QUAN HỆ MẸ CON : NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA CUỘC SỐNG (TIẾP THEO)

Cấp độ 3: Là học tập nhận biết những giới hạn của mình.

Suốt lứa tuổi từ 3 đến 4, 5 tháng, trẻ em dần dần ý thức đến những giới hạn của mình, đối với môi trường chung quanh.

Trên bình diện tâm lý phát triển, ý thức đến giới hạn đồng nghĩa với ý thức đến khả năng của mình và ý thức về những thực tế chung quanh mình.

Trong lãnh vực giao tiếp với bà mẹ, đứa trẻ không những có những khả năng tiêp thu và phản ứng, bằng cách đáp ứng những kích thích từ ngoài; hay là rút lui để nghĩ ngơi, bồi dưỡng. Nếu kích thích vẫn tiếp tục, đứa trẻ sẽ có thái độ phản kháng, chống đối.

Trong cấp độ này, đứa trẻ không những chỉ ghi nhận những dữ kiện khách quan bên ngoài, em còn có thể chia sẻ tình cảm chủ quan của mình với bà mẹ. Em ý thức đến hai bình diện trong và ngoài nơi chính bản thân của mình. Em còn có khả năng nhận biết những tình cảm của kẻ khác qua những biểu hiện của khuôn mặt. Mẹ cũng có mặt ngoài và nội tâm bên trong.

Trước đây, ở chương 1.2 chúng ta đã nói đến khả năng nhìn mặt mẹ để thăm dò ý kiến của mẹ khi phải tiến tới hay là rút lui trước một trở ngại. Với thời gian, khuôn mặt và ý kiến của mẹ sẽ được nội nhập và hội nhập, để trở thành một ý thức về nguy cơ. Trẻ em không còn có thái độ nhắm mắt xông tới. Mặc dù không có bà mẹ trước mắt, em vẫn biết dừng lại, đánh giá khả năng đích thực của mình, so với những điều kiện khách quan của hoàn cảnh.

Khả năng rút lui trước đây được xem là một phản ứng tự động của hệ thần kinh trung ương nhằm bảo vệ sức khoẻ tâm trí trước những kích thích quá mạnh xung đột từ bên ngoài. Khả năng ấy bây giờ là một quyết định, một thể thức đánh giá tình hình, thực tế.

Sau này với khả năng sử dụng ngôn ngữ, trẻ em sẽ diễn tả ra ngoài những cảm tình và cảm xúc của mình như vui, buồn, lo, sợ, tức, bực... nghĩa là bộc lộ những giới hạn của mình, với sứ điệp ở ngôi thứ nhất; thay vì tố cáo kẻ khác cố tình hạn chế mình.

Trước khi có khả năng diển tả ra ngoài những tình cảm đặc trưng như vậy, trẻ em trong lứa tuổi này từ 2 đến 3 tháng chỉ cảm nhận những tình cảm hoặc xúc động một cách đại loại như nhiều ít, lớn nhỏ, nặng nhẹ, mạnh yếu.

Theo ngôn ngữ của D. Stern, đó là những tình cảm sinh động vì được thể hiện bằng những sức sống, vận động của cơ thể.

Vai trò tiếp xúc và dạy dỗ của bà mẹ trong lứa tuổi này là phản ảnh nội tâm của đứa con bằng phương pháp hoà ứng. Bà diển tả một cử điệu bên ngoài để phản ảnh nội tâm của đứa con, nhất là những tình cảm đau buồn khó chịu, những căng thẳng nội tâm. Như một tấm gương soi, bà mẹ sáng tạo tức khắc và tại chổ một hình ảnh trên đó đứa trẻ nhận biết ra mình với bao nhiêu khả năng đích thực cũng như với những giới hạn của mình.

Nói cách khác, hoà ứng với đứa con là sử dụng một loại ngôn ngữ câm nín để phản ảnh cho đứa con biết :

a/ Tình hình hiện tại của mình,

b/ Vấn đề hiện tại của mình,

c/ Cảm tình và xúc động hiện tại của mình,

d/ Sau cùng ước vọng của mình.

Theo D. Stern, để thành tựu công việc hoà ứng này, người mẹ phải kết hợp ba điều kiện cơ bản :

Một là quan sát và ghi nhận một tác phong bên ngoài của đứa con,

Hai là khám phá nội tâm của đứa con, đặc biệt trong địa hạt tình cảm sinh động.

Ba là phản ảnh nội tâm và tình cảm sinh động ấy, bằng một tác phong bên ngoài có nhiều điểm tương đương với tác phong của đứa con trên ba bình diện : nhịp điệu, cường độ và hình thức để đứa con có thể hiểu rằng mẹ mình đang chia sẻ với mình.

Ví dụ, đứa con vừa té ngã, chạm đầu vào thành giường. Bà mẹ thấy như vậy, diển tả nổi đau của con, bằng cách đưa tay lên đầu, miệng thít thà... Thít... thà.

Theo phương pháp “chương trình sinh hoạt thần ngữ” của R. Bandler và J. Grinder, khi phản ảnh một phần hay là toàn diện tác phong của trẻ em, không phải là chúng ta đã hiểu rõ nội tâm của trẻ em. Chủ yếu, là chúng ta đặt trọng tâm vào em và cố gắng hiện diện tích cực với em, chia sẻ một cái gì với em, thở cùng nhịp với em. Từ ngữ chuyên môn trong anh văn là Pacing có nghĩa là đi theo, bước theo. Làm một cái gì với trẻ em, cho trẻ em, giống như trẻ em.

Như trên chúng ta đã nói, nhiều bà mẹ vì lo âu, khắc khoải, suy nhược, mặc dù ở bên nôi đứa con, nhưng không hiện diện thực sự và tích cực với con.

Nhiều bà mẹ khác tức khắc lao mình vào hành động, trước khi tìm hiểu vấn đề và tâm trạng đứa con. Cho nên thể thức giải đáp của bà không thể hoà ứng với nhu cầu của đứa con.

Trong chương 1.2, tôi đã liệt kê những hình thức bất hoà ứng của người mẹ :

a. Mẹ trả lời quá sớm.

b. Mẹ trả lời quá chậm.

c. Mẹ trả lời một cách lệch lạc, ngoài đề,

d. Mẹ trả lời theo nguyên tắc cố định,

e. Mẹ trả lời tuỳ hứng chủ quan.

