DẪN NHẬP VÀO VĂN HOÁ GIA ĐÌNH VIỆT NAM (7)



Bài 7 : những tổ chức mới đang xâm nhập và gây xung đột

Sánh với bức tranh tổ chức văn hoá gia đình mà Đào Duy Anh đã phác họa vào năm 1938, những gì đã thay đổi tính đến ngày nay trong văn hoá gia đình Việt Nam ?

Giai đoạn này, lịch sử nước ta có nhiều xáo trộn về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Các phong trào yêu nước kháng chiến nổi lên, mạnh nhất là đảng Cộng sản với Nguyễn Ái Quốc từ năm 1927 và Quốc Dân đảng với Nguyễn Thái Học từ năm 1930. Năm 1954 hiệp định Genève chia Việt Nam làm hai, miền Bắc với chính thể độc đảng cộng sản, miền Nam với chế độ quốc gia tự do. Khoảng 800 000 người di cư từ Bắc vào Nam. Năm 1975 quân đội cộng sản miền Bắc thắng trận và thống nhất đất nước trong chính thể độc đảng cộng sản khép kín. Khoảng hai triệu người Việt Nam tự do bỏ nước trốn ra ngoại quốc, đến Mỹ châu, Âu châu và Úc châu. Năm 1986 một chính sách mới được quyết định để hé mở cánh cửa tự do và kinh tế thị trường. Trong suốt thời kỳ này, nhiều thay đổi lớn đã xâm nhập vào tổ chức văn hoá gia đình Việt Nam. Những thay đổi này thực ra chỉ là sự bành trướng và khuếch trương những thay đổi đã được Đào Duy Anh ghi nhận tử 1938. Tất cả đều do sức đảy của hai tư tưởng chủ lực là tự do và bình đẳng của Văn hoá Âu Mỷ Thiên Chúa giáo và đặc biệt qua hai chi nhánh áp dụng của nó, là chính thể cộng sản và kinh tế thị trường.

71. Dưới chính thể cộng sản, hai thay đổi lớn về tổ chức văn hoá gia đình ở Việt Nam đã được xử dụng. Thay đổi thứ nhất là sự xen lấn quan trọng của Nhà nước vào việc chọn lựa và tổ chức hôn nhân. Trong tập nghiên cứu ‘Hôn lễ xưa & nay ở Việt Nam’, hai nhà nghiên cứu Lê Như Hoa và Bùi Quang Thắng ghi nhận rằng : ‘Có lễ phải từ sau 1945, khi cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến 9 năm (chống thực dân Pháp) thì mới có sự đột biến trong quan niệm - nếp nghĩ của nhiều người dân Việt Nam về hôn nhân. Thời ấy, cuộc kháng chiến đày gian khổ nhưng hào hùng ấy đã chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống của toàn dân tộc, dường như nó thấm vào tất cả mọi lãnh vực của đời sống xã hội. (Đến nỗi đã có nhiều nhà nghiên cứu đề nghị phải gọi tên văn hoá thời ấy là văn hoá kháng chiến). Hôn nhân, hôn lễ thời kỳ ấy cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc của ‘văn hoá kháng chiến’ ấy. Người ta yêu nhau và cưới nhau không phân biệt giầu nghèo, sang hèn; thậm chí không hiếm người cưới nhau không cần đến sự đồng ý của cha mẹ hai bên (hoặc là tự tim hiểu rồi báo với tổ chức hoặc tổ chức, cấp trên môi giới rồi tổ chức cho họ,...). Thực ra, mô hình hôn nhân này lúc đầu chỉ thực hiện ở những người tham gia kháng chiến hay ở chiến khu, nhưng sau này nó đã lan tỏa rộng khắp ở phạm vi toàn xã hội. (Nhất là ở khu vực miền Bắc Việt Nam, nhiều người còn coi đó là ‘mode ‘ của thời bấy giờ). Xu hướng này còn được đặc biệt nhân rộng trong những năm từ 1954 đến 1986 »[[1]].

Trong luận án phó tiến sỹ xã hội hoc, nhà nghiên cứu Khuất Thu Hồng đã nhận định về thực trạng hôn nhân trong chế độ Cộng Hoà Xã Hộ Chủ Nghĩa Việt Nam thời kỳ 1954-1986 như sau : ‘Về mặt lý thuyết, các cá nhân có toàn quyền trong việc lựa chọn và quyết định ai. Gia đình đã không còn giữ vị trí độc tôntrong việc hôn nhân của các thành viên của mình. Bên cạnh gia đình, lúc này đã có thêm một nhân vật mới nữa, đó là cơ quan Nhà Nước và các đoàn thể. Không chỉ bằng giao dục và tuyên truyền về tình yêu, hôn nhân và gia đình trong xã hội Xã hội Chủ nghĩa, trong nhiều trường hợp, cơ quan đoàn thể còn trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn bạn đời và tổ chức hôn lễ cho cá nhân, gần nhu thay thế hoàn toàn vai trò của gia đình’[[2]].

