Nhân Ngày Hiền Mẫu... những tâm tư gởi lại

Cố nhạc sĩ Y Vân lúc tạ thế đã để lại cho đời một bài hát bất hủ, và chỉ mỗi bài hát đó thôi, cũng đủ để nói lên cuộc đời của người nhạc sĩ quá cố này, dẫu qua mọi thế hệ, đối với những ai chưa hề biết được Ông qua bài ca bất hủ có nhan đề “Lòng Mẹ.”

Thật thế, cứ mỗi lần bài ca được cất lên, là không ai trong chúng ta, lại có thể cầm lòng cho được - không ai mà không nhớ về người Mẹ của riêng mình, cho dẫu người Mẹ đó hãy còn sống hoặc đã chôn mình dưới nấm mộ hoang sơ, cỏ dại.

Từng lời ca, câu chữ, từng cách luyến láy, âm điệu nổi trôi, dào dạt, như đưa hồn ta bay bổng để nghĩ và nhớ về Mẹ, những kỷ niệm đẹp nhất của đời con người, của đời làm người, của tình mẹ bao la, biển cả….

Lời bài hát được trích lại như sau:

I.

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,

Tình Mẹ tha thiết như giòng suối biển ngọt ngào,

Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.

Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.

Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.

Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.

Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.

Thương con thao thức bao đêm trường,

Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.

Thương con khuya sớm bao tháng ngày.

Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.

Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.

Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.

Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.

Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.

II.

Lòng Mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa.

Tình Mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe,

Lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre.

Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng Mẹ ru.

Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ.

Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca.

Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà.

Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa.

Thương con Mẹ hát câu êm đềm,

Ru lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm.

Bao năm nước mắt như suối nguồn.

Chảy vào tim con mái tóc chót đành đẫm sương.

Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.

Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.

Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.

Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.

Viết về Mẹ, có thể nói đó là một đề tài muôn thưở, và có viết nhiều cho lắm, cũng vẫn chưa đủ, cũng vẫn chưa thể nào gói gém lại hết những nghĩ suy và tình cảm cao đẹp và trân quý nhất dành cho Mẹ.

Do đó, trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, tác giả xin chia sẽ lại ba hình ảnh về người Mẹ: Người Mẹ Thiêng Liêng (xét về mặt truyền thống và thần học của Giáo Hội), Người Mẹ trong cuộc chiến, và Người Mẹ trong đời thường, vì suy cho cùng, sẽ là một sự thiếu xót lớn, nếu như có ai đó bẳng quên đi ba hình ảnh đó về Người Mẹ trong Ngày Hiền Mẫu sắp tới, ngày 14 tháng 5 năm 2006 (tức vào Chủ Nhật thứ hai của Tháng Năm dành cho Mẹ mà ta gọi là Ngày Hiền Mẫu, cũng như vào Chủ Nhật thứ hai của Tháng Sáu dành cho Cha, tức Ngày Hiền Phụ).

A. Người Mẹ Thiêng Liêng Là Đức Maria (Maria, Our Spiritual Mother)

Chúng ta biết gì về Đức Maria như là Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta?

Người Mẹ Thiêng Liêng Cao Cả Nhất
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.” Nghe lời ấy, Bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa….

Bấy giờ Bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi (Luca 1:26-38).

Với việc Đức Maria trả lời Xin Vâng để trở thành Người Mẹ của Đấng Cứu Thế vào lúc thiên thần báo tin (như được trình thuật trong Phúc Âm của Thánh Luca), thì nền tảng Thánh Kinh chính yếu cho học thuyết về Đức Maria là Người Mẹ Thiêng Liêng của tất cả nhân loại lại được tìm thấy trong Phúc Âm của Gioan, Chương 19 từ Câu 26-27. Lúc đó Mẹ đang có mặt ở đồi Calvê đứng dưới chân cây Thập Giá cùng với Người Con Chịu Đóng Đanh của Mẹ và Gioan, người môn đệ dấu yêu.

Phúc Âm của Thánh Gioan trình thuật như sau: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà.’ Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ con.’”

Gioan, “người môn đệ dấu yêu,” chính là một biểu tượng cho tất cả nhân loại, và theo một cách đặc biệt, chính là những ai muốn kiếm, tìm để trở thành “người môn đệ dấu yêu” của Chúa Giêsu.

Việc nói Gioan chính là sự tượng trưng cho tất cả nhân loại, và theo một cách đặc biệt nào đó, là sư tượng trưng cho tất cả mọi người tín hữu, đã được khẳng định bởi rất nhiều vị Giáo Hoàng, chưa kể đến một danh sách dài vô tận của tất cả những nhà thần học và những cây viết chuyên về mặt tâm linh.

Lấy ví dụ như, Đức Cố Giáo Hoàng Leo XIII đã viết như sau: “Giờ đây trong Gioan, dựa theo suy nghĩ không hề thay đổi của Giáo Hội, Chúa Kitô đã chỉ định rõ là toàn thể nhân loại, đặc biệt là những ai được thông phần với Ngài trong đức tin” (trích từ Adiutricem Populi).

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bàn luận về cương vị người Mẹ của Đức Maria như là một món quà riêng mà Chúa Kitô đã gởi trao lại cho Gioan, và qua Gioan đến cho mỗi cá nhân trong chúng ta.

Trong Hiến Chế Redemptoris Mater (tức về Mẹ của Đấng Cứu Thế), Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã viết như sau:

“Mẹ của Chúa Kitô, trọng tâm chính của mầu nhiệm này - một mầu nhiệm bao gồm lấy mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại, được trao ban như là người mẹ của từng cá nhân một và cho tất cả nhân loại. Người đàn ông đứng dưới cây Thập Giá chính là Gioan, “vị môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến.” Thế nhưng không chỉ có mỗi mình Gioan mà thôi. Theo truyền thống, Công Đồng Chung Vaticăn II đã không ngần ngại gọi Đức Maria là “Mẹ của Chúa Kitô và Mẹ của toàn thể nhân loại.”

Quả đúng như vậy, rõ ràng Đức Maria chính là Người Mẹ của tất cả mọi thành viên của Chúa Kitô… kể từ lúc Mẹ nói lên lời Xin Vâng bằng chính sự yêu thương của Mẹ để cho mọi người tín hữu cũng được sinh ra trong Giáo Hội.

Vai trò làm Mẹ của Đức Maria, vốn đã trở thành một món quà kế thừa cho toàn thể nhân loại, một món quà mà chỉ có mình Chúa Kitô đích thân trao cho mỗi cá nhân con người” (Số 23 và 45).

