TRONG ĐỨC KITÔ (Tiếp theo)

CHƯƠNG X : MẦU NHIỆM THÁNH GIÁ

(Theo Phúc-âm Thánh Mác-cô)

Mác-cô là đồ đệ thân yêu của Thánh Phê-rô. Đã một thời Mác-cô tháp tùng Thánh Phao-lô, trên một vài chặng đường truyền giáo...

Những sự cố có liên hệ đến Phê-rô trong suốt ba năm rao giảng Tin-mừng của Đức Kitô, đều được Mác-cô ghi nhận và kể lại trong cuốn Phúc-âm của mình.

Theo các nhà chú giải Kinh-thánh, cuốn Phúc-âm thứ II đã có mặt và được lưu hành trong lòng Hội-thánh sơ khai, từ khoảng năm 70 sau Chúa Giáng-sinh. Trước đó chừng năm hoặc mười năm, nghĩa là vào khoảng chung quanh năm 60, hai Thánh Phê-rô và Phao-lô đã bị bắt bớ và giết chết tại Roma. Cuốn Phúc-âm của thánh Mác-cô ra đời vào một thời điểm Hội-thánh đang bị truy nã và bắt bớ, nhất là dưới triều đại của hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô.

Tất cả những nhận xét ấy cho chúng ta lãnh hội một phần nào tại vì sao Mác-cô đặt trọng tâm vào Mầu-nhiệm Thánh-giá của Đức Kitô trong cuốn Phúc-âm của mình. Phải chăng đó cũng là trọng tâm của giáo lý và đức tin, được Thánh Phê-rô nhắc đi, nhắc lại cho các tín hữu, vào những thời điểm khó khăn và gay cấn nhất trong đời sống của Hội-thánh, trước lúc lãnh án tử hình "để giống Thầy ".

***

Hẳn thực, theo Phúc-âm của Thánh Mác-cô, Đức Kitô đã ba lần loan báo cuộc Thương-khó và Phục-sinh của mình:

"Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử người và sẽ nộp người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại" (20).

Mỗi lần Đức Kitô loan báo con đường tử nạn của mình, Thánh Mác-cô đều nhấn mạnh rằng: Các môn đệ không hiểu Ngài muốn nói gì. Thậm chí Thánh Phê-rô còn muốn cản trở Ngài, bị Ngài khiển trách, và bị đồng hoá với sa tan.

Để hiểu rõ tầm quan trọng của lời khiển trách này, chúng ta hãy trở lui với biến cố Ngài bị sa tan cám dỗ ba lần trong hoang địa, khi Ngài khởi đầu sứ mệnh rao giảng Tin-mừng.

Lần thứ nhất, sa tan đưa ra chiêu bài "cuộc sống dễ dãi" : biến đá thành bánh mà ăn.

Lần thứ hai, sa tan đưa ra chiêu bài "danh vọng và thành công": gieo mình từ chóp đỉnh đền thờ, để được mọi người vỗ tay hoan hô, ca ngợi, tôn vinh...

Lần thứ ba, sa tan đưa ra chiêu bài "của cải, tiền bạc, giàu sang, phú quí...": sụp lạy quỉ ma và tay sai của nó để được quyền uy, chức tước, địa vị...trong mọi môi trường thuộc nếp sống của thế gian.

Khi đón nhận con đường Thánh Giá của Đức Kito, tự khắc chúng ta phải khước từ ba chiêu bài huy hoàng và tráng lệ của sa tan.

Trong lòng Hội-thánh của Đức Kitô, vị hôn thê của Ngài là "người nghèo của Ya-vê", người nghèo tự nguyện, khước từ tất ca, để mặc vào mình con người của Đức Kitô, với năm vết tích khổ nạn của Ngài : "Tôi sống nhưng đâu phải tôi sống. Chính Đức Kitô sống trong tôi" (21).

Tin vào Đức Kitô làm đồ đệ của Ngài, chúng ta không thể không chọn lựa Con Đường Thánh-giá. Trên Thánh-giá, Thiên Chúa Tình-yêu và Thứ-tha hiện nguyên hình, trước mặt thế gian. Nhờ ngôn ngữ Thánh-giá Thiên Chúa đã mặc khải bản chất và căn cước của mình. Yêu ai phải chăng là chết cho người ấy ?

Trên Thánh-giá Thiên Chúa đã diễn tả lòng thứ tha vô điều kiện của Ngài. Ngài giăng hai tay đón nhận mọi đứa con hoang đàng trở về. Trong số đó có chúng ta.

Đi con đường Thánh-giá của Đức Kitô, chúng ta bắt chước Ngài: tha thứ "vô điều kiện" cho mọi người, mặc dù người ấy đã cướp nhà, cướp ruộng vườn của chúng ta. Mặc dù người ấy đã giam tù, giam đói, khủng bố tình thần chúng ta bằng mọi cách... mặc dù họ đã đuổi chúng ta ra biển cả để đắm tàu và bị hải tặc cướp bóc hành hạ...!

Khi biết thứ tha vô điều kiện như Đức Kitô trên Thánh-giá, chúng ta sẽ sống lại như Ngài. Với Ngài. Và nhờ Ngài. Chúng ta được đón nhận vào cung lòng của Ngôi Cha. Hơi thở và sự sống của chúng ta là Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, ai giao tiếp với chúng ta, người ấy sẽ trở thành con cái của Thiên Chúa.

***

Hỡi người Anh, người Chị Cursillista... Trong môi trường sinh sống, vào ngày Thứ tư, nhiều Thánh giá lớn bé, nặng nhẹ đang trải đầy trên đường đi của chúng ta.

Thánh giá ấy đang mang nhiều tên tuổi khác nhau như bệnh hoạn, cô đơn, lòng phản bội, độc ác, ghen tuông, cảnh nghèo cực, đói khổ... sống xa nhà, xa quê hương. Nhưng trên con đường leo lên ngọn đồi Gôn-gô-ta ấy, có Đức Kitô, có Mẹ Maria... Và ở cuối đường, vào "ngày thứ ba" chúng ta sẽ sống lại, sẽ làm Chúa; với Ngài. Như Ngài. Nhờ Ngài.

