TRONG ĐỨC KITÔ (Còn tiếp)

CHƯƠNG XIV - "ĐỨC KITÔ LÀ TẤT CẢ" (Cl. 3, 11)

Suốt dòng lịch sử của Nhân-loại, Thiên Chúa chỉ nói "Một Lời duy nhất": Đó là Đức Kitô (33).

Từ Cựu-ước qua Tân-ước, Ngài chỉ mặc khải một mầu nhiệm duy nhất "đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ" (34): Đó là Đức Kitô.

Để rao giảng Lời Chúa, ngày hôm nay trong thời đại Ngàn năm thứ ba cũng như để loan báo mầu nhiệm của Ngài, chúng ta chỉ cần công bố Đức Kitô, một cách rõ ràng, không do dự, úp mở, cắt xén (35). Đức Kitô là Tin mừng duy nhất và phổ quát cho toàn thể Nhân-loại. Mọi Tin-mừng khác - ở chỗ khác, nơi người khác - đều được thu tóm trong Ngài.

Thánh Phao-lô dẵ khẳng quyết như vậy cách đây 2000 năm trong lá thư gửi tín hữu Co-lô-xê. Nói cách khác, ngày hôm qua cũng như hôm nay, và luôn mãi cho tới khi Ngài trở lại trong vinh quang, "chỉ có Đức Kitô là tất cả" (36) cho những ai sống Đức-tin vào Ngài và tuyên xưng Đức-tin ấy, trong mọi hang cùng ngõ hẻm của nhân loại.

Tuy nhiên, Đức Kitô là ai?

Căn tính hay là bản sắc của những người sống Đức-tin vào Ngài bao gồm những yếu tố nào?

Khi tin vào Ngài, chúng ta làm gì, có khả năng nào, hy vọng sẽ trở thành cái gì, sau khi đã kết thúc và hoàn thành con đường Đức-tin của chúng ta.

***

ĐỨC KITÔ LÀ AI ?

Chúng ta hãy nhớ lại câu hỏi của Mai-sen trong lần gặp gỡ hẹn hò đầu tiên với Đấng Gia-vê: "Ngài là ai, xin Ngài cho con hay tên, để con dạy lại cho dân chúng biết danh tánh của Ngài?"

Thiên Chúa trả lời: "Ta là Ta".

Nhưng từ đó, mấy ai hiểu rõ câu trả lời của Ngài. Mỗi người theo tầm hiểu biết và kinh nghiệm tiếp xúc, đề nghị một cách diễn tả và tiếp thu của mình.

Nói theo cách của Lão Tử trong câu đầu tiên của Đạo-đức-kinh, Ngài là "Danh bất khả danh". Tên Ngài không một người phàm nào trong trời đất nầy có thể gọi ra được. Chúng ta chỉ cúi sâu mình xuống sát mặt đất, để cung kính, thờ lạy Ngài. Giữa Ngài và chúng ta, khoảng cách thật vô biên, như giữa Trời và Đất.

Thánh Phao-lô, khi trình bày về Đức Kitô, đã dùng lại cách nói nầy, để giúp chúng ta hiểu được rằng bản sắc của Ngài là Thiên Chúa.

Trên núi Xa-na-y, Thiên Chúa khẳng định mình "Ta là..."."Ego eimi..." trong tiếng Hy-lạp. Và "Ego sum..." trong tiếng La-tinh. Trừ ra những gì là tội lỗi, thay vào ba chấm... chúng ta thêm gì cũng được: Hoa lá, trời đất, sông Hương, núi Ngự, mùa Xuân, mùa Thu, nắng, mưa. Tất cả là tạo vật do Ngài dựng nên, cho nên đều mang ấn chứng, vết tích của Ngài. Tất cả phát xuất từ Ngài. Cho nên sau một ngày tạo dựng, Ngài thấy bóng hình của mình được phản chiếu trong tất cả. Tất cả đều tuyệt vời, kỳ vĩ!

Để hiểu được tất cả giáo lý của Thánh Phao-lô, trong câu nói: "Đức Kitô là tất cả trong tất cả" (37) chúng ta không thể không trở lại với Cựu-ước, đào bới sâu xa nhiều từng lớp ý nghĩa trong hai biến cố: Thiên Chúa tạo dựng trời đất, Thiên Chúa giải thoát Dân ngài khỏi ách nô lệ của Ai-cập.

Vậy câu nói "Đức Kitô là tất cả" cũng có ý nghĩa như "Đức Kitô là Thiên Chúa" (38).

Nhờ Ngài chúng ta được tái dựng, đổi mới, giải thoát khỏi gông cùm của tội lỗi.

Mẹ Maria, đi theo truyền thống của các Ngôn-sứ trong Cựu-ước, không dám nói đến bản sắc của Thiên Chúa: "Ngài là ai?". Mẹ chỉ Nhìn một cách khách quan Thiên Chúa đã và đang làm gì cho chính mình và cho anh chị em đồng hương, đồng loại của mình.

"Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại (...)

Chúa đã cất nhắc kẻ khiêm hèn (...)" (39).

Lá thư gửi tín hữu Cô-lô-xê của Thánh Phao-lô rất gần gũi với ngôn từ và tư duy của Mẹ Maria trong bài ca Ngợi-khen (Magnificat). Cả hai vị nầy đã khai nguyên một nền thần học màu trắng, bằng cách nêu rõ những sự kiện khách quan đã và đang từ từ xuất hiện trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Nói cách khác, Thánh Phao-lô kêu mời người tín hữu hãy nhìn lại, nhớ lại, ghi nhận những gì Đức Kitô đã làm, để mở mắt ý thức được rằng: Đức Kitô vừa là "Con người bằng xương bằng thịt" (40) vừa là Thiên Chúa "có trước muôn loài muôn vật"(41). Trong Đức Kitô "muôn vật được tạo thành" (42).

Vậy, một cách cụ thể và khách quan, Đức Kitô đã và đang làm gì cho người tín hữu Cô-lô-xê ngày qua, và cho chúng ta đang tin vào Ngài ngày hôm nay, thuộc thế hệ của Ngàn năm thứ ba?