Trong chương 1.3, khi bàn đến vấn đề kỷ thuật, tôi đã nhấn mạnh rằng : một biện pháp chỉ hữu hiệu, khi nào có tính chất hoà ứng. Trước khi điều hợp, điều hướng đứa con, điều bà mẹ cần phải làm là Hoà ứng : đặt mình vào địa vị của đứa con, đặt mình ngang trình độ nhận thức của con. Nói cách khác là chúng ta phải tìm hiểu tấm bản đồ tâm linh của trẻ em với bao nhiêu tập quán suy tư và sơ đồ tư tưởng, cách thế nhìn đời...

Sau hết, chúng ta cũng nên nhận chân rằng : Hoà ứng là một tiến trình hành động, cho nên chúng ta phải bổ túc thường xuyên, kiện toàn luôn mãi. Trái lại, vì cầu toàn mà chúng ta muốn hoà ứng thái quá, “siêu hoà ứng”, ảnh hưởng có khi trái ngược lại, vì tình cảm quá lo âu, căng thẳng nội tâm đang chi phối toàn thể hành động của chúng ta. Trong ý muốn và nỗ lực “siêu hoà ứng” có hai yếu tố “siêu ý định và siêu chú ý”. “Siêu” có nghĩa là thái quá, vượt quá mức độ quân bình. Cho nên siêu hoà ứng là tác phong gượng ép, giả tạo, thiếu tự nhiên.

Trái lại, “khả năng thực sự” là một xuất phát tự nhiên, hài hoà từ nội tâm. Nó gần như vô thức. Nó trở thành một nếp sống gắn liền với xương thịt và hơi thở của chúng ta.

Trong tinh thần ấy, Hoà ứng không thể toàn diện. Chúng ta không thể nào phản ảnh tất cả nội tâm của người khác, cho dù người khác ấy là đứa con của chúng ta. Khi hoà ứng, chúng ta luôn luôn chọn lọc, chọn lựa, đặt ưu tiên vào một nhu cầu nào đó của trẻ em để phản ảnh và đáp ứng.

Hoà ứng là đi, như chúng ta đã thấy trên đây, cho nên giai đoạn thứ 2 của hoà ứng là đến. Ngôn ngữ của Phương Pháp Chương trình sinh hoạt Thần ngữ là “Pacing and leading” : Cùng đi để hướng dẫn. Điểm trẻ em cần tiến đến, nhờ sự hiện diện tích cực của chúng ta là :

- Ý thức về khả năng của mình

- Ý thức về giới hạn của mình

- Ý thức về những điều kiện thực tế còn gọi là tính qui luật khách quan.

Cấp độ 4: Là học tập kiến dựng một cuộc sống tự lập tự cuờng.

Từ tháng thứ 6 trở lên, trẻ em đi vào một giai đoạn mới, trong địa hạt tâm lý phát triển. Trong sáu tháng sắp tới này, các em sẽ học tập kiến tạo cho mình một cuộc sống tự lập nghĩa là có khả năng sống tách rời khỏi người mẹ mà không bị hao tổn, mất mát, chấn động trên bình diện tâm lý và tình cảm.

Để thành tựu mục tiêu ấy, hai điều kiện cơ bản phải được hội tụ một cách hài hoà :

Thứ nhất là về phía trẻ em : trong thời gian này, các em phải có khả năng học tập để thành tựu một số khả năng cần thiết trên 3 bình diện : Trí năng, tình cảm và vận động.

Thứ hai là vê phía người mẹ : Bà phải chủ động khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thay vì cản trở và có những phản ứng tình cảm tiêu cực, mỗi khi xa lìa đứa con và mỗi khi đứa con xa lìa mình. Nói cách khác, bà là điểm tựa tạo an toàn và tin tưởng để đứa con có thể thực thi hai cử động ngược chiều : Ra đi để khám phá và trở về để bồi dưỡng.

A. Những khả năng cần thiết để trẻ em kiến tạo một cuộc sống tự lập.

Chúng ta cần phân biệt ba loại khả năng thuộc ba địa hạt khác nhau :

a. Địa hạt tình cảm xã hội :

Hơn bao giờ hết, khi bước vào lứa tuổi 6 tháng, trẻ em ý thức đến sự quan trọng của bà mẹ trong cuộc sống của mình.

Nếu trong giai đoạn này bà mẹ có khả năng tạo cho đúa con mình lòng tin tưởng và tình cảm an toàn nội tâm, em sẽ có khả năng mạo hiểm đi ra, khám phá. Bằng không, câu hỏi về lòng thương của mẹ vẫn mãi hoài ám ảnh và cản trở em đặt ra những câu hỏi khác trong địa hạt trí năng.

Câu hỏi về lòng thương của mẹ bao gồm những nội dung như sau :

- Mẹ có thương mình thực sự không hay là bỏ rơi mình ?

- Mẹ bây giờ ở đâu ?

- Sao mình khóc la mà mẹ không đến ?

- Mẹ ra đi mà có trở lại không ?

Câu hỏi của đứa con chỉ xuất hiện rõ rệt ở giai đoạn này, nhưng tác phong và thái độ của bà mẹ trong sáu tháng trước đây đã là câu trả lời.

Lòng tin tưởng và tình cảm an toàn đã được vun trồng tưới tẩm qua tất cả những công việc tiếp xúc trao đổi của bà, ngay từ khi đứa con sinh ra, qua thể thức bà kích thích đứa con, qua nếp sống hoà ứng hay là bất hoà ứng của bà.

Để trẻ em có thể tin tưởng vào mình, tác phong của bà mẹ, như chúng ta đã khảo sát trong các phần và chương vừa qua, phải có những đặc điểm sau đây :

1/ Liên tục : ngày này qua ngày nọ trong vòng 6 tháng vừa qua, bà mẹ đã lặp đi lặp lại một số tác phong trong khi bồng bế, ôm ẵm, thay áo quần, vui đùa, trò chuyện. Dần dần đứa con đã khám phá những cơ cấu tổ chức thường hằng trong tác phong của bà mẹ.

