TRONG ĐỨC KITÔ (Tiếp theo và hết)

CHƯƠNG XVIII - Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai? (Thư gửi tín hữu Rô-ma)

Năm Đại Hồng-ân 2000 là cơ hội rất thuận tiện để chúng ta tuyên xưng lại một cách long trọng Đức-tin của chúng ta.

Chúng ta tin vào ai?

Chúng ta tin điều gì?

Tin như vậy để làm gì? Mục đích tối hậu của Đức-tin là gì? Chúng ta theo đuổi những giá trị cơ bản nào?

Đức-tin mang đến cho chúng ta những khả năng nào?

Khi sống Đức-tin, chúng ta làm gì, cần có những tác phong nào?

Chúng ta tuyên xưng Đức-tin trong những cơ hội nào? Trước mặt ai? Trên những địa bàn hoạt động thế nào?

Trả lời được bao nhiêu câu hỏi ấy một cách rành mạch, thông suốt, một đàng chúng ta sẽ đánh sáng bản sắc của chúng ta bằng cách xác định nguồn gốc và đích điểm của chúng ta trong đời sống Đức-tin. Đàng khác càng hiểu rõ về căn cước đích thực của mình, chúng ta sẽ không còn úp úp mở mở, tiến thoái lưỡng nan, trong sứ mệnh rao truyền Đức-tin hay là làm chứng về Tin-mừng của Đức Kitô. Cũng vậy, khi đối thoại với các anh chị em thuộc các tôn giáo bạn, hay là thuộc các cộng đoàn khác, trong chiều hướng đại kết, chúng ta có những ý thức rõ rệt "mình là ai" và mình "đang ở đâu" trên tiến trình đồng hành và chia sẻ. Đặc biệt hơn tất cả, khi chúng ta nắm vững về bến bờ sẽ đạt tới, chúng ta sẽ có khả năng sáng tạo con đường vượt trùng dương, mặc dù đang ở giữa vùng bão táp, sóng gió...

Theo quan điểm của Thi sĩ Goethe, khi chúng ta hành xử với một người đúng như tình trạng hiện hữu của họ, suốt đời họ sẽ hiện hữu y nguyên như cũ không xê dịch. Trái lại khi chúng ta cư xử với họ đúng như lý tưởng họ cần vươn tới và thu đạt, mai ngày họ sẽ dần dần trở thành một người với những chiều kích lớn lao, mà họ có thể và có bổn phận cưu mang, trong bản thân và cuộc đời. Cũng vì lý do nầy, khi một con thuyền trôi dạt bấp bênh không có định hướng rõ ràng, sẽ không có một cơn gió nào thuận lợi thực sự cho nó. Không có một bến bờ nào đang đón chờ nó cả. Trái lại, khi ý hướng của cuộc hành trình đã được cưu mang, mọi chân trời có thể trở thành đường đi. Mọi con nước là lời gọi lên đường.

Thánh Phao-lô, với lá thư gửi tín hữu Rô-ma, đã định hướng Đức-tin của mình, để giới thiệu mình cho cộng đoàn mà Ngài có ý định thăm viếng, trên tuyến đường truyền giáo cho những vùng đất ngoại biên như Tây-ba-nha... Thêm vào đó, Ngài cũng nêu lên những chuẩn mực rõ ràng cho đời sống Đức-tin vào Đức Kitô. Dựa vào những nền tảng nầy, người tín hữu có khả năng "dẫn dắt kẻ mù loà, làm ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, làm nhà giáo dục cho kẻ u mê, làm thầy dạy cho người non dại..." (63).

***

Bản sắc của người tín hữu bao gồm năm đặc điểm chủ yếu sau đây:

1- Thiên Chúa Ngôi Cha là nguồn gốc ban phát mọi hồng phúc và ân sủng, trên trời và dưới đất, từ nguyên thuỷ cho tới ngày hôm nay.

Nhờ Ngài, mọi người được tạo thành.

Cũng nhờ kế hoạch tình thương và tha thứ vô điều kiện mà Ngài cưu mang ấp ủ, từ trước muôn đời, Tin-mưng Cứu-độ đã được thể hiện trong con người của Đức Kitô, cho tất cả mọi người đã, đang và sẽ có mặt trên thế giới nầy, thuộc dòng máu của A-dong và E-và, hai nguyên tổ của loài người.

***

2- Đức Kitô là Tin-mừng duy nhất của Ngôi Cha ban cho Nhân-loại.

Nhờ tin vào Đức Kitô, chúng ta được cứu độ, nghĩa là được Ngài giải thoát khỏi mọi gông cùm của tội lỗi và sống cuộc sống mới như ngài.

Đức-tin ấy là hồng ân vô điều kiện phát xuất từ ý định yêu thương và tha thứ của Ngôi Cha.

Trong hai bức thư gửi tín hữu Rô-ma va Ga-lát, Thánh Phao-lô thường nhắc đi, nhắc lại, để cho chhúng ta ý thức một cách sáng suốt rằng: Ân sủng cứu độ do Thiên Chúa trao ban "dưng không"; không tùy thuộc vào công đức, công trạng hoặc nghiệp quả do con người làm nên.

Đến thời kỳ viên mãn, sau khi đã chuẩn bị bằng nhiều cách khác nhau, từ đời tổ phụ A-bra-ham, xuyên qua các tiên tri, Lời-hứa Tha-thứ của Ngôi Cha đã được mặc khải, nghĩa là thành xương thành thịt, nhập thể làm người, sinh ra giữa lòng nhân loại (64).

Tin vào Đức Kitô có nghĩa là lắng nghe, đón nhận Lời Tha-thứ của Ngôi Cha.

Sống Đức-tin vào Ngài còn có nghĩa là thực hiện, thể hiện, biến thành xương da máu thịt của chúng ta, chính Tin-mừng của Ngôi Cha, là Đức Kitô: Đóng đinh vào Thánh-giá con người tội lỗi của chúng ta, để có thể sống lại với Ngài. Trở thành con người mới như Ngài. "Đồng hình đồng dạng với Ngài" trong lối nhìn cũng như trong mọi cảm nhận. Trong hành động cũng như trong ngôn ngữ. Trong mọi tiếp xúc trao đổi cũng như khi bị thử thách khổ đau... trên đấu trường của cuộc đời (65).

Để diễn tả quan hệ giữa Đức Kitô và người tín hữu, Thánh Phao-lô đã dùng một lối nói của Toà-án và Pháp-luật thuộc thời đại của Ngài, khi Ngài phân biệt: Đức Kitô là "người công chính" do căn tính và bản sắc của mình. Người tín hữu, trái lại, là người được trở nên công chính, được "công chính hoá" nhờ sống Đức-tin vào Đức Kitô (66). Hẳn thực khi toà án tuyên bố ai là người công chính, người ấy được "trắng án", vô tội trước mặt pháp luật, không còn bị tố cáo và trừng phạt. Duy một minh Đức Kitô là người thực sự công chính trước mặt Ngôi Cha.

