TRONG ĐỨC KITÔ

MỘT TẤM LÒNG...

1- Em là Nước? Anh xin làm Biển-cả:

Cùng theo em đến những miền xa lạ,

Gieo vãi Tình Thương, Khung trời mở rộng,

Hiến cho Đời mầm non trào nhựa sống.

2- Em là Hoa? Anh xin làm mảnh Đất:

Ấp ủ vun trồng, dịu dàng thân mật.

Dưới mỗi bước chân, hương trầm bát ngát,

Trên khắp non sông, nương đồng ngào ngạt.

3- Em là Trời? Anh xin làm Không-khí:

Đón nhận Em trong trái tim bình dị.

Em an bình, tâm hồn anh diệu vợi,

Em hạnh phúc, cuộc đời anh phơi phới.

4- Em là Mây? Anh nguyện làm Gió-mát:

Thổi ân tình vào lòng ai ngột ngạt,

Gieo thái hoà, giữa vùng đất bạo động,

Nuôi chí khí, đánh thức người tuyệt vọng

5-Em là Núi? Anh nguyện làm Rừng-xanh:

Động viên Em với tất cả lòng thành.

Hãy đứng thẳng, nhìn Mặt-trời toả rạng,

Tay vươn cao tiếp thu nguồn Ánh-sáng.

6- Em là Đất? Anh hoá thân thành Nắng:

Sưởi ấm Em, bằng Đức-tin thầm lặng,

Con người cũ chết đi nuôi Em sống,

Con người mới gọi mời Em hy vọng!



LỜI MỞ ĐƯỜNG : ĐỨC KITÔ, "TIN MỪNG DUY NHẤT" CHO NHÂN LOẠI

Tôi đã sống năm Đại Hồng Ân 2000, theo nhịp tim tạ ơn, vui mừng và trăn trở của Mẹ Hội-thánh.

Sau đây, những bài chia sẻ Tin-mừng trong khuôn khổ sinh hoạt Phong-trào Cursillo đã đánh dấu những đoạn đường ấy.

Để hiểu rõ một vài lối nói chuyên môn, có khi giữ y nguyên từ gốc bằng tiếng Tây-ban-nha, tôi xin nêu ra một vài lời chú thích:

1- Cursillo là một khoá học kéo dài ba ngày về Đức Kitô.

2- Chương trình tĩnh huấn bao gồm nhiều bài học và nhiều giờ cầu nguyện. Bài học mang tên là Rollo.

Người trình bày bài học là Rollista. Để nói một tiếng đồng hồ, mỗi rollista phải chuẩn bị lòng mình trước Thánh-thể, hơn hai ba giờ và có khi hơn nữa.

3. Sau khi sống qua ba ngày tĩnh huấn và lãnh nhận sứ vụ lệnh trong lễ nghi bế mạc, người tín hữu tham gia Phong trào xác định mình là người học hỏi thường xuyên về Đức Kitô. Họ gọi nhau là Cursillista những người học trò bé nhỏ cũa vị Thầy vĩ đại là Đức Kitô. Nói khác đi, người Cursillista mang trong mình ba sứ mệnh: học hỏi thường xuyên về Đức Kitô, sống cuộc sống của Ngài và mang ngài đến cho môi trường gia đình, nghề nghiệp, xã hội, quê hương và nhân loại.

Lời chú niệm của họ là "một tay níu lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em".

4. Khoá tĩnh huấn Cursillo kéo dài ba ngày, được so sánh như ba ngày cuối của Đức Kitô từ tối thứ Năm Tuần-thánh đến rạng ngày Chủ nhật, khi Ngài sống lại.

Cuộc đời còn lại của người Cursillista, khi trở về với môi trường, được mang tên là "Ngày Thứ tư". Chỉ có ngày Thứ-tư! Ngày thứ năm sẽ là Ngày Đức Kitô trở lại đem họ "Về Nhà Cha".

