Giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam tại Pháp thuộc các lớp tuổi sau dậy thì



Thưa các cha và các quí ông bà,

Tôi rất cảm động đươc mời tham dự khoá hội thảo dành cho các giáo dân đại diện các Cộng đoàn Việt Nam tại Pháp. Gần 70 đại biểu, đại diện cho 19 cộng đoàn qui tụ về đây để cùng nhau hội họp và thảo luận về những đề tài gắn liền đến đời sống của các cộng đoàn, hầu trao đổi kinh nghiệm mà rút tỉa ra những chỉ tiêu hành động cụ thể. Đó quả là việc quan trọng và đáng làm gương mẫu cho nhiều cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại khác. Tôi xin chân thành kính chúc quí Cha và quí Ông bà được đày ơn Chúa và thành công theo ý muốn.

Tiếp theo một chương trình đã được thực hiện từ 4 năm qua : 1- 1991, Bổn phận và vai trò giáo dân; 2- 1992, Sáng kiến, khả năng và đóng góp của giáo dân trong cộng đoàn của mình; 3- 1993, Một số hội đoàn có thể áp dụng trong các cộng đoàn Việt Nam. 4- Năm nay, 1994, chủ đề hội thảo xoay quanh đề tài ‘Việc giáo dục các thanh thiếu niên trong môi trường gia đình Việt Nam tại xã hội Pháp’. Đây quả là một đề tài phong phú và hợp thời, vì trong năm 1994 này, gia đình đã được UNESCO và GIÁO HộI chọn làm NĂM GIA ĐÌNH. Và năm 1993 vừa qua đã được chọn làm năm giới trẻ. Chọn đề tài này, quí vị đã muốn thở cùng nhịp với Giáo Hội, tham gia và chia sẻ những ưu tư và suy nghĩ của các bậc trách nhiệm thế giới hiện nay, đời cũng như đạo.

Với chủ đề ‘Việc giáo dục các thanh thiếu niên trong môi trường gia đình Việt Nam tại xã hội Pháp’, hôm qua quí vị đã thảo luận, dưới sự hướng dẫn của Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, về ‘Hiện trạng thanh thiếu niên của Xã hội Pháp’ và với bà Tạ Thanh Minh Khánh, về ‘Sự quan trọng của việc giáo dục thanh thiếu niên trước tuổi dậy thĩ ‘. Giờ đây, phần tôi, tôi xin mời quí vị trao đổi về khía cạnh ‘Sự quan trọng cũa việc giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam tại Pháp thuộc các lớp tuổi sau dậy thì’.

Dĩ nhiên, về sự quan trọng của việc giáo dục, thì chúng ta, bậc cha mẹ và hữu trách trong các cộng đoàn, chúng ta đã xác tín rồi. Chúng ta ngồi lại đây để trao đổi về kinh nghiệm trong việc giáo dục thì đúng hơn. Tôi xin đặt với quí vị hai câu hỏi và xin gợi vài ý tưởng để mở đầu buổi hội thảo.

1. Tuổi sau dậy thì là gì ? Thanh thiếu niên Việt Nam tại Pháp có nghĩa là gì : là Việt Nam tại Pháp hay là Pháp gốcViệt Nam ?