Nhờ Đức-tin vào Đức Kitô, người tín hữu trở thành "vô tội", trước nhan thánh của Thiên Chúa. Đức Kitô đã đổ máu và chịu án tử hình, để mỗi người trong chúng ta có những thành quả ấy.

Tuy nhiên, Đức Kitô chỉ cần chết một lần, để toàn thể nhân loại có khả năng nhận lãnh hồng ân cứu độ. Trái lại, người tín hữu, bao lâu còn sống là còn ở trên một tiến trình, ngày ngày thánh hoá bản thân mình. Ngày ngày mặc lấy con người của Đức Kitô. Tiến trình nầy chỉ kết thúc, khi chúng ta được trở về trong cung lòng đại dương của Ngôi Cha, tham dự vào chính sự sống tròn đầy và viên mãn của Ngài. Tiến trình ấy còn được gọi là con đường Thánh hoá, con đường trở nên giống như Đức Kitô. Sống cuộc sống của Ngài. Mặc lấy Ngài.

***

3- Chúa Thánh Thần hưống dẫn

Trong cuộc sống làm người, từ lúc được cưu mang, sinh ra cho đến khi được sống lại và về trời, nhất cử, nhất động Đức Kitô được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, soi sáng, nâng đỡ và đùm bọc. Theo ngôn ngữ của Thánh Phao-lô, Ngài "thấm nhuần và tràn đầy Chúa Thánh Thần", để thực hiện từng chi tiết Kế-hoạch Cứu-độ, do Ngôi Cha thiết định, từ trước khi tạo thành vũ trụ.

Chúa Thánh Thần đã làm việc thế nào cho Đức Kitô, thì cũng một Chúa Thánh Thần ấy đang hoạt động trong mỗi người tín hữu, từ khi họ nhận lãnh Bí-tích Rửa-tội.

Chúng ta chỉ cần thưa với Ngài hai tiếng "Xin-vâng" giống như Mẹ Maria, tức thì Ngài sẽ làm cho Đức Kitô lớn lên trong xương da máu thịt của chúng ta. Chúng ta trở nên một Đức Kitô thứ hai. Giống như Ngài, chúng ta có khả năng gọi Thiên Chúa: "Áp-ba! Cha ơi!" (67). Nói cách khác, chúng ta là con cái tự do. Chúng ta có quyền thừa kế vinh quang của Nước Trời giống như Đức Kitô.

Bao lâu chúng ta chưa tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần, giống như con người mới đầu mùa, là Đức Kitô và Mẹ Maria, giữa cái muốn và cái làm, vẫn còn nhiều tranh chấp và xung đột trong nội tâm của chúng ta:

"Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm" (68).

Theo cách giải thích của Thánh Phao-lô, sỡ dĩ còn có những hiện tượng xung đột nội tâm như vậy, là vì "tội vẫn còn nằm vùng, bám chặt, trong con người của chúng ta" (69). Chúng ta chưa hoàn toàn "thuộc về Đức Kitô" chưa hoàn toàn "nên một" với Ngài (70).

Thay vì ém nhẹm, che dấu, làm ra vẻ ta đây, gồng mình một cách giả tạo, chúng ta thú nhận với Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ "cầu thay nguyện giúp chúng ta" (71). Và chỗ nào tội lỗi được thành tâm thú nhận, cho dù có tràn lan lây lất đến đâu, hồng ân cứu độ đã tuôn trào lai láng, từ cạnh sườn của Đức Kitô.

"Thật vậy, nếu vì một người duy nhất (là A-dong) đã sa ngã, mà muôn người phải chết; thì ân sủng của Thiên Chúa ban, nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người" (72).

***

4- Hội Thánh của Đức Kitô

Cuộc sống làm người của Đức Kitô chỉ kéo dài chung quanh 30 năm. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ được Ngôi Cha giao phó, Ngài đã về trời. Điều ấy có lợi cho chúng ta. Một đàng Ngài không còn bị hạn chế trong những điều kiện thời và không gian thuộc thân phận làm người. Thứ hai Ngài vẫn hiện diện, giữa chúng ta, trong lòng Hội-thánh bằng nhiều cách khác nhau: bằng bí tích Thánh-thể, bằng cuộc sống làm chứng nhân của mỗi tín hữu và bằng sứ mệnh rao giảng Tin-mừng của Hội-thánh nhằm tiếp nối Kế-hoạch của Ngôi Cha, cho đến giai đoạn kết thúc, hoàn thành viên mãn.

Không sống và ý thức mình thuộc về Hội-thánh, là một chi thể của Hội-thánh người tín hữu sẽ bị thui chột, bán thân bất toại, xét về mặt bản sắc của mình.

Hẳn thực, sống Đức-tin vào Đức Kitô, theo giáo lý của Thánh Phao-lô là "ở trong Ngài", "bám chặt" vào Ngài. "Bén rễ sâu" vào cuộc sống của Ngài. Làm sao ở trong Ngài mà không ý thức mình "thuôc về" Hội-thánh là Thân-thể Nhiêm-mầu của Đức Kitô? Hội-thánh của Đức Kitô cũng là môi trường hoạt động duy nhất của Chúa Thánh-thần.

Nói về Hội-thánh, rất nhiều người ở trong lòng cũng như ở ngoài Hội-thánh thường bỏ quên một trong hai yếu tố "mầu nhiệm" và "Chúa Thánh-thần". Cho nên, rất nhiều ngộ nhận đã xảy ra nhiều nơi, trong bao nhiêu lời tuyên bố và phát biểu.

Cũng như Đức Kitô là "hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình", Hội-thánh luôn luôn bao gồm hai chiều kích hữu hình và vô hình (73). Môi trường hoạt động là một cái gì thấy được, nghe được, nắm bắt được. Nhưng Chúa Thánh Thần thì vô lượng, vô biên. Như Ngọn-gió, Ngài muốn thổi từ đâu, theo hương nào... tùy thánh ý của Ngài. Ai có quyền cho phép Ngài ở đây và quả quyết rằng Ngài vắng mặt ở bên kia. Duy "vị quan toà thẩm tra (l'Inquisiteur) của văn hào F.M. Dostoievski mới có khả năng chỉ huy và đàn áp Chúa Thánh Thần như vậy. Cũng trong chiều hướng nầy "Mẹ Hội-thánh tinh tuyền, vô nhiễm và Thánh-thiện" không hoàn toàn trùng hợp với Hội-thánh cơ cấu "bao gồm nhiều tội nhân", như Hồng-y C. Journet, ở Fribourg đã nhiều lần đề cập trong các tác phẩm về Hội-thánh. Nói khác đi, Hội-thánh với tư cách là Thân-thể Mầu-nhiệm luôn gắn bó với Đầu là Đức Kitô. Cả hai đều được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, soi sáng và tác động. Trong Hội-thánh cơ cấu, hữu hình, trái lại, "tội vẫn còn có mặt" (74). Chính vì lý do nầy, Giáo-chủ Gio-an Phao-lô II, không ngần ngại, nhân danh Hội-thánh, đấm ngực sám hối về những tội lỗi đã và đang có mặt trong Hội-thánh.

