Câu chuyện đi câu cá và các vị “Thánh Quan Thầy kẻ có tội”

Mấy hổm rày mưa hà rầm vào mấy ngày cuối tuần, không đi câu cá được, nên tui có thời giờ ngồi xuống viết lại chuyện đi câu cá vào 3 ngày cuối tuần của Memorial day để tặng độc giả xa gần.

Tui là dân Nam kỳ rặc, đầu tóc dầy đặc, đi đâu hổng chịu đội nón, lại sống tại vùng có sương mù và tuyết rơi nhiều, nên đầu tóc tui mang màu sương tuyết, trắng phau. Hồi ở VN, tui sinh đẻ, lớn lên và sinh sống ở miền nam, nơi có nhiều sông rạch, nên có máu thích câu cắm, ngặt một nổi là tui đi học ở thành thị, nên được coi là “tréo gà hông chặt” và” không có tay sát cá”. Lần nào đi câu với bạn bè, tui cũng đành khiêng phụ cá về và ăn cá “phước thiện”, vì chẳng câu đươc con cá nào, nên thiên hạ tội nghiệp cho vài con về ăn để làm phước. Bởi vậy khi nghe nói ai có tài câu cá là tui xấn lại làm quen, đặng học nghề.

Hồi trước tết, trong buổi họp bàn làm báo Xuân cho cộng đòan, tui gặp ông bạn cao niên người Bắc, áo quần bảnh bao, đầu tóc đen mượt, chải láng cóong. Nghe nói ổng hay đi câu cá, tui lại làm quen liền. Ổng xưng tên là Mai Khanh, nghe đâu hồi trước là dân không quân, cấp tá thời VNCH. Sau vài màn nói chuyện xã giao, tụi tui hẹn nhau đi câu vào mùa nắng ấm.

Vài tuần sau đó, tui gặp vợ chồng ổng ở một tiệc cưới, tui thiếu điều không nhận ra ổng, vì tóc ổng hớt cua và bạc trắng. Tui ngay tình ghẹo ổng “ Tui thấy ông, nhưng đầu bạc trắng khác bửa hổm, làm tui nhận không ra, hai ông bà đi với nhau mà tui tưởng như là ông đi với cô con gái lớn của ông chứ”. Vừa nói ra, tui thấy mình hố liền, ổng lúng túng, coi bộ không biết trả lời sao, tay chân lính quính quờ quạng, còn bà vợ thì khỏi nói, cười tươi như hoa mới nở vào buổi sáng. Tui phải chửa lỗi bằng câu chuyện: Hồi hôm tui ra siêu thị mua bắp, lúc này mới vào mùa, bán hạ giá, rẻ, ngon và ngọt lắm. Mấy bà Mỹ đen, Mỹ trắng,… súm vô lựa. Họ dở trái bắp coi rồi lại bỏ xuống, có người bóc mấy trái mới lấy một trái. Có một ông mỹ trắng, có vẻ là nông dân, râu tóc sồm xuề, bạc phơ nói lớn tiếng dạy mọi người, mấy ông mấy bà không cần lột bắp lựa. Chỉ cần cầm lên, coi cái râu bắp, trái nào càng nhiều râu, càng đậm màu là bắp đã nẫy nở đầy đủ và ngọt lịm. Như vậy tóc bác càng trắng thì coi càng ngon lành chứ sao. Ổng nói muốn để tóc bạc, không nhuộm nửa, để đi với tui cho có cặp. Sau khi tui phát ngôn bừa bãi vài lần như vậy, ổng đặt cho tui cái tên “ông trực ngôn”.

Trong bữa tiệc cưới, ổng móc trong áo veste cuốn album hình khoe, trước hết là hình hai đứa cháu nội đích tôn sinh đôi, và hình con cháu ổng. Đặc biệt là hình khoe thành tích câu cá, có con cá rồng, còn gọi là cá lưng đá hay sturgeon mà ổng treo cao từ trần nhà xuống đất. Ổng nói, con cá này nặng đến 60 pounds, ổng câu đựơc nhiều con như vậy. Ổng còn khoe hình cá catfish ổng câu được nặng tới 40 lbs trên bờ sông. Tui khóai quá, trông mong sớm đến ngày nắng ấm, theo ổng đi câu.

