DẪN NHẬP VĂN HOÁ GIA ĐÌNH VIỆT NAM (6)



Bài 6 : Những tổ chức quá khứ về gia đình còn được bảo tồn

Trước hai hệ tư tưởng đang thống trị xã hội Việt Nam như ta vừa thấy ở trên, là duy vật xã hội cộng sản và duy vật kinh tế thị trường, vấn đề phải đặt ra là từ những chủ thuyết có nhiều mãnh lực này, những tổ chức quá khứ của văn hoá gia đình Việt Nam có còn được xử dụng và thực hiện không ? Cái gì còn được bảo tồn, được bảo tồn thế nào, kiên cố hay lỏng lẻo ?

Nói đến tổ chức là nói đến những cơ quan, những đơn vị tổ chức của một xã hội, như chính quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp), làng xã, tôn giáo, đảng phái, hội đoàn. Nhưng nói đến tổ chức cũng là nói đến những định chế, phuoưng thức (dòng họ, tổ tiên, đại gia đình, tiểu gia đình, gia trưởng, gia phong, gia pháp, gia huấn,..), lễ nghi (lễ cưới, lễ hỏi, lễ tang, lễ giỗ,. .), vai trò (người cha, người chồng, người vợ, người mẹ, người con, người cháu, người anh, người em, con trai, con gái,..). Giống như trong xí nghiệp, khi nói đến tổ chức, người ta nghĩ ngay đến sơ đồ tổ chức, đến những tiến trình thực hiện, đến hệ thống thư liệu ghi thành văn, đến những chức năng và vai trò của từng bộ phận, từng nhân viên. Trong bài nghiên cứu nhỏ này, tôi xin dùng nghĩa thứ hai của tổ chức.

61. Để có một mấu điểm so sánh, tôi xin khởi đàu với bức tranh mô tả văn hoá gia đình Việt Nam vào năm 1938 đã được Đào Duy Anh phác họa[[1]].

Trước nhất ông nêu ra tám đề mục tổ chức văn hoá gia đình, mà ông gọi là ‘Gia tộc’, còn được bảo tồn. Đó là Thân thích (nội ngọai), Gia trưởng và tộc trưởng, Địa vị đàn bà, Địa vị con cái, Hôn nhân, Kế thừa - Hương hỏa, Chế độ nô tỳ và Nhiệm vụ của gia đình. Và để kết thúc, Đào Duy Anh đã ghi nhận một số những cải tạo gia tộc sau đây :

‘Từ khi vì ảnh hưởng Âu hoá mà trạng thái xã hội nước ta thay đổi thì trong xã hội phát minh nhiều vấn đề, mà vấn đề gia đình là một điều rất trọng yếu. Những nguyên nhân khiến vấn đề gia đình phát sinh; đại khái như sau này :

1) Về phương diện kinh tế, từ khi có chế độ công xưởng khiến một số đông người ở thành thị, trước kia chỉ làm thủ công ở gia đình, phải vào làm thuê trong công xưởng : đàn bà con gái trước kia phần nhiều chỉ ở nhà coi sóc việc gia chánh, cũng phải bỏ xó buồng góc bếp mà đi làm công; vì thế đại gia đình lần lần lìa tan mà thành số nhiều tiểu gia đình, rồi nhân đó phát sinh những vấn đề khác, như vấn đề phân cư, vấn đề phụ nữ lao động v.v...

2) Lại thêm học thuật, luân lý, phong tục cũng lần lần chịu ảnh hưởng của Âu châu mà đổi mới, những thanh niên nam nữ đối với văn hoá cũ có thái đợ hoài nghi và đối với những điều chuyên chế của gia trưởng sinh lòng phản đới, nhân thế mà những vấn đề cá nhân tư cách, tử nữ quyền lợi, tự do luyến ái, tự do kết hôn, nam nữ bình đẳng, lần lượt phát sinh.

3) Nhân ảnh hưởng tư tưởng và văn hoá mới, nên thái độ của thanh niên đối với nhiều quan niệm ở gia đình cũ, như trọng nam khinh nữ, nam nữ hữu biệt, cùng những tập tục cũ, như việc xuất thê, nạp thiếp, lập tự v.v... có cái thái độ khác hẳn xưa, thái độ ấy làm cho vấn đề gia đình càng thêm nghiêm thiết.

