Tu thân, tu đạo, tu dòng: Mấy điều tư lượng về dòng Mến Thánh Giá (3)

4 – Con đường thiêng liêng của dòng Mến Thánh Giá

Có thể nói một cách tổng quát là : con đường tu thân thiêng liêng của dòng Mến Thánh Giá là do đạo Chúa Giêsu Ki-tô từ Âu châu đem sang và đã có hội nhập văn hóa vào xã hội Việt Nam.

41 – Thế nào là « đi tu » ?

Khó mà nói rằng con đường này đã bắt nguồn từ các phép tu trì đã sẵn có ở Á châu. Thực vậy, trước đây người phụ nữ ở Việt Nam chỉ có hai nẻo đường là xuất giá, hay là xuất gia.

Xuất giá thì phải theo phép tam tòng, làm cho người phụ nữ như là chưa bao giờ được trưởng thành : ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con, ấy là không nói tới việc phải chịu lụy mẹ chồng. Vì thế xuất gia có thể coi là con đường giải thoát.

Xuất gia là « đi tu », nghĩa là bỏ gia đình, bỏ việc đời. Về con đường tu theo đạo Lão, thì hình như ta chỉ thấy nói đến một vài người đàn ông thời danh đã bỏ nhà vào núi tu tiên, và cũng chỉ thấy nói đến mấy cô tiên – ví dụ như Liễu Hạnh công chúa hay là Giáng Hương – từ trên trời xuống làm người ít lâu rồi lại về trời, chứ không thấy nói đến người đàn bà nào vào núi tu thành tiên cả. Về bên nhàPhật thì « đi tu » là đi tu chùa, qui y tam bảo, là : quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm tỳ-khưu-ni, sống một đời kham khổ trong một cộng đoàn, tu niệm, tụng niệm, để mong giải thoát ra khỏi vòng luân hồi khổ não. Xem bề ngoài thì dòng Mến Thánh Giá cũng có ít điểm tương tự, nhưng đường lối và mục đích thì khác hẳn.

Vì thế phải đặt dòng Mến Thánh Giá trong truyền thống tu đạo ở Au châu.

Trên đây ta đã nói chung chung đến con đường tu đạo chung cho các tín hữu. Lối sống đạo của các giáo hữu đầu tiên không phải là dễ dàng gì. Họ không sống trong khuôn khổ của tổ chức tôn giáo Do thái, cũng không sống trong qui chế tôn giáo của đế quốc Rôma, cho nên bị gạt ra ngoài lề, không được qui chế nào nâng đỡ cả, rồi lại bị cấm cách hơn hai thế kỷ. Đi theo con đường của một vị giáo tổ đã phải xử tử, người đệ tử biết là mình cũng phải sẵn sàng mất mạng như thầy mình. Sau thời kỳ khó khăn, giáo hữu vui mừng nhận ra là máu của nhưng người vị nghĩa vong thân đã là hạt giống sinh ra tín hữu mới. Cái vui nữa là không những lại được bằng yên, không bị bắt bớ nữa, mà còn được hoàng đế nâng cho đạo Chúa lên thành tôn giáo của nhà nước. Từ đây những vị lãnh đạo tôn giáo được trọng dụng, có danh có lợi.

Một khi có danh có lợi thì việc đạo cũng được nhiều điều kiện thuận tiện. Nhưng việc tu đạo cũng dễ bị sa sút. Những tâm hồn có lòng đạo nhận thấy rằng muốn sống đạo cho đến nơi đến chốn, thì phải bỏ hẳn đời sống phồn hoa dễ dãi, cho nên họ quyết chí một mình đi vào trú ẩn trong sa mạc xa xôi để tu thân tu đạo. Ta gọi họ là những người « ẩn tu »[1]. Sau này họ có nhiều đồ đệ đi theo, cho nên dần dần chung sống[1] trong những cộng đồng nhỏ, rồi những tu hội lớn. Ta gọi họ là những người « hiển tu » hay là « viện tu ». Cho tới đây, ẩn tu hay là viện tu đều là những người đã « đi tu », quyết chí lánh xa sự đời, bỏ gia đình, nhằm mục đích là tu thân lấy cho mình và tu đạo một cách hoàn hảo, một cách « trọn lành », theo kỷ luật, theo phép dòng.

Ngoài một thiểu số đó ra thì giáo sĩ cũng như giáo dân không « đi tu », đa số vẫn tu đạo, giữ đạo trong cuộc sống ngoài đời, vẫn lo việc làm ăn, việc gia đình và việc nước.

Vào thời Trung cổ ở Au châu, vào quãng thế kỷ thứ X, sau mấy thế kỷ loạn lạc, lòng đạo đã sa sút : không những nhiều người trong hàng giáo sĩ cao cấp, mà cả trong các tu viện giầu có, cũng chạy theo con đường danh lợi, sao lãng việc tu đạo. Giáo hội thấy cần phải có một cuộc cải cách rộng lớn. Một đàng thì cải cách các nhà dòng, đòi các thầy dòng phải trở về kỷ luật nhà dòng lúc ban đầu. Một đàng khác thì cải cách nếp sống của giáo sĩ, đòi phải lấy con đường tu đạo thiêng liêng của các thầy dòng làm mực thước. Vì thế mà từ đó giáo sĩ trong giáo hội Rôma không được phép lập gia đình, tuy họ vẫn sống và làm việc giảng đạo, mục vu, ngoài đời[1].

