GIẢI TÚC CẦU THẾ GIỚI 2006



Bắt đầu từ ngày mùng 9.6.2006, hàng bao tỉ người trên thế giới sẽ theo dõi những trận đá bóng tranh Giải Túc Cầu Thế Giới (GTCTG) 2006 diễn ra tại Đức. Vì túc cầu là môn thể thao thịnh hành nhất thế giới cho nên từ ngày khai mạc 09.06.2006 ở sân vận động Allianz Arena Muenchen đến ngày bế mạc 9.7.2006 tại thủ đô Bá Linh, người ta ước tính có đến hơn 2 tỉ người sẽ theo dõi các trận đấu. Sau đây xin tóm tắt những điểm chính yếu:

Mùa Bóng Đá Thế Giới 2006
Biểu tượng vui của World Cup 2006

Sư tử Goleo VI và trái bóng biết nói tên Pille là hai biểu tượng vui (mascot) chính thức của vòng chung kết GTCTG năm nay. Goleo được các nhà thiết kế mô tả là có những nét giống Lothar Matthaus, Diego Maradona và Oliver Bierhoff.

Ý tưởng hình thành Logo của World Cup 2006 ra đời cách đây 4 năm: sau cuộc họp giữa ông Sepp Blatter giám đốc FIFA và ông Franz Beckenbauer trưởng ban tổ chức tại Đức, với sự cộng tác của các nhóm chuyên viên của 2 công ty thiết kế Whitestone (ở London) và Abold (ở Munich). Logo chính thức của World Cup 2006 thật tươi vui với hình ảnh 3 gương mặt tròn trịa và thân thiện đang tươi cười xung quanh cúp vàng FIFA. Giám đốc Công ty Abold phát biểu: “Qua logo này, chúng tôi muốn truyền đi khắp thế giới cảm giác không gì sánh bằng mà bóng đá đem đến cho nhân loại”.

Mascot World Cup 2006 có hình chú sư tử mừng kỷ niệm 40 năm chú sư tử đầu tiên chào đời vào World Cup năm 1966. Mascot này mang tên Goleo VI. Số 6 tượng trưng cho chữ số cuối cùng của năm 2006. Còn Goleo là cách chơi chữ từ Go, Leo! (tiến lên nào, sư tử). Người bạn đồng hành không thể thiếu của Goleo VI là trái bóng Pille biết nói líu lo. Đây có thể xem là cặp đôi không thể tách rời nhau vì cùng chia sẻ đam mê đá bóng và sẽ mang đến một đêm hội - như Goleo gọi, là “đêm hội lớn nhất thế giới”. Theo FIFA, Goleo VI có gương mặt trông giống cựu danh thủ Đức Lothar Matthaeus, động tác tinh tế như Diego Maradona và sự đa năng như Oliver Bierhoff. Tại buổi họp báo công bố mascot ở Leipzig, Pele khen ngợi: “Goleo VI chơi bóng có vẻ tự tin lắm!”

Lịch sử Giải Túc Cầu Thế Giới

Do sáng kiến của ông Jules Rimet, người Pháp, từ thập niên 1920, bóng tròn Pháp đã quyết định đề nghị tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới (VCK World Cup). Chiếc cúp vàng FIFA đầu tiên vì thế được mang tên Jules Rimet và được các đội tranh nhau giữ 3 lần trong thập niên 1930, trước khi Thế Chiến II làm GTCTG phải tạm ngưng trong 12 năm. 13 quốc gia đã tham dự vào GTCTG lần đầu tiên, trong đó châu Mỹ chiếm đa số. Đó là: Uruguay, Argentina, Chile, Mexico, Ba Tây, Nam Tư, Pháp, Bolivia, Peru, Mỹ, Bỉ, Romania và Paraguay. Vào ngày 26.5.1928 tại Amsterdam (Hòa Lan), trong phiên họp Đại hội đồng FIFA, Henri Delaunay thay mặt cho Liên đoàn túc cầu Pháp trình bày ý tưởng tổ chức một giải đấu quốc tế cho các đội tuyển của các quốc gia là thành viên FIFA. Ngày 19.5.1929, tại Barcelona (Tây Ban Nha), FIFA đã quyết định trao quyền đăng ký World Cup lần đầu tiên cho Uruguay. Kể từ năm 1958, GTCTG được luân phiên tổ chức tại Châu Âu và Châu Mỹ. Tháng Năm năm 1996, FIFA “phá lệ” lần đầu tiên khi chọn Nam Hàn và Nhật làm hai nước chủ nhà cho GTCTG 2002. Kể từ 1930, chỉ có 7 quốc gia khác nhau đoạt chức vô địch 16 GTCTG.

