MÔ HÌNH MẪU NHÓM HIỆP SĨ THÁNH THỂ VIỆT NAM



Nhằm đáp ứng nhu cầu cho giới trẻ, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 1990 đã thành lập một ngành sinh hoạt sống đạo mới, đó là ngành Hiệp Sĩ Thánh Thể, dành cho các bạn hữu từ 18 tuổi trở lên. Hiện nay có một số toán Hiệp sĩ sinh hoạt tại các Cộng đoàn Giáo xứ, trong môi trường học đường, và nghề nghiệp giữa đời sống xã hội.

Sau đây là vài nét tổng quát về mô hình mẫu của một nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể Việt Nam.

Mỗi Toán Hiệp Sĩ Thánh Thể trung bình qui tụ 7 tới 13 bạn hữu từ 18 tuổi trở lên, sinh hoạt như anh chị em trong một gia đình. Các Toán trong cùng một Giáo phận nối kết với nhau thành một Liên Toán... (xem Sổ Tay Hiệp Sĩ Thánh Thể Việt Nam, 1998).

Cộng đoàn Mười Hai Tông đồ của Chúa Giêsu trong Phúc âm và Cộng đoàn các Tín hữu đầu tiên trong Sách Tông đồ Công vụ là hai Cộng đoàn được coi là khuôn mẫu, là gương sống động điển hình, và là nguồn cảm hứng cho các nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể ngày nay. Vậy:

  • (1) Cộng đòan Nhóm Mười Hai Tông đồ của Chúa Giêsu trong Phúc âm có những nét gì đặc biệt, khiến các tín hữu ngày nay có thể bắt chước (hay làm sống lại) trong nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể; và
  • (2) Cộng đoàn các tín hữu đầu tiên trong Sách Tông đồ Công vụ có những nét gì độc đáo, xứng đáng được coi là mô hình mẫu đối với các nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể ngày nay?
I. Cộng đoàn Mười Hai Tông đồ của Chúa Giêsu

A. Việc hình thành Nhóm Mười Hai

1. Dựa vào Tin Mừng Gioan, chúng ta biết được rằng những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu chính là các môn đệ thân tín của Gioan Tẩy Giả (Ga 1:35-38); đó là Anrê và Gioan. Anrê dẫn em mình là Simon (tức Phêrô sau này) và Gioan dẫn em mình là Giacôbê đến gặp Chúa Giêsu. Simon Phêrô và Giacôbê là môn đệ thứ ba và thứ bốn. Tiếp theo là Philíphê, cùng quê với Anrê và Simon Phêrô, rồi Nathanaen -qua Philíphê- được Chúa Giêsu cho nhập vào Nhóm các môn đệ thân tín (Ga 1:40-51). Còn Phúc âm Mátthêu thì kể Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là bốn môn đệ đầu tiên. Mátthêu cũng cho biết chính ông được Chúa Giêsu mời đi theo Người khi ông đang thi hành công việc của một nhân viên thu thuế (Mt 9:9).

2. Tin Mừng Máccô và Luca tường thuật một cách chi tiết và trang trọng việc Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai như sau:

“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ qủi” (Mc 3:13-15).

“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy Mười Hai ông và gọi là Tông đồ” (Lc 6:12-13).

Nhóm Mười Hai gồm: Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan (con Dêbeđê), Anrê, Philíphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê (con Anphê), Tađêô, Simon (nhóm Quá Khích), và Giuđa Ítcariốt.

Trong tường thuật của mình, Máccô nêu mục đích của việc Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai (ở với Chúa + được Chúa sai đi rao giảng). Còn Luca thì cho biết danh xưng chính thức của Nhóm là Tông đồ (Apostolos = người được sai đi).

B. Nếp sống của Nhóm Mười Hai

Nhóm Mười Hai đã sống như một Nhóm truyền đạo lưu động nay đây mai đó theo Chúa Giêsu. Thầy trò sống “tam cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. Nhóm có lúc vui lúc buồn, lúc thành công lúc thất bại, lúc gắn bó lúc bất hòa, lúc no say lúc đói khổ. Các môn đệ được Đức Giêsu ban cho quyền trừ qủi, chữa bệnh và rao giảng.

Chúa Giêsu đã dày công huấn luyện các môn đệ của mình. Người kiên nhẫn chỉ vẽ cặn kẽ từng li từng tí cho các ông. Người dạy dỗ huấn luyện các ông không chỉ bằng lời nói mà còn và nhất là bằng hành động, bằng cách sống của Người. Chúa Giêsu rất ưa thích việc chia sẻ tâm tình với các môn đệ. Chúa Giêsu đã bộc lộ một tình yêu cao cả, vĩ đại với các môn đệ. Thậm chí Người coi họ là những người bạn tâm phúc (Ga 15:15), Người hé mở những “bí mật” (mầu nhiệm) của Thiên Chúa cho họ.

