QUAN HỆ MẸ CON : NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA CUỘC SỐNG (TIẾP THEO)

PHẦN 2 (*1)

THỂ THỨC PHÁT HIỆN NHỮNG TRẺ EM CÓ NGUY CƠ TRỞ THÀNH KHUYẾT TẬT

Công tác của chúng ta là “can thiệp và đề phòng” càng sớm càng tốt, khi chúng ta phát hiện những trẻ em có nguy cơ trở thành khuyết tật.

Để tổ chức và thực hiện công tác này, chúng ta cần xác định những yếu tố sau đây:

1. Thể thức phát hiện.

2. Trẻ em có nguy cơ.

3. Can thiệp và Đề phòng.

4. Càng sớm càng tốt.

Ở những nơi, hệ thống y khoa được tổ chức chặt chẽ, vấn đề phát hiện đã được bắt đầu từ khi đứa con còn ở trong bào thai của người mẹ. Hội chứng Down, Mongolisme còn gọi là Trisomie 21 (chứng suy thoái của sắc thể số 21) có thể được phát hiện, bằng phương pháp phân tích tế bào trong nước bào thai, từ tuần lễ thứ 13 đến tuần thứ 17. Có lẽ trong tương lai rất gần, y khoa có thể phát hiện những suy thoái sắc thể, bằng cách phân tích máu của người mẹ, khi bào thai được 10 tuần lễ.

Tuy nhiên, trong những điều kiện y khoa hiện thời, một số hội chứng như Rett chỉ được phát hiện khi trẻ em lên 8 tháng hoặc 1 năm... Trong một số trường hợp, công việc chẩn đoán chỉ được xác định dần dần qua nhiều năm, sau bao nhiêu lần khám nghiệm.

Trong những điều kiện y tế và xã hội tại Thuỵ Sĩ, mỗi trẻ em được một bác sĩ chuyên về nhi đồng theo dõi từ lúc sinh ra. Khi có những dấu hiệu báo động, chính bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ tìm đến những bác sĩ chuyên môn. Và khi có những chẩn đoán rõ ràng, bác sĩ chuyên môn sẽ đặc trách công việc thông báo. Và chính bác sĩ này sẽ giới thiệu trẻ em với các tổ chức hoặc cơ quan chuyên trách về vấn đề giáo dục và trị liệu. Từ 0 đến 3 tuổi, đa số trẻ em được theo dõi tại gia đình. Những cán viên đặc trách vấn đề xã hội và các giáo viên đặc biệt đến tận nhà làm việc với người mẹ để giáo dục đứa con, mỗi tuần một hoặc hai lần trong khoảng một tiếng đồng hồ. Tuỳ trường hợp, bác sĩ sẽ quyết định sử dụng phương tiện vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu hay là tâm lý trị liệu dưới nhiều hình thức khác nhau... Dần dần, sau một vài tháng hay một năm, trẻ em sẽ được giao phó cho những cơ quan, tổ chức chuyên trách về các lớp học đặc biệt, thay thế cơ quan giáo dục lưu động.

Trong hoàn cảnh và điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam, hai điều cần được thực hiện :

Thứ nhất là tổ chức công tác phát hiện càng sớm càng tốt những trẻ em có nguy cơ trở thành khuyết tật.

Thứ hai là tổ chức công tác can thiệp và đề phòng bằng cách hướng dẫn người mẹ trong những công việc giáo dục hằng ngày, khi đứa con sơ sinh ở vào lứa tuổi 0 đến 3 năm.

Công việc chúng ta được coi như một cái phễu : bắt đầu phát hiện mọi nguy cơ và tức khắc can thiệp sau một thời gian can thiệp, hướng dẫn, hy vọng một số lớn trẻ em không còn thuộc diện nguy cơ.

Cho nên trong tinh thần và ý hướng của tôi, đối tượng công tác của chúng ta không phải là đứa con sơ sinh mà thôi, nhưng cả hai mẹ con. Chúng ta hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ, để bà mẹ trong cuộc sống hằng ngày tạo cho đứa con những điều kiện thuận lợi trong việc tiếp xúc, trao đổi và học tập.

Hướng dẫn có nghĩa là trình bày và giới thiệu cho bà mẹ một số kỹ năng đơn thuần bình thường trong vấn đề dạy con.

Giúp đỡ là đặt trọng tâm vào vấn đề lắng nghe, trao đổi, phản ảnh, tạo niềm tin và gây quan hệ.