Ngược lại, nếu bà mẹ bốc đồng thay đổi thường xuyên, nay làm cái này mai làm cái khác tuỳ hứng, đứa con sẽ không hiểu gì hết về thể thức sinh hoạt của bà.

2/ Hợp lý : hợp lý có nghĩa là có tính qui luật, có tổ chức, thứ tự, ăn khớp với nhau.

3/ Có ý nghĩa : đứa con có thể hiểu biết.

4/ Vì tác phong của bà mẹ có tính liên tục, hợp lý, ý nghĩa, cho nên đứa con có thể tiên liệu những gì xảy ra. Và khi sự việc xảy ra đúng như em dự liệu, em sẽ cảm thấy cuộc đời có lý nghĩa và bản thân mình có khả năng hiểu biết.

Lẽ đương nhiên, khi trẻ em có lòng tin tưởng, nội tâm của em được an toàn. An toàn nội tâm như vậy là nhờ sự hiện diện tích cực của bà mẹ bên cạnh mình. Bà mẹ có mặt, quan sát, ghi nhận những gì đang xảy ra và có thể xảy ra. Cho nên mọi tai nạn như té ngã, nước sôi, lửa cháy, điện giật... uống thuốc rầy... được đề phòng một cách hữu hiệu.

Từ sáu tháng trở lên, tuy dù trẻ em chưa biết nói, các em đã có thể hiểu những câu nói thông thường. Lúc bấy giờ bà mẹ có thể chuẩn bị cho đứa con biết những gì sắp xảy ra; đặc biệt trong những khi mẹ và con phải từ biệt xa lìa nhau trong một vài giờ hay một vài ngày do bổn phận hay là hoàn cảnh đòi hỏi.

b. Địa hạt vận động.

Trên đây trong chương 1.2, tôi đã trình bày khá chi tiết về khả năng vận động của trẻ em trong giai đoạn và lứa tuổi này. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh tư thế thẳng đứng của cơ thể và khuôn mặt, đối với những trẻ em đang gặp khó khăn, như bại não, thương động ở não bộ.

Công việc của người lớn là tạo điều kiện cho những trẻ em này có một tư thế thẳng đứng, để nới rộng tầm mắt và tầm nhìn của mình. Suốt ngày nằm dài, co quắp, nhìn xuống đất là những gì cần tránh tối đa, đặc biệt khi trẻ em ở tình trạng tỉnh thức bình lặng.

c. Địa hạt trí năng.

Trong cách trình bày và quan niệm của D. Stern và nhiều tác giả khác, chủ thể của một trẻ em từ lúc mới sinh ra đến ngày trưởng thành được so sánh như một hạt giống. Từ lúc nẩy mầm đâm mộng đến khi cành lá sum sê, thân cây đứng thẳng vươn cao, có khả năng đối mặt mọi cơn bão tố, ý thức và kinh nghiệm của một trẻ em phải đi qua nhiều giai đoạn cơ bản trong 2 năm đầu tiên :

Từ 0 đến 2 tháng : Ý thức và kinh nghiệm chớm nở.

Nhờ những lúc tỉnh thức bình lặng, đứa trẻ từ từ mở mắt nhìn đời và nhìn người. Dần dần các em ý thức được rằng : có những yếu tố được lặp đi lặp lại và kết hợp với nhau theo những cơ cấu tổ chức ổn định và thường hằng, đặc biệt trong vấn đề phối hợp các giác quan.

Điều thấy,

Điều nghe,

Điều va chạm, cảm xúc,

Điều ngửi, nếm,

... Tất cả đều qui tụ và tập trung vào một đối tượng duy nhất là Mẹ mình. Và bên cạnh mẹ mình cũng còn có nhiều đối tượng khác như vậy.

Kinh nghiệm này cứ tiếp diễn trong vòng 2 tháng... cuối cùng, nhờ kinh nghiệm ấy, trẻ em ý thức được rằng : Có những cơ cấu tổ chức ổn định, thường hằng, liên tục chung quanh mình.
Bài học thứ 1 của một đứa trẻ

Thính ==> 1 đối tượng

Thị ====> 1 đối tượng

Xúc ====> 1 đối tượng
Từ 2 đến 6 tháng : sau hai tháng, trẻ em bước qua một giai đoạn mới. Các em cảm thấy chính mình là một trung tâm qui tụ nhiều yếu tố.

- Mình là một trung tâm hành động, với tay chân, mình có thể làm nên những cử động.

- Mình có những vui, buồn, khó chịu.

- Mình tồn tại một cách liên tục.

Có những cái thuộc về mình, những cái khác không thuộc về mình.

Đồng thời, đứa con cũng có thêm một kinh nghiệm về bà mẹ. Mẹ mình cũng là một trung tâm như mình. Sự có mặt của mẹ làm cho mình vui sướng. Bà có ảnh hưởng trên mình và mình cũng có ảnh hưởng trên bà.
Bài học thứ 2 :

- Tôi có khả năng chủ động

- Mẹ (và người khác) cũng có khả năng chủ động giống tôi.

- Có những vật khác không có khả năng chủ động (vật khác với người).
Từ 7 đến 12 tháng : Ý thức và kinh nghiệm chủ yếu trong giai đoạn này : Có những liên hệ ràng buộc giữa tôi và mẹ.

Ngoài những hành động, tôi có những tình cảm vui, buồn, bực bội...

Bà mẹ cũng có một đời sống nội tâm như vậy.

Và chúng tôi có thể chia sẻ cho nhau về cuộc sống bên trong ấy.
Bài học thứ 3 :

- Diễn tả ý định của mình.

- Tìm hiểu ý định của kẻ khác.

- Chúng ta cùng chia sẻ một ý nghĩa.
Từ 18 - 24 tháng : ý thức và kinh nghiệm về khả năng ngôn ngữ.

Từ giai đoạn này trở lên, đứa trẻ có những kinh nghiệm và ý thức mới về vai trò và khả năng ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ chúng ta có nhiều quyền hạn mới, trong vấn đề tổ chức cuộc sống.

