Tiếng Việt yêu dấu

Sáng hôm qua, tôi đang nhâm nhi cà phê buổi sáng và ngắm vườn hoa chan hòa nắng hè thì ông bưu điện tới. Trong xấp thư hằng ngày có một lá thư hồng từ Pháp quốc. Thư một người đẹp Paris, mới mê chứ. Người đẹp cho biết là dân du học trước 1975 và là độc giả thường xuyên của tôi trên VNTP. Chẳng biết đây là cô hay bà, nhưng tôi cứ cho là cô đi cho cuộc đời thêm hương. Cô Paris nói rằng trong bài tháng trước tôi viết về món Huế nghe mê ly nhưng không đầy đủ. Cô đọc xong mà không biết làng nhậu của tôi đã ăn món Huế nào. Chắc cô là dân sành ăn lắm, cô kể ra vanh vách một danh sách món Huế : bún bò giò heo, dưa món, tré, bánh lá chả tôm, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh thuẫn, bánh in... Phục cô quá. Cô đoán chúng tôi nhậu món bún bò Huế nên cô kết thư : ‘Nếu đúng như vậy thì xin ông chỉ cho cách nấu bún bò Huế, sao cho ngon, chứ ở đất kinh đô ánh sáng này, tôi và bạn bè đã nấu thử nhiều lần mà chưa bao giờ ra bún bò Huế’.

Xin trả lời người đẹp Paris như sau : Cô đã đoán trúng, bữa đó chúng tôi nhậu bún bò Huế. Cô xin tôi chỉ cách nấu thì tôi không dám nhận lời xin này, vì tôi là người gà mờ. Bữa đó hai mệ Tôn Nữ và Cao Xuân đứng nấu, tôi lại mải mê ngồi trên phòng khách nghe ông ODP luận về các trận đá banh trong giải túc cầu thế giới nên tôi hụt xem hai mệ nấu món Huế.

Nhưng may qúa là may, phe liền ông chúng tôi được ăn bún bò Huế bữa đó ngon quá, chưa đã, đêm nằm ngủ vẫn còn mơ tô bún, nên đã biểu quyết xin phe các bà tái diễn món bún bò Huế một lần nữa. Lần nữa đó chính là ngày hôm qua.

Vì có lời xin của người đẹp Paris nên tôi đã tình nguyện đi chợ với Cô Tôn Nữ con dâu cụ B.95, và tình nguyện làm chân phụ bếp để quan sát. Tôi lại yêu cầu mời thêm cô Cao Xuân như lần trước. Và tôi đã được hân hạnh lái xe đưa hai mệ Huế đi chợ. Thưa nữ độc giả Paris, tôi thấy họ đã mua những thức này : xưong heo, chân giò heo, một miếng thị bò bắp, một hộp tiết heo, 2 lọn chả Huế. Hương liệu thì mua hành lá, hai bó sả, ớt khô, một gói ớt màu, một it mắm ruốc.

Về tới nhà là hai cô nấu xương heo ngay để lấy nước dùng. Chân giò và thịt bò bắp cũng được luộc qua, rồi đem ướp với hành, sả, muối và mắm ruốc Huế. Rồi chân giò và bò bắp được phi hành cho thơm, sau đó đem bỏ vào nồi nước dùng. Sau khi thịt chín kỹ thì vớt ra, thái thành những miếng nhỏ, rồi xào lại với hành và sả. Phần rậy mùi thơm và đẹp mắt là phần xào hành băm với ớt khô và ớt mầu, rồi đổ vào nồi nước dùng. Sau cùng là phần cho tiết heo đã cắt nhỏ vào nồi. Phần chính đã xong. Rồi luộc bún. Nhớ cho chút dầu ăn để sợi bún giai, xong đem xả nước.