"Linh đạo Ngày Thứ-tư" là thể thức sống Đức-tin và rao truyền Tin-mừng, trong suốt ngày Thứ-tư của người Cursillista.

5. "De Colores" cuộc đời muôn màu sắc, trăm hoa đua nở, đó là lời chào hỏi khuyến khích, nâng đỡ nhau giữa những người Cursillista khi họ gặp nhau và chia sẻ cho nhau Tin-mừng của Đức Kitô.

6. Để hâm nóng nhau trong cuộc đời làm chứng cho Đức Kitô, và để giúp nhau nở ra nhiều đoá hoa muôn màu sắc... người Cursillista sử dụng nhiều phương tiện như họp nhóm, Đại-hội nhóm mở rộng còn được gọi là Ultreya...

7. Nếu ai nuốn biết thêm, "hãy đến và xem!". Cùng với Mẹ Maria, hãy im lặng, lắng nghe và biết chắt lọc duy chỉ một Lời của Thiên Chúa: Đó là Đức Kitô. Đó là Tin-mừng duy nhất cho nhân loại. Bởi vì trong Tin-mừng nầy, tất cả những tin mừng từ trước cho tới nay và sẽ đến sau nầy...đều có mặt. Đều được lắng nghe, coi trọng và nhìn nhận. Đều được thu tóm và trở thành viên mãn.

CHƯƠNG I : CUỘC - ĐỜI MUÔN MÀU SẮC

Em De Colores thân yêu !

Cơ hồ một hoạ sĩ đang "xuất thần" muốn để lại trên mặt giấy những phút giây "trải nghiệm" bao la và sâu thẩm của đời mình...anh cũng vội vã ghi lại một đôi dòng những tâm sự còn nóng hổi, đã chớm nở trong cõi lòng Anh ! Phải chăng đó là những nụ hoa Quỳnh mà em đã chờ đợi trong bao nhiêu năm tháng, với nhiều nước mắt và hy sinh, kèm theo những lời cầu thinh lặng, trên mỗi bước đường của em.

Ai gieo trong nước mắt...sẽ gặt trong hân hoan!

Hẳn thực trong ba ngày tĩnh huấn Cursillo tại Paris, từ mùng 5 đến mùng 8 tháng 8 năm 1999, con người cũ của anh đã được chôn vào mồ với Đức Kitô. Cùng với Ngài, Anh đã mở mắt nhìn thấy ngục tù của cuộc đời đã trói buộc và giam hãm con người của Anh, trong hơn 60 năm. Cùng với 23 người anh em khác, Anh đã đồng hành chia sẻ. Ai buồn mà Anh không khóc với họ? Ai khổ đau mà lòng Anh không nhức nhối?

Có những phút giây lung linh, diệu vợi...chỉ bàng hoàng thoáng qua...cơ hồ cùng với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an anh được đưa lên Núi Thánh. Anh đã sung sướng hồ hởi như một trẻ thơ, được vùi đâu vào lòng Mẹ. Được Mẹ ru ngủ với tiếng hò ca dao, tục ngữ...Được Mẹ đánh thức dậy, với những giọng hát êm đềm, họa mi... Hơn 70 anh chị em trợ tá đã tiếp tay cho Mẹ, chăm sóc cho anh, trong từng ly từng tí...Anh biết có nhiều tâm hồn rất kín đáo, tế nhị... không một lần xuất hiện, bắt tay, chào hỏi, uỷ lạo... Trong bóng tối của im-lặng, họ là những cánh chim Bồ-câu đang làm công việc của Chúa Thánh Thần: soi sáng, hướng dẫn, dạy dỗ, nâng đỡ, và nhất là cầu nguyện:

"Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em." (1).

