Tu thân, tu đạo, tu dòng: Mấy điều tư lượng về dòng Mến Thánh Giá (2)

2 – Tu đạo và mối thân tình với Chúa

Tu thân rất là quan trọng[1], nhưng mới chỉ là bước đầu trong việc tu đạo, vì tự nó mới chỉ là tu cho mình, chứ chưa liên quan gì đến người khác và cũng hưa đưa ta đến gần Chúa là bao nhiêu[1].

Muốn đến gần Chúa thì ai cũng biết là phải theo chân Ngài hay là bắt chước Ngài. Đó là con đường thiêng liêng của người đệ tử Chúa Giêsu. Trong Sách Thánh có khá nhiều lời khuyên nhủ như thế : « Vậy anh em hãy hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện » (Mt 5, 48). Chúa Giêsu muốn tìm đệ tử thì gọi : « Anh hãy theo tôi » (Mt 9, 9). Chúa còn nói : « Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo » (Mt 17, 24). Thiết tưởng đây là điểm có liên quan trực tiếp đến con đường thiêng liêng của dòng Mến Thánh Giá.

Trong thư gửi cho tín hữu thành Phi-líp-phê, thánh Phao-lô viết : « Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giêsu » (2, 5). Chúa nói trong Phúc Am thánh Mát-thêu (11, 29) : « Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường ». Căn cứ vào câu đó chúng ta đọc trong kinh cầu Lái (Trái) Tim Đ.C. Giêsu lời nguyện này : « Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Xin uốn lòng chúng tôi nên giống Lái Tim Chúa ». Ta muốn tỏ lòng tôn trọng, mến yêu Chúa, thì theo chân bắt chước hành vi cử chỉ và các nhân đức Ngài, để nên giống như Ngài.

Một trong những cuốn sách dạy đường tu đạo thiêng liêng rất được phổ biến ở Au châu từ thế kỷ XV trở đi là sách De imitatione Christi, nghĩa là Về sự bắt chước Chúa Ki-tô, do Thomas a Kempis (1379-1471) biên soạn, có chủ trương một lối sùng đạo có tính cách tình cảm cá nhân. Sách đã được các vị thừa sai đem sang Việt Nam rất sớm, dịch sang tiếng Việt lấy tên là sách Gương phúc[1]. Có thể chắc rằng nếu lối sùng đạo bình dân ở Việt Nam có phần nặng về tình cảm, thì một phần cũng là do ảnh hưởng các sách cùng một loại như thế, và cũng vì xưa kia giáo dân không tham gia được vào các lễ nghi phụng vụ phải cử hành bằng tiếng la-tinh.

Nhưng nói cho cùng thì theo chân, bắt chước, cũng còn là đứng bên ngoài, chứ chưa đi sâu vào mối tương quan, và cũng chẳng cần có mối tương quan với người mình bắt chước. Ví dụ thanh niên ngày nay thường bắt chước các thứ thần tượng trong ca nhạc, trong vận động thể thao, bắt chước từ cách để râu để tóc cho đến lối ăn mặc, mà không cần tiếp xúc gì với họ cả. Và trước đây từ lâu rồi, thì những người đi vào Thiền Định, như Phật dạy trong Kinh Tam Tạng, chỉ cần tu luyện cho đúng phép thôi, chứ không cần liên lạc với Phật, cho nên sau khi vào Niết-bàn rồi, Phật có còn ở thế giới này hay không, cũng không hề gì.

Nói chung thì như thế, nhưng riêng về con đường tu đạo thiêng liêng, thì việc bắt chước Chúa Ki-tô làm cho ta nên giống hình thể (conforme) Chúa. Cái « hình thể » (forme) trong quan niệm của triết gia Hi-lạp Platôn là cái xác định bản tính của mọi vật : có được « hình thể » của Chúa, tức là dự phần vào bản tính của Chúa. Vì thế các thánh giáo phụ Hi-lạp thường quan niệm rằng Chúa là thần-thánh đã xuống thế làm người, làm cho bản tính loài người được dự phần vào bản tính thần-thánh của Chúa, và vì thế thánh hóa chúng ta, làm cho chúng ta cũng nên thần-thánh[1]. Như thế là nâng cao bản tính của chúng ta lên.