Cho bún vào tô, rồi giò heo, bò bắp, giò Huế, tiết heo, hành lá, hành tây, ngò, thêm chút mắm ruốc, thêm lát ớt đỏ. Giai đoạn chót là chan nước dùng. Nước dùng phải nóng sôi và phải óng ánh mầu ớt đỏ. Nhớ bày thêm đĩa rau sống cải bắp và hoa chuối bào nhỏ.

Thế nào, tô bún bò của hai mệ Huế trong làng nhậu của tôi, ngon chứ, thưa người đẹp Paris ? Muốn thưởng thức trọn vẹn tô bún, khi ăn không nên nói chuyện. Phải cầm trí. Chỉ chú ý tới món đang ăn. Húp xì xụp mới sướng. Mồ hôi có lấm tấm chung quanh mép thì mới đúng là ăn say sưa vàhết lòng.

Tôi xin kể thêm chuyện này là lần trước tôi gọi cô dâu Huế của cụ B.95 là Tôn Thất, cô ấy giận lắm. Lý do là thế này: theo truyền thống Huế, nếu người cha họ Tôn Thất, thì con trai mang họ Tôn Thất, nhưng con gái phải mang họ Tôn Nữ, chứ không phải Tôn Thất. Tôi thật dốt nát, bao nhiêu bạn Huế mà không biết gọi tên cho trúng. Xin lỗi mãi, có cô bạn Cao Xuân nói thêm vào, tôi mới được tha.

Ai cũng ăn thỏa thuê. Hình như cả làng ai cũng ăn 2 tô. Kinh qúa chứ ! Nhậu xong, làng tôi mới nói chuyện. Ông ODP lên tiếng đầu tiên : Nhân ăn món Huế, xin trình cả làng về câu đồng dao ở Huế : ‘Đày vua không Khả, đào mả không Bài’. Câu này có ý khen Ông Ngô Đình Khả đã can đảm chống việc Pháp đày vua Thành Thái, và ông Nguyễn Hữu Bài dám chống việc Pháp dám đào mồ Vua Tự Đức lấy vàng. Thế nhưng tuần qua tôi đọc Báo Thế Kỷ 21, số 208, ra tháng Tám, 2006, đọc bài của Huỳnh Hữu Uỷ mà tôi giật mình. Trong bài dài nói về Phan Bội Châu, ông Uỷ có nói một đoạn trong một cuốn sách mới in. Đoạn ấy viết rằng câu đồng dao ấy nói như xưa nay là sai.

Nghe tới đây thì làng tôi nhao nhao lên. Ông ODP xin làng bình tĩnh để ông trình bày. Đã chuẩn bị từ trước, Ông ODP rút tờ báo Thế Kỷ 21 ra, chỉ vào trang 35, rồi đọc nguyên văn như sau :

... Tôi ( Huỳnh Hữu Ủy ) là người xứ Huế, mới năm tuổi đã biết đến câu đồng dao ấy rồi ( Đày vua, không khả; đào mả không Bài ), vậy mà gần đây, trong quyển sách Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, với lời đề tựa của tiến sĩ Lê Mạnh Thát, viết rằng : “ Ngô Đình Khả, người làng Đại Phong, Quảng Bình, là người đã ký giấy cho bọn thực dân Pháp đày vua Thành Thái sang Réunion. Dân Huế còn truyền tụng câu : ‘ Đày vua, ông Khả; đào mả, ông Bài’, tức là Nguyễn Hữu Bài. Ngô Đình Khả cũng làm đến chứcThượng thư trong triếu đình Huế ”.( Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Lịch Sử Phật Giáo xứ Huế, Nxb Th.ph Hồ Chí Minh, trang 356 ). Hỡi ôi ! Viết sử mà như thế thì chẳng biết họ đang viết cái gì ? Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế in rất đẹp, dày hơn 730 trang, biên soạn có vẻ công phu với một thư mục tham khảo rất phong phú, nhưng đáng tiếc thay, chỉ là một nguồn tài liệu bất khả tín.