Thay vì mô tả một cách chính xác và khách quan bao nhiêu trải nghiệm nhiệm mầu và mênh mông ấy...Anh chỉ có thể kể lại cho em nghe, những bài học mà anh đã ghi nhận. Đó là những mùa màng thu hoạch trong ba ngày tĩnh huấn. Nói được đó là "hành trang" hay là "của ăn bới đi đường" cho ngày thứ tư của Anh. Nhờ đó, tất cả cuộc đời còn lại của Anh sẽ "là một Thánh-lễ Vượt-qua" mãi mãi kéo dài cho đến ngày thứ năm, khi Đức Kitô trở lại và đem chúng ta "lên Trời".

1- Nói một cách cụ thể, trong ngày thứ tư còn lại, Anh làm những gì để cuộc đời Anh có thể trở thành một "Thánh-lễ vượt qua", không bao giờ có điểm chấm dứt? Anh xin trả lời : Anh ăn, anh ngủ, anh đi, đứng, nằm, ngồi...anh làm việc như mọi người ! Thế thì có gì khác biệt đã xảy ra so với cuộc đời trước ba ngày tĩnh huấn Cusillo ?

Hẳn thực, trước kia Anh cũng ăn. Nhưng bây giờ Anh Biết anh ăn như Đức Kitô, với sức mạnh trợ lực của Chúa Thánh Thần. Vào ngày thứ tư, Anh cũng đi ngủ như trước đây. Nhưng bây giờ Anh đi ngủ như một hôm nào đó, Đức Kitô đã đi ngủ. Và ngọn đuốc của Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn cháy sáng trong tâm hồn của Anh.

Nói tóm lại, như Thánh Phaolô đã dạy, "tôi sống, nhưng đâu phải là tôi sống. Chính Đức Kitô sống trong tôi. Sống đối với tôi là Đức Kitô !".

2- Để có thể "mặc lấy Đức Kitô và mọi tâm tình của Ngài", Anh phải ngày ngày ý thức một cách thâm sâu "Ngài là lý tưởng" của đời Anh. Để hiểu rõ lý tưởng là gì, Anh đã ghi lòng tạc dạ mấy điều sau đây :

Lý tưởng là điều quan trọng số một cho đời tôi.

Vì lý tưởng, tôi sẵn sàng sống chết. Đưa cổ cho người ta chém. Đưa tay cho người ta gông cùm lại đem nhốt vào tù.

Vì lý tưởng, tôi không sợ mất nồi cơm ba bữa hàng ngày.

Có lý tưởng trong tâm hồn, tôi không còn gì để sợ !

Đối với một Cursillista, sau khi đã thấm nhuần bài học về Đức Kitô, lý tưởng là "chết và sống lại" mỗi ngày với Ngài, nhờ Ngài và như Ngài. Nhằm sống lý tưởng ấy, chúng ta chỉ có một phương thức duy nhất: "Bám-trụ" vào Ngài. Cành nho bám chặt vào gốc Nho. Bắt chước thánh Phê-rô, Anh có thể khẳng định rằng : "Bỏ Thầy, chúng con còn biết theo ai bây giờ?".

3- Sống được như vậy, có nghĩa là đang được sống lại với Đức Kitô. Trở thành "con người mới", ngày ngày tắm gội trong nguồn suối ơn phúc của Thiên Chúa. Từ trước muôn đời, khi tạo thành Trời-đất, Ngài đã gọi tôi làm nghĩa tử của Ngài. Ngày tôi chịu phép Rửa-tội, Thánh Thần của Thiên Chúa đã đổ xuống trên tôi. Đã xức dầu cho tôi. Và sai tôi đi làm "miệng lưỡi" của Ngài như tiên tri Ê-zê-ki-en.

Để đáp lại Lòng Thương vô biến ấy, tôi chỉ cần bắt chước "người con gái Sion", là Mẹ Maria, mở rộng lòng đón rước Con Ngài. Cưu mang Ngài. Nuôi dưỡng Ngài. Can trường theo gót chân Ngài trên mọi nẻo đường khổ nạn. Và cuối cùng, "đứng thẳng", không nao núng, không ta thán. Tham dự vào Thánh-giá của Ngài với tâm hồn đại dương bao la đầy tha thứ.