2. Những điểm nào là quan trọng trong việc giáo dục thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì ?

1. Thanh thiếu niên Việt Nam tại Pháp sau tuổi dậy thì

11. Tuổi dậy thì là một chặng đường quan trọng trong các giai đoạn phát triển của một thanh thiếu niên. Quan trọng vì có những thay đổi lớn lao. Về sinh lý, thanh thiếu niên bỡ ngỡ khám phá ra khả năng truyền sinh được biểu lộ qua những hiện tượng mới thấy trong cơ thể. Họ cũng cảm thấy một sinh lực dồi dào được phát triển một cách quá sung mãn khiến họ đôi khi liều lĩnh quá trớn đến gây ra tai nạn. Về tâm lý, thanh thiếu niên phát hiện ra mình là chủ thể một nhân vị, khác với người khác. Họ cũng nhận ra mình có những ưu tư mới lạ về cuộc đời, đặc biệt là ưu tư về lý tưởng của cuộc sống, ưu tư về nghề nghiệp và ưu tư về xã hội. Họ cũng phát hiện ra một tâm tư mớI, một nhu cầu mới, còn đang bàng bạc, nhưng sao mà hấp dẫn và mạnh mẽ, nhu cầu yêu thương. Thêm vào đó, khả năng tự lập và phán đoán càng ngày càng là một thúc bách, khiến họ hay đặt vấn đề, hay chỉ trích và đôi khi khiến họ thoát ly gia đình.

12. Các nhà tâm lý phát sinh không hoàn toàn đồng ý với nhau về số cac giai đoạn phát triển và về thời kỳ và thởi gian của giai đoạn dậy thì. Nhưng trong đại cương thì, một cách cụ thể, ai cũng đồng ý mà bảo rằng tuổi dậy thì ở vào khoảng từ 11 đến 15 tuổi, nghĩa là ở vào khoảng thiếu thời và quãng những năm trung học đệ nhất cấp, mà phong trào Hướng đạo gọi là lớp tuổi thiếu. Tuổi sau dậy thì, như vậy là ở vào khoảng tuổi kha, tuổi tráng, nói theo kiểu hướng đạo, gồm những năm ở trung học đệ nhị cấp và ở vài năm đầu đại học, nói theo tổ chức học đường hiện nay của Pháp. Cụ thể thì ta có thể bảo rằng tuổi sau dậy thì là tuổi thanh niên, nghĩa là khoảng từ 15 đến 20 tuổi, mà việc quan trọng trước mắt là trực tiếp chuẩn bị vào đới, đời nghề nghiệp để có một nghề, cũng như đời gia đình để có một gia đình và đời xã hội để đóng một vai trò trong môi trường xã hội.

13. Thanh thiếu niên Việt Nam được giáo dục thế nào trong gia đình ? Nhìn vào cách sống và cách giáo dục con cái trong các gia đình Việt Nam tại Pháp hiện nay, bằng lòng hay không bằng lòng, chúng ta thấy đại cương có hai chiều hướng. Chiều hướng muốn làm người Việt tại Pháp và chiều hướng muốn làm người Pháp gốc Việt.

Chiều hướng muốn làm người Việt tại Pháp thì coi trọng môi trường gia đình. Ngôn ngữ duy nhất được xử dụng trong gia đình là tiếng việt. Phương pháp giáo dục đặt nền tảng trên lễ giáo, kỷ luật. Quan niệm xã hội chính yếu là một xã hội gia trưởng nối truyền. Mục tiêu bảo vệ truyền thống.

Chiều hướng muốn làm người Pháp gốc Việt thì, ngược lại, coi trọng môi trường học đường và xí nghiệp. Ngôn ngữ được xử dụng trong gia đình không nhất thiết chỉ là tiếng việt, mà có thể và thường xuyên là tiếng pháp. Phương pháp giáo dục đặt nền tảng trên tự do và trách nhiệm cá nhân. Quan niệm xã hội chính yếu là một xã hội cá nhân sáng tạo. Mục tiêu là đổi mới theo thực tế.

Bảng phân tích đối chiếu sau đây tóm tắt những yếu tố chính yếu của hai chiều hướng giáo dục thanh thiếu niên trong các gia đình Việt Nam ở Pháp.

