QUAN HỆ MẸ CON : NHŨNG BÀI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA CUỘC SỐNG (TIẾP THEO)

PHẦN 3 - VẤN ĐỀ CAN THIỆP VÀ ĐỀ PHÒNG (XÉT VỀ PHÍA ĐỨA CON)

CHƯƠNG 3.1 - THÍ NGHIỆM “NÉT MẶT VÔ HỒN”

Thí nghiệm này do Bệnh viện Nhi đồng ở Boston, Mỹ, thực hiện, dưới sự điều khiển của Bác sĩ và giáo sư T.B. Brazelton.

Nó bao gồm những giai đoạn cơ bản sau đây :

Giai đoạn 1 :

Trẻ em đang ở trong tình trạng tỉnh thức bình lặng và đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong địa hạt sức khỏe.

Trẻ em được đặt ngồi trên một ghế dựa, trước một cái bàn nhỏ, chung quanh có những tấm màn treo để giới hạn không gian và những kích thích từ ngoài.

Bà mẹ của đứa con được yêu cầu đi vào phòng và chơi đùa với con mình trong vòng ba, bốn phút đồng hồ. Bà có thể làm những gì bà biết và quen làm hằng ngày với đứa con, trừ phi hành động bồng con ra khỏi ghế dựa.

Giai đoạn 2 : Bà mẹ đi ra khỏi phòng và đợi ở ngoài trong vòng 1 phút.

Giai đoạn 3 : chúng ta yêu cầu bà mẹ trở lại với đứa con trong vòng 3 hoặc 4 phút. Nhưng lần này, theo lời chỉ dẫn và được chuẩn bị trước, bà mẹ phải tỏ ra một bộ mặt vô cảm, vô hồn, bất động, không bộc lộ ra ngoài tình cảm của mình. Thêm vào đó, tuyệt đối và dứt khoát, bà không trả lời, không phản ứng, mặc dù đứa con làm bất cứ điều gì để gây chú ý hay là thôi thúc bà có phản ứng.

Kết quả : thí nghiệm này đã được thực hiện với nhiều loại trẻ em khác nhau, trong thời hạn 10 năm.

Sau đây là những kết quả được ghi nhận :

Ở giai đoạn 2, thông thường trẻ em một mình vui đùa, nhìn ngắm hoặc múa động hai tay của mình.

Ở giai đoạn 3, sau khi bà mẹ bước vào và ngồi trước mặt con,

a) Đứa bé ngước mặt nhìn, tìm cách tiếp xúc và trao đổi bằng liếc nhìn,

b) Trước bộ mặt vô hồn của bà mẹ, đứa con có nét mặt nghiêm nghị, nhìn nơi khác, độ 20 giây.

c) Đứa con trở lại nhìn mẹ và toàn thân được vận dụng để hướng về bà mẹ.

d) Vẫn không thâu đạt kết quả gì, đứa con cúi đầu ngoảnh mặt, nhìn hai bàn tay và chơi với chúng trong vòng 10 giây.

e) Trở lại nhìn mẹ để thăm dò,

f) Bà mẹ vẫn giữ nét mặt vô cảm, cho nên đứa con nhìn lên không và ngáp, hai tay chằng chịt và lôi kéo nhau.

Và cứ như vậy trẻ em trở nên căng thẳng, múa động chân tay, mặt mày nhăn nhó. Thỉnh thoảng nghiêng nhìn bà mẹ độ 20 giây để khảo sát có gì thay đổi.

Ở giai đoạn cuối cùng, sau 3 phút đồng hồ, đứa bé trở nên khép kín, thân hình co quắp. Đầu lắc qua lắc lại và cúi xuống. Trẻ em đưa tay vào miệng bú mút và không còn nhìn mẹ mình.

Khi 3 phút đã qua, bà mẹ đứng lên đi ra khỏi phòng. Đứa con chỉ nhìn nghiêng về phía bà mẹ với tư thế khép kín của toàn thân cũng như nét mặt nghiêm nghị không thay đổi.

Ý nghĩa của thí nghiệm :

- Nhiều lần đứa con đã tìm cách gây chú ý và đợi chờ phản ứng của bà mẹ.

- Sau nhiều lần không đạt kết quả mong muốn, đứa con trở nên buồn chán mệt mỏi, căng thẳng và co rút toàn thân, khép kín giác quan và không còn lưu tâm đến bà mẹ.

- Thái độ thất vọng và bất lực trong vấn đề thu hút bà mẹ cũng như cảm tưởng bị bỏ rơi của đứa con đã cho ta thấy rõ ràng : Đứa con cần mẹ tiếp xúc và đùm bọc qua tất cả những phản ứng của bà. Khi nhìn mẹ, em đợi chờ dự liệu một cách tự nhiên và cần thiết, cơ hồ một qui luật : mẹ sẽ nhìn mình để đáp trả.

- Đợi chờ cơ bản của em không được đáp ứng. Cho nên phản ứng tự vệ của em là tự khép mình, đóng kín mọi cánh cửa tiếp xúc, để khước từ cái nhu cầu “Nhìn mẹ và được mẹ nhìn”. Nếu nhu cầu ấy không bị khước từ bằng cách tống xuất ra ngoài, đứa con sẽ quá khổ đau và không thể sống còn. Tống xuất và khước từ tuyệt đối nhu cầu tiếp xúc, trao đổi là một phản ứng nhằm bảo vệ sự sống còn về mặt cơ thể và vật lý.

- Trên bình diện trí năng, tác phong lạnh lùng, vô cảm của bà mẹ sẽ là yếu tố làm tổn thương nặng nề đến khả năng cơ bản nhất của năng động khám phá, tìm hiểu trong cuộc sống. Nếu không có một trật tự tối thiểu, một qui luật tự nhiên trong cuộc sống, chúng ta sẽ dựa vào chỗ nào để suy luận, tiên liệu, khám phá ý nghĩa, phát huy và bồi dưỡng trí thông minh ?

Định luật phải được hiểu là những quan hệ thường hằng giữa hai yếu tố hoặc hai sự kiện.

Tác phong và hành động của người lớn trong lãnh vực giáo dục, nhiều lúc thiếu tính qui luật. Chúng ta thất thường, bốc đồng, không hợp lý... Cho nên trẻ em không thể nào hiểu chúng ta.

- Những trẻ em mắc hội chứng “thiếu tình thương” của R. Spitz đều trở nên chậm phát triển là vì những lý do vừa được khảo sát.