CHƯƠNG XI : RAO GIẢNG TIN MỪNG

(Theo lối nhìn của Thánh Lu-ca)

Thánh Lu-ca là người "Thầy Thuốc" đã đi theo Thánh Phao-lô trên những chặng đường truyền giáo (22). Vào cuối đời, Ngài đã cống hiến cho Hội Thánh hai tác phẩm. Đó là Phúc-âm thứ ba và sách công vụ Tông-đồ.

Trong cuốn sách thứ nhất, tác giả đã trình bày cho chúng ta một điều quan trọng : Đức Kitô sinh ra từ cõi lòng Mẹ Maria, là Tin Mừng do Thiên Chúa Ngôi Cha gửi đến cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời, từ ngày sinh ra ở Bê lem, cho tới lúc phải chịu án tử hình ở Giê-ru-sa-lem, Ngài đã rao giảng một điều duy nhất: Thiên Chúa Ngôi Cha đang yêu thương chúng ta, vì chúng ta là con cái của Ngài. Ngài vẫn tiếp tục yêu thương, mặc dù chúng ta phản bội ăn ở bất trung, bất hiếu với Ngài (23).

Trong cuốn sách thứ hai, theo các trình bày của Thánh Lu-ca, những gì Đức Kitô đã thực hiện trong cuộc đời của Ngài, phải được chính chúng ta tiếp tục, nối dài trong mọi hang cùng ngõ hẻm của nhân loại.

Chính ngày Hôm nay, qua máu xương, da thịt của chúng ta, Đức Kitô đang được sinh ra cho thế trần. Cũng giống như ngày xưa, Ngài đã sinh ra từ máu xương da thịt của Mẹ Maria, cách đây 2000 năm.

Chính ngày Hôm nay, nhờ chúng ta, Ngài đang chết và sống lại, để Hồng-ân Cứu-độ có thể sinh hoa, kết trái, trong cõi lòng mỗi người.

Ngày xưa, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ Maria thế nào, thì ngày Hôm nay, Ngài cũng đang ngự xuống như vậy trên chúng ta, để chúng ta có thể thực hiện những kỳ công trọng đại trong cuộc đời.

Với Đức-tin vào Đức Kitô cũng như với Tình Yêu của Ngài đang nung đốt chúng ta, chúng ta hãy có gan "làm phép lạ". Với chúng ta, người mù được sáng mắt. Người câm được nói. Người bại liệt có thể bước đi. Người nghèo cảm thấy mình được hạnh phúc, vì Thiên Chúa Tình Yêu là kho tàng của họ.

Có Thiên Chúa trong quả tim và cuộc đời, chúng ta cũng có khả năng thổi Thần Khí vào bùn đất và tạo nên những Trời Mới và Đất Mới, trong chính những nơi còn tràn đầy chết chóc và tang thương, hận thù và bạo động.

Pascal đã nói: Hãy cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa. Tôi có thể dời núi lấp sông. Hỡi người Cursillista! Là con cái của Thiên Chúa, Anh Chị và Em đang có sẳn trong mình hai yếu tố ấy. Điểm tựa là Đức-tin vào Đức Kitô. Đòn bẩy là Chúa Thánh Thần.

Vậy chúng ta còn đợi chờ gì để không ra tay "dời núi lấp sông", bắt đầu từ chính bản thân của mình?

CHƯƠNG XII : HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN THẦN HỌC VIỆT NAM

Hướng đến một nền thần học việt nam là hướng đến một đời sống Đức-tin sáng ngời như ngọn đuốc giữa lòng dân tộc, liên đới với những con người Việt Nam mang trong mình bao nhiêu là khổ đau và tồn tại cũng như bao nhiêu kỳ vọng và giá trị cao cả...

Phải chăng đó là nội dung tôi muốn mạo muội chia sẻ hôm nay với quí vị quí bạn là những người cũng mang trong mình dòng máu Tiên Rồng như tôi! Hơn thế nữa, chúng ta tất cả còn mang dòng máu Ba Ngôi Thiên Chúa trong từng huyết quản của chúng ta, nhờ Bí tích Rửa tội và Hồng phúc kỳ diệu của Chúa Thánh Linh.

Thật ra, kính thưa quí vị và quí bạn, thay vì chia sẻ chân tình với anh em kinh nghiệm sống đạo nơi bản thân và mối tương giao của tôi với Thiên Chúa, tôi thường xuyên bị cám dỗ đua đòi đuổi bắt một thứ thần học lý thuyết, sao chép sách vở, xa rời cuộc sống. Khi vay mượn một khuôn mẫu lý thuyết để nói thần học, phải chăng tôi muốn áp đặt từ ngoài cho kẻ khác một con đường mà chính tôi không bao giờ đi?

Con đường tôi đang đi, thật ra chính là "hơi thở" hằng ngày của tôi, được hà hơi tiếp sức bởi Thần khí Chúa để đổi mới tâm hồn và cuộc đời tôi. "Hơi thở" và sức sống ấy, nói lên lối suy nghĩ và nếp sống đạo chân thật nhất của tôi, và có khả năng tác động trên đồng bào tôi. Nếu tôi chưa thực sự "sống lại" với Đức Kitô, làm sao tôi có thể làm cho Đất-nước tôi "sống lại" với Ngài? Nếu con sông Bến Hải vẫn còn chảy qua giữa con tim của tôi, làm sao tôi có thể mang Tin Mừng yêu thương và tha thứ đến cho các "thế hệ Sơn tinh và Thủy tinh" đã và đang tiếp tục chém giết, loại trừ nhau trên từng tấc đất của Quê hương tôi?

Dựa vào nền tảng thần học nào chúng ta đua đòi xây cất những ngôi đền thờ đồ sộ bằng gạch đa, giữa một đại dương nghèo đói? Để minh họa, tưởng cũng nên nói rõ tại một địa điểm hành hương nọ, người ta chịu Chi 120 ngàn Mỹ kim để xây cất một pho tượng Đức Mẹ. Và 5 cây vàng cho mỗi chặng đàng thánh giá! Đang khi ấy, đa số người anh em đồng bào Việt Nam chưa có một ngày hai loong gạo để độ thân. Hơn nữa, nạn cao bồi du đảng, xì ke ma túy, mãi dâm, xi-đa đang lan tràn như vũ bão, tung hoành trên khắp nẻo đường quê hương. Thế hệ thanh thiếu niên đang bỏ nhà ra đi, vì bị cha mẹ lên án, tố cáo, nguyền rủa, mạ lị, đánh đập, hoặc bị hiểu lầm, rẻ rúng, rầy rà suốt năm tháng... Như vậy, thử hỏi chúng ta chọn tư tưởng và tâm tình nào làm ưu tiên hàng đầu trong bảng thang giá trị của nền thần học Việt Nam?