Từ trên Cây Thập Giá, những ngôn từ mà chính Chúa Kitô nói với Gioan: “Đây là Mẹ con!” thì điều đó, theo Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, có nghĩa là Ngài không có mời gọi chúng ta biết chấp nhận Đức Maria là Người Mẹ của chúng ta một cách thụ động, mà trái lại Đức Cố Giáo Hoàng muốn nêu ra một sự thật về mặt thần học rằng Đức Maria chính là Người Mẹ mới mà Thiên Chúa đã gởi trao lại cho từng vị môn đệ dấu yêu của Ngài.

Các vị Tổ Phụ của Giáo Hội đã nhìn nhận về vai trò của Đức Maria như là một Người Mẹ Thiêng Liêng, vì nó được chính yếu tiềm ẩn trong Đức Maria một mẫu gương sáng và một vai trò như là một “Bà Evà” mới.

Đức Maria chính là một “Người Mẹ Mới của nhân loại,” là người đã dự phần cùng với Chúa Giêsu, một Adong Mới, để đem lại ơn huệ của một sự sống mới cho toàn thể gia đình nhân loại. Vì suy cho cùng, tên “Evà” có nghĩa là “người mẹ của những kẻ sống,” thì Đức Maria, trong tư cách là Bà Evà Mới, cũng chính là “Người Mẹ mới của kẻ sống” theo đúng với ơn huệ của Thiên Chúa.

Một lần nữa như Thánh Jerôme đã tóm lược lại như sau: “Sự chết thông qua Bà Evà, và sự sống thì lại thông qua Đức Maria.”

Hơn nữa, những lời khấn nguyện được dâng lên trong thời Giáo Hội sơ khai gởi đến Mẹ của Thiên Chúa để cầu cho sự bảo vệ về mặt thể lý lẫn tâm linh, đã cho thấy có một sự hiểu biết về khả năng của Đức Maria trong việc chuyển cầu cho những người con thiêng liêng của Mẹ. Chúng ta tìm thấy được những lời nguyện từ những người con trai hay con gái để cầu xin sự hổ trợ đặc biệt của Người Mẹ Thiêng Liêng trong Sub Tuum (tức Dưới Sự bảo Vệ - Under Your Proctection) như sau:

Chúng con hướng đến sự bảo trợ của Mẹ, hỡi Người Mẹ Thánh Thiên của Thiên Chúa! Mặc cho mọi lời khấn nguyện của chúng con trong những lúc nguy khó, xin hãy gìn giữ chúng con khỏi mọi sự hiểm nguy, hỡi Đức Nữ Đồng Trinh vinh hiển muôn đời.”

Thánh Augustinô đã nhìn thấy được sự từ mẫu Thiêng Liêng của Đức Maria dựa trên sự hiệp kết nhiệm mầu giữa Chúa Kitô và những tín hữu. Với tư cách là Người Mẹ thể lý của Chúa Kitô, Đức Maria trong khía cạnh Thiêng Liên, cũng còn là Mẹ của tất cả những người tín hữu, vốn làm nên Thân Mình của Đức Kitô.

Đức Cố Giáo Hoàng đầu tiên đã đề cập đến Đức Maria như là Người Mẹ Thiêng Liêng, cụ thể là “Người Mẹ của Ơn Huệ” (Mother of Grace) chính là Đức Giáo Hoàng Sixtus IV vào năm 1477 (trong Tông Hiến Cum Praecelsa của Ngài). Kể từ thời của Vị Cố Giáo Hoàng này, hơn 27 vị Giáo Hoàng kế tiếp đã tuyên bố về Đức Maria như là Người Mẹ Thiêng Liêng một cách rất cụ thể và rõ ràng.

Công Đồng Chung Vaticăn II trong Lumen Gentium, Đoạn 61 đã viết như sau:

Chính vì thế, theo cách hoàn toàn mang tính chất cá nhân Mẹ đã hợp tác với Thiên Chúa bằng chính sự vâng phục, bằng chính đức tin, bằng niềm hy vọng và bằng lòng bác ái cháy bỏng trong công trình của Đấng Cứu Thế qua việc khôi phục lại cuộc sống siêu nhiên cho các linh hồn. Vì lý do này, mà Đức Maria chính là Người Mẹ của tất cả chúng ta trong ơn huệ.”

Còn nếu xét về mặt thần học, Đức Maria là Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta, được mật thiết liên hệ đến học thuyết về Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Giêsu Kitô.

Trong học thuyết sâu sa này, theo Thánh Phaolô (qua Thư Gửi Cho Collosuê 1:18 và Ephêsô 4:15), thì Chúa Kitô chính là Đầu của Thân Thể, và Giáo Hội chính là Thân Thể của Chúa Kitô.

Đức Maria, qua việc thụ thai Chúa Giêsu, Đấng là Đầu của Thân Thể Mầu Nhiệm, thì tất cả mọi người tín hữu cũng được thụ thai vì tất cả chúng ta đều là những thành viên trong cùng một Thân Thể với Chúa Kitô. Bằng việc hạ sinh Chúa Giêsu, Đấng là Đầu của Thân Thể Nhiệm Mầu, Đức Maria cũng sinh hạ ra Thân Thể, chính là Giáo Hội. Vì thế, đối với Đức Maria, qua việc sinh hạ Chúa Giêsu về mặt thể lý, đã khiến cho tất cả những thành viên của Ngài có thể đón nhận được đời sống thiêng liêng thông qua Chúa Giêsu. Vì lý do này mà Đức Maria được thật sự gọi là “Người Mẹ Thiêng Liêng” của chúng ta.

Đức Maria không phải là Người Mẹ xét về mặt thể lý của chúng ta, lẫn danh hiệu của Mẹ chẳng phải là để mang tính hình thức cả. Đức Maria, qua việc sinh hạ Chúa Giêsu, thật sự hiệp thông cho chúng ta sự sống siêu nhiên của ơn huệ để cho phép chúng ta trở thành những người con của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao, trong suốt thời đại trung cổ, Đức Maria được đề cập đến như là “Cổ của Thân Thể Nhiệm Mầu” (Neck of the Mystical Body). Chính Mẹ là Người đã nối Đầu với các thành viên của Thân Thể trong ơn huệ. Và vì Đầu sẽ không bao giờ tách liền với Thân Thể, nên Đức Maria chính là Người Mẹ của cả hai, tức Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng là Đầu, xét về mặt thể lý; và Mẹ của tất cả những thành viên của Thân Thể Mầu Nhiệm, xét về mặt thiêng liêng, chính là chúng ta những người đã lãnh nhận Phép Rửa Tội trong Hội Thánh.