Yếu tố giáo dục Chiều hướng muốn làm người Việt tại Pháp Chiều hướng muốn làm người Pháp gốc Việt

Môi trường Gia đình Học đường, xí nghiệp

Ngôn ngữ Tiếng việt Tiếng pháp

Phương pháp Lễ giáo, kỷ luật Tự do, trách nhiệm, că nhân

Quan niệm xã hội Xa hội gia trưởng nối truyền Xã hộI cá nhân sáng tạo

Mục tiêu Bảo vệ truyền thống Đổi mới theo thực tế

Chúng ta vừa cùng nhau định nghĩa hai khái niệm quan trọng : sau dậy thì và thanh thiếu niên Việt Nam tại Pháp. Hai quan niệm giáo dục hầu như mặc nhiên đã được chấp nhận. Quan niệm giáo dục theo chiều hướng xã hội, kiểu DURKHEIM, cho rằng giáo dục là một tiến trình trong đó thế hệ đàn anh truyền lại cho thế hệ đàn em những điều mình đã lãnh nhận được từ những thế hệ trước. Và quan niệm giáo dục theo chiều hướng cá nhân, kiểu ROUSSEAU, đặt nặng vai trò cá nhân và cho rắng giáo dục là một tiến trình trong đó mỗi cá nhân, tùy theo hoàn cảnh và sự phát triển của mình, chọn lựa lấy phương pháp, lý tưởng, nội dung và tác nhân thích ứng cho mình. Dẫu là xã hội chủ nghĩa hay cá nhân chủ nghĩa, thì việc giáo dục luôn luôn đòi hỏi mộ số điều quan trọng cần lưu ý. Đó là những điều nào vậy ?

2. Những điều quan trọng trong việc giáo dục thanh thiếu niên sau tuổI dậy thì

Bất cứ hành động giáo dục nào cũng giả thiết ba nhóm yếu tố quan trọng sau đây : 1- tác nhân, 2- mục đích và nội dung, 3- tiến trình và phương pháp.

21. Tác nhân giáo dục. Nói đến giáo dục là ta nghĩ ngay đến người làm giáo dục; cha mẹ, thầy cô, gia đình, nhà trường, hội đoàn, cộng đoàn, xã hội, báo chí, phim ảnh. Ta hay quên tác nhân quan trọng nhất. Đó là chính đương sụ thanh thiếu niên.

Ca ông bà bảo ‘cha mẹ sinh con, trời sinh tính’. Chúng ta, bậc cha mẹ, ai cũng đều thấy cùng một cha mẹ, cùng một nhà cửa, cùng một nếp sống, cùng một gia phong, mà saocon cái khác nhau, đùa thế này, đùa thế kia. Các bậc thầy cô đều nhận rằng : cùng một trường, cùng một thầy, cùng một sách, cùng một cách, cùng một chương trình, mà sao lớp này giỏi, lớp kia dốt. Họ cũng gặp những ngỡ ngàng sung sướng khi hay tin một trò dở mà đậu thi; hoặc chứng kiến những ngỡ ngàng buồn phiền khi hay tin một trò giỏi mà rớt thi; và nỗi buồn đôi khi rất man mác khi hay tin có trò bỏ học, bỏ ngang lúc đàu đã vậy, mà đôi khi bỏ ngang lúc sắp hoặc đang thi.

Suy ra, cha mẹ và thầy cô mới thấy rằng : cha mẹ, nhà cửa, gia phong,. . là quan trọng; nhà trường, tổ chức, thầy cô, sách vở, học trình,.. là quan trọng. Nhưng tác nhân quan trọng nhất, chính yếu nhất và quyết định hơn cả đích thị là chính đương sự thanh thiếu niên. Nói khác đi, thanh thiếu niên phải biết tự giáo dục mình. Trong lá thơ gởi các gia đình, biên vào tháng hai 1994, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã xác định rằng : ‘Tiến trình giáo dục sẽ phải dẫn đến giai đoạn tự giáo dục,mà trong đó, mỗi người trưởng thành về sinh lý và tâm lý phải tự đảm nhiệm lấy việc giáo dục của mình. Dĩ nhiên trong dòng thời gian, giai đoạn tự giáo dục giả thiết các giai đoạn trước, trong đó, thanh thiếu niên đã nhờ thầy và bạn, đã nhận ảnh hưởng của họ và đã biết phân biệt ảnh hưởng nào là tốt, nào là xấu; và trước nữa, họ đã nhận ảnh hưởng của cha mẹ, dẫu đôi khi họ đã chỉ trích. Dẫu sao, để đến được giai đoạn tự giáo dục, thanh thiếu niên đã phải trải qua các giai đoạn giáo dục trước ở gia đình và học đường’.