Cô Tôn Nữ xứ Huế nghe đọc đến đây thì lên tiếng ngay : Việc này dễ hiểu thôi. Mấy ông ấy ghét ông Ngô Đình Diệm nên đã ghét luôn gia tộc nhà ông Diệm. Theo họ, cái gì từ gia tộc này cũng xấu hết nên họ mới bẻ cong như vậy, chứ xưa nay, chẳng riêng gì dân Huế, cả nước đều khen Cụ Khả và cụ Bài trong câu đồng dao ‘ ‘Đày vua, không Khả; đào mả, không Bài’.

Ông ODP có ý trêu cô Tôn Nữ và Cao Xuân, nên thêm dầu vào lửa : Người đề tựa cuốn sách là Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát, tức là Thượng Tọa Thích Trí Siêu, vị cao tăng nổi danh quốc tế, không thể nói sai được. Các cô, cha mẹ các cô, và tổ tiên người Huế của các cô xưa nay đã nói sai thì có.

Cô Cao Xuân lên tiếng át giọng ông ODP : Rõ ràng sách đã nói láo, bây giờ thì ‘một sự bất tín, vạn sự không tin’, xin vĩnh biệt 2 ông tác giả sách nói láo và ông Trí Siêu.

Thấy không khí căng thẳng quá, Chị Ba Biên Hòa giơ tay xin can hết mọi người. Chị xin bỏ chuyện này, xin nói những chuyện vui theo truyền thống của làng. Rồi không đợi ai lên tiếng, chị giục anh John là chồng của chị kể chuyện thời sự Canada cho cả làng nghe.

Mọi người thở phào. Mãi rồi không khí vui vẻ mới trở lại. Và Anh John xin kể chuyện hội nghị y tế quốc tế vừa diễn ra tại Toronto. Việc này làm Cụ B.95 thích lắm vì cụ đâu có đọc được báo và xem được TV bản xứ.

Đó là hội nghị lần thứ 16 bàn về cách ngăn ngừa và chữa trị bệnh liệt kháng AIDS. Hội nghị được tổ chức tại Rogers Centre, một hội trường tối tân nhất Canada hiện nay. Gần 30 ngàn đại biểu khắp thế giới đến tham dự. Đặc biệt đòan phóng viên lên tới 3 ngàn. Bao nhiêu bài thuyết trình. Có 3 nhân vật nổi bật trong hội nghị, đó là đặc sứ của LHQ đặc trách về bệnh Aids, ông Stephen Lewis, và 2 ông Bill. Các cụ đã đoán ra hai ông Bill này là ai chưa ? Thưa đó là ông Bill Clinton cựu tông thống Hoa Kỳ, và ông Bill Gates, vua tỷ phú của nước Microsoft.

Ông Lewis, gốc Canada đấy các cụ ạ. Trước đây ông là đại sứ Canada tại LHQ. Mãn hạn đại sứ, LHQ thấy ông giỏi qúa và có lòng thương người quá nên đã mời ông giữ chức đại sứ LHQ lưu động lo cho các nạn nhân bệnh SAids ở Phi Châu. Ông đến dự đã mang theo 100 bà gìa Phi Châu. Đây là những bà nội hiện đang nuôi các cháu nội vì cha mẹ các cháu đã chết vì bệnh Aids. Một vị đại diện các bà nội, bà Eunice Nombulelo xứ Nam Phi đã lên đọc diễn văn. Bà đã làm cả hội trương cảm động.