Tới bữa lễ Memorial day, tui theo ổng đi câu, sau 1 đọan đường lái xe dài,lúc dừng xe lại tại bờ hồ, ổng mở cốp xe, tui mới phục là ổng là tay câu cá nhà nghề, đủ thứ lọai cần câu, mồi, thùng nước đá, nước uống,… đến bên bờ hồ, ổng đưa cho tui cái cần câu, tui cũng bắt chước ổng cột lưỡi, mồi,…rồi bắt đầu câu cá. Trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ, ổng câu gần 10 con cá bass, còn tui cũng chi quậy quọ, kéo tới kéo lui chẳng được con nào. Ổng thấy tội nghiệp, kiểm tra lại cần câu, tui cột sai bét. Ổng cắt nghĩa;” cá bass này có nhiều giống khác nhau, ở đây là lọai có miệng lớn, nên phải câu bằng cái lưõi câu to, không có chì, cột mồi bằng con trùng giả, bằng cao su, thẫy ra xa rồi kéo vô. Loại cá này bơi trên mặt nước nên sẽ tớp mồi. Tui làm theo lời ổng hướng dẫn, chỉ sau 5 phút tui bắt đầu kéo cá vô. Hết con này đến con khác. Còn ổng lại ngồi xuống loay hoay, cột lưỡi, lần này ổng nói sẽ câu cá rô. Mà đúng vậy, không đầy một giờ sau ổng câu đựợc 8 con cá rô bằng bàn tay. Ổng tạm ngồi nghĩ ở gốc cây hóng mát,tay cầm chai nưóc lạnh,miệng ổng thì bắt đầu ngâm nga :

Rựơu đến gốc cây ta sẽ nhấp,

Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.

Theo ý của ổng, đó là 2 câu thơ hình như của Nguyễn Bĩnh Khiêm, rằng khi mình đi câu cá, vui thú đìền viên, mình không còn đếm xỉa gì đến phú quí, và đã diệt được lòng tham.

Nắng bắt đầu gắt, nhiệt độ bắt đầu lên cao. Ỗng cất cái cần nhỏ và bắt đầu cột mồi vào cái cần lớn và dài như cái cột cờ. Lần này ổng cột chì nặng vào chỗ gần cái lưỡi câu, dùng con tôm nhỏ còn sống. quậy quọ co quắp, quăng ra rồi đặt cần lên cái càng ba chạc. Ổng lại hướng dẫn tui cột lưỡi câu và chì, để câu cá catfish, vì loại này bơi chìm dưới đáy hồ.

Cả hai chúng tôi ngồi xuống gốc cây, lấy nước ra uống, tui thiệt là mừng rỡ, như vậy là chuyện “ không có tay sát cá” của tui hòan tòan sai. Đúng như tui nghĩ, làm gì có chuyện

có hay không có tay sát cá. Rõ ràng là tuỳ theo cá nào, ta câu mồi đó. Con người biết giờ nào cá ăn, loại mồi nào, loại cá nào lội ở độ sâu nào,…nên chuẩn bị mồi đó, thì câu được cá đó. Dĩ nhiên cũng có chuyện may rủi, vì cả một khoảng nước mênh mông, có biết bao nhiêu thức ăn, sinh vật làm mồi cho cá, vậy mà con cá lại chỉ đớp vào cài mồi đựơc che đậy bởi cái lưỡi câu.