Ngày nay, GTCTG được mọi người khắp năm châu bốn bể biết tới và ham thích. Trong GTCTG 1998 ở Pháp, có 37 tỉ lượt người xem GTCTG 1998 qua truyền hình, bao gồm 1,3 tỉ xem trận chung kết, và 2,7 triệu khán giả tràn tới xem 64 trận đấu tại Pháp!

Thành tích Giải Túc Cầu Thế Giới

Trong 17 vòng chung kết vừa rồi thì chỉ có 7 quốc gia đoạt cúp vô địch, trong đó đội Ba Tây là đội tuyển thành công nhất với 5 lần vô địch. Sau Ba Tây là Đức và Ý,mỗi đội đoạt cúp vô địch ba lần.

Trong các châu thì Nam Mỹ là xuất sắt hơn cả, đoạt cúp vô địch cả thành 9 lần, với công lao của Ba Tây, Argentina và Uruguay. Âu châu thì đoạt cúp 8 lần, với thành tích của Ý, Đức, Anh và Pháp.

Từ năm 1930 đến 1970 FIFA chỉ đơn giản gọi chiếc cúp vàng vô địch là Cúp Thế Giới, tức 'World Cup' hay 'Coupe du Monde'. Đến năm 1946 FIFA quyết định đổi tên, gọi cúp là 'Jules Rimet Trophy' để tưởng niệm vị đã đặt nền móng cho ngày hội thể thao lớn nhất của hành tinh.

Cúp này được các đội vô địch luân phiên giữ: năm nay đội này vô địch thì bốn năm sau phải trao lại cho đội vô địch khác. Chỉ nước nào vô địch ba lần thì mới được quyền sở hữu. Nhờ đó, năm 1970 Ba Tây trở thành nước đầu tiên và nước duy nhất trong lịch sử với danh hiệu vô địch thứ ba, giành quyền sở hữu chiếc cúp Jules Rimet. Nhưng hớ hênh thế nào năm 1983 chiếc cúp này bị kẻ gian lấy trộm và từ đó đến nay chính quyền Ba Tây vẫn chưa tìm lại được!

Sau năm 1970, khi chiếc cúp thuộc về quyền sở hữu của Ba Tây, FIFA phải đặt làm một chiếc cúp mới, và theo thể lệ mới, thì bất kể là đoạt danh hiệu vô địch bao nhiêu lần, không đội nào được quyền sở hữu chiếc cúp. FIFA quyết định rằng các đội vô địch sẽ luân lưu giữ chiếc cúp và chiếc cúp này sẽ được về hưu vào năm 2038, sau khi khắc đủ tên quốc gia vô địch từ năm 1974 đến 2038.

Ngoài ra, cầu thủ tham dự World Cup còn có thể được tặng thưởng cách danh hiệu sau:

Giày vàng Adidas, tức 'The Adidas Golden Shoe', được ban thưởng từ năm 1930 với tên gọi 'Giày vàng' (Golden Shoe).

Giải thưởng Yashin (The Yashin Award) cho thủ môn xuất sắc nhất. Yashin là thủ môn huyền thoại của Sô Viết, cùng thời với Pelé. Giải này được phát từ năm 1994.

'Giải đội bóng đạo đức của FIFA' (The FIFA Fair Play Award), tặng cho đội bóng ít phạm lỗi nhất, được tặng thưởng từ năm 1978.

Đội bóng công chúng yêu mến nhất (The Most Entertaining Team Award), giải thưởng này được quyết định bằng các cuộc thăm dò, dành cho đội bóng được công chúng yêu mến nhất, khởi đầu từ năm 1994.]

'The Gillette Best Young Player' thưởng cho cầu thủ xuất sắc nhất còn ở tuổi dưới 21.