Dĩ nhiên là chúng ta ngày ngày lớn tiếng rao giảng tinh thần Phúc Âm: hiếu hòa, cởi mở, đối thoại. Nhưng chính trong lòng Giáo Hội chúng ta, đã có cởi mở, đối thoại thực sự chưa, giữa Giám mục với Giám mục, giữa Giám mục với Linh mục, giữa Linh mục với giáo dân? Nói gì đến việc đối thoại chân tình giữa Kitô-hữu với tín đồ các tôn giáo bạn như Phật giáo, Khổng giáo,v.v..! Riêng đối với người cộng sản, trong lối nhìn Đức Tin của chúng ta - và cũng là lối nhìn thần học -, họ còn là người anh em thực sự và trọn vẹn của chúng ta chăng? Hay họ mãi mãi là người thù địch, không đội trời chung với chúng ta như thuở nào!

Nếu Thiên Chúa đã chọn con đường Nhập Thể, mang lấy thân phận làm người, chấp nhận trở thành "tất cả trong tất cả" trừ phi tội lỗi, thì liệu còn gì có thể cản trở chúng ta mang đến cho người anh em một con tim, một tình người, một vòng tay huynh đệ, để chúng ta cùng làm người với họ trong lòng Đất-nước Việt Nam? Nói cách khác, chúng ta phải hướng đến một nền thần học nào giữa lòng dân tộc?

Theo ý kiến riêng tư và kinh nghiệm bản thân tôi, bất kỳ một nền thần học chân chính nào - trong đó có nền thần học Việt Nam mà chúng ta muốn khởi công xây dựng - cũng phải bắt đầu từ mẫu khuôn của Mầu-nhiệm Nhập-thể: "Thiên Chúa làm người" ở giữa chúng ta, với chúng ta, cho chúng ta. Và, Thiên Chúa ấy, chính là Đức Kitô, mang tất cả thân phận làm người như mọi người chúng ta và cùng một lúc Ngài làm "phát ngôn viên" cho Thiên Chúa Cha đối với nhân loại. Làm thần học theo mẫu khuôn "Nhập Thể", chúng ta trước tiên phải "làm người" tại Quê-hương này cùng với đồng bào Việt Nam, và cùng với Đức Kitô, chúng ta phải là những "phát ngôn viên" của Thiên Chúa.

Như vậy, chỉ có thể phát khởi một luồng suy tư "thần học Việt Nam" khi chúng ta dứt khoát khẳng định lấy con người Việt Nam làm "địa chỉ" cho Chúa Thánh Linh, lấy nếp sống và cảm nghĩ của dân tộc Việt Nam làm cơ sở cho việc sống đạo và hành đạo Chúa. Là Kitô-hữu, chúng ta không chối bỏ thân phận làm người Việt Nam. Trái lại, chúng ta tha thiết gắn bó với thân phận của mình cùng với thân phận của đồng bào ruột thịt mình, và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam vươn lên từ truyền thống đặc thù của dân tộc, để đạt đến. Kế-hoạch do Thiên Chúa ấn định từ trước muôn đời.

Thật ra, người Kitô-hữu chúng ta chỉ có thể đóng góp chân thực và độc đáo phần mình vào công cuộc giữ nước, dựng nước và phát triển đất nước, khi Đức Tin của chúng ta thực sự đổi mới, thăng hoa toàn diện con người của chúng ta. Lúc bấy giờ, chúng ta có thể nói được như thánh Phao-lô: "Tôi sống, nhưng đâu phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô đang sống trong tôi". Tôi mang lấy sự sống của Đức Kitô trong thân phận làm người Việt Nam của tôi, cũng như Chúa Kitô đang nhập thể trong tôi và sống thân phận người Việt Nam của tôi. Khi tôi ăn như Ngài là lúc Ngài ăn như tôi. Cũng như ngày ngày tôi hít thở như Ngài, thì cũng chính là Ngài hít thở trong tôi. Giống như Mẹ Maria, tôi cưu mang và lắng nghe Lời Chúa. Lời Chúa đến trong thế gian, hóa thân làm người và làm người Việt Nam, với da thịt xương máu của tôi. Thật vậy, nhờ tôi, Ngài có thể làm người Việt Nam với dòng máu Tiên Rồng trong huyết quản của tôi...Nhờ tôi, Ngài đang làm người giữa lòng dân tộc Việt Nam.

Để có thể quán triệt con đường hướng đến một nền thần học dân tộc, tôi xin lần lượt trình bày hai phần sau đây:

Phần I : Thần học chỉ là một lối nhìn, một lối kiến giải về thực tại sống đạo của người Kitô-hữu Việt Nam trong lòng dân tộc, chớ không bao giờ là thực tại ấy.

Phần II : Lối nhìn ấy, lối kiến giải ấy cần được bổ túc, kiện toàn để giúp thực tại sống đạo ấy mỗi ngày một phù hợp hơn với Tin Mừng của Đức Kitô giữa lòng Quê Hương Việt Nam.

***

PHẦN I : THẦN HỌC LÀ MỘT LỐI NHÌN

Xét về mặt tâm lý học, khi tôi nhìn một thực tại, bất kỳ loại thực tại nào, thì thực tại ấy được gạn lọc, tiếp thu, hấp thụ theo những khuôn thức đã có sẵn trong nội tâm tôi. Ở cuối chặng đường biến hóa ấy, thực tại bên ngoài đã được ghi nhận và trở nên một lối nhìn cá biệt và chủ quan của tôi. Bốn giai đoạn sau đây tóm lược tiến trình ghi nhận - hay lãnh hội, khi một thực tại khách quan và toàn diện bên ngoài được tiếp thu vào nội tâm của chủ thể đang làm công tác suy tư thần học.