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề “can thiệp và đề phòng” ở một chương khác. Ở đây tôi chỉ trao đổi một vài ý kiến về công tác phát hiện những trẻ em có nguy cơ.

CHƯƠNG 2.1 PHƯƠNG PHÁP APGAR

Tại phòng sinh, tức khắc sau khi đứa con ra khỏi lòng mẹ, hầu như khắp nơi trên thế giới các bác sĩ hộ sinh sử dụng phương pháp Apgar để khám nghiệm đứa bé sơ sinh.

Năm yếu tố được khảo sát : màu da, nhịp tim, nhịp thở, trương lực của cơ (hay là mức độ co giản của bắp thịt, mực độ vận động) và thể thức phản ứng khi bị kích thích.

Mỗi yếu tố được đánh giá như sau :

Tối thiểu : 0

Trung bình : 1

Tối đa : 2

Kết quả : Tổng số điểm < 3 : Tình trạng nguy ngập, cấp cứu.

Tổng số điểm > 7 : Tình trạng khả quan : Trẻ em lành mạnh.

Sau đây là bản tóm lược cách thức chấm điểm :
Điểm 0 1 2
Nhịp tim Không đập ≤ 100/1g > 100/1g
Nhịp thở Không thở tự nhiên

và tức khắc
Thở không đều Thở mạnh

Khóc mạnh
Màu da Tái nhợt thâm xanh Xanh tím

ở đầu,

chân tay miệng
Hồng thắm
Vận động Mềm nhũn Co giản yếu ớt Co giản mạnh,

hoạt bát
Phản ứng

khi bị kích thích
Không có phản ứng Cử động nhẹ

nhăn nhó
Ngoảnh mặt

khóc la
Sau 5 phút, trẻ em được khám nghiệm lần II. Nếu kết quả vẫn dưới 3 điểm, có lẽ trẻ em sẽ có những vấn đế trầm trọng sau này, sau khi được hồi sinh. Chúng ta cần theo dõi những trẻ em này.

Chúng ta có thể lặp lại lần III sau 15 phút để kiểm chứng kết quả.

Thông thường, trong sổ tay hoặc hồ sơ sức khoẻ của mỗi em, có kết quả và số điểm Apgar. Đây là một dữ kiện đầu tiên có thể giúp chúng ta trong vấn đề phát hiện.

***

CHƯƠNG 2.2 PHƯƠNG PHÁP BRAZELTON

T. Berry Brazelton là một bác sĩ chuyên về trẻ em, làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng ở Boston, Mỹ. Phương pháp hoặc trắc nghiệm Brazelton mang tên là N.B.A.S. (Neonatal Behavioral Assessment Scale). Đồng thời ông là giáo sư ở nhiều Đại học và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu danh tiếng.

1. Mục đích và ý hướng của trắc nghiệm NBAS là khảo sát tác phong của trẻ sơ sinh trong nhiều lãnh vực sau đây :

1. Khả năng phản ứng trước những kích thích dồn dập.

2. Khả năng vận động hay mức độ co giản của các cơ, còn gọi là Trương lực cơ.

3. Khả năng được dỗ dành.

4. Khả năng tự điều hướng, để trở lại tình trạng bình lặng.

5. Tình trạng bực tức cau có (khóc la).

6. Khả năng tổ chức tình trạng thức tỉnh trong sáu giai đoạn khác nhau.

7. Thể thức ngoại hiện và diễn tả nhu cầu và yêu sách của mình.

8. Thể thức “Bú, mút” và “Liếm môi”.

9. Khả năng tiếp thu và phản ứng trong lãnh vực giác quan.

Nói cách chung, trắc nghiệm này giúp chúng ta kiểm kê và liệt kê tất cả vốn liếng hiện hành của trẻ sơ sinh, trên hai bình diện năng động tích cực (khả năng) cũng như bị động, tiêu cực (những vấn đề).

Khác với những loại trắc nghiệm khác, phương pháp NBAS cần được sử dụng nhiều lần, với tốc độ và nhịp điệu : từng tuần, từng tháng hay là từng 10 ngày tuỳ khả năng và nhu cầu đánh giá của chúng ta, đồng thời cũng tuỳ theo mục tiêu và phương thức làm việc của mỗi người. Nếu điều kiện cho phép, chúng ta có thể hướng dẫn người cha và nhất là người mẹ trong cách sử dụng, để họ có thể áp dụng trực tiếp, không cần sự chứng giám hoặc công việc kiểm soát của chúng ta.