Cần phải xác định ở đây là chúng ta nên thánh, không phải là vì bản tính chúng ta được nâng cao lên, nhưng phải nói rằng : chúng ta nên thánh là vì được sống trong mối thân tình với Chúa nhờ các phép bí tích, và nhờ đó bản tính chúng ta được Chúa nâng cao lên vuợt bực.

Nói tóm lại là trong việc tu đạo, ta phải biết tu thân, tìm đường theo chân bắt chước Chúa, đồng thời phải nghe lời Chúa dạy trong Sách Thánh, cầu nguyện và chịu các phép bí tích để được kết hợp với Chúa. Người đi tu dòng cũng theo một con đường tu đạo như thế, có khác là khác ở chỗ chuyên cần đào sâu về một vài điểm đặc biệt.

Sau đây tôi sẽ có vài nhận xét tổng quát về con đường thiêng liêng, nhưng không bàn đến việc tu dòng nói chung, mà chỉ xin đưa ra một vài suy nghĩ riêng về con đường thiêng liêng mà ĐC Lambert de la Motte, vị sáng lập ra dòng Mến Thánh Giá, đã vạch ra cho các chị em. Còn về các vấn đề lịch sử thì không có nghiên cứu chuyên môn, cho nên không dám lạm bàn.

3 - Con đường tu đạo thiêng liêng

Tôi đoán có lẽ hai chữ « thiêng liêng » là do người công giáo đem vào tự vựng Việt Nam. Nhưng còn chờ các học giả nhà nghiên cứu cho biết ý kiến.

Trong kho tàng tiếng Việt thì ta đã có sẵn hai chữ : « linh » và « thiêng ». Theo như cuốn Từ Điển Tiếng Việt (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967, trang 613) mà tôi có trong tay, thì chữ « linh » có nghĩa là « nói thần thánh thiêng, có tác động đến con người như ý muốn, theo mê tín », ví dụ : « ông thần cây đa linh lắm ». Như thế là lấy chữ « thiêng » là tiếng Việt để giải nghĩa chữ « linh » là từ Hán Việt. Còn chữ « thiêng » mà người dân ta quen dùng thì có nghĩa là « có phép hiệu nghiệm, làm cho người ta phải sợ, phải tin, theo mê tín ». Xin đan cử một ví dụ mà ai nấy đều nghe biết : « Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh ». Bây giờ ta hợp hai chữ lại thành « linh thiêng », cũng có nghĩa như chữ « thiêng ». Riêng về chữ « thiêng liêng » thì TĐTV nói là cũng nghĩa như « thiêng », nhưng còn thêm vào một ý nghĩa tùy phụ nữa là « cần phải tôn trọng », ví dụ như trong kiểu nói « nghĩa vụ thêng liêng ». Có thể nói : cái căn bản đi từ kinh nghiệm là chữ « thiêng », hoàn toàn Việt Nam, hoàn toàn Nôm.

Có điều làm cho tôi rất chú ý và thắc mắc là : khi viết ra chữ Nôm, thì « thiêng liêng » viết bằng hai chữ Hán Việt « thanh linh », còn « linh thiêng » thì cũng lại dùng hai chữ Hán Việt đó, nhưng đảo ngược lại là « linh thanh ».

Chữ « thanh » không có ý nghĩa gì liên can tới « thiêng » cả, cho nên khi dùng chữ « thanh » để viết làm chữ « thiêng », thì chỉ là lấy âm tương tự như thế, chứ không lấy ý. Chữ « linh » thì không biết có phải là « theo mê tín » hay không, nhưng có liên quan đến thế giới những vật coi là « thiêng », ví dụ như « tứ linh »[1], đến thế giới bên kia của chư vị, của các thần, của các khí lực vô hình, đến thế giới của những người đã chết. Nếu ta dùng lối « tán chữ » của nhà Nho để tìm ý nghĩa chữ « linh », thì ta thấy ở trên là chữ « vũ » (nghĩa là « mưa »), ở giữ là ba chữ « khẩu », trông như ba giọt mưa, ở dưới cùng là chữ « vu » (nghĩa là « cô đồng », « cô bóng ») : như thế là người đồng bóng bắt liên lạc với các « chư vị» ở thế giới bên kia, để được mưa trong thế giới bên này. Nhưng vì sao lại đọc chữ « linh » có ý nghĩa như thế là « liêng » ? Mà « liêng » đứng rời ra thì không có nghĩa gì cả. Thiết tưởng có lẽ đọc ra như thế là để cho nó đi đôi và hợp vận với chữ « thiêng » là chữ có nghĩa gốc, đồng thời theo như cách đọc trại đi, như trong trường hợp tránh tên húy[1].