Làm sao để giúp thanh thiếu niên nhận ra và ý thức được vai trò chủ chốt của họ trong tiến trình giáo dục mà họ đang lãnh nhận ? May thay, nhiều thanh thiếu niên, nhờ quan sát và suy nghĩ, đã tự mình ý thức được điều ấy ! Nhiều thanh thiếu niên đã hiểu được rằng : ở mẫu giáo, 100% điều học được là do cha mẹ hay thầy cô; ở tiểu học, từ 90% đến 70% điều học được đến từ thầy cô, 10% đến 30% là do học trò tìm ra; ở trung học, từ 70% đến 40% điều học được đến từ thầy cô, 30% ến 60% là do học trò tìm ra; ở đại học, từ 40% đến 10% điều học được đến từ thầy cô, 60% đến 90% là do học trò tìm ra.

Tôi có dịp quan sát những học trò trong các lớp đi thi tú tài (bac) hoặc cán sự cao cấo (BTS). Tiến trình phát triển tâm lý của những học trò thi đău, nhất thiết trải qua năm khủng hoảng, cũng là năm ý thức mà họ phải có.

- Khủng hoảng đàu tiên phải vượt qua là ý thức được rằng mình ở trong lớp đi thi

- Khủng hoảng thứ hai phải vượt qua là ý thức được những bài thi mình sễ phải làm khó khăn làm sao, đòi hỏi trình độ nào

- Khủng hoảng thứ ba phải vượt qua là ý thức được nội dung và chương trình mà mình phải nắm chắc trong những môn và bài thi ấy

- Khủng hoảng thứ tư phải vượt qua là ý thức được trình độ hiện tại của mình và sụ cố gắng phải học tập nếu muốn có khả năng thi đău.

- Khủng hoảng thứ năm phải vượt qua là ý thức được rằng về phần mình, mình đã làm hết sức rồi; bây giờ phải tin tưởng vào mình.

Trong việc giáo dục bản thân trong gia đình cũng vậy. Một thanh thiếu niên, để thành công trong việc giáo dục, có lẽ cũng phải trải qua năm giai đoạn ý thức, qua năm giai đoạn khủng hoảng

- Khủng hoảng đàu tiên phải vượt qua là ý thức được hoàn cảnh của mình, về mức độ và khả năng học vấn, thông minh, trí nhớ, trí hiểu, làm việc, chịu khó, chịu cực,.. về tâm tính hướng nội, hướng ngoại, suy lý, tưởng tượng, hiếu động, hiếu cảm,..về hoàn cảnh gia đình mình và địa vị xã hội của nó.

- Khủng hoảng thứ hai phải vượt qua là ý thức được những điều mình muốn đạt, từ nghề nghiệp sẽ hành xử, vai trò và chức vị xã hội muốn đạt thành, đến quan niệm về cuộc sống, lý tưởng về cuộc đời, sứ mệnh muốn thực hiện.

- Khủng hoảng thứ ba phải vượt qua là ý thức được nội dung và những thể hiện của những điều muốn đạt, ít nhất là trong mường tượng tổng quát và xác thực hết sức có thể.

- Khủng hoảng thứ tư phải vượt qua là ý thức được mức độ hiện tại của mình, mức cách biệt giữa mức độ này và mục tiêu của những lý tưởng muốn đạt, và sụ cố gắng phải thực hiện để học tập, tiến bộ hằu thực hiện được những lý tưởng trên.