***

CHƯƠNG 3.2 - KHẢ NĂNG TIẾP XÚC VÀ TRAO ĐỔI CỦA NGƯỜI MẸ

Để sống còn và phát huy những khả năng trí tuệ của mình, đứa bé cần sự tiếp xúc, trao đổi của người mẹ. Thí nghiệm trên đây đã một phần nào chứng minh điều ấy. Ngày nay, hình như không còn ai phủ nhận hoặc nghi kỵ về những nhận xét ấy. Tuy nhiên, tiếp xúc là gì? Những yếu tố cơ bản nào tạo nên chất lượng trong vấn đề tiếp xúc. Để có thể tiếp xúc một cách hữu hiệu, người mẹ phải làm những gì ?

Thông thường, mỗi lần tiếp xúc với đứa con, bà mẹ đi qua những giai đoạn sau đây:

Giai đoạn một : Bà mẹ nhìn và quan sát : cố gắng ghi nhận tất cả những gì xảy ra nơi đứa con của mình : liếc nhìn, điệu bộ, thể thức vận động, cách phát âm.

Giai đoạn này còn được gọi là Hiện diện tích cực : đứa con là trọng tâm của bà.

Giai đoạn hai : Trong lúc quan sát, chính liếc nhìn của đứa con sẽ tạo điều kiện giúp bà đánh giá tình hình :

- Đứa con đang ở trong tình trạng tỉnh thức bình lặng.

- Đây là thời cơ thuận lợi, để bà tiếp cận đứa con, kích thích con.

Kích thích có nghĩa là nhìn, nghe và đụng chạm. Mỉm cười, vui đùa, bồng bế, trò chuyện, hú tìm, dạo chơi... đều thuộc địa hạt kích thích.

Chính liếc nhìn của đứa con và thể thức đáp ứng của em sẽ là hai tín hiệu cơ bản để bà quyết định chọn lựa một trong ba hướng sau đây :

* Ngưng lại.

* Tiếp xúc.

* Thay đổi số lượng hoặc lãnh vực kích thích.

Khi đứa con ngoảnh mặt nhìn nơi khác là chính lúc em muốn rút lui.

Giai đoạn 3 : Bà mẹ rút lui, làm một công việc khác, để cho đứa con nghỉ ngơi, hay là làm một điều tùy ý thích, không có sự can thiệp hoặc tham dự tích cực của bà. Làm như vậy là tôn trọng quyền chủ động của đứa con. Đồng thời bà tạo điều kiện thuận lợi để đứa con trở nên tự lập dần dần trong cuộc sống.

Một đôi khi, bà mẹ cố tình kéo dài thời gian kích thích, để chuẩn bị đứa con sẵn sàng chịu đựng những trắc trở và khó khăn trong cuộc sống sau này. Tuy nhiên, thậm chí làm như vậy, bà vẫn thức tỉnh và sáng suốt, không bao giờ vượt ngưỡng khổ đau, bằng cách áp đặt và thúc ép đứa con làm những điều quá sức chịu đựng của mình.

Những khóc la bùng nổ của đứa con là dấu hiệu rõ ràng cho ta thấy : đứa con đang phản đối và kháng cự. Đồng thời, bà mẹ cũng có quyền phản đối và kháng cự, khi chính đứa con tạo cho bà những điều quá sức chịu đựng.

Để có thể thực thi những công việc trong ba giai đoạn trên đây, bà mẹ phải có một nội tâm bình thản thoải mái. Và thái độ cơ bản của bà là sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh, sẵn sàng đón nhận và tiếp thu những gì đứa con muốn nhắn gửi.

Trong thực tế hằng ngày, vì bận rộn làm ăn cũng như vì những nỗi niềm đục khoét tâm tư, bà mẹ đã làm tê liệt những khả năng tự nhiên và bình thường của mình. Cho nên đứa con không có những điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng học tập của mình.

Nói tóm lại, để trả lời câu hỏi :"người mẹ phải làm những gì khi tiếp xúc với đứa con", E. Tronich đã liệt kê những khả năng sau đây :

1/ Quan sát, nhất là liếc nhìn của đứa con.

2/ Kích thích gây hứng thú.

3/ Sẵn sàng tham dự.

4/ Vui đùa.

5/ Trò chuyện.

6/ Rút lui.

7/ Kháng cự.

Trong tất cả những động tác ấy, một đàng bà mẹ đóng vai trò chủ động. Nhưng đồng thời, bà mẹ tạo mọi điều kiện để đứa con càng ngày càng trở nên chủ động theo mức độ phát triển của mình. Tâm lý ngày nay đã sử dụng hình ảnh vũ khúc để mô tả những tiến trình tiếp xúc và trao đổi giữa hai mẹ con. Không ai hoàn toàn chủ động và hoàn toàn bị động. Luân phiên nhau, hai người trao qua và nhận lại, cùng nhau sáng tạo một vũ điệu tình yêu và cùng nhau đi tới trên con đường hiểu biết và cảm thông.

***

CHƯƠNG 3.3 - NHU CẦU TIẾP XÚC NƠI ĐỨA TRẺ SƠ SINH

Cho đến bây giờ, tôi đã nhiều lần lặp đi lặp lại một phương trình cơ bản biểu thị những tương quan nhân quả hai chiều qua lại giữa hai loại sự kiện.

Chính vì vậy, khi một trẻ em có nguy cơ chậm phát triển, điều tiên quyết chúng ta cần phải làm là tiếp xúc trao đổi với em và tạo mọi điều kiện thuận lợi để em tiếp xúc và trao đổi với chúng ta.

Cho dù bị chấn thương ở não bộ đến độ nào, cho dù triệu chứng khuyết tật đã rõ ràng hiển nhiên lúc mới sinh ra, trẻ em ấy vẫn còn có khả năng tiếp xúc. Thậm chí trẻ em mắc hội chứng tự kỷ cũng còn giữ lại khả năng tiếp xúc và trao đổi của mình trong một vài địa hạt, đặc biệt trong lãnh vực xúc giác. Nói cách chung, bao lâu trẻ em còn hơi thở, quả tim còn đánh nhịp, tay chân còn máy động, chúng ta còn có thể khai thác những vốn liếng còn lại để tiếp xúc với em và giúp em tiếp xúc với chúng ta.