Hiện nay nhất là ở thành thị, ta thường thấy vấn đề gia đình biểu hiện bằng những cuộc xung đột của con cái và cha mẹ, những cuộc để vợ của đàn ông làm nên, những vụ trai gái trốn nhà, những án tự sát của thanh niên nam nữ. Những việc ấy trên nhật báo và tạp chí thường thấy đăng luôn. Các tiểu thuyết xuất bản gần đây, một số nhiều cũng lấy vấn đề gia đình làm đề mục. Cứ hiện trạng ấy thì ta thấy rằng chế độ gia đình nước ta cần phải cải tạo mới thích hợp với thời đại mới này’[2][].

Bảng sau đây tóm tắt bức tranh tổ chức văn hoá gia đình mà Đào Duy Anh đã phác họa vào năm 1938 ở Hà Nội, với hai ngăn quan trọng : cái cũ được bảo tồn và cái mới thay vào :

1. CÁI CŨ ĐƯỢC BẢO TỒN

1.1. Thân thích (nội ngọai),

1.1.1. Người cùng họ nội không được lấy nhau. Đó là tội loạn luân

1.1.2. Về họ ngoại, con cô con cậu, hay đội con dì cũng không có phép lấy nhau

1.1.3. Nhưng từ bực cháu trở đi thì không có lệ cấm nữa

1.2. Gia trưởng và tộc trưởng,

1.2.1. Gia trưởng có uy quyền tuyệt đối ở trong nhà; ông là một chủ nhân chuyên chế

1.2.2. Gia trưởng có quyền sở hữu và quản lỳ tài sản của gia đình

1.2.3. Gia trưởng có quyền sở hữu đối với vợ con và có thể bắt đi làm thuê hay đem bán đi được

1.2.4. Gia trưởng có quyền độc đoán về việc hôn nhân của con cái và quyền sinh sát nữa

1.2.5. Nếu gia trưởng chết đi, thì các con trai, từ con trưởng đến con thứ, nếu có vợ có con rồi thì khi ấy mỗi người thành gia trưởng của một gia đình riêng

1.2.6. Người con trai trưởng, ngoài sự làm chủ gia đình riêng, lại còn có tư cách làm trưởng chi họ.

1.2.7. Tất cả những chi họ ấy họp lại thành họ lớn, tức là đại gia tộc, người đứng đàu chi trưởng gọi là tộc trưởng.

1.2.8. Ở Nam Việt thì tộc trưởng là người lớn tuổi hoặc có đừc vong hơn hết trong họ; ở Bắc và Trung Việt thì theo nguyên tắc đích trưởng

1.2.9. Tộc trưởng phải phụng sự tổ tiên

1.2.10. Có quyền dự tất cả các cuộc hội nghị gia tộc của các chi họ,

1.2.11. Phân xử những việc tranh chấp trong họ

1.2.12. Định đoạt hoặc khuyên bảo khi họ hàng có việc hôn tang hoặc việc quan hệ lợi hại khác

1.3. Địa vị đàn bà,

1.3.1. Trọng nam khinh nữ

1.3.2. Đàn bà suốt đời phải tùy thuộc vào đàn ông

1.3.3. Đàn ông có 7 cớ để bỏ vợ

1.3.4. Vợ không bao giờ được kiện chồng

1.3.5. Nếu chồng chết, vợ phải thủ tiết, ở vậy nuôi con

1.3.6. Nếu tái giá, người đàn bà sẽ dứt hết quan hệ với gia đình chồng và con cái.

1.4. Địa vị con cái,

1.4.1. Con cái là sở hữu của cha. Cha không những có quyền bán con, mà có khi đánh chết con cũng không có tội.

1.4.2. Cha là cương của con, theo luân lý tam cương ngũ thường.

1.4.3. Chữ hiếu đứng đầu trăm nết. Hiếu là ‘cha sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế, và cha còn thì phải xem cái chí của cha, cha mất rồi phải xem việc làm của cha, trong ba năm không được đổi đạo của cha.’