- Khủng hoảng thứ năm phải vượt qua là ý thức được rằng về phần mình, mình đã làm hết sức rồi; bây giờ phải tin tưởng vào mình, phải có tự tín, và nếu có khuyết điểm, thất bại, thì đó chỉ là dấu chỉ mình đang tiến bộ và cần tìm ra phương pháp hữu hiệu hơn, cố gắng tích cực hơn.

Về phía cha mẹ, một điều hết sức quan trọng mà họ phải làm, nếu muốn giúp con thành công trong việc giáo dục ở giai đoạn này, đó là họ phải biết tôn trọng con cái mình. Cũng trong lá thơ gởi các gia đình, biên vào tháng hai 1994, để kết thúc ý tưởng nhấn mạnh đến sự quan trọng của ý thức bản thân và vai trò chủ chốt của thanh thiếu niên trong việc giáo dục của họ, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã xác định tiếp rằng : ‘Cha mẹ phải biết tôn trọng con cái mình, dầu chúng nhỏ hay lớn. Thái độ tôn trọng này là bất khả khuyết trong mọi giai đoạn giáo dục, ngay cả giai đoạn giáo dục học đường. Nguyên tác phải tôn trọng con cái, nghĩa là phải thừa nhận và phải tôn kính con cái như một ngườI, là một nguyên tắc căn bản của một việc giáo dục chân chính’.

22. Lý tưởng và nội dung giáo dục. Một câu hỏi quan trọng mà cha mẹ hay tự hỏi mình là phải giáo dục thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì theo những mục đích, lý tưởng nào và ở những lãnh vực nào. Câu hỏi này bắt ta phải xác định lý tưởng và nội dung giáo dục. Cũng trong lá thơ gởi các gia đình, biên vào tháng hai 1994, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã giúp ta xác định được mục tiêu và lý tưởng của giáo dục thanh thiếu niên. Theo ngài thì lý tưởng giáo dục công giáo là một giáo dục toàn diện. Trước đó, trong thông điệp ‘Tông Đồ Giáo Dân’, viết vào năm 1988, Ngài đã nhấn mạnh đến khía cạnh đức tin và giáo dục tôn giáo. Nhưng cùng một lúc, Ngài không quên khía cạnh công dân, chính trị, xã hội và nghề nghiệp. Theo Ngài, việc bồi dưỡng đức tin qua việc học hỏi giáo lý, thánh kinh, luân lý công giáo là căn bản. Nhưng đức tin phải là đức tin nhập thế và nhậpthể. Do đó, đức tin phải được thể hiện không chỉ trong lòng mình, ở cộng đoàn mình, ở nhà thờ mình, mà phải sống động cả trong các môi trường khác nữa, nghĩa là các môi trường công dân, chính trị, xã hội và nghề nghiệp. Bởi vậy, việc trau dồi các khả năng chính trị, xã hội, nghề nghiệp, lãnh đạo cũng là những đói tượng và nộI dung mà giáo dục phải gắn bó và bồi dưỡng.

Thực ra, ai trong chúng ta mà không đồng ý như vậy. Có điều trong ưu tư hàng ngày, trong các câu truyện bình nhật, có lẽ chúng ta hơi hạn hẹp hơn. Ai hỏi đến con cái ta, thì hai câu hỏi và trả lời hay được nêu ra nhất là việc học và việc làm của chúng. Nói cho đúng ra, việc học, hiểu theo nghĩa rộng, là có sức khoẻ, có khả năng thông minh, có hiểu biết, có tâm tính quân bình,.. đã gói ghém hết các khía cạnh giáo dục toàn diện rồi. Cũng thế, việc làm, hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm chẳng những nghề nghiệp, mà cả bậc sống, ơn gọi, hoàn cảnh sống,.. cũng đã bao chứa một quan niệm toàn diện về giáo dục rồi. Nhất nữa, nghề nghiệp gồm chọn nghề, học nghề, hành nghề là nỗi ưu tư quan trọng nhất trong tuổI sau dậy thì, ưu tư của cha mẹ đã vậy, mà cũng là ưu tưcủa chính thanh thiếu niên và của cả xã hộI nữa.