Khi làm những điều ấy, tôi đang tiếp nối những gì Đức Kitô đã bắt đầu trong thân xác của Ngài. Và khi cố quyết nối dài, mở rộng Đức Kitô như vậy, trong mọi biên cương và bờ cõi của nhân loại, tôi đang hợp tác với chương trình tái dựng của Thiên Chúa. Cùng với Ngài, tôi đang làm cho trời đất đầy hận thù và bạo động này trở thành "Trời Mới và Đất Mới". Trong đó, sẽ không có hai phe: phe thắng và phe bại. Phe thống trị và phe bị trị. Phe đàn áp bóc lột và phe kia gồm có những người thấp cổ bé miệng, đang bị bỏ rơi, phải đi ăn xin trên các lề đường !

Phải chăng đó là sứ mệnh, là ơn gọi của mỗi người Cursillsta? Chúng ta tất cả không trừ sót một ai, là người giáo dân trong lòng Hội-thánh. Mỗi người chúng ta là chi thể của Mẹ, vị hiền thê khả ái của Đức Kitô.

Chúng ta thuộc về Hội-thánh.

Chúng ta làm nên Hội-thánh.

Chúng ta là Hội-thánh.

Cùng với Giáo-hội, mỗi người chúng ta được sai đi để làm chứng và rao giảng về Tình Yêu của Thiên Chúa. Cho nên, thiếu ý thức "đồng cảm" với Hội-thánh, "mang tâm tình ưu tư và hy vọng" của Hội-thánh, chúng ta chỉ là "thanh la phèng phèng, chủm choẹ xoang xoảng" (2 ).

4- Nói lên kỳ vọng thâm sâu và cơ bản ấy của mình, phải chăng người Cursillista muốn "đội đá vá trời"? Phải chăng họ đang mộng mị, viễn mơ, không sống trong thực tế? Làm sao trồng cây, khi trời nắng hạ? Làm sao muốn hái quả, giữa thời tiết đông giá? Làm sao tha thứ, khi mọi người chung quanh đang la ó rùm beng, đòi nợ máu ? Cách dây 2000 năm, một người con gái Sion cũng đã đặt lên câu hỏi ấy: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?" Và Thiên Chúa đã trả lời cho Mẹ Maria: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà !".

Hỡi người Anh-chị-em Cursillista, Thánh Thần sẽ hiện xuống trên chúng ta. Với Ngài, chúng ta có khả năng: "Biến không thành có, hoá bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ. Chuyển luân rác, nuôi sống những cánh đồng. Giữa sa mạc, làm tuôn chảy dòng sông. Trong chết chóc, vun trồng hạt mầm sống. Đường chúng ta : "Thứ tha và Hy vọng".

Nếu ngày ngày không đốt cháy và thắp sáng lên ngọn đuốc Đức-tin ấy, trong tâm hồn và cuộc đời, chúng ta còn là người bạn hữu thiết thân của Đức Kitô nữa không? Bao lâu Đức-tin vào Đức Kitô có mặt trong hành trang của chúng ta, chúng ta còn lo chi? Còn sợ gì? "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?" ( 3 )

Ngoài Đức Kitô, một hành trang bao la và kỳ diệu khác là Chúa Thánh Thần. Thánh Thần của Thiên Chúa có mặt với chúng ta, trên mọi nẻo đường xuôi ngược, thăng trầm, chìm nổi. Thánh Thần là hành trang nhiệm mầu và kỳ vĩ của người Cursillista.

Hẳn thực, như Thượng-phụ Athenagoras đã phát biểu, không có Chúa Thánh Thần là quà tặng của Đức Kitô gửi xuống cho chúng ta, sau khi về Trời, Thiên Chúa "rất xa chúng ta". Chúng ta khó lòng tiếp cận Ngài. Không có Chúa Thánh Thần, Đức Kitô là một nhân vật thuộc về quá khứ". Không có Chúa Thánh Thần, Phúc-âm là "từ ngữ vô hồn thiếu sự sống". Quyền hành sẽ trở thành thống trị. Truyền giáo là quảng cáo. Phụng vụ là phù phép. Luân lý chỉ tạo nên người nô lệ. Giáo hội chỉ là một cơ cấu tổ chức với nhiều giấy tờ.