Mục đích và yêu cầu của công việc tiếp xúc bao gồm nhiều cấp độ khác nhau:

Cấp độ 1 : học tập điều chế và điều hợp tất cả những kích thích bên ngoài và bên trong.

Cấp độ này bắt đầu lúc đứa trẻ vừa sinh ra và thông thường kéo dài suốt hai tuần lễ đầu tiên của cuộc sống, từ 10 đến 15 ngày.

Sau hai tuần, một đứa trẻ bình thường lành mạnh, qua việc chăm sóc đùm bọc của bà mẹ, sẽ bộc lộ một cách rõ rệt những khả năng sau đây :

a) Khả năng tiếp thu những kích thích bên ngoài như âm thanh, giọng nói, liếc nhìn, va chạm...

b) Không những chỉ tiếp thu hoặc đón nhận một cách thụ động, trẻ em có khả năng điều chế, kiểm soát những kích thích ấy về mặt số lượng, về mặt thời gian và về mặt ngưỡng độ của những kích thích từ ngoài ấy.

Khi số lượng quá dồn dập, khi ngưỡng độ gia tăng sát kề mức chịu đựng, hay là khi thời gian kích thích quá kéo dài, trẻ em sẽ có khả năng tự bảo vệ mình bằng hai phản ứng :

Phản ứng rút lui, ngoảnh mặt không nhìn, đóng khép những cánh cửa giác quan.

Phản ứng quen nhàm : vì lặp đi lặp lại, ngưỡng độ kích thích trước đây có hiệu năng gây nên phản ứng, bây giờ mất hết hiệu năng ấy. Để có thể tạo nên phản ứng mới, kích thích phải gia tăng ngưỡng độ hay là thay đổi thể loại.

c) Ngưỡng độ kích thích, như chúng ta vừa nhận thấy, không phải luôn luôn cố định, nhưng thay đổi tùy tình trạng ý thức. Khả năng tiếp thu đạt mức độ tối đa và tốt hảo khi trẻ em ở vào tình trạng tỉnh thức bình lặng. Tuy nhiên, vì nhu cầu tâm sinh lý, sau 10 ngày hoặc hai tuần, cơ cấu tổ chức cuộc sống thành chu kỳ (bao gồm 6 giai đoạn ý thức) dần dần trở nên rõ rệt và ổn cố. Khả năng tổ chức các tình trạng ý thức như vậy cho ta thấy trẻ em không những điều chế những kích thích từ môi trường bên ngoài. Em còn có khả năng điều hợp những kích thích do các nhu cầu của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể như hệ thần kinh, bộ phận tiêu hóa, các cơ quan bài tiết, nhu cầu giấc ngủ, bồi dưỡng, vận động...

d) Trong lãnh vực vận động và phản xạ, khả năng tự điều hòa, điều chế này được thể hiện rõ rệt khi trẻ em đình hoãn những vận động tự nhiên hay là những phản xạ, để có thể tập trung chú ý vào một đối tượng. Thiếu khả năng này, trẻ em sẽ ở vào tình trạng tán loạn, bị lôi cuốn bằng nhiều nguồn lực khác biệt nhau và mâu thuẫn với nhau. Để làm công việc tập trung chú ý như vậy, trẻ em phải biết 2 điều : chọn lựa một đối tượng thượng thắng do nhu cầu và sở thích, đồng thời loại thải những đối tượng phụ thuộc không cần thiết trong tình trạng hiện tại. Tình trạng “bắt cá hai tay” như chúng ta có thể ghi nhận nơi những trẻ em lăng xăng, hiếu động, là một trở ngại rất lớn, rất khó khắc phục trong địa hạt học tập.

Nói tóm lại, đình hoãn, chọn lựa, loại thải là ba bộ mặt khác nhau của một khả năng duy nhất là “Tập trung chú ý”.

Khi khảo sát những khả năng điều chế điều hợp như vậy, có người trong chúng ta có thể lầm tưởng rằng : những khả năng ấy tự nhiên xuất hiện dần dần, khi đứa con càng ngày càng lớn khôn. Người mẹ chỉ cần có mặt để cho ăn, ru ngủ và chăm lo vấn đề vệ sinh bài tiết.

Để có những khả năng trên đây, đứa trẻ cần người mẹ cung ứng cho mình một của ăn đầy chất lượng khác trong địa hạt tiếp xúc và trao đổi.

Trước khi trẻ em có khả năng tự mình điều chế và điều hợp, chính người mẹ là nguyên lý điều chế từ ngoài cuộc sống của đứa con. Phần vụ và vai trò “nuôi dạy” con trong giai đoạn này chủ yếu là : Trở thành đối tượng chú ý và đối tượng học tập của đứa con. Bà mẹ là bài học đầu đời của đứa con. Nếu có gì trắc trở xảy ra trong bài học đầu tiên này, đứa trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, mất căn bản trong tất cả các công cuộc học tập của mình sau này.

D. Winnicott, một bác sĩ tâm thần chuyên trách về trẻ em, đã phân biệt ba chức năng của người mẹ, trong vấn đề nuôi dạy con cái.

a/ Phần vụ thứ nhất là bồng bế, đùm bọc. Đây là thể thức tiếp xúc bằng tay chân, xác thể. Là sự gặp gỡ giữa hai làn da, hai loại ngôn ngữ câm nín. Qua loại ngôn ngữ này, đứa con đã bắt đầu cảm thấy : tay chân, làn da thớ thịt của mẹ, bầu sữa mẹ mang tới, nhiệt độ của nụ hôn... tất cả những yếu tố ấy tạo nên một môi trường êm ái, ấm áp, an toàn, hay là những va chạm gây bực bội, khổ đau...

b/ Phần vụ thứ hai là cư xử đối đải, được thể hiện một cách đặc biệt trong lối nhìn và trong lời nói. Bác sĩ F. Dolto đã yêu cầu bà mẹ và những ai chăm lo trẻ em hãy biết nhìn con, hãy biết xoa bóp vuốt ve con. Đặc biệt hơn hết, là biết chuyện trò với con, nói cho con biết mình là ai, mình làm gì, mình đang có những tâm trạng buồn phiền, khổ đau nào, mình đang đợi chờ mong muốn những gì. Làm như vậy là đối xử với con như một chủ thể, một con người có quyền lợi hiểu biết về tất cả những vấn đề có liên hệ đến bản thân và cuộc sống. Không có một vấn đề nào được quyết định mà trước đó đứa con không được tham khảo và thông báo.