Sau 24 tháng ngôn ngữ sẽ cung cấp cho con người, những gì bà mẹ không còn khả năng cung cấp.
Bài học thứ 4 :

Ngôn ngữ là phương tiện để xây dựng

và phá hoại, để khám phá hoặc đánh mất.
Dựa vào những tóm lược cơ bản trên đây, chúng ta có thể phân biệt bốn cấp độ tự lập :

Cấp độ thứ nhất là hiểu biết lề lối, cơ cấu tổ chức thường hằng và ổn định của sự vật và con người. Không có những hiểu biết cơ bản này, không thể có cuộc sống tự lập.

Cấp độ thứ hai là vai trò chủ động. Tự lập là chủ động tổ chức cuộc sống. Nếu khả năng này không được phát triển, chúng ta không thể nói đến đời sống tự lập.

Cấp độ thứ ba khả năng tiếp xúc và chia sẻ.

Tự lập không phải là cô lập.

Để tự lập chúng ta cần sự đóng góp của kẻ khác và chính chúng ta cũng phải đóng góp.

Cấp độ thứ bốn là khả năng ngôn ngữ.

Sau cùng ngôn ngữ tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta sống một cuộc đời tự lập. Ngôn ngữ càng phong phú, phạm vi tự lập càng rộng rãi.

Bốn cấp độ này đồng thời cũng là bốn tiêu chuẩn khả dĩ giúp chúng ta đánh giá chất lượng và khả năng tự lập của mỗi người.

Trong giai đoạn 6-12 tháng, chúng ta chỉ đề cập đến hai khả năng đầu tiên :

Khả năng I là hiểu biết cơ cấu tổ chức thường hằng của sự vật và con người, đặc biệt là vấn đề thường tồn thường trụ.

- “Bây giờ mẹ ra đi. Nhưng ra đi không có nghĩa là biến mất mãi mãi. Mẹ sẽ trở về”.

- “Một đồ vật, tôi không còn thấy. Nhưng tôi có thể đi tìm...”.

Khả năng II là đóng vai trò chủ động, biết mình là Nguyên nhân tạo ra một số kết quả.

- “Tôi kêu, mẹ sẽ đến.

- “Tôi khóc la, mẹ sẽ chú ý đến tôi.

- “Tôi cười, mẹ sẽ đáp lại.

- “Tôi rung đồ chơi này, một âm thanh vui nhộn sẽ phát ra.

- “Tôi kéo sợi dây này, chiếc đồ chơi sặc sở đằng kia sẽ lại gần trong tầm tay của tôi”.

Khi những loại khả năng này “chớm nở”, đồng thời với những khả năng vận động, trẻ em sẽ từ từ nới rộng phạm vi khám phá của mình. Trước đây vài tuần, em chỉ quanh quẩn bên cạnh mẹ. Bây giờ vùng hoạt động càng ngày càng mở ra...

Nhưng liệu bà mẹ có ý thức được sự cần thiết và năng động tiến bộ của bao nhiêu khả năng mới chớm nở ấy, để tạo điều kiện phát huy ? Hay là trong tâm tư, bà đang sống những tình cảm đau buồn “bị bỏ rơi” và vô tình hay hữu ý bà “thọc gậy bánh xe” tạo ra cho đứa con những cản trở và hạn chế ?

B. Vai trò trung gian và tạo ra những cơ cấu chuyển tiếp của bà mẹ.

Để hiểu rõ vai trò trung gian của bà mẹ là gì, chúng ta hãy bắt đầu khảo sát một ví dụ cụ thể : việc ăn uống của đứa CON.

“Ăn” là một khả năng bẩm sinh của đứa con. Sau một vài giờ đồng hồ, đứa con đã biết ngậm nấm vú của mẹ và bú sữa.

Tuy nhiên công việc ăn uống của đứa con phải được bà mẹ tổ chức, điều hướng : Thời giờ, liều lượng, nội dung và bao nhiêu chi tiết khác liên hệ đến vấn đề ăn uống không thể trực thuộc quyền chủ động của đứa con trong những ngày tháng đầu tiên. Chung quanh 7 hoặc 8 tháng, thông thường đứa con phải “bỏ bú” để học ăn những món ăn khác như cá thịt. Bà mẹ không còn “mem”. Đứa con phải học nhai, để nghiền nát những của ăn lớn và cứng. Theo từ ngữ của Piaget, đó là khả năng biến chế sự vật.

Để trẻ em có thể “bỏ bú” một cách an toàn, theo D. Winnicott, bà mẹ phải có những hành động sau đây :

Một : Chọn lựa thời điểm thuận lợi, ghi nhận tác phong của đứa con khả dĩ cho bà thấy rõ là đứa con đã sẵn sàng đi qua một giai đoạn mới.

Hai : Xác tín về tính chất hoà ứng trong thái độ và quyết định của mình. Điều bà làm, sữa bà cho con bú, và món ăn bà dọn ra cho con ăn : tất cả đều thích hợp với tì vị của đứa con cũng như với lứa tuổi của con.

Ba : Sau khi đã quyết định, bà sẵn sàng đón nhận những cơn giận hờn của con lúc ban đầu. Lòng bà không nao núng, ân hận, nghi kị về khả năng làm mẹ của mình. Đồng thời bà cho phép đứa con diễn tả những tình cảm khó chịu, bực bội và tạo điều kiện để con có thể và có khả năng đối trị, chuyển hoá, khắc phục.

Để phát huy khả năng sống tự lập của đứa con, bà mẹ cũng có thái độ tương tự, như trong vấn đề “bỏ bú” của đứa con :

Một : Chấp nhận đứa con có quyền chủ động trong cuộc sống của mình. Sau giây phút sinh ra, cuống rốn ràng buộc mẹ con trong bào thai phải được cắt lìa, để đứa con bắt đầu sống và thở không khí ở ngoài. Từ lúc bấy giờ, đứa con có một cơ thể, xác thân và cuộc sống khác biệt với người mẹ.

Đứa con không phải là chi thể của mình.

Hai : Khi sinh ra, đứa con phải xa lìa một cung lòng ấm cúng của người mẹ. Sau chín tháng mười ngày, sự xa lìa ấy là một cần thiết.

Tuy dù tạo nên khổ đau mất mát cho cả mẹ lẫn con, cuộc xa lìa ấy đã mang lại niềm vui hạnh phúc to lớn hơn.