Điều này đã được Đức Cố Giáo Hoàng Thánh Piô X giải thích rất rõ trong Hiến Chế nổi tiếng của Ngài về Đức Maria, Ad Diem Illum, như sau:

Chẳng phải Đức Maria là Mẹ của Chúa Kitô hay sao? Cũng chính vì thế, mà Đức Maria cũng chính là Mẹ của chúng ta. Chúa Giêsu cũng có một Thân Thể được cấu thành như thân thể của những người khác, nhưng với tư cách là Đấng Cứu Rỗi cho toàn thể nhân loại chúng ta, Ngài có một kiểu Thân Thể Thiêng Liêng và Nhiệm Mầu, vốn là một tập hợp xã hội gồm những ai tin vào Chúa Kitô…..Do đó, đối với Đức Maria, người đã cưu mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng của riêng Mẹ, cũng có thể được nói rằng Mẹ cũng đã từng cưu mang mạng sống của tất cả những ai mà cuộc sống của họ được chứa đựng trong cuộc sống của Đấng Cứu Thế. Vì thế, tất cả chúng ta… cũng đã từng được sinh ra từ chính cung lòng của Đức Maria như là một Thân Thể được hiệp kết với Đầu. Và kể từ đó trở đi, xét theo nghĩa thiêng liêng và mầu nhiệm, chúng ta được gọi là những người con của Đức Maria, và Đức Maria chính là Người Mẹ của tất cả chúng ta.”

Thế nhưng, Đức Maria trong tư cách là Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta qua ơn huệ không chỉ được dừng lại vào lúc Mẹ sinh hạ ra Thân Thể Nhiệm Mầu. Một người mẹ thật sự cả về “tự nhiên” lẫn “nuôi nấng” những người con của mẹ. Một người mẹ thật sự trao sự sống cho các con của mình, cũng như dưỡng nuôi và giáo dục con cái mình. Xét về mặt thiêng liêng, thì Đức Maria không những sinh hạ ra Thân Thể của Chúa Kitô, mà Mẹ còn tiếp tục chuyển cầu tất cả mọi ơn huệ nhận được cho những đứa con thiêng liêng của Mẹ, hướng dẫn những đứa con thiêng liêng của Mẹ đến với Người Con của Mẹ, và hướng đến sự cứu rỗi muôn đời. Đức Maria đã và đang làm như thế, không chỉ vì việc sinh hạ ra Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Giêsu vào Ngày Lễ Truyền Tin, mà còn bằng chính việc chia sẽ những đau đớn về việc Người Con của Mẹ đã phải chịu khổ hình và bị đóng đanh trên cây Thập Giá nơi đồi Calvê, là nơi mà Mẹ được trao cho tác vụ trở thành Người Mẹ Thiêng Liêng cho tất cả những vị môn đệ yêu mến và cho tất cả nhân loại nói chung.

Vì lý do đó, mà Đức Maria đã bắt đầu trở nên Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta vào Ngày Lễ Truyền Tin, thế nhưng thiên chức làm Mẹ của Đức Maria lại được hoàn thiện một cách trọn vẹn hơn ngay tại đồi Calvê, bằng việc Mẹ tham dự vào sự tái sinh về mặt thiêng liêng hay sự hiện thân mới của đại gia đình nhân loại. Việc Đức Maria thi hành thiên chức làm mẹ của Mẹ ngày nay vẫn còn được tiếp diễn qua sự chuyển cầu không ngừng nghỉ của Mẹ từ Nước Thiên Đàng qua việc hướng dẫn những người con còn ở trần thế của Mẹ hướng đến ngôi Nhà Chung trên Nước Thiêng Đàng.

Như Công Đồng Chung Vaticăn II đã tóm tắt một cách rất sâu sắc rằng:

Cương vị làm mẹ của Đức Maria qua ơn huệ tiếp tục không ngừng từ chính sự bằng lòng thủy chung vô điều kiện mà Mẹ đã đưa ra vào Ngày Lễ Truyền Tin, và việc Mẹ đã chịu đựng không hề nao núng dưới chân cây Thập Giá mãi cho đến lúc hoàn thành sứ vụ bất diệt muôn đời của người được Thiên Chúa chọn. Được đưa về Nước Thiêng Đàng, Mẹ không hề từ bỏ sứ vụ cứu vớt của Mẹ, thế nhưng bằng sự chuyển cầu đa dạng và liên lũy của Mẹ, để tiếp tục mang đến cho chúng ta những ơn huệ của công cuộc cứu rỗi muôn đời. Bằng chính lòng bác ái từ mẩu, Mẹ chăm sóc cho những anh em của Người Con của Mẹ, những người vẫn còn đang trên bước đường lữ thứ trần gian được bao vây bởi không biết bao nhiêu hiểm nguy và những trắc trở, mãi cho đến khi tất cả được đưa về nhà Cha trên trời” (trích từ Lumen Gentium, Số 62).

Thì đó chính là nền tảng đúng đắn về thần học đã khiến cho Đức Cố Giáo Phaolô Đệ Lục trong suốt thời gian diễn ra Công Đồng Chung Vaticăn II đã tuyên xưng Đức Maria như là “Mẹ của Giáo Hội.” Vì Đức Maria chính là Người Mẹ Thiêng Liêng được Chúa Kitô chỉ định cho tất cả mọi thành viên của Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Giêsu, chính là Giáo Hội.

Vậy Đức Maria, trong tư cách là Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta, lại có ý nghĩa như thế nào trong Ngày Hiền Mẫu sắp tới này?

Thưa, không chỉ có vào Ngày Hiền Mẫu này, mà sự chú ý mới được hướng về Mẹ, mà trọn cả Tháng Năm này, Giáo Hội dành trọn cả một tháng này để dành cho Đức Maria, Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta, gọi mời chúng ta hãy luôn ngước nhìn về Mẹ.

Bằng chính việc biết “vâng phục” theo thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ đã biết sống trọn từng phút giây trong cuộc đời của Mẹ mà không hề có sự bối rối, mảy may hay nghi ngờ nào cả: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Luca 1:38). Để sống một cuộc sống theo đúng với kế hoạch của Thiên Chúa không phải là một điều gì đó dễ dàng cho lắm. Những ảnh hưởng của tội nguyên tổ và những tiếng nói của ma quỷ cứ mãi ẩn hiện lên hòng lôi kéo tất cả chúng ta đi lệch hướng.

Đức Maria chính là người môn đệ hoàn hảo của chính người Con của Mẹ là Đức Giêsu Kitô. Mẹ đã thể hiện trong cuộc sống của Mẹ tất cả những đức hạnh đã được dạy bảo bởi chính Người Con của Mẹ, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Tất cả chúng ta cần phải hướng đến Mẹ Maria, Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta, vì chỉ có qua Mẹ, chúng ta mới có thể tìm được sự bình an và hạnh phúc đích thực, cũng như ơn cứu rỗi muôn đời mà Mẹ vẫn hằng luôn chuyển cầu xuống cho chúng ta, thông qua chính Chúa Kitô, nơi Phép Thánh Thể, vốn vẫn mãi đợi chờ chúng ta, từng phút từng giây.

