TRONG ĐỨC KITÔ (Tiếp theo)

CHƯƠNG VI : TRỜI MỚI - ĐẤT MỚI

(Kh. 21, 1 - 22, 21)

Thay vì chia sẻ một vài kinh nghiệm cụ thể và đơn sơ như tôi đã làm trước đây... hôm nay tôi mang về cho anh chị những câu hỏi, những băn khoăn, những vấn đề liên hệ đến đời sống Đức Tin hằng ngày của tôi.

Hẳn thực, khi "học lại", mười lăm bài rollo, mà tôi đã tiếp thu trong ba ngày tĩnh huấn Cursillo, tôi có thể kết luận rằng : bài nào cũng động viên tôi thực hiện "Trời-mới Đất-mới" trong ngày thứ tư của mình. Nhưng thế nào là Trời-mới Đất-mới ? Từng sáng mai thức dậy, tôi phải làm những gì cụ thể, để " Trời-mới Đất-mới " trở nên hiện thực trong cuộc đời ?

1- Lắm lần, tôi muốn bỏ nhà ra đi. Trèo non, lặn suối, để tìm cho ra một nơi không có mùa hè oi bức! Một xứ sở không có mùa đông giá lạnh !

Có anh chị nào có thể chỉ giùm cho tôi một quê hương tạm dung "có cây sự sống sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành mọi bệnh tật..." (10).

Trong những xứ sở có truyền thống hoà bình lâu đời như Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Na Uy...tôi chưa tìm được một thôn xóm, cho dù còn rất nhỏ bé, có khả năng đáp ứng lời mô tả của Tiên tri E-sa-ya :

"Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con

Beo nằm bên dê nhỏ,

Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,

Một cậu bé sẽ chăn dắt chúng (...)

Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá..." (11)

Trái lại trong những thành phố nhỏ nhỏ, xinh xinh như Lausanne, Fribourg... bạo động cũng bắt dầu tràn ra đường... Giới trẻ dưới 15 tuổi cũng đua đòi hút xách, nghiện ngập...họp lại thành những băng đảng cướp giật, giết người một cách lảng nhẹt và phi lý...

Thì ra, đâu đâu, trên khắp cùng mọi đường đi ngõ hẽm của nhân loại, người vẫn còn bốc lột người. Cá lớn vẫn tiếp tục nuốt cá bé. Trong lòng của đất nước, quê hương mình, con người vẫn còn "làm chó sói" đối với con người. Thậm chí giữa những cặp trai gái, vợ chồng trước đây đã thề thốt yêu nhau mặn nồng và đắm đuối !

2- Hồi tôi còn ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, tôi mang hoài bảo làm cách mạng, thay đổi toàn diện con người. Và làm mới bộ mặt thế giới với tất cả bầu nhiệt huyết của tôi. Lên tới bốn mươi, tôi mở mắt bừng sáng, nhận thấy rằng những ấp ủ ngày xưa chỉ là mộng tưởng, hão huyền... Cho nên tôi đã thu hẹp lại những mơ ước của mình là cải tạo vợ con và thay đổi bạn bè thân tín mà thôi. Nhưng kỳ thực, những ước mơ ấy còn quá lớn lao, vượt khỏi tầm tay của tôi. Người gần nhất có khi xa lạ nhất. Và người rất xa lạ có khi thật gần gũi với mình.

Nhờ ngưỡng cửa sáu mươi tuổi, với bao khổ đau tê tái chồng chất trong cuộc đời, nhất là sau ba ngày tĩnh huấn Cursillo, tôi đã ý thức một cách thấm thía và triệt để rằng : khu vườn độc nhất mà tôi có thể chăm bón, gieo vãi và ươm trồng một vài bông hoa...chính là tâm hồn và cuộc đời của tôi.

Bao lâu hạt mầm yêu thương và hạnh phúc chưa có mặt trong cõi lòng của tôi, tôi chưa thể rao giảng Tin Mừng về Tình yêu và Hạnh phúc cho người khác dang có mặt trong môi trường gia đình, xã hội và quê hương.

Bao lâu tôi chưa thắp lên một que diêm, đốt sáng tâm hồn của mình...tất cả những gì tôi hô hào, cổ động đều là tuyên truyền láo khoét. Nói cách khác, bao lâu Trời Mới Đất Mới chưa đâm chồi nẩy lộc trong xương da máu thịt của tôi, tôi chưa có mắt để nhìn thấy...Tôi chưa có tai để lắng nghe...Tôi chưa có tay chân để tiếp xúc với Trời-mới Đất-mới đã có mặt đâu đó trước mắt tôi, chung quanh tôi từ ngày Đức Kitô sống lại. Từ ngày Chúa Thánh Thần chọn cung lòng tôi làm Đền thờ của Ngài.