Cũng vậy, trong tinh thần và ý hướng đại kết, khi hai ba người họp nhau lại, cầu nguyện với nhau, đi với nhau, trao đổi với nhau về những gì mình đang sống - chưa hẳn là cùng nhau tuyên xưng một Đức-tin - Chúa Thánh-thần đã có mặt. Ngài đang cầu nguyện "bằng những tiếng rên siếc khôn tả. Và Thiên Chúa Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần-khí muốn nói gì..." (75). Và chính Đức KItô Phục-sinh cũng đang đồng hành với họ, y hệt trên con đường về làng E-mau (76). Nói tóm lại, ở đâu con người bắt đầu làm người với nhau, cùng nhau chia sẻ "những ưu tư và hy vọng" của cuộc sống làm người (77) thì chính chỗ ấy, "Semen Verbi", chủng tử của Ngôi Lời đã bắt đầu rơi xuống trên mãnh đất màu mỡ. Một hạt sẽ sinh ra trăm hạt.

Trước khi rao giảng Tin-mừng Thương-yêu và Tha-thứ của Ngôi Cha lúc lên 30 tuổi, Đức Kitô phải sinh ra làm người. Đó là một qui luật tất yếu. Ngài đã phải học làm người với Mẹ Maria và Thánh Giuse. Đức Kitô - Ngôi lời làm Người - là Tin-mừng.

Cũng vậy, trước khi làm Tín-hữu, chúng ta hãy làm người với những con người nghèo đói, bị hà hiếp, bóc lột, vô gia cư. Đó là Tin-mừng cần được sống và rao truyền.

Từ ngày Thiên Chúa nhập thể, "làm người" là Tin-mừng.

Từ ngày Thiên Chúa có hộ khẩu ở giữa xóm nghèo Na-da-rét, "nghèo" là Tin-mừng!

Từ ngày Thiên Chúa bị đánh đập, vác Thánh giá, "khổ đau" là Tin-mừng.

Từ ngày Thiên Chúa bị đóng đinh, sát hại, "chết" là Tin-mừng.

Từ ngày Đức Kitô sống lại, quyền làm người là quyền bất tử, bất diệt. Quyền ấy là Tin-mừng.

Dưới ánh sáng của Mầu-nhiệm Thiên Chúa Nhập-thể, "sinh, lão, bệnh, tử" đã trở thành Tin-mừng với Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Chỗ nào có Đức Kitô làm trung gian, Nước biến thành Rượu!

Trên con đường khổ đau, nếu chúng ta cùng đi với Đức Kitô, khổ đau là con đường dẫn tới Hồng-ân Sống-lại.

***

5- Bản sắc của người Kitô hữu

Trước khi nhận Bí-tích Rửa-tội, làm Tín-hữu, chúng ta đã sinh ra làm người. Bản sắc đầu tiên ấy không bị xóa nhoà, tiêu hủy. Trái lại, Đức-tin vào Đức Kitô làm cho bản sắc ấy vươn tới mọi chiều kích viên mãn.

Nếu bản sắc của Hội-thánh là "truyền-giáo", sứ mệnh ấy bắt đầu bằng Tin-mừng "làm người" của Thiên Chúa.

Thiên Chúa khởi đầu kế hoạch cứu độ, bằng giai đoạn làm người thực sự, trọn vẹn. Và khi trở về trong cung lòng Ngôi Cha, Đức Kitô vẫn còn làm người, mang trên thân xác mình năm vết tích khổ nạn đã được sống lại (78).

Và trong suốt thời gian bôn ba xuôi ngược rao giảng Tin-mừng, chỗ nào Đức Kitô đi qua, chỗ ấy những vết tích lở lói, rướm máu thuộc bốn diện "sinh, bệnh, lão, tử" đều được Ngài dừng lại đoái nhìn, băng bó, chữa lành. Người mù được thấy. Người bại liệt đứng dậy mà đi. Người phung hủi được lau sạch. Người chết được sống lại. Một cách đặc biệt người nghèo được loan báo Tin-mưng (79).

Hơn bao giờ hết, để khởi đầu ngàn năm thứ ba, Hội-thánh khắp năm châu bừng tỉnh, mở mắt, nhận thức rằng cánh đồng truyền giáo nằm ngay trong cung lòng của Hội-thánh.

Trước khi truyền giáo, hay nói cho chính xác hơn, để truyền giáo, nguời tín hữu hãy truyền tâm. Tâm đây là tấm lòng, là quả tim. Tâm là Chúa Thánh Thần: một trái tim tràn đầy thương yêu, an bình và tha thứ.

Chúa Thánh Thần cũng là một tấm lòng để lắng nghe, chia sẻ, coi trọng chính mình và tôn vinh "chất người" trong mọi người, từ những anh chị em nghèo hèn, yếu kém, thấp cổ bé miệng, bị đàn áp bóc lột, sống dưới chế độ nào cũng không có tiếng nói vì không theo phe nào cả. Bị cả hai bên đóng đinh vào Thánh-giá.

Bao lâu chưa "truyền tâm", truyền giáo chỉ vọng động, quảng cáo, tuyên truyền.

Ý thức đến bản sắc truyền giáo, hơn bao giờ hết, Hội-thánh từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam hãy học lại một lối nhìn. Hãy nghe lại với vành tai xôn xao. Hãy sinh ra giữa lòng nhân loại, làm một em bé mong manh, chưa biết đi, chưa biết nói, cần hơi ấm của một tấm lòng. Chưng nào Hội-thánh biết ngửa tay xin, biết nhận, nghĩa là ý thức đến những nhu cầu làm người... Hội-thánh mới có khả năng đồng hành, chia sẻ. Thay vì ban phát, dạy dỗ, từ trên rót xuống! Gửi đi vòng quanh những chỉ thị. Mà không bao giờ ra tay vào làm.

***

Hỡi Em Thê-ô-phi-lô Ái-thiên thân mến, hỡi người em Tín-hữu đáng quí trọng!

Em mang trong mình dòng máu của Ngôn sứ. Công việc em là phục vụ Ngôi Lời nhập thể như Giê-rê-mi-a.

Hãy can đảm nói "để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng (80).

Nhiều người tiên tri giả sẽ dọa em "rối đạo, lạc đạo". Họ sẵn sàng chụp lên đầu em bao nhiêu nhãn hiệu "chó dại", để có lý do "giết chó dại".

Lời của Em là Lời Yêu-thương, Thứ-tha và Hoà-bình.

Em mang trong mình tấm lòng Đại-dương của Thiên Chúa.

Vậy em hãy đứng lên, sỡ hữu hoá danh hiệu "Tôi đây" (ego eimi) của Thiên Chúa, sẵn sàng "chịu tra khảo, sát hại" để sống lại ngày thứ ba!

CHƯƠNG XIX - ĐỨC -TIN VÀ VĂN-HÓA

Đã một thời Trần Thủ Độ - vị công thần sáng lập Nhà Trần - đào hầm gài bẫy, tìm cách tận diệt mọi con cháu Nhà Họ Lý. Nhưng rồi vào cuối đời, Nhà Trần lại trở thành nạn nhân của Hồ Quí Ly.

