TRONG ĐỨC KITÔ (Tiếp theo)

CHƯƠNG III : "TIN LÀ YÊU "

(1 Ga. 4, 7-21)

Thánh Gio-an Tông Đồ trong Phúc-âm thứ 4 và hai lá thư của mình, đã nói rất nhiều về Tình-yêu. Hình như càng về già, Thánh Gio-an càng nhấn mạnh giáo lý này như một nền tảng thiết yếu cho đời sống Đức-tin.

Bốn chủ đề sau đây đã được Ngài khai triển lui tới nhiều lần:

- Tin là Yêu,

- Anh em hãy yêu thương nhau để thế gian nhận biết anh em là đồ đệ của Đức Kitô.

- Ai nói mình yêu thương Thiên Chúa, mà không yêu thương anh em mình, người ấy nói dối.

- Bản chất đích thực của Thiên Chúa là Tình Yêu.

Tình yêu trong giáo huấn của Thánh Gio-an không phải là một nhản hiệu vô hồn. Không phải là một quan niệm trừu tượng lý thuyết. Không phải là câu nói tuyên truyền quảng cáo.

Nói đến Tình-yêu, Thánh Gio-an nhớ lại và gợi lại cho chúng ta những động tác cụ thể, thường nhật mà Đức Kitô đã thực hiện, dưới con mắt Ngài chứng kiến gần như hàng ngày trong vòng ba năm :

- Đức Kitô đã cúi xuống rửa chân cho các môn đồ của mình.

- Đức Kitô cúi hạ xuống ngang hàng người đàn bà ngoại tình. Sau đó Ngài ngước nhìn lên và nói với ba: Thầy không tố cáo chị. Thôi chị đi về. Đừng tái phạm!

- Phê-rô đã ba lần chối từ có liên hệ thầy trò với Đức Kitô. Thế mà Phê-rô vẫn được Ngài đoái nhìn, với tất cả tấm lòng yêu thương, âu yếm "dường như không có chuyện gì xảy ra!".

- Vào những phút giây cuối cùng trên Thánh Giá, Đức Kitô đã xin Cha Ngài thứ tha cho những ai đã tố cáo, đóng đinh, lặng nhục và sát hại Ngài.

Theo lời dậy của Ngài, ai tát tai chúng ta bên trái, chúng ta hãy đưa bên phải cho họ. Tuy dù bị sỉ nhục, chúng ta vẫn an bình và đầy lòng thứ tha. Không chưởi rủa, hận thù, tức tối...

***

Phúc-âm hoá môi trường - Chương trình hành động của chúng ta vào Ngày thứ Tư - phải chăng là "tình yêu hoá" cuộc sống thường ngày? Nghĩa là lấy tình yêu làm chất liệu nuôi dưỡng mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi trong lãnh vực gia đình cũng như ngoài xã hội. Với người xa cũng như người gần. Với anh chị em đồng hương đồng bào, cũng như với người "ngoại quốc", người xứ Xa-ma-ri...

Ở đâu có Tình-yêu, ở đó không có "tao hơn mày thua". Không có "tao tốt mày xấu". Không có "tao có lý, mày phi lý". Nói cách khác không có "ngồi trên ăn trước". Không có xầm xì dị nghị. Không có vấn đề bôi nhọ, bóp méo, xuyên tạc, tung ra tiếng đồn thất thiệt...làm tổn thương tình huynh đệ và đánh mất quan hệ hợp nhất trong cộng đồng dân Chúa.

Tình-yêu làm cho chúng ta trở thành Anh Chị Em trong gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ vậy, trong ngày thứ tư, chúng ta có khả năng :

"Đem yêu thương vào nơi oán thù,

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

Đem an hoà vào nơi tranh chấp

Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.."