Để lớn lên và trưởng thành, đứa con theo qui luật của cuộc sống cũng phải thực hiện nhiều cuộc xa lìa như vậy. Sinh ra con, nuôi dạy con khôn lớn là chấp nhận một cách can trường sáng suốt những giây phút biệt lìa như vậy.

Ba : Hy sinh là định luật của mọi cuộc sống. Sống, lớn lên, trưởng thành là chọn lựa một trong hai con đường : Tiến tới và thối lui. Không ai, không một nhân vật nào, cho dù đó là Thượng Đế hoặc cha mẹ của tôi, có thể mua sắm xây dựng cho tôi một nơi chốn Thiên Đường hoặc Niết Bàn. Chính tôi là Người độc nhất phải làm công việc ấy cho chính mình tôi.

Quên như vậy, bà mẹ sẽ giam hãm đứa con trong cánh tay và vòng ôm của mình. Và chầy kíp, đứa con sẽ chối từ cuộc sống thiên đường ấy, cho dù đó là một trẻ em khuyết tật, để đi tìm một cái gì khác.

Bốn : Theo qui luật tự nhiên, bà mẹ là một cần thiết. Nhưng sự cần thiết ấy càng lúc càng giảm suy; bởi vì đứa con phải trở nên tự lập tự cường.

Trong lãnh vực tự lập cũng như trong bao nhiêu lãnh vực khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho đứa con, bà mẹ phải tuân hành và tôn trọng hai qui luật liên hệ đến vấn đề kích thích và học tập. Kích thích bất cập cũng như kích thích thái quá sẽ tạo nên những tình trạng khổ đau, mất mát tai hại.

Đứa con phải xa lìa mẹ trước tuổi ba tháng là quá sớm.

Đứa con chỉ bắt đầu xa lìa mẹ sau một năm là quá chậm.

Đó là định luật thứ nhất liên hệ đến ngưỡng độ kích thích.

Định luật thứ hai liên hệ đến vấn đề quen nhàm : Điều trẻ em không chịu đựng được hôm nay, nhờ sự trung gian của người mẹ, có thể chịu đựng được ngày mai. Cái khó hôm nay trở thành cái dễ sau một thời gian học tập.

Vai trò trung gian của người mẹ là tạo nên những cơ cấu chuyển tiếp để trẻ em có thể di chuyển từ cơ cấu quen thân đến cơ cấu xa lạ một cách hài hoà, êm đẹp và dễ dàng. Đây là phương pháp sư phạm cơ bản cần được áp dụng rộng rãi, mỗi khi chúng ta phải tiếp xúc dạy dỗ cho những trẻ em có nguy cơ hay là chậm phát triển.

Giữa hai cơ cấu thái cực A và B, khoảng cách quá lớn, để trẻ em có thể di chuyển qua lại một cách dễ dàng xuôi may :

khoảng cách

A -------------------------------------- B

tạo vấn đề

Ví dụ : hai cơ cấu thái cực : gia đình và trường học.

Đặc biệt trong xã hội ngày nay, gia đình càng ngày càng có khuynh hướng trở thành một cơ cấu hoàn toàn nhị nguyên, chỉ bao gồm hai thành tố Mẹ và Con.

Quá thích nghi với cơ cấu nhị nguyên này, một trẻ em sẽ gặp rất nhiều vấn đề khi phải tiếp xúc với một cơ cấu đa nguyên như vườn trẻ, lớp mẫu giáo, trường học.

Vấn đề này cũng xảy ra khi một cô gái phải xa lìa nếp đời thôn quê, để đến làm ăn ở một đô thị lớn.

Để giải quyết vấn đề, giữa khoảng cách từ A tới B, ngành sư phạm đặc biệt đề nghị kiến tạo những cơ cấu chuyển tiếp A1, A2, A3, A4... để lắp đầy khoảng trống A — B. Số lượng của các cơ cấu chuyển tiếp A1, A2... tăng giảm tuỳ mức độ, tốc độ và khả năng tiếp thu, học tập của từng em.

Để đơn giản vấn đề, chúng ta chỉ khảo sát thể thức kiến tạo cơ cấu A1 và thể thức di chuyển từ A sang A1.

Một : giữa A và A1 phải có một vùng giao tiếp C1.

Ví dụ 1 : Trẻ em phát âm : mờ mờ. Đó là cơ cấu A.

Cơ cấu A1 : Chúng ta muốn cho trẻ em biết gọi “má”.

Cơ cấu C1 : Mỗi lần trẻ em phát âm mờ... mờ, chúng ta trả lời : ma... má.

Ví dụ 2 : Cơ cấu mẹ-con = nhị nguyên : A

Cơ cấu cha-con = nhị nguyên (không có mẹ) : A1.

Cơ cấu mẹ-con-cha là vùng giao tiếp : C1

Hai : Thứ tự di chuyển :

A —> C1 (= A+A1) —> A1

Và cứ theo tiến trình ấy chúng ta tiếp tục A1 —> C2 —> A2...

Khi ở giai đoạn A1 (không có A) nếu trẻ em còn gặp những khó khăn, chúng ta hãy trở lui Vùng giao tiếp C1; cho đến khi những khó khăn không còn hiện diện. Sau đó A rút lui từ từ để chuyển biến C1 thành A1.

***

CHƯƠNG 3.4 - SÁU THÀNH TỐ CƠ BẢN CỦA CÔNG CUỘC TIẾP XÚC MẸ CON

Trong chương 3.3 vừa qua, chúng ta khảo sát chi ly bốn mục tiêu cơ bản người mẹ cần thâu đạt khi tiếp xúc với đứa con :

Một là điều chế điều hợp đứa con,

Hai là kéo dài khả năng chú ý của con,

Ba là phản ảnh nội tâm và những giới hạn của đứa con,

Bốn là phát huy khả năng sống tự lập của con.

Trong chương này, chúng ta khảo sát những điều kiện thiết yếu của công cuộc tiếp xúc mẹ con. Để mang lại những thành quả mong muốn trên đây, công cuộc này phải có những đặc điểm cơ bản nào ?

Đặc điểm thứ nhất : Hoà ứng với đứa con.