Vòng loại Giải Túc Cầu Thế Giới

Ba năm trước ngày khai mạc World Cup, FIFA sẽ cho tổ chức vòng loại. Vòng này sẽ kéo dài suốt hai năm dưới sự điều hành của các liên đoàn túc cầu khu vực. Từ World Cup 1934, FIFA đã tổ chức đá loại trên sáu khu vực: Phi châu, Á châu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ - Caribbean, Nam Mỹ, Châu Đại Dương, Âu châu. FIFA sẽ căn cứ vào sức mạnh tương đối giữa các đội để ấn định thể thức đá loại cũng như tiêu chuẩn dự World Cup cho từng khu vực.

Nếu giữa các khu vực có sự chênh nhau về trình độ chuyên môn, FIFA áp dụng thể thức 'play-off'. Lấy thí dụ, vì túc cầu Châu Đại Duơng không thể sánh bằng Nam Mỹ nên đội hàng đầu của châu Đại Dương sẽ tranh tài với đội xếp thứ năm Nam Mỹ để giành vé đi dự World Cup. Và để công bằng, FIFA ấn định rằng hai đội hai trận đấu trên sân nhà của từng đội.

Từ World Cup 1938 trở đi, FIFA mở ra một biệt lệ cho nước chủ nhà: nước đăng cai tổ chức World Cup đương nhiên được quyền tham dự, không phải dự tranh vòng loại. Đồng thời, FIFA cũng cho đội đương kim vô địch được quyền đương nhiên tham dự, thế nhưng kể từ World Cup 2006 này thì thể lệ này bị bãi bỏ: Ba Tây là vô địch của World Cup 2002 cũng phải tham gia vòng loại mới được quyền tham dự.

Vòng chung kết

Trong vòng chung kết hiện tại bao gồm hai giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu thì 32 đội sẽ được phân trong tám bảng trong vòng đấu gọi là 'đấu bảng' (the group stage). Việc rút thăm để phân nhóm này được tiến hành với tính cách ngẫu nhiêu. Tuy nhiên từ năm 1998 FIFA đã áp dụng những biện pháp để đoan chắc rằng không nhóm nào có quá hai đội Âu châu hay quá hai đội cùng đến từ một khu vực (Á, Phi, Nam Mỹ v.v...).

Trong mỗi nhóm thì mỗi đội sẽ đọ sức ba trận và sẽ được tính điểm theo mức ấn định từ năm 1994: 3 điểm cho một trận thắng, 1 điểm cho một trận hoà và nếu bị thua thì không được điểm nào. Sau vòng này, hai đội cao điểm nhất trong nhóm sẽ được quyền tiến vào giai đoạn hai.

Giai đoạn hai còn gọi là 'vòng loại' (knockout stage) với 16 đội. Ở đây hai đội còn lại sẽ chơi một trận sinh tử cho đến khi có tỷ số thắng thua rõ rệt mới thôi, do đó nếu cần thiết trọng tài sẽ cho đấu thêm hiệp phụ hoặc tiến hành đá phạt luân lưu.

Sau đó, đội thắng ở bảng này sẽ đá với đội thua của bảng kia để tạo cho đội thua cơ hội thứ hai. Sau đợt tranh tài này sẽ còn lại 8 đội đi vào vòng tứ kết (quarter-finals). Từ vòng tứ kết sẽ lấy ra các đội vào trận bán kết (semi-finals) và trận chung kết (final). Hai đội bị thua trong trận bán kết sẽ đá trận cuối cùng để giành giải ba.

Các trận đấu giữa 8 nhóm tranh giải 2006

  • 1. Nhóm A: Đức, Costa Rica, Ba Lan, Equateur
  • 2. Nhóm B: Anh, Paraguay, Trinidad & Tobago, Thụy Điển
  • 3. Nhóm C: Argentine, Côte d'Ivoire, Serbie & Monténegro, Hoà Lan
  • 4. Nhóm D: Mexique, Iran, Angola, Tây Ban Nha
  • 5. Nhóm E: Ý, Ghana, Hoa Kỳ, Tiệp
  • 6. Nhóm F: Ba Tây, Croatie, Uc Đại Lợi, Nhật
  • 7. Nhóm G: Pháp, Thụy Sĩ, Nam Hàn, Togo
  • 8. Nhóm H: Tây Ban Nha, Ukraine, Tunisie, Ả Rập Saoudite
Vòng 16 đội:

  • Trong 8 bảng nói trên, hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ được vào vòng 16 đội. 16 đội này sẽ gặp nhau theo sắp xếp như sau:
  • Trận 1: Nhất bảng A gặp nhì bảng B.
  • Trận 2: Nhất bảng C gặp nhì bảng D.
  • Trận 3: Nhất bảng E gặp nhì bảng F.
  • Trận 4: Nhất bảng G gặp nhì bảng H.
  • Trận 5: Nhất bảng B gặp nhì bảng A
  • Trận 6: Nhất bảng D gặp nhì bảng C
  • Trận 7: Nhất bảng F gặp nhì bảng E
  • Trận 8: Nhất bảng H gặp nhì bảng G.
Vòng tứ kết:

  • 8 đội thắng trong vòng 16 đội sẽ tranh tài với nhau vòng từ kết, theo sắp xếp như sau:
  • Trận 1: Hai đội thắng của trận 1 và trận 2 vòng 16 đội sẽ gặp nhau.
  • Trận 2: Hai đội thắng của trận 3 và trận 4 vòng 16 đội sẽ gặp nhau.
  • Trận 3: Hai đội thắng của trận 5 và trận 6 vòng 16 đội sẽ gặp nhau.
  • Trận 4: Hai đội thắng của trận 7 và trận 8 vòng 16 đội sẽ gặp nhau.
Vòng bán kết:

  • Bán kết 1: Hai đội thắng của trận 1 và trận 2 vòng tứ kết sẽ gặp nhau.
  • Bán kết 2: Hai đội thắng của trận 3 và trận 4 vòng tứ kết sẽ gặp nhau.
Chung kết:

Hai đội thắng của hai trận bán kết sẽ gặp nhau, và đội thắng sẽ đoạt chức vô địch.

Trận khai mạc là ngày 09.06.2006 ở sân vận động Olympiapark ở Muenchen. Trận chung kết GTCTG 2006 sẽ diễn ra vào lúc 20g ngày mùng 9.7.2006 tại sân vận động thủ đô Bá Linh.

Sân bóng GTCTG 2006

Mười hai sân vận động tại Đức đã được chuẩn bị sẵn sàng cho các trận đấu GTCTG 2006. Từ hai năm trước, một số sân vận động đã bắt đầu được sửa chữa cải tiến hay xây dựng lại hoàn toàn mới. Nhưng dù là một sân vận động lớn với kiến trúc rất tráng lệ và nhiều kỹ thuật tân kỳ như Olympiapark ở Munich, Berlin, Kaiserslautern và Nuremberg, tất cả đều phải có điều kiện ngang nhau ở phần thiết yếu nhất: sân bóng.

Một đòi hỏi quan trọng hàng đầu cho sân bóng là hệ thống thoát nước, sân không thể bị ngập nước khi mưa lớn vì sẽ tác động nặng nề đến kết quả trận đấu. Những sân trong VCK World Cup có chiều dài 110 mét và chiều ngang 75 mét.

FIFA chọn Nam Phi để đứng ra tổ chức giải GTCTG 2010.

Dân chúng Nam Phi hôm nay liên hoan tin Liên đoàn Túc Cầu Thế giới, gọi tắt là Fifa, đã chọn Nam Phi để đứng ra tổ chức giải Bóng đá Thế giới năm 2010. Fifa gồm 24 thành viên đã bỏ 14 phiếu thuận để chọn Nam Phi trong khi đó Marốc chỉ được 10 phiếu. Năm nay Liên đoàn Túc Cầu Thế giới chỉ chấp thuận đơn xin tổ chức giải của các nước Phi châu sau khi quyết định rằng việc tổ chức giải vô địch túc cầu thế giới phải được luân chuyển giữa các lục địa. Sau khi tin này được loan báo, dân chúng Nam Phi đã tủa ra đường, vỗ tay, ca hát và phất cờ không ngừng. Tổng thống Nam Phi, Thabo Mbeki đã cùng dân chúng nhẩy múa liên hoan tại thủ đô Pretoria.

World Cup 2006: đội nào vô địch?

World Cup 2006 sắp sửa khai diễn ra và câu hỏi 'Ai sẽ vô địch lần này' được lập đi lập lại: trong ba đội Ba Tây, Pháp và Đức, có ai dám khẳng định rằng hai đội nào sẽ không đoạt cúp vô địch?

Còn bạn, bạn thử đoán xem đội nào?

( Tài liệu từ báo Dân Việt, VnExpress, và NguoiViet)