3- Khi tôi tha thứ cho một người, mặc dù người ấy đang chưởi bới, mạ lỵ tôi...đó là Trời-mới Đất-mới !

Đương khi mọi người tranh giành nhau ăn trên ngồi trước, muốn chèn ép nhau...tôi thinh lặng quì xuống "rửa chân cho một người anh chị em"...đó là Trời-mới Đất-mới!

Đương khi ai ai cũng đưa tay lên tố cáo, đòi ném đá người đàn bà ngoại tình, tôi bắt chước Đức Kitô không phê phán...Đó là Trời-mới Đất-mới.

Đương khi mọi người đua đòi nhau đuổi bắt giàu sang, tiền tài, chức tước và danh vọng...Mẹ Maria sống khiêm hạ, khó nghèo, chuẩn bị một cung lòng để cưu mang Con Thiên Chúa...đó là Trời Mới Đất Mới !

Nói tóm lại, khi tôi sống Đức Tin vào Đức Kitô: ăn như Ngài, uống như Ngài, suy nghĩ như Ngài, mang tâm trạng của Ngài...có khả năng yêu thương và tha thứ như Ngài, chính toàn thể con người và cuộc đời của tôi là "Trời-mới Đất-mới". Tôi đã bắt dầu sống lại như Đức Kitô. Tôi tràn đầy Chúa Thánh Thần như Ngài.

CHƯƠNG VII : "TẤM VÀ CÁM" TRONG NỘI TÂM CỦA CHÚNG TA

Trước 1960,, trên quê hương Việt Nam, làm gì có hệ thống truyền hình hay là những đại lộ thông tin vi tính như ngày hôm nay. Cha ông chúng ta, nhất là vào các triều đại Lý, Trần và Lê dùng những câu chuyện cỗ tích, thần thoại nhằm thông đạt cho con cháu và các thế hệ về sau những cách sống làm người, những phương thức phục vụ anh chị em bà con thôn xóm. Mỗi câu chuyện nói được là một giáo trình cô đọng và gói ghém những bài học về giáo dục, sư phạm và tâm lý còn mang tính thời sự cho đến ngày hôm nay.

Câu chuyện "Tấm - Cám" là một minh hoạ rõ ràng và súc tích, cho chúng ta nhận thấy một cách cụ thể : Cha ông chúng ta đã có những kiến thức vững vàng về Phân tâm học, hằng bốn năm thế kỷ, trước khi khoa học nầy ra đời vào đầu thập niên 1900, với những công trình nghiên cứu và sáng tác của Bác sĩ tâm thần S. Freud.

***

1.- Gần như ai ai trong chúng ta cũng đã biết ít nhiều về câu chuyện "Tấm - Cám", từ những ngày bé thơ, đêm đêm nằm nghe mẹ kể chuyện, trước khi đi vào giấc ngủ thần tiên. Sau đây tôi chỉ nhắc lại một đôi điều nồng cốt:

Tấm là cô gái mồ côi mẹ, từ khi lên mười tuổi. Sau ngày mãn tang vợ, cha của cô đã tục huyền. Ông có ý định tìm cho con một người mẹ kế, ngày đêm săn sóc lo lắng cho con. Bà này đã goá chồng từ lâu. Bà cũng có một đứa con gái mang tên là Cám.

Người Cha hy vọng: Tấm và Cám ở vào lứa tuổi giống nhau, sẽ trở thành như hai chị em ruột thịt, biết thương yêu đùm bọc và nâng đỡ lẫn nhau, khi ở nhà cũng như lúc ra ngoài xã hội. Khi làm việc cũng như lúc vui đùa giải trí...

Thực tế trong cuộc sống hằng ngày đã chứng minh ngược lại: bà mẹ kế chỉ là một bà dì ghẻ tàn nhẫn độc ác và lạnh lùng. Bà tìm mọi cách để hành hạ Tấm, nhất là khi người cha chẳng bao lâu, sau ngày tái giá, đã lâm bệnh và qua đời một cách quá bất ngờ. Suốt ngày từ sáng cho tới khuya, Tấm không bao giờ có một đôi phút nghỉ ngơi và rảnh rổi. Bà dì ghẻ trao cho nàng nhiều công việc phải làm ở trong nhà cũng như ngoài đồng áng. Nếu không hoàn tất bổn phận đúng ngày giờ được ấn định, Tấm phải bị la mắng, chưởi bới và roi đòn một cách bất nhân và thậm tệ.