Nhiều người trong chúng ta có lẽ sẽ nghỉ tưởng rằng : những điều tôi vừa mới đề cập, có vẻ lý tưởng viễn mơ, không thực tế, không thể thực hiện. Hãy nghĩ đến 20 năm về sau. Chính những đứa con này sẽ cưới chồng hỏi vợ. Các em sẽ cư xử thế nào người bạn đời của mình. Hãy nghĩ đến 40 năm về sau. Đa số những trẻ em sinh ra hôm nay sẽ là những lãnh tụ trong nhiều địa hạt khác nhau, trên đất nước chúng ta. Các em sẽ cư xử thế nào với người đồng bào, đồng loại? Chúng ta không thể gặt hái những điều chúng ta không bao giờ gieo vãi trong mảnh đất đời sống của con cái chúng ta. Có trồng mới có ăn. Ý nghĩa của luân hồi phải được hiểu như vậy.

c/ Phần vụ thứ ba là dọn cho con ăn những của ăn có chất lượng, cả trong hai lãnh vực vật chất và tinh thần. Chúng ta thường lên tiếng tố cáo giới trẻ : cao bồi, du đãng, trác táng, xì ke, ma túy và những năm gần đây, nạn siđa! Nhưng ai đã dọn cho giới trẻ những món ăn bị đầu độc ấy? Bao lâu mỗi người trong chúng ta không can trường đảm nhiệm trách vụ của mình và chỉ hô hào nhìn chung quanh, tố cáo kẻ khác, chúng ta không thể chuyển biến tình trạng nguy ngập trên toàn thế giới ngày hôm nay! Đảm nhận trách vụ là chấp nhận mình có mặt trong mọi hang cùng ngõ hẻm của chốn khổ đau! Chính chúng ta đã “đi hoang” ít nhất trong tâm tưởng. Cho nên chúng ta đã mang về mầm mống khổ đau cho đàn em và con cháu.

Đảm nhiệm trách vụ ý nghĩa thứ 2 là làm một cái gì trong tầm tay và phạm vi của chúng ta, thay vì ngồi chờ người bên cạnh hay là than thân trách phận. Hãy đốt lên một ngọn đèn thay vì ngồi chờ một bếp lửa, một rừng đèn!

Để đừng quá tán loạn, tôi chỉ giới hạn vấn đề trong lãnh vực quan hệ mẹ con và thể thức kích thích, dạy dỗ. Kích thích là từ ngữ tâm lý chuyên môn. Dạy dỗ là từ ngữ bình dân, thường dụng. Cả hai cùng có một ý nghĩa giống nhau là dọn cho con ăn những của ăn có chất lượng trong lãnh vực học tập, trí năng. Nói cách khác, bà mẹ là của ăn đầu tiên của đứa con, trong địa hạt phát triển.

D. N. Stern phân biệt những loại kích thích sau đây :

Loại thứ 1 : Kích thích đúng tiêu chuẩn của đứa con còn được gọi là thích ứng.

Tiêu chuẩn thứ 1 là ngưỡng độ sơ khởi : Để trẻ em bắt đầu có phản ứng, kích thích phải vượt quá ngưỡng độ sơ khởi.

Tiêu chuẩn 2 là ngưỡng độ khổ đau còn gọi là ngưỡng độ chịu đựng.

Khi kích thích bắt đầu tiếp cận vùng khổ đau, trẻ em sẽ tự động rút lui. Nếu người mẹ vẫn tiếp tục gia tăng ngưỡng độ kích thích, trẻ em sẽ phản kháng: khóc la ầm ĩ, bỏ đi, trở nên lăng xăng, hiếu động, quấy phá.

Tiêu chuẩn 3 : Thời gian kích thích.

Nếu người mẹ quá kéo dài thời gian dạy dỗ và kích thích, đứa con sẽ bộc lộ những phản ứng quen nhàm, mệt mỏi, ngáp, ngủ gục, lơ đãng.

Tiêu chuẩn 4 : Số lượng kích thích khác loại.

Tùy cá tính, nhiều trẻ em không có khả năng chịu đựng hai hoặc ba loại kích thích cùng một lúc. Đó là hiện tượng cộng hưởng của các kích thích. Cho nên trẻ em có những phản ứng rút lui hoặc những phản ứng đối kháng, giống như khi một loại kích thích vượt ngưỡng khổ đau.

Tiêu chuẩn 5 : là tình trạng thức tỉnh.

Chúng ta có thể kích thích trẻ em khi các em ở trong những tình trạng loại 3 : chuyển tiếp, loại 4 : tỉnh thức hoạt bát, loại 5: tỉnh thức náo động.

Trái lại, nếu chúng ta vẫn tiếp tục kích thích, khi trẻ em ở ngưỡng độ khổ đau, chúng ta sẽ liên kết dần dần hai hiện tượng học tập và khổ đau. Cho nên kết quả cuối cùng là trẻ em khước từ học tập để tránh khổ đau. Đa số những trẻ em trở thành bị động là vì lý do chủ yếu này.

Ở vào tình trạng thứ 6 (khóc la ầm ĩ), trẻ em chỉ chấp nhận những loại kích thích gây nên thích thú hay là có ảnh hưởng thư giãn.

Chính vì lý do này, chúng ta cần sử dụng những loại kích thích này, để khắc phục những vấn đề “không học tập và khó học tập” của trẻ em.

Loại kích thích thứ 2 : Kích thích quá đáng, “thái quá”

Khi kích thích tiếp cận vùng ngưỡng độ khổ đau, như chúng ta đã thấy, trẻ em có hai phản ứng :

- Tránh né, rút lui, ngoảnh mặt.

- Quen nhàm, đóng kín cửa giác quan.

Trên mặt thức tỉnh, chúng ta có thể quan sát hai tình trạng ý thức của đứa con :

Tình trạng 3 : nửa tỉnh nửa thức (ngủ gục)

Tình trạng 5 : thức tỉnh náo động (lăng xăng đứng ngồi không yên)

Trong một tình thế như vậy, về phía bà mẹ, thông thường chúng ta cũng có thể bắt gặp ba phản ứng :

Một là dừng lại, để cho trẻ em rút lui, bồi dưỡng về mặt tâm trí.

Hai là thay đổi hình thức và thể loại kích thích, để trẻ em bắt đầu một chu kỳ chú ý mới.

Ba là vẫn tiếp tục, hình như không có gì xảy ra nơi đứa con.