Trái lại khi Chúa Thánh Thần có mặt, Đức Kitô là người Anh em đang đồng hành và chia sẻ mọi ngọt bùi, đắng cay với tôi trong cuộc đời. Với Chúa Thánh Thần, chức quyền trở thành phương tiện phục vụ và giải thoát. Rao giảng Tin Mừng là một "Thánh Lễ hiện xuống" đổi mới tâm hồn của mỗi người. Với Chúa Thánh Thần tràn đầy trong tâm hồn, sẽ không còn có người muốn ngồi trên, ăn trước, muốn loè mắt thiên hạ, muốn "tao hơn, mày thua"... Chúng ta tất cả là anh chị em biết đùm bọc nhau. Biết tha thứ. Và có khả năng nhận ra điểm tích cực thực sự, mặc dù người anh chị em trước mặt còn mang nhiều tội lỗi và khuyết điểm, nhiều sa ngã và yếu đuối.

Ngày xưa, trong cuộc đời dương thế, Chúa Thánh Thần đã có mặt với Đức Kitô, trên mọi đường đi nẻo về của Ngài. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, Ngài đã đi vào hoang địa, để ăn chay cầu nguyện, bị cám dỗ và vượt qua mọi thử thách. Nhờ Chúa Thánh Thần, Ngài có đầy đủ khả lực để vác thánh giá, chịu tử hình và sống lại.

Ngày nay, cũng một Chúa Thánh Thần ấy đang có mặt với chúng ta. Muốn tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần, chúng ta có sẵn bảy Phép Bí-tích, do Đức Kitô đã lập ra. Đó là bảy cánh cửa rõ ràng, cụ thể, khách quan. Đi qua những cánh cửa này, chúng ta có khả năng tiếp xúc với quả tim đại dương của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ ban bình an và sức mạnh, để chúng ta có thể vượt qua mọi bão táp, sóng gió trong cuộc đời,

"Giữa bão táp, hồn Đại Dương vẫn lặng

Ngày sương mù, lòng Trời cao cứ nắng".

Em De Colores thân mến,

Ngày xưa Mẹ Maria cũng là "đoá hoa muôn màu sắc" như Em ngày hôm nay. Mẹ trẻ trung, xinh xắn và đầy duyên dáng. Mẹ được sứ thần của Thiên Chúa chào hỏi : "Kính chào Bà đầy ân phúc". Đầy ân phúc theo nguyên ngữ Hi lạp và La-tinh có nghĩa là đầy duyên dáng", làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Từ ngày thưa "Xin-vâng", Mẹ chấp nhận làm Mẹ của Đức Kitô, con của Thiên Chúa. Cũng từ giây phút ấy, Mẹ "muôn sắc muôn màu" đã trở thành người đầy tớ khổ đau. Mẹ đầy ân phúc trở thành Mẹ "sầu bi", đứng thẳng dưới chân thánh giá.

Sau ba ngày tĩnh huấn Cursillo, cuộc đời của Anh em mình sẽ giống cuộc đời của Mẹ Maria. Ngày thứ tư của chúng ta sẽ tràn đầy nước mắt và chông gai. Bằng cách này, hay cách khác, chúng ta sẽ đi lại chặng đường Thánh giá của Đức Kitô. Và có lẽ, Thánh Giá nặng nề nhất không đến từ ngoài, từ ma quỉ và thế gian... Nhưng từ giữa chúng ta. Từ bên trong!

Mặc dù vậy, hỡi em De Colores, em hãy biết thứ tha, như Đức Kitô đã thứ tha, vào giây phút cuối cùng trên Thánh Giá. Thứ tha chính là "đoá hoa muôn màu sắc" của người Cursillista. Khi thứ tha, chúng ta sống lại. Chúng ta có khả năng "làm Chúa" giống như Đức Kitô.