GIAI ĐOẠN 1 : Thực tại khách quan và toàn diện bên ngoài là tất cả những gì đang có mặt thực sự trong môi trường sinh sống. Một cách cụ thể, đó là bao nhiêu điều tôi thấy, tôi nghe, tôi cảm xúc, nhờ các cánh cửa của giác quan tôi. Qua ba cửa ngõ này, thực tại khách quan đi vào nội tâm tôi.

GIAI ĐOẠN 2 : Trong khi đi vào nội tâm, thực tại bị biến chế, thích nghi, bóp méo theo ba cơ chế tâm lý sau đây:

CƠ CHẾ 1: khuynh hướng tổng quát hóa, còn gọi là "vơ đũa cả nắm". Một sự kiện chỉ xẩy ra một hai lần mà rồi bị cái nhìn của tôi biến thành một qui luật thường hằng, bất di bất dịch. Chẳng hạn, thay vì ghi nhận "có một số người Việt Nam sống đạo đức", tôi lại thổi phồng lên rằng "người Việt Nam, bất kể là ai, đều sống đạo đức".

CƠ CHẾ 2 : Khuynh hướng gạn lọc. Khi đứng trước một sự kiện, tôi ghi nhận yếu tố này nhưng bỏ qua nhiều yếu tố khác đồng thời có mặt... Chẳng hạn, khi đề cập đến bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, chúng ta có khuynh hướng chỉ nêu lên những trang sử kiêu hùng. Như vậy, vô hình chung, chúng ta làm ngơ, nhắm mắt bịt tai trước bao nhiêu trang sử đen tối, làm nên những thế kẹt ngàn đời, tạo nên những vòng luân hồi khổ đau của dân tộc. Một cách nào đó, chúng ta gạn lọc, tránh né, không muốn nhận diện và đối diện toàn bộ lịch sử đất nước, nhất là những vụ tàn sát lẫn nhau

CƠ CHẾ 3: khuynh hướng xuyên tạc, còn được gọi là khuôn đúc chủ quan. Chẳng hạn đạo Ông-bà, dẫu biết rằng được nhiều dân tộc trên thế giới tuân giữ, nhưng chúng ta vẫn đinh ninh rằng đạo ấy là của dân tộc Việt Nam và làm nên bản chất, linh hồn của nền văn hóa Việt Nam. Triết lý Tam Tài "Thiên-Địa-Nhân" là sản nghiệp ngàn đời của dân Việt? Tư tưởng Âm-dương phát nguồn từ Việt tộc?

Có đúng chăng nữa thì cái quan trọng thật sự là gì? Phải chăng là "của ta" hay "của người"? Sở hữu, chiếm hữu một cái gì, cũng cốt là để có phương tiện làm người. Cái quan trọng, phải chăng là sống cho ra người với những phương tiện ấy. Nói cách khác, hiện hữu phải quan trọng hơn sở hữu. Khuynh hướng "xuyên tạc" có thể làm cho chúng ta chuộng chiếc áo tu hành hơn chính nhà tu hành vậy...!

Để hình dung rõ nét hơn khuynh hướng này, chúng ta thử hỏi: Nếu con người, "Nhân", là trung tâm và trọng tâm của mọi đường đi nẻo về trong cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta đã và đang làm gì để người đừng bốc lột người? Để người đừng chém giết người? Để tình trạng "tao hơn mầy thua", "tao tốt mầy xấu", "tao yêu nước mầy bán nước" không còn nằm vùng bám trụ trong tâm tưởng của chúng ta?

GIAI ĐOẠN 3 : Lối nhìn của tôi về thực tại bắt nguồn từ thực tại khách quan bên ngoài.

Nhưng một phen đã thành hình trong nội tâm tôi, lối nhìn ấy không phải là thực tại, mà chỉ là "chiếc bản đồ" vẽ lại thực tại ấy. Thực tại bên ngoài là xứ sở, đất đai, núi sông, con người bằng xương bằng thịt, v.v. Đồng hóa lối nhìn với thực tại được nhìn chẳng khác nào lấy tấm bản đồ địa lý Việt Nam trên vách tường mà cho đó là Quê-hương Đất-nước.

Không ý thức rõ rệt về sự khác biệt hiển nhiên giữa lối nhìn và thực tại được nhìn, giữa tấm bản đồ với xứ sở, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành kẻ độc tài, người độc đoán một cách thô bạo. Khi ấy, tôi sẽ cho lối nhìn của tôi là chân lý, và thản nhiên áp đặt chân lý ấy cho kẻ khác. Thì ra, tôi không ý thức là lối nhìn của tôi mang tính cách độc lộ, độc đạo, độc chiều. Đang khi ấy, có bao nhiêu người nhìn là có bấy nhiêu lối nhìn khác nhau. Cơ hồ năm người mù đi xem voi, mỗi người mô tả voi hoàn toàn khác nhau. Mà họ không nhận biết rằng những khác biệt ấy vẫn có thể bổ túc cho nhau...

Bao lâu chúng ta còn độc đoán, chưa tôn trọng lối nhìn của anh em mình, bấy lâu chúng ta không thể nào ngồi lại với nhau, cùng nhau chia sẻ để có "cái nhìn chung của chúng ta". Bao lâu chúng ta còn áp đặt cho anh em mình một lối nhìn từ trên giáng xuống, từ ngoài ặp vào, bấy lâu chúng ta còn xa rời tinh thần cởi mở, đối thoại của Tin-mừng Chúa Kitô. Bao lâu lối nhìn từ trên, từ ngoài, chưa được anh em chúng ta tiêu hoá, nội nhập, hội nhập, được sở-hữu-hóa và biến thành da thịt máu mủ của mình, thì bấy lâu đó vẫn còn là lối nhìn xa lạ, ngoại lai, có tính xâm lăng, xâm lược, thực dân. Cho dù lối nhìn ấy có phát xuất từ Thiên Chúa chăng nữa...!

