PHẦN THỨ HAI : CÀNH LÁ CỦA CÂY VĂN HÓA VI ỆT NAM TẠI GIÁO XỨ PARIS

Cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris gặp một môi trường thuận tiện, có đất mầu mỡ, có khí trong lành và có ánh sáng ấm áp, nhiệt độ ôn hòa. Đó là văn hóa Pháp với ba nền tảng vững chắc. Nền tảng khoa học, ưa quan sát, suy nghĩ và thực nghiệm, với truyền thống Hy lạp. Nền tảng tổ chức xã hội theo luật pháp, có cấu trúc, có qui củ và trọng dân chủ, lấy nguồn từ truyền thống La mã. Nền tảng tâm linh, ưa cầu nguyện, chiêm niệm và bác ái lấy từ truyền thống Thiên Chúa giáo và đặc biệt là Công giáo.

Trong môi trường thuận lợi này, cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được trồng từ khoảng sáu chục năm nay, vào những năm 40 tại Paris. Thời gian mọc mầm đã kéo dài khoảng 40 năm. Từ 1980, nghĩa là từ 20 năm nay, cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris sinh nhiều cành, nảy nhiều chồi, với những chi nhánh và lá cành xum xuê, rộng lớn, nhìn thấy từ rất xa.

Giáo Hội Pháp và đặc biệt Địa phận Paris đã nhìn thấy cây văn hóa này phát triển và không ngừng khích lệ, vun trồng, tán thưởng. Tất cả những người Việt Nam ở Pháp, công giáo hay không, đều nhìn ra cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris này. Nhiều khi từ rất xa xôi, ở Mỹ, ở Úc, ở Nhật, ở Việt Nam, hương hoa của cây văn hóa này cũng tỏa lan ra, tàn bóng của nó cũng được nhìn thấy. Nhiều tài liệu văn hóa Giáo Xứ xuất bản đã được phổ biến khắp năm châu lục địa và ở Việt Nam. Một số nhà nghiên cứ văn hóa xã hội đã bắt đầu lưu ý đến Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Tất cả những cành, những nhánh, những lá, những chồi, những hoa, những lá của cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris đều chụm lại vào ba cành cả : xã hội, văn học văn nghệ và giáo dục.



21. Cành xã hội.

Đây có lẽ là cành cả đầu tiên và lâu đời nhất của cây văn hóa Giáo Xứ Việt Nam trồng tại thành phố Paris. Nó có bốn nhánh : nhánh gặp gỡ, nhánh lễ hội chung, nhánh lễ giỗ tư và nhánh liên đới.

211. Nhánh gặp gỡ cơ bản hàng tuần.

Trong cuộc sống hằng ngày, sự gặp gỡ là một sự kiện, một nhu cầu và nhiều khi là mục tiêu. Từ sự gặp gỡ, tạo thành sự hội họp, sự lập nhóm. Sự gặp gỡ là hiện tượng đầu tiên và căn bản của mọi xã hội, và mọi đơn vị xã hội. Người Việt Nam ở Paris có nhiều dịp và nhiều môi trường để gặp gỡ nhau. Tại những quán ăn Việt Nam, tại những chợ Việt Nam...

Nhưng sự gặp gỡ có tổ chức hơn cả là sự gặp gỡ tôn giáo và đặc biệt là công giáo. Không kể những gặp gỡ chuyên biệt, tùy theo lễ hội, tùy theo sở thích, tùy theo năng khiếu, tùy theo nghề nghiệp, những gặp gỡ hàng tuần trong thánh lễ chủ nhật là dịp hâm nóng lại tình việt nam.

Một trong những ngày lễ buộc của người công giáo là đi lễ chủ nhật. Người công giáo việt nam ở Paris có thể đi dự lễ ở nhà thờ tây. Nhưng những lần có thể, người việt nam nào cũng muốn đi lễ ở Giáo Xứ, vì Giáo Xứ là nơi duy nhất ở Paris mà thánh lễ được cử hành cho người việt nam, bằng tiếng việt nam. Trước hoặc sau thánh lễ, thường có những cuộc gặp gỡ khác. Bên cạnh nhà nguyện nơi cử hành thánh lễ, thường có những căn phòng khác, như phòng thư viện, có nhiều sách báo việt nam, quán ăn, nơi bán chỉ những món ăn việt nam, phòng xã hội, nơi giúp giải đáp những khó khăn xã hội như việc làm, sức khỏe...

Thậm chí có nhiều người đi lễ không phải vì đi lễ, mà đi lễ để gặp người việt. Sự gặp gỡ như vậy rõ rệt là một hiện tượng văn hóa nền tảng. Không thể có văn hóa nếu không có gặp gỡ. Qua sự gặp gỡ, những thói quen, phong tục được củng cố, những sinh hoạt được nảy nở và phát triển. Qua sự gặp gỡ, ngôn ngữ được xử dụng và phát triển. Qua sự gặp gỡ, chủng tộc và nòi giống được luân lưu, được đụng chạm, được ý thức và được bảo tồn.

212. Nhánh lễ hội chung.

Đây là một trong những nhánh xanh tươi và um tùm nhất của cây văn hóa việt nam tại giáo xứ. Nó đi từ quán ăn, tết nguyên đán, hai ngày thân hữu tháng năm hàng năm, tết trung thu cho thiếu nhi, lễ giáng sinh có triểm lãm hang đá, lễ cho toàn vùng Paris qua hai dịp lễ lá (tháng 3) và lễ các thánh tử đạo Việ Nam (tháng 9), hành hương, đại hội toàn quốc, đại hội châu âu, đại hội thế giới.

2121. Quán ăn chủ nhật

Ở Giáo Xứ Việt Nam, quán ăn đã được tổ chức từ những năm 1957-1958, khi giáo xứ còn ở số 32 Avenue de l’Observatoire, Paris 14. Từ năm 1968 được tiếp tục ở số 15 rue Boissonade, Paris 14 và từ năm 1998 ở số 2 villa des Epinettes, Paris 17.

Năm 1973 tôi qua Pháp và tu nghiệp tại Lyon. Lúc đó Lyon đã có khoảng vài ba chục quán ăn việt nam. Nhưng chưa có hiệu bán thực phẩm việt nam nào. Cuối tuần những sinh viên việt nam chúng tôi luôn gặp nhau. Họa hoằn có bữa được một bạn trổ tài làm món ăn việt nam : thịt kho, bún chả. Nhưng thịt kho không có nước nắm. Bún chả không có nước mắm và làm bằng ‘spaghetti’. Đến lúc ăn, họa hoằn có bữa được một bạn mang đến một chút nước mắm. Trước nhất, cho mọi người được hửi một cái. Sau đó cho mỗi người thò tay một cái, rồi mút một cái. Ôi chao, sao mà nó ngon thế ! Những lúc ấy, ai cũng ý thức rằng mình là việt nam, từ xương tủy, từ mắt mũi, từ miệng lưỡi.

Đồ ăn việt nam, đối với người việt nam, quả là một nhu yếu phẩm văn hóa quan trọng. Giáo xứ việt nam đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa này. Ở quán ăn giáo xứ việt nam, hàng tuần, không những người việt có thể dùng bữa tại chỗ, mà còn có thể mua một vài thực phẩm khác để mang về dùng tại nhà. Hiện nay, mỗi trưa chủ nhật có khoảng ba xuất ăn : xuất 11 giờ, xuất 12 giờ 30 và xuất 13 giờ 30 khoảng trên dưới 60 chỗ, mà lúc nào cũng chật người. Với khoảng trên dưới 5, 6 euros, mỗi người có được một bữa ăn đầy hương vị việt nam và no lành.

Ngay trước cửa quán ăn có bày bán một số thực phẩm và bánh trái việt nam, nhiều người đã lợi dụng lễ chủ nhật để mua về một ít đậu hũ, một ít bánh chưng, bánh tét, bánh gai, bánh bao...

2122. Tết nguyên đán

Cũng như bất cứ người việt nam nào khác, người việt nam công giáo Paris, hàng năm hội họp lại để mừng tết nguyên đán. Tất cả các tục lệ việt nam đều được cử hành một cách nghiêm trang, đặc biệt là thánh lễ giao thừa.

Vào khoảng 20 giờ, tất cả các giáo hữu tụ họp tại giáo xứ, khởi đầu bằng phần canh thức. Chữ canh thức được diễn tả rất đày đủ, bởi vì mọi người đều thức để mà đợi, đợi trong sự ôn lại tục lệ ngày tết, nhớ lại ông bà, đọc lại một vài trong sử quốc gia, trao đổi một số ý kiến dân tộc... có lẽ ít có đơn vị xã hội nào cử hành canh thức giao thừa một cách ‘văn vẻ như giáo xứ Balê’.

Sau phần canh thức là phần thánh lễ giao thừa. Nói là giao thừa, chứ thực ra không đúng là giao thừa, vì thường bắt đầu khoảng 21 giờ. Không kể những phần nghi lễ hoàn toàn công giáo, hai điểm rất độc đáo văn hóa việt nam. Đó là phần lời nguyện. Tất cả những lời nguyện đều hướng về tổ quốc, đều đượm tình dân tộc, như cầu cho quốc gia được bình an, cầu cho các nhà lãnh đạo biết lấy công ích quốc gia làm chuẩn đích thay vì tư lợi, cầu cho dân tộc được đoàn kết, thương yêu nhau... Rồi qua bài giảng, như là gia trưởng trong đại gia đình giáo xứ, cha giám đốc, vì thường là cha giám đốc chủ tế lễ này, nhắn nhủ cộng đoàn giáo xứ một cách rất khiêm tốn, nhưng không thiếu phần uy quyền về ngững vấn đề cộng đoàn, dân tộc.

Kết lễ thường thường có hai phần rất ư là tết. Đại diện giáo dân, ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ chúc tuổi các cha, các tu sĩ, các bô lão quan viên và toàn thể cộng đoàn. Rồi lời đáp từ của một linh mục cao niên nhất. Rõ rệt là chữ thọ được coi trọng trong ngày tết. Tiếp theo là phần lì xì trong một bao giấy đỏ, một món tiền nho nhỏ được trao cho các hội đoàn thanh thiếu niên. Gọi là nhỏ, chứ thực ra tò mò, tôi hỏi mấy em thiếu nhi, mấy em bật mí rằng khoảng trên dưới trung bình 1.000 euros. Và để kết thúc thánh lễ, tôi để ý từ mấy năm nay, luôn luôn thấy hát bài cầu cho gia đình.

Sau thánh lễ, mọi người đều được mời ra ‘ăn tết’. Trên một bàn dọn sẵn nào bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, nào kẹo mứt, nào trái cây, nào rượu nước, mọi người nâng ly uống với nhau một ly đầu xuân. Cũng lúc này, nhiều người trao cho nhau những gói quà được chuẩn bị từ trước, với lời lẽ và nghi lễ rất ư là tết ‘Xin biếu anh chị chút quà tết’ ! Bạn bè, con cháu, thân thuộc lợi dụng dịp này chúc tuổi nhau. Đôi khi cảm động đến khóc. Mấy năm nay, thường có mấy cặp đã học khóa chuẩn bị hôn nhân đến chúc tuổi tôi vào lúc này ‘chúng em xin chúc tuổi thầy cô’. Rồi một vài học trò cũ ngày xưa ở Việt Nam, trong đó thỉnh thoảng có vài linh mục cũng đến kính cẩn thưa ‘em xin chúc tuổi thầy’.