Ông H.O. nghe nhắc đến cựu tổng thống Clinton thì lên tiếng chê :’ Xà, nói tới ông vua dê xồm này làm gì. Nhắc tới ông thì thiên hạ lại nhớ tới Dì Monica. Chả uy tín gì ca !’. Ông ODP lên tiếng bênh Clinton ngay: Chuyện tình ướt át lăng nhăng ấy là chuyện thường tình. Liền ông ai chả vậy. Ông cha mình ngày xưa đã biết rõ và thông cảm việc này nên các cụ mới nói : Đàn ông cắt đầu gối còn chảy máu là còn mê gái. Do đó việc ông Clinton lăng nhăng tí ti là chuyện thường tình, rất người. Chuyện đáng nói là chuyện ông có công với xứ Mỹ và với bệnh nhân Aids. Thời ông làm tổng thống là thời kinh tế của Mỹ lên rất cao, đất nước Hoa Kỳ rất thịnh vương. Ông giỏi chứ, không giỏi thì làm sao ngồi ở Tòa Bạch Ốc tới 2 nhiệm kỳ. Rồi hết làm tổng thống thì ông quay sang người xấu số nạn nhân bệnh Aids bị bỏ quên.

Hội trường đã đông nghẹt người đến nghe ông Clinton nói chuyện. Ông Clinton đã lên tiếng báo động là 25% dân số thế giới đã không ngờ mình mắc bệnh Aids. Nhiều người cho máu cũng như những người nhận máu đã không ngờ mình là nạn nhân. Các cụ có bao giờ cho máu hay nhận máu người khác không ? Nên cẩn thận nha, các cụ. Ngoài ra, ông Clinton nói thêm, chỉ có 20% các bệnh nhân được chữa trị mà thôi, còn 80 % thì bị bỏ rơi nằm chờ chết.

Sau ông Clinton là ngôi sao Bill Gates. Ông đã là cái đinh của hội nghị. Trước đây ông Gates đã tặng 150 triệu cho quỹ từ thiện phòng ngừa và chữa bệnh Aids. Qua hội nghị này, vợ chồng ông công bố sẽ tặng thêm 500 triệu đông nữa. Tôi phục và mê ông bà này quá. Giàu của và giàu lòng, ít người được như vậy. Ông bà lại còn hiếu thảo vàvâng lời cha mẹ nữa mới quý chứ. Các cụ biết chuyện ông này lấy vợ chứ ? Ông này lấy vợ vì bà mẹ thúc dục đấy. Ông cưới bà Melinda tháng Giêng 1994. Trước ngày cưới thì bà mẹ chú rể Bill Gates đã viết cho cô dâu thế này : “ Những người được Trời cho nhiều thì có bổn phận thay Trời giúp những người khác.”

Hai vợ chồng Bill Gates đã sẵn lòng từ tâm, lại theo lời mẹ dặn, tính đến nay hai ông bà đã tặng 8 tỷ đồng cho các hoạt động cứu nhân độ thế. Sở dĩ hiện nay ông bà gắn bó với chương trình chữa trị bệnh Aids Phi Châu là do chuyến đi nghỉ hè ở Phi Châu năm 1993. Họ đã thấy tận mắt cảnh nghèo khổ cùng cực và sự thiếu thuốc men cho các bệnh nhân. Điều làm cả thế giới khâm phục ông bà Gates là ông bà làm việc thiện không phải chỉ cho Hoa Kỳ mà thôi, mà còn cho khắp thế giới.

Anh John còn cho biết thêm, trong các phái đoàn tham dự hội nghị quốc tế lần này ở Toronto, đông nhất là phái đoàn các tôn giáo. Hai năm trước đây, hội nghị này tổ chức ở Bangkok Thái Lan có 200 đoàn, năm nay ở Toronto, con số phái đoàn các tôn giáo lên tới 500, đại đa số thuộc Giáo Hội Công Giáo. Trong buổi lễ các tôn giáo cầu nguyện chung, vi chủ tế là Giám Mục Richard Grecco của Tổng Giáo phận Toronto đã phát biểu : ‘ Đức tin mà không bày tỏ ra bằng việc làm là đức tin chết”.

Anh Joh kết bài thuyết trình thời sự : Quả đúng như vậy. Bác ái không phải chỉ ở trong đầu mà phải bộc lộ ra việc làm. Chính Chúa Giêsu đã nói : Không phải chỉ kêu lên ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ mà các con được vào thiên đàng... Nói đến đây rồi anh John thưa Amen.