Thay vì lặp lại những điều đã được trình bày trước đây, tôi chỉ nêu ra một vài yếu tố quan trọng :

a/ Hoà ứng không phải chỉ là bắt chước điệu bộ của đứa con một cách máy móc và giả tạo. Nó đòi hỏi một thái độ cảm thông sâu xa và một khả năng hiểu biết tường tận. Cố gắng đặt mình vào vị trí của kẻ khác, nghe như họ nghe, thấy như họ thấy, hoà điệu với nhịp tim và hơi thở của họ. Phản ảnh ngôn ngữ và tác phong của người đối diện, để chia sẻ những cảm thức bên trong, cách thế nhìn đời của họ.

b/ Tuy nhiên, khi hoà ứng, chúng ta vẫn ý thức rõ rệt về sự khác biệt hay là khoảng cách giữa người với ta. Không có hiện tượng đồng hoá hoàn toàn hay là xoá bỏ những biên giới tình cảm...

c/ Chúng ta chủ động nhưng đồng thời chúng ta kính trọng quyền chủ động của trẻ em, không áp đặt từ ngoài những ý kiến riêng tư. Hay là không cưỡng ép trẻ em thực thi những điều chúng ta đơn phương quyết định.

d/ Tất cả mục tiêu hoạt động, giáo dục, dạy dỗ chỉ có giá trị và hiệu năng thực sự, chừng nào nó xuất phát từ năng động, và vốn liếng sẵn có của trẻ em. Chúng ta phải tận dụng những điểm mạnh của trẻ em, để giúp các em khắc phục những khó khăn và cản trở hiện tại.

e/ Rốt cuộc, điều kiện tiên quyết để chúng ta có khả năng hoà ứng với người khác là lòng tin tưởng mãnh liệt vô điều kiện vào năng động tích cực của người khác. Cho dù khuyết tật đến độ nào, một trẻ em là một chủ thể có quyền lợi và có khả năng học tập.

Đặc điểm thứ hai : Tương đồng

Để có thể tiếp xúc và trao đổi hữu hiệu với người khác, điều kiện cần thiết thứ hai là chấp nhập tính tương đồng, bình đẳng giữa người ấy và chúng ta : Người ấy giống tôi, người ấy như tôi. Khi trao đổi, tôi luân phiên làm hai tác động khác nhau nhưng hoàn toàn bổ túc cho nhau : Nhận và Cho. Mặc dù một trong hai thành viên trao đổi và tiếp xúc là đứa con mới sinh ra của tôi, đứa con không bao giờ nhận một trăm phần trăm. Và tôi là người mẹ, tôi không cho hoàn toàn một cách tuyệt đối. Luân phiên, đứa con và tôi sẽ đóng vai trò chủ động và bị động.

Đứa con cần được tôi nhìn và mỉm cười. Nhưng đồng thời, tôi cũng cần con nhìn tôi, mỉm cười với tôi. Tôi không thể lưu tâm đến con suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Và con cũng có quyền lợi và nhu cầu “rút lui” giống như tôi.

Trong tinh thần và ý hướng tương đồng ấy, chúng ta cần xét lại một cách nghiêm chỉnh tất cả nhưng tin tưởng hoặc tiên kiến mà chúng ta đã tiếp thu từ trước tới nay trong hệ thống giáo dục.

Tinh thần hy sinh “Mẹ nằm bên ướt con nằm bên ráo” là một ví dụ cụ thể trong những tiên kiến ấy.

Theo phương pháp “Phân tích những cơ cấu trao đổi” của E. Berne, ba loại nhân vật “Nạn nhân, Cứu vãn, Hành hạ” luân phiên thay hình đổi dạng, nhường khăn mũ và ngôi vị cho nhau ! Vị cứu vãn sẽ bị hành quyết và nhục mạ. Nạn nhân nhận lãnh quyền uy. Những kẻ đã hành hạ người trở thành những nạn nhân bị người hành hạ. Để chận đứng và cắt đứt vòng luân hồi lẩn quẩn ấy, theo E. Berne, chúng ta phải cố quyết sống đời người một cách thực sự và trọn vẹn bên cạnh những con người khác giống như chúng ta. Không tô son điểm phấn hoặc khoác lên mình, những bộ mặt nạ, để diễn tuồng hát bội trong cuộc đời !

Trong những quan hệ tiếp xúc trao đổi hữu hiệu giữa người với người, không có kẻ thắng người thua. Mọi người đều thắng. Trong bạn có tôi. Và trong tôi có bạn.

Với tinh thần tương đồng này, người mẹ sẽ khám phá ra rằng : đứa con giúp cho tôi làm mẹ, để tôi có thể giúp lại con trở thành một đứa con đang lớn lên, học tập và trưởng thành. Theo E. Berne, trong mỗi em bé vừa mới sinh ra, đã có một Người Trưởng Thành đang thành và sẽ thành. Làm mẹ, làm cha, làm người giáo viên, chúng ta đang tham gia và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng ấy.

Thiếu tinh thần tương đồng này, vô tình hay hữu ý, người làm cha mẹ có thể trở nên những tên thực dân, luôn luôn mang ý đồ chiếm thuộc địa, dưới những chiêu bài truyền bá văn minh và văn hóa. Đứa con không phải là thuộc địa. Đứa con là quê hương của chúng ta !

Nói tóm lại, tiếp xúc không phải là áp đặt. Nhưng là tham khảo ý kiến của đứa con: lắng nghe con trình bày cho chúng ta những điều nên làm, cần làm và đáng làm cho con, trong phút giây hiện tại này !

Đặc điểm thứ Ba : Tiếp cận

Khi trình bày tư tưởng của L. S. Vygotoky, trong phần I và Chương 1.1, tôi đã cố gắng giải thích và chứng minh : Vùng học tập phải là vùng tiếp cận. Ở đây tôi trở lại với quan niệm tiếp cận trong lãnh vực tiếp xúc, trao đổi. Để công việc giao tiếp mang lại những thành quả mong muốn cụ thể, bà mẹ phải tiếp cận với đứa con. Nhằm quán triệt ý hướng này, chúng ta cần ghi nhận những điều kiện tiếp xúc như sau :

Thứ nhất : bà mẹ tôn trọng tính cá biệt của đứa con, bằng cách bảo tồn một khoảng cách tối thiểu giữa con và mình. Con không phải là chi thể của bà mẹ; nhưng là một chủ thể. Con phải được cư xử, đối đãi như một chủ thể trong tất cả lề lối kích thích và học tập.