Đến khi các giáo sĩ từ Au châu sang Việt Nam giảng đạo, thì chúng ta theo đúng kiểu nói Việt Nam mà gọi tất cả những người đã xuất gia là người « đi tu », không phân biệt linh mục nhà dòng với linh mục triều.

42 – Con đường tu đạo thiêng liêng

Con đường tu đạo thiêng liêng mà các vị thừa sai đem sang cho người Việt Nam là kết quả của một truyền thống hơn một nghìn năm của Giáo hội Tây phương. Vì thế muốn hiểu con đường thiêng liêng của dòng Mến Thánh Giá, ta phải đặt nó trong khuôn khổ lịch sử của truyền thống ấy.

Ta thường coi ông thánh Biển Đức[1] (480-547) là ông tổ các nhà dòng ở Tây Au. Sách Phép Dòng ngài soạn ra[1] gồm 73 chương nói rất tỉ mỉ về nếp sống chung trong nhà dòng. Đây là sách làm mẫu mực cho tất cả các sách Phép Dòng về sau. Khẩu hiệu ngài đưa ra là « Ora et labora », nghĩa là « Hãy cầu nguyện và làm việc ». Nhưng ta không thấy nói nhiều về con đường tu đạo thiêng liêng. Có lẽ là vì đây là con đường chung cho tất cả các giáo hữu, ai cũng biết cả rồi.

Phải chờ cho đến thời Trung cổ, vào lúc có nhiều phong trào sôi nổi đòi phải cải cách triệt để trong giáo hội, từ trên xuống dưới, mới thấy có nhiều người bắt đầu trình bầy con đường tu đạo thiêng liêng một cách rất tỉ mỉ, có hệ thống mạch lạc.

Thực vậy, trong việc tu đạo, người ta vẫn giữ quan niệm đã có trong tư tưởng thánh Phao-lô, là phải tu thân khắc kỷ, phải có tập tành theo phương pháp, theo kỷ luật hẳn hoi[1].

Đến thời Trung cổ thì việc tập tành đều qui về đời sống nội tâm, chứ không quan tâm nhiều về những cái « bì phu chi ngoại », và chia làm ba giai đoạn. Bước đầu là phải đọc hay nghe đọc Sách Thánh và các sách đạo. Tiến lên một bậc nữa thì tập suy gẫm (méditation) về Sách Thánh, về những tư tưởng đạo đức và về sự chết. Bước trên cùng là cầu nguyện hay là suy ngắm (contemplation). Thêm vào đó còn có công việc xét mình đều đều. Cũng có thể theo quan điểm khác một chút mà coi việc tu đạo thiêng liêng theo ba con đường (trois voies) : một là con đường thanh tẩy (purgative, purificative) nhằm tránh các khuyết điểm và tội lỗi; hai là con đường soi sáng (illuminative) làm cho ta biết rõ về mình và về Thiên Chúa; ba là con đường suy ngắm (contemplative), đó là con đường hoàn hảo, trọn lành, làm cho ta kết hợp với Chúa[1]. Tuy có chia các giai đoạn một cách có hệ thống, nhưng như thế cũng chưa đi vào chi tiết cho lắm.

Cũng từ thời Trung cổ Giáo hội bị khủng hoảng vì giáo quyền tranh dành thế lực với vua chúa, để ý đến việc tổ chức hành chính, kinh tế, để cai trị, hơn là chăm lo cho đạo giáo. Đã có nhiều tâm hồn đạo đức đòi cải tổ giáo hội từ trên xuống dưới, nhưng thượng cấp không chịu nghe, lại lên án họ là làm bè rối. Chỉ có công trình cải tổ của thánh Phan-xi-cô quê ở Assisi là thành công, nhưng không phải là dễ dàng gì.Vào quãng thế kỷ XV và XVI là thời Phục Hưng, giáo hội bị khủng hoảng đến tột bực : sau một trăm năm chiến tranh và sau khi hai giáo hội Đông và Tây ly khai với nhau, thì ở Tây Au trong giáo hội cũng như trong các nhà dòng và cả trong xã hội đều lộn xộn. Chính quyền cũng như quyền bính trong giáo hội bị lung lay, hàng giáo sĩ và giới tu hành thì có nhiều người hám danh hám lợi mà sao lãng việc tu đạo, đi vào lối buôn thần bán thánh, thế rồi cá nhân không còn làm chủ được bản thân cho nên buông xuôi theo các nết xấu. Cho đến khi một nửa Tây Au về miền bắc đứng lên phản kháng giáo quyền Rôma – giáo quyền công giáo gọi họ bằng cái tên khả ố là « thệ phản » – mà lập thành các giáo hội Tin lành cải cách, ly khai hẳn với công giáo, lúc đó mới tỉnh ngộ nhưng ăn năn thì sự đã rồi.