Hẳn thực "yêu thương anh chị em" là dấu chứng cụ thể và tuyệt vời nhất, chứng minh cho mọi người xa gần nhận biết rằng : Chúa Thánh Thần đang ngự xuống trên chúng ta. Cung lòng chúng ta là Đền Thờ của Ngài. Chúng ta đang "bắt chước Thiên Chúa" (4). "Hữu ư trung, tất hình ư ngoại!". Có bên trong tức tràn ra bên ngoài. Nếu Chúa Thánh Thần "thấm nhuần" tâm hồn chúng ta, thì tất nhiên nhất cử, nhất động, Tình Yêu và hoà bình của Ngài toát ra trong mỗi lời ăn tiếng nói, hơi thở và điệu bộ của chúng ta.

Nói tóm lại, đem Thần-khí Yêu-thương và an hoà cho mọi người, trên mỗi chặng đường của cuộc sống, phải chăng đó là Ơn-gọi của tất cả những ai đã được "xức dầu Thánh", khi lãnh nhận bí tích Rửa-tội ?

Trong tinh thần và ý hướng ấy, người Cursillista có thể nhắc nhở mình trong suốt ngày thứ tư:

"Em là điệu nhạc làm nên bản hoan ca,

Em là trang sách đắp bồi nên tác phẩm,

Em là bếp lửa tặng cho đời hơi ấm,

Em là viên gạch xây dựng lại ngôi nhà.

Em là ché lúa đưa tin mùa gặt mới,

Em là ngón tay chỉ hướng ngã ba đường,

Em là hạt nước trở về nuôi Đại Dương,

Em là dòng suối gọi lòng người tắm gội! "

CHƯƠNG IV : CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN DIỆU VỢI

Sau ba ngày tĩnh huấn, người Cursillista trở về sống cuộc đời ngày "Thứ-tư" của mình trong lòng thế gian. Ở giữa môi trường gia đình, xã hội và nghề nghiệp, họ phải sống thế nào để mọi người có thể nhận biết "họ đã tràn đầy và thắm nhuần Chúa Thánh Thần". Và chính Ngài đã sai họ, phải chăng để họ, trong từng hơi thở và nhịp tim, có thể "làm chứng" về Thiên Chúa Tình Yêu, cho những người còn ngụp lặn trong hận thù, chiến tranh, chia rẽ, bạo động, kỳ thị?...

Kính thưa anh chị em Cursillista,

Trong bầu khí hân hoan và hạnh phúc của ngày "Trở Về Nhà" lần đầu tiên, sau hơn một tháng xa cách, tôi xin mạo muội chia sẻ một bài thơ nho nhỏ. Rồi từ bài thơ ấy, tôi thỏ thẻ như một đứa con, đứa em, cơ hồ đưa con gái đi lấy chồng trở về, mách lại cho mẹ : nó đã trải nghiệm thế nào những ngày đầu tiên "đi làm dâu ở nhà người ta".

Từng bước đi... đường Đức-tin diệu vợi !

Quyết ấn mạnh vết chân con người mới :

Lo băng bó vết thương còn lở lói,

Gieo an lạc vào lòng ai mòn mỏi,

Ngày ngày cưu mang biển trời cao cả,

Thở Thần Khí biến đời thành phép lạ.

***

"Quyết Ấn Mạnh Dấu Chân Con Người Mới"

Phải chăng đó là cách sống ngày thứ tư của người Cursillista? Một hôm nào, trên mọi nẻo đường xuôi ngược của xứ Do-thái, Đức Kitô đã cùng bước với bao nhiêu người, thuộc mọi thành phần của xã hội. Chỗ nào Ngài đã đi qua, chỗ ấy người mù được sáng mắt. Người bại liệt đã đứng dậy và đi. Người nghèo được chúc phúc. Người tội lỗi được tha thứ. Người khát được uống nước trường sinh.