Cách làm thứ ba là kích thích quá đáng.

Sau khi đứa con có phản ứng rút lui hoặc quen nhàm, nếu bà mẹ vẫn tiếp tục như cũ, là bà thúc đẩy, cưỡng ép con làm những điều vượt quá sức chịu đựng của mình. Bà là người tạo ra khổ đau cho con.

Cho nên, như chúng ta đã biết, phản ứng của em là phản đối kịch liệt, khóc la ầm ĩ. Nếu tình trạng này vẫn diễn đi diễn lại, và bà mẹ không rút tỉa kinh nghiệm, để thay đổi phương thức hành động, chúng ta sẽ chứng kiến những hệ quả nghiêm trọng trong tác phong của đứa con :

Hệ quả 1 : là tác phong chống đối liên tục, phản kháng có hệ thống.

Đứa con phủ nhận tất cả những gì phát xuất từ người mẹ. Trước kia, em chỉ có phản ứng rút lui, bảo vệ sự quân bình của tâm trí. Bây giờ em khước từ mọi tiếp xúc trao đổi từ phía người mẹ.

Hệ quả 2 : Một lề lối khước từ khác là khước từ chính mình. Khước từ quyền lợi chủ động của mình. Trẻ em trở nên hoàn toàn bị động, gỗ đá, lệ thuộc tuyệt đối vào mọi quyết định của bà mẹ : "mẹ đặt đâu, con ngồi đó!".

Dần dần, trẻ em loại này đánh mất mọi khả năng tiếp xúc, học tập và quyết định, thậm chí trong vấn đề tiểu tiện, đại tiện... trẻ em đã đánh mất mọi khả năng tự điều chế bản thân và cuộc sống của mình.

Hệ quả 3 : một hình ảnh méo mó về “người khác” trong mọi kinh nghiệm tiếp xúc, trao đổi, học tập.

Trên đây chúng ta đã khảo sát tường tận tiến trình xuất hiện của một tác phong chống đối liên tục :

- Giai đoạn 1 : người mẹ có tập quán và khuynh hướng kích thích đứa con mình một cách quá đáng.

- Giai đoạn 2 : kinh nghiệm tiếp xúc với bà mẹ dần dà mất hết tính chất vui tươi, thu hút và hấp dẫn. Cuối cùng tiếp xúc đồng hóa với khổ đau.

- Giai đoạn ba : Để sống còn, trẻ em phải khước từ khổ đau. Cho nên em cũng khước từ mọi tiếp xúc trao đổi với người mẹ. Phản ứng khước từ này với thời gian sẽ trở nên một tập quán, một tác phong. Nó được nhập tâm. Nó trở thành xương thịt và hơi thở hằng ngày của đứa con. Theo từ ngữ chuyên môn của tâm lý phát triển và học tập, nó được hội nhập và nội nhập vào trong bản đồ tâm linh của đứa con từ ngày tháng đầu tiên của cuộc sống.

- Kinh nghiệm khổ đau không phải chỉ được hạn chế trong quan hệ mẹ con mà thôi. Người mẹ đại diện môi trường, đại diện thế giới bên ngoài.

Người mẹ là một con người, “ở ngoài mình, khác biệt với mình”. Những kinh nghiệm giữa mẹ và con sẽ được đứa con tổng quát hóa và áp dụng cho mọi trường hợp của cuộc sống, với tất cả mọi người.

- Theo đà tiến triển ấy, người khác, bất kể là ai trong gia đình cũng như ngoài xã hội, Thượng Đế cũng vậy, nếu thật sự Ngài hiện hữu... người khác đều là địa ngục, chốn khổ đau. Cho nên, suốt cuộc đời tôi trốn chạy. Sự có mặt của người khác trong cuộc đời chỉ ngày ngày càng xé rộng vết thương đã nhức nhối tự bao giờ!

May thay, trong thực tế hằng ngày, không phải chỉ có những kinh nghiệm khổ đau. Những phút giây hạnh phúc sung sướng cũng được xen kẽ ương trồng.

Bên cạnh người mẹ còn có người cha, anh chị em, bà nội, bà ngoại, mấy cô dì... khi bên này “cơm sôi” thì bên kia “nhỏ lửa”. Bên này là gai nhọn, bên kia là đóa hồng. Cho nên rốt cuộc, cuộc đời vẫn đáng sống!

- Nhiều khi, lúc đón nhận một trẻ em mới tới trong lớp học đặc biệt, tôi có cảm tưởng đau buồn là nhiều chông gai đã mọc lên quá bừa bãi và quá sớm. Nhưng rồi, như một người nông phu Việt Nam, sáng sớm cầm cuốc ra đồng... thế nào vụ mùa tới, cũng có củ sắn, củ khoai trong kho lẫm.

- Nỗ lực “can thiệp và đề phòng càng sớm càng tốt” của chúng ta là bắt tay vào việc từ những ngày đầu tiên, để hạn chế tối đa những kinh nghiệm tạo khổ đau, làm cản trở bước đường học tập của trẻ em. Ít ai cố tình tạo nên khổ đau cho người khác. Đa số có tác phong như vậy vì “vô minh”, thiếu hiểu biết. Nỗ lực của chúng ta là gieo trồng những hạt giống hiểu biết.

Loại kích thích thứ ba : kích thích thiếu thốn, nghèo nàn, “bất cập”

Trên đây tôi đã cố tính nhấn mạnh những yếu tố cơ bản :

a/ Khả năng học tập có mặt nơi mọi trẻ em, mặc dù các em gặp nhiều loại khó khăn trắc trở, trong những ngày đầu tiên của cuộc sống.

b/ Kinh nghiệm tiếp xúc tạo ra khổ đau trong những loại kích thích quá đáng, thái quá là nguyên tố số một phá hoại và làm tê liệt mọi khả năng và nỗ lực học tập nơi trẻ em.

c/ Từ chối tiếp xúc, từ chối học tập và từ chối sự có mặt cũng như sự can thiệp của người khác trong cuộc đời của mình là ba yếu tố có những tương quan nhân quả qua lại gắn chặt và ràng buộc với nhau. Khi yếu tố này có mặt, hai yếu tố kia cũng sẽ xuất hiện.

