HĂNG SAY TRUYỀN GIÁO

Mùa hè 1996, trước khi lên đường sang Cộng Hòa Trung Phi, tôi được mời tham dự đám cưới của người bạn. Bác của cô dâu là cựu Thừa Sai. Trong bữa tiệc, khi biết tôi sẽ đi Trung Phi, vị cựu Thừa Sai kín đáo nhờ tôi quyên tiền giữa đám khách dự tiệc. Vì ngây thơ nghĩ có lẽ tiền quyên dùng để cám ơn các người giúp buổi tiệc, nên tôi hết sức sốt sắng và khuyến khích thực khách rộng tay làm phúc. Sau khi thu được số tiền lớn, tôi vui mừng mang đến giao cho cô dâu chú rể. Nào ngờ, chú rể bạn tôi đứng lên tuyên bố:

- Benoit à, hôm nay nơi đây đối với chúng ta là ngày vui. Số tiền bạn vừa quyên được, chúng tôi xin gửi tặng các trẻ em của quốc gia bạn định dùng thời gian nghỉ hè để phục vụ. Chúng tôi muốn rằng, một mảnh nhỏ ngày vui hôm nay được chuyển đến người nghèo bạn sắp hân hạnh gặp tại Trung Phi. Chúng tôi ủy thác cho bạn sứ mệnh này.

Niềm vui thật bất ngờ. Tôi cảm động đến rơi lệ.

Trở lại với chuyến đi hè truyền giáo. Chúng tôi phải tự túc phí tổn hành trình. Khi đến nơi, chúng tôi liên hệ với vị Thừa Sai có nhiệm vụ tiếp đón chúng tôi. Vị Thừa Sai có thể là Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ hoặc giáo dân. Trường hợp của tôi thì người tiếp đón tôi là nữ tu, Chị Lucienne.

Tôi đặt chân đến Trung Phi vào ngày đầu tháng 8. Chị Lucienne nhờ tôi làm cuộc kiểm tra dân số và làm gia phả các bộ tộc khác nhau của người lùn Pygmées tại Cộng Hòa Trung Phi. Công việc khá khó khăn, đòi hỏi thời giờ, kiên trì và kiến thức về các vùng địa lý cũng như các bộ tộc khác nhau. Tôi bắt đầu cho vào máy vi-tính các bản lược kê thực hiện trước đó.

Thỉnh thoảng, để đổi chương trình làm việc, tôi chuyển sang kho thuốc. Tôi xếp loại các thứ thuốc khác nhau và ghi tên vào máy vi-tính. Tất cả phải đưa vào vi-tính để giúp cho việc đặt mua thuốc ở nước ngoài được dễ dàng. Đây là công việc chính của tôi suốt trong hai tháng hè làm việc tại Cộng hòa Trung Phi.

Nhờ số tiền quyên được trong bữa tiệc cưới, trước khi lên đường giúp việc truyền giáo, tôi mua rất nhiều dụng cụ học đường như: vở, thước và bút chì. Tại chỗ, tôi mua thêm chiếc ghế lăn cho một thiếu niên tàn tật. Thật cảm động, nhờ chiếc ghế lăn này mà cậu bé có thể tự di chuyển trong rừng già!

Về phía nữ tu Lucienne, Chị rảo quanh các làng mạc người lùn Pygmées để rao giảng Tin Mừng. Đây là công tác truyền giáo vô cùng khó khăn. Bởi lẽ người lùn Pygmées di chuyển không ngừng, từ chỗ này sang chỗ nọ. Họ lại có niềm tin riêng với những nghi lễ tập tục thật đặc thù. . Để công việc tông đồ mang lại thành quả, Chị Lucienne phối hợp việc làm với lời cầu nguyện. Nhờ thế mà trọn con người và mọi hành động của Chị là chứng tá hùng hồn rao giảng Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Người dân lùn Pygmées không thể không bị lôi cuốn bởi cuộc sống thật đặc biệt của Chị Lucienne. Chị tự tay gầy dựng theo năm tháng ngôi nhà nguyện nhỏ. Nơi đây tôi tham dự các giờ kinh sáng và tối với Chị.

Tôi đến Trung Phi với tâm tình chia sẻ, đón nhận và sống giản dị trong điều kiện thô sơ nhất. Rất nhanh sau đó tôi học biết phải chấp nhận mọi biến cố bất ngờ xảy ra với lòng kiên nhẫn. Tôi thật cảm phục nếp sống của người dân nơi đây. Họ luôn vui tươi, sống hồn nhiên và thích ca hát, nhảy múa theo nhịp trống. Đôi lúc tôi phải bỏ dở công việc để chở cấp cứu người bệnh đến nhà thương. Mục đích của các Thừa Sai là giúp dân bản xứ tự túc, tự cường và tự lực mưu sinh.

Một kinh nghiệm quý hóa trong hai tháng hè phục vụ tại Trung Phi là tôi nhận được nhiều thư từ của gia đình và của bạn bè. Những cánh thư nâng đỡ tôi rất nhiều. Giờ đây tôi hiểu rằng:

- Kitô-hữu không bao giờ đơn độc và Thừa Sai không bao giờ sống cách biệt riêng rẽ một mình! Tất cả cùng hiệp nhất và hiệp thông trong tình huynh đệ đại đồng.

Chứng từ của Benoit Renard - chuyên viên vi-tính - sống tại Bretagne (Tây Pháp).

(”Annales d'Issoudun”, Juin/1997, trang 206-209).(Radio Vatican)