Ngày hôm nay, Đức Kitô đã về trời, để mỗi người chúng ta có thể tiếp nối bước chân của Ngài. Chỗ nào người Cursillista đi qua, chỗ ấy thế gian nhận ra bước chân của Đức Kitô. Làm con người mới là mặc lấy Đức Kitô. Ăn như Ngài. Nói như Ngài. Đi đứng như Ngài. Từng bước chân, đường Đức-tin diệu vợi. Và khi chúng ta đi qua, chúng ta để lại những bước chân của Đức Kitô. Chúng ta để lại Hồng Phúc của Ngài. Chúng ta ươm trồng hoa quả của Chúa Thánh Thần.

***

HỒNG PHÚC THỨ NHẤT : "Lo băng bó vết thương còn lở lói.."

Vết thương ở đây là tội lỗi. Và theo Thánh Phao-lô, chỗ nào tội lội tràn đầy, thì chổ ấy Hồng phúc cũng chứa chan, miễn là được thú nhận và hối cải. Ma-đa-lê-na đã phạm tội. Mọi người đã muốn ném đá bà. Đức Kitô trái lại, đã dịu dàng : Tội con đã được thứ tha. Thôi con về và không tái phạm...

Để có thể băng bó vết thương cho người khác, chúng ta bắt đầu băng bó vết thương cho mình. Và cho nhau. Đi theo Chúa ba năm, Phê-rô còn chối Thầy. Sống với Chúa ngày đêm, Giu-đa còn phản bội bán Thầy. Để thế gian có thể hối cải, chính người Cursillista hãy canh tân cuộc sống của mình. Nhất là trong quan hệ giữa anh chị em chúng ta. Chưa yêu thương nhau làm sao chúng ta có thể làm chứng về Tin-mừng Yêu-thương? Chưa rửa chân cho nhau, làm sao bắt chước "Thầy"? Làm sao phục vụ anh chị em?

***

HỒNG PHÚC THỨ HAI : "Gieo an lạc vào lòng ai mòn mỏi"

Thế gian đang lo sợ phân vân về ngày mai. Giới trẻ đang lo sợ, cho nên họ có những hành vi bạo động, đốt phá, phạm pháp. Trước ngưỡng cửa của năm 2000, hiểm hoạ chiến tranh vẫn còn đe doạ ở nhiều nơi. Nạn thất nghiệp chưa được giải quyết, thậm chí trong những nước có mức sống cao và có khả năng làm ra tiền của. Trong lo sợ, nhiều người đã kêu lên một cách chới với kinh hoàng: Thiên Chúa ở đâu? Sao Ngài im hơi lặng tiếng?

Người Cursillsta có trả lời được cho những tâm hồn đang rối loạn và xao xuyến: Thiên Chúa hiện diện trong tôi. Quả tim tôi là cung điện của Ngài. Nói như vậy cũng còn chưa đủ, qua mỗi nụ cười, qua từng liếc nhìn, qua từng trao đổi, tiếp xúc, chúng ta có tung vãi được những hạt giống bình an của Đức Kitô không? Hay là chúng ta cũng hận thù! Cũng đòi nợ máu? Cũng tố cáo. Cũng chưởi rủa?.

Nói tóm lại, phải chăng chúng ta là những sứ giả của Hòa-bình, của An-lạc, thậm chí với những người bỏ tù chúng ta, đã đuổi chúng ta ra biển cả, để bị đắm tàu và chết đuối?

***

HỒNG PHÚC THỨ BA : "Ngày ngày cưu mang biển trời cao cả"

Đây là hồng phúc của Mẹ Maria, như Đức Kitô đã nói : Phúc cho ai đã cưu mang Thầy. Đã ngày ngày cho Thầy bú mớm.

Làm Cursillista, chúng ta không thể không đi lại con đường của Mẹ Maria. Nhờ xương da, máu thịt của chúng ta, Đức Kitô được sinh ra lớn lên, mang Tin-mừng cho nhân loại. Đi con đường của Mẹ Maria, chúng ta phải can trường "đứng thẳng" dưới chân Thánh-giá của Đức Kitô. Tha thứ cho kẻ thù, giống như Đức Kitô. Chết cho kẻ khác như Ngài. Làm Cursillista chúng ta ngày ngày nhắc nhở cho mình

"Ánh mắt Em là cả một bầu tròi,

Bàn tay Em huyền nhiệm thấu từng mây,

Bước chân Em gieo hạnh phúc mỗi ngày,

Quả tim Em nguồn suối không cạn vơi".