Ngồi phè trong bóng mát, mắt vẫn không rời cái cần câu và tụi tui bắt đầu bàn xem làm gì với mấy chục con cá này, chứ ăn đâu có hết. Bàn coi đem cho ai và tán gẫu, cá ăn phải mồi của mình vì lòng tham đớp lia lịa, ta ra đây câu cá, và cứ mong mõi kéo nhiều cá cũng vì “lòng tham “đấy chứ. Mặc dù ăn không hết cũng cứ muốn bắt nhiều cá. Trong cuốn ‘sỏi đá bên đường”, khi viết về chuyện “tham”, tác giả Nguyễn thị Hồng Diệp định nghĩa “ tham là muốn cái gì cũng phải thật nhiều” bà còn viết :” trong tất cả mọi thứ tham, thì hình như chẳng có thứ nào tốt cả. Ngày xưa, chỉ có một thứ tham là tốt, nhưng ngày nay cũng trở thành không tốt nửa rồi. Đó là tham công tiếc việc….Ngày xưa người ta thường ví, gái tham tài, trai tham sắc. Điều này ngày nay cũng không đúng nửa rồi. Thời nay, gái cũng tham tài, trai cũng tham tài. Liền ông cũng tham sắc, liền bà cũng tham sắc. Nam nử bình quyền mà.”

Tui tui mới bàn tiếp như thế này, Satan và thế gian biết lòng tham của tụi mình, nào là sắc đẹp, tiền bạc, quyền lực, tiếng tăm, … móc vô cái lưỡi câu, thì liền ông hay liền bà cũng không hơn gì mấy con cá trong thùng của tụi tui, ai cũng đớp hết ráo. Bà Evà đã ăn trái cấm, rồi ông Adong cũng đớp vô cái mồi đó. Satan còn chờ cho Chúa Giêsu nhịn đói ăn chay rồi đem mồi nhử Chúa, dĩ nhiên Chúa đâu cắn câu. Nhưng trong cuộc đời trần ai khoai củ, ai cũng cắn vô mấy cái mồi đó hết. Vậy mà khi thấy ai đó cắn vô cái mồi đó, thì mình cười khóai chí, mỉa mai hay chỉ trích.

Vậy thì,ai cũng là kẻ có tội, tui mới hỏi anh Mai Khanh, vậy chứ theo anh trong thánh kinh,ai coi như tiêu biểu, quan thày kẻ có tội.

Ảnh trả lời, còn ai khác hơn là bà thánh Maria Mađalêna, người phụ nữ tội lỗi làm điếm,rồi ăn năn hối lỗi, đã xức dầu thơm và lấy tóc mình lau chân Chúa Giêsu rồi ảnh hát bài Tâm Ca Mai Đệ Liên quen thuộc của Cha Văn Chi:

“ Giọt nước mắt nào chảy trên gò má. Giọt nước mắt nào thống hối ăn năn

Giọt nước mắt nào gục đầu bên Chúa, giọt nước mắt nào một kiếp than van.

Xin tha thứ Chúa ơi cuộc đời tội lỗi. Xin tha thứ Chúa ơi trọn đời ăn năn….”



Thiệt ra anh Khanh ơi, tui lên tiếng, gần đây có vụ ba láp, là chuyện tay tiểu thuyết gia Dan Brown viết chuyện tầm phào Da Vinci Code là Maria Madalena là vợ của Chúa Giêsu rồi còn làm phim nửa chứ. Tui đọc được trên tờ U.S. News, có một bà già Mỹ cầm cuốn sách lại hỏi ông Cha sở John Skirtich, ở Pittsburg là có phải thiệt vậy không. Ông cha này phải mở lớp để giãng Thánh kinh và giúp cho giáo hửu hiểu để phân biệt chuyện tầm phào, tiểu thuyết bịa đặt và 4 bộ sách Tân ước thiệt. Rồi nhờ cái vụ này mà đủ thứ sách báo, trang web,… cắt nghĩa thêm. Thành ra, kích thích giáo hửu học hỏi Thánh Kinh.