Đang khi ấy, Cám chỉ chạy chơi loanh quanh. Nàng không bao giờ đụng tay vào một công việc nhỏ nhặt. Thêm vào đó, nàng còn hùa theo mẹ, để sai khiến chị giặt áo quần. Hay là đi gánh nước cho mình tắm gội

Mặc dù vậy, Tấm vẫn thương dì và thương em. Theo lối suy tư và cảm thức của nàng, họ là những người được ba chọn, để có mặt với mình trong lòng cuộc đời.

Tấm luôn luôn tìm cách an ủi, dỗ dành chính mình: dù thế nào chăng nữa, họ đói mình đói. Họ lành mình lành. Họ no mình no. Trước lúc tục huyền và khi lâm chung, phải chăng ba đã an ủi và căn dặn mình như vậy? Khi yêu thương và lắng nghe họ, ở một tầm độ nào đó mình đã đã yêu thương chính Ba, mặc dù ba là mặt trời và họ chỉ là đêm đen trên mọi nẻo đường xuôi ngược.

Nói thì nói như vậy, nhưng lắm lúc Tấm đã gần như tuyệt vọng. Nàng có cảm tưởng như mình chỉ là "con kiến đen, trên tảng đá đen, nằm giữa đêm đen" không biết đâu là con đường dẫn tới ánh sáng của bình minh rạng rỡ.

Hẳn thực, hôm ấy Tấm được dì bảo đi ra đồng bắt cá, đem về làm đám giỗ cho ba. Lần nầy Cám cũng đi theo để cùng bắt cá với chị. Ngờ đâu, ra tận nơi Cám chỉ ngồi chơi trên bờ ruộng. Tấm mãi lặn lội bùn sâu. Áo quần quần lấm lem. Mặt mày nhem nhuốc. Cũng nhờ cực nhọc như vậy, nàng mới bắt được một giỏ cá đầy. Trước lúc về nhà, nàng xuống bờ sông tắm rửa. Lợi dụng cơ hội, Cám lấy giỏ cá đầy của chị sang qua giỏ của mình và vội vàng chạy về nhà khoe với mẹ về kết quả lao động của mình.

Theo câu chuyện, nếu hôm ấy không có Bụt hiện ra, chắc hẳn Tấm đã nghe theo tiếng gọi của biển cả, "trầm mình xuống dòng sông đi về về Nơi Vô Định".

Bụt còn hiện ra với Tấm trong nhiều lần khác, mỗi khi Tấm phải đương đầu với lòng người nham hiểm, trước những trớ trêu trong lòng cuộc đời.

Lần cuối cùng cũng nhờ Bụt sáng soi can thiệp, Tấm đã tìm ra được áo quần và những đồ trang sức, đi lên Thành-đô, nhằm ngày mở hội của Nhà Vua để chọn người làm Hoàng hậu. Kết quả bất ngờ đã xảy ra: chính Tấm được chọn làm Hoàng hậu để giúp nhà Vua làm đại phụ mẫu của người dân, nhất là cho những ai nghèo đói, bần cùng, bị ức hiếp trong lòng của đất nước và nhân loại.

***

2.- Câu chuyện đã chấm dứt một cách đột ngột ở giữa chùng - nhường chỗ cho mỗi người tự do hình dung và sáng tạo tuỳ nghi những giai đoạn kế tiếp. Theo Phân tâm học của Freud, câu chuyện cỗ tích nào cũng thường được xây dựng và trình bày giống như một giấc mơ.

Sau khi lắng nghe, mỗi người trong chúng ta tự do tha hồ nêu lên cho chính mình rất nhiều câu hỏi và thắc mắc. Đồng thời, mỗi người cũng khám phá những lối giải quyết tuỳ hoàn cảnh riêng tư. Họ dựa vào những kinh nghiệm vui buồn mà mình đã gặt hái. Họ nương theo những tâm trạng hạnh phúc, khổ đau, thương nhớ, trăn trở mà mình đang kinh qua trong giây phút hiện tại. Mỗi người tự bày vẽ, sửa đổi, hoạ rồng, thêm rắn tuỳ sở thích. Sau đó, người khác tiếp nối câu chuyện, gọt đẽo vài chi tiết. Cắt xén bớt những rườm rà, phụ thuộc. Điều quan trọng đối với tôi chưa hẳn là nội dung thiết yếu đối với bạn bè. Phụ nữ ghi nhớ những đoạn trường éo le. Trẻ em kể lại những hoàn cảnh cụ thể của đời mình, để bổ túc và kiện toàn cho câu chuyện. Và cứ như vậy, từng từng thế hệ nối đuôi nhau ngày ngày đóng góp, thay đổi, làm mới. Phong phú hoá hay là biến thành hiện thực những ý tưởng của cha ông tổ tiên. Cơ hồ nhiều hạt mưa họp nhau lại làm thành con suối. Dòng nước lượn quanh, từ những trái núi nầy đến những hang động khác - Cũng nhờ vậy, càng ngày càng lớn rộng ra. Dòng suối róc rách ngày xưa, bây giờ biến thành một con sông cuồn cuộn chảy băng qua các thôn xóm và thành thị. Cuối cùng nó hoà mình vào biển cả mênh mông.