Máu người đã đổ ra trên Thập-giá (43).

Ngài đem lại bình an (44).

Chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa (45).

Anh em đã chết cùng Đức Kitô (46).

Anh em đã được chỗi dậy với Đức Kitô (47).

Anh em mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới (48).

Duy câu nói sau nầy tóm lược được tất cả chương trình cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện cho mỗi người tín hữu, không loại trừ môt ai.

"Trong Người, anh em đã được chịu phép cắt bì, không phải do tay người phàm, nhưng là của Đức Kitô, có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em.

Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được chổi dậy với Người (...)

Trước kia anh em là những kẻ chết (...), nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô : Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta" (49).

Cách nói "Xưa kia... nhưng nay" được lặp đi lặp lai tới ba lần trong ba chương một, hai và ba, gây ý thức cho chúng ta nhận biết rõ ràng: một cuộc chuyển biến về bản sắc đã và đang xảy ra trong con người của tín hữu, nhờ họ sống và tuyên xưng Đức-tin vào Đức Kitô (50).

***

Để có thể thay đổi bản sắc từ con người cũ sống trong tội lỗi, thành con người mới, sống cuộc sống của Đức Kitô - tư duy như Ngài, cảm nhận như Ngài, yêu thương và tha thứ anh chị em như Ngài...- Chúng ta chỉ có một điều cần làm: Ở lại trong ngài. Như cành nho bám sát vào gốc nho.

"Ở lại trong" có nghĩa là: "Bén rễ sâu" (51), "gắn chặt với Đức Kitô là Đầu" (52).

Nếu "Ngài là tất cả cho chúng ta, trong chúng ta" chúng ta cũng cần hợp tác với Ngài. Nuôi sống Ngài như Mẹ Maria. Kitô hoá tất cả những gì làm thành chúng ta, đặc biệt là Lối-nhìn và Xúc-động. Nhìn với đôi mắt của Đức Kitô, Cảm với con tim của Đức Kitô. Đó là bí quyết trở thành Kitô hữu, theo đúng kế hoạch mà Thiên Chúa đã cưu mang ấp ủ từ trước muôn đời.

CHƯƠNG XV - TRONG ĐỨC KITÔ (Ep. 1, 4)

Ba lá thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê, Co-lô-xê và Ê-phê-xô có quan hệ khắng khít chặt chẽ với nhau. Lá thư đầu chuẩn bị lá thư sau. Lá thư sau sáng soi và kiện toàn những lá thư trước. Các nhà chú giải Kinh-thánh mượn lại hình ảnh Dân Chúa trên đường vào Đất-hứa để minh họa tiến trình tư duy của Thánh Phao-lô từ lá thư nầy sang qua lá thư khác. Lá thư gửi tín hữu Phi-líp-phê với chủ đề "Hân-hoan và Vui-mừng" so sánh người tín hữu như Dân Chúa đang ngày ngày di động trong sa mạc Xi-na-y. Giữa bao nhiêu thiếu thốn, khó khăn, trắc trở và gian truân... mắt họ nhìn về. Lòng họ hướng về miền Đất-hứa, mà Thiên Chúa sẽ trao ban cho họ.

Với lá thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, chúng ta chia sẻ niềm tự hào và tự tin của Dân Chúa đang vượt qua sông Gióc-danh, sung sướng, cảm động đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh Đất Quê-hương mà họ cần phải chinh phục, bằng xương, bằng máu. Bằng nước mắt, mồ hôi, bàn tay và trí thông minh. Và nhất là với tất cả tấm lòng của mình. Hẳn thực, theo nhận xét của văn hào Saint Exupéry, duy con tim mới thấy được những điều vô hình. Nhờ con tim, dần dần vô hình biến thành hữu hình. Làm sao người tín hữu cảm nghiệm được trong từng thớ thịt và hơi thở của mình lời tuyên xưng "Đức Kitô là tất cả", nếu Ngài vắng bóng trong tấm lòng?

Qua lá thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, Thánh Phao-lô, gần 70 lần, khẳng quyết: người tín hữu là những ai ở "trong Đức Kitô". Không còn chân trong chân ngoài. Không còn tay cầm cày, mặt vẫn ngoảnh nhìn lui, bụng dạ ngày đêm thèm nhớ "củ hành, củ tỏi của vùng đất nô lệ". Dân Chúa đã "an sinh lạc nghiệp" trong quê hương của mình. Họ là con cái tự do. Họ phải lột bỏ những tàn tích của những chuỗi ngày làm nô lê, bị đánh đập, áp bức, tệ đãi... Hay là hai mặt hai lòng, luồn cúi làm tay sai, để có thêm củ khoai, củ sắn trong tiêu chuẩn phần cơm của mình.

Nói khác đi, nếu lá thư Co-lô-xê trình bày bản sắc của Đức Kitô; lá thư Ê-phê-xô hướng dẫn người tín hữu từng bước đi vào mầu nhiệm lung linh diệu vợi của Hội-thánh. Theo kế hoạch của Thiên Chúa Ngôi Cha, những gì Đức Kitô đã thực hiện trong thời gian cuộc sống làm người 30 năm,Hội-thánh của Ngài tiếp nối mở rộng trong hai chiều kích thời và không gian, cho tới ngày Ngài trở lại trong vinh quang. Bản sắc của Hội-thánh là truyền giáo. Tuy nhiên truyền giáo chỉ là "thanh la phèng phèng, chủm choẹ xoang xoảng", nếu truyền giáo không đồng hoá với truyền tâm và tùng tâm. Lắng nghe Con-tim. Đi theo tiếng gọi của Con-tim. Mở rộng Con-tim Yêu-thương và thứ tha, để mời gọi mọi người đồng hành với mình.

Con tim của Hội-thánh là Đức Kitô.

Hai câu thơ của Nguyễn Trãi đã giúp chúng ta khai mở một phần nào nội dung của Lá thư gửi tín hữu Ê-phê-xô:

"Mở rộng cửa Nhân chờ khách đến.

Vun trồng cây Đức để nuôi con".