Cũng nhờ vụ bá láp này tui mới hiểu, bà Maria Madalena không phải là cô gái điếm, ăn năn hối lỗi. Người ta đếm được là trong 4 bộ Thánh Kinh Tân Ước, tên Maria Mađalêna được nhắc tới 14 lần. Bà là người được Chúa Giêsu giải trừ khỏi 7 con quỹ, sau đó bà được gọi làm một trong những môn đệ theo Chúa (Lc8,1-3).Theo phúc âm thánh Mác cô, Maria Mađalêna đúng đầu trong số những phụ nữ chứng kiến Chúa Giê su chịu đóng đinh và được mai táng(Mc15,40-47) Bà rất đỗi nhân đức được kính nể trong Giáo hội sơ khai. Đặc biệt nửa là bà là người được Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên khi Phục sinh (Mc16,9).

Ui, anh Khanh ơi, tui kể tiếp, hổng phải mình tui với anh hay ông cha Văn Chi bên Úc lộn bà thánh Maria Madalêna, là người gái điếm tội lỗi khi đặt bài hát đó mà cả giáo hội lộn như zậy. Theo như ông cha chuyên gia Thánh Kinh Mỹ Raymond F. Collins, thì chuyện lộn người này bắt đầu từ năm 591 lận. Lúc đó không hiểu sao, Đức Giáo Hoàng Gregory cả đã giãng trong bài giãng rằng người phụ nữ xức dầu thơm rửa chân Chúa Giêsu và khóc lóc, lấy tóc mình lau là Bà thánh Maria Mađalêna. Zậy là từ đó người ta

có ngày lễ nhớ “Thánh Maria Mađalêna, người thống hối” vào ngày 22/7 mỗi năm trong Nghi Lễ Latinh.

Rồi phải đợi tới 1969, tức là gần 15 thế kỹ, khi canh tân phụng vụ, cải tổ lại cuốn lễ Quy Roma và Lịch công giáo. Từ đó, Phúc âm lễ nhớ thánh Maria Mađalêna không còn lấy đọan người phụ nữ tội lỗi theo Phúc Âm thánh Luca chương 7 mà lấy đọan Chúa Giêsu hiện ra với Mađalêna lúc Phục Sinh( Ga,1-2,11-18).

Tui lại hỏi vậy chứ còn ai trong Thánh Kinh có thể gọi là “Quan Thầy kẻ có tội”?.

Anh Mai Khanh ngồi đăm chiêu, uống thêm ngụm nước rồi nói, có lẻ phải nhắc đến hai ông Thánh Phêrô và Phao Lô. Tại vì theo Thánh Kinh, Phêrô nói cứng lắm, nên được Chúa gọi “là Đá, và trên Đá này, Ta sẽ xây Giáo Hội”. Ổng được chính Chúa báo động trưóc là “trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối Ta 3 lần”, zậy mà đêm đó ổng chối Chúa thiệt. Còn ông Phaolô thì bắt bớ giáo hội sơ khai, rồi mới được Chúa gọi, làm chói mắt. té ngựa, Như vậy cả hai vị Thánh cả này, một ông thì công khai chối Chúa, ham sống sợ chết còn một ông thì bách hại Giáo hội. Vậy mà cả hai vị Thánh này lại được ơn ăn năn trở lại, trở thành 2 con chim đầu đàn của Giáo Hội.

- Cá, cá, cá…,tui la lên khi thấy 2 cái cần câu giựt lia lịa. Tụi tui kéo lia. kéo lịa, đem vô đựơc hai con cá khá bự, bỏ vô thùng đá, máng mồi mới vào lưỡi câu, gài cần câu cẩn thận, rồi lại bắt đầu ngồi phè.

Tụi tui bàn tiếp,tui đố anh Mai Khanh, thiệt ra có một ông Thánh, không biết tên gì, nhưng tui nghĩ ổng là ông Thánh đầu tiên, kể từ lúc Chúa Giê Su xuống thế làm người, không phải do bất cứ Đức Giáo Hoàng nào “phong thánh” mà do chính Chúa Giê Su “phong thánh”,không kể Đức Mẹ, Thánh Giuse, anh biết hông?