Là một trắc nghiệm đánh giá khả năng hiện hành và khả năng học tập của trẻ em sơ sinh, đồng thời NBAS là phương tiện trao đổi giữa mẹ và con hay là giữa chúng ta và người mẹ; cũng như giữa các thành viên cùng một nhóm làm việc với người mẹ, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Nếu trong tất cả mọi bản kết quả của nhiều người, đều có khuynh hướng đi lên theo ngày tháng và tất cả kết quả đều vượt mức trung bình : Đó là dấu hiệu rõ rệt cho ta biết : Trẻ em có khả năng học tập.

Tình trạng kết quả đồng đều đi xuống hay là vẫn dẫm chân tại chỗ : đó là dấu hiệu đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp hữu hiệu hơn.

Lẽ đương nhiên, giữa hai lần đánh giá và đúc kết kết quả, chúng ta đã có những chương trình can thiệp với người mẹ. Và giữa toán làm việc của chúng ta, đã có những cuộc thảo luận, trao đổi về chương trình can thiệp với đứa trẻ.

Nếu qua việc áp dụng trắc nghiệm này,

* Người mẹ biết quan sát con mình,

* Người mẹ ý thức đến những khả năng rõ rệt của đứa con,

* Người mẹ biết trao đổi, tiếp xúc, chuyện trò với đứa con mình,

* Người mẹ biết đặt những câu hỏi và trao đổi với chúng ta về đứa con và về chính mình,

Công việc “Can thiệp và đề phòng” của chúng ta đã đạt được mục tiêu.

Còn lại vấn đề phát hiện : sau một năm làm việc như vậy, vấn đề sẽ được giải quyết. Hoặc là đứa bé đã tỏ ra có khả năng học tập, hoặc là vấn đề khuyết tật càng ngày càng rõ ràng. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ em khuyết tật thực sự, “khuyết tật” không còn là một gánh nặng cho bà mẹ và cho các giáo viên sau này, bởi vì bà mẹ đã có kỹ năng tiếp xúc và trao đổi với con mình. Nói tóm lại, Trắc nghiệm NBAS giúp chúng ta khảo sát và đánh giá khả năng học tập của trẻ sơ sinh.

2. Dụng cụ cần thiết cho công việc trắc nghiệm :

­ - 1 cái lúc lắc nhỏ có màu sặc sỡ.

­ - 1 cái chuông nhỏ.

­ - 1 trái banh nhỏ màu đỏ rực rỡ.

­ - 1 ngọn đèn pin có ánh sáng mạnh.

3. Nội dung trắc nghiệm và thể thức xử dụng :

Trắc nghiệm NBAS bao gồm 27 tiết mục.

Thời gian áp dụng : 30 phút.

I. Tiết mục 1 -­ 4 : Khả năng rút lui và khả năng quen nhàm.

Khả năng rút lui, khả năng khép kín cửa giác quan hay là khả năng quen nhàm : cả ba loại khả năng này đều có một chức năng tự đề phòng và bảo vệ trước những kích thích dồn dập, lặp đi lặp lại, có thể tạo nên tình trạng mệt mỏi, khả dĩ gây tai hại cho sức khoẻ và nhất là hệ thần kinh. Trong ý hướng ấy khả năng quen nhàm là khả năng tự động hạ giảm mức độ phản ứng nhạy cảm. Đó là dấu hiệu: ngưỡng sơ khởi phải gia tăng mức độ.

Sự có mặt của khả năng này là dấu hiệu biểu lộ sự lành mạnh và vẹn toàn của hệ thần kinh trung ương não bộ.

Trong trường hợp ngược lại, hệ thần kinh có phản ứng quá bén nhạy, cho nên dễ bị căng thẳng thường xuyên. Ngưỡng sơ khởi ở mức độ thấp và không thể gia tăng.

Những trẻ em có hệ thần kinh não bộ thuộc loại này hay giật mình, tỉnh thức, không thể bảo vệ giấc ngủ của mình. Cho nên tác phong mệt mỏi bực bội.

Ở vào tình trạng tỉnh thức, những trẻ em này trở nên hiếu động, thiếu khả năng phối trí và phối hợp trên bình diện vận động. Cho nên tay làm một đàng, chân đi một nẻo. Hai mắt nhìn về hai hướng khác nhau. Sức chú ý rất là hời hợt nông cạn, không thể kéo dài lâu. Nói tóm lại, khả năng đình chỉ, tạm hoãn những vận động phản xạ không có mặt, cho nên khả năng tập trung bị phân loạn, Đó là chướng ngại rất lớn lao cho công việc tiếp thu, tổ chức trong địa hạt học tập.