Cả làng tôi vỗ tay hoan hô bài diễn văn hùng biện của anh John. Và mọi người bắt đầu ăn tráng miệng. Phe các bà nghe chuyện thời sự như chưa đã tai vì mới có chuyện hội nghị quốc tế chống bệnh Aids, các bà đòi nghe nữa. Bây giờ mọi người quay sang ông bồ chữ thông thái ODP.

Ông ODP lên tiếng ngay : Chúng ta phải cám ơn Trời về một mùa hè lý tưởng chúng ta đang được hưởng ở đất thiên đàng Canada này. Năm nay,Trời nắng nhưng không nóng bao nhiêu. Ban ngày, cao lắn là 30 độc C, tương đương 80 độ F, còn ban đêm bao giờ cũng mát dịu, trung bình 15 độ C, khoảng 50 độ F. Rõ ràng là không khí Đalat quê hương mình !

Toronto này có mấy khi nghe tới cơn bão bao giờ, thế mà bên Hoa Kỳ hiện nay bão Ernesto đang tấn công Florida, bão Ioke đang đe dọa miền Wake Island... Nói chung thì Thượng Đế ưu ái đặc biệt Canada. Xứ này bao giờ cũng ít bị thiên tai hơn xứ Mỹ. Xem thống kê thì Hoa Kỳ thường trực lo sợ về các trận bão dọc bờ biển Thái Bình Dương, từ Louisiana phía nam lên tới miền Maine phía bắc. Còn dọc chiều dài phiá tây thì Hoa Kỳ luôn lo sợ các trận động đất và các trận cháy rừng. Toàn nước Mỹ thì lo sợ các trận lụt. Nhìn vào bản đồ báo động thì nước Mỹ hình như toàn màu đỏ.

Rồi dân làng đòi tôi kể chuyện thời sự tiếp sức cho ông ODP.

Tôi đâu có được chuẩn bị việc này. Nghĩ mãi mà không tìm ra tin gì. Có hai tin nóng hổi là hội nghi về bệnh Aids và tin bão tố thì Anh John va ông ODP kể hết mất rồi. Bèn xin kể chuyện cá nhân. Rằng một trong số độc giả ái mộ văn cụ Trà Lũ có một trưởng Hướng Đạo, mãi tận bên Úc Đại Lợi lận, đó là Trưởng Lê Thị Trúc, tên rừng Hướng Đạo là ‘Sói Yêu Rừng’. Trưởng Úc gia nhập phong trào Hướng Đạo từ năm 1954, và sinh hoạt tại nhiều nơi như Huế như Nha Trang. Hiện nay đã trọng tuổi nhưng Trưởng vẫn cón hăng say với Hướng Đạo tại Canberra và Brisbane bên xứ kangaroo. Trưởng Trúc đã từng là Akela va Baloo nhiều năm. Các cụ có biết Akela và Baloo là gì không ạ ? Thưa đó là ngôn ngữ của Hướng Đạo. Akéla là đoàn trưởng của đoàn Sói Con. Baloo là người phụ tá cho Akéla.

Theo đúng tôn chỉ của Hướng Đạo là ‘giúp ích’, Trưởng Trúc kể cho tôi nhiều chuyện vui lắm. Chẳng hạn thời kỳ còn ở VN, nghe tin Trưởng Trúc nấu ăn giỏi thì có bữa kia một cô mang tới một chậu trứng và đường, rồi hỏi : Sao em đáng trứng với đường hoài mà trứng không nổi ? Trưởng Trúc liền nhấm trứng thì thấy mặn chạt. Hoá ra cô bạn đã lầm muối với đường. Hai thứ đều màu trắng giống y như nhau. Thay vì cho đường thì cô đã cho muối. Trưởng Trúc còn nổi tiếng về khâu may. Học với Trưởng Trúc xong nhiều cô đã ra mở được tiệm may, và thường nổi tiếng nữa mới oai chứ.