Vấn đề đặt ra là phải chọn bậc sống nào, tu trì hay lập gia đình ? Phải chọn nghề nào : nghề được trọng vọng, được lương hậu, được nhàn sướng ? hay để mặc đến đâu hay đó ? Đây là vấn đề rộng lớn vượt quá khuôn khổ của bài gợi ý này. Tôi không dám bàn đến, chỉ xin gợI ra mộ số yếu tố có ảnh hưởng quan trọng là : ơn Chúa, truyền thống gia đình, giao du bạn bè, giai cấp xã hộI và thờI vận.

23. Tiến trình và phương pháp giáo dục. Vấn đề là phải làm sao để giúp con có một giáo dục toàn diện, mà không quên khiá cạnh chọn nghề, học nghề và hành nghề. Vấn đề này liên quan đến nhóm yếu tố thứ ba trong việc giáo dục thanh thiếu niên : tiến trình và phương pháp giáo dục. Ở đây cũng như ở những vấn đề khác về giáo dục, có rất nhiều trả lời khác nhau, tuỳ theo quan niệm và trường phái: theo tự nhiên, theo tự do cá nhân, theo kỷ luật gắt gao, cổ điển, tân thời, thuần lý, duy vật, duy linh, tổng quát, phân tích, thực tiễn,..

Cũng trong thơ gởi các gia đình tháng hai 1994, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã giúp ta xác định được một phương pháp giáo dục căn bản theo Phúc Âm. Đó là phương pháp tình yêu. Theo ngài thì :

" Phúc âm tình yêu là nguồn mạch bất tận nuôi dưỡng các gia đình công giáo. Tất cả tiến trình giáo dục tìm được trong tình yêu sứ nâng đỡ và ý nghĩa sau cùng, vì đó là hiệu quả toàn diện của vợ chồng yêu thương và hoan hỉ cho nhau.

Tình yêu không ngơt bị thử thách : phải cố gắng, phải chịu đựng và đôi khi bị thất vọng trong việc giáo dục. Trong những cơn thử thách ấy, ta phải tìm đến nguồn sức mạnh thiêng liêng, mà không đâu khác hơn là nơi "Đấng đã yêu đến tận cùng". Giáo dục, bởi vậy, nằm trong lòng văn hóa và văn minh tình yêu. Giáo Hội không ngừng cầu nguyện để các gia đình được kiên trì trong trách nhiệm giáo dục của mình, để họ được can đảm, tin tưởng và hy vọng trong khắp các thử thách. Giáo Hội cầu nguyện để văn minh tình yêu giáo dục được phát triển thêm mãi".

Dĩ nhiên thương con không có nghĩa là dung túng, buông thả. Thương con chỉ có nghĩa là lấy tình yêu thương làm động lực mà tìmra phương cách thích hợp, hiệu quả mà giúp chúng. Đặc biệt ở 4 điểm này:

- Thứ nhất là ý muốn chia sẻ các ưu tư của chúng,

- Thứ hai là ưu tư muốn theo dõi việc giao du của chúng,

- Thứ ba là can đảm dám khuyến khích khi chúng làm đúng,

- Thứ tư là quyết chí phải chỉ dẫn khi chúng làm sai.

Thưa các cha và các quí ông bà,

Thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì là giai đoạn quan trọng có nhiều thay đổI lớn lao, mà nhiều gia đình Việt Nam phân vân không biết đi nẻo nào ? Theo chiều hướng làm Việt Nam tại Pháp ? hay làm Pháp gốc Việt Nam ? Việc giáo dục trong giai đoạn này có nhiều điều rất quan trọng phải được lưu ý. Giáo Hội đã ý thức điều ấy và đã gợI ra cho ta những hướng dẫn và giải đáp thích đáng :

- Phải giúp thanh thiếu niên ý thức vai trò quan trọng của họ trong việc giáodục mình.