Nếu như tình trạng này mãi hoài kéo dài, kết hợp vối những khó khăn khác : đó là một tiêu cứ rất quan trọng trong công việc phát hiện của chúng ta.

Nguyên nhân tạo nên tình trạng này thay đổi tuỳ trường hợp. Tôi chỉ trích dẫn một vài ví dụ :

­- Trẻ em sinh ra thiếu tháng : hệ thần kinh chưa phát triển đầy đủ.

­- Trẻ em khuyết tật với lý do : hệ thần kinh não bộ bị chấn thương lúc sinh và trước khi sinh, suốt thời kỳ ở trong bào thai.

­- Trẻ em có mẹ nghiện ngập rượu mạnh, xì ke, ma tuý trong thời gian thai nghén.

­ - Trẻ em thiếu dinh dưỡng trầm trọng và không lớn mạnh trong 3 tháng cuối cùng trước khi sinh.

Để tức khắc giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề phát triển, chúng ta nên tạo cho trẻ em này một môi trường bao che đùm bọc lúc ban đầu :

Nhiều nghỉ ngơi.

Tránh những tiếng động và ánh sáng quá chói chang.

Nhẹ nhàng, từ tốn khi bồng bế tắm gội.

Tránh những gì làm giật mình.

Hạn chế những kích thích : bắt đầu từ những cường độ rất thấp, đừng kết hợp 2 loại kích thích khác bản chất như giọng nói và xoa bóp.

Đừng quá kéo dài những trò chơi kích động.

Nhẹ nhàng và từ từ khi cần phải đánh thức con dậy.

Mang con và áp con vào lòng giống người da đỏ, trong những tháng đầu tiên.

Thường xuyên xoa bóp nhẹ nhàng toàn thân và ru con trong lúc còn thức tỉnh.

Thể thức sử dụng

Chúng ta phải khảo sát 4 tiết mục này đương khi trẻ em ở tình trạng 1 : ngủ ngon.

Tiết mục 1. Bấm đèn chói sáng vào mắt của đứa bé chừng 1-2 giây, trẻ em giật mình, cử động và từ từ trở về giấc ngủ bình lặng. Bấy giờ, chúng ta bấm lần II, và cứ như vậy cho đến 10 lần. Chúng ta ghi lại số lần cuối cùng khi trẻ em không còn phản ứng.

Tiết mục 2. Rung lúc lắc cách xa độ 25-30 cm, trong vòng 1 giây.

Tiết mục 3. Rung chuông trong vòng 1 giây.

Tiết mục 4. Lấy que tăm ấn nhẹ vào gót chân.

II. Tiết mục 5-9 : Khả năng chú ý và tiếp xúc với môi trường chung quanh : vật và người.

Đặc biệt trong 5 tiết mục này chúng ta khảo sát những vốn liếng cơ bản của trẻ sơ sinh, trên hai bình diện chú ý và tiếp xúc với ngoại cảnh, trong đó có cả người và đồ vật.

Để có thể chú ý, trẻ em cần vận dụng nhiều khả năng khác nhau :

­ - Khả năng nhìn hoặc nghe.

­ - Khả năng đình chỉ hoặc tạm hoãn mọi hoạt động khác, trong khi nhìn và nghe.

­ - Khả năng vận động, hướng chuyển đầu và mặt từ trước ra sau, từ dưới lên trên để theo dõi một vật đang di động.

Chúng ta đã khảo sát với khá nhiều chi tiết hai khả năng cơ bản của trẻ em là Thấy và Nghe. Ngay từ lúc sinh ra, trẻ em đã biết vận dụng 2 khả năng cơ bản này để tiếp xúc với môi trường chung quanh, để tiếp thu những dữ kiện. Đây là nền tảng của tất cả khả năng học tập sau này. Thiếu nền tảng này hay là gặp trắc trở ở đây và không được người lớn tạo điều kiện khắc phục, trẻ em sẽ trở nên nghèo nàn trong địa hạt trí năng. Chậm phát triển bắt nguồn từ những khó khăn sơ khởi này.

Trên đây, chúng ta đã phân biệt 2 cách nhìn nơi trẻ em :

­ - Cái nhìn linh động, hoạt bát tạo vui thích và hứng khởi cho người mẹ, đồng thời mang lại vui thích hứng thú cho trẻ em. Càng nhìn càng cười, càng cười càng phát âm và vận động.