Nói tóm lại là ta dùng hai chữ « linh » và « thanh », để nói lên hai ý niệm khác nhau : « linh thiêng » và « thiêng liêng ».

« Linh » và « thiêng », một từ là Hán Việt, một từ là Việt, hai từ đồng nghĩa, dùng cặp đôi với nhau là « linh thiêng », để cho ý nghĩa mạnh hơn[1] khi nói về quyền lực hay về phép thần thông hay « thần thiêng » của « thần linh », như trong tôn giáo dân gian.

Còn « thiêng liêng » là tiếng Việt mà, nếu tôi không lầm, thì người công giáo đã dùng từ thế kỷ XVII cho đến ngày nay, để dịch từ ngữ la-tinh « spiritualis » (Pháp : « spirituel »), có nghĩa là thuộc về phạm vi « tinh thần » (la-tinh : spiritus, Pháp : esprit) là thực tại vô-vật-chất, nói theo kiểu nhà Phật thì là thuộc về vô-sắc-giới. Ví dụ trong sách Phép giảng tám ngày (Roma, 1651, trang 35), thì giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) viết về các thiên thần « là tính thiêng liêng, chẳng có vóc, chẳng có xác, là tính cao sang, chẳng có phải hư mòn khi nào : dù có khi sinh, song le chẳng có khi nào hết (…) ». Trong sách Thánh Giáo Yếu Lý do Giám mục Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) biên soạn, có câu sau đây : « Hỏi : ĐCT ở khắp mọi nơi, sao đây ta xem chẳng thấy ? Thưa : Vì người là tính thiêng liêng, cho nên con mắt thịt ta xem chẳng thấy » (Bản quốc ngữ viết tay năm 1774, trang 7). Trong sách Bổn (dạy giáo lý) của địa phận Hà Nội, in năm 1958 (trang 10) vẫn cứ như thế : « Hỏi : Tính thiêng liêng nghĩa là làm sao ? Thưa : Nghĩa là Đấng sáng láng vô hình vô tượng, chẳng hay hư chẳng hay nát ».

Chính vì theo giáo lý công giáo thì chỉ có một Thiên Chúa vốn là tính thiêng liêng[1], ngoài ra không có thần nào khác, cho nên khi nói về con đường thiêng liêng thì phải hiểu là con đường đưa tới Thiên Chúa. Và như đã nói trên đây, đối với người công giáo, không những đó là đường tu thân khắc kỷ, mà còn là con đường theo chân bắt chước Chúa Ki-tô, nghe lời Chúa nói trong Phúc-âm và tham gia vào đời sống phụng vụ, có các lễ nghi và các phép bí-tích. Con đường thiêng liêng ấy là con đường chung cho các giáo hữu, người Au châu gọi là « spiritualité » (spirituality).

Cũng cần phải chú ý là ngày nay có nhiều người không theo đạo Thiên Chúa, mà theo nhiều đạo khác, ví dụ như đạo Phật, hay là chẳng theo đạo nào cả, hoặc là chủ trương vô thần, họ không phải là duy vật, chỉ biết có vật chất mà thôi, nhưng họ nhất định là họ có « spiritualité » riêng, khác người có đạo, vì thế họ cho rằng không phải chỉ có người theo đạo Thiên Chúa là có « spiritualité ». Họ có một đời sống tinh thần (spirituel). Có thể là họ không tin có thiên đạo nào cả, nhưng họ sống theo nhân đạo là đạo làm người, mà con người là « linh ư vạn vật » kia mà. Vì thế có nhiều thứ « spiritualité » khác nhau. Dùng một từ ngữ « spiritualité » ấy như người Au châu, thì dễ hiểu lầm và sinh ra tranh biện vô ích. Thiết tưởng nếu ta không dùng được từ ngữ « con đường thiêng liêng » để nói về lập trường của họ, thì có thể dùng nhiều từ ngữ khác, tùy trường hợp, ví dụ như : linh đạo, tu đạo, tu thân theo nhân đạo, đời sống tinh thần, v.v.

(còn tiếp)