Trong lối nói có vẽ cao kỳ và chuyên môn của Phân tâm học, khi chúng ta đóng góp phần mình vào câu chuyện cỗ tích, bằng cách lắng nghe, kể lại, chuyển biến, sáng tạo, đổi mới chúng ta đang làm công việc mang tên là thuyên giải, hay là Deutung trong tiếng Đức và Interprétation trong tiếng Pháp.

***

3- Tôi cần cả một cuốn sách dày 300 trang, mới có thể tát cạn nghĩa là liệt kê những động tác cần thực hiện, khi chúng ta Thuyên-giải.

Ở đây tôi xin trình bày một vài đường hướng thiết yếu mà thôi.

Trước hết, thuyên giải là đóng góp phần tích cực của mình, để sáng soi những câu hỏi do chuyện cỗ tích nêu ra.

- Phải chăng tôi đang làm bà dì ghẻ cho một ai đó, trong lòng cuộc đời và trên từng mãnh đất của quê hương?

- Có chăng những bà dì ghẻ biết sống tình mẹ hiền hay là từ mẫu, cho đứa con của một người khác, không do chính mình mang nặng đẻ đau?

- Đối với con cái ruột thịt của tôi, phải chăng tôi đang có thái độ cha ghẻ hay mẹ ghẻ, ở một phương diện nào đó, khi tôi nói và dạy dỗ? Có bao giờ tôi biết lắng nghe tiếng nói của chính mình, để rà soát lại bao nhiêu điều còn rất ghẻ, khi tôi tiếp xúc với con cái hay là anh chị em đồng bào của tôi?

- Một loạt câu hỏi thứ hai có liên đến hai nhân vật Tấm và Cám. Hẳn thực, trong lòng cuộc đời cũng như trong câu chuyện cỗ tích, dù khi nghe hay lúc phát biểu, chúng ta thường có xu thế nhị nguyên. Không ít thì nhiều, mỗi người bị cám dỗ phân chia anh chị em đồng bào của mình thành hai phe: một bên mang tên là Tấm, phe kia bị gắn nhãn hiệu là Cám. Chúng ta thương Tấm và có ác cảm với Cám, vì cô nầy ác độc, gian lận, thiếu tư cách, không có tư duy độc lập, chỉ a tùng theo lý kẻ mạnh. Và khi có lập trường tư tưởng như vậy rồi, tự khắc không cần suy nghĩ đắn đo dài dòng, chúng ta ủng hộ phe Tấm và loại trừ những ai đứng về phía của Cám.

Chính vì thế, khi thuyên giải thái độ và nếp sống của người đối diện, Phân tâm học đề nghị chúng ta đặt lại câu hỏi như sau:

- Tôi về phe của Tấm. Đó là lẽ thường tình và tự nhiên, vì Tấm là con người dễ thương và đáng thương. Tuy nhiên, có bao giờ tôi giật mình tỉnh thức nhận ra rằng: tôi cũng là Cám, ở một góc độ nào đó, trong cuộc sống thường ngày? Nếu tôi loại trừ Cám, phải chăng tôi cũng loại trừ một phần của chính mình tôi? Làm như vậy là tự lường gạt. Tôi khư khư giữ cho mình phần Tốt, mặt Sáng. Đồng thời, tôi phóng chiếu lên khuôn mặt kẻ khác phần xấu và mặt đen. Nếu ai ai cũng hành động với đầu óc kỳ thị như vậy, xã hội quê hương và nhân loại sẽ biến thành một bãi chiến trường đầy máu và tang thương, luôn luôn nặc mùi hận thù và tử khí.

Đảm nhận mình một cách thành thực và can đảm, với mọi bộ mặt tốt và xấu, sáng và đen - phải chăng đó là bước đầu tiên cần bước tới, nhằm thăng tiếng bản thân và làm đẹp cuộc đời?

Theo giáo lý của Thánh Phaolô, "ở đâu tội lỗi tràn trề, ở đó ân sủng thứ tha cũng chứa chan bát ngát". Tội lỗi mà Ngài muốn nói tới là tội lỗi được chúng ta nhận diện và đối diện. Được can trường thú nhận. Không ém nhẹm, che giấu. Chúng ta cần đấm ngực và sám hối. Thay vì mang mặt nạ hay là có bộ mặt mồ mả tô vôi.