Như vậy, làm sao để có một lối nhìn thần học phát xuất từ kinh nghiệm sống Đức-tin của tôi mà không bị méo mó xuyên tạc ngay từ trong bản thân tôi? Câu trả lời vẫn là: sống trung thực Đức Tin! Đức-tin dạy tôi phải lấy Lời Chúa làm "hơi thở" hằng ngày và lấy anh em trong cộng đồng tín hữu - tức là giáo hội - làm nơi gặp gỡ, trao đổi, bổ túc, và kiện toàn lối nhìn và lối sống Đức-tin của tôi.

Thực vậy, với niềm tin vào giáo huấn của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Chúa Thánh Linh đã đi vào nếp sinh sống bên trong chúng ta, bên trong tâm hồn con người Việt Nam. Ngài đã chọn lấy nội tâm con người để làm đền thờ của Ngài. Nhờ Ơn phù trợ của Ngài, tất cả chúng ta và anh em đồng bào ta đều được nâng đỡ, dắt dìu, soi lối để có khả năng tự biến thân mình thành Tin-mừng cho Quê-hương chúng ta. Giống như Mẹ Maria, chúng ta đã nhận cưu mang Tin-mừng. Và chúng ta tin chắc rằng Đức Kitô sẽ sinh ra, lớn lên trong chúng ta, và với chúng ta Ngài sẽ sinh ra và lớn lên giữa lòng dân tộc Việt Nam. Ngài đi qua những chặng đường khổ nạn của chúng ta, với chúng ta, và vì chúng ta. Và qua chúng ta, Ngài chia sẻ thân phận ngọt bùi của dân tộc Việt Nam. Bởi đó, chúng ta sẽ sống lại với Ngài, như Ngài, nhờ Ngài. Và dân tộc Việt Nam cũng hy vọng được vinh dự chia phần sống lại với Ngài, nhờ Ngài, như Ngài...

Chúng ta tin rằng Đức Kitô sẽ trở thành người Việt Nam, sẽ nói ngôn ngữ Việt Nam, sẽ cảm nghĩ, tư duy như người Việt Nam. Ngài hội nhập văn hóa Việt Nam. Ngài tiếp tục bổ túc những gì đang còn thiếu sót trong cuộc đời của Ngài. Ngài đang hoàn thành chương trình nhập thể nới rộng của Ngài cho đến ngày cánh chung.

Nói một cách qui mô, chúng ta tin rằng Đức Kitô sẽ giúp tu chỉnh, kiện toàn nền triết lý Tam Tài, tư tưởng Âm-dương, đạo sùng kính Ông-bà, để con người Việt Nam có khả năng vươn lên tới chiều kích của Trời - Đấng Tạo Hóa. Đồng thời, Đất sẽ trở nên môi trường thuận lợi hơn để con người Việt Nam thi thố khả năng xây dựng con người mới với Trời mới, Đất mới, nhờ Đức Kitô.

Chúng ta xác tín rằng, trong lòng Đất-nước Việt Nam, Tin-mừng sẽ được ưu tiên rao giảng cho từng từng lớp lớp người nghèo của Ya-vê Thiên Chúa. Nhờ vậy, Tin-mừng "phúc cho người nghèo" sẽ không còn mãi mãi là câu nói tuyên truyền hoa mỹ, trống rỗng, rêu rao ở đầu môi chót lưỡi mà thôi. Trái lại, Tin-mừng đó sẽ thành hiện thực trong nội tâm con người, được đổi mới - "mê-ta-nô-ya" - bởi Thần Khí Chúa, vì chính "Ngài đã nâng nhắc kẻ khiêm hèn".

Chúng ta vững tin rằng, trong lòng Đất Nước, Tin Mừng "hòa bình của Đức Kitô" sẽ được đón nhận nơi mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng thôn ấp. Người người sẽ tích cực sống hòa nhã, bất bạo động, khiêm nhu với mọi người trong bất kỳ cảnh huống rối ren, tranh chấp, đảo điên nào. Ngày ngày, lời chúc "bình an cho anh em" của Đức Kitô sẽ trở thành hiện thực trong nếp sống của người Việt Nam. Cùng với Thần Khí Chúa thổi vào khí thiêng sông núi, vào từng hơi thở của chúng ta, chúng ta sẽ ưu tiên xây dựng hạnh phúc trên từng hố bom, trên từng chiếc cầu đổ gẫy, trên từng con sông Bến Hải, Nhật-lệ đang còn chảy dài trên Quê-hương chúng ta.

Chúng ta thật lòng mong muốn rằng, trong lòng Đất-nước, con người Việt Nam sẽ được kính mến ngang nhau nhờ biết kính trọng nhau, yêu thương nhau, lắng nghe nhau, chân thành đối thoại với nhau, như chính Đức Kitô đã làm. Trời và Đất đã giao hòa, Rồng và Tiên đã gọi nhau về, Non và Nước đã gặp nhau... Tất cả đã hòa đồng với dòng máu dân tộc Việt Nam. Bởi Thiên Chúa đã làm người và làm người Việt Nam với anh chị em chúng ta. Và chúng ta cũng được mời gọi làm người với mọi người để trở nên con cái của Thiên Chúa.

GIAI ĐOẠN 4 : Những "lối nhìn thần học" ấy, một khi đã thành hình trong nội tâm chúng ta, sẽ có khả năng sáng soi và điều động mọi hành vi chúng ta trên mọi nẻo đường thường nhật của mình. Khi ấy, Đức Tin vào Chúa Kitô sẽ không phải là lớp sơn trang trí cho cuộc đời chúng ta. Đức-tin ấy cũng không phải là khẩu hiệu tuyên xưng "ngoài môi miệng". Nhưng "tin" tức là "cảm", là "hành", là "tri", là "lý", là "nghĩa", là sống tràn đầy nếp sống và nếp suy tư thuận với niềm tin của chúng ta.

Chính Đức-tin ấy mới có khả năng dời núi lấp sông, vá trời lấp biển. Đức-tin vào Chúa Kitô cho chúng ta nội lực dũng mạnh để thể hiện rõ nét Lời Ngài trong từng lời nói và hành động dấn thân. Với điều kiện này, chúng ta mới có khả năng "làm đuốc sáng và muối mặn" trong lòng dân tộc và đất nước Việt Nam. Quê-hương không bao giờ có thể "sống lại", nếu ngày ngày mỗi người chúng ta chưa quyết tâm và kiên trì "sống lại" với Đức Kitô.

