DẪN NHẬP VĂN HOÁ GIA ĐÌNH VIỆT NAM (3)

Bài 3 : Tính chất biến chuyển và hữu cơ của văn hoá gia đình Việt Nam

Trong định nghĩa mà ta vừa nêu ra trên đây, một bản chất nội dung rõ rệt về văn hoá đã được đưa ra. Nội dung này ‘là một hệ thống tổ hợp biểu lộ tác phong, bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luật lệ, giáo dục, văn học, phong tục, tập quán và tất cả những hình thức sinh sống của tập thể con người sống thành xã hội’. Cũng trong định nghĩa này, hai tính chất căn bản của văn hoá đã được xác định, ‘tính chất biến chuyển theo thời gian và môi trường’ và ‘tính chất hệ thống hữu cơ‘.

31. Áp dụng vào lãnh vực gia đình, trong tính chất thứ nhất, tức là ‘tính chất biến chuển theo thời gian và môi trường’, văn hoá gia đình Việt Nam có chiều hướng quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong chiều hướng quá khứ, văn hoá gia đình hay được trình bày trong những truyền thống. Trong hiện tại, nó được diễn giải qua những xung đột đang xẩy ra. Có những xung đột đã dịu xuống vì chiều thắng đã nghiêng hẳn về một phiá, như sự tách biệt dần dà của tiểu gia đình ra khỏi đại gia đình, nam nữ bình đẳng,.. . Có những xung đột mà mức độ xung khắc đang còn mạnh, như hôn nhân dị chủng, dị giáo, ngừa thai, phá thai, ly dị, ly thân. Và qua những xung đột đang diễn biến trong hiện tại, có lẽ những dự phóng tương lai đã và đang được manh nha. Câu hỏi được đặt ra là ‘Đâu là những biến chuyển, những đặc trưng mới của văn hoá gia đình Việt Nam trong tương lai ?’ Có lẽ những khảo cứu dân số, luật học, kinh tế, nhân chủng, lịch sử, tâm lý, chính trị, xã hội,..sẽ soi sáng và giúp tìm ra câu trả lời. Đó là vấn đề của tương lai, ta chưa nắm được. Điều mà ta nắm được là văn hoá và văn hoá gia đình biến đổi theo một chu kỳ ba động tác : bảo tồn cái đã thu thập trong quá khứ, đồng hoá có chọn lựa cái hiện tại và sáng tạo cái tương lai. Ta có thể diễn tả tính chất biến hoá theo thời gian của hệ thống văn hoá qua biểu đồ sau :

Hệ thống văn hóa biến hóa theo thời gian và môi trường


32. Còn tính chất thứ hai, tức là ‘tính chất hệ thống hữu cơ‘, thì văn hoá gia đình Việt Nam, cũng như văn hoá nói chung, là một tổ hợp gồm nhiều bộ phận liên lạc mật thiết và tùy thuộc lẫn lộn vào nhau, trong đó ba bộ phận chức năng chính là thiết kế nhận thức, hành động tổ chức và cải tiến ứng xử. Cái tổ hợp này không phải là một trạng thái tĩnh, nhưng là một hệ thống hữu cơ sinh động, có sinh, có tử, có phát triển, có suy tàn. Sự sinh động này tùy thuộc rất nhiều vào môi trường và lịch sử tiến hoá của văn hoá. Xí nghiệp có lẽ là một hình ảnh diễn tả đày đủ tính cách hệ thống hữu cơ này của văn hoá. Do một nhận thức, xí nghiệp đã được thiết kế để được tạo dựng. Các nhân viên, từ lãnh đạo đến thừa hành, đều đóng góp hành động, tạo thành ra những cơ quan, những nghiệp vụ của xí nghiệp và tổ chức của xí nghiệp. Và tùy theo biến chuyển của thị trường, xí nghiệp phải sáng tạo để cải tiến cách ứng xử. Tìm ra cách ứng xử và cải tiến cách ứng xử là giống như tạo ra một xí nghiệp mới vậy. Và cứ thế chu kỳ thiết kế, hành động, cải tiến, chu kỳ nhận thức, tổ chức, ứng xử xoay vần, trong đó các bộ phận xí nghiệp cấu kết vào nhau để phát triển, lớn lên, hay lụi bại, đóng cửa. Ta có thể mượn biểu đồ các tiến trình tổng quát của xí nghiệp để họa ra cái hệ thống hữu cơ của văn hoá như sau :

Hệ thống hữu cơ văn hóa


Kết hợp hai tính chất biến hoá theo thời gian và môi trường và hệ thống hữu cơ của văn hoá, sau đây ta sẽ lần lượt xem xét nội dung văn hoá gia đình Việt Nam qua những điểm sau đây :

• Những nhận thức quá khứ về gia đình còn được bảo tồn

• Những nhận thức hiên tại về gia đình đang xung đột

• Những tổ chức quá khứ về gia đình còn được bảo tồn

• Những tổ chức mới đang xâm nhập và gây xung đột

• Những ứng xử đang được thiết kế về gia đình

• Những nét chính yếu của văn hoá gia đình Việt Nam

GS Trần Văn Cảnh

(Xin xem tiếp bài 4, 5, 6, 7, 8 và 9)