Ảnh trả lời, thì một trong các vị Thánh mà trong Thánh lễ mấy ông Cha có khi đọc nguyên tràng đó chứ gì,ví dụ như, rồi ảnh đọc” xin thương ban cho chúng con được thông phần với các Thánh Tông đồ và Tử Đạo: Thánh Gioan, têphanô, Matthia, Barnaba, Innaxio, Alexandro, Marcellinô,…”.

Thôi thôi, tui biết anh biết tiếng latinh rồi, hổng phải, tui nghĩ hông ai biết tên ông thánh này đâu.

Ảnh tò mò, gắt lên” Vậy chứ ai”

Tui trả lời : Ông Thánh ăn trộm, hay còn gọi là “Kẻ Trộm Lành” :

Theo Phúc Âm thánh Luca,39-43, về chuyện người gian phi sám hối,” rồi anh ta thưa với Đức Giêsu : Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi. Và Ngưòi nói với anh ta :”Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.

Vậy có phải là chính Chúa Giêsu phong thánh cho ông ăn trộm này chớ còn gì nửa.

Anh Mai Khanh có vẻ tư lự rồi nói:

“ Thật ra, kể cả người phụ nữ tội lỗi, dù là có phải là Maria Mađalêna hay không, cho tới Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, cũng như “Ông Thánh Ăn Trộm” mình thấy lòng nhân từ của Chúa. Người luôn kêu gọi mình ăn năn hối lỗi, để Ngài có dịp tha thứ. Lòng Nhân Từ bao dung của Ngài thật vô bờ bến”

--- Cá, cá, cá.. cần câu lại giựt mạnh.

Lần này tụi tui kéo được con cá khá lớn, nhưng anh Mai khanh nhẹ nhàng rút lưỡi câu khỏi miệng cá, rồi bước đến sát bờ hồ, trong dáng diệu trầm tư và thinh lặng, nhẹ nhàng thả con cá trở về dòng nước.

Chúng tôi thấm mệt, không ai bảo ai, thu dọn mọi thứ, xách đồ nghề và thùng cá khá nặng ra về.

Đang khi leo dọc theo đường trên đường đi ra xe, anh Mai khanh lại kéo tui đi xéo qua hướng xa hơn, chứ không đi thẳng đường ra xe, tui định hỏi, nhưng coi bộ anh suy tư quá, nên cứ đi theo bước chân khập khểnh của anh và cùng anh nặng nhọc khiêng thùng cá nặng. Đi một khúc sau, anh dừng lại, đặt thùng cá xuống, lượm cái bao rác ai đó bỏ trên lề đường, rồi lặng lẻ đi. Tui lại khiêng cá đi theo, đến cái thùng rác, ảnh bỏ bao rác, rồi nói, có khi mình cũng làm biếng, dục rác bừa bải như vậy, mình cũng tiện trên đường đi lượm chút xíu cho sạch.

Lên xe, ảnh rồ máy chạy, tụi tui mệt mõi, không ai nói ai, nhưng tui thầm nghĩ, hôm nay tui học được nhiêu thứ quá, không những học câu cá mà còn quan trọng hơn là Lòng Thương Xót bao la của Chúa và yêu người qua chuyện “lượm rác”.

Sau một hồi lái xe,có lẻ vì buồn ngủ, anh Mai Khanh vặn cassette, không biết vô tình hay cố ý, lại nhằm bài ‘kinh Hoà Bình” của Thánh Phan Xi Cô, không ai bảo ai, tự nhiên cả hai chúng tôi cùng cất giọng ca, dỉ nhiên ò è có hai người hát mà thành 5 bè:

“ Lạy Chúa Từ Nhân, Xin cho con biết mến yêu và phung sự Chúa trong mọi nguời,

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

Đem an hoà vào nơi tranh chấp,

Đem chân lý vào chốn lỗi lầm,

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan,

Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,

Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm,

Đem ủi an đến chốn ưu sầu,…”

Đỗ Trọng An,

(Viết mừng Lễ Thánh Tâm Chúa, và lễ Kính hai thánh Tông Đồ Phêrô&Phao Lô)

tháng 06,2006.