***

5. Sở dĩ tôi phải đảm nhiệm, hội nhập và chuyển hoá mọi thành phần làm nên con người muôn màu muôn sắc trong bản thân tôi, là vì theo lối nói của văn sĩ Paulo Cuelho, tôi là người "luyện vàng". Ơn gọi của tôi là chuyển biến tất cả những gì là quặng sản, đồng chì, sắt thép, trong bản thân tôi, thành Vàng nguyên chất. Đó là giấc mơ đẹp nhất trong tất cả mọi giấc mơ. Thêm vào đó, khi tôi nuôi ẳm vun tưới trông nom một giấc mơ kỳ vĩ và trọng đại như vậy, trong thâm sâu của cõi lòng, toàn thể vũ trụ trăng sao, côn trùng chim chóc, hoa lá cát sạn... tất cả đều là đồng minh có khả năng đóng góp phần mình, để giúp tôi :

Mỗi ngày từng bước, biến Không thành Có,

Hoá bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ.

Chính Tấm là một con người có tầm cỡ như thế. Hẳn thực, ngày ngày Nàng đã luyện vàng:

- Mất tất cả phần cá mà mình đã góp nhặt, suốt một ngày lặn lội lam lũ, nàng chỉ giữ lại được một con cá bé nhỏ. Tuy vậy, ngày ngày nàng cho nó ăn. Nó trở nên người bạn tri kỹ sớm hôm. Nhờ sự hiện diện của nó, Tấm đã vượt qua được mọi thăng trầm chìm nổi trong cuộc đời.

- Khi con cá ấy bị giết làm thịt, trong khi nàng vắng nhà, Tấm vẫn không đánh mất tất cả. Bộ xương là "phần còn sót lại" được nàng trân quí và cất giữ cẩn thận. Chính nhờ nó, nàng đã tìm ra áo quần, khăn mũ, giày dép và đồ trang sức, để đi lên Thành đô, dự ngày lễ hội do nhà Vua tổ chức.

- Khi bổn phận tách lúa khỏi thùng gạo quá lớn lao và nặng nề, Tấm chỉ đi ra trước sân, nhìn lên và gọi mời, tự khắc từng đám mây đen làm bằng chim trời sà cánh xuống, cuống quít vui mừng và tiếp tay cho nàng hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.

Theo câu chuyện cỗ tích- được hình thành trong những triều đại thấm đậm màu sắc văn hoá do ba tôn giáo Phật, Khổng và Lão kết dệt - mỗi lần Tấm gặp khó khăn, luôn luôn có Bụt hiện hình. Nói đúng hơn, chính lúc ấy Tấm trở thành Bụt. Mắt nàng sáng lên, thấy được những điều phải làm. Biết tìm ở đâu những dụng cụ cần thiết, cho cuộc hành trình kết hợp với Nhà Vua để làm Đại phụ mẫu, trong lòng quê hương đất nước. Bụt hiện hình, theo giáo lý của Phật giáo, không phải là một Đấng ở trên hay ở ngoài. Trái lại, khi tâm hồn của Tấm tràn đầy yêu thương, thứ tha và hy vọng, Tấm chính là Đức Bụt. Tấm trở thành Bụt Quan Thế Âm,, có trăm con mắt để thấy. Có trăm cánh tay để làm. Có trăm đôi chân để đi gieo vãi Tình Thương ở bốn phương trời của quê hương và nhân loại.

***

6. Theo lối nói của Kinh Thánh trong Kitô-giáo, khi ai tràn đầy Tình thương và Tha thứ - giống như Tấm đối với mẹ kế và đứa em, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Chọn cung lòng họ làm Đền thờ. Giống như một hôm nào, Ngài đã ngự xuống trên Người Con Gái Xion là Maria. Nhờ đó, Bà đã làm được những điều kỳ vĩ, trọng đại trong lòng cuộc đời. Cũng theo giáo lý của Thánh Phao-lô, khi được tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần như vậy, chúng ta trở thành Cung đền của Thiên Chúa. Ngài ở giữa chúng ta. Ngài chia sẻ mọi ngọt bùi đắng cay với chúng ta. Và cái gì của chúng ta cũng là của Ngài, ngoại trừ tội lỗi. Gia tài của Ngài cũng là của chúng ta. Một cách nào đó, chúng ta "làm Chúa" với Ngài. Nhờ Ngài. Giống như Ngài.

Giữa Tấm và người Cha của Tấm, cũng có một quan hệ tương tự. Trong câu chuyện cỗ tích, người cha đã lâm bệnh và qua đời. Nhưng trong tâm hồn cũa Tấm, Người Cha vẫn luôn luôn có mặt. Lời của Cha vẫn còn là con đường tất yếu mà Tấm đang đi. Và ngày ngày phải đi như một qui luật tự nhiên và cần thiết. Người mà cha đã yêu thương chọn lựa, Tấm vẫn chọn lựa và yêu thương. Nếu họ còn mang trong mình nhiều tồn tại, Tấm chỉ có một thái độ là thứ tha vô điều kiện. Khi có khả năng thứ tha như vậy, Tấm trở nên vĩ đại và bao la.

