VĨNH CHÂU : VÙNG ĐẤT THIẾU VẮNG NHỮNG CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO

Vĩnh Châu là mọt huyện ở Tỉnh Sóc Trăng có được một đặc thù trong văn hóa và đời sống mà ít có nơi nào có được bởi giữ bên trong một vốn di sản của cả một cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khơme cùng chung sống qua bao đời bao thế hệ.

Theo số liệu thống kê mới đây của Tỉnh Sóc Trăng thì Huyện Vĩnh Châu hiện tại có tỉ lệ đồng bào người dân tộc khơme chiếm hơn 52% dân số toàn huyện, 12% đồng bào dân tộc Hoa.

Nói đến Vĩnh Châu, thì có lẽ nhiều người sẽ nhớ ngay đến con tôm sú, ruộng muối, củ cải muối và củ hành tím. v.v. Tuy sảm phẩm là ra hết sức đa dạng và phong phú, nhưng cuộc sống người dân Vĩnh Châu còn rất thiếu thốn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 24%, chuyện thất học hoặc phải bỏ học sớm là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Vĩnh Châu còn có một đặc điểm khác mà người viết muốn nói tới chính là trên toàn địa bàn rộng lớn của huyện mà không có lấy một nhà thờ hay nhà nguyện của người công giáo, trong khi người công giáo hiện đang sinh sống tại Vĩnh Châu cũng không ít.

Mỗi Chúa nhật để có thể đi dự lễ, những người công giáo tại huyện Vĩnh Châu phải vượt chặng đường xa hàng mấy chục cây số đến Bạc Liêu, hay qua chợ Ngọc Tố của Huyện Mỹ Xuyên.

Sự vắng mặt của các cộng đoàn công giáo, sự thiếu vắng bóng dáng những ngôi thánh đường… làm cho Vĩnh Châu trở thành 1 “vùng đất trắng” trong bản đồ các họ đạo của tỉnh Sóc Trăng. Thực ra, từ trước năm 1975 tại Vĩnh Châu đã có sự hiện diện của 1 “giáo điểm”… nhưng vì chiên tranh nên giáo điểm nhỏ nhoi này cũng biến mất theo vòng quay của lịch sử.

Sự vắng bóng của các cộng đoàn công giáo cũng làm mờ nhạt hình ảnh về đạo trong tâm thức của người dân Vĩnh Châu. Sự thiếu vắng trên làm cho lương dân không thể nhận biết là có một giáo hội công giáo hiện hữu. Không thấy thì làm sao biết và hiểu được. Mà không hiểu được thì làm sao có thể tin theo?

Ngước nhìn cánh đồng truyền giáo Vĩnh Châu hiện nay, không chỉ người viết, mà bất cứ ai có thiện chí đều ao ước về sự có mặt của một cộng đoàn công giáo, một “giáo điểm truyền giáo”, một ngôi nhà nguyện tại đây.

Đó không chỉ là quyền lợi chính đáng của những người công giáo đang có mặt rải rác tại Vĩnh Châu mà còn là lời giới thiệu Về Chúa cho tất cả mọi người.