Trong phần này tôi muốn trở lại cũng một phương trình cơ bản ấy :

Tiếp xúc <<==>> học tập <<==>> sự có mặt của kẻ khác

Nhưng ở đây trong vấn đề kích thích bất cập, tôi khảo sát khía cạnh nghịch đảo : sự vắng mặt của người khác cũng tạo ra khổ đau cho trẻ em, và gây nên những ảnh hưởng trầm trọng trên vấn đề học tập và tiếp xúc của các em. Hơn ai hết, René Spitz đã quan sát và nghiên cứu tác phong của những trẻ em phải nhập viện, sống hoàn toàn xa mẹ trong thời gian quá 3 hoặc 4 tháng.

- Các em được trông nom một cách rất chu đáo về mặt vật chất, bồi dưỡng, thuốc men.

- Trong điều kiện sinh hoạt của bệnh viện, các cô y tá thay phiên nhau chăm sóc các trẻ em bệnh nhân. Và không một cô nào có mặt thường xuyên liên tục với trẻ em.

- Nếu cuộc sống này cứ kéo dài hơn 3, 4 tháng, trẻ em sẽ mắc hội chứng “Thiếu tình thương” còn được gọi là hội chứng “Đời Bệnh viện” : thân thể gầy guộc, không ăn, nụ cười tan biến, liếc nhìn lạnh nhạt, vô cảm.

Theo R. Spitz yếu tố quyết định về sự sống còn của một em bé sơ sinh, là sự tiếp xúc tích cực giữa em bé và một người khác một cách thường xuyên và liên tục. Nếu tình trạng thiếu tiếp xúc này kéo dài quá 3 tháng, trẻ em sẽ chết. Tâm thần các em sẽ bị rối loạn trầm trọng, nếu các em được cứu sống.

Ngày nay tổ chức của đa số bệnh viện trên thế giới đều cải tiến. Người mẹ được phép thăm nuôi đứa con nhập viện. Hơn nữa, trong các bệnh viện nhi đồng, ngoài các cô y tá, còn có thêm những bà mẹ nuôi, những cán bộ nhà trẻ, những giáo viên mẫu giáo có mặt và sinh hoạt, tiếp xúc liên tục với các trẻ em bệnh nhân.

Tuy nhiên, tình trạng “kích thích bất cập” vẫn còn tồn động đó đây, khi đứa con sống một mình suốt ngày với bà mẹ suy nhược, có nhiều vấn đề khổ đau đang làm tê liệt mọi sinh lực của bà. Bà có mặt bên cạnh con về mặt xác thể. Nhưng bà mất hết khả năng để hiện diện tích cực với đứa con mình: nhìn con, nghe con, nói với con, vui với con.

Chúng ta hãy trở lại thí nghiệm “nét mặt vô hồn” để có thể quán triệt một phần nào bao nhiêu tâm trạng rối loạn của đứa con, trong hoàn cảnh “Thiếu vắng người khác để điều chế, điều hòa bản thân”.

Trẻ em sẽ chọn lựa một trong những phản ứng sau đây, để khắc phục tình thế:

Thứ nhất là phấn đấu hết mình, để đánh thức bà mẹ trở về với mình. Sau này khi lớn lên, những trẻ em loại này chỉ biết lo cho người khác nhưng không coi trọng nhu cầu tình cảm của mình.

Thứ hai là trưởng thành quá sớm : Đây là hiện tượng “trái cây chín non” của những trẻ em đã ra đời, trước khi được sống một khoảng cuộc đời hạnh phúc. Lưu manh, trục lợi, luôn luôn có hậu ý “thả tép câu tôm” : đó là những yếu tố cơ bản thường có mặt trong đời sống xã hội của loại người này.

Thực ra loại người này cũng giống loại người số 1 là tình cảm bị khô héo hoặc bế tỏa.

Thứ ba là đồng hóa hoàn toàn với người mẹ : Trầm mình trong suy nhược.

Thứ bốn là vận chuyển theo chu kỳ giữa hai giai đoạn : Hiếu động và suy nhược. Loại người này trong địa hạt tình cảm “khi thì lên voi, khi thì xuống chó” tùy vào những kích thích tố bên ngoài, khả dĩ đánh thức và hà hơi làm sống lại những ngày tháng xa xưa.

Để hiểu rõ cơ chế phục hồi và phục hoạt quá khứ chúng ta cần ghi nhận những tiến trình diễn biến như sau :

Giai đoạn 1 : Một biến cố xảy ra trong môi trường : Ví dụ mùa hè ở Sài Gòn sớm nắng chiều mưa.

Giai đoạn 2 : Biến cố đơn độc ấy nhắc lại một kinh nghiệm xưa cũ, trong đó có yếu tố : mưa Sài Gòn.

Giai đoạn 3 : Kinh nghiệm xưa cũ ấy hàm chứa một tình cảm khổ đau. Ví dụ : mẹ già ra đi khi trời Sài Gòn bắt đầu mùa mưa.

Giai đoạn 4 : Tình cảm khổ đau này đánh thức một cách dồn dập bao nhiêu khổ đau đã ràng buộc hai mẹ con trong những ngày thơ ấu. Nói cách khác, tình cảm khổ đau phục hồi một giai đoạn thiếu thời trong đó đứa con đang có nhiều vết thương lòng rướm máu, và chưa bao giờ được ai thoa dịu.

Dựa vào những cơ chế phục hồi quá khứ, chúng ta sẽ trở lại đề cập đến những kinh nghiệm đau thương của bà mẹ, khi sự có mặt của một đứa con bắt đầu đánh thức nơi bà bao nhiêu tâm tình ân hận, thất vọng, chán chường...

***

Cấp độ 2 : là học tập kéo dài khả năng tập trung chú ý

Cấp độ này bắt đầu lúc đứa trẻ được 2 tuần và kéo dài đến lứa tuổi 2 tháng.

Suốt thời gian này, công việc của bà mẹ là tạo mọi điều kiện thuận lợi để đứa con từ từ kéo dài thời gian chú ý của mình. Như trên chúng ta đã nói tới, trong những ngày của hai tuần lễ đầu tiên, thời gian chú ý chỉ kéo dài vài ba phút đồng hồ. Đến tuổi 2 tháng, đứa trẻ có thể chú ý trong vòng 2030 phút.

Thêm vào đó, chúng ta cũng đã thấy rõ : Tình trạng tỉnh thức hoạt bát là giai đoạn tốt hảo nhất để trẻ em tập trung chú ý.