Ngày mồng một tết nhiều năm vẫn phải đi làm. Với một tinh thần ‘đáo giang tùy khúc, nhập gia tùng tục’, một ngày chủ nhật gần, trước hay sau tết, sẽ được chọn để ăn tết chung, qua một bữa tiệc TÂN NIÊN trọng đại và đông đủ cho toàn cộng đoàn. Bà con họ hàng nhiều khi dành chỗ đến cả năm ba bàn, để cùng gặp nhau trong ngày tết, cho con cháu ăn uống chung và nhận biết anh em !. Và trước, hoặc sau đó, các địa điểm mục vụ, các hội đoàn và đơn vị mục vụ đều lần lượt tổ chức mừng tết riêng. Thành ra ngoài tết chung của giáo xứ, còn tết của Villiers le Bel, tết của Marne la Vallée, tết của Cergy, tết của Ermont, Sarcelles..., tết của Thiếu Nhi, tết của nhóm Taxi, tết của Nhóm Trẻ, tết của các lớp Pháp văn...

2123. Ngày thân hữu.

Ngày thân hữu được kéo dài trong hai ngày, thường vào tháng 5. Nếu Tết nguyên đán được tổ chức có tính cách lẽ nhiều, thì hai ngày thân hữu lại nặng tính chất hội. Vừa là một hội, một hội tự do, một hội vui chơi, một hội giải trí, một hội mua bán đồ vặt. Chả lạ gì khi tên khởi đầu của nó là hai ngày hội chợ : chợ áo quần, chợ sách vở, chợ đồ chơi, chợ thủ công nghệ, chợ thực phẩm, chợ dịch vụ,... Trên dưới ba bốn chục gian hàng, ai muốn mua bán gì túy ý. Qua trên dưới vài ba chục trò giải trí, các thanh thiếu niên có thể câu cá, chạy bao, ném tên,... Thành ra đúng là một cái chợ và là một ngày hội, kẻ mua người bán tấp nập, rồi bất cứ lúc nào, từ sáng sớm 9, 10 giờ đến chiều tối 18, 19 giờ, các gian hàng giải khát và quán ăn luôn luôn mở cửa. Người ta mời nhau uống một ly trà, ăn một miếng bánh, dùng một chén cơm. Bạn bè xa gần lợi dụng dịp này hẹn gặp nhau ở giáo xứ, cho các cháu nhỏ quen biết nhau.

2124. Tết trung thu

Là tết được tổ chức hàng năm cho các em thiếu nhi. Thường được tổ chức vào đầu năm học, khoảng giữa tháng 9, tết trung thu lồng trong khuôn khổ học hỏi tiếng việt là dịp để các em sống văn hóa việt nam một cách cụ thể. Làm đèn rưóc đèn, hát tướng quân, ăn kẹo, ăn bánh, chơi đùa vui vẻ với những trò chơi cổ truyền. Chuyện chú cuội, chuyện cây đa, chuyện chị Hằng các em đều biết cả. Nhiều câu ca dao liên hệ đến mặt trăng, đến thời tiết các em đều thuộc.

2125. Giáng sinh và triển lãm hang đá.

Lễ giáng sinh kỷ niệm việc Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người, giáng sinh tại hang Belem xứ Do Thái là một lễ trọng của người công giáo. Hàng năm có hai ngày đại lễ công giáo làm xao động nhiều tâm hồn giáo dân công giáo đó là lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Được cử hành vào ngày 25 tháng 12 mỗi năm, trong một bầu khí tưng bừng náo nhiệt và vui vẻ. Không những chỉ người công giáo mà cả những người không công giáo cũng đều cử hành lễ này. Nó là ngày lễ gia đình, tương tự như ngày tết nguyên đán của Việt Nam ta. Mọi phần tử gia đình đều tụ họp lại, gặp mặt nhau, chúc sức khỏe, hạnh phúc cho nhau. Vài ba tuần trước, ngay từ đầu tháng 12, những thiệp mừng lễ đã được gửi đi hoặc nhận được.

Đối với người công giáo việt nam, ở quê nhà cũng như ở hải ngoại, ngày lễ Giáng Sinh thường được chuẩn bị ngay từ đầu tháng 12 với việc dựng hang đá, trang trí lại nhà thờ.

Làm một hang đá chung cho cộng đoàn thì năm nào cũng có tại Giáo Xứ Việt Nam. Thỉnh thoảng vào những lễ quan trọng như giáng sinh 25.12.1999, để đón mừng năm hai ngàn, năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, Giáo xứ đã tổ chức một cuộc thi triển lãm hang đá.

Từ tháng 8.1998, Ban Giám Đốc giáo xứ đã thông báo : ‘Để kết hợp giữa văn hóa dân tộc việt nam và văn hóa công giáo, thể hiện đầy đủ tinh thần khó nghèo phúc âm nơi hang Belem, cùng niềm vui đại chúng quốc tế của đại lễ giáng sinh cho mọi tâm hồn thiện chí; Để kỷ niệm 2000 năm ơn cứu chuộc, thiết tưởng không việc làm nào ý nghĩa hơn là ‘làm một hang đá với những nét độc đáo về văn hóa việt nam. Những ông bà nào và anh chị em nào có năng khiếu và sáng kiến, xin làm hang đá dự thi’. Lần lượt các hang đá dự thi được ghi tên. Và từ ngày 19.12.1999, các hang đá từ từ được xây dựng để triển lãm. Cả thảy 17 hang đá đã được thể hiện, trong đó một hang đá chung do giáo xứ làm và 16 hang đá dự thi.

Đi vào nhà nguyện, qua 17 hang đá, ai ai cũng nao nức. Nhiều người thổn thức :’Ôi chao, không lộng lẫy mà đẹp ! Đẹp ơi là đẹp’. Đa số các hang đá đều được thiết kế theo y phục và kiến trúc việt nam, khiến nhiều người nghẹn ngào. Trước những túp lều tranh bé, bên sườn đồi nhỏ, thánh Giuse và Đức Mẹ, khuôn mặt trẻ và y phục việt nam, quì hai bên Chúa hài đồng cuốn khăn việt nam, nhiều người rướm lệ :‘Năm nay thực sự mình mới ăn mừng lễ giáng sinh việt nam’.

Rồi vào chính tối 24 rạng 25, năm nào cũng như năm nào, vào nhà nguyện giáo xứ, một vẻ linh thiêng lạ thường. Khoảng từ 20 giờ là giờ cầu nguyện canh thức. Tổ chức của giờ cầu nguyện này không bị gò bó bởi lễ nghi, mà do sáng kiến tự do của ban phụ trách. Giáng sinh 25.12.99 do ban huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đảm nhận. Đúng 20 giờ, mọi người trong nhà nguyện đều bỡ ngỡ vì tất cả ánh đèn, tất cả âm thanh đều tắt hết. Tối. Im lặng. Từ từ xuất hiện ba màn ảnh lớn với các hình ảnh diển tả lịch sử cứu chuộc. Giải thích và quảng diễn các hình ảnh là giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp và rõ ràng của ba xướng ngôn viên. Tất cả những lời quảng diễn này đã được in trong một tài liệu dầy 14 trang để sẵn từ trước, ở cổng lớn vào nhà nguyện, tùy ai cần, có thể lấy theo dõi. Sau giờ canh thức cầu nguyện là lễ nghi trọng thể kỷ niệm việc Chúa giáng sinh. Nhiều cha cùng đồng tế, trong đó có nhiều cha sinh viên từ việt nam qua du học tại Pháp đến dự. Nhà thờ chật ních, khoảng trên dưới 1.000 giáo dân. Và năm nào cũng vậy, ca đoàn giáo xứ và ban nhạc giáo xứ trình bày những bản nhạc rất sốt sắng. Nhiều người đi ra thánh lễ tâm sự với nhau : ‘Những bài thánh ca mà ban nhạc trình diễn và ban hợp ca đồng ca thật là tuyệt vời. Nhiều lúc trong thánh lễ tôi thấy lòng ngây ngất, đặc biệt với hai bài thánh ca vời vợi cõi lòng Cao cung lên khúc nhạc Thiên Thần Chúa; ... Trong hang Belem, ánh sáng tỏa ra tưng bừng...’

2126. Lễ lá cho vùng Paris.

Hàng năm cứ vào khoảng tháng ba, trên tờ báo giáo xứ có đăng một thông báo đại cương như sau : ‘Cũng như hàng năm, thánh lễ mùa chay của anh chị em vùng Paris sẽ được tổ chức vào chủ nhật lễ lá, ngày... tại... Buổi lễ sẽ được diễn tiến như sau :

- 14 giờ tập họp - xưng tội - gẫm sự thương khó.

- 15 giờ làm phép lá - kiệu là - thánh lễ đồng tế.

- 16 giờ 45 lời cám ơn, giải tán.

Kính mời anh chị em đến tham dự, để dọn mình mừng Chúa Kytô phục sinh, với một tâm hồn thanh sạch, qua phép bí tích hòa giải.

Nhờ tờ thông cáo ấy, đoàn ngũ giáo dân lần lượt kéo nhau về giáo xứ vào đúng ngày chủ nhật lễ lá để cùng hội họp và dự lễ.

Từ 14 giờ, một cung giọng rất bi ai của cả ba miền Bắc, Trung, Nam được lần lượt cất lên qua 15 sự thương khó. Những ai từ lâu chưa được nghe điếu tang, thì có thể tìm thấy cung giọng ấy qua những bài ngắm 15 sự thương khó.

Có năm thay vì ngắm 15 sự thuơng khó, các huynh trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cộng tác với một đoàn thể khác thực hiện hoạt cảnh thương khó. Thí dụ chủ nhật lễ lá 24.03.2002, một hoạt cảnh thương khó đã được Ban Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể và ca đoàn Triều Dâng trình diễn trước bàn thờ nhà nguyện giáo xứ. Với hơn 30 diễn viên, trang phục đơn giản, nhưng trình diễn nhiệt tình và sống động đã làm cả cộng đoàn nhớ lại những giờ phút cuối của cuộc tử nạn do Chúa Kytô thụ chịu. Bố cục hoạt cảnh diễn qua năm tuồng : 1. Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Giệtximani. 2. Thánh Phêrô chối thầy. 3. Chúa Giêsu bị điệu ra trước tổng trấn Philatô. 4. Đường lên núi sọ. 5. Trên đồi Calvê. Với một giọng dẫn giải lúc nhẹ lúc mạnh, lúc tha thiết lúc đanh thép, kèm theo ánh đèn mầu lúc mờ lúc tỏ... chao ôi sao mà cảm động. Cả cộng đoàn khán thính giả bị thu hút... và chìm dắm sống lại cuộc tử nạn của Chúa phục sinh...