***

PHẦN II : CẦN KIỆN TOÀN LỐI NHÌN THẦN HỌC VỚI PHƯƠNG PHÁP TÂM LÝ 6 MÀU

Nói như trên mới chỉ là biết đại khái đường hướng thần học Việt Nam. Nhưng "biết" mà thôi chưa đủ! Chúng ta còn phải "biết làm". Thần học lấy sinh lực từ cuộc sống Đức-tin trung thực và thường trực xẩy ra "tại đây, lúc này" và diễn biến liên tục, để trở thành một hệ thống mạch lạc, hài hòa và có khả năng truyền đạt cho kẻ khác. Như vậy, thần học cũng là một khoa học, và cũng cần có kỹ năng chuyên biệt để xây dựng nên một nền thần học xứng với danh xưng của mình. Dĩ nhiên, muốn có thực chất, nền thần học dân tộc cũng cần được dầy công xây dựng, với nhiều hy sinh, xương máu và khổ đau...

Sau đây, tôi xin bàn về lối suy tư thần học dân tộc trong giới hạn sinh hoạt tâm lý của mỗi con người Kytô-hữu. Tôi dựa vào tác giả De Bono, kẻ chủ trương dùng lối cảm nghĩ theo 6 màu, để trình bày lề lối tiếp cận thần học thực tế, dùng làm cơ sở cho việc suy tư thần học lý giải sau này. Đó cũng chính là phương pháp "sáu màu" dùng cho 6 giai tầng cảm nghĩ và tư duy thần học Việt Nam của người Kitô-hữu.

TẦNG 1: THẦN HỌC MÀU TRẮNG

Màu trắng là màu khách quan: các sự kiện xẩy ra như thế nào đều hiện rõ trước mắt người quan sát. Làm thần học, người Kitô-hữu phải biết cân, đo, đếm, lường các sự kiện sống đạo giữa lòng Quê Hương, để kiểm chứng hay trắc nghiệm những cảm nghĩ và lời lẽ của mình. Đức Kitô cũng dùng phương pháp trên khi tra vấn chúng ta: "Đồng tiền này là của ai?".

Thiếu màu trắng khoa học, màu trắng khách quan, chúng ta sẽ chặt tay, chặt chân Đức Kitô, để o ép Ngài vào khuôn khổ chật hẹp và chủ quan của quan điểm, lập trường cá biệt của chúng ta.

TẦNG 2: THẦN HỌC MÀU VÀNG

Màu vàng là màu của ánh sáng mặt trời, nguồn năng lượng vô tận cho vạn vật và con người. Màu vàng, do đó, là màu của tư tưởng tích cực và năng động. Sẵn sàng "trồng cây lúc tiết hạ, hái quả lúc chiều đông". Không phàn nàn vì "mùa Xuân hôm nay chưa vĩnh cửu"! Tư tưởng tích cực bao gồm 6 động tác cụ thể sau đây:

- Khám phá động lực từ bên trong thúc đẩy ta lên đường rời bỏ vùng đất nô lệ và hiên ngang tiến vào hứa địa của Tin Mừng.

- Phân định và xếp đặt những giá trị theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3,... trong một bảng thang có hệ thống và đẳng cấp rõ ràng.

- Phân chia công tác thành nhiều giai đoạn thực hiện, để công tác trở thành khả thi, dễ hoàn thành và nuôi dưỡng sức phấn chấn nơi mình.

- Dấn thân "sống" trọn vẹn giờ phút hiện tại, độc nhất vô nhị và ở trong tầm tay của ta. Đồng thời, có những mục tiêu rõ rệt nhắm đến trong tương lai.

- Ý thức mình là nguyên nhân chủ động và năng động của bao nhiêu thành tựu. "Tôi không bao giờ là nạn nhân, mà là tác nhân có trách nhiệm".

- Đánh giá bản thân mình, là chủ thể trách nhiệm, dựa trên công tác thực hiện từng giai đoạn. Đừng bao giờ vướng bận vào một tiêu chuẩn ở ngoài mình, áp đặt từ ngoài hay do người ngoài.

TẦNG 3 : THẦN HỌC MÀU ĐEN

Màu đen là màu của u tối.. Đối với tâm lý con người, màu đen là màu của vô thức, của tiềm thức, của mê muội, của vô minh. Làm thần học dân tộc, chúng ta cần nhận diện và đối diện toàn bộ sự thật về chính mình, nghĩa là nhìn nhận những gì còn có mặt trong vô thức, vô minh, để sửa sai, bổ túc. Cần có can đảm để tự sáng tỏ với chính mình, biết rằng "xét lại" không đồng nghĩa với phản bội và hèn nhát; trái lại, đó là điều kiện cho tiến bộ...

TẦNG 4 : THẦN HỌC MÀU ĐỎ

Màu đỏ là màu kích động, căng thẳng, báo động hiểm họa... Làm thần học, người Kitô-hữu không thể không diễn tả những nỗi niềm bực tức, lo lắng, đau buồn trước những điều lẽ ra phải làm mà chưa được thực hiện. Không thể không "báo động đỏ" trước bao nhiêu giá trị làm người còn bị chà đạp, miệt thị hoặc lảng quên...; trước bao nhiêu thứ tự ưu tiên bị đảo lộn một cách thảm hại.

Nếu chúng ta dồn nén sự thật của lòng mình, ắt chúng ta phải ngụy tạo một "sự thật gian dối" để thay thế vào đó. Mà gian dối, quanh co, thì cũng có ngày sự thật sẽ bùng nổ một cách thô bạo và vô phương kiểm chứng. Trái lại, diễn tả ngay thật tình cảm của mình là biết đảm nhiệm tính chủ quan của lòng mình với sứ điệp "ngôi thứ nhất" là Tôi. "Tôi buồn vì nghĩ rằng Giáo Hội còn chạy theo quyền lực, tiền của, đang khi đa số anh em đồng bào còn thấp cổ bé họng, khố rách áo ôm". Tôi nói "Tôi buồn" thay vì tôi tố cáo, mạ lỵ, nguyền rủa "ngôi thứ hai" trước mặt tôi: Các anh, các chị, các Cha, các Thầy.. bê bối, lem nhem..."