CHƯƠNG II : CHIẾC CẦU TRE LẮC LẺO

Mặc dù sống ở Âu-châu, đã đi qua bao nhiêu chiếc cầu ở Pháp, ở Anh, ở Thụy-sĩ và Đan-Mạch...làm sao tôi quên được chiếc cầu tre cho phép tôi băng qua sông, đi về thăm ngoại ?

Làng tôi ở Triệu Phong, thuộc miền duyên hải Quảng Trị. Trước 10 tuổi, không bao giờ tôi rời bỏ những đồng lúa xanh...những đồi cát trắng trùng trùng, điệp điệp. Thế mà đi về thăm ngoại một đôi lần trong năm, đó là những lúc tôi thấy mình "vào cõi bồng lai thiên phước...".

Tôi lóc chóc chạy theo Mẹ... Mẹ quảy gánh đem về cho ngoại "cây nhà lá vườn". Chạy hết hơi, thế mà tôi sung sướng hạnh phúc. Đi theo ai khác, tôi lại băn khoăn lo âu "vì chiếc cầu tre lắc lẻo"... Hình ảnh "nước trôi cuồn cuộn" ở dưới chân cầu làm tôi rùng mình, chùn chân, không dám bước tới. Tôi cứ sợ rơi tỏm xuống đó thì hết một cuộc đời đầy răm rắp mộng mơ.

Trong đời sống Đức-tin, cũng có một cái chi "mường tượng" như thế. Đi theo Mẹ Maria - cho dù phải chạy lốc chốc hết hơi, thở hổn hển - tôi vẫn sung sướng, an tâm, can trường bước tới.

Hẳn thực, đời sống Đức-tin của tôi được phân chia thành ba vùng rõ rệt. Bên này là quê hương với tất cả mọi ngóc ngách quen thuộc, đến độ nhàm chán, bực bội, nặng nề. Học xong tôi phải ra đồng giữ trâu bò cho Ba cày ruộng. Đôi ba lần trong một tháng, tôi phải đi ngang qua một sa mạc đầy cát trắng nóng bỏng giữa trưa hè...di theo Ba, đem bò trâu ra tận đồng cỏ gần biển, để Ba cuốc đất trồng khoai.

Quê hương đối với tôi có nghĩa là chỗ tôi sinh ra, lớn khôn, học tập, thi hành bổn phận. Quê hương "có chim có bướm". Nhưng quê hương cũng "có những ngày trốn học bị đòn roi...". Quê hương, theo thi sĩ Giang Nam, cũng là những hoài niệm không bao giờ bị xoá nhoà trong cuộc đời, "vì trong từng nắm đất, có một phần xương thịt của Em tôi!".

Quê hương có khuôn mặt :

"Thẹn thùng nép sau cánh cửa...

"Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

"Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

"Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

"Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...".

Và bên kia, sau những quãng đường...sau những bụi rậm...sau những con sông, tôi biết chắc chắn rằng: đó là quê của Mẹ.

Về đo, tôi được Ông, được Bà cho leo lên đầu gối mà ngồi. Tôi được các dì cầm tay dắt đi chơi. Đi theo các cậu ra ao hồ câu cá. Nhưng "cõi bồng lai ấy" không bao giờ kéo dài hơn một tuần lễ. Tôi lại phải trở lui về với quê hương bổn phận, học hành, đi giữ trâu... Nhưng sau cuộc đời dài đi đó đi dây, tôi mới nghĩ lại: không có quê hương, làm sao tôi có ngày hôm nay?

"Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nỗi thành người."

Vùng thứ ba, ở giữa Quê Cha và Quê Mẹ là chiếc cầu tre lắc lẻo. Trong thực tế, nó chỉ có chiều dài hai hoặc ba mét tây là cùng. Thế mà hồi ấy đối với tôi, nó dài lê thê, vô tận, hải hùng, khiếp đảm. Trí tưởng tượng tôi bày vẻ từng đàn con khủng long ở dưới đó. Chúng nó rì rào, cười khúc khích, chờ tôi rơi xuống, là há miệng ra thật to, nuốt vào bụng một cách ngon lành.

