Tu thân, tu đạo, tu dòng: Mấy điều tư lượng về dòng Mến Thánh Giá



Hình như loài vật cứ sống tự nhiên theo như bản năng, mà không có luân lý nào làm tiêu chuẩn gò bó. Còn con người thì xem ra không phải cứ sống tự nhiên qua ngày tháng, theo như sở thích chốc lát, nay thế này mai thế khác, mà nên người được. Cho nên một đàng thì phải được giáo dục gò bó vào một khuôn phép[1], một đàng thì tự mình cũng phải biết « tu », nghĩa là phải biết « sửa », uốn nắn và sửa cái bản năng tự nhiên cho nó phù hợp với đạo lý. Văn hóa Đông Tây đều có để ý đến việc giáo dục cả.

Vì thế cho nên việc « tu thân » lấy cho mình cũng bao hàm việc « tu đạo », là gạt bỏ một số chướng ngại, để đi theo một con đường, theo một hệ thống giá trị, trong một cộng đoàn lớn hơn cái cá nhân nhỏ bé của mình. Nếu không có một cộng đoàn, dù là hạn hẹp, cùng nhau chia sẻ một ít giá trị, thì cá nhân không tu thân được, chỉ trừ trường hợp mà cá nhân cho rằng chỉ có một mình mình là có thực, còn tất cả chỉ là ảo ảnh, nếu không phải là hư vô.

Cái đạo làm tiêu chuẩn cho việc tu thân có thể có nhiều hình dạng. Hai hình dạng mà ta quen hơn cả là nhân đạo, và thiên đạo.

Về nhân đạo là đạo làm người thì Nho giáo dạy : « Nhân giả nhân dã » : ta không làm người (chữ « nhân » hai nét) một mình, nhưng làm người với người khác (chữ « nhân » ở đây gồm bộ « nhân » hai nét, viết bên tả bộ « nhị »), nghĩa là phải hòa với người khác, phải biết thương người khác (có lòng nhân từ) thì mới nên người. Nho giáo chỉ cho ta ba giềng mối (tam cương) trong xã hội, và năm thái độ phải có (ngũ thường) để sống cho nên người, và theo thứ tự là : tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cái đạo làm người như thế là căn bản cho nếp sống chung, dù người ta có thể khác nhau khá nhiều về cái mà ta có thể tạm gọi là « thiên đạo ».

Về thiên đạo thì thày Khổng đã bảo : « Thiên hà ngôn tai ? Tứ thời hành yên, Bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai ? » (Luận ngữ, thiên Dương hóa), là « Trời có nói gì đâu ? Bốn mùa xoay vần, trăm vật sinh nở. Trời có nói gì đâu ? ». Cũng có thể cho rằng cái đạo làm người là do trời dạy cho. Nhưng lại cũng có thể cho rằng như thế vẫn còn là chưa đủ, hay như thế là đi trệch đường. Cho nên có một vài bậc trí cao đã đề nghị phải sửa lại, nghĩa là phải « tu », hay là « tu bổ », nghĩa là phải thêm vào nữa. Ví dụ như các đạo sĩ dạy phép « tu tiên » để được bước hẳn ra ngoài con đường danh lợi và đi tìm trường sinh bất tử, hay là như nhà Phật dạy phép « tu thiền », để thoát được hẳn ra ngoài dục giới, sắc giới và vô sắc giới, là ba cái thế giới ảo ảnh hư vô này. Ở đất Việt Nam thì đạo Thiên Chúa, đạo Chúa Cứu Thế, tựa vào tam cương ngũ thường của nhà Nho, dấn thân vào cõi đời này, nhưng còn đề nghị thêm vào đó một nếp sống mới, một lối tu trì mới nữa.

Như thế cũng đủ biết là ai cũng phải tu, nhưng lại có nhiều đường tu, tùy theo cái nhìn về vũ trụ và về vận mệnh con người. Thường thì người ta hiểu đi tu là xuất gia, là bỏ gia đình, có người lại cho rằng có thể tu tại gia. Rồi thì vì người ta có tự do, cho nên có người thì tu đắc đạo, có người thì vụng đường tu, có người là chân tu, có người là giả hình thày tu, v.v.

Sau đây xin trình bầy về việc tu đạo và tu dòng trong đạo trong đạo Thiên Chúa. Hai lối tu đó đều đặt căn bản vào cách tu thân.

1 – Tu thân và giới luật

Về vấn đề tu thân, người theo đạo Thiên Chúa cũng theo những giới luật tương tự như nhiều tôn giáo hay các hệ thống luân lý đạo đức khác. Thiết tưởng không cần đi vào chi tiết. Nhìn hời hợt bên ngoài thì người ta thường nói : « Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành ». Nếu thấy có khác nhau thì là khác về ý nghĩa bên trong của hành động.

Ví dụ người công giáo chúng ta thường đọc : « Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn », đồng thời vẫn nhận định được cái căn bản là : « Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ : trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy »[1]. Và hơn nữa, hai điều răn ấy cũng chỉ là một mà thôi : « Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (…). Nếu ai nói : « Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối. Ai không thương yêu người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. » (1 Ga 4, 8 và 20).