1.4.4. Dẫu đã kết hôn, con trưởng phải ở một nhà với cha, cha có bằng lòng mới được ở riêng.

1.4.5. Về việc hôn nhân của con cái thì cha mẹ có quyền độc đoán.

1.4.6. Con cái không có quyền truy tố cha mẹ, không được thất kính, lăng mạ cha mẹ.

1.4.7. Cha mẹ già yếu thì con cái phải phụng dưỡng

1.4.8. Cha mẹ còn sống, thì con cái không được chia gia sản, trừ khi cha mẹ tự chia. Cha mẹ chết thì phải chờ ba năm mãn tang mới được chia.

1.5. Hôn nhân,

1.5.1. Mục đích hôn nhân là duy trì gia thống, cho nên việc hôn nhân là việc chung của gia tộc, chứ không phải việc riêng của con cái.

1.5.2. Mục đích thứ hai của hôn nhân là kinh tế

1.5.3. Môn đăng hộ đối là cần

1.5.4. Tệ tảo hôn, tục chỉ phúc hôn

1.5.5. Nghĩa vụ đới với gia tộc tổ tiên là phải truyền giống về sau để vĩnh truyền tông tộc, cho nên người vô hậu là bất hiếu to

1.5.6. Đàn ông ai cũng phải lấy vợ để sinh con, độc thân chủ nghĩa là đắc tội với tổ tiên và gia tộc

1.5.7. Cái hy vọng lớn nhất của một cặp vợ chồng là sinh được con trai cho nên nếu vợ lấy đã lâu mà không có con thì chồng có quyền để ra hay lấy vợ lẽ.

1.5.8. Theo thói thường khi vợ chính không con hay là lấy chồng lâu mà không có con trai, thì tự mình đi hỏi và cưới thiếp cho chồng.

1.5.9. Người vợ không những là người phải đẻ con cho gia đình chồng, mà lại còn là người phải làm lụng và coi sóc việc nhà cho cha mẹ chồng.

1.5.10. Những nhà giầu có cần nhiều người làm việc, đàn ông thường lấy nhiều vợ hầu giúp đỡ công việc gia đình để khỏi phải nuôi đầy tớ.

1.5.11. Thói thường nhiều vợ lắm con là vinh dự, cho nên ở các nhà giầu sang đèn ông thường lấy nhiều vợ lẽ.

1.5.12. Có khi đàn ông lấy vợ lễ vì lý do tình yêu hay tình dục

1.5.13. Lấy thiếp không cần phải làm lễ cưới.

1.5.14. Nhất thiết vợ lẽ phải phục tùng vợ chính

1.5.15. Thực ra người thiếp chỉ là người đàn bà mà chồng hay vợ chính xuất tiền mua về để sai làm việc nhà và bắt sinh đẻ, cho nên có thể đem đi tặng, hay là bán lại cho người khác được.

1.6. Kế thừa - Hương hỏa,

1.6.1. Kế thừa di thống thuộc về con trai ở giòng đích, mà đích trưởng là trước hết

1.6.2. Trách nhiệm của đích trưởng là tế tự tổ tiên và lưu truyền huyết thống.

1.6.3. Do đó, việc lập tự và lập đích là lẽ thường

1.6.4. Kế thừa di sản cũng lấy con trai làm chủ, nhất là con trai trưởng; nhưng luật pháp và phong tục nước ta không giữ đúng theo nguyên lý ấy, mà cho các con trai khác cũng như con gái, đều có quyền cùng chia di sản với con trưởng.

1.6.5. Trong di sản có một phần không ai được chia mà chỉ người tộc trưởng được giữ để tế tự tổ tiên, tức là phần hương hỏa.

1.6.6. Hương hỏa là của chung của cả họ; người tộc trưởng chỉ được giữ mà hưởng hoa lợi, chứ không có quyền sở hữu

1.6.7. hương hỏa không thể nhường hay bán cho ai được; trừ phi hội đồng gia tộc thuận tình để lấy tiền làm công việc chung cho họ.

1.7. Chế độ nô tỳ

1.7.1. Chế độ nô tỳ không còn nữa. Song các đầy tớ trai gái cũng không được pháp luật xem là bình đẳng với lương dân

1.8. Nhiệm vụ của gia đình

1.8.1. Gia đình là cơ sở của xã hội và có nhiệm vụ nặng nề với xã hội, mà cá nhân chỉ là những phần tử vô danh ở trong gia đình.