Một điều lạ, tôi không bao giờ hiểu được, khi có Mẹ cầm tay dẫn qua, mấy con "quỉ sứ" kia biến đâu mất. Kỳ lạ hơn nữa, khi nhìn xuống đáy sâu, tôi lại thấy bóng hình Mẹ và tôi tươi cười trên mặt nước.

Đi với Mẹ Maria, "trên những chiếc cầu tre lắc lẻo" thuộc đời sống Đức-tin tôi cũng an tâm như vậy. Tôi cứ sánh mình như Đức Kitô, từ thứ năm tuần thánh đến hết ngày thứ sáu: Bị đánh đập, tra khảo, đội mũ gai... rồi trên một con đường leo dốc tận đồi Gôn-gô-ta phải vác Thánh-giá nặng nề... Cuối cùng bị đóng đinh...Đức Kitô đã kinh qua và trải nghiệm cuộc đời làm người với Mẹ Maria. Mẹ luôn luôn có mặt với Ngài, cho nên Ngài đã có khả lực "vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời".

Sau một ngày lam lũ rao giảng Tin-mừng: làm cho người mù được thấy, người bại liệt đứng dậy và đi, người nghèo được chúc phúc, người chết được ra khỏi mồ như La-da-rô... thế mà Đức Kitô vẫn bị người đời gọi là "đồ quỉ ám" và tìm cách sát hại, đưa ra toà... Dưới túp lều ở Na-da-rét, Ngài trở về bên mẹ. Ngài tâm sự với Mẹ. Ngài đọc Kinh-thánh với Mẹ. Ngài dạy cho Mẹ ngôn ngữ của Thiên Chúa. Mẹ dạy cho Ngài ngôn ngữ của Loài-người. Nhờ tìm được hơi ấm bên Mẹ, Ngài lại lên đường, sáng hôm sau.

Mẹ đã nói gì với Chúa Giêsu, con Mẹ, để nâng đỡ tinh thần cho Ngài? Mẹ đã trùng tuyên lời của sứ thần Ga-bri-en đã thưa với Mẹ: "Thánh thần sẽ ngự xuống trên Bà".

Chỗ nào có Thánh Thần, chỗ ấy có Tình-thương lai láng, tràn trề của Thiên Chúa Ngôi Cha. Và nhờ sức mạnh kỳ diêu của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã đi trọn con đường của Ngài là "Chết và Sống lại" theo như kế hoạch của Ngôi Cha, để tái dựng nhân loại.

Sống Đức-tin vào Đức Kitô là sống cuộc sống của Ngài. Sống như Ngài: đi qua "những chiếc cầu tre lắc lẻo" trong cuộc đời dương thế. Ngài đã chọn Mẹ Maria, để cùng đi với Mẹ.

Trò không thể hơn Thầy!

Chúng ta hãy đi qua "những chiếc cầu tre lắc lẻo" của cuộc sống làm người với Đức-tin của Mẹ Maria. Học nhìn như Mẹ để thấy Trời-xanh. Học nghe lời Chúa như Mẹ, để cưu mang Đại-dương trong lòng mình.

"Hãy gọi Biển, lòng ai thao thức sóng vỗ,

Hãy lắng nghe Trời, khi cuộc đời đầy giông tố.

Con là ai? Hạt bụi giữa Đất-Trời Vũ-trụ,

Nhưng đời con gây động chuyển hàng ngàn tin tú.

Con ra đi! tháo tung những biên thuỳ, giới hạn,

Con mang về: Đức Kitô tròn đầy, viên mãn".

Lausanne – Thụy Sĩ - Xuân 2001

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH

1. Ga. 14, 16

2. 1Cr. 13,1

3. Rm. 8, 35.