Tập trung chú ý là nền tảng của công việc học tập. Khả năng này chỉ được phát huy một cách tốt đẹp, với điều kiện là hệ thần kinh trung ương não bộ được nguyên vẹn, không bị chấn thương hoặc thất tổn. Chính vì lý do đó, khi có vấn đề trong địa hạt chú ý, nguyên nhân đầu tiên cần tìm hiểu khảo sát chính là hệ thần kinh trung ương. Đồng thời, tức khắc chúng ta phải sáng tạo những biện pháp thích ứng, trong vấn đề học tập, kích thích, để giúp trẻ em khắc phục những khó khăn của mình trong địa hạt chú ý.

Thứ nhất, những trẻ em này cần nhiều thì giờ để nghỉ ngơi bồi dưỡng tâm trí,

Thứ hai, các em thuộc loại nầy rất nhạy cảm cho nên một kích thích bình thường đối với những em khác, đã có thể tạo nên những ngưỡng khổ đau cho những em này.

Thứ ba, để các em có thể tiếp thu dễ dàng, chúng ta cần tán mỏng những kích thích của chúng ta :

- Tán mỏng cách thứ nhất là tách rời ra những kích thích khác loại : khi nói thì đừng nhìn, khi dùng ánh sáng thì cắt đứt mọi âm thanh. Khi dùng xúc giác, chúng ta tuyệt đối im lặng và giảm hạ mọi hình ảnh và ánh sáng.

- Tán mỏng cách thứ hai là sử dụng phương pháp nhỏ giọt hay còn gọi là “ăn ít no lâu”. Mỗi lần kích thích, học tập chỉ kéo dài vài ba phút. Chúng ta đặc biệt xem chừng những triệu chứng rút lui hoặc quen nhàm báo hiệu một tình trạng mệt mỏi sắp xảy đến. Và chúng ta canh chừng biết dừng lại trước khi trẻ em khóc la phản kháng, bước vào giai đoạn thứ 6: Tình trạng khóc la inh ỏi. Ngáp, đứng ngồi không yên, ngủ gục, gọi tên không phản ứng... đó là những hiện tượng cần được chúng ta ghi nhận để đánh giá tình hình.

Thứ bốn, khai thác tối đa những sở thích và những khả năng hiện hành của trẻ em. Hay là luôn luôn khởi đầu bằng một điều mà các em đã hiểu biết và quen thuộc, và cố gắng thêm vào mỗi lần chỉ một điều mới lạ.

J. Bruner đề nghị chúng ta hãy dùng một khung cảnh quen thuộc cố định, để tổ chức công việc dạy dỗ hoặc kích thích của chúng ta. Nội dung có thể thay đổi thường xuyên, nhưng khung cảnh vẫn cố định, để trẻ em cảm thấy an toàn và an tâm để học tập. Danh từ anh ngữ được J. Bruner sử dụng là Format, có nghĩa là hình thức, khuôn khổ, thể thức tổ chức bên ngoài, cấu trúc.

Để xác định một cách cụ thể những yếu tố lập nên thể thức tổ chức bên ngoài ấy, R. Feuerstein yêu cầu chúng ta thực hiện những điều sau đây :

a/ Để bắt đầu, chúng ta nhắc lại những điều đã làm lần trước.

b/ Để kết thúc, chúng ta báo trước lần sau chúng ta sẽ làm gì !

c/ Trong lúc làm việc, thay vì chúng ta đặt câu hỏi về nội dung, chúng ta đặt câu hỏi về cách làm, cách tổ chức, về tiến trình diễn biến, về cách thức sinh hoạt.

Ví dụ : Thay vì hỏi, “đây là màu gì ?”, chúng ta yêu cầu trẻ em đi tìm trong nhà những vật có màu đỏ chẳng hạn. Và lúc ra ngoài đường, “em cần để ý đến màu đỏ chỗ nào? Tại vì sao?”

d/ Mỗi lần trẻ em tỏ ra lưu tâm hay là trả lời đứng đắn, chúng ta cần lợi dụng cơ hội để khen thưởng và tán dương, bằng cách chứng minh một cách cụ thể : sở dĩ em trả lời đúng là vì em có những khả năng thật sự, như khả năng nhìn đằng trước, khả năng nghe...

Trong tinh thần ấy, học tập không phải chỉ là biết thêm một hoặc hai nội dung mới, nhưng là kiến dựng một hình ảnh tích cực về mình : “Tôi có khả năng, tôi làm được”. Những điều chúng ta nói ra là những “phản ảnh” cơ hồ một tấm gương soi cho trẻ em thấy rõ mặt mũi hay là căn cước của mình là của một con người có khả năng. Thay vì những “hồi tố”, những phản ánh tích cực như vậy, chúng ta đã quá lạm dụng từ “không” để cấm đoán, chỉ trích, phê bình... nêu lên những khuyết điểm! Rốt cuộc chậm phát triển đồng nghĩa với “một hình ảnh càng ngày càng tiêu cực về mình” : Tôi không biết! Tôi không làm được! Tôi sẽ thất bại, tôi chỉ làm được những điều xằng xiên, quấy rối.

Trong tất cả những điều vừa được trình bày, chúng ta cần ghi nhận hai yếu tố cơ bản:

Một : Vui thích là điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề “khó chú ý, khó học tập”.

Hai : Giải quyết một vấn đề tại vị trí nó xuất hiện một cách rõ ràng không phải là cách giải quyết hữu hiệu và thỏa đáng. Trái lại, phải giải quyết bằng cách can thiệp trên những yếu tố tạo nên vấn đề ấy. Đây là một nguyên tắc sư phạm cơ bản. Không quán triệt nó, chúng ta không thể khắc phục vấn đề chậm phát triển.

Can thiệp như vậy được hợp lý hóa bằng một phương pháp mang tên là “Trở lui về trước”.

Thứ nhất, chúng ta tức khắc dừng lại, khi trẻ em có những tác phong hiếu động, mệt mỏi, phân tán, lẫn lộn.

Thứ hai, chúng ta trở lui về trước, hạ giảm mức độ đòi hỏi, thu gọn hoặc tán mỏng nội dung học tập cho đến khi trẻ em tìm lại tình trạng tỉnh thức bình lặng hay là mức độ tự lập tự cường.

Thứ ba, từ mức độ tự lập ấy chúng ta bắt đầu đi lên trở lại, bằng cách trình bày cho trẻ em một điều cần học tập. Nhưng chúng ta phải hướng dẫn thế nào để trẻ em có thể thành công và chấp nhận công việc một cách hứng thú.