1.8.2. Gia trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hết thảy hành vi của người trong nhà.

1.8.3. Nếu gia trưởng phạm tội, thì tùy nặng nhẹ, con cái bị bắt làm nô tỳ, bị tộc tru, hay tru di tam tộc.

1.8.4. Nếu đàn ông bị tội lưu đầy, thì pháp luật bắt cả vợ chính, vợ hầu đều phải đi theo để gia đình khỏi bị chia lìa

1.8.5. Quyền uy của gia đình và gia trưởng được pháp luật bảo vệ : đánh chửi, mưu giết ông bà, cha mẹ, bác chú, cô dì đều bị xử tử hình

1.8.6. Chia gia sản lúc cha mẹ còn sống, không phụng dưỡng cha mẹ già yếu, vui chơi khi có tang,,.. đều là những tội xếp vào thập ác.

2. CÁI MỚI THAY VÀO

2.1. Thân thích (nội ngọai) : Không có gì.

2.2. Gia trưởng và tộc trưởng

2.2.1. Đại gia đình lần lần lìa tan mà thành số nhiều tiểu gia đình

2.2.2. Những thanh niên nam nữ đối với những điều chuyên chế của gia trưởng sinh lòng phản đới

2.3. Địa vị đàn bà,

2.3.1. Trong thực tế, ở gia đình, phong tục hoà hoãn hơn đối với đàn bà, như việc bỏ vợ; có ba trường hợp người chồng không được bỏ vợ : nếu vợ đã dể tang cha mẹ chồng, đã làm nên giầu có, nếu không có chỗ nương tựa khác.

2.3.2. Vợ có đîa vị tương đương với chồng trong thực tế, nhất là trong việc quản lý tài sản

2.3.3. Khi chồng chết, quyền của chủ phụ lại rõ rẽt : mẹ goá quản lý gia chính và giám đốc con cái

2.3.4. Nếu gia đình chỉ có con gái, thì các con gái vẫn được hưởng di sản; con gái trưởng được giữ của hương hoả và thờ phung cha mẹ tổ tiên như con trai trưởng.

2.3.5. Luật Gia Long phạt những người thất kính đối với đàn bà

2.3.6. Đàn bà con gái đi làm công;

2.3.7. Vấn đề phụ nữ lao động

2.3.8. Nhân thế mà những vấn đề cá nhân tư cách, tử nữ quyền lợi,

2.3.9. Nam nữ bình đẳng, lần lượt phát sinh

2.4. Địa vị con cái,

2.4.1. Thực tế khoan dung hơn : cha mà đánh chết conthì bị phạt 100 trượng; khi con đã trưởng thành hoặc đã kết hôn thì cha không có quyền quản lý tài sản của con thứ nữa

2.4.2. Con trai vốn quí hơn con gái, nhất là con trưởng. Nhưng thực tế, trừ một phần hương hỏa về con trai trưởng, ngoài ra trai gái đều được chia phần đều nhau, bất kỳ lớn, nhỏ, con vợ chính, vợ hầu.

2.4.3. Thấy vấn đề gia đình biểu hiện bằng những cuộc xung đột của con cái và cha mẹ,

2.4.4. Những vụ trai gái trốn nhà,

2.4.5. Những án tự sát của thanh niên nam nữ. Những việc ấy trên nhật báo và tạp chí thường thấy đăng luôn. Các tiểu thuyết xuất bản gần đây, một số nhiều cũng lấy vấn đề gia đình làm đề mục

2.5. Hôn nhân,

2.5.1. Ttự do luyến ái, tự do kết hôn,

2.5.2. Thái độ của thanh niên đối với nhiều quan niệm ở gia đình cũ, như trọng nam khinh nữ, nam nữ hữu biệt, cùng những tập tục cũ, như việc xuất thê, nạp thiếp, lập tự v.v... có cái thái độ khác hẳn xưa, thái độ ấy làm cho vấn đề gia đình càng thêm nghiêm thiết.