Sau ngắm hoặc hoạt cảnh thương khó, bắt đầu từ 15 giờ lễ nghi phụng vụ với lễ nghi làm phép lá, rồi thánh lễ trọng thể,.. Thế là khởi sự một tuần lễ mà người công giáo gọi là tuần thánh. Tiếp theo chủ nhật lễ lá, là thứ năm tuần thánh, cử hành trọng thể ngày Chúa lập bí tích thánh thể và chức linh mục, kèm theo bài học khiêm nhường của lễ rửa chân. Chiều thứ sáu tuần thánh, suy ngắm và suy tôn đường thánh giá, nhắc nhở người giáo dân ‘Muốn vinh quang phải qua thánh giá’. Và chiều thứ bảy, lễ vọng phục sinh cũng được cử hành một cách trọng thể tương tự như lễ giáng sinh. Khác một điều là lễ giáng sinh kỷ niệm việc Chúa nhập thể, lễ phục sinh nhớ lại việc Chúa sống lại, và đặc biệt nhắc giáo dân ôn lại lời hứa trọng thể trong ngày lễ chịu phép rửa, nhắc giáo dân nhớ lại niềm tin của mình, tin vào Thiên Chúa, tin vào Giáo Hội.

2127. Lễ các thánh tử đạo vùng Paris.

Một năm hai lần, tất cả các tín hữu công giáo toàn hai mươi quận Paris và bảy tỉnh ngoại thành : Seine-et-Marne, Yvelynes, Essonne, Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis, Val-de-Marne, Val d’Oise qui tụ về giáo xứ Paris, để hội họp và cử hành thánh hễ. Vào đầu mùa xuân, khoảng tháng 4, họ tụ tập để cử hành lễ lá và mở đầu tuần thánh. Rồi vào tháng 11, họ qui tụ cử hành lễ kỷ niệm các tiền nhân tử đạo việt nam, trong đó có 117 vị đã được Toà Thánh công giáo phong thánh. Sự tổ chức thường cũng giống như lễ lá, được xoay quanh hai phần : phần tập họp, xưng tội từ 14 giờ, rồi 15 giờ kiệu xương thánh các thánh tử đạo, tôn kính qua việc lạy bái, hôn xương thánh và tiếp theo là thánh lễ. Nếu vào chủ nhật lễ lá tháng tư, giáo dân giáo xứ hòa nhịp với giáo dân hoàn vũ để kỷ niệm tuần thương khó của Chúa Cứu Thế, thì vào chủ nhật tháng 11 kính các thánh tử đạo việt nam, giáo hữu lại đặc biệt hướng về quê cha đất tổ việt nam, để cùng chia sẻ nhửng giờ phút ban đầu khó khăn của cuộc sống đạo công giáo ở Việt Nam. Và thường thường tình tự dân tộc được biểu lộ một cách rất cụ thể. Ngày 14.11.1999 trên dưới một ngàn giáo dân đã tụ họp về giáo xứ để mừng lễ các thánh tử đạo việt nam. Họ nhớ lại công ơn các thánh tổ tiên, nhớ lại Giáo Hội quê nhà. Ca đoàn trình diễn bài ‘uống nước nhớ nguồn’. Mọi người đáp lại lời mời gọi của Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng để cứu giúp nạn nhân bão lụt ở Việt Nam. Trong thánh lễ, một khoản tiền 35.000 frs đã quyên được và đã gởi về Việt Nam giúp các nạn nhân bão lụt.

2128. Các đại hội.

Gọi là đại hội vì các lễ hội này vượt trên khuôn khổ Giáo xứ, và vượt trên khuôn khổ vùng Paris. Nó có thể là đại hội toàn quốc, đại hội toàn châu hay đại hội toàn thế giới.

21281. Các đại hội công giáo việt nam ở Pháp.

Ở lãnh vực quốc gia, tức là nước Pháp, thường thường hàng năm hay ít nhất hai ba năm một lần, giáo xứ cộng tác với các địa điểm mục vụ công giáo Việt Nam khác toàn nước Pháp để tổ chức những cuộc gặp gỡ cho giáo dân việt nam trên nước Pháp. Ba loại đại hội quốc gia đã từng được tổ chức từ nhiều năm nay.

Đại hội hành hương Lộ Đức thường được tổ chức hàng năm vào khoảng trước sau 15 tháng 08 cho toàn thể giáo hữu : giáo sĩ cũng như giáo dân. Đây là dịp mà hàng trăm, có khi hàng ngàn các giáo dân việt nam tại Pháp, và nhiều khi từ nhiều nước khác nữa, qui tụ về thành phố Lộ Đức, cùng với cả mấy chục ngàn giáo dân hoàn cầu để gặp nhau, cầu nguyện với nhau dưới sự phù trợ của Đức Mẹ Lộ Đức.

Đại hội toàn quốc ban mục vụ giới trưởng thành

Từ 12 năm nay, cứ vào cuối tuần Lễ Chúa Giêsu Lên TrờI, một Đại hội toàn quốc Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành đã được tổ chức cho các đại diện của các cộng đoàn công giáo việt nam tại Pháp. Trên dưới hàng năm khoảng 50 ông bà đại diện tất cả 32 địa điểm mục vụ việt nam tại Pháp cùng tề tựu về gặp nhau để sưởi ấm lại tinh thần công giáo tiến hành, nhìn lại việc làm đã qua, phác thảo chương trình cho tương lai và cùng học hỏi về một đề tài chuyên biệt.

21282. Đại hội công giáo việt nam Âu châu.

Một đại hội công giáo việt nam đã được tổ chức cho toàn Âu châu từ thứ sáu 02.08 đến chủ nhật 04.08.2002 tại Lộ Đức. Mục tiêu chính là để :

- tạo bầu khí hiệp thông để sống và loan báo tin mừng trong môi trường hiện tại.

- gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm và sáng kiến mục vụ tại mỗi quốc gia.

- Nhận diện những thực tại và những nhu cầu mục vụ mới, nhằm tiến tới định hướng mục vụ chung cho tương lai.

- Hành hương kính Đức Mẹ Lộ Đức

Từ bốn mục tiêu căn bản do ban tổ chức đưa ra như trên, một sinh hoạt cụ thể đã được qui định, trong đó có 3 buổi thuyết trình và hai buổi hội thảo. Ba đề tài chính đã được thuyết trình là : 1. Giới thiệu các cộng đoàn công giáo việt nam tại Âu châu; 2. Niềm vui sống đạo, những yếu tố làm sống cộng đoàn; 3. Nhìn về tương lai của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Âu châu; Một giờ thảo luận dành cho giới trẻ về đề tài ‘Tinh thần hiệp thông của người trẻ’. Một giờ trao đổi dành cho các linh mục, tu sĩ và chủng sinh về hai đề tài : 1. ‘Sống hiệp thông trong đời sống tận hiến’; 2. ‘Sống hiệp thông giữa các cộng đoàn’. Trên ba ngàn người công giáo việt nam từ 12 quốc gia Âu châu đã hồ hởi tiến về Lộ Đức để tham dự đại hội công giáo việt nam Âu châu này.

21283. Đại hội công giáo việt nam thế giới.

Lần đầu tiên một đại hội việt nam công giáo thế giới đã được tổ chức tại Roma là năm 1988, dịp lễ phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam. Trên 15.000 người việt nam khắp năm châu đã về dự đại hội này.

15 năm sau, từ ngày 24 đến 27.07.2003, một đại hội việt nam công giáo thế giới lần thứ hai cũng đã được tổ chức tại Roma. Đã có khoảng trên 10.000 người về tham dự. Với chủ đề ‘Hội ngộ niềm tin’, tuần hội ngộ Roma

1. Ghi nhớ 470 năm tin mừng được rao giảng trên quê hương việt nam.

2. Nhìn về lịch sử, về đời sống đạo, về cánh tuyên chứng đức tin.

3. Chung sức ra khơi, chung sức xây dựng cộng đồng công giáo việt nam hải ngoại, để nó thực sự trở thành một cộng đồng đức tin, cộng đồng truyền giáo, cộng đồng con cháu các thánh tử đạo việt nam.

21284. Đại hội giới trẻ thế giới.

Đây là đại hội đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập từ năm 1986 (ngày 23.03) để mời gọi giới trẻ nhận thức trách nhiệm hầu cùng xây dựng một thế giới mới bằng tình yêu thương và đoàn kết. Chủ đề của đại hộ giới trẻ lần thứ 12 tổ chức tại Paris từ 19 đến 24.08.1997 với đề tài ‘Thưa Thầy, thầy ở đâu ? - Hãy đến mà xem’ đã qui tụ trên 1.500.000 các bạn trẻ khắp thế giới. Đại hội thứ 15, cử hành tại Roma ngày 20.08.2000 qui tụ trên 3.000.000 bạn trẻ. Đại hội mới nhất, từ 23 đến 28.07.2002 tại Toronto đã lấy chủ đề ‘chúng con là ánh sáng cho thế gian - Chúng con là muối cho đời’. Trong hầu hết các đại hội này, các bạn trẻ việt nam công giáo khắp thế giới đều đông đảo về dự.

Trong đại hội thứ 12 tại Paris từ 19 đến 24.08.1997, khoảng 1.000 bạn trẻ việt nam đến từ nhiều quốc gia : Úc, Mỹ, Anh, Đan Mạch, Đức, Hóa Lan, Bỉ, Áo, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ý... Người bạn trẻ việt nam công giáo đã gặp nhau trên một điểm trụ tại nhà thờ St. Jean Baptiste de Grenelle, quận 15 để học hỏi giáo lý, cầu nguyện và tại nhà các cha Thừa sai quận 6 để trình diễn văn nghệ và trao đổi về các nét dân tộc chung với các bạn trẻ á châu khác.

2129. Hành hương.

Mỗi năm nhiều cuộc hành hương đã được tổ chức. Tất cả đều xoay quanh những địa điểm sau đây : Lộ Đức, Thánh địa Giêrusalem, Tòa thánh La mã, Fatima, Lisieux, Loyota, Avila, Vatiago de Compostale, Monltigeon v.v...

Tất cả những cuộc hành hương ấy đều có cùng một mục đích là hâm nóng đức tin, tạo tình đoàn kết giữa những người đồng hương và đồng đạo.

213. Nhánh lễ giỗ tư

Gọi là tư, nhưng những lễ giỗ này rất ư là xã hội và văn hóa, vì nó biểu hiện cách sống cụ thể nơi tư gia của những thành viên của nhóm xã hội nhỏ. Trong nhóm xã hội giáo xứ, các thành viên thường tổ chức bốn nhóm lễ hoặc giỗ tư này : sinh đẻ, cưới hỏi, tang chế, giỗ. Cả bốn lễ giỗ này đều xa gần dính líu đến giáo xứ vì trong cả bốn lễ giỗ này đều có sự tham dự của đại diện giáo xứ : lễ rửa tội, lễ cưới, lễ an táng, lễ giỗ.