Sau đó chừng 20 năm, Lê Lợi, trước khi lên ngôi hoàng đế, mang danh hiệu Lê Thái Tổ, đã tìm cách sát hại Trần Nguyên Hản, vị tướng lãnh đã nằm gai nếm mật với mình suốt thời gian kháng chiến chống quân minh.

Nguyễn Văn Thành bị thủ tiêu dưới Triều Nguyễn, sau khi bôn ba xuôi ngược, phục vụ Chúa Nguyễn và Vua Gia Long.

Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sát hại, do những tướng lãnh được chính ông tin dùng và thăng thưởng.

Nhưng cũng chính Ngô Đình Diệm đã tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại, người đã kêu gọi ông làm thủ tướng lập chính phủ năm 1954.

Tôi có thể từ Trần Thủ Độ trở lên thời các vua Hùng hay là từ năm 1964 khảo sát lịch sử cho tới ngày hôm nay, để thấy rằng: "thanh trừng nhau" là qui luật cứ luôn trở đi trở lại, theo đuổi, ám ảnh những ai mang dòng máu Tiên Rồng trong huyết quản... Từ thời kỳ chủ nô, sang qua những chế độ phong khiến. Tuy nhiên với ý thức hệ Mác-Lê, tự thấy mình là Đỉnh-cao trí-tuệ của loài người, hiện tượng "thanh trừng nhau", người bóc lột người, người đàn áp người, người ăn hối lộ người... vẫn là con vi khuẩn lây lất tràn lan...

Những tôn giáo hô hào mình là 80 hay 90 phần trăm của dân tộc đã làm gì trong bản thân mình, để hoá giải những tham hận sân si ấy? Dưới ba triều đại Lý - Lê - Trần, được gọi là đỉnh cao của nền văn hoá tam giáo, bạo động vẫn luôn là bóng đêm đe doạ, che lấp một vài ánh lửa nhóm lên đó đây, trong lòng dân tộc!

Vừa rồi đây, đã có người khẳng định ỏm tỏi qua báo chí về một cuộc "hôn phối kỳ diệu giữa nền văn hoá dân tộc Việt Nam với Đức-tin Công-giáo suốt bốn thế kỷ qua, làm lên nét văn hoá Kitô". Cũng theo một nguồn tin ấy "Đức-tin Công-giáo đã thăng hoa những giá trị tích cực, nâng cao văn hoá dân tộc...".

Không ai cấm cản chúng ta mơ. Có mơ mới có khả năng sống. Paulo Cuelho thối thúc giới trẻ khắp năm châu hãy nuôi dưỡng giấc mơ đang có mặt trong đáy sâu tâm hồn của mỗi người.

Tuy nhiên, người sáng suốt, nhất là những ai có vai trò ngôn sứ, mang trách nhiệm lãnh đạo trong lòng đất nước, cần phân biệt rõ ràng cái gì là thực, cái gì là mơ trong tất cả lời phát biểu và tuyên bố của mình.

Lãnh đạo đích thực không bao giờ chơi trò mị dân; nghĩa là úp úp, mở mở, trắng không ra trắng, đen cũng không cho là đen.

Từ một vài sự kiện còn rất lẻ tẻ, chúng ta không thể vội vã rút ra những qui luật tổng quát.

Mỗi lần nhìn và mỗi lần nói, chúng ta có xu thế gạn lọc: giữ lại, ghi lại những gì thuận chiều cho chúng ta. Với tất cả những gì ngược chiều, chúng ta "bịt tai" không nghe "che mắt lại" không muốn thấy, và "ngậm câm miệng" không cho biết ý kiến trung thực của lòng mình. Chúng ta "im lặng đồng loã"

Khi đứng bên nầy phát biểu, nhận định, có bao giờ chúng ta chấp nhận thử chọn tìm vị trí phía bên kia. Lúc ấy lời phát biểu sẽ như thế nào?

Khi đề cao Đức-tin Công-giáo, tôi cần nhạy bén thấy cho được Nhóm "Đối-thoại Giao-điểm" đang có mặt trong cử toạ. Tưởng tượng cho được lời chất vấn của họ, tôi sẽ dẫn chứng nhiều hơn, thay vì nhảy vọt một cách lung tung từ khẳng quyết nầy đến khẳng quyết khác. Từ tuyên bố nầy đến tuyên bố nọ... Thay vì tuyên bố, hãy sử dụng với nhau ngôn ngữ lắng nghe, hiểu biết, yêu thương của Chúa Thánh Thần.

Trong tình hình của Đất-nước Việt Nam, với bao nhiêu vết thương đang còn lở lói, nhức nhói, rướm máu... chỉ cần một hạt cát rất nhỏ, từ đâu đó lẻn vào, một hạt cát không đâu... nạo dần, nạo dần, làm tiêu hao, đứt đoạn mối tình đồng bào đang bao bọc những quyền lợi làm người, những quyền lợi "khác biệt" của từng người. Mẫu số chung của người Việt Nam là nền Văn-hoá Việt Nam đã có mặt từ đời Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Hình tượng có ý nghĩa nhất về nền Văn-hoá Việt Nam là cánh đồng lúa Việt Nam từ Bắc vào Nam. Cánh đồng ấy tạo nên lương thực cho chúng ta, từ xưa cho tới nay và từ nay về sau. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt đã, đang và sẽ đổ ra trên đó. Soi lòng minh vào đồng lúa Việt Nam, tôi thấy tôi đã có mặt trong các Vua Hùng, Vua Lý, Vua Trần, Vua Lê... Tôi vừa là Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Ánh, Phan Thanh Giản...

Tuy nhiên không có bàn tay lao động cần cù lam lũ của chúng ta hôm nay trong vòng vài ba tháng, cánh đồng lúa mùa ấy sẽ đầy gai gốc, cỏ lùng... Cánh đồng ấy gây chết chóc, lầm than, vì có lần nó đã bị chúng ta biến thành hầm chông hay là bãi mìn tự động.

Có người sẽ đơn phương tuyên bố: Bom, mìn ấy do Pháp, Mỹ, Nga, Tàu mang đến. Nhưng bốn cường quốc ấy đã mang tới những gì do người Việt Nam ngửa tay xin viện trợ. Mình yêu cầu thuốc men, kỹ thuật hay là xe tăng, súng đạn? Mình xin một tấm lòng; họ sẽ đến với một tấm lòng. Khi họ đội lốt Nhân-nghĩa, văn hoá đại đồng để thực dân; chúng ta có đủ khả năng kháng chiến như Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã làm đối với Quân Minh, cách đây hơn 600 năm.

Cánh đồng Việt Nam cũng như Văn-hoá Việt Nam do bàn tay, quả tim và trí óc của người Việt Nam không ngừng sáng tạo. Đã đang và sẽ sáng tạo bằng một tiến trình góp tay liên tục. Trên tiến trình ấy, không ai bị loại trừ. Mọi người kiện toàn và bổ túc nhau với vốn liếng, năng lực hiện hữu của mình.