Và cứ như vậy “cháo nóng húp quanh” hay là “kiến tha lâu đầy tổ” dần dần trẻ em sẽ vượt qua những khó khăn hiện hành.

Muốn giúp trẻ em thâu đạt kết quả như vậy, người lớn, giáo viên, bà mẹ phải có hai điều kiện :

- Nắm vững tình hình hiện tại của trẻ em: liệt kê những điểm mạnh của các em cũng như những khó khăn.

- Xác định mục tiêu và phương hướng hành động : với trẻ em này, mục tiêu ưu tiên một là gì? Kế hoạch đạt mục tiêu ấy là thế nào?

Dựa vào phương pháp sư phạm ấy, chúng ta có thể giúp đỡ một cách đặc biệt hai loại trẻ em : Hiếu động và động kinh.

Khó khăn cơ bản của trẻ em hiếu động là những hình ảnh rời rạc của thế giới bên ngoài càng lúc càng đổ xô tới, nhưng các em không có khả năng kết ráp, tổng hợp, xây dựng một hình ảnh toàn diện, toàn bộ, càng ngày càng phong phú và có ý nghĩa bổ túc lẫn nhau.

Chúng ta thử lấy ví dụ bà mẹ : Bà mẹ cho con ăn, bà mẹ thay áo quần, bà mẹ ru con ngủ, bà mẹ bồng bế, tắm gội... và sau này cũng chính bà mẹ ấy la rầy, cấm đoán, bỏ mình ra đi làm việc khác,... Bao lâu một đứa con chưa tổng kết tất cả những hình ảnh rời rạc, nát vụn ấy thành một bà mẹ duy nhất, toàn diện, nguyên vẹn, đứa con vẫn còn sống trong ảo ảnh là mình có ít nhất hai người mẹ. Một bà mẹ mang áo Nàng Tiên, bà kia mang áo Phù Thủy, cứ ngày ngày đuổi bắt nhau đến bên nôi mình.

Nếu thế giới bên ngoài cứ tiếp tục đổi thay hằng giây, hằng phút : không có một điều gì liên tục và thường trực, trẻ em sẽ phải sống “cảnh lạ, nhà lạ, người lạ”. Cho nên không có những định chuẩn cố định để xây dựng đời sống và bản thân.

Nói tóm lại, trẻ em hiếu động không thể học tập, bởi vì những điều kiện bất cố, bất ổn trong lãnh vực tâm thần và vận động không cho phép em bám trụ vào một định chuẩn liên tục, cố định. Cho nên, hơn ai hết, những trẻ em này để có thể học tập, cần đến một cấu trúc, một khung cảnh quen thuộc, cố định như lời đề nghị của J. Bruner. Nếu bà mẹ hay là người giáo viên không có một thái độ thường hằng và một lề lối tổ chức ổn định, đó là tình trạng “mù dắt mù”, rốt cuộc, những trẻ em ấy lớn lên với những triệu chứng chậm phát triển.

Những trẻ em có những cơn động kinh lớn xuất hiện trong lứa tuổi từ 2 tháng đến 2 năm cũng lâm vào một tình trạng tương tự.

Những cơn động kinh và những giấc ngủ triền miên sau đó, dưới ảnh hưởng của các loại dược phẩm an thần, tạo nên những khoảng trống, khoảng hổng trong công việc xây dựng căn nhà hiểu biết, học tập của các em. Để quán triệt một phần nào những khó khăn của các trẻ em mắc chứng động kinh, chúng ta hãy hình dung : đang thức dậy sau một giấc ngủ trưa kéo dài hai ba tiếng đồng hồ. Ngôi nhà vắng vẻ im lặng. Trời ở ngoài sẩm tối vì những tấm màn che lấp ánh sáng. Chúng ta đang thức dậy, nửa tỉnh nửa mơ, không biết rõ mình hiện đang ở đâu, bây giờ là mai, chiều hay tối.

Thông thường, trong những tình cảnh như thế, chúng ta phải mất vài ba phút đồng hồ để “định thần, định trí”, bằng cách trở lại về trước, tìm ra chúng ta đã làm gì, ở đâu. Sau khi đã có một hình ảnh rõ rệt, chắc chắn, chúng ta có thể từ đó minh định những điều còn lại. Và từ từ chúng ta khám phá ra chúng ta đang nằm ở đâu, bây giờ là thời buổi nào...

Để có thể làm công việc tìm kiếm ấy, chúng ta đã vận dụng nhiều yếu tố : trí nhớ, suy luận, những cảm giác hiện tại.

Những giây phút tỉnh thức ấy thật rất hải hùng với trẻ em động kinh. Các em chưa có những phương tiện như trí nhớ, khả năng suy luận, để lần mò tìm ra cách thức định hướng.

Thêm vào đó, cơn động kinh có thể tiếp diễn nhiều lần. Liều thuốc an thần có thể có ảnh hưởng lâu dài. Công việc học tập của trẻ động kinh giống như một cuốn phim mất nhiều đoạn quan trọng. Cho nên thế giới bên ngoài cũng mang tính chất rời rạc, đứt đoạn, khó hiểu.

Cũng vì ảnh hưởng của các loại dược phẩm chống động kinh, thời gian của giai đoạn tỉnh thức bình lặng (tình trạng số 4) rất bị hạn chế. Cho nên dần dần trẻ em động kinh trở thành chậm phát triển, vì lý do không có những kích thích đầy đủ về chất lượng và thời lượng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc học tập, chúng ta cần nghỉ đến những phương tiện sau đây :

a/ Vui thú là yếu tố cơ bản để giảm khinh tình trạng căng thẳng của điện não.

b/ Tôn trọng nghiêm chỉnh liều lượng dược phẩm chống động kinh do Bác sĩ ấn định.

c/ Dùng phương pháp Tâm vận động để tạo cho trẻ em này những sơ đồ suy tư và hành động.

d/ Nhiều nghỉ ngơi, bồi dưỡng, thư giãn.

e/ Học tập những phản xạ tự đề phòng : lúc nào thấy chống mặt thì tự động nằm xuống đất nghỉ vài giây, cho đến khi hết mệt..."

f/ Tình trạng căng thẳng là kẻ thù số 1 của trẻ em động kinh. Cho nên chúng ta phải cân nhắc liều lượng đòi hỏi. Tuyệt đối dừng lại, khi chúng ta ghi nhận những triệu chứng “rút lui” nơi trẻ em.

(CÒN TIẾP)