Lại còn việc này nưã mới kinh thiên động địa. Vì Trưởng Trúc đã nghỉ hưu và trong gia đình toàn các nhân tài đất Úc nên Trưởng đãđề nghị dịch cuốn sách Đất Nhà mới phát hành của tôi ra tiếng Anh để phổ biến cho độc giả da trắng khắp nơi. Trưởng Trúc hỏi tôi : Nếu sách dịch bán ra có lợi nhuận thì sói con Trà Lũ lấy bao nhiêu ? Tôi trả lời ngay : sói con này xin dâng hết cho các sinh hoạt Hướng Đạo.

Hoan hô việc ‘giúp ích’ của Trưởng Trúc Sói Yêu Rừng.

À nhân nhắc tới Sói, tôi còn chuyện này nữa, cũng khiếp lắm, xin kể các cụ nghe. Rằng ngày xưa còn bé tí, tôi cũng là sói con. Trưởng Trúc biết việc này nên đòi nghe chuyện sói con của tôi. Tôi bèn kể câu chuyện vẫn còn quanh quẩn trong đầu. Chắc các cụ hẳn biết : Các em bé nhập Hướng Đạo thì gọi là các sói con. Bầy sói chia làm nhiều đội. Hồi đó tôi thuộc đội Gà. Khi tập họp thì các sói con thường hô khẩu hiệu. Chẳng hạn như đội Cọp, đội trưởng hô : ‘Cọp !’ thì đội viên đáp ‘Mạnh’; Đội trưởng đội Nai hô : ‘Nai !’ thì đội viên đáp ‘Lẹ’. Còn tôi thuộc đội Gà, khẩu hiệu là Gà/Tiến. Có lần đội trưởng hô ‘Gà !’, đáng lẽ các sói con phải đáp ‘Tiến’, thế mà bữa đó có sói con đã đáp ‘Thiến !’. Cả đoàn bò lăn ra cười.

Tôi là sói con mà có tên rừng nữa cơ, các cụ a. Kinh chưa. Tổ phụ của Hướng Đạo VN là Trưởng Trần Văn Khắc. Trưởng Khắc là thuyền nhân tỵ nạn và định cư tại thủ đô Ottawa. Năm 1980 tôi đi dự hội nghị Hướng Đạo ở Ottawa. Trưởng Khắc hỏi tôi tên rừng. Tôi trả lời rằng tôi là sói con nên chưa có tên rừng. Nay thì đã già rồi nên sói này hụt tên rừng. Trưởng Khắc vui vẻ nói ngay : Đó, em vừa nói tên rừng đó. Tôi vẫn còn ngu ngơ chưa hiểu gì, bản chất tôi ngu ngơ mà, thì Trưởng Khắc cười hắc hắc, vỗ vai tôi rồi tuyên bố trước mặt nhiều trưởng Hướng Đạo khác đang vây quanh lúc đó: Từ nay tên rừng của em la ‘Sói Con Đã Già’ nha.

Xin trân trọng và nhớ đời tên rừng tổ phụ Hướng Đạo đã tặng cho.

Trong các hội đoàn Công Giáo VN có Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể rất sinh động vànổi tiếng. Đây là một tổ chức đã mô phỏng nhiều điều từ phong trào Hướng Dạo, như y phục, các sinh hoạt, cơ cấu tổ chức...

Các cụ nếu có con có cháu thì nên cho các em thamgia phong trào Hướng Đạo nha. Vừa lợi ích cho các em, vừa tốt cho công đồng xã hội. Hướng Đạo được coi là phong trào giáo dục bổ túc cho học đường. Sống giúp ích và sống dẫn đường cho mọi người. Tốt và đẹp quá chứ.