Theo F. Dolto, trẻ em là một con người có khả năng và quyền lợi ngôn ngữ ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc sống, mặc dù các em chưa biết nói. Cho nên, người lớn có nhiệm vụ sử dụng ngôn ngữ để thông báo, tham khảo, đề nghị. Ngôn ngữ phải đi kèm theo tất cả mọi hành vi của bà mẹ, khi bà bồng bế, tắm gội, thay áo quần.

Thứ hai : Tiếp cận có nghĩa là hiện diện tích cực, sẵn sàng ghi nhận những ngôn ngữ câm nín, những tín hiệu, những lời nhắn gửi của đứa con.

Biết dừng lại khi đứa con rút lui,

Rất nhạy cảm và đề phòng, khi những kích thích âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ bắt đầu vượt quá mức chịu đựng của đứa con.

Kéo dài thời gian chú ý của đứa con, để dần dần nới rộng những khả năng thức tỉnh và tiếp xúc. Nhưng không tạo nên cho đứa con những khổ đau, căng thẳng.

Thứ ba : Tiếp cận là trả lời một cách thích ứng với câu hỏi, mức độ và nhu cầu hiện tại của đứa con, đặc biệt khi đứa con ở tình trạng khóc la inh ỏi. Khi bà mẹ trả lời quá sớm, bà không tạo nên khoảng cách cần thiết để đứa con học tập chờ đợi, hình dung, mơ mộng. Khi bà trả lời quá chậm, bà tạo nên những tâm trạng thất vọng, chán chường. Cũng vì đó, đứa con dần dần tạo nên cho mình một hình ảnh tiêu cực về cuộc sống :

“Tôi gọi, không ai nghe. Tôi bất lực.

“Không ai lo cho tôi, vì tôi không có giá trị gì !”

Đặc điểm thứ tư : Điều hướng.

Tiếp xúc không phải là dẫm chân tại chỗ, nhưng là bước tới, nới rộng, kéo dài. Tôi đã so sánh công cuộc tiếp xúc như một vũ khúc tình yêu, trong đó cả mẹ lẫn con tiếp nối nhau đóng vai trò chủ động; cùng nhau khám phá những qui luật hoạch định vai trò làm mẹ và làm con. Nhờ đó cả hai người ngày ngày phát huy khả năng biết đợi chờ nhau : mẹ chờ con trả lời. Con chờ mẹ kích thích. Cả hai người học tập tiên liệu và dự phòng những gì sắp xảy tới với nhau và cho nhau.

Đợi chờ và tiên liệu là hai yếu tố cơ bản tạo nên hiệu năng và kết quả cụ thể trong tất cả mọi nỗ lực điều hướng và dạy dỗ.

Thứ nhất, nếu bà mẹ không đợi chờ, bà sẽ không chuẩn bị, dọn đường.

Thứ hai, nếu bà mẹ không dự trù, tiên liệu một cách thực tế và cụ thể, những đợi chờ của bà sẽ không bao giờ có thể thực hiện.

Nhiều bà mẹ có đứa con chậm phát triển sống suốt ngày, suốt đời để đợi chờ một cách bị động một “phép lạ từ trời rơi xuống” do một vị bác sĩ thần thánh nào ban phép phù thuỷ.

Bà đợi chờ con cười. Nhưng khi nụ cười nở hoa, bà không có mặt với đứa con để thừa hưởng nụ hoa ấy.

Bà đợi chờ con biết đi. Nhưng suốt ngày, đứa con chỉ nằm ngữa, nhìn mái nhà. Không ai tạo điều kiện cho con nhìn trời, nhìn đất, nhìn non, nhìn nước. Nhiều bà mẹ còn nhốt con vào phòng tối.

Bà mẹ cầu mong khấn vái cho con biết nói, biết đọc, biết viết. Nhưng ngày ngày, bà không mở mắt mở lòng để tìm hiểu một thứ ngôn ngữ câm nín do đứa con sử dụng !

Trong thế giới văn minh ngày nay, vì miếng cơm manh áo, bà mẹ phải vắng mặt suốt ngày. Đứa trẻ không còn có một chỗ đứng nào trong tâm tưởng của bà. Cho nên bà không có một kế hoạch nào cụ thể để phát huy những khả năng còn sót lại của đứa con.

Vai trò trung gian của bà mẹ, như tôi đã trình bày trước đây, chính là công cuộc điều hướng nhằm nới rộng và kéo dài những khả năng đang chớm nở của đứa con.

Đặc điểm thứ năm : Vừa làm vừa chơi, làm như chơi.

Vui thích, hứng thú là những đặc điểm của công cuộc tiếp xúc mẹ con. Chúng ta phải quan niệm công cuộc này như một trò chơi, một nhu cầu tự nhiên của cuộc sống thay vì một bổn phận hay một trách nhiệm.

Theo Phân tâm học của Frend, tất cả cuộc sống con người được chi phối và điều hướng bằng hai nguyên tắc chủ yếu. Nguyên tắc thứ nhất là lạc thú. Nguyên tắc thứ hai là thực tế. Thiếu lạc thú, cuộc đời không còn hứng khởi. Thiếu thực tế, cuộc đời mất hết hướng đi. Chính bà mẹ là người đầu tiên có khả năng cung ứng cho đứa con cả hai nguyên tắc ấy. Nhờ sự có mặt của bà, đứa con nhận thấy cuộc đời đáng sống. Đồng thời cũng nhờ bà, đứa con hiểu biết về mình, về người, về thế giới chung quanh. Đặc biệt hơn hết, trong những trò chơi giữa hai mẹ con, đứa con khám phá những qui luật tiếp xúc trao đổi, được sử dụng trong toàn thể cuộc sống xã hội sau này :

Qui luật 1. Bao lâu tôi còn sống, bấy giờ tôi còn phải tiếp xúc, trao đổi, truyền đạt, diễn tả.

Qui luật 2. Những lúc tôi không trao đổi, diễn đạt, cũng là một hình thức trao đổi diễn đạt. Ví dụ hành vi ngoảnh mặt rút lui của đứa con là một sứ điệp, một lời nhắn gởi : “Thôi, đủ rồi, xin tạm biệt”.