Và khi ở trên tiến trình, sáng tạo có nghĩa là thường xuyên sửa sai, đổi mới. Tự mãn, tự hào cho mình là điểm đến, điểm dừng, điểm cao nhất là tự huỷ, đi xuống mồ. Tự tử.

Để xây dựng nền Văn-hoá Việt Nam ấy, mọi tôn giáo, ý thức hệ, thậm chí những nền văn minh mang tên là đại đồng và những nền văn hoá được gọi là "hoàn vũ hoá", đều là những "đóng góp" với điều kiện được "hội nhập". Hội nhập có nghĩa là được đưa vào bên trong, được tiêu hoá, thành xương da, máu thịt của người Việt Nam. Bao lâu còn ở ngoài, một cơ phận được ghép vào vẫn còn là ngoại lai. Cơ phận ấy vẫn còn là nguy cơ bị toàn bộ cơ thể loại thải, không được đón nhận. Thậm chí, Thiên Chúa, Đức Kitô, Hội-thánh... vẫn bị coi là ngoại lai, nếu chính người Việt Nam chưa hội nhập Đức-tin của mình vào lòng Văn hoá Việt Nam. Chưa tuyên xưng Đức-tin vào Đức Kitô, bằng chính ngôn ngữ được vun trồng, nuôi sống và phát triển trong môi trường Văn-hoá Việt Nam.

Với tinh thần và lăng kính ấy, để tránh những ngộ nhận, cũng như nhằm tôn trọng người anh chị em đồng hương đồng bào, cách sử dụng ngôn ngữ phải chính xác rõ ràng: Đức-tin thì hội nhập. Có nhiều loại Đức-tin khác nhau, tuỳ thuộc vào tôn giáo đã được mang vào môi trường Việt Nam: Khổng-giáo, Phật-giáo, Lão-giáo và Kitô-giáo từ hơn bốn thế kỷ cho đến ngày hôm nay. Sau đó, có thêm nhiều tôn giáo khác xuất hiện ở miền Nam Việt Nam.

Văn hoá trái lại, chỉ có Một trên quê hương Việt Nam. Đó là nền Văn-hoá Việt Nam.

Không tế nhị về mặt ngôn ngữ, chúng ta sẽ có xu thế sử dụng những cách nói như Văn-hoá Công-giáo, Văn-hoá Phật-giáo... Mỗi tôn giáo lúc bấy giờ sẽ trở thành "một quê hương trong quê hương". Từ đó có sự tranh giành xung đột về ảnh hưởng và danh xưng. Vấn đề chung sống hoà bình sẽ bị nát bấy giữa các tôn giáo! Vì khôn ngoan, tế nhị chúng ta cần tránh những ngôn từ luộm thuộm, thiếu chính xác. Đó là một cách xây dựng nền văn hoá hoà bình, đề cao lòng kính trọng đối với tính khác biệt của mỗi người anh-chị-em đồng-bào.

Để mỗi tôn giáo cũng như mỗi hình thức văn minh, mỗi ý thức hệ có thể đóng góp phần mình, hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần can đảm ngồi lại với nhau. Trong một tinh thần bình đẳng và quan hệ tôn trọng tính khác biệt của nhau, chúng ta cùng nhau lần lượt khảo sát ba vấn đề chủ yếu:

Bản sắc của Văn-hoá Việt Nam bao gồm những đặc điểm nào?

Đức tin của các tôn giáo có khả năng mang lại phần đóng góp nào cho Văn-hoá Việt Nam.

Thiếu ngôn ngữ của văn hoá để diễn tả, trình bày mình, Đức-tin có thể đi vào lòng của quê hương, trở thành của ăn nuôi sống anh chị em đồng bào hay không?

***

Nói đến bản sắc của Văn-hoá Việt Nam, chúng ta dễ lạc đường trong vòng mê cung sâu thẳm như đền tháp Cổ Loa. Rút cuộc, không còn ai nghe ai; không còn ai hiểu ai. Ông nói gà, bà nói vịt, khi khổ đau tràn ngập và ngự trị trong tâm hồn mỗi người.

Khi bàn về văn hoá, tôi sở hữu hoá phương pháp của tác giả St. Covey: Cái gì trước nói trước. Cái gì sau nói sau. Nói một cách rõ ràng, khúc chiết, ai ai cũng có thể tiếp thu. Nói xong rồi, tôi lắng nghe một các cẩn trọng, bởi vì trong đáy sâu cõi lòng, tôi xác tín rằng người khác - bất kể khác ở điểm nào - cũng mang lại cho tôi một bài học, để bổ túc kiện toàn những gì đang còn thiếu sót trong tôi.

Đặc điểm và tính chất bao dung ấy xác định bản chất cột trụ của nên Văn-hoá Việt Nam, từ ngày Lạc Long Quân kết thành hôn phối với Âu Cơ, đẻ ra một bọc trứng. Từ bọc trứng ấy, một trăm người con Việt Nam đã sinh ra. Mỗi người theo sở thích và sở trường của mình, chọn một hướng của Núi-sông để khai khẩn làm ăn. Người trèo lên non như các bộ lạc Mường, Thái... người xuống suối làm nghề chài lưới. Người đi về phương Bắc, để dồi mài kinh sử. Người xuống miền Nam để khẩn hoang lập ấp. Người chọn miền Tây, vì thích núi sông hùng vĩ. Người nghe tiếng gọi của biển cả, thì tìm về phương hướng của mặt trời mọc... Dù sống rãi rác ở khắp nơi, khi đất nước gặp vận gian nguy, thì trăm đứa con tìm về với nhau. Trăm người như một, một người như trăm. Ba lần quân thù từ phương Bắc xâm chiếm đất nước Vạn Xuân và Đại Việt, ba lần đều bị đánh bại và phải rút lui khỏi biên thuỳ của chúng ta.

Tuy nhiên những người Nước-ngoài, khi gặp hoạn nạn tại quê hương mình, ở phương Bắc cũng như ở Vùng đất Ấn-độ, đến xin trú ngụ, đều được đón nhận vào Đại gia-đình một trăm đứa con. Người Việt Nam không "bài ngoại".

Tinh thần bao dung ấy cũng có mặt trong lãnh vực hành trì của ba tôn giáo Khổng, Phật và Lão. Một đạo sĩ có thể sống nhiều năm tháng, trong một chùa chiền của Phật-giáo. Một thượng toạ hoặc thiền sư thuộc đạo Phật cũng có thể am tường Khổng học giống như một nho sĩ... Khi tôi tuyên xưng "Đức Kitô là tất cả". Đức Kitô của tôi không loại trừ Đức Bụt hay là Đức Khổng Tử... và những đóng góp của nhiều người khác.

Trong đời sống của người dân bình thường, lòng bao dung ấy rất dễ bị đồng hoá với khuynh hướng chắp nối lộn xộn hay là làm vui lòng mỗi người khách, mọi thần phật, thánh tiên, bất kể họ đến từ nơi đâu, từ một tôn giáo nào. Một cách đặc biệt, khi "hữu bệnh, vái tứ phương". Hẳn thực, khi cần một điều gì, người dân có thể đến chùa cầu kinh, sau đó ra cây cổ thụ ở trên đường làng, đốt một nén hương. Hay là đi xin xăm với một thầy bói.