Tiếng "Em" ở đây không dành cho một người nào ở ngoài. Em là chính mình. Chúng ta nhắn nhủ mình, để tiến tới và vươn lên.

***

HỒNG PHÚC THỨ BỐN : "Thở Thần-khí biến đời thành phép lạ"

Đức Kitô và Mẹ Maria là hai con người mới đầu tiên, đầu mùa : luôn luôn thấm nhuần và tràn đầy Chúa Thánh Thần. Không có Chúa Thánh Thần, Đức Kitô không thể chết và sống lại, để mang hồng ân cứu độ cho toàn thể nhân loại. Đó là kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa Ngôi Cha đã ấn định từ trước muôn đời. Không có Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria không thể cưu mang và làm Mẹ Con Thiên Chúa. Cũng vậy, không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể tiếp nối công trình của Đức Kitô, để mang Tin Mừng cho mọi người trong môi trường gia đình và xã hội.

Nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần, bằng cách này hay cách khác, chúng ta có thể nối dài phép lạ mà Đức Kitô đã làm tại tiệc cưới ở Ca-na: Biến nước thành rượu ngon. Biến trời đất này còn tràn đầy đau khổ, còn hận thù và bạo động...thành Trời-mới và Đất-mới. Việc ấy sẽ xảy ra thế nào được? Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên chúng ta. Theo sách Công vụ những gì "Chúa Thánh Thần và chúng ta quyết định" (5 ) cùng với nhau. Việc ấy sẽ được thực hiện.

Kính thưa anh chị em Cursillista,

Đời tôi tưởng nghèo đi... và già đi: Nhưng bổng chốc có anh, có chị, có ân lộc của Chúa Thánh Thần!

Chúng ta hãy cầu cho nhau và nắm tay nhau để "Biến đời thành phép lạ! "

CHƯƠNG V : ÁNH SÁNG ĐẾN TRONG THẾ GIAN

(Ga. 1,9)

Bắt đầu Phúc-âm thứ tư, thánh Gio-an Tông-đồ đã suy niệm về Mầu-nhiệm Nhập-thể; còn được gọi là Mầu-thiệm "Thiên Chúa làm người như chúng ta". Ngài ở giữa chúng ta.

Để triển khai và trình bày Mầu Nhiệm này, tác giảđã sử dụng ba hình tượng: Thứ nhất là Ánh-sáng. Thứ hai là Thế-gian. Thứ ba là Đến.

Hình tượng có nghĩa là một hình ảnh chất chứa nhiều ý nghĩa khác nhau. Ngoài ý nghĩa thông thường, bề mặt, chúng ta có thể dần dần khai mở nhiều ý nghĩa khác nằm ở chiều sâu, ở bên dưới.

Chẳng hạn khi chúng ta đi thăm viếng bảo tàng viện Le Louvre ở Paris, nhìn từ ngoài, chúng ta sẽ thấy được những ngôi nhà cổ kính và rộng rãi... Và khi đi vào bên trong, từ phòng này qua phòng khác, từ tầng dưới leo lên tầng trên, từ tòa nhà phía đông, qua tòa nhà phía tây... chúng ta sẽ ngỡ ngàng, ngơ ngác trước bao nhiêu kho tàng đang được xếp đặt, trưng bày ở trong đó.