Nói cách khác, với ngôn ngữ của Phân tâm học, con đường tất yếu, còn được Freud gọi là Ananké, làm bằng chất liệu yêu thương và thứ tha, đối với những ai cố quyết làm người. Ai đi con đường nầy, trong lòng quê hương và nhân loại, người ấy đang mang trong mình dòng máu của chính Thiên Chúa. Ngài cho phép chúng ta gọi Ngài là Cha: "Áp-ba, Cha ơi". Ngài là Nơi Xuất Phát. Đồng thời, Ngài cũng là Điểm Hẹn tối cùng cho những ai ngày ngày đánh sáng Đức Sáng Làm Người của mình; như sách Đại-học đã dạy:

"Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện" có nghĩa là: Khoa học của con người trọng đại là luôn luôn đánh sáng cái đức chói sáng nằm sẵn trong mình".

Đổi mới bản thân và cuộc đời của chính mình. Từ đó và nhờ đó, người ấy có khả năng đổi mới mọi người. Đó là đích điểm tốt đẹp nhất cần hướng tới để thực hiện trong suốt cuộc đời. Không đi con đường tất yếu ấy, là Thứ Tha và Yêu Thương - Chúng ta sẽ trầm luân vào một ngõ cụt. Đó là Thanatos có nghĩa là hận thù, chiến tranh, tử vong và hoại diệt.

Vậy hởi bạn, hỡi em - chúng ta hãy chọn con đường nào, mỗi lần có nguy cơ tranh chấp và xung đột giữa chúng ta và anh chị em đồng bào, đồng loại?

CHƯƠNG VIII : ĐỨC KITÔ TRỞ LẠI TRONG VINH QUANG

"Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền uy và vinh quang, ngự trong đám mây mà đến" (12).

Sau khi Đức Kitô đã về trời, trước sự chứng kiến của các đồ đệ; trong lòng Hội-thánh từ ngày ấy cho đến hôm nay, người tín hữu luôn luôn trông ngóng ngày trở lại của Ngài.

Nhưng Ngài sẽ trở lại khi nào?

Một cách đặc biệt, chúng ta cần làm gì, để chính ngày hôm nay, ngài có thể trở lại trong bản thân và cuộc đời của mỗi người, cũng như trong lòng của toàn thể Nhân-loại?

***

CÂU HỎI THỨ NHẤT : Ngài trở lại khi nào?

Thánh Mác-cô đã ghi lại câu trả lời của Đức Kitô:

"Anh em cứ lấy thí dụ cây vã mà tìm hiểu. Khi cành nó mềm ra và trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần" (13).

Trong những điều kiện khí hậu nắng mưa, nóng lạnh của miền Đất Do-thái, cây vã trụi hết lá vào mùa đông. Sang qua mùa xuân, nó bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc, nở hoa. Qua mùa hè, trái vã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.

Muốn ăn trái vã, chúng ta phải ở vào giữa mùa hè, đầu mùa thu.

Cũng vậy, Đức Kitô sẽ trở lại, chừng nào Đức-tin có những thành quả rõ rệt, vững vàng trong bản thân của mỗi người và trong những điều kiện sinh hoạt tâm linh của toàn thể Nhân-loại.

Một hôm nào, Đức Kitô đã đến trong cung dạ của Mẹ Maria, khi hai tiếng "xin vâng" đã thực sự chín mùi trong Đức-tin của Mẹ. Cũng vậy, Đức Kitô sẽ trở lại trong lòng Nhân-loại, và chọn Toàn thể Nhân-loại làm Đền-thờ của Ngài, chừng nào mỗi người trong chúng ta, nhất loạt và nhất tâm "đứng dậy lên đường trở về Nhà Cha" (14).

Có lẽ chúng ta sẽ nêu lên câu hỏi giống như Mẹ Maria:

"Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?" (15).

Và sứ thần của Thiên Chúa hay là Hội-thánh sẽ trả lời cho chúng ta:

"Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được" (16).

Hẵn thực trước khi làm cho La-da-rô sống lại, Đức Kitô cần Maria và Mác-ta tin vào Ngài. (17)

Cũng vậy, Đức Kitô sẽ trở lại, chừng nào toàn thể Nhân-loại khát khao Ngài đến, tin vào Ngài, cần Ngài thực sự trong cuộc sống làm người.

"Ma-ra-na-than, xin Ngài đến" (18).