2131. Các lễ liên hệ đến sinh đẻ.

Sinh đẻ là một hiện tượng sinh học, nhưng nó trở thành hiện tượng văn hóa vì nó được kèm theo những lễ nghi xã hội. Đối với người công giáo, lễ nghi đi theo sự sinh đẻ là lễ rửa tội. Qua lễ rửa tội, đại diện cho hài nhi, bậc cha mẹ xin cho nó được gia nhập Giáo Hội, xin thề từ bỏ sự dữ và xin tin vào Thiên Chúa, tin vào sự sống vĩnh cửu, tin vào Giáo Hội. Qua lễ rửa tội, gia đình qui tụ lại bên một đại diện của Giáo Hội, đại diện của cộng đoàn, cùng hân hoan chào mừng sự vào đời của hài nhi và chào mừng sự gia nhập Giáo Hội của nó. Thường thì lễ rửa tội được cử hành một cách riêng tư, giữa những người thân mật của gia đình.

Đặc biệt ngày đầu năm của thiên niên kỷ mới, ngày 01.01.2000, để mở đầu năm đạo thánh, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ đã vui mừng và cảm tạ dâng lễ chúc 26 em nhỏ được lãnh bí tích rửa tội, do đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tốt và đức ông Giuse Mai Đức Vinh cử hành.

Rồi hàng năm, tại tư gia, bậc phụ huynh thuờng tổ chức lễ sinh nhật cho các em. Đây là dịp để hội họp gia đình và bạn bè của cha mẹ cũng như của các em nhỏ. Lễ sinh nhật này hầu như được mọi gia đình việt nam tổ chức. Đây có lẽ là thói quen mà các gia đình việt nam bắt chước các gia đình âu mỹ.

2132. Lễ cưới hỏi.

Người việt nam ai cũng coi trọng gia đình. Người việt nam công giáo lại còn nhấn mạnh thêm sự quan trọng của gia đình bằng việc chuẩn bị tinh thần cho đôi lứa một cách nghiêm chỉnh và cử hành lễ nghi một cách trang trọng truớc sự chứng kiến của đôi bên hai họ và của linh mục đại diện giáo hội.

Lễ cưới công giáo tại nhà thờ thường được cử hành sau lễ nghi dân sự tại tòa thị chính. Tùy theo đôi tân hôn muốn cử hành trọng thể hay không, muốn mời nhiều, mời ít, muốn làm to làm nhỏ, lễ cưới có thể chỉ có sự hiện diện của những người thân thiết gần gủi, hay được mở rộng ra nhiều hơn trong các thành viên của cộng đoàn. Hàng năm, hai mùa nhiều đám cưới hơn cả là mùa hè và mùa tết, với số trung bình khoảng hai ba chục đôi mỗi mùa.

Cũng một thứ ảnh hưởng xã hội âu mỹ, nhiều cặp tân hôn kỷ niệm sinh nhật hôn lễ hàng năm. Và riêng trong khuôn khổ giáo xứ, kể từ năm 1996, cũng hàng năm vào lễ Thánh Gia, sau giáng sinh, một lễ kỷ niệm hôn phối cho các phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh kỷ niệm 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45, 50, 55, 60... năm hôn phối.

2133. Tang chế.

Một tín hữu ở trong giáo xứ, giáo dân hay giáo sĩ, khi qua đời, thường thường có nhiều nghi lễ sẽ được cử hành.

Trước nhất là tang lễ. Bất kỳ ai trong cộng đoàn khi qua đời, đều được quyền xin một đại diện trong ban giám đốc đến cử hành tang lễ. Tang lễ có khi đơn giản tại nghĩa trang, hoặc trọng thể hơn được cử hành trong một nhà nguyện, rồi ngoài nghĩa trang.

Song song với tang lễ, trong tháng qua đời, trên báo giáo xứ thường xuất hiện những thiệp báo tang, những lời phân ưu, phúng điếu, những lời cảm tạ. Đối với những người có công tham gia nhiều vào các sinh hoạt của giáo xứ, hoặc của Giáo Hội, người ta đọc được trên báo giáo xứ một đôi bài tưởng niệm. Đó là trường hợp những bài tưởng niệm về Cha Lượng, thành viên ban giám đốc lâu năm, bài tưởng niệm về Cha Tín có công đào tạo nhiều giáo sĩ cho Giáo Hội việt nam và tham dự nhiều vào việc đào tạo giáo dân tại giáo xứ trong nhóm thần học giáo dân. Bài tưởng niệm về sư huynh Trần Văn Nghiêm, nguyên khoa trưởng phân khoa sư phạm đại học Đà Lạt, đã tích cực tham gia nhiều trong ban thần học giáo dân và làm cố vấn nhiều nhiệm kỳ trong Hội Đồng Mục Vụ. Bài tưởng niệm ông Nguyễn Tiến Đạt, nguyên thủ quỹ nhiều nhiệm kỳ trong ban thường vụ hội đồng mục vụ. Bài tưởng niệm ông Trương Thành Khán, cán bộ tích cực của phong trào Cursillo. Bài tưởng niệm linh mục Thanh Lãng, Đinh Xuân Nguyên. Bài tưởng niệm đức ông Nguyễn Văn Lập, cựu viện trưởng viện đại học Đà Lạt. Bài tưởng niệm đức hồng y Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình tại Tòa Thánh.

Ngoài ra, trong các lễ giỗ, và nhất là giỗ trăm ngày, giỗ năm, kín đáo hơn, tư riêng hơn, nhưng hầu như luôn luôn được các gia đình cử hành bằng cách xin một thánh lễ cầu nguyện cho người quá cố. Mỗi lễ chủ nhật thường nghe rao ý chỉ thánh lễ là vậy.

214. Nhánh liên đới

2141. Ý tưởng nền tảng

Liên đới là hướng đi chung của xã hội hôm nay. Con người liên đới với nhau trong mọi phạm vi sinh hoạt, chính trị, xã hội, kinh tế văn hóa và tôn giáo; trong mọi hình thái tập thể, quốc tế, châu lục, quốc gia, sắc tộc, cộng đồng, cộng đòan, ngành nghề, giới phái, lứa tuổi. .. «Liên đới huynh đệ» là câu nói đầu lưỡi của con người từ sau đại chiến thứ hai, và đặc biệt từ đầu niên kỷ này. Vì thế, không lạ gì Công Đồng Vatican II (1960-1965) đã nhiều lần nhấn mạnh đến tinh thần liên đới mà người công giáo phải ý thức và phải thực hiện. Không thể trích dẫn tòan vẹn, chúng ta tóm lược giáo huấn của Công Đồng như sau :

«Thiên Chúa đã tạo dựng con người không phải để sống riêng rẽ nhưng để tạo nên sự liên kết trong xã hội (MV 32). Ngày nay hơn khi nào hết, thế giới ý thức rằng mọi người đều phải tùy thuộc lẫn nhau trong tinh thần liên đới cần thiết (MV 4). Mỗi người phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như là một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay (MV 30). Vì thế Giáo Hội luôn tìm cách thiết lập nền tảng vững chăc cho nền liên đới xã hội (MV 89). Người kitô hữu phải tìm cách dung hòa sáng kiến cá nhân với tình liên đới và với những đòi hỏi của tòan thể xã hội (MV 75). Người giáo dân phải liên kết với đồng bào mình để làm triển nở mối liên kết mới về hiệp nhất và về tình liên đới với hết mọi người (TG 21). Người Kitô hữu phải biến ý nghĩa hiện đại về tình liên đới thành khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ (TĐ 1). Tóm lại, trong Giáo Hội, giáo dân phải liên đới với nhau như các chi thể trong một nhiệm thể (GH7). Tình liên đới đích thực và cao độ ấy phải được thể hiện cụ thể và lâu bền trong Dân Chúa (GH 13), trong mỗi Cộng Đoàn (MV 32)».

Trong Cộng Đoàn Việt Nam hải ngoại, bất cứ ở châu lục hay quốc gia nào, chúng ta đã có nhiều hình thức liên đới cơ bản : Liên đới trong niềm tin, liên đới trong tình tự dân tộc, trong ngôn ngữ và văn hóa, liên đới trong hoàn cảnh sống tha hương nơi xứ người, liên đới trong một đoàn thể công giáo tiến hành... Chính nhờ những mối tình liên đới đó mà cộng đoàn chúng ta thành hình, sống mạnh, có thể trở thành một cộng đòan hay một giáo xứ sinh động ngang hàng và còn hơn bao nhiêu cộng đòan hay giáo xứ địa phưong hay sắc tộc khác... Thế nhưng, hôm nay chúng tôi muốn đề nghị một hình thức liên đới khác, được coi như một sinh hoạt mục vụ thích ứng với tinh thần và nếp sống của người kitô hữu Việt Nam hải ngoại hiện nay : Liên Đới Nghề Nghiệp.

Trở về nguồn : Liên đới nghề nghiệp không phải là điều mới lạ. Dưới những danh xưng, chủ đích và hình thái tổ chức khác nhau, xã hội cũng như tôn giáo, liên đới nghề nghiệp đã có từ lâu đời rồi. Như ở Việt Nam, chúng ta biết «những người cùng làm một nghề họp nhau lại để giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, gọi là Phường. Phuờng có thể có giấy phép của chính quyền để hoạt động, hoặc phường cứ hoạt động theo tục lệ và không phạm tới phép làng. Dưới thời Pháp thuộc, nhiều phường ở làng quê xin cấp giấy phép để được có tư cách pháp nhân, vì thường phường cũng có tài sản và tiền nong. Thường mỗi phường thờ một thánh sư và hàng năm có ngày giỗ Thánh sư gọi là ngày giỗ phường (1) Tại Nghệ Tĩnh trong các làng quê, có phường vải, phường củi, phường đan, phường nón... Những người đi buôn bán ngược xuôi cũng họp nhau thành phường buôn : phường gạo, phường chè, phường củ nâu... Các nghệ sĩ họp lại thành phường chèo, phường bát âm, phường cô đào. Những người cùng quê quán làm ăn nơi khác, nhất là ở đô thị, lại họp nhau thành họ : Họ Bắc Ninh, họ Thanh Hóa... cũng để nhằm mục đích tương tế. Ngoài ra một số người hạn chế, với mục đích tiết kiệm tập thể giúp nhau phát triển nghề nghiệp họp nhau lại thành: họ bánh chưng, họ giò chả, họ gạo, họ thịt. Ngay vấn đề giải trí, người ta cũng họp thành hội : hội chọi gà, hội chơi diều, hội đua thuyền. .. Ngoài ra các bà cùng lên đồng họp lại thành hội đội bát nhang; những người sinh cùng năm họp nhau lại thành hội đồng tuế...(2) Tại Hà Nội có rất nhiều phường, và mỗi phường ở một khu, sau biến thành phố. Vì thế mới có phố hàng Đào, phố hàng Giấy, phố hàng Đường, phố hàng Chiếu... Tóm lại «Phường là một tập thể, tập thể quy tụ những người cùng nghề». Đi xa hơn, còn có Hội Bách Nghệ là bao nhiêu người làm chung một nghề gì hoặc thợ mộc, hoặc thợ nề, hoặc thợ sơn thợ sắt... Người làm nghề gì vào hội ấy, chọn cử một người làm trưởng hội, hoặc mỗi năm cắt lượt nhau làm trưởng hội một lần để chứa việc hội» (3) Cũng với tinh thần tương trợ mà từ lâu giữa người Việt Nam có lối chơi hụi rất thịnh hành.