Hướng về Đức Maria, Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta trong suốt cả Tháng Năm này cũng như qua mọi phút giây của cuộc sống, cũng chính là cách chúng ta tìm về trở lại suối nguồn đích thực ngay trong chính Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, vốn cũng chính là Giáo Hội.

Hướng về Đức Maria, Người Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta, để chúng ta cùng cầu nguyện với Mẹ cho những người mẹ thể lý của chúng ta luôn được ơn khôn ngoan, sức chịu đựng, và tính thánh thiện, mẫu mực để hướng dẫn chúng ta đi trọn hết con đường lữ thứ đầy gai chông và gió bụi này!



B. Những Người Mẹ Trong Cuộc Chiến (War Time Mothers)

Nói về chiến cuộc, đặc biệt là nói về lịch sử của ngành Quân Sự Hoa Kỳ, đã có không biết bao nhiêu gương anh dũng và hy sinh một cách oanh liệt và vẽ vang của những người thiếu phụ, của những người mẹ trẻ nói riêng, hay những người phụ nữ nói chung, vì tấm lòng yêu thương gia đình, yêu thương tổ quốc và sự trung thành của họ với quốc gia.

Nam giới chúng ta, vẫn từ lâu và mãi cho đến bây giờ, cứ nghĩ rằng chúng ta chính là “cái rốn” của vũ trụ, của mọi tài năng, và đức độ. Thế nhưng, không hẳn là như vậy, vì nếu chúng ta có giỏi “một” thì những người phụ nữ nói chung, hay cụ thể là những người mẹ hoăc những người vợ nói riêng này, giỏi hơn “gấp mười lần” so với chúng ta, chỉ có điều: cái giỏi và thông minh của họ, rất khiêm tốn, rất lặng lẽ và nhún nhường, không ồn ào và khoa trương như chúng ta. Chúng ta cứ bình tĩnh thử nghiệm, và xem xét về điều này trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, thì chúng ta sẽ rõ….

Nữ Thiếu Tướng Hays - Quân Y Hoa Kỳ
Trong Ngày Hiền Mẫu, sẽ thiếu xót lớn nếu như chúng ta quên đề cập, ghi công và tưởng nhớ đến những người mẹ, những người nữ quân nhân anh hùng và vĩ đại này. Theo lẽ thường, chúng ta thường nghĩ và cho rằng những công việc nguy hiểm, nặng nhọc và chinh chiến, chỉ dành riêng cho nam giới mà thôi. Thế nhưng sự thật không hẳn đúng như vậy - những người phụ nữ chẳng phải là những người chân yếu, tay mềm đâu - họ vừa chăm sóc cho gia đình, cho chồng con, và cho cả luôn tổ quốc. Công lao của họ quả thật quá lớn lao và khó có thể sánh bằng cho được!

Ít ai trong chúng ta biết được rằng, hiện tại ở Hoa Kỳ, có gần hơn 2 triệu người phụ nữ là cựu chiến binh, họ giờ đây chính là những người góa phụ, những người mẹ mất chồng, những người mẹ mất con. Những người phụ nữ anh dũng này đã từng phục vụ hầu như trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trong lịch sử của Hoa Kỳ. Họ đã từng phục vụ như là những nữ bác sĩ, y tá, phi công, nhân viên tình báo, vân vân, và đôi lúc, họ lại tự cải trang thành nam giới để có thể phục vụ cho lý tưởng quốc gia của họ.

Dựa theo sử liệu của ngành Quân Sự Hoa Kỳ, sau đây là một vài con số về những người mẹ là nữ quân nhân, là sĩ quan, là chiến binh trong Lực Lượng Quân Sự của Hoa Kỳ:

(1) Trong Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng (Revolutionary War), vào tháng 10 năm 1778, Deborah Samson từ thành phố Plympton, thuộc tiểu bang Massachussetts, đã trở thành một nam binh sĩ gái giả trai đầu tiên. Là một phụ nữ có chồng và hai con, Bà trực tiếp làm việc dưới quyền của Đại Tướng George Washington, cũng là vị Tổng Thống Đầu Tiên của Hoa Kỳ.

(2) Trong Cuộc Nội Chiến (Civil War) tương tàn của Hoa Kỳ giữa các tiểu bang với nhau vào khoảng năm 1865, có hai người phụ nữ nổi bật là Bác Sĩ Mary Walker và Y Tá Sarah Emma Edmonds, những người phục vụ không mõi mệt cho các binh sĩ bị thương. Riêng nữ Bác Sĩ Walker cũng đã bị bắt bỏ tù, và sau này được Cố Tổng Thống Andrew Johnson tặng thưởng Huy Chương Danh Dự (Medal of Honor) - một phần thưởng cao nhất của Quốc Hội Hoa Kỳ dành cho những binh sĩ trong cuộc chiến, vì sự hy sinh anh dũng và can trường trong việc trung thành phục vụ cho Quốc Gia. Trong cuộc chiến này, đã có hơn 60 nữ quân nhân đã bị tử trận hay trọng thương.

(3) Có hơn 1,500 nữ y tá được điều động về hoạt động tại các bệnh viện của Lục Quân trong suốt Cuộc Chiến Giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ vào năm 1898. Vì thành tích trổi vượt của họ, mà Quân Đoàn Y Tá Lục Quân (Army Nurse Corps) được chính thức thành lập ra vào năm 1901. Ellen May Tower, thuộc thành phố Byron ở tiểu bang Michigan là nữ y tá Hoa Kỳ đầu tiên chết ở nước ngoài (Puerto Rico), và cũng là nữ y tá đầu tiên trong Quân Đội Hoa Kỳ được chôn cất theo nghi lễ của Quân Đội Hoa Kỳ. 22 nữ y tá của Quân Đội Hoa Kỳ đã tử trận trong cuộc chiến này.

(4) Trong Chiến Tranh Thế Giới Lần I, đã có hơn 33,000 nữ quân nhân không những phục vụ như là những y tá mà còn trong các vai trò hổ trợ khác, và đã có hơn 400 y tá đã chết khi đang thi hành nhiệm vụ. Có ít nhất là 3 Nữ Y Tá của Lục Quân được trao Distinguised Service Cross, danh dự cao thứ nhì trong ngành Quân Đội Hoa Kỳ.