Trong những lần đầu, khi đứng trước những kỳ công nghệ thuật như bức họa La Joconde, với nụ cười đầy bí nhiệm, chúng ta chưa rung cảm và thưởng thức được gì cả. Nhưng nếu có một người quen biết hướng dẫn, chỉ vẽ, giải thích, chúng ta cảm thấy hứng thú vì đã học hỏi, hiểu biết được rất nhiều điều về nếp sống, nghệ thuật, đạo đức của người Pháp, qua các thời đại khác nhau. Nhờ đó con người và cuộc đời chúng ta giầu có thêm lên.

Khi suy niệm Phúc-âm của Thánh Gio-an hay là những cuốn sách khác trong bộ Kinh Thánh Tân và Cựu-ước chúng ta cũng có thể khám phá được một kho tàng Đức-tin sâu thẳm và phong phú. Đối với kho tàng Đức Tin cũng như đối với bảo tàng viện Le Louvre, chúng ta cần có người hướng dẫn cho chúng ta. Trong địa hạt Đức-tin, người ấy không là ai khác ngoài Hội-thánh và những người "đồng cảm với Hội-thánh" có nghĩa là cùng thở Thần-khí như Hội-thánh. Cùng yêu thương như Hội-thánh và đang yêu thương vị hôn phu của mình là Đức Kitô.

Trong tinh thần ấy, tôi muốn khảo sát ba hình tượng trên đây.

1- HÌNH TƯỢNG THẾ GIAN

Thánh Gio-an đồng hóa thế gian với "bóng tối" (6).

Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối

Thế gian đã nhờ Ngài mà có

Người đã đến nhà mình.

Cũng trong hai câu này, thánh Gio-an ghi thêm:

Thế gian không nhận biết Người

Người nhà chẳng chịu đón nhận

Khi sắp xếp những yếu tố lại với nhau, chúng ta nhận thấy những điều sau đây:

Một: Thế gian được Thánh Gioan nói tới là tất cả những ai đang có mặt trên quả đất này.

Hai: Tất cả mọi người đượcThiên Chúa tạo nên. Không có cánh tay Người tạo dựng, chúng ta chỉ là hư không, không là gì cả.

Ba: Không những chỉ tạo dựng mà thôi, Thiên Chúa tiếp tục dưỡng nuôi, thương yêu và dạy dỗ chúng ta. Mặt trời cần thiết cho sự sống trên quả đất này thế nào, thì Tình Yêu của Thiên Chúa cũng cần thiết cho sự sống còn của chúng ta như vậy. Một cây hoa không có ánh sáng mặt trời làm sao có thể sống, lớn lên và phát triển?

Bốn: Mỗi lần chúng ta không chấp nhận quan hệ yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, chính chúng ta biến mình thành tác giả và nguyên nhân tạo nên bóng tối cho đời mình.

Chính chúng ta quyết định đóng kín lòng, khép lại mọi cánh cửa, không cho phép Tình Yêu của Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn, nâng đỡ đùm bọc chúng ta. Tuy còn sống về mặt thể chất, chúng ta đã chết về mặt thánh đức và tâm linh.

Trong dụ ngôn về người Cha Nhân Hậu (7), quan hệ giữa Thiên Chúa với chúng ta được xác định là quan hệ máu mủ cha con. Trên bình diện nhân loại, cha yêu con thế nào, thì Thiên Chúa cũng yêu thương đùm bọc chúng ta như vậy. Còn hơn thế nữa, Ngài ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài (8). Nghĩa là chính Sự Sống và Tình Yêu của Ngài, để hai cha con cùng nhau chia sẻ một sự sống duy nhất.

Năm: vào cuối Phúc âm thứ tư thánh Gioan còn rõ ràng dứt khoát hơn nữa: Thế gian là những ai giết chết Thiên Chúa (9). Như người con đưa tay sát hại cha mình. Và khi tình cha con đã thoái hóa và suy đồi như vậy, thì tình huynh đệ anh em cũng không còn. Thay vào đó là bạo động, hận thù, chiến tranh...hủy diệt.