Nhân có nghĩa là tấm lòng. Đức là vẻ sáng.

Không mang tấm lòng Đại-dương bao la của Đức Kitô, không nắm bắt và phản chiếu Ánh-sáng Mặt-trời công chính của Ngài, làm sao chúng ta có khả năng rao giảng Tin-mừng. Rao giảng Ngài. Ngài là Tin-mừng mà Thiên Chúa Ngôi Cha trao ban cho nhân loại.

***

Bản sắc của người tín hữu cũng như bản sắc của Hội-thánh là "Ở trong Đức Kitô". Trong các thư của Thánh Phao-lô, có nhiều từ rất nhỏ. Nhưng ý nghĩa của các từ ấy lại rất lớn lao, sâu rộng và thâm thuý. Từ "Ở trong" (entos trong tiếng Hy-lạp) là một ví dụ. Chính Đức Kitô đã dùng lối nói nầy trong câu "Nước Trời ở trong anh em". Nhiều dịch giả đã thay đổi "ở trong" thành "ở giữa", làm mất đi chiều sâu của nội tâm và thay vào bằng chiều rộng không gian và xã hội. Trong tiếng Pháp en không đồng nghĩa với parmi.

Khi suy niệm giáo lý của Thánh Phao-lô trong cách nói "Ở trong Đức Kitô" tôi không thể không liên tưởng đến Mẹ Maria. Sở dĩ Mẹ có khả năng cưu mang Ngôi Lời Con Thiên Chúa trong cung dạ của mình, là vì Thánh Thần của Ngài đã bao trùm hướng dẫn Mẹ, từ ngày Mẹ hiện hữu trong lòng cuộc đời. Cột khói lửa của Thiên Chúa cũng bao phủ và hướng dẫn dân Ngài, trong sa mạc giống hệt như vậy. Theo khoa tâm lý và sư phạm đương đại, ngoài và trong chồng chéo nhau, giao thoa chằng chịt và tác động trên nhau. Mẹ cưu mang con về mặt thể lý và tâm thần. Đó là lẽ bình thường được mọi người tiếp thu và chấp nhận cách dễ dàng, bất kể trình độ kiến thức và văn hoá. Tuy nhiên, để sống, lớn khôn, thành người, đứa con cũng phải cưu mang mẹ trong tâm tư và tấm lòng. Từ ba tuổi cho đến cuối đời, hình ảnh Mẹ luôn luôn có mặt trong nội tâm, với đứa con; mặc dù Mẹ đã qua đời.

Nguời tín hữu - sống Đức-tin, làm chứng Đức-tin và rao giảng Đức-tin - cùng với Đức Kitô, hai bên cũng cưu mang nhau, làm cho nhau trở thành bất tử và bất diệt trong tấm lòng của nhau. Theo hình tượng đầy thi vị của Xuân Quỳnh, giữa Đức Kitô và những ai tin vào ngài có những quan hệ gắn bó, giống như giữa Biển và Thuyền:

"Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời Biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi.

Lòng thuyền nhiều khát vọng,

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa... Còn xa.

(...)

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu.

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió".

***

Một đàng, ở trong Đức Kitô và sống chính cuộc sống của Ngài, mang tấm lòng Thiên Chúa của Ngài... Đàng khác, cưu mang Đức Kitô trong xương da máu thịt của mình, như Mẹ Maria, nuôi sống Ngài, đi theo Ngài đến tận chóp đồi Núi sọ, mamg Ngài đến cho anh chị em đòng bào đồng loại...

Sứ mệnh thật lớn lao! Vô tưởng, hảo huyền chăng?

"Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?" (53).

Bắt chước Mẹ Maria, tôi cũng nêu ra câu hỏi ấy. Và trong đáy sâu tâm hồn của người tín hữu, Chúa Thánh Thần luôn luôn có mặt. Nếu chúng ta thấm nhuần và tràn đầy Ngài, Ngài sẽ cho chúng ta biết công việc phải làm, ngôn ngữ phải sử dụng, quan hệ cần phát huy và con đường nên dấn bước (54). Thánh Thần là dấu ấn Thiên Chúa đã đóng vào tấm lòng của chúng ta, từ ngày chúng ta lãnh nhận Bí-tích Rửa-tội (55). Nhờ sức tác động của Ngài, chúng ta có khả năng thu hoạch một cách tràn đầy "Tất cả sự viên mãn, tròn đầy của Thiên Chúa" (56). Nhất là thấu hiểu được mọi chiều kích dài, rộng, cao và sâu liên hệ đến cõi lòng yêu thương của Ngài (57).

***

Khi ở trong Đức Kitô, chúng ta không đánh mất những gì tạo nên "mai cốt cách, tuyết tinh thần" của chúng ta! Họ là người Việt Nam, còn tôi hơn thế nữa, tôi là người Việt Nam 100 phần trăm. Họ phục vụ người nghèo? Còn tôi, hơn thế nữa, tôi trở nên nghèo với anh chị em nghèo. Họ đã đánh duổi xâm lăng, lập lại hoà bình cho đất nước? Còn tôi hơn thế nữa, tôi xây dựng một quê hương, trong đó không còn não trạng nhị nguyên "tao hơn - mầy thua, tao tốt - mầy xấu, tao có lý - mầy vô lý". Mọi người biết đồng hành, chia sẻ, lắng nghe, trao đổi, đối thoại.

Khi ở trong Đức Kitô, tôi vẫn là tôi. Không tan loãng. Không chập chờn. Không lạc loài, tan biến kiểu "Ông không ra ông, bà không ra bà". Lai căng, vá víu, bị động, lệ thuộc.

Trái lại tôi trở nên "Tác phhẩm của Thiên Chúa" (58). Tôi có khả năng bắt chước Ba Ngôi Thiên Chúa" (59):

Thương yêu và tha thứ như Ngôi Cha,

Đồng hành, chia sẻ, phục vụ anh chị em như Ngôi Con.