(5) Trong suốt cuộc Đại Chiến Thế Giới Lần II diễn ra tại vùng Normandy vào năm 1944, đã có hơn 400,000 nữ quân nhân phục vụ tại Hoa Kỳ và ở nước ngoài như là những y tá, những nữ phi công, và các vai trò không phải chiến đấu khác. Đã có 88 người phụ nữ đã bị bắt và bị giữ làm tù binh (POWs) trong cuộc đại chiến này. 16 nữ y tá chết vì bị trúng đạn của quân Hítler, và 13 nữ y tá trên máy bay đã thiệt mạng vì rớt máy bay trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Tổng cộng con số tử vong trong cuộc chiến này, theo lịch sử ghi nhận, thì đã có hơn 400 nữ sĩ của mọi quân ngành đã thiệt mạng.

Nữ Thiếu Tướng Pietsch Thuộc JAG
(6) Trong suốt Cuộc Chiến Triều Tiên, đã có hơn 50,000 nữ quân nhân được điều động tham gia cuộc chiến mang tên Cuộc Chiến Tranh Bị Lãng Quên (The Forgotten War) ngay tại Hoa Kỳ và tại nước ngoài dưới thời của cựu Tổng Thống Henry Truman. Nổi tiếng trong số này chính là Nữ Y Tá Đại Úy Lillian Kinkela Keil đến từ thành phố Covina Hills, thuộc bang California. Cô nhận được rất nhiều Huy Chương Bội Tinh, Bắc Đẩu, vân vân của ngành Lục Quân Hoa Kỳ. Hơn 19 nữ quân nhân đã phải tử trận trong chiến cuộc này.

(7) Trong Cuộc Chiến Việt Nam từ năm 1964-1973, đã có hơn 10,000 nữ quân nhân được điều động sang tham chiến tại Việt Nam trong mọi quân ngành, hầu hết họ là những y tá viên, và có 8 nữ quân nhân trong ngành Lục Quân và Không Quân của Hoa Kỳ đã phải thiệt mạng.

(8) Trong Chiến Dịch Sức Mạnh Khẩn Cấp (Operation Urgent Fury) tại Greneda vào năm 1983, cựu Tổng Thống Reagan đã điều động 200 nữ binh sĩ trong Lục Quân Hoa Kỳ tham gia vào cuộc xâm lấn Grenada, một hòn đảo nhỏ thuộc vùng biển Caribbe đang bị những kẻ sát nhân khuynh tả dưới sự hổ trợ của Cộng Sản Cuba khuấy đảo. Nữ phi công của Không Quân và sau này là Nữ Phi Hành Gia trưởng Phi Hành Đoàn trong chuyến thám hiểm vũ trụ vừa rồi là Nữ Trung Tá Eileen Collins, nguyên cựu sinh viên Thạc Sĩ tại trường Đại Học Webster thuộc thành phố St. Louis ở Missouri, được giao nhiệm vụ di dời các sinh viên y khoa của Hoa Kỳ ra khỏi hòn đảo, trong khi nữ phi công khác là Thiếu Úy Celeste Hayes lái máy bay thả các nam binh sĩ dù xuống trận chiến Salinas.

Sáu năm sau, vào năm 1989, trong Chiến Dịch Công Lý Chính Nghĩa (Operation Just Cause), hàng trăm nữ quân nhân trong Lực Lượng Võ Trang Hoa Kỳ cũng được điều động tham chiến với tư cách là quân cảnh, nữ phi công lái máy bay chiến đấu, nữ nhân viên tình báo, nữ thám sát viên, y tá, bác sĩ, vân vân. Những nữ quân nhân này rất thông minh và gan dạ, đôi lúc thông minh và gan dạ hơn cả nam giới, và họ đã cứu mạng không ít mạng sống cho các nam binh sĩ. Con số tử vong khoảng trên dưới 50.

(9) Vào ngày 2 tháng 8 năm 1990, Hoa Kỳ triển khai một chiến dịch tấn công thần tốc mang tên Chiến Dịch Bão Sa Mạc (Operation Desert Storm), khi cựu tổng thống của Irắc là Saddam Hussein lấn chiếm Kuwait, trên 41,000 nữ binh sĩ được Tổng Thống Bush (Cha) điều động tham chiến. Tổng cộng có 16 nữ quân nhân đã thiệt mạng và 2 bị bắt làm tù binh.

(10) Từ giữa năm 1992 đến 1994, hơn 1000 nữ quân nhân được điều động vào chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ tại Somalia, bên Phi Châu. Vào năm 1995, hơn 1200 nữ quân nhân được điều sang Haiti trong sứ vụ gìn giữ hòa bình. Tại Bosnia (thuộc Nam Tư cũ) tổng cộng có khoảng hơn 5,000 nữ quân nhân tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, và hiện tại họ vẫn còn có mặt tại đó.

(11) Sau đó, trong Chiến Dịch Cáo Sa Mạc (Operation Desert Fox), hơn 6,000 nữ quân nhân tham chiến, và nổi bật nhất là Thiếu Úy Nữ Phi Công Kendra Williams, người nữ phi công đầu tiên thả bom và bắn hỏa tiển vào phe địch.

(12) Trong cuộc chiến tại Afganistan, với Chiến Dịch Tự Do Lâu Dài (Operation Enduring Freedom), hơn 10000 nữ quân nhân đã tham chiến, có 7 nữ binh sĩ đã tử trận. Nổi tiếng trong số này là Nữ Thiếu Tá Quân Y của ngành Hải Quân Laurel Salton Clark, người đã thiệt mạng trong phi thuyền con thoi STS-107.

(13) Riêng tại cuộc chiến mới nhất sau này, cuộc chiến mang tên Chiến Dịch Cho Một Nước Irắc Tự Do (Operation Iraqi Freedom), tính cho đến nay đã có hơn 56 nữ quân nhân (trong đó có 6 nữ sĩ quan) đã ngã xuống.

Nữ Thiếu Tá Không Quân Collins - Trưởng Phi Thuyền Con Thoi
(14) Những Đài Tưởng Niệm và Đài Tử Sĩ dành cho những chiến binh phụ nữ, đã được dựng lên trên khắp đất nước Hoa Kỳ gồm có:

Bức tượng người con gái của một sĩ quan Quân Đội Hoa Kỳ là Cô Sybil Ludington tại thành phố Carmel, thuộc tiểu bang New York vào ngày 26 tháng 4 năm 1777.

Bức tượng của người góa phụ Margaret Corbin trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng được dựng lên tại Fort Washington vào năm 1776. Bà là người đầu tiên được Quốc Hội Hoa Kỳ cho nhận quỹ hưu bổng cựu chiến binh. Hai năm sau vào năm 1778, bức tượng của một người mẹ khác là Bà Mary Ludwig Hays, cũng được dựng lên tại thành phố Carliste, thuộc bang Pennsylvania.