­ - Cái nhìn bất động vô cảm : chúng ta có cảm tưởng trẻ em nhìn, nhưng không thấy gì cả; nhìn trong một tình trạng nhiều mê hơn tỉnh. Cái nhìn chứa chất khổ đau.

Với cái nhìn loại này, trẻ em không tiếp thu vì không thiết lập liên hệ, không thể liên kết cái này với cái khác.

Đó là cái nhìn không tổ chức, liên kết, đối chiếu, so sánh.

Chính cái nhìn ấy, nếu không được khắc phục càng sớm càng tốt, là mầm móng của CHẬM phát triển.

Trong lãnh vực thính giác, chúng ta có thể ghi nhận những hiện tượng tương tự.

­ - Trẻ em nghe, nhưng âm thanh chỉ là tiếng động làm nhức nhối khổ đau, trên bình diện tâm lý. Cho nên trẻ em có khuynh hướng bịt tai.

­ - Trẻ em nghe với nét mặt vui tươi, hớn hở. Âm thanh ở đây chưa phải là giọng nói có ý nghĩa. Nhưng là dấu hiệu dẫn tới một cái khác, gợi lên một tình cảm năng động, một sự sống... sự có mặt của mẹ mình.

Theo D.Stern, từ những tháng ngày đầu tiên, trẻ em đã bộc lộ, thực hiện và thực tập hai khả năng chủ yếu, biểu hiện một trí năng phong phú dồi dào :

a/ Khả năng hội nhập các dữ kiện liên giác quan

Thấy, Nghe, Va chạm => Đối tượng duy nhất

Ba dữ kiện của ba giác quan khác nhau đều biểu hiện cùng một đối tượng.

Ví dụ :

bước đi => mẹ

mùi sữa => mẹ

b/ Khả năng nhận biết mình là nguyên nhân:

Chủ động có tác quyền và gây ảnh hưởng :

“Nếu tôi khóc, mẹ sẽ hiện ra”

“Nếu tôi vùng vẫy, mẹ sẽ đến chơi đùa với tôi”

Thiếu môi trường và điều kiện thực tập, hai khả năng này sẽ mai một, cùn mòn và thoái hoá, như trong trường hợp những trẻ em mồ côi, mang chứng bệnh “Thiếu tình thương” của R.Spitz.

Nói một cách vắn gọn, tất cả chương trình can thiệp của chúng ta nhằm phát huy và phục hồi hai khả năng này.

Với hai tiết mục 8 và 9 chúng ta khảo sát khả năng tiếp xúc với giọng nói và khuôn mặt loài người.

Hai phản ứng đặc biệt diễn tả khả năng này :

­ Trẻ em đã biết phân biệt đồ vật và con người. Hai cách theo dõi hoàn toàn khác biệt nhau. Trước đồ vật trẻ em theo dõi bình lặng, chăm chú. Trước mặt người và giọng nói, trẻ em trở nên linh động và hoạt bát hơn, có ý hướng tiếp xúc trao đổi.

­ Thêm vào đó, trẻ em có thể bắt chước há miệng, nhe răng giống như người lớn.

Nói cách chung, đời sống xã hội đã bắt nguồn từ hai “mầm mống” này.

Thể thức sử dụng : Chúng ta khảo sát năm tiết mục sau đây, khi trẻ ở vào tình trạng 4 : Thức tỉnh hoạt bát.

Tiết mục 5 : Đưa trái banh đỏ trước mặt trẻ em, có đường kính chừng 5 cm cách xa chừng 30-35 cm, di chuyển từ trước ra sau, và từ dưới lên trên với góc độ 30 độ. Trẻ em ở thế ngồi hay đứng, có người nâng đỡ.

Tiết mục 6 : Rung lúc lắc và di chuyển.

Tiết mục 7 : Đưa mặt mình và di chuyển.

Tiết mục 8 : Kêu tên, đứng bên trái hoặc bên mặt.

Tiết mục 9 : Vừa đưa mặt vừa nói chuyện và điệu bộ nhe lưỡi...

III. Khả năng tổ chức và xử dụng những tình trạng ý thức.

Tiết mục 10 : Chất lượng và thời gian của tình trạng thức tỉnh hoạt bát, chú ý.

Tiết mục 16 : Khả năng sử dụng sự dỗ dành của kẻ khác : khó hoặc dễ, lâu hoặc mau.

Phải làm gì để dỗ dành khi trẻ em khóc la. Mất bao lâu để trở về trạng thái bình lặng nhờ việc dỗ dành của kẻ khác.