2.5.3. Những cuộc để vợ của đàn ông làm nên,..Những việc ấy trên nhật báo và tạp chí thường thấy đăng luôn. Các tiểu thuyết xuất bản gần đây, một số nhiều cũng lấy vấn đề gia đình làm đề mục

2.6. Kế thừa - Hương hỏa: Không có gì.

2.7. Chế độ nô tỳ: Không có gì.

2.8. Nhiệm vụ của gia đình

2.8.1. Thực tế khoan dung hơn : người bị án tử hình mà có cha mẹ già quá 70 tuổi thì được tha tội để ở nhà nuôi cha mẹ.

2.8.2. Nếu tất cả anh em một nhà đều bị án tử hình, thì có một người được miễn tội để nuôi cha mẹ

62. Trong những năm 40, 50, 60 và đầu 70, chiến tranh Nam-Bắc, Quốc-Cộng làm đất nước bị chia đôi và theo hai thể chế khác nhau.

Miền Bắc, với thể chế xã hội chủ nghĩa, và trong cao trào cách mạng tháng Tám, mọi người hồ hởi tham gia kháng chiến và tuân theo chỉ đạo tam vô : vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Tất cả những nhận thức và những cơ cấu tổ chức của gia đình cổ truyền đều bị coi là tàn tích của thời phong kiến và bị sao nhãng, nếu không nói là bị loại bỏ, cho tất cả mọi gia đình, xã viên cũng như cán bộ. Nói về việc này, Giáo sư Vũ ngọc Khánh[[3]] đã tóm tắt như sau : « Không rõ do một sự nhận thức quá đáng, một xu hướng thực hiện bừa bãi nào đó, mà gần như ở giai đoạn này có một sự hiểu rất lệch lạc về gia đình ? Gia Ðình không đủ giá trị của một tổ ấm để gắn bó các thành viên lại với nhau. Có thể cái tư tưởng thoát ly của lớp trẻ nào đó, cũng có nguyên nhân ở đây. Một số đông cán bộ - kể cả cán bộ nữ - đều không thấy hết tầm quan trọng của gia đình, mà cứ vin vào cái câu « vì nước không nên nghĩ đến nhà », đến mức quên hẳn nhà mà cũng chẳng là vì nước. Rộng ra một chút, không biết chủ trương từ đâu để người ta phá bỏ các đình chùa, cho đến những nơi có mả mồ cũng không được để yên (nhiều bài báo sau này cho biết nhiều người về quê đau lòng vì không tìm được mộ của người thân). Một số không ít các bản gia phả đã bị huỷ hoại, vừa bị con cháu dốt nát lấy làm giấy cuốn thuốc lá, hoặc vì những người cực đoan cho đó là tài liệu lạc hậu của phong kiến. Giỗ tổ ít người nhớ, thậm chí đến giỗ bố mẹ chỉ được nhắc đến qua loa. Việc liên hệ họ hàng thì phải đề phòng xem người có họ ấy nay có thuộc thành phần bóc lột hay không. Không phải là không có cán bộ dấu lý lịch của mình, và cũng không phải không có những chuyện đau lòng : con không nhìn mặt bố, vợ không nhìn mặt chồng vì sợ liên hệ. »

Miền Nam, với thể chế tự do, văn hoá gia đình Việt Nam cổ truyền tiếp tục chiều hướng năm 1938 mà Ðào Duy Anh đã phác hoạ trên. Nhưng những điều còn được bảo tồn, mỗi ngày mỗi giảm. Trong tám đề mục trên, những điểm còn được bảo tồn thật là ít ỏi. Từ 59 điểm vào năm 1938, vào những năm đầu 70, theo thiển ý, rút xuống còn nhiều lắm là 13 điểm.

CÁI CŨ ĐƯỢC BẢO TỒN

1.1. Thân thích (nội ngọai)

1.1.1. Người cùng họ nội không được lấy nhau. Đó là tội loạn luân

1.1.2. Về họ ngoại, con cô con cậu, hay đội con dì cũng không có phép lấy nhau

1.1.3. Nhưng từ bực cháu trở đi thì không có lệ cấm nữa

1.2. Gia trưởng và tộc trưởng

1.2.1. Gia trưởng có quyền sở hữu và quản lỳ tài sản của gia đình

1.2.2. Nếu gia trưởng chết đi, thì các con trai, từ con trưởng đến con thứ, nếu có vợ có con rồi thì khi ấy mỗi người thành gia trưởng của một gia đình riêng

1.3. Địa vị đàn bà

1.4. Địa vị con cái

1.4.1. Cha là cương của con, theo luân lý tam cương ngũ thường.

1.4.2. Chữ hiếu đứng đầu trăm nết. Hiếu là ‘cha sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế, và cha còn thì phải xem cái chí của cha, cha mất rồi phải xem việc làm của cha, trong ba năm không được đổi đạo của cha.’