II. Cộng đoàn Tín hữu đầu tiên trong Sách Tông đồ Công vụ

A. Từ hai bản văn của Sách Tông đồ Công vụ

  • 1. “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2:42-47).
  • 2. “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, đem đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 4:32-35).
B. Đến nếp sống của Cộng đoàn các Tín hữu đầu tiên

  • • Đời sống gắn bó với Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn của Người
  • “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy”
  • • Đời sống hiệp thông, yêu thương, đoàn kết và san sẻ
  • “Luôn luôn hiệp thông với nhau, hiệp nhất với nhau, đồng tâm nhất trí, các tín hữu đông đảo mà chỉ có một lòng một ý, để mọi sự làm của chung, không ai phải thiếu thốn”
  • • Đời sống phụng vụ bí tích
  • “Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, họ làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ”
  • • Đời sống cầu nguyện
  • “Cầu nguyện không ngừng, chuyên cần đến Đền Thờ, họ ca tụng Thiên Chúa”
  • • Đời sống mang dấu ấn của Thiên Chúa
  • “Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng”
  • • Đời sống chứng tá và lôi cuốn người khác
  • “Các Tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại, họ được toàn dân thương mến”
  • • Đời sống cộng đoàn phát triển
  • “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
III. Các Nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể mô phỏng Nhóm Mười Hai Tông đồ của Chúa Giêsu và Cộng đoàn Tín hữu đầu tiên trong Sách Tông đồ Công vụ

A. Các nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể mô phỏng Nhóm Mười Hai Tông đồ của Chúa Giêsu bằng cách làm nổi bật hai chiều kích:

  • - Xem Chúa Giêsu làm trung tâm, làm người lãnh đạo của Nhóm. Do đó mọi người luôn nỗ lực tìm kiếm Chúa và Thánh Ý Người, qui chiếu về Người qua sinh hoạt chia sẻ Lời Chúa.
  • - Thể hiện tính bình đẳng, liên đới trong Nhóm giữa anh chị em với nhau. Do đó mọi người luôn cùng nhau nỗ lực tìm kiếm gặp gỡ Chúa và thánh ý Người, qui chiếu về Người qua sinh hoạt chia sẻ và sống Lời Chúa.
B. Các nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể mô phỏng Cộng đoàn Tín hữu đâu tiên bằng cách làm nổi bật ba đặc điểm:

  • • Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu qua việc siêng năng nói về Người, cầu nguyện, chúc tụng Thiên Chúa, làm lễ bẻ bánh (Đời sống nội tâm, cầu nguyện, phụng vụ, bí tích).
  • • Sống hiệp thông, thương yêu, đoàn kết, san sẻ giữa anh chị em trong Nhóm để nâng đỡ nhau về tinh thần cũng như vật chất. Chính đời sống huynh đệ này là một chứng tá sống động lôi cuốn nhiều người tham gia Nhóm sinh hoạt.
  • • Sống sứ mạng làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Làm chứng không chỉ với tư cách cá nhân mà còn và nhất là làm chứng với tư cách gia đình Nhóm qua các hoạt động đối ngoại hay các dấn thân phục vụ tha nhân.
Với Mô Hình Mẫu từ Nhóm Mười Hai Tông đồ của Đức Giêsu và từ Cộng đoàn Tín hữu đầu tiên, thì việc tổ chức và hoạt động trung tâm của các nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể là Chia sẻ và Sống Lời Chúa. Do đó, Lời Chúa không chỉ được cử hành, chú giải trong Phụng vụ Lời Chúa giữa Cộng đoàn Giáo xứ, mà còn được chia sẻ trong các nhóm nhỏ nơi môi trường học đường, nghề nghiệp…

Dù sử dụng phương pháp nào để chia sẻ Lời Chúa, thì mục đích của việc chia sẻ ấy vẫn là nối kết Lời Chúa và cuộc sống lại với nhau. Nói cách khác là nối kết đức Tin với việc làm hay làm cho đức Tin có hành động cụ thể.

Nhờ đó mà những dấn thân phục vụ của các nhóm Hiệp Sĩ Thánh Thể đều xuất phát từ việc học hỏi, lắng nghe, cảm nghiệm và chia sẻ Lời Chúa trong Nhóm anh chị em với nhau; để Lời Chúa chính là kim chỉ nam hướng dẫn và Chúa Giêsu Thánh Thể luôn là nguồn sức sống thúc đẩy Người Hiệp Sĩ Thánh Thể Việt Nam cũng như các thế hệ mới của Giáo hội và Đất nước cùng nhau thực hành châm ngôn “Bác ái, Huynh đệ, Hiệp nhất, Phục vụ” trong đời sống hằng ngày giữa lòng xã hội.