Riêng tại Nghĩa Trang Quốc Gia ở Arlington, thuộc bang VA, đã có hơn 26 nữ sĩ quan được chôn cất tại đó, và bức tượng kỷ niệm của Nữ Phó Điều Động Quân Đoàn Y Tá Lục Quân Jane Delano và tất cả những nữ y tá khác trong Cuộc Đại Chiến Thế Giới Lần I cũng được dựng lên một cách trang trọng để mọi người ghi nhớ.

Một Nữ Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên được dựng tượng để ghi công đó là Bà Molly Marine tại New Orleans thuộc bang Louisiana. Bức tượng đại diện cho những người phụ nữ của Quân Đội Hoa Kỳ đã hy sinh trong Cuộc Đại Chiến Thế Giới II.

Một trong những điểm thu hút khả nổi tiếng tại thành phố Rindge thuộc bang New Hampshire chính là “Cathedral of the Pines” với “Bàn Thờ của Quốc Gia” (Altar of the Nations) và “Tháp Chuông Tưởng Niệm” (Memorial Bell Tower) để ghi công Nữ Thiếu Úy Sanderson Sloane, người tử trận vào năm 1944. Quốc Hội Hoa Kỳ đã công nhận Tháp Chuông Tưởng Niệm này để ghi công sự hy sinh của những nữ chiến binh quả cảm của mọi cuộc chiến.

Bức tượng của Nữ Thiếu Úy Sharon Lane, tử trận dưới làn đạn nguy hiểm của Việt Cộng trong cuộc chiến Việt Nam được dựng lên vào ngày 29 tháng 5 năm 1973 tại Fort Belvoir, VA, và sau này tại Fort Hood, TX vào tháng 9 năm 12 năm 1995.

Kỳ Đài dành cho những Nữ Cựu Chiến Binh tại thành phố Albany thuộc tiểu bang New York được dựng lên để ghi nhớ lịch sử của hơn 200 năm về sự hy sinh, gắn bó của những nữ binh sĩ trong mọi cuộc chiến của Hoa Kỳ.

(15) Và sau cùng, những người mẹ, những người nữ quân nhân đầu tiên, được sử sách Hoa Kỳ ghi công và nhớ đến, và ngoài những nữ chiến binh đầu tiên được đề cập rải rác trong các phần trình bày trên, còn có thêm:

Vị Nữ Thiếu Tướng (1 sao) (Brigadier General) đầu tiên trong lịch sử của Quân Đoàn Y Tế Lục Quân Hoa Kỳ, là Nữ Thiếu Tướng Anna Mae Hays vào ngày 11 tháng 6 năm 1970.

Vị Nữ Thiếu Tướng đầu tiên và duy nhất trong Quân Đoàn JAG (Judge Advocate General) tức Công Ty Luật Lớn Nhất Thế Giới của Lục Quân Hoa Kỳ là Nữ Thiếu Tướng Coral Pietsch.

Vị Nữ Chiến Binh Y Tá đầu tiên được lên mặt tem của Hoa Kỳ là Clara Maass, trong Cuộc Chiến giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Vị Nữ Bác Sĩ Quân Y đầu tiên được ủy thác (commissioned) vào Quân Đoàn Y Tá Lục Quân Hoa Kỳ là Nữ Bác Sĩ Margaret D. Craighill với chức vụ Thiếu Tá.

Những người phụ nữ đầu tiên lên chức Tướng trong Quân Đội Hoa Kỳ gồm: Nữ Thiếu Tướng Elizabeth P. Hoisington (1970) thuộc Lục Quân, Nữ Phó Đô Đốc Fran Mckee (1976), Nữ Thiếu Tướng Margaret A. Brewer (1978) trong ngành Thủy Quân Lục Chiến, và Nữ Thiếu Tướng Không Quân Jeanne M. Holm (1971).

Trên đây là những số liệu về những người mẹ trong cuộc chiến, thế còn những người mẹ vốn là những người lính cứu hỏa của Hoa Kỳ thì sao?

Những Nữ Lính Cứu Hỏa của Hoa Kỳ


Những người mẹ, người vợ nói riêng, hay những người phụ nữ tài giỏi và đức độ nói chung, vẫn thường hay diện đối với sự rẽ khinh của nam giới, trong tất cả mọi ngành nghề vì tài năng và sức khỏe trổi vượt của họ.

Tháng 4/2006 vừa qua, trên kênh truyền hình PBS, đã có trình chiếu một bộ phim thời sự dài, khoảng 2 tiếng, nói về lịch sử của những người nữ trong ngành cứu hỏa của Hoa Kỳ, và những gian khổ về sự kỳ thị mà nam giới đã dành cho họ, đã vu khống và tố cáo họ, cũng như đã dã man đàn áp và hiếp dâm họ. Cuốn phim rất cảm động ghi nhận lại những cuộc đời rất thực, của những người mẹ, vừa tảo tần nuôi con, chăm sóc gia đình, lại vừa muốn góp phần của mình vào việc xóa đi nổi đau của nhân loại, đặc biệt là trong biến cố 11 tháng 9 năm 2001 vừa qua.

Phần lớn những đóng góp chân chính của họ đã bị lịch sử quên lãng, vì sự áp chế, vì sự mất mặt và vì sự ganh tị của giới nam. Hàng trăm ngàn người phụ nữ đã từng phục vụ không những cho những tổ ấm gia đình bé nhỏ của riêng họ, mà còn cho cả các cộng đồng xã hội rộng lớn của họ trong vai trò là các thành viên của đội dội nước, đội cứu hỏa và đội theo dõi ngọn lửa, vân vân.

Người phụ nữ đầu tiên được biết đến như là một nữ lính cứu hỏa chính là Cô Molly Williams, một người mẹ da đen, tham gia cứu hỏa trong trận bảo tuyết của năm 1818. Lúc đó các nam cứu hỏa đã quá sợ hãi, và Cô Molly đã dũng cảm thay thế họ để kéo những ống nước, vốn đã bị chìm sâu trong tuyết, để chĩa vào ngọn lửa.

Cứ thế, thời gian dần trôi, và những người phụ nữ này càng thể hiện rõ hơn ý chí sắt đá, đức tín gan dạ, kiên trường, và vững chải hơn của họ so với các lính cứu hỏa nam giới. Và tính cho đến ngày hôm nay, chỉ riêng tại Hoa Kỳ không thôi, đã có hơn 6,200 người phụ nữ trong vai trò là các lính cứu hỏa cũng như các sĩ quan cao cấp điều khiển các đội cứu hỏa lớn và mạnh nhất của Hoa Kỳ.