Qui luật 3. Trong mọi hình thức trao đổi tiếp xúc truyền đạt, ít nhất là hai thành viên luôn luôn có mặt : một người phát và một người thu. Một người cho và một người nhận. Một người nói và một người nghe. Người này chủ động người kia bị động.

Qui luật 4. Sau khi nhận tôi phải phát. Sau khi nói, tôi phải lắng nghe. Chủ động xong rồi, tôi phải biết trở nên bị động.

Qui luật 5. Khi thu nhận, tôi phải lưu tâm chú ý. Khi chủ động làm nguyên nhân xuất phát, tôi phải có ý hướng rõ rệt muốn đi đến đâu.

Qui luật 6. Giữa hai thành viên Phát và Thu, chủ và bị, luôn luôn phải có một khoảng cách tối thiểu, cần thiết. Không có khoảng cách này, sẽ xảy ra hiện tượng lẫn lộn, lộn xộn, đồng hoá. Khi khoảng cách quá lớn, những hiện tượng “ông nói gà, bà nói vịt” có thể xảy ra. Lúc bấy giờ thay vì tìm hiểu một cách khách quan, tôi chỉ giải thích theo quan điểm hoàn toàn chủ quan.

Qui luật 7. Khi phát đi, tôi phải dùng sứ điệp rõ ràng cho người kia hiểu. Khi thu nhận tôi phải xác nhận tin đã đến và thể thức hiểu biết theo mức độ và quan điểm của tôi. Nói cách khác, lời phúc đáp của tôi phải toàn diện, trọn vẹn :

Thứ nhất : “Vâng, tôi đã nghe, đã nhận”.

Thứ hai : “tôi nghe và đã hiểu như thế này”.

Qui luật 8. Khi thấy sứ điệp của mình bị bóp méo, cắt xén..., tôi phải thanh minh, đính chính.

Qui luật 9. Để có thể tiếp tục Nhận và Cho, trao qua gởi lại như vậy, sự có mặt của người này phải tạo nên vui thú cho người kia.

Để mang lại những kết quả tốt đẹp lâu dài, công cuộc tiếp xúc phải được tổ chức và quan niệm như một trò chơi. Nói cách khác, để có thể tiếp xúc với nhau, mẹ và con phải cùng nhau vừa làm vừa chơi. Tiếp xúc được tổ chức như một trò chơi. Và khi tiếp xúc, người mẹ thụ hưởng những vui thích hứng khởi giống như trong một trò chơi.

Đặc điểm thứ 6 : Linh động và sáng tạo.

Tiếp xúc là một khả năng cần thiết cho cuộc sống của bà mẹ lẫn đứa con. Càng tiếp xúc chúng ta càng kiện toàn, bổ túc, phong phú hoá khả năng của mình. Theo P. Teillard de Chardin, con đường tiến hoá, tiến bộ hay là phát triển bao gồm hai định luật : Đa phức và Nhân hoá.

Một cơ cấu tiến bộ càng ngày càng trở nên đa năng đa diện. Số lượng phải gia tăng. Chất lượng đồng thời cũng tiến triển. Trong xã hội con người, vấn đề đa năng đa diện trở thành vấn đề chuyên môn hoá và phân phối công việc thành hệ thống có tổ chức và thứ tự.

Tuy nhiên một định luật thứ hai phải có mặt trong những tiến bộ đích thực : là tính nguời thấm nhuần trong mọi cơ cấu tổ chức. Chuyên môn không đánh mất con người. Trái lại chuyên môn trở lại phục vụ con người toàn diện, phát triển khả năng và đời sống của mỗi người.

Hai định luật ấy cũng chi phối công cuộc và ý hướng tiếp xúc của trẻ em.

- Càng lớn khôn và phát triển, trẻ em càng phải tiếp xúc với nhiều người.

- Càng tiếp xúc, trẻ em càng trở nên tự lập nghĩa là trưởng thành, thành người.

Khả năng tiếp xúc cũng như tất cả mọi khả năng của con người bao gồm nhiều cấp độ, thể loại và phạm vi khác nhau :

Thứ nhất : tôi có khả năng nhưng tôi không biết là tôi có khả năng ấy.

Thứ hai : tôi có khả năng và tôi biết áp dụng khả năng ấy trong một vài địa hạt.

Thứ ba : tôi có khả năng và tôi sử dụng nó một cách hài hoà, tự nhiên trong toàn thể cuộc sống. Nó trở thành một lối sống của tôi. Nhờ vậy tôi trở nên uyển chuyển, linh động và có khả năng sáng tạo những tác phong mới, trong những hoàn cảnh bất ngờ và khó khăn.

Trong lề lối tiếp xúc giữa hai mẹ con, chúng ta cũng có thể ghi nhận những giai đoạn phát triển và tiến bộ như vậy.

- Trong những ngày đầu tiên, đứa con mới sinh chỉ có hai tác động khi tiếp xúc là mở rộng và khép kín, rút lui hay là quen nhàm.

- Khi bắt đầu di động, công cuộc tiếp xúc của đứa con bao gồm hai giai đoạn : Đi ra để học tập và khám phá cuộc đời tự lập, trở về để nghỉ ngơi và bồi dưỡng ở bên cạnh mẹ.

- Sau này trong toàn thể cuộc sống con người cũng giữ lại hai tác động ngược chiều ấy, để xây dựng bản thân và sáng tạo cuộc đời. Tác động thứ 1 có tính qui nội : con người luôn tìm nơi nương tựa trong chính nội tâm của lòng mình. Tác động thứ 2 có tính qui ngoại : Tìm nơi nương tựa ở ngoài : trong cảnh vật hay là trong địa hạt trao đổi, chia sẻ tình cảm với người khác.

Sở dĩ con người có thể tự mình bước đi những bước chững chạc như vậy, là nhờ bà mẹ đã biết cắt đứt cuống rốn ràng buộc hai mẹ con, để thiết lập những quan hệ mới trên nền móng tình thương và lòng tin tưởng. Hai bàn tay của bà chỉ mở ra để tiếp rước đứa con trở về; chứ không bao giờ đóng lại, để cản trở bước đường xuôi ngược của đứa con.

(CÒN TIẾP)