Trong bao nhiêu lề lối hành xử ấy, tác phong hay hành vi khách quan có vẽ "bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia". Thế nhưng phần vụ hay là ý hướng căn bản ở đằng sau, ở bên dưới là lòng bao dung thúc dục đón nhận mọi người khách thuộc giới hữu hình cũng như vô hình. Và khi một người khách đến nhà, đúng vào bữa cơm, người khách ấy được mời vào bàn. Chủ nhà lấy thêm một đôi đũa. Con cái hôm ấy tự động mỗi đứa bớt xuống một ít phần cơm của mình, để "mở rộng lòng Nhân, chờ khách tới", như lơi Nguyễn Trãi nhắn lại với cháu chắt hậu sinh. Hẳn thực, theo niềm xác tín của người Việt Nam, được lưu truyền qua hàng bao thế hê, "nhịn miệng đãi khách" là một bài học không lời, một lối "Vun trồng cây Đức, để nuôi con". Cây Đức ở đây mang ý nghĩ: "Minh Minh Đức": đánh sáng mỗi ngày cái đức tính sáng ngời, cái chất người đã có mặt trong tấm lòng của chúng ta.

Cái đức sáng ấy không phải là đức làm người cố định, bất di bất dịch (humanitas semper eadem, theo cách nói của người Rôma). Nhưng là tân dân hay là nhật nhật tân, đổi mới từng ngày, làm mới lại không ngừng. Theo người La-tinh, đó là humanitas reformanda. Bản sắc của văn hoá là một cách làm người, cần được cho vào lò mỗi ngày; nung đúc lại, luyện lại. Cơ hồ Mặt Trời mỗi ngày lên Đông, xuống Đoài. Nhưng không ngày nào giống ngày nào.

Nhằm thực hiện cuộc đổi mới từng ngày ấy, Văn-hoá Việt Nam đề nghị bốn con đường:

Con đường thứ nhất là "bá nhân bá tánh". Ở đâu có 100 người, ở đó có 100 ý kiến. Chấp nhận lối nhìn của người anh-chị-em để đổi mới chính bản thân mình. Tính khác biệt của từng người là một tất yếu.

Con đường đổi mới thứ hai là "một miếng ở giữa làng bằng một sàng ở xó bếp".

Làng ở đây là đình làng. Nơi đó cá nhân, sau khi đã ăn nói, phải nhường lời quyết định cho cộng đồng. Cho bá tánh. Cho trăm họ.

Hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi và Nghĩa quân cũng như hội nghị Diên Hồng là hai minh hoạ có tính lịch sử về tầm quan trọng của quyết định cộng đồng. Theo lối trình bày của thuyết cấu trúc, Đại thể không phải là một tổng cộng như một đống đá, đống gạch hỗn mang lộn xộn. Nhưng là một cơ thể sống động do nhiều chi thể hay cơ phận tác động trên nhau, sinh thành nhau, nuôi sống qua lại lẫn nhau. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ. Chính vì lý do nầy mà "phép vua vẫn thua lệ làng". Cộng đồng là Làng, là Đất-nước.

Con đường thứ ba là dòng máu "làm Rồng" của Lạc Long Quân có mặt và sôi sục trong mỗi người Việt Nam. Quả tim Đại-dương của họ luôn luôn đón nhận mọi dòng sông và con nước, từ muôn phương, từ mỗi chân trời gửi tới. Khi nước dâng lên, chúng ta đến với mọi bến bờ. Khi nước hạ xuống, chúng ta hội nhập mọi trào lưu tư tưởng thức thời trong cõi lòng chúng ta.

Con đường đổi mới thứ bốn là tấm lòng cao cả của Âu Cơ. Quê hương của Mẹ là Đỉnh-núi và Bầu-trời. Cho nên lối nhìn của người Việt Nam luôn luôn bao gồm ý hướng "Tri thiên mệnh". Lối nhìn nầy không mang tính chất duy tâm cực đoan. Theo cách thuyên giải của Đoạn Trường Tân Thanh, tri thiên mệnh đồng nghĩa vơi tùng tâm của tuổi 50 và nhỉ thuận của tuổi 60. Tùng-tâm và Nhĩ thuận có nghĩa là đi theo, lắng nghe một tấm lòng. Trang trãi tấm lòng. Trên đây tôi đã trích dẫn câu thơ của Nguyễn Trãi:

"Mở rộng cửa Nhân, chờ khách tới;

Vun trồng cây Đức, để nuôi con".

Hiểu được Nguyễn Trãi là hiểu được con đường đổi mới nền Văn Hoá, với một tấm lòng cao cả của bà Âu Cơ.

***

Thay vì mở rộng và đi lên, để đổi mới mình, đổi mời anh-chị-em đồng bào và đổi mới quê hương, chúng ta đã có lần dấn thân vào hai con đường bế tắc hay là thoái trào. Mỗi lần như vậy, chúng ta đã khổ đau và không biết cách hoá giải.

Con đường bế tắc thứ nhất là Thủy-tinh còn mang tên là "Rước voi dày mã tổ", làm tay sai cho thực dân, cho ngoại lai.

Con đường bế tắc thứ hai là Sơn-tinh hay là "Bế quan toả cảng"; khép kín biên thuỳ, giam đói cả một dân tộc về mặt vật chất cũng như trên bình diện tinh thần. Khai trừ mọi đóng góp từ bốn phương cống hiến.

Sở dĩ chúng ta đã vòng vo, luẩn quẩn vì chúng ta mù quáng, đuổi bắt những bóng hình vô tưởng, vô thực, Mị-nương là biểu tượng tạo nên bao nhiêu khổ đau tràn ngập trong lòng Đất-nước, từ đời nầy qua đời nọ. Từ triều đại nầy qua triều đại khác. Từ chính thể nầy qua chính thể khác.

Trong lòng đất nước, không phải chỉ có một Mị-nương, một người để yêu mà thôi. Không phải chỉ có một cách để yêu và loại trừ bao nhiêu cách yêu khác. Thực tại thì bao la, muôn màu muôn sắc. Khổ đau xảy ra khi chúng ta giản lược thực tại thành một nhãn hiệu, một giáo điều, một ý thức hệ duy nhất. Từ đó mới có não trạng nhị nguyên: Tao hơn mầy thua. Tao tốt, mầy xấu. Tao có lý, mầy phi lý. Tao yêu nước, mầy bán nước...Não trạng Nhị nguyên nầy cũng còn nằm vùng trong mọi tôn giáo.

***

Nói đến văn hoá, như tôi vừa mới khai mở một vài hướng đi, chúng ta cần ý thức đến hai năng động đối nghịch nhau: Ánh sáng và bóng tối. Sức sống vươn lên, sức nặng ù lì. Hai tay mở ra đón nhận, kêu mời. Hai tay bóp cổ, sát hại, bạo động, ám sát. Cả hai đều đều có mặt cùng một lúc trong chúng ta.