Nói đến đẹp, xin cho tôi miên man một chút về nhiều bài ca Hướng Đạo. Đẹp, ý nghĩa hay tuyệt vời. Tôi mê nhất bài ca nhảy lửa trong các đêm lửa trại của Hướng Đạo. Giữa không gian tối mò, các Hướng Đạo Sinh nối tay nhau, vây quanh đống lửa, vừa nhảy vòng vòng vừa hát :

. .. Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung. Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng.Giăng tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng. Trong khói xanh đêm nay bốc cao. Cùng cầm tay ta hát vang lừng, ta chúc lửa thiêng sáng tươi xua tan bóng đêm. Anh em ta nào hăng hái. Hát cho đời vui, vui thật là vui.

Chờ cho mọi người nói xong, nghe xong, cụ già B.95 quay vào thần tượng John, vừa cười vừa nói: Cứ bao giờ họp làng và được nghe anh John nói chuyện học tiếng Việt rồi được cười thoải mái thì về nhà bao giờ lão cũng ngủ rất ngon, và có những giấc mơ rất đẹp.Vậy bây giờ lão xin Anh John cho lão liều thuốc ngủ nào.

Anh John vào đề ngay : Cháu xin kể tiếp việc cháu học tiếng Việt hen. Để phủ định, tiếng Bắc chỉ có chữ ‘không’, như không nghe không biết không thấy. Và không vẫn là không, không có biến thái gì cả. Còn tiếng Nam của vợ cháu thì tiếng ‘không’ có nhiều biến tấu lắm. Chẳng hạn biến thành ‘hông’ hay ‘hổng’, như biết hông ? hiểu hông ? thấy hông ?. Nếu không thì trả lời là ‘hổng biết, hổng nghe, hổng thấy. Anh con trai hỏi cô gái điều chi mà nếu cô chớp chớp mắt rồi e lệ trả lời ‘ hổng biết’ thì câu ‘hổng biết’ không có chủ từ này này mang nhiều ý nghĩa lắm. Nhà văn Đỗ Quý Toàn bảo đó là tín hiệu của tình yêu. Rồi tiến lên một bước nữa, hông biến ra hôn, như ‘Nghe hôn ? Dễ thương hôn ! Cũng chưa hết. Chư hôn bị nuốt đi gần hết, chỉ còn âm N, câu ‘nghe hôn’ biến thành ‘nghen’ như ‘chúng mình đi chơi nghen’. Và sau cùng ‘nghen’ thu ngắn lại biến thành ‘ hen’ hay hén’, như ‘đẹp quá hen, ngon quá hén’... Nào ai có thể ngờ được 2 tiếng ‘nghe hông’ rút ngắn lưỡi lại thành ‘hen’. Thật hay tuyệt vời ! Mà hình như tiếng rút ngắn này lại chuyên chở thêm tình yêu nữa cơ đấy ! ‘Chúng mình đi ngủ hen’, nghe mùi qúa chứ. Đâu phải chỉ đi ngủ mà thôi.

Rồi anh Johh quay vào Cụ B.95 cười hà hà: Tiếng Nam Kỳ Biên Hòa của vợ cháu biến dạng nhiều và mạnh hơn tiếng Bắc Kỳ của Cụ, có phải không ạ ?

Cụ B.95 chưa kịp trả lời thì Ông ODP góp thêm ý: Như tiếng NHÁ ngoài Bắc, như ‘Chúng mình đi chơi nhá’. Nhá biến thành Nha,’ chúng mìng đi chơi nha’. Rồi Nha biến thành Nhe, nhé... NHÉ Bắc kỳ và HÉN/HEN Nam kỳ đều chuyên chở sự ngọt ngào yêu dấu. Nhưng những biến thái Bắc kỳ Nhá/Nha/ Nhe/Nhé đã không đi một đường dài biến hóa thơ mộng như từ ‘nghe hông’ biến ra ‘hen’.

Bài đã dài, xin được gặp lại các cụ lần sau hen.

TRÀ LŨ