Năng động Như Thánh Thần, để nối kết mọi người trong một quan hệ bổ túc và kiện toàn nhau, còn được gọi là tương tức, tương tác, tương sinh, tương thành. Trong quan hệ ấy, tôi trọng mình và kính người. Ai ai cũng đóng góp phần mình để làm nên "Trời mới đất mới", tham dự vào công trình tạo dựng và tái dựng của Thiên Chúa (60).

Tóm lại, khi ở trong cõi lòng Đại-dương của Thiên Chúa Ba Ngôi như vậy, tôi không đánh mất căn tính hoặc bản sắc làm người của mình. Trái lại, tôi "đạt tới tình trạng con người trưởng thành, với tầm vóc viên mãn của Đức Kitô" (61).

Nói khác đi, "trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người" (62).

Đó là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

CHƯƠNG XVI - THIÊN CHÚA LÀM "BỤI ĐẤT"

Mỗi lần ngày lễ Giáng-sinh chuẩn bị trở về, theo chu kỳ vận chuyển của tháng năm, lòng tôi rạo rực, trăn trở, bồi hồi... Không phải vì tôi đợi chờ những ngày nghỉ, những thiệp chúc mừng hay là những kiện hàng đầy quà cáp, quí hoá và dễ thương. Lòng tôi xáo trộn, bất an, khắc khoải vì tuổi đời đã vượt quá lục tuần... Sáu mươi tuổi là "lục thập nhi nhĩ thuận". Vành tai tôi đã biết xôn xao nghe ngóng, nhạy bén, đón nhận tiếng gió, tiếng mưa, tiếng trở mình gay gắt và nhức nhối của núi sông... Thế mà ý nghĩa, lý sự của ngày lễ "Thiên Chúa Làm Người" vẫn còn là một chấm hỏi khổng lồ trong bản thân và cuộc đời!

***

Câu hỏi thứ 1: Thiên Chúa Làm người phải chăng chỉ gây ra những xáo trộn càng ngày càng lớn lao, trên quả đất nầy?

Cách đây 2000 năm, ngày Thiên Chúa sinh ra, làm một em bé non dại, yếu ớt trong vòng tay bà mẹ của mình, theo lời tường thuật của hai tác giả Mát-thêu và Lu-ca, niềm vui và hy vọng tự nhiên toát ra trên cửa miệng của mọi người "Bình an dưới thế cho người thành tâm!".

Nhưng trong vòng 20 thế kỷ đã qua, hỡi Bình-an, ngươi ở đâu? Bình an chưa một lần là hoa trái thực sự và lâu bền, chưa một lần là hồng ân vĩnh viễn cho nhân loại, từ Bắc xuống Nam, từ Đông qua Tây.

Quê hương Việt Nam, từ ngày còn mang tên Vạn Xuân, Đại Việt, đã bị phương Bắc xâm lăng, đàn áp, bóc lột. Ý đồ đồng hoá ấy vẫn còn mang tính thời sự, vào đầu ngàn năm thứ ba. Mặc dù máu chảy thành biển, xương chất thành núi, dưới bước chân càn quét của quân đội viễn chinh, Thiên-triều của phương Bắc vẫn tự hào đã mang đến cho "quận Giao chỉ miền Nam" ánh sáng của Văn-minh và Nhân-nghĩa đại đồng, vượt qua mọi biên giới của bốn biển.

Phương Tây, sau khi đã thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, cũng muốn mở rộng "Nước Chúa" đến tận mọi phương trời, chân biển... bằng súng ống, bom đạn, và thánh chiến. Ở Mỹ châu cũng như ở Á và Phi, bài học lịch sử đã cho thấy một sự cấu kết thường hằng giữa đoàn quân xâm lược chiếm đất giành dân và đoàn quân các thừa sai ngoại quốc muốn mở mang Nước Chúa và rao giảng Tin-mừng.

Thiên Chúa đã đến trong lòng nhân loại, với hình hài và tâm hồn của một em bé non nớt, mong manh cần tình thương bao bọc của bà con xóm làng. Em bé ấy bị vua chúa lùng bắt để sát hại - đã lên đường đi tị nạn.

Ai đã vũ trang em bé Thiên Chúa ấy? Ai đã biến em bé ấy thành tên lính viễn chinh đi càn quét các xứ sở "man di, mọi rợ".

Vào cuối thế kỷ 20, mọi ý đồ thực dân kiểu cũ và kiểu mới đều bị tan rã khắp mọi nơi. Không còn mãnh đất dụng võ để thao lược bạo động, tranh giành ảnh hưởng và quyền lực... những dân tộc có truyền thống Kitô giáo lâu đời như U-gan-đa, Ái-nhĩ-lan, miền đất trước đây mang tên là Nam Tư (Yougoslavie) lại trở nên những địa bàn sôi bỏng của thảm hoạ kỳ thị và thanh lọc chủng tộc, tàn sát lẫn nhau.

Hỡi tinh thần Kitô giáo, ngươi ở đâu? Những bài giáo lý về tình anh em, những trang Phúc-âm về người xứ Xa-ma-ry phúc hậu, kinh "Bất-hạnh" được lặp đi lặp lại trong các bài giảng...đã được tiêu hoá, hội nhập đến mức độ nào?

Hôm nay, vào thời điểm năm 2.000, Đức Kitô vẫn còn nói được với những ai mang danh Ngài: Dân nầy chỉ bi bô công lý, hoà bình, bác ái, tha thứ ở đầu môi chót lưỡi. Lòng dạ họ còn xa cách Ngài bao nhiêu dặm đường? Cho đến bao giờ Tin-mừng của Thiên Chúa mới biến thành hành động cụ thể trong mỗi người?

***

Câu hỏi thứ 2: Phúc cho người nghèo đói!

Có thật như vậy không?

Trong vòng 2000 năm, "con chim có tổ, con chồn có hang...con người không nơi tựa đầu!" Con người ấy cho dù ở thành phố Hà Nội, Sài-gòn, Abidjan (Côte-d'Ivoire), Paris..., đều là Đức Kitô. Trước khi xây cho Ngài những ngôi nha thờ chính toà đồ sộ, bằng xi-măng cốt sắt... để rồi một mai kia bị tịch thu làm kho vật tư hay là bảo tàng viện, những "bạn bè thân tín mang tên Ngài" có hiểu được rằng: Ngài đang cần những tấm lòng chân thành, một hơi ấm tình người, một liếc nhìn cảm thông, một nắm tay bắt bình đẳng, một lời hỏi han? Hơn là một lâu đài lạnh lẽo và vắng lặng với những bức tượng Chúa - Mẹ trị giá hơn 2000 Mỹ kim.

