NÉT THANH KHIẾT CỦA MỘT TU SĨ

Trong thời thơ ấu, đại thi hào Ấn Độ, ông Rabindranath TAGORE (1861-1941), được giáo dục nơi lâu đài dòng họ Tagore tại thủ đô Calcutta. Nhưng cậu bé có tính tình ương ngạnh đến độ không bao giờ ở được một năm nơi một trường học.

Năm 1875, Tagore (14 tuổi) được nhận vào học nơi trường Thánh Phanxicô Xavie của các Cha Dòng Tên ở Calcutta. Tại đây, chàng thiếu niên hân hạnh gặp Cha Penharanda, Linh Mục người Tây-Ban-Nha. Vị tu sĩ thánh thiện, khiêm tốn và nhất là thanh khiết đã ghi tạc vào tâm hồn thơ trẻ của Tagore hình ảnh cao đẹp không bao giờ mờ xóa.

Chính Tagore - khi trở thành nhà đại thi hào - trìu mến gợi lại hình ảnh vị Linh Mục đáng kính như sau:

Cha Penharanda có rất ít liên hệ với chúng tôi. Nếu tôi nhớ không lầm thì Cha đến lớp chúng tôi để thay cho một giáo sư vắng mặt. Chúng tôi chỉ có nửa giờ để làm luận văn. Đây là lúc tâm trí tôi thường phiêu lãng mất hút nơi chân trời nào đó.

Hôm ấy Cha Penharanda rảo quanh sau các hàng ghế và hẳn Cha để ý thấy cây bút của tôi cứ ở yên một chỗ. Cha nhẹ nhàng đến đứng sau lưng tôi. Vừa cúi xuống vừa nhẹ nhàng đặt tay trên vai tôi, Cha hỏi nhỏ:

- Rabi, anh bị đau?

Đấy chỉ là câu hỏi thường tình nhưng nó có tác động mạnh nơi tâm hồn thiếu niên, và tôi không bao giờ quên cử chỉ âu yếm đó. Tôi cảm nhận nơi Cha một tâm hồn thanh thoát cao thượng.

Ngày nay mỗi khi nghĩ về Cha, kỷ niệm đó như có tác động giúp tôi đạt được niềm thinh lặng của Ngôi Đền THIÊN CHÚA.

Một lần khác, khi giảng thuyết trước các sinh viên trường Santimiketan, đại thi hào Tagore lại nhắc đến hình ảnh Cha Penharanda, vị Linh Mục Công Giáo dòng Tên, bằng lời ca tụng:

Người ta nói với tôi là Cha thuộc về gia đình khá giả sang trọng Tây Ban Nha, nhưng từ bỏ tất cả để thực hiện lý tưởng chân tu. Cha có trình độ văn hóa thật cao, nhưng vì vâng lời, Cha chấp nhận rời xa xứ sở, đến đây dạy các lớp nhỏ.

Cha không phát âm rành tiếng Anh nên các bạn đồng lớp của tôi thường khinh thường các lời giảng dạy của Cha.

Nhưng sự thiếu lễ độ của các học trò trẻ tuổi không làm Cha xao xuyến, mất đi niềm an bình và xao lãng nhiệm vụ khiêm tốn thường ngày. Dĩ nhiên nét an bình thanh thoát của Cha không đến từ việc tuân giữ kỷ luật nghiêm nhặt. Nhìn nét mặt Cha, tôi đoán thấy tấm lòng hiền dịu và nhân hậu bao la. Mặc dầu lúc đó tôi còn nhỏ tuổi, có ít liên hệ với Cha, nhưng tôi dành cho Cha niềm quý mến sâu xa. Đối với tôi, Cha là người thánh thiện, có giọng nói nhẹ nhàng và khuôn mặt thật trầm tĩnh.

Đại thi hào Tagore cố gắng giải thích nét đẹp tinh thần của Cha Penharanda đã thu hút tâm hồn ông:

- Cha không có nét đẹp bề ngoài. Nét đẹp chính của Cha xuất phát từ lòng khiêm tốn và sự thanh khiết tâm hồn. Trên khuôn mặt và trong dáng đi của Cha, tôi khám phá ra nét trong sạch của con tim. Khuôn mặt Cha biểu lộ cho người ta thấy rằng, tâm trí Cha luôn hướng về một chân lý, và cuộc sống của Cha là thể hiện cho chân lý ấy. Niềm kết hiệp mật thiết với Vị Thầy Chí Thánh của Cha, với THIÊN CHÚA của Cha, khiến khuôn mặt Cha tỏa sáng niềm an bình và thanh khiết lạ thường. Đây quả là nét đẹp đến từ bên trong và là kết quả của đời sống cầu nguyện thiết tha liên lỉ không ngừng!

... ”Người yêu của tôi, khuôn mặt tươi sáng, nước da hồng hào, nổi bật giữa muôn ngàn trai tráng. Đầu chàng: khối vàng ròng tinh luyện, mái tóc chàng gợn sóng nhánh cọ non, đen huyền chim ô thước. Mắt chàng nằm gọn giữa bờ mi, như đôi bồ câu tắm bên dòng suối sữa. Đôi má chàng tựa luống hoa thơm, như vầng phương thảo. Cặp môi chàng là đóa huệ thắm tươi, chứa chan tươm mộc dược. Đôi nắm tay như những trái cầu vàng dát kim châu, bảo thạch. Thân mình chàng tựa ngọc ngà nguyên khố nạm đá quý xanh lam. Đôi chân chàng như đôi trụ bạch ngọc dựng trên đế vàng ròng. Tướng mạo chàng tựa núi Li-băng, kiêu hùng như ngàn cây hương bá. Miệng chàng êm ái ngọt ngào, cả con người những dạt dào hương yêu. Người tôi yêu là như thế, tình quân tôi là như vậy, hỡi thiếu nữ Giêrusalem!” (Sách Diễm Ca 5,10-16).

(”MISSI”, April 1960, trang 120-121).(Radio Vatican)