***

CÂU HỎI THỨ HAI : Chúng ta cần làm gì?

Để Đức Kitô có tất cả những điều kiện thuận lợi, và có khả năng trở lại thế trần, lần thứ hai, chúng ta cần làm những điều nào?

Theo Tin-mừng của Thánh Lu-ca, để Đức Kitô có thể đến trong thế gian lần thứ nhất, sau khi Mẹ Maria thưa "Xin vâng", Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ. Nhờ sức tác động nhiệm mầu của Ngài, cõi lòng mẹ đã trở thành cánh đồng màu mỡ, để đón nhận hạt giống của Ngôi Lời. Nhờ hạt giống đầu tiên nầy, hằng triệu triệu hạt giống khác tiếp tục sinh sôi nẩy nở.

Cũng theo sách Khải-huyền của Thánh Gio-an, chỗ nào có Tân-nương là Hội-thánh, chỗ ấy Chúa Thánh Thần luôn luôn có mặt để trùng tuyên những điều Đức Kitô đã dạy, những việc Ngài đã làm...

Chính ngày hôm nay, nhờ Ngài ngự xuống đốt cháy tâm hồn, chúng ta mới có khả năng thứ tha, như Đức Kitô đã thứ tha trên Thánh-giá; yêu thương anh chị em như chính Ngài.

Qua tác động của Thánh Thần, chúng ta tiếp tục mang Tin-mừng cho người nghèo: Kẻ đói chúng ta cho ăn. Kẻ khát chúng ta cho uống. Kẻ rách rưới tả tơi, chúng ta đùm bọc., che chở... Kẻ bị bắt bớ, và xua đuổi, chúng ta chúc phúc cho họ.

Khi có khả năng tiếp nối công trình của Đức Kitô như vậy, chúng ta đang hợp tác với Chúa Thánh Thần, để "bổ túc những gì còn đang thiếu sót"... Chúng ta góp phần mình để làm cho Đức Kitô "trở thành viên mãn, tròn đầy" trong lòng Nhân-loại.

Nói tóm lại, chừng nào nhờ sức tác động của chúng ta, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy và ban ơn trợ lực, chúng ta có khả năng làm phép lạ "biến nước thành rượu ngon", như ở làng Ca-na19 lúc bấy giơ Đức Kitô có thể trở lại lần thứ hai. Trời đất trở thành Trời-mới, Đất-mới. Và mỗi người có Đức-tin vào Đức Kitô được trở nên con người Mới, như Ngài. Với Ngài. Và nhờ Ngài.

Vậy để Đức Kitô có thể trở lại trong vinh quang, chúng ta hãy thực-hiện lời nguyện cầu của chúng ta:

"Ma-ra-na-tha. Xin Ngài hãy đến".

Tất cả mọi sự đều được chuẩn bị sẵn sàng!

CHƯƠNG IX : CHUYỂN HOÁ MÔI TRƯỜNG

Nhằm chuyển hoá môi trường gia đình và xã hội, em hỏi tôi: phải làm gì? Bắt đầu từ đâu? Ưu tiên số một là điều gì?

1- Hồi tôi ở vào lứa tuổi hai mươi, như em ngày hôm nay, tôi đã mang hoài bão làm cách mạng, thay đổi toàn diện con người và hoạ lại bản đồ của thế giới...

Lên tới bốn mươi, tôi nhận thấy những ấp ủ ngày xưa chỉ là vong tưởng, hão huyền... Cho nên, tôi đã thu gọn lại những ước mơ của mình là cải tạo gia đình vợ con và thay đổi bạn bè thân tín mà thôi.

Hôm nay ở tuổi sáu mươi, tôi càng ngày càng xác tín rằng: khu vườn độc nhất mà tôi có thể chăm bón, ươm trồng, gieo vãi một vài bông hoa... chính là tâm hồn và cuộc đời của tôi. Bao lâu tôi chưa thay đổi chính mình, để ngày ngày biết yêu thương, sống hạnh phúc hơn ngày hôm trước... những mộng tưởng đó đây chỉ là tuyên truyền láo khoét. Đứng núi nầy trông núi nọ. Còn tệ hơn nữa là biến thân làm nạn nhân, bởi tưởng rằng: bao nhiêu người hai bên đã gây tai hoạ cho đời mình. Vì họ, cuộc sống tôi đã đi vào ngõ cụt. Vì họ, tôi mất hết khả năng tô điểm và làm đẹp cuộc đời.

Rút cuộc, tôi có thái độ tố cáo, chưởi bới, trách móc, đỗ lỗi... và dần dần trở thành chua cay, héo mòn, bị động, chán nản và tuyệt vọng...

***

2- Em cũng như tôi, chúng ta làm Người. Là làm chủ cuộc đời của chính mình. Hạnh phúc và yêu thương là bản sắc hay là chân tướng đích thực của chúng ta.