Thay đổi thứ hai là ‘sự đơn giản hoá lễ nghi’ đến nỗi thiếu cái bản sắc văn hoá hôn nhân của người Việt. Trong cũng một tập nghiên cứu ‘Hôn lễ xưa & nay ở Việt Nam’, hai nhà nghiên cứu Lê Như Hoa và Bùi Quang Thắng cho hay rằng : ‘Có thể nói, ở miền Bắc vào thời kỳ 1954 đến 1986 là thời kỳ mà hôn lễ có những thay đổi có tính chất đột biến, thì lễ rước dâu (dẫn cưới) cũng vẫn được coi trọng. Tuy nhiên, do những quan niệm còn hạn chế của thời kỳ này về các nghi lễ của hôn nhân (coi những nghi lễ cổ truyền là phong kiến, lạc hậu) nên các nghi lễ trước - sau lễ cưới đều không được khuyến khích và người ta đã tập trung vào việc tổ chức lễ cưới với tinh thần chủ đạo là : vui vẻ, giản dị, tiết kiêm. Vì thế, trong thời kỳ này, đám cưới thường trở thành một cuộc vui công cộng : ai biết pha trò hay hát, hát hay trong làng xóm (cơ quan, khối phố) đều tham gia vào góp vui cho đám cưới.... Có lẽ chiến tranh là một nguyên nhân căn bản khiến các lễ này bị giảm thiểu. Nhưng những quan niêm về nghi lễ cũng đóng 1 vai trò rất quan trọng trong việc đơn giản hoá này : ví dụ phong trào vận động nếp sống mới đã khiến cho nhân dân hiểu rằng : cái gì cũ là lạc hậu. Những năm 1970 có phong trào thực hiên đám cưới theo ‘đời sống mới ‘ (không được giết lợn để làm đám cưới, tiệc mặn không được khuyến khích, thay vào đó là tiệc ngọt, bạn bè tham gia văn nghệ góp vui...trang phục cưới giản dị’[[3]].

72. Còn như sức đảy của kinh tế thị trường, mà cá nhân chủ nghĩa, lợi nhuận, tiện nghi, thú vui,. . là nhũng động lực mạnh mẽ, thì nhiều tổ chức cũ của văn hoá gia đình đang gặp xung đột. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tỏ ra rất ưu tư về những xung đột trong văn hoá gia đình Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong ba xung đột về ly dị, giáo dục con cái và tự do luyến ái. Các ngài viết :

‘Hiện tình Hôn nhân và Gia đình tại Việt Nam

Anh chị em thân mến, Nói đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ Hiếu làm đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa. Gia đình ấy xem chữ Tín làm trọng nên dễ dàng gặp thấy nơi điều răn thứ sáu và thứ chín tiếng nói chung nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly. Gia đình ấy gồm có ông bà cha mẹ con cháu trên thuận dưới hoà trong một mái nhà đầm ấm, được xem như một môi trường tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đức tin, nhất là cho việc xưng tụng Thiên Chúa là Cha và coi mọi người như anh chị em. Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụ thể để diễn tả tình huynh đệ Kitô giáo. Chính vì thế, Hội Thánh dù được định nghĩa như là "Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Ðền Thờ Chúa Thánh Thần" thường được người Việt Nam hình dung như một gia đình.

Tuy nhiên, hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ thấy nhất là tiến trình "công nghiệp hoá, đô thị hoá". Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

Cùng với tiến trình này là hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm. Hậu quả là một số cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lạ, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma tuỶ hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực...[[4]]’

GS Trần Văn Cảnh

(Xin xem tiếp bài 8 và 9)

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Lê Như Hoa; Hôn lễ xưa và nay ở Việt Nam; Hà nội; Viện Văn Hoá và Nhà xuất bản văn hoá Thông tin : 1998, tr. 26-27.

[2] Khuất Thu Hồng; Các mô hình hôn nhân ở Ðồng bằng Bắc Bộ - từ truyền thống đến hiện đại; Viện Xã Hội Học, 1997; trích trong Lê Như Hoa; Hôn lễ xưa và nay ở Việt Nam; Hà nội; Viện Văn Hoá và Nhà xuất bản văn hoá Thông tin : 1998, tr. 28-29.

Mãy trang sau, Khuất như Hồng ghi thêm ý kiến của một phụ nữ kết hôn ở Hà nội năm 1972 như sau ‘Nam 17 tuởi, tôi đi thanh niên xung phong... sau đó tôi chuyển về công tác tại một Bộ. Lúc ấy người ta đề cao đạo đức và nghĩa vụ, yêu đương ai thì phải do tổ chức có đồng ý hay không. Ông chồng tôi đến đặt vấn đề với gia đình, đồng thời cơ quan ông ấy đến đặt vấn đề với cơ quan tôi chứ giữa hai người là không có tìm hiểu gì cả mà chỉ qua giới thiệu. Tôi nghĩ, người ta đặt vấn đề với gia đình mình rồi, tổ chức cũng đã đặt vấn đề với tổ chức cơ quan tôi. Lúc đó, tất cả các trường hợp muốn lấy vợ, lấy chồng là người của cơ quan tôi thì phải làm lý lịch điều tra. Nhưng khi tổ chức bên cơ quan ông ấy nói là ông ấy là đảng viên, là bí thư chi bộ thì lý lịch cũng không cần phải viết nữa, tổ chức đồng ý hết... Tôi nghĩ (ông ấy) là đảng viên, lại hơn mình 10 tuổithì cũng tốt, đến hôm đi đăng ký tôi mới biết ông ấy hơn tôi 20 tuổi nhưng vẫn chưa biết là có vợ. Lúc ấy tôi nghĩ là mình cũng lớn tuổi rồi, gia đình cũng đồng ý rồi, nên quyết định lấ cho xong, cho có chồng. Sau này tôi mới thấy là sai lầm quá, tin vào cơ quan, nghĩ là lý lịch trong sạch, nào ngờ, có bảo đảm gì đâu, hạnh phúc không có, không có gì cả...’

[3] Lê Như Hoa, sđd, tr. 68-69

[4] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung mục vụ 2002 về ‘Thánh hoá gia đình’