Công giáo tiến hành : Giữa người Việt Nam tại quê nhà cũng như ở ngoại quốc, chưa có những đoàn thể công giáo tiến hành dưới dạng thức liên đới nghề nghiệp, ngoại trừ tại Sài Gòn vào các thập niên 1960-1970 có những hội đoàn chuyên biệt như Phong Trào Sinh Viên và Học Sinh Công Giáo, Đoàn Thanh Lao Công (4). Nhưng tại các Giáo Hội Âu Mỹ, kể từ thập niên 1940, đã xuất hiện nhiều đoàn thể công giáo tiến hành dưới dạng thức liên đới nghề nghiệp và mầu sắc xã hội. Vì người viết sống tại Pháp nên xin lấy Gíáo Hội Pháp làm tỉ dụ.

Phong trào Công Giáo Tiến Hành Công Nhân (A.C.O.) từ 1945, nhưng mãi tới 1950 mới được tổ chức thành phong trào quốc tế và được Đức Piô XII chúc lành, khuyến khích. Mục đích của phong trào là đáp ứng những nhu cầu mục vụ và truyền giáo trước những thay đổi lớn về chính trị và làn sóng nghiệp đoàn công nhân sau đệ nhị thế chiến. Người có công trong phong trào này là cha Lombardi dòng Tên, người Ý. Ngài đã đi vận động khắp nơi như Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, Mễ Tây Cơ... để đặt cơ sở phong trào từ giáo xứ, giáo phận, quốc gia và quốc tế. Tại Ý đã có 60 giám mục và 6.000 linh mục tham dự các khoa học hỏi về phong trào. Một Công Nghị Quốc Tế đã được tổ chức tại Roma (1950-1951) (5). Từ đó, phong trào Công Giáo Tiến Hành Công Nhân tại Pháp liên kết hoạt động với các phong trào hay hội đoàn công nhân khác đã có lịch sử lâu đời :

. ACGF (Action Catholique Générale Féminine : Tổng Hội Công Giáo Tiến Hành Nữ Giới), thành lập 1933, hiện có 30.000 hội viên, chia thành 3.300 nhóm.

. JOC (Jeunesse Ouvrière Chrétienne : Thanh niên Thợ Thuyền Kitô Giáo), thành lập 1926. Hiện nay, Đại Hội thường niên có trên dưới 100.000 người trẻ tham dự, và sinh hoạt thường xuyên trong 12.000 tổ.

. JIC (Jeunesse Indépendante Chrétienne : Thanh niên Kitô Giáo làm nghề tự do), thành lập 1935, hiện nay có chừng 4.000 người trẻ, đa số thuộc gia đình trung lưu hay qúy tộc.

. MRJC (Mouvement Rural de Jeunesse Chrétienne : Phong Trào Thanh Niên Thôn Quê Kitô Giáo) Hiện nay phong trào gồm 3 ngành : Jac (Jeunesse Agricole Chrétienne : Giới trẻ Nông thôn Kitô) 15%; JTS (Jeunes Travailleurs Salariés : Giới trẻ công nhân) 15%; GE (Groupe École : giới trẻ còn là học sinh và sinh viên), 60%. Còn 10% người trẻ thuộc các môi trường khác.

. JEC (Jeunesse Étudiante Chrétienne : Nữ Sinh Viên Kitô), thành lập từ 1929, hiện nay có chừng 1.500 hội viên từ 15-25 tuổi (6).

Một trong những người đã đem Công Giáo Tiến hành vào thế giới thợ thuyền là Đức Hồng Y Cardjin, người Bỉ. Ngài đã nói : «Trong thế giới lao động có nhiều ngành nghề, mỗi người kitô hữu làm cùng một nghề nên ngồi lại với nhau để chia sẻ cho nhau kinh nghiệm và vui buồn trong nghề, cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa hầu có thêm nghị lực sống đạo trong việc làm mỗi ngày, cùng nhau tìm ra những sinh hoạt tông đồ và truyền giáo thích hợp với nghề nghiệp riêng của mình. Lời Chúa đến với thế giới qua họ, Giáo Hội hiện diện được trong mọi môi trường nhân loại nhờ họ. Đó chính là những mục tiêu mà Liên đới nghề nghiệp nhằm tới». (7) Ý kiến của Đức Hồng Y Cardjin còn giá trị quy ước cho những hình thái Liên đới nghề nghiệp hôm nay.

Sau 27 năm sống tại xứ người, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc. .. nhờ ơn Chúa và với sự cố gắng riêng, chúng ta đã an cư lạc nghiệp. Nghĩa là mỗi người đã có một công ăn việc làm, nói khác đã có «một nghề». Và trong cộng đoàn lớn, nhiều người làm một nghề giống nhau : nghề buôn bán, nghề vi tính, nghề trưng sửa nhà cửa, nghề y tá... Tùy theo từng nơi, nhưng với kinh nghiệm mục vụ tại Paris, chúng tôi tạm phân loại thành 5 ngành :

. Xây Dựng gồm chuyên viên ngành Chỉnh-Trang (renovateur), ngành Điện, ngành Khóa cửa, ngành Nước-Sưởi, ngành Mộc, ngành Sơn...

. Doanh Thương gồm nhà Hàng Ăn, Tiệm May, Giặt ủi, Sửa quần áo, Quán Càphê, Cây xăng, hãng sửa xe, Cửa tiệm...

. Dịch Vụ gồm các loại chuyên viên Ngân Hàng, Vi Tính, Điện Tử, Kế Toán, Cơ Khí, Thủ Kho, Bán Hàng, Thu Ngân, Thợ May, Thư Ký, Công Chức, Y Tá...

. Chuyên Gia gồm Kỹ Sư, Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ, Luật Gia, Tư Vấn...

. Thân Hữu Taxi gồm những người sống bằng nghề lái Taxi. Riêng tại Paris có tới 50 người Công Giáo Việt Nam lái Taxi giữa hàng trăm người Việt Nam chạy Taxi và ước chừng 500-600 người Á châu sống bằng ngành nghề Taxi này. Vì thế đây là một môi trường tông đồ giáo dân rất chuyên biệt và thực tế.

Giáo dân trong Cộng Đoàn làm nhiều ngành nghề khác nhau và dĩ nhiên nghề nào cũng cao qúy, vì «nhất nghệ tinh, nhất thân vinh». Trong sinh hoạt cộng đoàn, họ đã có nhiều cách liên hệ với nhau rất thân thiết, như các Cursilistas, các hội viên Legio, các thành viên Ca Đoàn... nhưng trong phạm vi nghề nghiệp, họ chỉ mới biết nhau cách lẻ tẻ, thân quen riêng, chứ chưa có dịp để gặp gỡ theo khuôn khổ và tinh thần cộng đoàn, để biết nhau hơn, thân nhau hơn và chia sẻ với nhau về nghề nghiệp. Đang khi đó ai cũng biết tại xứ người mọi khía cạnh đều phức tạp : ngôn ngữ, tâm lý, kỹ thuật, luật xã hội, tương quan với chủ nhân, với bạn đồng nghiệp... Hơn thế, là người công giáo, người giáo dân có thể nhiều hay ít, thường xuyên hay thỉnh thỏang, gặp những vấn đề trực tiếp hay liên hệ đến đức tin và đến lương tâm kitô giáo trong ngành nghề. Liên đới nghề nghiệp có thể là một hình thức «Mục Vụ dành cho Người Trẻ». Bởi vì các bạn trẻ Việt Nam ở khắp nơi rất thành công trong việc học để có một nghề sống. Giai đoạn đầu tiên bước vào nghề nghiệp, các bạn trẻ cần được liên đới chia sẻ về nhiều phạm vi, kể từ « cách tìm việc ». Đây cũng là giai đoạn có nhiều ảnh hưởng không thuận lợi cho đời sống đức tin, đời sống luân lý của người trẻ, nhất là khi họ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trên đường đời. Ngay buổi đầu, người trẻ cần được chỉ dẫn và nâng đỡ bởi các bậc đàn anh... để sau đó, đến lượt họ, họ sẽ chỉ dẫn cho các bạn trẻ đàn em của họ. Đó, một khia cạnh mục vụ rất quan trọng hàm súc trong tổ chức Liên Đới Nghề Nghiệp của một Cộng Đoàn. Ý nghĩa mục vụ của Liên Đới Nghề Nghiệp quá sâu rộng, chúng ta khó múc ra hết và trình bày đầy đủ.

2142. Đại hội liên đới nghề nghiệp

Trên đây là những ý niệm căn bản mà Linh mục Mai đức Vinh và Giáo sư Trần Văn Cảnh đã suy nghĩ từ những năm 1996, 1997 và đã trình bày cùng cộng đoàn qua báo Giáo Xứ Việt Nam, số 192, ngày 01.04.2003. Trên nền tảng của những ý tưởng này, đại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ nhất đã dược tổ chức vào ngày 01.05.2000, với gần 200 người tham dự, gồm các anh chị em thuộc các nhóm Chuyên Gia, Dịch vụ, Doanh Thương, Thân Hữu Taxi và xây Dựng. Công việc điều hành đại hội được nghi nhận như sau:

- Phối hợp chương trình: Luật sư Lê Đình Thông,

- Điều hợp trao đổi: Giáo sư Trần Văn Cảnh

- Giúp vui văn nghệ: Anh Lê Như Quốc Khánh và các bạn trẻ

- Chuyên trách ẩm thực: Anh Nguyễn Năng Định và chị Nguyễn Văn Sáng.

Ngay từ trưa, Chị Mỹ Phước và Chị Kim Phượng đã kê sẵn ba bàn tiếp tân tại cửa ra vào. Cầu thang kẻ lên người xuống. Các lối đi và phòng họp đều được dán ‘áp phích’ Gặp Gỡ Liên Đới Nghề Nghiệp. Phòng khánh tiết đèn sáng trưng. Tiếng thử âm thanh của anh Nguyên nhè nhẹ vang lên những lời ca dân tộc. Hai màn ảnh được dựng lên. Các ghế xếp đặt ngay ngắn. Dưới bếp, các chị cho bật gaz, nổi lửa... Tất cả đã làm cho khuôn viên Giáo xứ rộn lên bầu không khí vui tươi và nhộn nhịp để đón khách về tham dự.

Chiều nay trời thật đẹp, nhiệt độ đầu mùa hè mát dịu. Người khách đầu tiên đã bước vào cổng. Rồi những người kế tiếp đều dừng chân nơi bàn tiếp tân. Mỗi người được gắn huy hiệu và lấy làm vinh dự đi phó hội Ngày Liên Đới Nghề Nghiệp. Tiếng cười xen lẫn lời chào hỏi và làm quen. Vui ơi là vui. Một số người vừa ghi tên trên bảng tên vừa nói: ‘Tổ chức to thế cơ à, qui củ quá’. Không đầy nửa đồng hồ, kẻ trước người sau đã ngồi đầy các hàng nghế trong phòng họp. Đại hội đi vào sinh hoạt.