Bắt đầu từ giây phút Em thay đổi nội tâm và não trạng của mình, tự khắc thực tại bên ngoài đã dần dần cải biến.

Trên những con đường lầy lội hôm nay, nếu em biết mở mắt nhìn, một đoá hoa dại nở ra đâu đó... đang tô điểm cuộc đời của em.

Trong xóm nhà lá, với bao nhiêu trẻ em gầy gò ốm yếu vì thiếu dinh dưỡng... Nếu em biết mở rộng cõi lòng, em sẽ đón nhận những nụ cười chân tình và tràn ngập ánh sáng.

Cuộc sống chung quanh chúng ta còn chật chội, ngột ngạt... Nhưng nếu Em biết nhìn lên một bầu trời bao la đang mời gọi lòng Tha-thứ và bàn tay quảng đại. Lòng Thứ-tha sẽ làm cho Em trở thành diệu vợi và cao cả. Tình thương chính là câu trả lời cho những vấn đề đang bủa vây và kềm hãm mọi con đường của Quê-hương và Nhân-loại.

***

3- Có lẽ Em đang muốn hỏi tôi: Mấy con én mới có thể làm nên mùa xuân trong lòng Đất-nước và Hội-thánh hoàn vũ?

Bao nhiêu và cho đến bao giơ, tôi không thể nào biết được và trả lời dứt điểm cho em. Nhưng tôi có thể đoan chắc một điều thật đơn giản: Mỗi con én có thể tạo nên mùa xuân cho chính mình; nếu nó biết đảm nhiệm cuộc đời từng ngày. Không ta thán. Không phê phán, tố cáo và đổ lỗi lên đầu người khác những thiếu sót đang có mặt, ngày hôm nay, trong quan hệ giữa người với người.

Đảm nhiệm cuộc đời là ra tay bổ túc những gì đang thiếu sót. Kiện toàn những gì chưa hoàn chỉnh. Rút tỉa bài học từ những lỗi lầm, lệch lạc, méo mó... Nhận diện và can đảm đối diện. Không giả vờ làm lơ, nhìn qua chỗ khác, tránh né, đánh trống lãng.

Xây dựng cuộc đời với hai bàn tay lao động của mình. Không ngửa tay xin xỏ cầu viện. Đổ một giọt mồ hôi, thay vì đứng hô hào công bình, bác ái. Đốt lên một que diêm, thay vì ngồi nguyền rủa đêm tối.

Đảm nhận cuộc đời như vậy là một cách Cho. Cho vô điều kiện. Cho bất kỳ một cái gì, một nụ cười, một bàn tay, một hơi ấm, một chút tình người.

Và quà tặng kỳ vĩ nhất trong cuộc đời làm người là Lòng Tha-thứ và Bao-dung.

Khi cho như vậy, điều Em nhận lại là hạnh-phúc làm người. Thiếu chất liệu nầy, đời em sẽ nghèo nàn, tàn tạ, héo úa và khô cằn.

Khi biết cho như vậy, em đang trở thành Chúa. Em đang Sống-lại, như Đức Kitô sau khi Ngài đã Thứ-tha cho kẻ sát hại ngài trên Thánh-giá.

***

4- Hỡi Em!

Em hãy cho và thứ tha!

Tự khắc, Hội-thánh sẽ hiện hình trong Em và nhờ Em.

Quê hương sẽ ngập trời ánh sáng.

Muôn vì sao lấp lánh sẽ mọc lên trong cuộc đời.

Trong mỗi hơi thở và bước đi, trên từng nẻo đường xuôi ngược, em hãy trở thành giống như Mẹ Maria: làm người tì nữ của Thiên Chúa. Ngày ngày Em hãy "Cưu mang" Đức Kitô trong cung dạ của mình.

Nhờ em, Đức Kitô sẽ trở nên "mọi sự cho tất cả mọi người" Đức Kitô chính là "Tin-mừng" em gieo vãi khắp mười phương; trên những con đường của Quê-hương và Nhân-loại. Chỗ nào có Đức Kitô, do em mang đến, chỗ ấy là Trời-mới - Đất-mới! Chỗ ấy là cõi lòng Mẹ Maria. Và chỗ ấy cũng là Đền-thờ của Chúa Thánh Thần.

Lausanne – Thụy Sĩ - Xuân 2001

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH:

10. Kh. 22, 2.

11. Is. 11, 6-9.

12. Mc. 13, 26.

13. Mc. 13, 28.

14. Lc. 15, 18-20.

15. Lc. 1, 34.

16. Lc. 1, 37.

17. Ga 11, 25-27.

18. Kh. 22, 17-20.