Bằng việc nhắc lại những công ơn và sự hy sinh của những người phụ nữ, những người mẹ và những người vợ, vốn đã từng dũng cảm vượt qua những rào cản của ý thức hệ, của xã hội và của con người, để nổi bật lên như những vị anh thư can đảm và đức độ, là để muốn thức tỉnh chúng ta: những người thuộc thế hệ làm con-làm cháu, và đặc biệt là những người làm chồng, làm cha, hơn bao giờ hết, hảy biết tỉnh ngộ, hãy biết trân trọng và quý mến, những người vợ, những người mẹ của riêng mình, vì rằng, họ chính là tất cả trong cuộc đời của chúng ta. Không có họ: những người mẹ hay những người vợ này, thì xã hội nhân loại sẽ bị diệt vong!

Liệu còn có cơ hội nào tốt cho bằng để biết tỉnh táo mở rộng tri thức, mở rộng tấm lòng của chúng ta, để chúng ta - đặc biệt là những người nam giới, biết hiện thể lòng tri ơn và sự kính trọng đích thực của chúng ta cho những người mẹ, những người vợ hiền này, trong Ngày Hiền Mẫu sắp tới này chăng?



C. Những Người Mẹ Đời Thường (Our Biological or Adoptive Mothers)

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã từng nói với chúng ta rằng: “Gia đình nên là nơi để gặp gỡ với Thiên Chúa.” Hơn bao giờ hết, những người mẹ rất ý thức được điều này, vì hằng ngày họ vẫn gặp Thiên Chúa qua những nụ cười và giọt lệ của các con cái họ. Khi Thiên Chúa kiến tạo ra hình thể của gia đình, Ngài đã suy nghĩ rất kỷ và thấu đáo tất cả mọi chuyện.

Và Thiên Chúa đã đặt người mẹ vào một vị trí rất quan trọng, có ý nghĩa cao cả nhất, không thể nào có thể thay thế được trong đời sống của từng đơn vị gia đình bé nhỏ, và trong một đại cộng đồng nhân loại rộng lớn. Chúng ta sẽ như thế nào nếu như không có mẹ? Người mẹ luôn lúc nào cũng yêu thương chúng ta qua những lúc sóng gió cũng như những lúc sướng vui của dòng đời xuôi ngược. Những người mẹ là những người rất đặc biệt vì chính họ là những người mang lại cho chúng ta một sự sống mới về mặt thể lý và tâm linh, mà không có một nhân loại con người nào có thể làm được, và rằng: tình yêu của những người mẹ dành cho con cái của họ, cũng chính là một thứ tình yêu mà không một con người xác phàm nào có thể mang lại.

Con người chúng ta, nhìn chung, hằng năm cứ vào Ngày Lễ Hiền Mẫu này, chúng ta lại coi ngày đó như là cơ hội để chúng ta có thể biểu lộ tình yêu, và lòng biết ơn của chúng ta đến với những người mẹ, và những người vợ của chúng ta. Những người làm cha, làm chồng hay con cái cứ hướng vào ngày lễ này để đổ xô chạy đến các siêu thị để mua một món quà gì đó có ý nghĩa để dành cho mẹ hay vợ của mình.

Thế nhưng, những người mẹ hay những người vợ của chúng ta còn xứng đáng hơn những món quà đó rất nhiều, vì rằng họ chính là xương sống, là nền tảng của gia đình nhân loại. Và điều đó chính là sự thật mà những người nam giới chúng ta vẫn thường không thể lĩnh hội một cách trọn vẹn cho được. Những người nam giới chúng ta, chúng ta cứ nghĩ và cho là chúng ta thông minh, hay biết nhạy cảm hơn những người mẹ hay người người vợ của chúng ta, từ đó khiến cho chúng ta không biết cách biểu lộ đầy đủ và trọn vẹn sự kính trọng của chúng ta dành cho những người mẹ, và những người vợ của chúng ta.

Chính những người mẹ, chứ không phải là những người cha, là người mang nặng gánh nhất trong cuộc sống, và hiểu rất rõ thế nào là một cuộc sống đích thực và chân chính. Một người mẹ luôn ngày đêm nghĩ suy về hiện trạng thể xác và tinh thần của con cái mình. Người mẹ cũng chính là người đầu tiên ngợi khen các con trẻ; an ủi, và vỗ về chúng; và người mẹ cũng chính là người đầu tiên bảo vệ chúng khi người mẹ linh cảm được những gì nguy hiểm có thể xảy ra cho các con cái mình. Chính người mẹ, là người đã mang nặng và đẻ đau chúng ra, và vẫn mãi mang theo chúng ta trong trái tim riêng của họ.

Đối với những người nam: tức những người làm cha và làm chồng, nếu biết đánh giá cao và biết tôn trọng những người mẹ và những người vợ của chúng ta, thì đó mới chính là cách duy nhất để giúp chúng ta có thể hiểu và ý thức được nhiệm vụ của chúng ta như là những người làm chồng, làm cha. Thời đại ngày hôm nay, đã và đang mang đến rất nhiều sự xáo trộn, hỗn loạn về vai trò của những người nam và những người nữ. Nhiều người phụ nữ nổi loạn, vì những lý do chính đáng, để chống lại sự áp bức, chai đá, lạnh lùng, và không có tình yêu của những người chồng dành cho họ, thế nhưng cùng đích của sự giổi hờn đó, là có thể hiểu và thông cảm được.

Những người nam và những người nữ, đều được Thiên Chúa tạo dựng lên một cách ngang bằng với nhau (như trình thuật trong Thư của Phaolô Gửi Cho Tín Hữu Galatô 3:27-28), thế nhưng trách nhiệm mà Thiên Chúa trao ban cho cả những người nam và những người nữ, là hoàn toàn khác biệt nhau rất nhiều. Người vợ bao giờ cũng vậy, luôn mãi đứng bên những người chồng của họ trong những lúc huy hoàng cũng như khổ sầu nhất của cuộc đời. Qua nhiều biến loạn, qua nhiều khủng hoảng và gai chông, thách thử, họ vẫn luôn vững vàng và kiên định đứng cạnh bên những người chồng dấu yêu nhất của họ, mà không một chút mảy mai hay nghi ngờ gì cả về tình yêu thương và sự cậy trông của Thiên Chúa, rằng mọi sự, sau cùng rồi cũng sẽ đâu vào đó thôi.

Ơn gọi của thiên chức làm mẹ chính là một lời gọi mời của sự kiên nhẫn, linh động, sáng tạo và hiến dâng chính bản thân mình. Vai trò của người mẹ hay người vợ chính là một vai trò tự hy sinh lấy thân mình vì chồng, vì con. Người mẹ đặt mọi sở thích và mong muốn của riêng mình sang một bên, để chỉ lo cho riêng mỗi gia đình của mình. Trái tim và tình cảm của những người làm mẹ, làm vợ, bao giờ cũng rộng trãi và cho đi, cho đi hết tất cả, đến lúc cạn sức mòn.