Cơ hồ đứa con hoang đàng, phóng đãng đã bỏ nhà ra đi, chúng ta giết chết Thiên Chúa trong lòng mình. Và khi làm như vậy, chúng ta thuộc về thế gian. Chúng ta ở trong bóng tối. Chúng ta là thế gian. Là bóng tối. Chúng ta đã chết. Không còn sống cuộc sống của Thiên Chúa. Chúng ta phủ nhận mọi quan hệ giữa chúng ta với Ngài.

Trái lại, khi chúng ta đón nhận Ngài, tự khắc chúng ta ở trong Ánh-sáng. Chúng ta có quan hệ cha con với Ngài. Ánh-sáng soi chiếu cuộc đời chúng ta.

2- HÌNH TƯỢNG ÁNH SÁNG

Trên núi thánh Xi-na-y, Mai-sen không thể nào nhìn thẳng vào mặt của Thiên Chúa. Một con người phàm trần với bao nhiêu khuyết điểm và tồn tại, không thể nào chịu đựng được ánh sáng Thánh-đức chói chang phát xuất từ Ngài.

Vừa rồi đây vào ngày 11.8.1999, khi mặt trời đã hoàn toàn bị mặt trăng che lấp, chúng ta đã phải mang một loại kiếng đen đặc biệt, mới có thể nhìn lên và chịu đựng được một vài tia sáng còn lại của mặt trời.

Làm sao con người có thể nhìn thẳng mặt trời, nhất là khi mặt trời ấy là Đấng tạo dựng nên toàn thể vũ trụ, mặt trời, trăng sao?

Trong Cựu-ước cũng như Tân-ước, mỗi lần Thiên Chúa hiện hình với ai, tất cả mọi người có mặt đều kinh hoàng sụp lạy như tiên tri Esaia, ba Tông đồ Phê-rô, Gio-an, và Gia-cô-bê, khi họ được đem lên Núi Thánh.

Để có thể hiểu rõ phần nào tạo sao thánh Gio-an đã gọi Thiên Chúa là Ánh-sáng, chúng ta hãy trở lại với Mai-sen. Chính vị này đã hỏi: Ngài tên Ngài là gì, chúng tôi phải gọi Ngài thế nà? Ngài đã trả lời: Ta là Ta.

Hẳn thực, con người không thể sử dụng một tên nào trong ngôn ngữ loài người để gọi Ngài. Không một danh hiệu nào trong trời đất có thể diễn tả trọn vẹn bản chất hay căn cước đích thực của Thiên Chúa. Ngài là tất cả cho chúng ta... Ngài là Cha. Là Mẹ. Khí thở, trời xanh. Là dòng suối. Là nước uống. Là của ăn. Là toàn thể vũ trụ.

Nói tóm lại, Ngài là tất cả những gì làm nên chúng ta trong quá khứ. Và Ngài vẫn là tất cả cho chúng ta trong tương lai, trong ngày tận cùng của cuộc sống làm người này. Ngài là khởi thủy và đồng thời cũng là chung cuộc, nghĩa là điểm hẹn cuối cùng. Để diễn tả một nội dung bao la và trọng đại như vậy, trong sách Khải-huyền, thánh Gio-an đã dùng chữ đầu và chữ cuối trong bản vần Hy-lạp: Thiên Chúa là Đấng Alpha và Omega.

Để diễn tả một phần nào "Thiên Chúa là ai, như thế nào, làm gì, làm cách nào..." Thánh Gio-an đi lại con đường của tiên tri là sử dụng hình tượng. Đây là những ngón tay chỉ cho chúng ta tìm thấy mặt trăng đang ở về phương hướng nào. Nhưng ngón tay ấy không thể đụng tới mặt trăng.

Chính trong tinh thần và lăng kính này, chúng ta đã suy niệm câu nói "Thiên Chúa là Ánh-sáng": Bởi vì Ngài là nguồn gốc ban sự sống cho chúng ta. Đồng thời Ngài là quê hương, là nhà, để chúng ta trở về, sau cuộc hành trình trên mọi nẻo đường của dương thế.