Những người có thiện chí muốn cải cách giáo hội thấy không thể mong gì ở phẩm trật định chế, cho nên chỉ thấy có một phương tiện là tìm về đời sống nội tâm, lấy lời Chúa và gương mẫu của Chúa làm tiêu chuẩn cho nếp sống đạo. Việc tập tành đi đường nhân đức, nhất là việc suy gẫm (méditation) cần phải được tổ chức cho có hệ thống, trong khuôn khổ vững chãi. Có thế mới mong đem lại cải cách từ bên trong cho hàng giáo sĩ và giới tu hành.

Có thể nói rằng các thầy dòng, nhất là dòng thánh Phan-chi-cô, đã có công lớn trong việc này. Đại khái thì con đường tu đạo thiêng liêng cũng vẫn theo như các phương pháp và các chặng đường như thời Trung cổ. Có điều là người ta đặc biệt chú trọng vào việc suy gẫm về cuộc đời và nhất là về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để giục lòng muốn bắt chước người. Lại suy gẫm về vận mệnh của con người là « bốn sự sau », tức là sự chết, sự phán xét, thiên đường, hỏa ngục. Nói chung thì trong thế kỷ XIV người ta chú trọng vào con đường nhân đức trọn lành (perfection chrétienne). Sang thế kỷ XV thì đặt trọng tâm vào việc ăn năn đền tội.

Con đường tu đạo thiêng liêng như thế đã được phổ biến rộng rãi trong các nhà dòng, trong hàng giáo sĩ, kể cả các linh mục của các nhà dòng được sai phái đi giảng đạo trong khắp thế giới. Cho nên dĩ nhiên là con đường thiêng ấy cũng đã được đưa tới Việt Nam. Có một số sách đạo được biên soạn vào thời ấy, cũng đã được dùng rồi phiên dịch ra tiếng Việt, ví dụ như : Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng[1] của cha L. Scupoli (1530-1610) người nước Ý, Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành [1] của cha dòng Tên Alonzo Rodriguez (1531-1617), người Y-pha-nho, v.v.

Có một điều rất nên chú ý là con đường tu đạo thiêng liêng của người công giáo là một sáng kiến mới lạ đối với con đường tu ở Việt Nam thời đó. Thực vậy, người đạo sĩ bỏ con đường danh lợi, bỏ nhà vào núi đi tu tiên, thì tìm cách bỏ dần không ăn những thức ăn nặng về vật chất, như ngũ cốc. Nhà Phật thì ăn chay, đọc thần chú, đọc kinh Phật, và khi đi vào Thiền Định thì tìm cách thoát ra ngoài tam giới, không nghĩ đến gì hết và cũng không còn nghĩ gì nữa (« vô niệm »), để tìm về « Chân Không ». Người công giáo chọn đi một lối khác. Một đàng thì họ vẫn có suy niệm, nhưng không suy niệm về « Chân Không », để đi tới chỗ « vô niệm », nhưng họ suy niệm về những gương mẫu thiết thực mà Đức Giêsu đã đưa ra, và suy niệm về vận mệnh tương lai của con người. Đàng khác thì họ lấy những suy niệm đó làm tiêu chuẩn và lý tưởng, để dấn thân vào đời hoạt động, không khác gì các học trò thầy Khổng vậy.

Tôi vừa nói là có suy niệm, nhưng thực ra người công giáo rất ít khi dùng đến chữ « niệm » là chữ rất thông dụng trong nhà Phật, lại có nhiều nghĩa khác nhau, có lẽ vì sợ hiểu lầm, sợ lẫn lộn đạo giáo. Người công giáo quen dùng nhiều từ ngữ như : « suy ngắm » (contemplation), « suy gẫm » hay « suy ngẫm »(méditation).

Có một cái thần tình là khi cha ông chúng ta muốn viết « ngắm » và « gẫm » hay « ngẫm » ra chữ Nôm, thì cùng dùng một chữ Hán Việt độc nhất là « ngâm ». « Ngâm » có nhiều thể thức, như « ngâm nga », « ngâm ngợi », « ngâm vịnh », và có nghĩa là « đọc thơ với dọng rung lên và kéo dài » (TĐTV, trang 700). « Gẫm » hay « ngẫm » là suy tưởng ở bên trong[1]; « ngắm » là nhìn kỹ vào cái ở bên ngoài mình (ngắm nghía, ngắm trông), kể cả cái mà mình hình dung ra, như khi ta « ngắm đàng Thánh Giá »; ở đây chữ « ngắm » cũng thường đi đôi với chữ « nguyện » là « mong ước », thành ra « nguyện ngắm »; nhưng « ngắm » lại còn có nghĩa là « ngâm », như khi ta « ngắm 15 sự thương khó ĐC Giêsu », thì ta ngân nga có cung điệu như ngâm thơ vậy. Một chữ Nôm giầu ý nghĩa như thế đã gợi cho cha ông chúng ta biết bao nhiêu điều.

Còn tiếp