WESTMINSTER, California (NV) - Dự luật AB 2214, cộng đồng Việt Nam quen gọi là “dự luật bánh chưng,” thực ra không khả quan như tin đưa ban đầu, vì đã bị thay đổi nhiều trước khi được Hạ Viện thông qua.

Hiện nay những loại thực phẩm chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan y tế tại mỗi địa phương. Những thức ăn bán cho công chúng buộc phải bày bán trong tủ lạnh với nhiệt độ tối thiểu 41 độ F. Ngoài ra, thức ăn phải luôn được giữ trong một độ nóng 145 độ F trở lên để thực phẩm không bị lên men, dễ nảy sinh vi khuẩn nguy hại đến sức khỏe công chúng.

Nếu tuân thủ luật lệ hiện hành, những nhà làm bánh chưng sẽ phải bỏ nghề, vì người Việt Nam sẽ không mua bánh chưng đông lạnh. Nếu bánh chưng hay bất cứ thức ăn nào hấp trong nhiệt độ nóng sẽ phải bán trong một vài giờ.

Sau khi bị thay đổi trước khi Hạ Viện thông qua, dự luật AB 2214 chỉ đòi hỏi Bộ Y Tế nghiên cứu vấn đề này mà thôi.

Theo tài liệu của Văn Phòng Luật Sư Quốc Hội tiểu bang, dự luật nguyên thủy, tên chính thức là Dự Luật Thực Phẩm Truyền Thống Châu Á, do Dân Biểu Trần Thái Văn soạn thảo, được ghi như sau:

“Vì tính giàu truyền thống của người Mỹ gốc Á, một tiến trình phải 'được thực hiện' (put into place) để những thực phẩm truyền thống này được bán và tiêu thụ theo truyền thống này.”

Tuy nhiên, trước khi được thông qua, dự luật đã phải đổi và hiện nay ghi như sau:

“Vì tính giàu truyền thống của người Mỹ gốc Á, một tiến trình phải 'được xem xét' (considered), để những thực phẩm truyền thống này được bán và tiêu thụ theo truyền thống này.”

Ngoài ra, dự luật cũng không còn bắt buộc Bộ Y Tế tiểu bang phải cho phép bán bánh chưng qua nhiều ngày, mà chỉ đòi hỏi nghiên cứu. Dự luật nguyên thủy ghi:

“Bộ Y Tế phải tiến hành cuộc nghiên cứu về việc bán và tiêu thụ thực phẩm Châu Á như là một phương tiện để tìm ra phương pháp cho bán và tiêu thụ những loại thực phẩm này.”

Tuy nhiên, đến nay dự luật đã bị thay đổi và thêm chữ “có thể” như sau:

“Bộ Y Tế phải tiến hành cuộc nghiên cứu về việc bán và tiêu thụ thực phẩm Châu Á như là một phương tiện để tìm ra phương pháp 'có thể' (tiếng Anh: may) cho bán và tiêu thụ những loại thực phẩm này...”

Tài liệu của Quốc Hội Tiểu Bang tóm tắt dự luật này như sau:

“Dự luật yêu cầu Bộ Y Tế Tiểu Bang tiến hành một cuộc nghiên cứu phối hợp những tiêu chuẩn vệ sinh và ảnh hưởng của việc bán và tiêu thụ thực phẩm truyền thống Châu Á. Dự luật yêu cầu Bộ Y Tế nộp kết quả cuộc nghiên cứu lên Quốc Hội hạn chót là ngày 01 Tháng Giêng năm 2008.”

Trả lởi phỏng vấn của báo Người Việt qua điện thoại, Dân Biểu Trần Thái Văn, tác giả của Dự Luật AB 2214, nói: “Ðúng là như vậy, nhưng đây là một thắng lợi quan trọng vì nó thúc đẩy Bộ Y Tế làm một cuộc nghiên cứu với ngân sách 120,000 đô la của tiểu bang. Nếu không, vấn đề sẽ không bao giờ được đưa ra thảo luận.”

Dân Biểu Văn nói thêm: “Chúng tôi đã làm việc trong nhiều tháng trời để đạt thành quả này và đây chỉ là bước đầu mà thôi. Mặc dù trong dự luật ghi như vậy, nhưng tôi tin chắc rằng chỉ trong vòng hai tháng, Bộ Y Tế sẽ có báo cáo cuộc nghiên cứu.”

Khi được hỏi, cũng qua điện thoại, liệu Bộ Y Tế có làm một cuộc nghiên cứu sớm hay đợi cho đến gần năm 2008 mới báo cáo kết quả lên Quốc Hội, bà Tacey Derenzy, phát ngôn viên của Bộ Y Tế Tiểu Bang, nói: “Chúng tôi không có ý kiến về vấn đề này!”

Dự Luật AB 2214 sẽ phải được Thượng Viện Tiểu Bang thông qua và được thống đốc tiểu bang ký.

Theo luật hiện hành, bánh chưng, bánh tét, bánh chuối, và khá nhiều loại thực phẩm truyền thống của người Việt Nam không đủ tiêu chuẩn đông lạnh.

Vào mùa Tết năm 2006, nhân viên y tế Quận Cam đã khuyến cáo các chủ chợ vứt bỏ nhiều bánh chưng vì không hợp tiêu chuẩn y tế hiện tại. (Ð.D.)