Chào mừng Đại Hội : Luật sư Lê Đình Thông đã nêu bật ý nghĩa của ngày Liên Đới và tuyên bố rằng: Cũng trong giờ này, bên Roma Đức Thánh Cha đang cử hành Ngày Năm Thánh với giới lao động. Trong khuôn khổ Giáo xứ, dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse thợ, chúng ta bắt đầu Đại hội Liên Đới Nhgề Nghiệp, qui tụ 5 nghành nghề: Chuyên gia, Dịch vụ, Doanh thương, Thân hữu Taxi và Xây dựng. Lời tuyên bố vừa xong, thì trên màn ảnh xuất hiện một bên hình Thánh Giuse và bên kia chương trình đại hội. Thật đẹp và nhịp nhàng. Lập tức, hội trường đứng lên vỗ tay chào mừng.

Mở đầu đại hội, Đức Ông Giám đốc Mai Đức Vinh nồng nghiệt khen ngợi sự có mặt của mọi người mới quí và đáng kể cho đại hội. Đức Ông nhấn mạnh đến mục đích mục vụ của liên kết những người trong cộng đoàn làm chung một nghề. Yếu tố thành công là đoàn kết để xây dựng.

Là người đứng ra tổ chức đại hội, Cha Đinh Đồng Thượng Sách nói mục đích của ngày gặp gỡ là họp mặt, tiếp xúc và trao đổi. Giáo xứ muốn cho các nghành nghề liên kết với nhau là để đáp lại lời yêu cầu của ĐHY Tổng Giám mục giáo phận Paris Thực hiện trong năm 1999, là Năm Bác Ái. (xin xem Thư ngỏ của Ban Giám Đốc và Hội Đồng Mục vụ, đăng trong báo Giáo Xứ với chủ đề Năm Bác Ái, số 151, ngày 1/ 3/1999, trang 16-18)

Bác Sỹ Nguyễn Ngọc Đỉnh, chủ tịch HộI Đồng Mục Vụ, công bố nêu lên tính cách hữu lý của sự liên đới nghề nghiệp và công bố Ban đại diện các nhóm. Giáo xứ là của mọi người và mọi người đều được tôn trọng và có chỗ đứng. Giáo xứ nơi không còn phân biệt tuổi, giai cấp, nghề nghiệp. Mà là nơi hiểu biết nhau, làm quen, trao đổi, tương trợ và cầu nguyện. Tổ chức Liên Đới Nghề Nghiệp là sinh hoạt mới, để ‘nối vòng tay lớn’ và hợp quần gây sức mạnh’ cho tương lại cộng đoàn. Sau đây là đại diện các nhóm nghề nghiệp:

Nhóm Thân hữu Taxi được biểu dương đi tiên phong đã hoạt động từ 3 năm nay.

Đại diện: Anh Nguyễn Minh Dương, Phó đại diện: Anh Trần Xuân Lâm. Ban Đồng hành: ĐÔ Mai ĐứcVinh

Nhóm Chuyên gia: Đại diện: Anh Lương Công Bình, Phó đại diện: Anh Võ Thành Nhân, Thư ký: Chị Lê Xuân Phương, Thủ qũy: Anh Đoàn Anh Tuấn. Ban Đồng Hành: Cha Đinh Đồng Thượng Sách, thầy Nguyễn Văn Thạch, Ô. Nguyễn Ngọc Đỉnh, Lê Đình Thông.

Nhóm Doanh thương: Đại diện: Anh Đỗ Văn Hoà, Phó đại diện: chị Kim Hạnh, Thư ký: Anh Nguyễn Văn Sáng, Thủ qũy: Chị Phạm Sơn Hải. Ban Đồng hành: Cha Nguyễn Văn Cẩn, thầy Phạm Bá Nha, Ô. Ngô Triệu Hùng.

Nhóm Dịch vụ: chưa có đại diện. Ban Đồng hành: Cha Trần Anh Dũng, Chị Mỹ Phước, chị Đào Kim Phượng.

Nhóm Xây Dựng: Đại diện: Anh Đặng Hoài Sơn, Phó đại diện: Anh Phạm Văn Nam, Thư ký: Anh Phan Quốc Minh. Ban Đồng hành: ĐÔ. Mai Đức Vinh, Ô. Nguyễn Văn Thơm, Trần Khắc Đạt.

Đại hội vỗ tay nhiệt liệt chào mừng các đại diện. Sau đó đọc chung Lời Nguyện Năm Thánh do Đức Thánh Cha biên soạn cho ngày Năm Thánh với Giới Lao Động tại Roma, ngày 1-5-2000. Lời nguyện Năm thánh của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha đã ban cho chúng con Ngôi Hai yêu dấu, trong tình thương yêu vô hạn. Nhờ tác động của Thánh Thần, Ngôi Hai đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, sinh hạ ở Be Lem cách đây hai ngàn năm.

Ngôi Hai đồng hành với chúng con, là Đấng mang lại ý nghĩa mới cho lịch sử, để tất cả đồng tiến trong sầu khổ và trong tình yêu trung kiên, cùng nhau hướng về trời mới đất mới, chiến thắng sự chết. Cha chính là phần gia nghiệp của chúng con.

Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Thánh Cả Giuse, xin Cha khấng ban cho các thành phần nghề nghiệp trong cộng đoàn, được liên đới và kết hiệp với nhau, để tinh thần bác ái công giáo không ngừng triển nở nơi mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.

Chúc tụng và vinh danh Cha, Ba Ngôi rất thánh, Thiên Chúa duy nhất và là chủ tể muôn loài. Amen. (Bản dịch của Lê Đình Thông)

II. Trao Đổi

Mục đích của đại hội là gặp gỡ, làm quen và trao đổi. Nên từ 15g45 đến 16g30, được chia làm 5 nhóm thảo luận, theo ba câu hỏi sau:

1. Lý do nào phải liên đới nghể nghiệp?

2. Bằng phương thức nào để liên kết các nhóm nghề nghiệp?

3. Cảm tưởng về đại hội Liên Đới Nghề Nghiệp

Kết quả : Giáo sư Trần Văn Cảnh đã sơ kết kết quả của đại hội như sau: Đến với đại hội là theo lời mời của giáo xứ. Liên kết nghề nghiệp để duy trì văn hóa dân tộc, để củng cố niềm tin công giáo. Đại hội rất hào hứng, có bầu khí thân thiện, cởi mở, khích lệ nhân tài, học hỏi kinh nghiệm. Rất mong một năm họp một lần.

Sau phần đúc kết, đại hội đã chấp thuận bản quyết định chung có 5 chữ ký của 5 đại diện các nhóm chuyên nghề và duyệt y của Đức Ông giám đốc. (xin xem bản Quyết định đăng ở phần sau)

Phần đầu của đại hội được kết thúc bằng Kinh Nguyện Thánh Cả Giuse, lời của Lê Đình Thông biên soạn cho hợp với tinh thần đại hội hôm nay, và được hát theo nhạc của bài Cầu Xin Thánh Gia của Phạm Đình Nhu

Kinh Nguyện thánh cả Giuse Bổn Mạng của Liên Đới Nghề nghiệp

Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn thuở xưa. Miền Nazareth, Thánh Gia nguồn vui sống. Nêu gương cho tất cả gia đình cần lao, Tình yêu tha thiết với cảnh đời đơn nghèo.

Cho tình Liên Đới giữa năm nhóm Nghề Nghiệp, Phát huy gương sáng khắp Cộng Đoàn. Nhiệt tâm kiến tạo ngày một thêm kết thân, Thánh ân Hai Ngàn năm thế trần.

Giuse trong sứ mạng tông đồ công thương, Đường EPINETTES giữa Cộng đoàn Giáo xứ. Thương yêu theo Thánh cả hết lòng cần chuyên, Cầu xin năm thánh xuống muôn ngàn ơn lành.

Ngoài bản kinh và bản thánh ca trên, điểm nổi của đại hội là được xây dựng trên nền tảng đạo đức, mà Thánh Lễ là trọng tâm. Đức Ông chủ lễ và nhiều cha đồng tế. Chủ Đề tài của giảng lễ là Việc làm vừa là nguồn lợi sinh sống, vừa là nguồn ơn phúc nếu biết thánh hoá. Năm lời nguyện giáo dân do đại diện các nhóm chuyên ngành xin cộng đoàn cầu cho Những người đang đi làm và cả những người không có việc làm. Số người tham dự Thánh Lễ lên tới 250 người.

III. Văn Nghệ

Hôm nay, chương trình văn nghệ đặc sắc được Cô Kim Đàn, duyên dáng trong bộ áo dài nguyên mầu cam, nổi bật trên sân khấu khi đảm trách điều hợp suốt hơn một tiếng đồng hồ. Anh Lê Như Quốc Khánh và các bạn trẻ xử dụng nhạc cụ. Phần ca hát do các bạn trẻ trình diễn. Nghe nói, anh Quốc Khánh người hát rất hay, nhưng hôm nay khán giả không được nghe triếng hát truyền cảm của anh. Tiếc quá. Phần ca hát do các bạn trẻ. Mở đầu bằng giọng ca bổng trầm của nữ nghệ sỹ Bích Thuận, ngâm thơ bài Thánh Giuse và ca bài Việt Nam mãi mãi quê hương tôi. Các bạn trẻ thuộc nhóm Quốc Khánh như: Trang Đài, Minh Châu, Mộng Trang, Linh Chi... trình diễn những bản nhạc đầy tình tự quê hương. Các bạn ca sỹ gà nhà rất ăn khách và được khán giả nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Ai cũng thích Thư Hương, một chuyên gia, hát bài Áo Lụa Hà Đông. Cẩm Tuyết của nhóm Doanh Thương, nổi bật khi trình diễn bài Lệ Đá. Bài Ai về Xứ Việt do Văn Tá, Thân Hữu Taxi, làm rộn lòng khán giả hướng về quê nhà bên kia. Bản nhạc Một lần cuối cho em đã được Hoài Sơn, trưởng nhóm Xây Đựng trình bày rất tình tứ. Quang Dũng trình bày sáng tác mới Niềm Tin. Giao Phương, ca đoàn Triều Dâng mời mọi nguờI về thăm Hà nội trong cơn mưa...

Xen kẽ văn nghệ là bữa ‘cơm liên đới’. Vừa thưởng thức văn nghệ vừa lai rai chả giò, mì xào với tôm, bánh cuốn chả lụa, bánh nhân mặn. . . Ngon tuyệt và đậm đà. Kết thúc van nghệ bằng lời cám ơn mọi người của Cha Sách, cả những người chỉ nghĩ đến người khác, trong khi lo phần thực phẩm, không thiết gì đến văn nghệ.

Thành công của đại hội kết quả thật tốt đẹp, như lời Đức Ông Mai Đức Vinh nói: Tất cả đều là hồng ân Chúa ban cho cộng đoàn và cho từng người. Chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhưng quan trọng hơn hết là cần có nhân hòa. Những ngày tới, đi vào sinh hoạt từng nhóm, kết quả hay không là do thực tâm, thiện chi mỗi người đóng góp cho công việc liên kết tình anh em với nhau.