Cái căn bản là như thế, nhưng có điều là về sau này, vì phải chỉ dẫn cho giáo dân ăn ở cho phải đạo trong nhiều trường hợp cụ thể, cho nên lại thêm : « Hội Thánh có sáu điều răn », rồi tất cả các điều răn lại đươc giải thích tỉ mỉ ra nữa. Thành ra người ta có cảm tưởng rằng đạo Chúa chỉ là một mớ những giới luật, chồng chất lên nhau như là một gánh nặng[1], mà quên mất điểm căn bản đơn sơ của đạo Chúa, như vừa nói trên đây, và quên cả lời Chúa nói : « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (…) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng » (Mt 11, 28 và 30).

Cái đó không riêng gì trong đạo Thiên Chúa, mà đó đây trong thiên hạ hình như trong việc tu thân khắc kỷ, người ta hay thi đua nhau đặt thêm giới luật, thêm kỹ thuật, để đưa đến chỗ hoàn toàn làm chủ được mình. Không những làm chủ được cảm tình, trí tưởng tượng, trí khôn, ý chí, mà có khi còn chủ trương làm chủ được tất cả bộ máy sinh lý, như hơi thở, mạch máu, v.v. – như ta thấy trong văn hóa An-độ – và trình bầy đạo của mình như là đạo chỉ dành cho những người có gan dạ anh hùng xuất chúng, là con đường khó tu và khổ tu, còn quần chúng phàm nhân thì chỉ có việc là thán phục hay là kinh sợ những phép thần thông như thế. Vấn đề là : tu thân khắc kỷ để đi đến đâu ?

Bây giờ tôi xin đưa ra một vài nhận xét về việc tu thân theo giới luật, theo kỷ luật như thế.

Tu thân là sửa mình, để làm người cho ra người. Mình sửa mình là làm việc cho mình chứ không cho ai cả. Nếu tôi không muốn sửa mình theo như đạo thầy Khổng, theo như đạo đức học của Aristotêlês, hay là theo như lời Phật dậy, thì chỉ thiệt cho tôi, chứ cũng không thiệt gì cho Thầy Khổng, cho triết gia Aristotêlês, hay là cho Đức Phật cả.

Về Phật giáo theo như kinh Tam Tạng, thì trong loạt bài nghiên cứu đề là « Con đường Thiền »[1], học giả Lý Quang có viết trước đây hơn 40 năm : « Thiền-định có bản-chất hoàn toàn thực-hành, và hoàn toàn xây dựng trên những kinh nghiệm về Tâm-lý-học. Tự đầu đến cuối, tự giai đoạn khử trừ 5 chướng ngại cho đến Định IV [1], chúng ta không thấy nói tới một tín điều nào hết, cũng không thấy một câu kinh kệ nào cả. Hoàn toàn chỉ là tu-luyện tâm-thần theo những kinh nghiệm Tâm-lý-học mà thôi »[1]. Nói cho rõ hơn : người ta lấy tự -lực mà tu lấy cho mình, chứ không tu cho ai cả, cũng không kêu cầu gì đến ai cả, không nhờ đến tha-lực nào cả.

Có một điều đáng chú ý là trong đạo lý Thầy Khổng, thì ngoài việc tu thân lấy cho mình thì còn có khá nhiều trách nhiệm đối với người khác. Và đây là điểm rất giống đạo Thiên Chúa, làm cho đạo này dễ dàng tìm ra lối hội nhập văn hóa ở Á châu.

Riêng về đạo Thiên Chúa, nghĩa là đạo Do-thái hay là đạo Chúa Cứu Thế Giêsu, thì dĩ nhiên là việc sống theo giới luật cũng vẫn là việc tu thân cho mình và phụng sự xã hội, nhưng còn có thêm một ý nghĩa đặc biệt nữa. Thực vậy, trong Cựu Ước thì ta biết là sách Xuất Hành có kể lại giai đoạn Thiên Chúa ban hành 10 điều răn (3 điều về Thiên Chúa và 7 điều về lối cư xử với người khác), nhưng ít ai để ý đến câu mở đầu : « Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta, v.v. »[1]. Nên nhận xét là trước khi ban hành giới luật thì Chúa nhắc lại là giới luật đặt ra không phải là để xét nét bắt tội người dưới, nhưng là vì Ngài lo lắng cho người ta tu thân nên người. Còn trong Tân Ước, Chúa Giêsu nói : « Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. » (Ga, 14, 21).

Như thế việc tu thân lấy cho mình cũng còn có nghĩa là tu đạo, nghĩa là vừa làm cho mình nên người, vừa là cách tỏ ra lòng yêu mến Thiên Chúa. Thiết tưởng cũng như con cái nên người thì cũng làm cho cha mẹ vui lòng.

Dù sao cũng nên chú ý là người ta có thể giữ thật đúng giới luật, mà không có cảm tình gì mấy với người làm ra luật, như ta thấy trong dụ ngôn người cha nhân từ (cũng quen gọi là dụ ngôn thằng con phung phí) : sau khi thấy người cha tỏ ra nhân hậu với người em phung phí, thì người anh cả nói : « Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê để con ăn mừng với bạn bè » (Lc 15, 29). Đó là giới hạn của giới luật : người giữ đúng giới luật ở bề ngoài, có thể tự cho mình là hơn người, mà không xét đến cái thâm tâm ở bên trong.

Nguồn: www.dunglac.net

(còn tiếp)