Ngoài "Ánh-sáng", thánh Gio-an còn thích dùng một hình tượng khác: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Ngài đã yêu thương, gọi mời chúng ta làm nghĩa tử của Ngài từ trước vô cùng, từ ngày trời đất chưa được tạo thành. Với tư cách là nghĩa tử, chúng ta có quyền gọi Ngài là Cha, và có quyền thừa hưởng gia tài là chính cuộc sống tràn đầy yêu thương và hạnh phúc của Ngài. Cũng trong chiều hướng và ý nghĩa này, theo ngôn ngữ và giáo lý của thánh Phao-lô, Thiên Chúa là gia nghiệp cho những ai mở mắt nhận biết và đón tiếp Hồng phúc và Ơn sủng của Ngài.

3- HÌNH TƯỢNG ĐẾN

Hình tượng thứ ba trong câu nói của Thánh Gio-an là Đến.

Theo sách Sáng-thế, Thiên Chúa đã đến thăm viếng nhiều lần hai vị tổ phụ của chúng ta là ông Adong và bà Evà, trước khi họ phạm tội ăn trái cấm.

Ngài đến ở giữa dân của Ngài là Israel, sau khi giải phóng họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Ngài đã hiện hình, dạy dỗ các tiên tri và sai họ đại diện Ngài, đến với dân Ngài, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Lần cuối cùng, khi thời gian đến thời kỳ viên mãn, chính Con Ngài là Ngôi Lời đã nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria.

Trong ba mươi năm, Thiên Chúa đã "làm người" hoàn toàn như chúng ta. Ngài ở giữa chúng ta.

Chỗ nào Ngài đi qua, chỗ ấy người nghèo được chúc phúc, người mù được sáng mắt, người chết sống lại... Để lãnh nhận bao nhiêu hồng phúc phát xuất từ Thiên Chúa, Đức Kitô chỉ đặt một câu hỏi: Con có tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa không? Thầy đây là Tình Yêu của Thiên Chúa, bằng xương bằng thịt, đang đứng trước mặt con.

Người mù đã đáp lại "con tin", tức thì người mù đã sáng mắt.

Người bại liệt đã đáp lại "con tin". Nhờ đó ông ta có khả năng đứng dậy, vác lấy chiếc giường, trên đó mình đã nằm, và lên đường về nhà.

Trước khi làm cho La-da-rô sống lại, Đức Kitô cũng đã hỏi hai chị em Mat-ta và Maria có tin hay không. Sau khi họ tuyên xưng Đức Tin, Ngài đã gọi La-da-rô ra khỏi mồ, mặc dù ông đã được an táng trong vòng ba ngày và bắt đầu toát mùi tử khí.

Để mở đường cho Ngôi Lời, Con Thiên Chúa đến thế gian, như Ánh Sáng chiếu soi bóng tối, Mẹ Maria đã tin vào Tình-yêu của Thiên Chúa. Và nhờ Đức-tin của Mẹ, Thiên Chúa đã làm người với máu huyết của Mẹ.

Nếu chúng ta có Đức-tin vào Thiên Chúa Tình Thương, giống như Mẹ Maria, chúng ta cũng sẽ có khả năng đem "Ánh Sáng đến thế gian", biến trời đất còn đầy chết chóc và hận thù, thành Trời Mới Đất Mới. Biến con người còn tràn đầy bóng tối vì tội lỗi "giết Cha" thành "tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa".

Tin vào Thiên Chúa là can đảm, sẵn sàng thưa với Ngài "xin vâng" giống như Mẹ Maria. Ma-ra-na-tan! Con sẵn sàng. Ngài có thể đến. Xin Ngài hãy đến!

Lausanne – Thụy Sĩ - Xuân 2001

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH :

4. Eph. 5, 1

5. Cv. 15, 28.

6. Ga. 15.

7. Lc. 15,1.

8. Lc. 11, 13.

9. Ga. 1, 18-25.