Nói đến văn hoá là nói đến con người xương máu, cụ thể. Cho nên đừng hoan hô bên nầy đả đảo bên kia. Trong thân phận làm người, tre già thì măng mọc. Chỗ nào có ăn thì chỗ đó có phế liệu. Có rác tràn ra đường. Bên cạnh những mầm non vương lên, luôn luôn có sức năng ù lì kéo trở lại.

Con người có văn hoá là con người có khả năng chuyển hoá:

"Chuyển luân rác nuôi sống những cánh đồng,

Giữa sa mạc làm tuôn chảy dòng sông

Trong chết chóc, vun trồng hạt mầm sống

Đường chúng ta: Thứ tha và hy vọng".

Trong những điều kiện và bối cảnh của văn hoá, vai trò của tôn giáo hay của Đức-tin... là hộ sinh: giúp con người ngày ngày biết "làm người" hơn ngày hôm trước. Chất người nở thành hoa và kết trái, bằng cách hút nhựa sống, chính trong lòng đất, bầu khí quyển và ánh sáng mặt trời bao quanh mình, nâng đỡ và hạn chế mình.

Mặt trời là hình tượng tuyệt vời nhất trình bày cho chúng ta về vai trò của Đức-tin trong lòng cuộc sống làm người. Theo Lão Tử và Trang Tử, mặt trời không làm gì hết. Nói đúng hơn, làm mà như không làm, theo cách "Vi vô vi":

Thứ nhất, mặt trời làm cho cây nào thành cây ấy. Cây sen thì nở hoa sen, không thể nở hoa thuỷ tiên.

Thứ hai, mặt trời làm một cách tế nhị, kín đáo, không khua chiêng gõ mõ, theo kiểu "Vinh thăng, háu thắng, áp đặt quyền lực".

Thứ ba, mặt trời đáp ứng nhu cầu của cỏ cây về ánh sáng và hơi ấm. Mặt trời không làm thay, làm thế. Chính cỏ cây phải chuyển biến mặt trời thành nhựa sống nuôi dưỡng mình.

Thứ bốn, mặt trời không mang ý chí toàn năng, không chiếm độc quyền về sự sống. Bên cạnh mặt trời, cỏ cây cũng cần đất màu, khí thở và nước tưới... Quá nhiều mặt trời, cỏ cây bị đốt cháy. Thiếu mặt trời, cỏ cây không có năng lực, để phát triển.

***

Trong điều kiện của văn hoá Việt Nam, nếu Đức-tin vào Đức Kitô không sử dụng bốn con đường đổi mới của văn hoá Việt Nam, được phác hoạ trên đây, Đức-tin sẽ mãi hoài đứng ở ngoài "niềm ưu tư và nỗi hy vọng" của con người Việt Nam.

Thêm vào đó, nếu Đức-tin tạo duyên cớ, để có người "rước voi về dày mả tổ" hay là biến Hội-thánh thành một "biệt thự kín cổng cao tường", vấn đề của người Việt Nam, thay vì được hoá giải, sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn!

***

Hôm ấy, giữa ngủ và thức, tôi nằm mơ: chính mình tôi đang hoa tay múa cánh hô hào một cuộc đổi mới toàn diện cho mọi người ở trên trần gian nầy.

Cùng lúc ấy Thần Kim Qui hiện hình dịu dàng và mỉm cười hỏi tôi:

Con muốn khởi sự từ xứ sở nào, trong kế hoạch đổi mới?

- Thưa Ngài, lẽ tất nhiên con bắt đầu từ quê hương Việt Nam của con!

Trên quê hương Việt Nam từ thành phố nào?

- Bẩm Ngài, từ Huế, nơi con đã lớn lên và đang sinh sống!

Tại Huế trên con đường nào?

- Trên con đường có nhà con!

Và trong nhà con, con bắt đầu đổi mới ai?

- Con xin chọn chính mình con là con người phải đổi mới đầu tiên!

Thần Kim Qui kết luận: "Đất nước con đã bắt đầu đổi mới! Có một thì thế nào cũng có mười!".

CHƯƠNG XX - THAY LỜI KẾT

Hãy trao cho nhau một tấm lòng...

Thế giời đã bước qua thời đại của Ngàn năm thứ ba, với bao nhiêu vấn đề còn ngang ngửa, bề bộn, trầm trọng và kinh hoàng...

Chính đêm giao thừa, tại thành phố xinh đẹp, duyên dáng như Strasbourg... giới trẻ tràn ra đường, tưới xăng, châm lửa đốt hàng trăm chiếc xe ô-tô của dân chúng đậu ở hai bên vệ đường...

Cũng vào đêm ấy và rạng ngày đầu xuân 2001, hai dân tộc Do-thái và Palestine lai đụng độ nhau. Bạo động tràn ra đường. Ngày đầu năm trở thành ngày hận thù, đổ máu, tang chế... Sáng mồng hai đầu năm, chủ tịch Yasser Arafat đã phải bay qua Hoa Thịnh Đốn gặp Tổng thống Bill Clinton. Liệu hai nhà lãnh đạo nầy còn có một trò ảo thuật nào chưa bao giờ sử dụng, để làm xuất hiện trở lại những cánh chim bồ câu hoà bình?

Tuy nhiên hoà bình thực sự chỉ đến từ bên trong một tấm lòng. Hoà bình là mùa màng gặt hái, cho những ai đã gieo vãi hoà bình. Hoà bình có mặt khi hai người, hai dân tộc Nhìn Nhận nhau là Người, có quyền làm người.

Bao lâu chưa trao cho nhau một tấm lòng, những cách giải quyết vấn đề đó đây chỉ là "nước rơi đầu vịt".

***

Hôm ấy hai anh em Đại và Tiểu Gấu dẫn nhau vào rừng dạo chơi suốt một ngày. Hai anh em mệt nhoài, nhưng vui sướng và hạnh phúc, trở về hang động của mình, vào lúc hoàng hôn từ từ đổ xuống.

Sau bữa cơm chiều thanh đạm, Đại Gấu tắm rửa và thay áo quần cho em. Giữa lúc ấy, Tiểu Gấu bi bô kể lại cho anh nghe những điều chính mình đã quan sát và ghi nhận trong ngày: hình ảnh có màu sắc thế nào; âm thanh của rừng núi trầm bổng làm sao. Tâm hồn của Tiểu Gấu nhẹ nhàng phơi phới như những đám mây bồng bềnh từ ngọn đồi nầy qua ngọn đồi khác. Bao nhiêu kỷ niệm tuôn trào... như dòng suối mát lạnh phun ra từ những mõm đá.

Sau một hồi nghe em trầm trồ thỏ thẻ, Đại Gấu bế em đặt vào giường, tắt đèn, hôn trán em và ra phòng bên cạnh ngồi đọc sách.

***

Đọc chưa xong mười hàng, Đại Gấu đã thấy em đứng nhìn mình, từ đằng sau cánh cửa.

- Sao em không ngủ?

- Em ngủ không được!

- Sao vậy? Em có chuyện chi?

- Em sợ.

- Sợ gì hở em?

- Bóng tối tràn lan khắp nơi: trên giường, phía dưới và chung quanh...