- Lý tưởng giáo dục công giáo là giáo dục toàn diện.

- Phương pháp giáo dục căn bản là giáo dục bằng tình yêu thương.

Đó là một vài góp nhặt mà tôi xin gởi tặng quí cha và quí ông bà. Nhưng ai cũng biết rằng việc giáo dục là một tiến trình liên tục và cá biệt. Mỗi hoàn cảnh, mỗi cá nhân, mỗi lứa tuổi,. . là một ấn nạn riêng mà câu trả lời thích hợp cần nhiều quan sát, học hỏi, trao đổi, suy nghĩ, cầu nguyện.

Xin mời quí vị bắt đầu ngay. Tôi đã chuẩn bị 20 câu hỏi hướng dẫn suy nghĩ và trao đổi.

Xin cám ơn quí vị.

Câu hỏi hướng dẫn suy nghĩ và trao đổi

Giáo dục Thanh thiếu niên Việt Nam tại Pháp sau tuổi dậy thì

1. Ai là tác nhân quan trọng hơn cả : gia đình, cộng đoàn, hội đoàn, nhà trường, xã hộI, xí nghiệp ?

2. Trong gia đình, sự góp phần của mỗI ngườI là thế nào : cha, mẹ, anh, chị, em, ông bà, chú bác,..?

3. Vai trò nào phải dành cho thanh thiếu niên trong việc giáo dục của họ ?

4. Lý tưởng của phụ huynh có bắt buộc phải là lý tưởng của con không ?

5. Khía cạnh nào là quan trọng phải được lưu ý và phát triển trong việc giáo dục thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì : sinh lý, tình cảm, trí tuệ, tôn giáo, công dân, nghề nghiệp ?

6. Dãu hiệu nào, tiêu chuẩn nào phải nhận ra để đánh giá sự thành công hay thất bại trong việc giáo dục thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì ?

7. Tiến trình và phương pháp nào là thích ứng để giáo dục thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì ?

8. Vai trò của sách báo, phim ảnh, truyền hình là thế nào ?

9. Nên theo dõi thế nào việc học hành, việc sống đạo, nghề nghiệp của con, thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì ?

Làm Việt Nam tại Pháp hay làm Pháp gốc Việt Nam ?

10. Có thể phân biệt được ‘một người Việt tại Pháp’ với ‘một người Pháp gốc Việt’ không ? Qua những dấu hiệu nào ?

11. Lý do nào cắt nghĩa chọn lựa làm người Việt tại Pháp : văn hoá, chủng tộc, kiến thức,..?

12. Đâu là lý tưởng và tâm lý của ‘một người Việt tại Pháp’ ?

13. Có thể làm ‘một người Việt tại Pháp’ đến mức độ nào ?

14. Hoàn cảnh thuận tiện nào phải bồi dưỡng ? hoàn cảnh tai hại nào phải tránh ?

15. Những điểm nào quan trọng cần lưu ý để làm người Việt tại Pháp : gia đình, ngôn ngữ lễ giáo ?

16. Lý do nào cắt nghĩa sự chọn lựa làm người Pháp gốc Việt ?

17. Làm người Pháp gốc Việt nghĩa là làm sao ?

18. Có thể làm ‘một người Pháp gốc Việt’ đến mức độ nào ?

19. Yếu tố nào là quan trọng mà việc giáo dục phải cần lưu ý để thành ‘một người Pháp gốc Việt’ ?

20. Có bắt buộc phải chọn lựa làm ‘một người Việt tại Pháp’ hay làm ‘một người Pháp gốc Việt’ không ? Làm cả hai được không ?