Và ở đâu có người đang ngửa tay đi ăn xin, ở đó Thiên Chúa là người ăn mày!

Ở đâu còn có người đang ngã lưng trên vệ đường, để qua đêm... Thiên Chúa là người vô gia cư!

Ở đâu có tình trạng người bóc lột người, người ăn hối lộ người, người tàn sát người và vùi lấp trong các hố tập thể...ở đó Thiên Chúa đang còn bị xua đuổi, loại trừ. Ngài đang là thành phần vô sản chính hiệu, nguyên chất.

Cách đây gần 30 năm, các giám mục Á-châu đã họp hội đồng ở Manila. Họ từ chối không chấp nhận biến Hội-thánh thành một cô đảo trù phú, vinh thăng, háo thắng đầy quyền lực ở giữa một đại dương nghèo đói, bần cùng, bị ức hiếp...

Lời tuyên bố còn mang tính thời sự ấy phải chăng đã trở thành một mớ giấy lộn? Một hồ sơ thuộc bảo tàng viện, không bao giờ có khả năng thấy ánh sáng?

Nhân trận bão lụt ở miền Trung vào cuối năm 1999, bao nhiêu người nghèo ở khắp năm châu đã gửi nhiều tỷ đồng cho "người nghèo Gia-vê" ở Việt Nam; để họ kiến dựng lại đời sống làm người. Số tiền ấy đã bốc thành hơi nước ở đâu? Hai loại người có trách nhiệm Đạo và Đời, đã nhận lãnh số tiền ấy chưa bao giờ công khai báo cáo một cách nghiêm minh cho thế giới hay biết: Họ đã quản lý làm sao? Hay là vì sợ mối mọt, cướp bóc...họ đã chôn vùi kín đáo, che dấu kỹ lưỡng ở đâu đó, chưa có dịp trao lại cho dân chúng?

"Người nghèo của Gia-vê" được đề cập trên toà giảng, trong các lớp giáo lý hay là qua lý luận của các nhà thần học... tôi sợ rằng: họ "không còn nghèo", vì "ba vua từ năm châu bốn bể đã mang vàng, nhũ hương, mộc dược" dâng cúng cho họ. Và từ lâu, họ đã trở thành một giai cấp vua Chúa theo kiểu triều đại của Vua Constantin... Con vi khuẩn quyền lực giàu sang danh vọng đã ăn đời ở kiếp trong từng tế bào và máu xương của họ. Với nón họ đội, giày họ đi, gậy họ cầm, màu sắc họ trưng bày "toà" nhà họ ở... làm sao họ có thể đại diện Thiên Chúa sinh ra trong chuồng bò hay là đang chết khát trên cây Thập-giá? Làm sao họ có thể thành ngôn sứ cho Ngài: Tôi đói, ông bà đã cho tôi ăn. Tôi nằm tù, ông bà đã tới thăm viếng. Tôi bị bách hại, ông bà đã bênh vực tôi trước mặt quan quyền...

***

Câu hỏi thứ 3 : Ai lớn nhất trong anh em, người ấy phải chăng làm kẻ nhỏ nhất, cúi xuống rửa chân cho anh em mình?

Bao giờ lời nói ấy của Đức Kitô mới trở thành hiện thực cho những ai sống Đức-tin vào ngài? Và ngày ngày có sứ mệnh loan truyền Tin-mừng của Ngài?

Thiên Chúa chỉ "nói một Lời". Chỉ mặc khải một điều: Đó là Đức Kitô sinh ra trong hang bò. Ngài chấp nhận bị cư xử là tội nhân. Bị đóng đinh và giết chết trên Thánh-giá. Ngài trở thành "sâu bọ". Ngài là người đầy "đầy tớ khổ đau".

Thế mà, Bộ Giáo-lý và Đức-tin khuyến cáo các Giám-mục năm châu bốn bể không được dùng danh hiệu "giáo-hội chị em" (Sister Church) với các cộng đoàn Tin-lành. Cũng theo bản tuyên ngôn, "Dominus Jesus" (Chúa Giêsu), Hội-thánh Công-giáo là môi trường duy nhất nhận lãnh Mặc-khải toàn diện của Thiên Chúa. Duy Hội-thánh Công-giáo mới thực sự là Thân-thể Nhiệm-mầu, do chính Đức Kitô sáng lập.

Ngôn ngữ - tôi chỉ ở trên bình diện nầy mà thôi - ngôn ngữ nầy là của ai? Của một người muốn tranh chấp và bảo vệ quyền lực? Hay là của Thiên Chúa đang ngày ngày sinh ra làm một em bé. Ngài mặc khải mình, qua con người của Đức Kitô, như một số không. Duy cái hư không hay là "chân không" ấy mới có khả năng mặc khải Ngài là "Diệu-hữu". Nói cách khác, duy mình Ngài mới là "Tất cả" trong tất cả mọi sự và mọi người. Duy Đức Kitô là Đầu mới có khả năng thu tóm mọi sự trong Ngài.

Ngôn ngữ ấy không thể "duy-lý" cực đoan như hai cọng với hai thành bốn. Đó là ngôn ngữ của Đức-mến trong giáo-lý của Thánh Phaolô (1 Cor. 13, 1-10).

Trong Đức-mến, không một ai, dù là Giáo chủ của Hội-thánh Công-giáo, tự cho mình cái quyền uy "ngồi bên hữu và bên tả" của Đức Kitô trên nước trời. Hay là có độc quyền về chân lý!

Nếu không nói ngôn ngữ của Đức-mến, chúng ta còn là đồ đệ của Đức Kitô nữa không?

