SAO LẠI LÀ "ĐỒ BỎ ĐI"

( Viết về một trẻ em hội chứng Down tại ngôi trường Chuyên Biệt Gia Định – Dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ)

Cầm tay đứa cháu nội 5 tuổi đưa đến trường trao cho cô giáo, Bác giáo Đ, một nhà giáo nay đã về hưu, than thở:

“Đồ bỏ đi” đó cô ơi!

Đến một môi trường lạ chưa hề tiếp xúc lần nào,V.H - một em bé Hội chứng Down xinh xắn, mủm mỉm. . chẳng nói, chẳng nhìn, luôn dùng hai bàn tay che kín khuôn mặt. Mặc cho cô giáo gọi tên, hỏi chuyện, V.H luôn giữ thái độ “đóng kín” !

Ngày qua ngày, được sự vỗ về âu yếm, được thương yêu, được sự quan tâm chăm sóc, được san sẻ vui chơi, cùng hát, cùng múa với cô với bạn bè, cùng nhau đi công viên, vườn thú, tham gia nhiều sinh họat … tìm hiểu môi trường xung quanh với các bạn … bản tính rụt rè, nhút nhát của V.H dần dần rút lui. V.H bắt đầu làm quen với cô, với bạn, biết gọi tên cô với từng từ một: Trang – Trang..

Nhà V.H đối diện ngôi trường, các cô giáo thường lui tới hỏi chuyện, có điều kiện giao tiếp với V.H. Sự thân thiện, gần gũi mỗi ngày một tiến xa hơn.

Với môi trường giáo dục đặc biệt, tại ngôi trường mà V.H thương mến. Được cô giáo dạy cho từng kỹ năng cuộc sống: dạy ăn, tập uống, … giao tiếp, hướng dẫn, bày trò chơi, dạy hát múa, đi chợ, đi siêu thị, chọn hàng, chọn lựa thức ăn, cùng nấu, cùng làm bếp, cùng dọn bàn ăn, cùng sắp xếp bày bàn…cùng thưởng thức nhũng món ăn do chính V.H cùng các bạn biến chế …V.H rất khéo léo trong vần đề giao tiếp và kỹ năng cuộc sống ….V.H biết bưng nước mời cô “ uống đi ! nước…” Về nhà V.H cũng bắt chước làm cô giáo cũng nói, cũng ra lệnh, sao chép y hệt cử chỉ điệu bộ, lời nói của cô. Bắt chước, là đặc điểm của các trẻ em “Hội chứng Down” này.

Cạnh nhà V. H là cửa tiệm uốn tóc, làm móng tay. Nhờ khả năng giao tiếp tốt của V.H. thêm tính tình vui vẻ. cởi mở… Chú Hùng, cô Phương tiệm uốn tóc luôn mở rộng cửa tiếp đón V.H – một cô “Thợ Nhí” tương lai trong tiệm uốn tóc! Rời nhà trường, tại gia đình, môi trường thứ hai V.H tiếp xúc thường xuyên là tiệm uốn tóc này.

Đến trường lớp,V.H bắt ghế, đề nghị cô giáo ngồi để V.H chải tóc, gội đầu, sơn móng tay, tô son môi, kẻ lông mày cho các cô; “thao tác nghề nghiệp” nhuần nhuyễn, thuần thục không khác gì các cô thợ điêu luyện rành nghề nơi tiệm uốn tóc.

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của V.H cách nay 14 năm: không một ai chụp được một tấm ảnh nào của V.H. Đang chơi, khi thấy có người cầm máy ảnh, hai bàn tay V.H bắt đầu “đậy mặt”, đầu cúi gầm xuống….! Tập dượt múa hát thành thạo nhưng đã bao lần khi thi văn nghệ trong ngành giáo dục, khi có dịp tham gia trình diễn văn nghệ Lễ Hội …có đông đảo khán thính giả tham dự, thì bấy nhiêu lần V.H cứ đứng im như bức tượng đá, đầu cúi sâu với hai bàn tay che mặt, mặc cho cô giáo mời gọi, mặc cho các bạn thúc đẩy …

Sau 14 năm trong ngôi trường Chuyên Biệt Gia Định - môi trường giáo dục đặc biệt, giờ thì V.H đã khác hẳn trước đây một trời một vực. Không những đối với cái nhìn của ông nội và những người thân trong gia đình, mà cái nhìn của những người chung quanh về một trẻ em mang “ Hội chứng Down” đã khác hẳn: V.H thật rành rẽ công việc gia đình: quét nhà, rửa chén bát, tự tắm gội, tự trang phục, xếp gấp quần áo ….cho cả gia đình, thậm chí phân biệt rõ quần áo của từng thành viên trong gia đình: ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô chú….để riêng mỗi nơi.

Mỗi chiều V.H là cô thiếu nữ ngoan đạo phát sách hát, sách Nhật Tụng cho các bạn cùng trang lứa trong buổi Kinh Chiều nơi Thánh Đường đối diện Nhà V.H. Nơi ngôi Thánh Đường trang nghiêm, VH thường để ngón tay trỏ lên môi ra dầu hiệu” im lặng” khi thấy có bạn trẻ nào đó ồn ào hay nói chuyện riêng bên cạnh V.H trong ngôi Thánh Đường

V.H đã là những “diễn viên” múa hát thật xuất sắc trước công chúng. Nét vui tươi duyên dáng trong từng cử điệu, động tác đã thay thế sự nhút nhát bất động …không nhìn, không muồn giao tiếp của V.H khi xưa. Kim Ngân, Bảo Ngọc, Cường Giáng Hương ….đều rất hãnh diện vui sướng cùng nhau múa hát với V. H trong đội văn nghệ. Biết bao thành quả gặt hái về cho đội văn nghệ nhóm của V.H tại nhà trường trong những Hội thi dành cho trẻ em khuyết tật hàng năm như “ Búp Mai vàng” những “Ước mơ xanh” “Hội thi tiếng hát từ mái trường “ cùng tham gia với những học sinh các trường bình thường khác…

Với thành tích với tài năng sẵn có đội văn nghệ nhóm V.H được mời đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi, trong những lễ hội hàng năm dành cho những trẻ em kém may mắn… và cũng đã bao lần đội văn nghệ xuất hiện nhiều lần trên màn ảnh truyền hình. .

V.H hiện tại đã là một nhân viên với khả năng giao tiếp tốt, phục vụ, bưng bê tại Quán Cà phê Hoa Anh Đào dành cho những trẻ em Chậm phát triển trí tuệ. Mỗi tháng V.H nhận được phong bì với đồng lương háng tháng. Chắc chắn bản thân V.H cũng như các thành viên trong gia đình V.H rất tự hào và hãnh diện. Tự hào hãnh diện là phải, vì em cũng là một con người như bao con người bình thường khác, cũng có tài. cũng có giá trị làm người…

Ai dám bảo trẻ em chậm phát triển “ bất tài” hay là “đồ bỏ đi”?!