1.4.3. Cha mẹ già yếu thì con cái phải phụng dưỡng

1.4.4. Cha mẹ còn sống, thì con cái không được chia gia sản, trừ khi cha mẹ tự chia.

1.5. Hôn nhân

1.5.1. Mục đích hôn nhân là duy trì gia thống,

1.5.2. Mục đích thứ hai của hôn nhân là kinh tế

1.6. Kế thừa - Hương hỏa

1.6.1. Kế thừa di sản cũng lấy con trai làm chủ, nhất là con trai trưởng; nhưng luật pháp và phong tục nước ta không giữ đúng theo nguyên lý ấy, mà cho các con trai khác cũng như con gái, đều có quyền cùng chia di sản với con trưởng.

1.7. Chế độ nô tỳ

1.8. Nhiệm vụ của gia đình

1.8.1. Gia đình là cơ sở của xã hội và có nhiệm vụ nặng nề với xã hội,

May thay, các tôn giáo, dù bị bách hại, kiềm chế hay dụ dỗ, lôi cuốn, vẫn sừng sững đứng đó và đóng góp trung kiên và hữu hiệu vào việc bảo tồn và phát huy nền văn hoá gia đình việt nam lành mạnh và tâm linh, đặc biệt là hai tôn giáo lớn ở Việt Nam, đó là Phật giáo và Công Giáo. Riêng Công giáo, nội cái « lễ » trong đời sống hôn nhân và gia đình hằng ngày của họ cũng đã là một bảo chứng và đóng góp vào việc bảo trì những tổ chức của văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam. Trong bí tích hôn nhân, linh mục đòi hai người nam nữ biểu lộ rõ rệt :

• sự tự do ưng thuận kết hôn,

• sự sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau,

• sự sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái Chúa ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh.

• lời hứa giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.

Tóm lại, qua những trình bày thô sơ trên đây, nếu muốn trả lời cho câu hỏi « Những tổ chức nào của quá khứ còn được bảo tồn hôm nay ». Câu trả lời không đơn giản, nhưng có tế nhị và uyển chuyển; và dường như là một trả lời bằng những câu hỏi khác. Trên phương diện những cơ quan và đơn vị tổ chức xã hội, những cơ quan công quyền, từ lập pháp, sang hành pháp, đến tư pháp, cũng như những tổ chức dân sự tư quyền khác, những tôn giáo, những hội đoàn,.. có chiều hướng bảo vệ văn hoá gia đình truyền thống hay không ? Nhưng sự bảo vệ này, nếu có, có lựa chọn. Thành ra có những thay đổi về định chế (dòng họ, tổ tiên, đại gia đình, tiểu gia đình, gia trưởng, gia phong, gia pháp, gia huấn,..), về lễ nghi (lễ cưới, lễ hỏi, lễ tang, lễ giỗ,. .), về vai trò (người cha, người chồng, người vợ, người mẹ, người con, người cháu, người anh, người em, con trai, con gái,..). Vậy những điều chính yếu và căn bản có còn được bảo tồn, ít nhất là trong những lãnh vực sau đây hay không ?

Hôn nhân vì nghĩa tào khang, nhưng chấp nhận hoà hợp tình yêu.

Gia đình nhỏ thì chú tâm vào vìệc giáo dục nuôi dạy con cái : cho ăn mặc, cho học hành, chịu thương chịu khó vì con và cố gắng để « đức » lại cho con, hầu cho « nhà có phúc ».

Gia đình to thì lo thờ cúng tổ tiên, giữ gìn tôn ti trật tự và những qui phạm với họ hàng và láng diềng, xã hội; nghĩa là tuân theo và giữ gìn những lễ tiết gia đình.

GS Trần Văn Cảnh

(Xin xem tiếp bài 7, 8 và 9)

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Ðào Duy Anh, sđd, tr. 105-122

[2] Ðào Duy Anh, sđd, tr. 121-122

[3] Vũ Ngọc Khánh, sđd, tr. 15-21.