TẦNG 5 : THẦN HỌC MÀU XANH DƯƠNG

Màu xanh da trời và màu xanh biển cả là màu của bao la rộng lớn, thanh bình và an lạc. Sau khi đã thu lượm mọi dữ kiện khách quan và diễn tả tình cảm chủ quan, người làm thần học phải vươn lên khả năng màu xanh để có cái nhìn rộng mở, có tâm hồn hiểu biết, yêu thương, thứ tha, và để lòng mình thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc...

Khả năng này cho phép thấy cây mà không quên rừng. Khả năng này hướng đến rừng mà không quên cây. Hai câu thơ của Trụ Vũ nói lên được ý hướng của suy tư thần học màu xanh dương này:

"Bởi vì mắt thấy trời xanh,

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.

Bởi vì mắt thấy biển khơi,

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương."

TẦNG 6 : THẦN HỌC MÀU XANH LỤC

Màu xanh lục là màu của hy vọng. Thần học màu xanh lục không đặt cơ sở trên thái độ lạc quan vớ vẩn, ước vọng viễn vong. Màu xanh hy vọng không thể có với những lời lẽ suông! Mùa Xuân hy vọng sở dĩ có được là vì mùa xuân là sức sống vươn lên, là hành động tích cực, là công cuộc chứng nghiệm những sáng tạo, đổi mới. Thần học màu xanh lục là tích cực chia sẻ kinh nghiệm và quan hệ bản thân giữa chính mình với Thiên Chúa, giữa chính mình với anh em và đồng bào.

Đây là màu xanh của Trời mới Đất mới đã hình thành nơi bàn tay và quả tim của người Kitô-hữu. Của đồng hương và đồng bào là những người đã sống niềm hy vọng có căn cơ nơi Đất Nước đang vươn lên.. . Đây là màu của bình minh sống lại, đã khởi đầu từ ngày người Kitô-hữu chúng ta lãnh nhận Phép Rửa.

Làm công tác thần học là giúp tạo nên Mùa Xuân trong lòng Đất-nước. Có người sẽ hỏi: "Mấy con én làm nên mùa xuân?!" Chúng ta không biết. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều: "Anh là con én". Anh có thừa khả năng làm nên mùa xuân cho đời anh. Khi Anh hạnh phúc, Anh sẽ gieo rắc hạt mầm hạnh phúc cho mọi người chung quanh. Và như thế, mùa xuân sẽ đến. Từ từ đến.

KẾT LUẬN

Để kết luận, tôi xin trưng dẫn câu nói đầu của Lão Tử trong Đạo-đức-kinh:

"Đạo khả đạo, phi thường đạo.

Danh khả danh, phi thường danh"

Theo kiến giải riêng của tôi, đạo là đường. Đường mà chúng ta có khả năng đi, có can đảm để đi, có quyết tâm và phấn chấn đi và đi mãi, đó là đạo lạ thường, khác thường, dành cho những con người sống một cách phi thường cuộc đời thường nhật của mình; như chị Thánh Tê-rê-xa.

Danh là tên. Tên có nghĩa là Thiên Chúa trong Cựu-ước. Thiên Chúa mà chúng ta được gọi là Cha. Tên đó cũng chỉ "Thiên Chúa Nhập-thể" là Đức Kitô, chấp nhận sống làm người anh em, để cho chúng ta có khả năng lam "con cái Chúa"... Phép lạ ấy đang ngày ngày xảy ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

CHƯƠNG XIII : "Anh em hãy vui luôn..."

(Pl. 4,4)

Hân hoan, vui mừng là chủ đề của lá thư gửi tín hữu Phi-líp.phê. Đó cũng là điêp khúc được Thánh Phao-lô lặp đi lặp lại nhiều lần, nhằm bày tỏ tình cảm chứa chan của mình đối với anh chị em tín hữu ở Phi-líp.phê, sau khi cộng đoàn nầy đã sai ngươi mang thư từ và quà tặng đến cho Ngài đang bị cầm tù ở Rô-ma (hay là Xê-da-rê).

Lá thư có bốn chương.

Qua mỗi chương, Thánh Phao-lô trình bày một lý do về nỗi niềm hân hoan đang có mặt trong tâm hồn và cuộc đời của mình.

***

Trong chương thứ nhất, theo lời tâm sự của Thánh Phao-lô, sỡ dĩ Ngài luôn luôn vui mừng vì đối với Ngài, "Sống là Đức Kitô" (24).

Trong thế giới hiện thời, thậm chí giữa cung lòng của Hội-thánh, bao nhiêu người sống vì tình, vì tiền, vì danh lợi. Họ không ngần ngại đi vào con đường bạo động, hận thù, chiến tranh, đổ máu... chỉ vì những tranh chấp "tao hơn mầy thua, tao tốt mầy xấu, tao có giá trị, mầy vô giá trị..." Họ không thấy được như Thánh Phao-lô: Đức Kitô đã sinh ra làm người, đã bị đóng đinh vào Thánh-giá, vì yêu thương mỗi người, không trừ sót một ai. Dù họ là người Do-thái hay là Palestine. Dù họ là đàn ông hay đàn bà. Dù họ thuộc da đen hoặc da trắng. Nhờ hồng ân cứu độ tuôn trào từ cạnh sườn của Đức Kitô từ trên Thánh-giá, mọi người từ Đông qua Tây, từ Bắc xuống Nam đều được Ngôi Cha thương yêu và tha thứ. Ngài giăng hai tay đón nhận mọi người trở về. Trong cõi lòng của Thiên Chúa, mọi người đều là anh chị em đồng bào, ruột thịt. Cùng nhau chia sẻ một Chúa Thánh Thần.

Từ ngày lãnh nhận Bí-tích Rửa tội và Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể khẳng định rằng: "Tôi sống nhưng đâu phải là tôi. Chính Đức Kitô sống trong tôi!". Tôi đã trở nên một Đức Kitô thứ hai. Cho nên trong một tâm tình hân hoan và hiếu thảo, chúng ta sở hữu hoá lời nói của Đức Kitô đã thưa với Ngôi Cha:

"Nầy, con đến để thực hiện mọi thánh ý của Cha!".