Bộ Giáo-lý lo sợ con vi khuẩn "tương đối hoá quá khích" đang lây lất trong giới thần học gia, nhất là trong môi trường Á-châu hoặc Đông-phương. Hội-thánh có nguy cơ trở thành xôi đậu lộn xộn, vì các nhà thần học Á-châu có xu thế "bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia", hỗn hợp lộn xộn. Tiếng Pháp là syncrétisme. Đây lại là vấn đề ngôn ngữ chụp mũ, trước khi lắng nghe và tìm hiểu anh chị em.

Cái bị mang tiếng là trà trộn lộn xộn ở Âu-tây, trong ngôn ngữ duy lý, còn mang một danh hiệu quý trọng là lòng Bao-dung của Thiên Chúa. Trong cõi lòng Đại-dương của Ngài, những con sông, khe suối, dòng nước chìm, nổi đều trở về thanh luyện. Nước-đà của sông Hồng, nước-đen của Phi-châu, nước-đỏ của Amazone, nước-xanh của Danube Bleu... đều trở về thành nước tinh trong, vẹn toàn, vô nhiễm trong lòng Nước Trời. Không đánh mất bản sắc bản lãnh của mình.

Thêm vào đó, tại sao lo sợ làm động lực cho chúng ta? Giáo chủ Gioan Phaolô II, để khai nguyên triều đại, đã xin Đức Kitô thổi Thần-khí An-hoà vào lòng mọi người: "Anh chị em, đừng sợ". Đừng sợ có nghĩa là cho phép từng người diễn tả lòng yêu thương đối với Đức Kitô, theo bản sắc văn hoá của mình. Chồng không thể ép vợ phải yêu mình như cách mình chỉ huy. Cũng vậy, trong môi trường Đức-tin, chúng ta là con cái tự do. Không ai bị coi là nô lệ, sống dưới ách độc tài của người khác, dù đó là cha mẹ sinh ra mình. Một tình yêu bị lèo lái "hò rì hò tắc" từ ngoài, còn được gọi là tình yêu nữa không?

***

Từ ngày sinh ra trong hang bò máng cỏ, đến lúc chết hẩm hiu trên Thập-tự, không có được một mảnh áo che thân, Đức Kitô con Thiên Chúa đã sống tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần đã dẫn Ngài vào hoang địa để bị cám dỗ và thử thách nặng nề.

Ngày hôm nay, ba chiêu bài Danh-vọng, Giàu-sang, và Tiền-tài đang còn đó, muốn tấn công và đánh ngã quị Hội-thánh của Ngài trên mọi nẻo đường dương thế.

Theo cuốn sách "Vatican mis à nu", Hội-thánh cơ cấu phải chấp nhận bị lột trần, bị tước bỏ mọi lớp y phục giống như Đức Kitô, trước khi bị đóng đinh vào Thập-giá, trên ngọn đồi Gôn-gô-tha.

Chừng nào chúng ta cởi hết mọi chiếc áo Giàu-sang, Danh-vọng và Tiền-tài, bị đóng đinh trần trụi vào Thánh-giá, can đảm chịu chết đi con người cũ muốn ăn trên ngồi trốc, muốn hơn người, muốn chiếm độc quyền về chân lý... lúc bấy giờ chúng ta mới có khả năng sống lại và làm cho địa cầu nhân loại nầy, trở thành "Trời-mới, Đất-mới". Phải chăng đó mới là Tin-mừng "Thiên Chúa Làm người" ở giữa chúng ta? Ngài chọn lựa làm "bụi đất" để cho bụi đất trở thành con cái Ngài.

CHƯƠNG XVII : "XIN ĐỪNG SỢ" (Lc. 1, 30)



Mỗi lần có dịp tiếp xúc với thế giới thánh thiêng, phàm là người, ăi ai cũng tỏ ra bối rối, kinh hoàng lo sợ. Họ mất chân đứng. Họ cảm thấy mình mong manh, yếu kém, bất an, thiếu an toàn. Giữa những lúc như vậy, họ cần được nâng đỡ, che chở. Họ muốn có người quen biết hướng dẫn cho mình hiểu rõ mình đang ở đâu, tiếp xúc với ai, cần có thái độ và tác phong như thế nào.

Mẹ Maria đã lo sợ, khi Mẹ được Sứ-thần Ga-bi-ri-en đến thăm viếng.

Da-ca-ri-a cũng hốt hoảng, kinh hoàng, mặc dù biết rằng mình đang ở trong một nơi thánh thiêng, rất an toàn, không có quỷ thần nào dám quấy rầy. Đó là đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Phê-rô được Đức Kitô cho phép bước đi trên mặt nước, để đến với Ngài. Bổng nhiên một cơn sóng ùa tới. Phê-rô mất lòng tin, hoảng hốt la lên: "Xin Thầy cứu con, con chết mất!".

Sau khi sống lại, mỗi lần Đức Kitô đến thăm các tông đồ, họ cũng lo sợ, bán tín, bán nghi Ngài đã làm gì, để hoá giải nỗi lo sợ của họ?

Thứ nhất, Ngài cho phép họ lại gần, đưa hai tay tiếp xúc, va chạm để kiểm chứng Ngài không phải là "tinh ma hiện hình". Ngài có thân xác hoàn toàn giống như họ. Ngài chính là người cùng một tên tuổi như trước đây.

Thứ hai, Ngài xin họ một miếng bánh và một chút cá nướng. Và rồi, Ngài đã ăn trước mặt họ, như Ngài đã làm suốt ba năm gần gũi họ. Tại làng Ê-mau, Đức Kitô đã vào bàn, bẻ bánh với hai đồ đệ, sau khi đã lắng nghe nỗi lòng hoang mang, những thất vọng ê chề... Chia sẻ một tấm lòng, trước khi chia sẻ miếng cơm manh áo. Người Xa-ma-ry nhân hậu đã cùng chia sẻ một tấm lòng, trước khi chia sẻ tiền của... Bà goá phụ trong đền thờ đã chia sẻ một tấm lòng, khi cúng một đồng xu nho nhỏ. Nhờ tấm lòng ấy, đồng xu của Bà có giá trị hơn bao lượng vàng, bao túi tiền đô-la.