Đại Gấu đến bế em, đặt lại em vào giường, hôn em và đi tìm cây đèn nho nhỏ, đốt lên và để ở giữa phòng.

- Bấy giờ, không còn bóng tối nữa. Chúc em ngủ thật ngon.

- Cám ơn Anh.

***

Đại gấu đi ra, trở về chỗ cũ, cầm sách lên tiếp tục đọc. Đến đoạn bắt đầu éo le, hấp dẫn... Đại Gấu lại nghe tiếng động trong phòng của em. Thì ra Tiểu Gáu cứ lăn qua, lăn lại, che mặt sụt sùi.

- Em có chuyện gì vậy?

- Em sợ.

- Lần nầy, em còn sợ gì?

- Bóng tối còn tràn lan khắp nơi. Hai hùng quá!

- Anh đã đốt đèn cho em mà...

- Ánh sáng bé tí ti, mà bóng tối thì dày đặc, tràn lan, to tướng... Nó há miệng thật to, rình nuốt em.

Đại Gấu lại gần em, hôn em thoa đầu cho em và đắp mền trên mình em.

Làm xong, Đại Gấu đốt thêm một cây đèn thứ hai.

- Anh đốt thêm cho em một cây đèn. Hết bóng tối rồi. Chúc em ngủ ngon.

Cám ơn anh.

***

Đại Gấu trở về bàn, đọc sách đến đoạn quá hấp dẫn. Nhưng tiếng động ở phòng của Tiểu Gấu lại nổi lên. Đại gấu gãi đầu, suy nghĩ, rồi vào xem em có chuyện gì.

Tiểu Gấu ngồi dậy trên giường, đưa hai tay bịt mắt lại, miệng lẩm bẩm "mầy dễ sợ, mầy dễ sợ".

- Sao vậy em, có chuyện gì?

- Em càng lúc càng sợ, Anh ơi!

- Em sợ cái gì bây giờ?

- Thì cũng bóng tối cứ lại gần doạ em. Nó còn bay chập chờn, múa máy tứ tung, nhe hai hàm răng nhọn hoắt...

- Anh đi đốt cho em cây đèn lớn nhất nhà. Lần nầy nhất định không còn bóng tối. Thôi Anh chúc em ngủ ngon.

- Cám ơn anh.

***

Độ mười phút sau, có tiếng khóc sụt sùi càng lúc càng tăng lên cường độ. Đại gấu bỏ sách xuống bàn, đi vào phòng của tiểu gấu.

Anh ơi, em sợ quá. Bóng tối vẫn y nguyên, mặc dù anh đã đốt hết đèn của nhà mình.

- Thôi được rồi, em khoác áo ấm vào. Anh em mình đi ra vườn dạo chơi một chút.

- Sao ra ngoài đó? Bóng tối còn mênh mông hơn nhiều. Em sợ lắm. Thôi đừng đi, Anh ơi!

Không sao đâu. Anh cầm tay em. Đi với anh. Có anh mà.

Hai anh em vừa ra khỏi cầu thang, dẫn vào vườn. Tiểu gấu hét la lên, ôm chặt lấy Đại gấu. Đại gấu cúi xuống bồng em, ôm em dựa sát vào mình.. Vừa đi ra, Đại gấu vừa đưa tay chỉ trăng và sao cho em. Đại gấu nói lung tung và huyên thuyên.

- Tiểu Gấu ơi, Em xem kìa. Trên đó có bao nhiêu ngọn đèn. Ngọn kia ở giữa thật bự, bự hơn cả cây đèn nhà mình. Trong đám sao nầy, có tên Em. Kìa, kìa...

Và tên Anh ở tận đằng xa kia...

Không nghe Em trả lời, Đại Gấu ngừng nói, nhìn Em. Thì ra, Tiểu Gấu đã ngủ say mê, trong cánh tay của Đại Gấu...không còn sợ bóng tối tràn lan chung quanh... không thèm nhìn trăng sao gì nữa. Hơi ấm của Đại Gấu đã xoá tan mọi bóng đêm hãi hùng.

***

Trong cuộc đời, nhiều lúc bóng tối cũng giáng xuống bao trùm mọi con đường trong ngoài, trên dưới, lớn và nhỏ... chúng ta đã đốt lên mọi ngọn đèn... không ngọn nào, cả những ngọn "lớn nhất" có thể xoá tan bóng tối hãi hùng... Thậm chí trăng sao từ trời cao, từ vùng ngoài địa cầu...

Giữa lúc ấy chúng ta hãy thắp cho nhau một Tấm lòng Yêu thương, An bình và Tha thứ.

Duy có Tấm-lòng mới có khả năng vượt qua đêm tối hãi hùng và lan tràn khắp mọi phía...

Với những người có Đức-tin vào Đức Kitô, Tấm lòng ấy chính là cung đền của Chúa Thánh Thần.

Lausanne, Thụy Sĩ - Mùa Xuân thứ nhất của ngàn năm Thứ Ba.



MỘT TẤM LÒNG...

1- Em là Nước? Anh xin làm Biển-cả:

Cùng theo em đến những miền xa lạ,

Gieo vãi Tình Thương, Khung trời mở rộng,

Hiến cho Đời mầm non trào nhựa sống.

2- Em là Hoa? Anh xin làm mảnh Đất:

Ấp ủ vun trồng, dịu dàng thân mật.

Dưới mỗi bước chân, hương trầm bát ngát,

Trên khắp non sông, nương đồng ngào ngạt.

3- Em là Trời? Anh xin làm Không-khí:

Đón nhận Em trong trái tim bình dị.

Em an bình, tâm hồn anh diệu vợi,

Em hạnh phúc, cuộc đời anh phơi phới.

4- Em là Mây? Anh nguyện làm Gió-mát:

Thổi ân tình vào lòng ai ngột ngạt,

Gieo thái hoà, giữa vùng đất bạo động,

Nuôi chí khí, đánh thức người tuyệt vọng

5-Em là Núi? Anh nguyện làm Rừng-xanh:

Động viên Em với tất cả lòng thành.

Hãy đứng thẳng, nhìn Mặt-trời toả rạng,

Tay vươn cao tiếp thu nguồn Ánh-sáng.

6- Em là Đất? Anh hoá thân thành Nắng:

Sưởi ấm Em, bằng Đức-tin thầm lặng,

Con người cũ chết đi nuôi Em sống,

Con người mới gọi mời Em hy vọng!



CHÚ THÍCH

63. Rm. 2, 12.

64. Rm. 1, 1-2.

65. Rm. 5, 8-11.

66. Rm. 3, 22-26.

67. Rm. 8, 15.

68. Rm. 7, 14-15.

69. Rm. 7, 20.

70. Rm. 6, 3-5.

71. Rm. 8, 26.

72. Rm. 5, 15.

73. Cl. 1, 15.

74. Rm. 7,20.

75. Rom. 8, 26-27.

76. Lc. 24, 13-35.

77. Hiến chế Lumen Gentium của Công-đòng Vaticano II

78. Ga. 20, 19-29.

79. Lc. 7, 18-23.

80. Gr. 1, 10.