Thánh Nữ Elizabeth Ann Seton, cũng là một người mẹ, người vợ, đã từng nói rằng: “người mẹ bao giờ cũng vậy, bao giờ cũng gặp niềm vui trong từng mâu thuẩn trái ngược của dòng đời.” Có biết bao nhiêu biến loạn, và gai chông cứ mãi phủ lên và cứ mãi vây kín, thế nhưng, những người mẹ lại không bao giờ chùn bước, run sợ hay nao núng, để tiến bước lên, để vượt qua, và để cho đi tất cả chỉ vì chồng con, hòng cho phép ánh sáng và tình yêu của Chúa Kitô được chiếu tỏ cho tất cả chúng ta để chúng ta có thể giúp những người khác, đang phải mõi mệt vật lộn với gánh nặng của dòng đời, biết quay trở về với ơn nghĩa của Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện của riêng họ, vì theo Thánh Nữ Elizabeth Ann Seton, “không có lời cầu nguyện, thì người mẹ sẽ chẳng làm được gì cả.” Đời sống cầu nguyện gia đình chính là cách để sinh tồn trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời dẫu buồn hay vui cách mấy. Đó cũng là cách giúp cho gia đình nhận được thêm sức mạnh và ơn huệ cần thiết để tất cả đều có một cuộc sống gia đình lành mạnh và hạnh phúc.

Có một câu ngạn ngữ rất xưa trong nền văn hóa cổ của Hoa Kỳ rằng: “khi một người mẹ sinh hạ đứa con ra, thì một chân của người mẹ được đặt trong nấm mộ.” Câu nói đó, rất đúng trong thời đại ngày nay, vì rằng, không phải cuộc sinh đẻ nào cũng mẹ tròn con vuông cả. Nếu chỉ vì lý do này không thôi, thì những người mẹ và những người vợ của chúng ta còn xứng đáng được vinh danh và kính trọng hơn bao giờ hết, từ chính chúng ta, những người nam giới, những người đã và đang sống trong tư cách là những người làm cha, và làm chồng. Vì rằng, nếu nam giới chúng ta thật sự bày tỏ ra cho những người mẹ và những người vợ của chúng ta về một thứ tình yêu theo kiểu này, thì tất cả cuộc sống của riêng chúng ta, và của cả thế giới này sẽ bị đảo lộn và quay vòng ngay.

Đừng bỏ lỡ cơ hội để dùng Ngày Hiền Mẫu này như là cách để biểu lộ tình yêu thương chân chính, đậm đà, và cao cả nhất của chúng ta dành cho những người làm mẹ và làm vợ của chúng ta!

Happy Mother's Day To All!
Nếu chúng ta biết làm được điều này, thì cũng có nghĩa là chúng ta có thể hiểu rõ và ý thức được vai trò làm cha, và giá trị của cuộc hôn nhân của chúng ta là cao trọng và quý giá đến dường nào!

Một tình yêu chân chính không phải là một thứ tình yêu điều khiển, sai khiến, bắt nạt, thị uy, quyền hành, độc tài, và lấn áp những người mẹ và những người vợ của chúng ta. Mà trái lại, đó là thứ tình yêu bao dung, kiên nhẫn, trung thành, bảo vệ, chăm sóc và kính trọng đến những người mẹ, và những người bạn đời thủy chung, sắt son của chúng ta. Vì rằng nếu chúng ta, những người nam giới, biết hiện thể ra một thứ tình yêu chân chính và đích thực như vậy, thì ảnh hưởng lâu dài của nó nơi con cái của chúng ta, sẽ là rất hữu hiệu, vì chúng ý thức được rằng Cha và Mẹ chúng thật sự yêu thương nhau, và cả hai cùng thật sự thương yêu và lo lắng cho chúng..

Đừng biến Ngày Hiền Mẫu này chỉ là một ngày duy nhất trong năm, mà đó phải là mọi ngày, từng giờ, từng phút và từng giây trong cuộc sống, và cũng đừng quên hướng về Người Mẹ Cao Cả và Thiêng Liêng nhất của chúng ta là Đức Maria, vì rằng: “nếu người mẹ trong gia đình không hạnh phúc, thì chẳng ai có thể hạnh phúc được cả!”

Nhớ về người mẹ thể xác, để chúng ta cùng qui hướng đến Người Mẹ Thiêng Liêng Cao Cả Tuyệt Vời của chúng ta là Đức Maria, một Người Mẹ Thiêng Liêng vẫn ngày đêm ngóng đợi chúng ta trong việc sẽ chia, tâm sự những nổi lòng, ưu tư, trĩu nặng, những niềm hạnh phúc và sung sướng của chúng ta, để rồi Mẹ sẽ giúp chuyển cầu một cách tích cực và hữu hiệu nhất thay cho chúng ta, để đến với Thiên Chúa!

Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu. Ðồng công cùng Con dấu yêu, vì thương nhân loại bao khốn cùng. Xin dẫn đưa bao tâm hồn lạc hướng về bên Mẹ, Mẹ ơi. Ngước trông

Mẹ lành thành kính dâng lời kêu khấn. Giữa thế gian khổ sầu xin hãy ủi an, để con hằng theo, trung thành theo Chúa trọn đời. Ngày mai sáng tươi bên Mẹ ca khúc khải hoàn
.”

Lời Bài Ca “Mẹ Đứng Đó Khi Hoàng Hôn Màu Tím” như cứ mãi réo rắt lên, gọi hồn nhân loại….

Washington, D.C.

Viết Nhân Ngày Hiền Mẫu

Tháng 05/2006


Các Tư Liệu dùng trong Bài Viết:

(1) Hiến Chế về Kinh Mân Côi của Đức Cố Giáo Hoàng Leo XIII “Adiutricem Populi” vào tháng 9 năm 1895

(2) Hiến Chế “Redemptoris Mater” (tức về Mẹ của Đấng Cứu Thế) của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị

(3) Dogmatic Constitution Lumen Gentium về Giáo Hội của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào ngày 21 tháng 11 năm 1964 tại trang web:

www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19641121_lumen-gentium_en.html

(4) Hiến Chế “Ad Diem Illum” về Đức Mẹ Đồng Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 02 tháng 02 năm 1904 tại trang web:

www.vatican.va/holy_father/pius_x/encyclicals/documents/hf_p-x_enc_02021904_ad-diem-illum-laetissimum_en.html

(5) Sử Liệu Lịch Sử về Những Người Nữ Chiến Binh tại các Bảo Tàng Viện Quân Đội Hoa Kỳ tại Fort Meade, MD; Fort Belvoir, VA; Fort Bennings, GA; và tại Fort Sill, OK.

(6) Trang Web về History of Women Firefighters tại địa chỉ: www.wfsi.org