Thứ ba, Ngài thổi hơi trên họ, ban tặng cho họ Chúa Thánh Thần. Bản dịch của Tổng Giáo phận Sài Gòn sử dụng cách nói "thổi vào trong họ"; vì tấm lòng của con người là đền thờ của Ngài. Thực ra, tấm lòng là một cái gì lung linh diệu vợi, bao la như Đại-dương. Cao-cả như Bầu-trời, không có ngoài có trong.

Thêm vào đo, theo cách nhìn của Thánh Gio-an, Lu-ca và Phao-lô, chia sẻ Chúa Thánh Thần không phải là cách thứ ba, sau hai cách chia sẻ sự có mặt và chia sẻ lương thực. Trái lại, khi hai người - bất kể là ai, Do-thái hay Hy-lạp, đàn ông hay đàn bà, đã lãnh nhận Bí-tích Rửa-tội hay còn ở ngoài Hội-thánh - khi hai người ấy có khả năng chia sẻ cho nhau một tấm lòng, họ đã "Thành Người" với nhau, nhờ nhau. Và chính giữa tấm lòng của hai người đang làm người, Chúa Thánh Thần đã có mặt. Trong ngày Sáng-tạo, Thiên Chúa đã thổi thần khí của Ngài vào bùn đất. Và bùn đất đã biến thành người. Chính vì vậy, chỗ nào có chất người, chỗ ấy Thánh Thần đã có mặt hoạt động. Và chỗ nào có Chúa Thánh Thần đang hoạt động, chỗ ấy con người có khả năng nhận lãnh sức mạnh thần thiêng của Ngài. Họ không còn gì để sợ. Họ bất diệt. Không gươm giáo, súng ống, bom đạn nào có thể huỷ diệt một tấm lòng. Với một tấm lòng công chính như vậy, Thánh Gióp cả gan đối mặt, đương đầu với Thiên Chúa và đã được Ngài lắng nghe.

Tại vườn Cây-dầu, vào tối thứ Năm Tuần-thánh, Đức Kitô cũng hãi hùng lo sợ trước hình ảnh của ngày tử nạn đang đón chờ Ngài hôm sau. Ngài xúc động tột độ đến nỗi mồ hôi và máu tuôn ra, khắp châu thân của Ngài.

Ngài đã làm gì để vượt qua cơn sợ hãi và cùng cực ấy?

Ngài đã cầu nguyện, trang trải "tấm lòng làm con" cho Cha Ngài. Và như trước đây tôi đã trình bày về giáo lý của Thánh Lu-ca, Phao-lô và Gio-an, ở đâu có một tấm lòng làm người, Chúa Thánh Thần đã có mặt. Với Ngài và nhờ Ngài, người ấy có mọi khả năng, để vượt qua mọi bão tố hãi hùng trong lòng cuộc đời.

Khi đã "tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần", con người của Đức Kitô, cũng như mọi con người khác, không trừ sót một ai, không còn sợ. Con người "quì gối", khiêm hạ, thấy mình là bùn đất, cô đơn, lẽ loi, run sợ... biến thành con người "đứng thẳng": Ego eimi!

Tôi đây: đầy thần lực, sẵn sàng hiên ngang leo lên Ngọn-đồi Núi-sọ để chết, với một cái chết "trị giá ngàn vàng". Một cái chết rất có trọng lượng có thể chuyển đổi cán cân thăng bằng của Càn-khôn Vũ-trụ. Một cái chết mang trọng lượng của Lòng Thứ-tha, Bao-dung.

Chính vì lý do cuối cùng nầy, sau khi trao ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ, Đức Kitô Phục-sinh sai họ đi khắp bốn phương thiên hạ rao giảng Tin-mừng Tha-thứ của Ngôi Cha. Mang đến cho mọi người một tấm lòng Đại-dương. Mời gọi tất cả đi vào Lòng Đại-dương. Đó là hai hơi thở ra vào của công cuộc truyền giáo.

"Con đi ra: thao túng mọi biên thuỳ, giới hạn;

Con mang về Đức Kitô tròn đầy, viên mãn".

***

Đức Kitô tràn đầy và viên mãn ấy là toàn thể Nhân-loại từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam được đổi mới trọn vẹn, nhờ hồng ân cứu độ và tấm lòng thứ tha vô biên của Thiên Chúa Ngôi Cha.

Đó là nội dung sứ điệp "Anh-chị-em đừng sợ" của Giáo chủ Gio-an Phao-lô II, khi Ngài sở hữu hoá Lời Chúa để "khai nguyên" triều đại của Ngài. Tôi cố tình dùng lối nói "khai nguyên" thay vì "khai trương". Khi khai trương, ngài chỉ mơ ra một cánh cửa. Cái gì tiếp theo? Huyền nhiệm!

Khi Ngài khai nguyên, Ngài đặt nền móng, vạch ra một con đường tất yếu cho Ngàn năm Thứ ba của Hội-thánh: Đó là con đường của một Tấm-lòng thứ tha và bao dung.

Trong lòng Hội-thánh, không còn bầu khí sợ hãi, nghi kỵ của một ngôi nhà cửa đóng then gài do những cuộc bách hại kéo dài gần 3 thế kỷ đầu tiên.

Trong chương trình sinh hoạt đối nội cũng như đối ngoại, từ đây Hội-thánh là một "Tấm-lòng trang trải" bao la.

Một tấm lòng "biết lắng nghe", trên con đường về Ê-mau.

Một tấm lòng "Thầy không kết án chị", khi Đức Kitô cúi thấp xuống, từ dưới nhìn lên, so với tầm mắt lo âu của người phụ nữ ngoại tình.

Một tấm lòng "ngửa tay cầu xin" hơn là chỉ đe dọa, chỉ huy, đòi hỏi: "Các anh em có gì cho Thầy ăn với!".

Một tấm lòng "gợi ý đổi mới" thay vì áp đặt một sự việc đã được chuẩn bị một cách đơn phương đâu vào đấy: "Các anh em thử thả lưới ở phía bên kia xem sao!".