2143. Năm nhóm liên đới nghề nghiệp

Ngày nay, sau ba năm thành lập, bước vào năm thứ bốn, không kể những hoạt động liên đới huynh đệ thường nhật. Năm nhóm liên đới nghề nghiệp đang đi vào sự kiến thiết tổ chức. Không kể một ‘Mạng tin Giáo Xứ’ đã được thành mập từ một năm nay, theo sáng kiến của các nhóm liên đới, năm nay 2003, một cuốn ‘Niên giám liên đới nghề nghiệp đã được xuất bản’.

21431. Nhóm Chuyên gia

Trong năm 2003, Nhóm Chuyên Gia trong tổ chức ‘‘Liên Đới Nghề Nghiệp Giáo Xứ Việt Nam Paris’’ đã có những sinh hoạt sau:

Văn phòng thường trực:

Chủ nhật thứ I trong tháng, từ 13g đến 15g về Tâm lý, Tâm bệnh, Tâm thần.

Chủ nhật thứ II trong tháng, từ 14g đến 15g Hướng dẫn về Internet.

Chủ nhật thứ III trong tháng, từ 14g đến 15g30 Cố vấn Pháp luật.

Chủ nhật thứ IV trong tháng, từ 13g đến 15g Bác sỹ và Nha sỹ

Các buổi nói chuyện:

1. Thứ Bảy 7-12-2002, từ 16 giờ đến 17 giờ. ‘‘Một vài điểm căn bản về tuổi vị thành niên’’ do nữ Bác sĩ Trần Thị Tuyết.

2. Chủ nhật 22-12-2002, hồi 13 giờ 30. ‘‘Những điều cần thiết về bệnh mỡ trong máu’’ (tức Cholestérol) do Bác sĩ Lê Trung Tú.

3. Chủ nhật 19-01-2003, hồi 13 giờ 30 ‘‘Những điều cần biết về cách khai thuế cho năm 2002. do chuyên gia kế toán : ông Phạm Ngọc Thành.



4. Chủ nhật 26-01- 2003, hồi 13 giờ 30 ‘‘Những điều cần biết về chứng viêm gan’’ (tức Hépatites) do Bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt.

5. Chủ nhật 23-02-2003, hồi 13 giờ 30 ‘‘Những điều cần biết về bệnh tiểu đường’’ (tức Diabete sucré) do bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh.

6. Thứ Bảy 01-03-2003, hồi 16 giờ - Chủ nhật 02- 03- 2003, hồi 13 giờ 30.

‘‘ Làm thế nào để trở thành những bậc phụ mẫu có thể chấp nhận được’’. do Bà Như Nguyện.

7. Chủ nhật thứ 4 Mùa Chay 30-03-2003, hồi 13 giờ 30. ‘‘Sự đau khổ dưới vài khía cạnh’’. do Bác sĩ Nguyễn Bá Hậu.

8. Chủ nhật 04-05-2003, hồi 14 giờ. ‘‘Nhà văn hóa Paulus Huỳnh Tịnh Của’’ (quen gọi là Paulus Của) do giáo sư Trần Văn Cảnh.

9. Chủ nhật 25-05- 2003, hồi 13 giờ 30. ‘‘Những điều cần biết về bệnh răng’’. do Nha sĩ Âu Triệu Nhơn.

10. Chủ nhật 29-06-2003, hồi 13 giờ 30. ‘‘Những điều cần biết về bệnh cao áp huyết’’ (tức hypertention artérielle). do Bác sĩ Tạ Thanh Minh



21432. Nhóm dịch vụ

Tiết xuân trong lành, hai ngày cuối tháng ba 2003, nhóm hai mươi lăm bạn trẻ Giáo Xứ du ngoạn Vương quốc Hòa Lan, gặp gỡ trao đổi cùng bạn trẻ Giáo Xứ Hòa Lan và không quên thăm viếng Công viên Keukenhof. Hình ảnh hàng hàng lớp lớp của ngàn ngàn cành hoa "uất kim hương (tulipe)" muôn màu, muôn sắc tạo cảm tưởng hình ảnh anh chị em trong "Nhóm Dịch Vụ" đang góp mặt giữa vườn hoa hương sắc của "Liên đới Nghề nghiệp Giáo xứ". Một trong năm ngành thể hiện sự phong phú, đa diện của muôn vàn ngành nghề sáng tạo khoa học, phục vụ công ích, sinh sống trong Cộng đồng Giáo Xứ Việt Nam-Paris.

Như thảm hoa "uất kim hương" tươi thắm mướt mà ngút ngàn đến tận mãi chân trời, đơn sơ khoe sắc giữa thiên nhiên vì "uất kim hương" không qua cao sa, mong manh như những cành phong lan cần phải bảo vệ trong những ngôi nhà lồng kính. "Uất kim hương" muôn sắc như "Nhóm Dịch Vụ" bao gồm biết bao nhiêu chuyên viên vi tính, điện tử, kỹ thuật, xe hơi, đông lạnh đến y-tá, kinésithérapeute, sinh học, chuyên viên phòng thí nghiệm, còn thêm thành phần công chức, văn phòng, thơ ký các văn phong luật sư, chưởng khế hay công ty xe hơi hay buôn bán địa ốc, thương mãi, kế toán, ngân hàng, xuất nhập cảng quốc tế...hoặc thu ngân, nhân viên siêu thị, bán hàng, các ngành nghề chuyên biệt như thợ may, sửa giày, làm khóa...Vì thế "Nhóm Dịch Vụ" tạm thời phân thành 4 tiểu ban :

1. Tiểu ban chuyên viên vi tính, kỷ thuật...

2. Tiểu ban y tá, kinésithérapeute, chuyên viên phòng thí nghiệm...

3. Tiểu ban công chức, thương mại, văn phòng, kế toán, ngân hàng...

4. Tiểu ban thu ngân, nhân viên siêu thị và ngành nghề chuyên biệt...

Hãnh diện vì sau những tháng năm sống trên phần đất định cư, tập thể anh chị em trong "Nhóm Dịch Vụ" cùng tìm về "Gặp gỡ & Trao đổi Ngày Liên Đới Nghề Nghiệp" lần đầu tiên trong ngày 01 tháng 05 Đại Năm Thánh 2000. "Ngày Liên Đới Nghề Nghiệp" lần thứ hai, ngày 01-05-2001, "Nhóm Dịch Vụ" đóng góp tham luận : "Con người là con đường đầu tiên của Giáo Hội" khai triển 3 điểm :

• Giáo huấn xã hội của Giáo Hội gắn liền với quan niệm thần học về con người, của mỗi cá nhân trong mối liên hệ với mầu nhiệm Chúa Kitô, dù người ấy không ý thức. Con người được định nghĩa như là đường đi của Giáo Hội : "Con người là con đường đầu tiên của Giáo Hội".

• Giáo huấn xã hội công giáo nhìn nhận lao động là một bình diện trọng yếu của thân phận con người. Lao động sản xuất lương thực, khoa học, văn hóa. Lao động và con người, xung đột giữa tư bản và lao động ngày hôm nay, các quyền lợi của giới lao động, giá trị siêu nhiên của lao động.

• Giáo huấn của Giáo Hội không cống hiến những giải pháp kỹ thuật, chính trị, kinh tế, nhưng Giáo Hội bảo vệ nhân phẩm, vì phải chu toàn sứ mệnh rao truyền Phúc Âm mà Giáo Hội đề nghị một quan niệm chân thực về "phát triển".

"Con người là con đường đầu tiên của Giáo Hội" vì thế "Tiểu ban y tế", một trong bốn tiểu ban của "Nhóm Dịch Vụ " đã tổ chức gặp mặt vào Chúa nhật 25-11-2001, chia sẻ những kinh nghiệm, những thành công hay khó khăn trong đời sống nghề nghiệp, vì mỗi ngành nghề điều có giá trị riêng biệt, để cùng giúp nhau sống đức tin, niềm tin sâu sắc của người tín hữu Việt Nam trong môi trường làm việc giữa lòng xã hội nước Pháp hôm nay. Những kinh nghiệm cụ thể trong các bệnh viện, nổi niềm thao thức, bức xúc, hoàn cảnh lương tâm phải đối diện, những giằng co với các đồng liêu khi phải quyết định với nổ lực cá nhân để thể hiện tình Chúa - tình người, để thể hiện đức ái Kitô giáo

Nhằm chuẩn bị cho " Ngày Liên Đới Nghề Nghiệp" lần thứ ba, ngày 01-05-2002, Nhóm Dịch Vụ đã gởi đến tận tay mỗi anh chị em một tài liệu hoc tập : Thân phận con người trong thế giới hôm nay. "Cần cổ võ một nên nhân bản toàn diện. Nói thế nghĩa là gì ? Nghĩa là phát triển toàn diện các chiều kích của con người và cho mọi người. Một nên nhân bản đóng kín, đui điếc trước những giá trị tinh thần và xa lạ với Thiên Chúa là nguồn gốc các giá trị ấy, nay xem ra như đã thắng thế. Đã hẳn con người có thể tồ chức công việc trần thế bất chấp Thượng Đế, nhưng "không có Thượng Đế thì kỳ cùng chiỉ còn việc tổ chức chống lại con người. Một nền nhân bản cố chấp như vậy là một nền nhân bản vô nhân". Nhóm cống hiến trò chơi trắc nghiệm : "Hạnh phúc với Nghề nghiệp".

Dầu còn nhiều khó khăn, hạn chế, "Tiểu ban chuyên viên vi tinh, điện tử, xe hơi, đông lạnh...tạo một cuộc gặp mặt vào ngày 10-03-2002 không ngoài mục đích kết thân và trao đỗi. Ngoài ra "Nhóm Đồng Hành Dịch Vụ" gồm đại diện 4 tiểu ban gặp vào các ngày : 27.01.01; 10.02.01; 08.04.01; 09.03.03 và 13.04.03 nhằm trao đỗi, tìm phương thế hiệu nghiệm cũng cố, phát triển và gia tăng sinh hoạt các tiểu ban cũng như toàn "Nhóm Dịch Vụ" trong niềm tin và hy vọng cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chân thành cộng tác để kiến tạo một xã hội nhân ái và công bằng trong viễn ảnh "trời mới đất mới" (Khải huyền 21,1).

Trần Hương Bình

21433.Nhóm Doanh thương

Danh từ Doanh Thương được hiểu là những người làm việc thuộc giới kinh doanh và thương mại. Định nghĩa như vậy, có thể cho là công việc những người trong nhóm là làm ăn to lớn và qui mô. Nhưng thực tế, một số nhỏ anh chị em là làm công hoặc mở tiệm nho nhỏ về giặt ủi, sửa quần áo, sửa xe hơi, sửa tivi, radio, sửa ống khóa, bán báo, bán bông, mua bán nhà, mua bán quần áo may sẵn...

