết rằng có rất ít người không uống rượu, cũng có rất ít người biết uống điều độ và chừng mực.

Nghiện thì coi như rượu trở thành nhu cầu không thể thiếu hằng ngày, nửa lít, một lít, hay hơn nữa…, một số làng có thể chứng minh được có nhiều người Thượng cả đàn ông lẫn đàn bà tiêu thụ rượu hằng ngày, bắt đầu ngay từ sáng sớm, nghĩa là ngủ dậy đã thấy thèm rượu và tìm cách giải quyết cơn thèm ấy ngay.

III. THỬ ĐI TÌM MỘT LỐI THOÁT

Đó chỉ là một cái nhìn, không khoa học, nhưng thực tế, cụ thể, mắt thấy tai nghe, sống trong cuộc.

Chuyện uống rượu thì không riêng gì người Thượng, thời nay Kinh Thượng uống rượu như nhau, nhiều nơi còn là bạn nhậu thân thiết.

Có điều bối cảnh lịch sử, tập tục đã tạo đà cho việc uống rượu của người Thượng : uống quá nhiều sinh bệnh tật, sinh bê trễ công việc làm ăn, sinh tai hại cho tình nghĩa gia đình, tai hại cho nòi giống…

Lên án và cấm đoán thì nhiều rồi, nhưng chỉ như đổ nước đầu vịt (tuh dà dơ bồ ada).

Nhiều người cho rằng : Anh em Tin lành đã thành công lớn trong việc bài trừ tệ nạn uống rượu – nhưng cũng phải coi lại, vì có thông tin chứng minh rằng, vẫn có người “uống trả đũa” sau nhiều ngày nhiều tháng phải nhịn, kể cả nhà truyền đạo.

Dù sao đi nữa phải phục họ về vấn đề này, và con số theo Tin Lành ít hơn Công-giáo. Lý do : Công giáo không cấm uống rượu – đó cũng là một vấn đề ?

Vậy thì tìm cách thay rượu bằng một cái gì đó tốt hơn.

Ví dụ vấn đề ẩm thực của người Thượng, làm thế nào cho họ ăn ngon hơn, no hơn, bổ dưỡng hơn, như thế con người của họ sẽ khỏe mạnh, đỡ thèm thuồng và sinh chứng tạp ăn tạp uống.

Người Thượng cũng nên biết giải trí bằng những phương tiện lành mạnh như thể thao, phim ảnh, du lịch trong khả năng của họ, như vậy làm cho cuộc sống vui hơn, đỡ nhàm chán, đỡ tìm vui trong rượu.

Khách đến nhà là điều quí, có lẽ nên tiếp bằng gà hơn là sát phạt bằng rượu.

Dĩ nhiên phải có người khởi xướng và hướng dẫn, vấn đề cũng đòi hỏi rất nhiều sự suy nghĩ và quyết tâm.

Trong bối cảnh xã hội thời nay, liệu các suy nghĩ ấy có thể thực hiện được không ? Có điều kiện thuận lợi không ?

Tất cả những suy nghĩ và ngay cả một cuộc nghiên cứu sâu rộng, chỉ là sự góp ý cho vấn đề mà thôi, chứ chưa làm được gì.

Còn có biết bao nhiêu điều phải nói, phải lên tiếng về vấn đề uống rượu trong xã hội Thượng, một loại tệ nạn đang thực sự đe dọa tương lai của một dân tộc.

Kỷ niệm 80 năm truyền giáo cho người Dân Tộc Giáo phận Đàlạt.

www.simonhoadalat.com