Một tấm lòng của người cha, người mẹ "đứng đợi con" hơn là đóng sập cửa nhà, không cho vào, vì "thiếu điều kiện", hay là vì thiếu lý do "rất chính đáng".

Một tấm lòng không "độc lộ: chỉ coi trọng đền thờ Giê-ru-sa-lem và khinh thường đền thờ Xi-khem". Chỉ có đền thờ tâm linh mới quan trọng. Đó là con người xương máu, cụ thể đang đứng trước mặt, hơn là Tình Nhân-loại vượt biên cương thiếu bộ mặt...Chỉ là một nhãn hiệu.

***

Nếu nhìn cho đến nơi đến chốn, với tất cả tấm lòng muốn làm người, chúng ta rất dễ nhận thấy rằng: Lo sợ là nỗi niềm lây lất, lan tràn đó đây trong lòng xã hội loài người. Khi sợ, tôi bám chặt vào quá khứ. Tôi thấy mọi sự, mọi người, qua lăng kinh của định kiến, thành kiến, thiên kiến. Nhận thức bị xuyên tạc, bóp méo. Cái nhìn không còn đơn sơ, trinh nguyên, đón nhận vô điều kiện. Từ đo, tôi phê phán, tố cáo, đỗ lỗi hay là theo phe nầy, đả đảo phe kia.

Con đẻ của lo sợ là hận thù, kỳ thị, chiến tranh, bạo động... tất cả những gì tạo nên khổ đau, hơn là băng bó vết thương đang rướm máu.

Ngược lại với lo sợ, hay là để hoá giải niềm lo sợ với bao nhiêu tầng lớp sâu hiểm; chỉ có một con đường duy nhất: Xây dựng, phát huy một tấm lòng, trong quan hệ giữa người với người.

Thứ nhất, tấm lòng thì bao dung chấp nhận người trước mặt tôi có quyền Khác đối với tôi. Khác về lối nhìn. Khác về cảm nhận. Khác về cách hành xử.

Thứ hai, tấm lòng thì xác tín, chấp nhận vô điều kiện rằng, tuy dù khác, mọi người có thể bổ túc, kiện toàn nhau. Dù khác xa nhau, hai người đang được kết chặt vào nhau bằng một quan hệ gắn bó, tương tức, sinh thành nhau. Có mình có người. Chúng ta liên đới với nhau trên một chuyến đò làm người.

Thứ ba, khi tấm lòng là địa bàn của Tình-thương, nhận thức không còn bị bóp méo, xuyên tạc. Qua lăng kinh tình thương, tôi có khả năng ghi nhận giá trị của người khác. Trái lại, khi sợ như đã nói trước đây, tôi chỉ thấy bộ mặt đe dọa xấu xa của người khác, từ người gần đến người xa.

Thứ bốn, tấm lòng yêu thương luôn luôn đi đôi với khả năng tha thứ. Và ý nghĩa của tha thứ là khả năng chuyển hoá lối nhìn, hay là khả năng luyện vàng: Biến đồng chì sắt thép thành vàng.

Thứ tha là chuyển biến chứ không phải là quên. Khi quên chúng ta vùi dập, dồn nén, ức chế, không muốn nhìn, muốn thấy, muốn nghĩ đến... Điều bị dồn nén, che giấu sẽ trồi lên chỗ khác, cách khác, khi khác tai hại hơn.

Khi chuyển biến, tôi nhìn thẳng đối diện: mở rộng tấm lòng để khám phá bao nhiêu vẻ đẹp đang cùng có mặt, thay vì chỉ tập trung lối nhìn vào một điểm hạn hẹp tiêu cực mà thôi.

"Em thấy anh vô duyên?

Vâng, anh vô duyên, không biết dùng lời nhỏ nhẹ...

Nhưng em thử bịt tai đừng nghe: chỉ nhìn.

Em có thấy anh có duyên ở chỗ nào khác không?"

***

Trong địa hạt Đức-tin, bản sắc của Chúa Thánh Thần là, "biến bùn đất thành con cái Chúa" như sách Sáng-thế trình bày từ mấy trang đầu tiên.

Nhờ Ngài, với Ngài, như Đức Kitô đã trình bày cho chúng ta, người tín hữu có khả năng biến lo sợ thành Tình-thương và Tha-thứ. Biến lo sợ của loài người thành sức mạnh và bình an của Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần là tấm lòng của Ngôi Cha.

Muốn trở thành môt tấm long bao la, vĩ đại biết yêu thương và tha thứ, theo giáo lý của Thánh Phao-lô, chúng ta hãy "tràn đầy và thấm nhuần" Ngài.

Ngài đã có mặt trong tâm hồn chúng ta, từ ngày chúng ta nhận lãnh Bí-tích Rửa-tội. Công việc còn lại là "Minh minh Đức" bằng việc làm và lời cầu nguyện, để Đức sáng của Ngài càng ngày càng cháy sáng trong con người và cuộc đời của chúng ta. Có minh đức thì có tân dân: một cuộc đổi mới toàn diện, tận gốc rễ. Từ trong ra ngoài...

Lausanne – Thụy Sĩ Xuân 2001

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH

33. Cl. 2,2.

34. Cl. 1, 26

35. Cl. 4, 2.

36. Cl. 3, 11

37. Cl. 3, 11

38. Cl. 2,6.

39. Lc. 1,46-56.

40. Cl. 1, 22

41. Cl. 1, 17.

42. Cl. 1, 16.

43. Cl. 1,20.

44. Cl. 1,20.

45. Cl. 1,22.

46. Cl. 2,20.

47. Cl. 2,20.

48. Cl. 3,10.

49. Cl. 2, 9-13.

50. Cl. 1,11; 2, 18; 3, 7.

51. Cl. 2, 7.

52. Cl. 2, 19.

53. Lc. 1, 34.

54. Ep. 5, 18.

55. Ep. 1, 13.

56. Ep. 3, 19.

57. Ep. 3, 18.

58. EP. 2, 10.

59. Ep. 5, 1.

60. Ep. 4, 24.

61. Ep. 4, 13.

62. Ep. 1, 4