***

Dựa vào nơi nương tựa nào, Thánh Phao-lô đã có thể hớn hở vui mừng trong từng phút giây của cuộc đời, ở giữa bao nhiêu thử thách và gian truân? Trong chương thứ hai, Ngài đã bộc lộ cho chúng ta: "vì ngài mang tâm tình của Đức Kitô trên Thánh-giá" (25).

Hẳn thực, Thiên Chúa Ngôi Cha từ ngày tạo dựng Trời - Đất đến khi Vũ-trụ vào hồi chung cuộc, chỉ nói một Lời duy nhất. Ngài chỉ mặc khải cho nhân loại một điều chính yếu và quan trọng. Đó là Đức Kitô: Con Ngài sinh ra làm một em bé mong manh trong chuồng bò và chết hẩm hiu trên Thánh-giá. Nhờ vậy vinh quang của Ngôi Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Theo lối nói của Kinh-thánh, khi vinh quang của Thiên Chúa chói loà, đó là lúc Ngài bày tỏ bản sắc đích thực của Ngài. Qua Thánh-giá của Đức Kitô, Thiên Chúa bộc lộ cho toàn thể nhân loại: Tên của Ngài là Thứ-tha và Tình-yêu. Lòng Ngài là Đại-dương đón nhận mọi dòng sông trở về, đổi mới và tắm gội.

Chính vì lý do đó, tâm tình của Đức Kitô trên Thánh-giá là hân hoan vui mừng, vì đã mặc khải Ngôi Cha một cách trọn đầy và viên mãn. Câu nói "mọi sự đều hoàn tất" được Đức Kitô thốt ra, trong một tâm tình tràn đầy lòng hiếu thảo.

Nói đến tâm tình, theo tâm lý học, là nói đến động cơ thúc đẩy con người thể hiện mọi hoài bão và ý nghĩa của cuộc đời. Tâm tình tạo nên sức mạnh có khả năng thúc đẩy chúng ta vượt qua mọi gian truân và trở ngại. Đồng thời nhờ năng động của tâm tình, chúng ta hiên ngang và hăng say hoàn tất mọi ý nghĩa và nhiệm vụ.

Vậy ý nghĩa của cuộc sống là gì, theo Thánh Phao-lô? Câu trả lời của Ngài đã rõ ràng và dứt khoát: "Tìm lợi ích cho Đức Giêsu Kitô" (26) và "Phục vụ Tin-mừng" (27).

***

Trong chương thứ ba, theo lời giải thích của Thánh Phao-lô, sở dĩ Ngài hân hoan vui mừng, vì "quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta"(28). Nói cách khác, Đức Kitô là tất cả, đối với Ngài. Để được Đức Kitô, Ngài chấp nhận đánh mất tất cả, thậm chí mạng sống của chính mình:

"Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô" (29). Cũng vì những lý do đó Ngài chấp nhận thông phần những khổ đau của Đức Kitô. Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong cái chết. Nhờ đó Ngài sẽ được sống lại với Đức Kitô(30).

Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, Đức Kitô là khuôn vàng thước ngọc, cho tất cả cuộc sống của Ngài. Hẳn thực, hiện tại còn là lao tù. Còn là đường hầm tăm tối. Còn là phản bội của một vài người trước kia mang tên là anh em, bạn bè, con cái... Tuy nhiên với tâm tình của Đức Kitô trong cõi lòng sôi bỏng, Ngài sánh mình như một lực sĩ điền kinh "quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước" (31).

***

Điểm cuối cùng được trình bày trong chương bốn, có khả năng tạo cho Ngài lòng hân hoan phấn khởi trên mỗi bước đường đời, là sức mạnh của Đức Kitô. Hẳn thực, Đức Kitô vừa là Đấng Alpha và Ômêga, nghĩa là khởi điểm và cùng đích, hai nơi nương ẩn và bám víu của Ngài, mỗi khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, Đức Kitô cũng là con đường đi. Đức Kitô là sức mạnh. Là ngôi sao đưa lối, giữa bão táp phong ba, đêm tối hãi hùng:

"Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen tất cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết" (32).

Nói cách khác Đức Kitô là lương thực mang đi đường cho Ngài. Mỗi lần bẻ Bánh, trong Thánh-lễ tạ ơn, Ngài đã bồi dưỡng tâm lực, để có khả năng leo lên ngọn đồi Gôn-gô-tha, với Đức Kitô.

Sỡ dĩ, Ngài "thấy được những điều vô hình ấy", là vì sau lần té ngã trên con đường vào thành Da-mát, Ngài đã biết nhìn với đôi mắt của Đức Kitô. Sỡ dĩ Ngài luôn luôn hân hoan, vui mừng trong mọi hoàn cảnh, có lợi cũng như bất lợi, là vì Ngài mang trong quả tim của mình, tấm lòng vạn xuân và trọng đại của Thiên Chúa Làm Người. Tâm hòn Ngài là cung đền của Chúa Thánh Thần.

***

Giáo lý của Thánh Phao-lô được trình bày trong lá thư gửi tín hữi Phi-lip-phê giúp chúng ta thấy được rằng: cuộc đời không khổ đau không có mặt, bao lâu chúng ta còn sống trên quả địa cầu nầy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có khả năng chia sẻ với Đức Kitô bao nhiêu khổ đau hằng ngày của chúng ta, nhờ sức trợ lực của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã bắt đầu dấn bước vào con đường Phục-sinh giống như Đức Kitô. Từ bây giờ và ở đây.

Khổ đau nào được chia sẻ với Đức Kitô, khổ đau ấy, tự khắc biến thành một quà tặng vô giá, một hồng ân cho chính mình và cho anh chị em mình trên con đường "Về Nhà Cha".

Lausanne – Thụy Sĩ - Xuân 2001

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH

19. Ga. 2, 1-12

20. Mc. 8,31 - 33; Mc. 9,30-32, và Mc. 10,32-34.

21. Gal. 2,20.

22. Col 4,14.

23. Lc 15, 11-32.

24. Pl. 1, 21.

25. Pl.2, 5-11.

26. Pl. 2, 20-21

27. Pl. 2, 23.

28. Pl. 3, 20.

29. Pl. 3,8.

30. Pl. 3,11.

31. Pl. 3, 14, 14.

32. Pl. 4, 12-13.