Muốn có một việc làm, thông thường phải qua một khóa học. Muốn mở tiệm phải có giấy phép và phải có một số điều kiện tối thiểu: nhà cửa, thuế má, lợi tức, . Quan trọng hơn cả vẫn là kinh nghiệm. Nghề dạy nghề. Hoặc người trong nhà chỉ vẽ cho nhau.

Chính vì công việc như vậy mà ‘‘người chủ’’ lu bu tối ngày kể cả cuối tuần. Việc nhà. Trước khi đi làm, hoặc sau khi tan sở, khách hàng mới ghé cửa tiệm, trao hàng, hay nhận hàng. Khi người ta nghỉ thì chúng tôi bận bịu nhất.

Theo chương trình tổ chức Liên Đới Nghể Nghiệp của Giáo Xứ, nhóm Doanh Thương đã qui tụ được hơn 20 anh chị em trong ngành nghề:

- 6 người mở tiệm giặt.

- 4 người sửa chữa quần áo

- 4 người sửa giầy và ống khóa

- 1 người sửa chữa Tivi, radio...

- 1 người mở garage

- 1 người có sập báo

- 1 người bán quần áo

- 1 người mua bán nhà cửa

Từ năm 2000, Nhóm đã bầu ra được ban đại diện, thành phần như sau:

- Đại diện: Ông Đỗ Văn Hòa, sửa chữa quần áo

- Phó đại diện: Chị Đỗ Thị Kim Hạnh, bán quần áo

- Thư ký: Ông Nguyễn Văn Sáng, sửa TV, Radio

- Thủ quĩ: Chị Phạm Sơn Hải, sửa chữa quần áo

Tới nay, nhóm Doanh Thương chưa làm được gì như mọi người mong muốn. Vì tính chất và giờ giấc của nghề nghiệp.

Ngoại trừ, được năm ba lần một số anh chị đã ngồi lại với nhau để trao đổi kinh nghiệm và tìm cách niềm nở vui vẻ tiếp đón khách hàng.

21434. Nhóm thân hữu taxi

Năm 1996, nhờ sự khuyến khích và dìu dắt của Cha Mai Đức Vinh, Giám đốc Giáo xứ Việt Nam tại Paris mà nhóm Thân Hữu Taxi được thành lập; gồm có 42 anh chị em nhóm viên hành nghề taxi, với ban đại diện là quí anh : Nguyễn Minh Dương, Trần Văn Lâm, Trần Văn Tùng, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Văn Tá, Nguyễn Ngọc Cường và anh Vũ Hoàng Thanh phụ trách phần văn nghệ.

Mục đích như danh xưng của nhóm là xây dựng tình thân, kết tình bằng hữu, kính trọng, đoàn kết, tương trợ, yêu thương giúp đỡ nhau trong tinh thần : đồng nghiệp, đồng hương để xây dựng cuộc sống vui tươi, lành mạnh; nhằm vươn lên không ngừng với niềm tin và bác ái là chuẩn mực cho mọi sinh hoạt.

Nhóm chọn Thánh Christophe là quan thầy như một tấm gương cho tinh thần phục vụ và yêu thương với lịch trình sinh hoạt : cứ ba hoặc sáu tháng gặp nhau một lần tại Giáo xứ. Đặc biệt hàng năm, sau hai Thánh lễ mừng Thánh quan thầy (tháng 9) và mừng năm mới là hai bữa tiệc thân tình, ấm cúng với những món ăn đặc sắc, ngon miệng do các chị trong gia đình taxi chiêu đãi.

Ngoài những sinh hoạt thường xuyên và nhằm mục đích tạo dịp gặp gỡ thân mật trong cộng đồng, cũng là để thể hiện tinh thần chia sẻ với quê hương, nhóm đã mạnh dạn tổ chức : Bữa cơm thân hữu xuân Mậu Dần 1998, tại nhà hàng Asia Palace, Paris 13è, với trên 300 người tham dự, kết quả tài chánh khả quan gởi về giúp quĩ xây dựng Thánh Địa La Vang.

Năm 1999, ngày họp mặt đón xuân Kỷ Mão, lại tiếp tục tổ chức tại nhà hàng Chinagora, Alfortville trên 350 người tham dự; kết quả tài chánh gởi giúp hai trại cùi tại Kontum và Nghệ An.

Tới năm 2000, với niềm vui chung chuẩn bị đón mừng thiên niên kỷ mới, nhóm Thân Hữu Taxi "tăng tốc độ", ngày họp mặt mừng xuân Canh Thìn với trên 500 người tham dự tại nhà hàng Massena Paris 13è, kết quả tài chánh gởi về các trại cùi Nha Trang, Pleiku, Cái Sắn, Banmêthuột và Nghệ An.

Năm 2001, 2002 với nổ lực vươn lên không ngừng, để tạo thêm nguồn sinh khí cho ngày họp mặt đón Xuân tưng bừng hơn, Ban đại diện mới quý anh Trần Văn Tùng, Trần Văn Tá, Nguyễn Đình Chiểu, Lâm Quốc Vân, Dương Thị Đào đã mời thêm các nghệ sĩ tên tuổi của thủ đô Paris tới giúp vui tại nhà hàng Massena Paris 13è, làm cho trên 500 thực khách hài lòng lưu luyến, thành quả tài chánh đã giúp các trại mồ côi : Phú Nhuận, Củ Chi và Xuân Lộc.

Năm 2003, vì lý do sức khỏe và công việc riêng, anh Trần Văn Tùng tạm thời bàn giao lại cho Ban đại diện mới là quý anh chị : Nguyễn Minh Hùng, Vũ Hoàng Thanh, Trần Bá Lạc, Nguyễn Đình Chiểu, Lâm Quốc Vân và chị Dương Thị Đào tiếp tục hoạt động; với những kinh nghiệm tích lũy được, cộng thêm tinh thần đoàn kết, dấn thân xây dựng, ngày họp mặt mừng xuân Quý Mùi 2003 là một thành công rực rỡ : trên 500 thực khách tham dự tại nhà hàng Massena hết lòng khen ngợi các anh chị khéo tổ chức (Minh Dương)

21435. Nhóm Xây Dựng

« XÂY DỰNG » là một trong năm ngành của Liên Đới Nghề Nghiệp : Chuyên Gia, Dịch Vụ, Doanh Thương, Thân Hữu Taxi và Xây Dựng. Xây Dựng hiện nay quy tụ 24 người, chia thành khối Chỉnh trang, khối Điện, khối Ống nước, khối Mộc, khối Sơn, khối Nề. Hai người dồng hành với Xây Dựng là cha Mai Đức Vinh thuộc Ban Giám Đốc và ông Nguyễn Văn Thơm đại diện Ban Thường Vụ.

Xây dựng sinh hoạt hăng say ngay từ buổi đầu thành lập Liên Đới Ngề Nghiệp, nhờ Ban Đại Diện là các anh Đặng Hoài Sơn, Nguyễn Văn Nam, Phan Quốc Minh. Do sáng kiến của Ban Đại Diện mà Xây Dựng đã có thói quen họp mặt mỗi năm một buổi sáng trước khi đi dự Đại Hội. Nội dung của buổi hội : Gây tình thân hữu, nhìn lại công việc đã làm, hoạch định và phân công cụ thể cho công việc làm trong năm tới, dùng cơm chung thanh đạm. Anh Sơn đã đưa lên một phương án những công việc phải làm để duy trì và tân trang cơ sở giáo xứ. Anh xếp hạng công việc thành ưu tiên một, ưu tiên hai, ưu tiên ba... Xây Dựng cứ chiếu vào bản ưu tiên này mà phân công những việc phải làm.

Cơ sở rộng lớn, có những việc làm bất ngờ liên quan đến ống nước, đường điện. .. Anh em Xây Dựng luôn đáp ứng mau lẹ lời kêu gọi của Ban Giám Đốc : Kêu tới đến liền và hư đâu sửa đó !

Sau hai năm làm việc hăng say, anh Đặng Hoài Sơn xin nghỉ và anh em bầu lại Ban Đại Diện mới. Anh em đã tìm đến một người vừa nhiệt tình với công việc của cơ sở Giáo Xứ, ngay từ mấy năm trước khi còn ở đường Boisonade (quận n14), một người có uy tín, thuộc lòng « mọi ngóc ngách » của cơ sở mới. Người đó là ông Nguyễn Văn Thơm, phó chủ tịch đặc trách cơ sở trong Ban Thường Vụ. Kể từ tháng 5 năm 2002, Ban Đại Diện của ngành Xây Dựng là ông Nguyễn Văn Thơm, anh Phạm Sơn Nam và Phan Quốc Minh. Ông Thơm đề nghị phân Xây Dựng ra thành khối để dễ phân chia công tác. Mỗi khối có một anh trưởng nhiệm, anh điều động anh em trong khối hoàn thành công tác được giao phó.

Nói về sinh hoạt và tinh thần của Xây Dựng, cha Mai Đức Vinh thật có lý khi viết : «Nhóm Xây Dựng chúng ta tương đối đa có nề nếp, sinh hoạt tuy không thường xuyên nhưng đều đặn ngay từ khi thành lập. Đó là điểm son, chúng ta cố gắng giữ như vậy để nói lên tinh thần đoàn kết và huynh đệ giữa giữa những người cùng chung một ngành nghề xây dựng, để cùng nhau tô điểm đẹp hơn mọi sinh hoạt của Giáo Xứ, giúp Giáo Xứ chỉnh tranh lại cơ sở hiện nay như chúng ta vẫn thực hiện mấy năm vừa qua » (Thư 01.12.02).

Một thành viên trong Xây Dựng

Như bức tranh vừa phác họa ở trên, con người xã hội của người công giáo việt nam Paris được tô đậm bằng bốn nét chính. Nét gặp gỡ, nét hội họp, nét lễ hội và nét liên đới. Bốn nét ấy không phải tự nhiên mà thành hình. Bốn nét ấy đã được cả một cộng đoàn nhiều năm và dầy công suy nghĩ, thiết kế, phác thảo và tổ chức. Cộng đoàn giáo xứ và giáo dân, qua bốn sinh hoạt này, gần như đồng hóa với nhau, khác điều là cộng đoàn là cái bình chứa, còn người giáo dân là chất chứa. Cộng đoàn là cái tổ chức, giáo dân là cái sống động.

Cộng đoàn giáo xứ Paris cũng như người việt nam công giáo Paris có tâm hồn rộng mở, chào đón, tiếp đãi mọi người. Giáo xứ Việt nam Paris cũng như giáo dân Việt nam Paris hội họp chung với nhau qua những ngày hội chung của dân tộc, những ngày hội chung của giáo hội và những ngày hội chung (riêng) của giáo xứ. Giáo xứ và giáo dân Việt nam Paris đặc biệt tôn trọng ba loại lễ : các lễ liên hệ đến việc sinh đẻ, các lễ liên hệ đến cưới hỏi, lập gia đình và các lễ liên hệ đến tang chế giỗ lạp. Các giáo dân Việt nam Paris muốn sống liên đới huynh đệ với nhau, giữa những người cùng cộng đoàn, với những người họ gặp hàng ngày trong công việc làm ăn sinh sống, với đồng bào Việt nam sống trên đất Mẹ.