Tiết mục 17 : Mức độ của tình trạng khóc la inh ỏi và khả năng tự động trở lại bình lặng, khả năng tự điều hợp : mất bao nhiêu thời gian ?

Tiết mục 18 : Tốc độ nhanh hoặc chậm khi trẻ em chuyển qua tình trạng khóc la inh ỏi.

Tiết mục 19 : Giai đoạn bực bội cau có, suốt thời gian khám nghiệm : Tình trạng 5 - Thức tỉnh náo động.

Tiết mục 24 : Số lượng những tình trạng ý thức đã diễn biến suốt thời gian khám nghiệm thế nào ?

Công việc khám nghiệm bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn thứ 1 : Trẻ em đang còn mê ngủ chúng ta còn giữ khoảng cách, khảo nghiệm từ ngoài.

Trẻ em ở thế nằm. Tình trạng ý thức số 1.

Giai đoạn thứ 2 : Chúng ta ẵm trẻ em ngồi lên để khảo sát các đề mục 5-9.

Trẻ em còn nửa ngủ nửa thức. Tình trạng 3.

Giai đoạn thứ 3 : Chúng ta bắt đầu từ từ cởi trần em bé và khảo sát cách thức da thịt đổi màu.

Giai đoạn thứ 4 : Chúng ta bắt đầu khảo sát những phản xạ, vận động của trẻ em trong nhiều tư thế khác nhau.

Trong giai đoạn 3 và 4, chúng ta ghi nhận những biến chuyển nơi trẻ em :

­ - Thời gian cần thiết để thức tỉnh.

­ - Chất lượng của tình trạng thức tỉnh.

­ - Khả năng chấp nhận và chịu đựng những loại kích thích khác nhau : ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ, những va chạm, những thế bồng bế.

Giai đoạn 5 : Giai đoạn phản kháng bằng tiếng khóc la, để bênh vực chủ quyền của mình.

Tuy dù phản kháng, khả năng tiếp xúc vẫn còn ? Chúng ta còn có thể thương lượng dỗ dành hay không ?

Và suốt thời gian được khám nghiệm, ngoài vấn đề “bị kích thích”, qua tất cả sáu giai đoạn trẻ em đã chủ động thế nào, đã diễn tả những gì : vui buồn, bực bội, mỉm cười, bú mút... Nói cách chung, trẻ em đã có những hành động nào, đã làm gì để khắc phục những khó khăn, trở ngại ?

Nói tóm lại, suốt thời gian khám nghiệm, trẻ em đã bộc lộ rõ nét nhân cách và cá tính của mình qua những khả năng sau đây :

­ - Khả năng thích nghi.

­ - Khả năng chịu đựng nghịch cảnh.

­ - Khả năng bộc lộ tình cảm, diễn tả ý thích.

­ - Khả năng khắc phục những khó khăn.

­ - Khả năng khước từ, phản kháng.

­ - Khả năng tự điều chế.

­ - Khả năng tiếp xúc, trao đổi với người khác.

Một trẻ em lành mạnh sẽ có khả năng đi qua từng giai đoạn, một cách xuôi thuận, êm đềm. Chúng ta một phần nào có thể dự phòng và tiên liệu sự diễn biến. Trái lại, những bùng nổ đột ngột hay là những ứ động cho ta thấy tình trạng vô tổ chức hay là thiếu tự chế.

IV. Khả năng vận động.

Tiết mục 11. Mức độ co giãn các cơ.

Tiết mục 12. Thể thức vận động : mạnh mẽ, dễ dàng ?

Tiết mục 13. Phản ứng của cánh tay, vai và đầu ở thế ngồi.

Tiết mục 14. Khả năng thu mình trong hai cánh tay của người lớn.

Tiết mục 15. Khả năng tự vệ (đưa tay lên mắt cất chướng ngại).

Trong khi khảo sát những tiết mục trước đây, chúng ta đã ghi nhận một vài vận động thiết thực nhưng thoáng qua và khó ghi nhận của trẻ em trong liếc nhìn và cách thế quay đầu theo dõi hay là ngoảnh mặt tránh né những kích thích bên ngoài.

Ở đây chúng ta đề cập đến vận động toàn diện của cơ thể, nhất là ở chân và tay. Để nắm vững tầm quan trọng và vai trò cơ bản của vận động trong toàn thể tiến trình tăng trưởng và phát triển của trẻ em, chúng ta cần khảo sát tỉ mỉ hai vấn đề : Trương lực của cơ và các phản xạ.

Nói đến Trương lực của cơ cũng như khi bàn đến Ngưỡng kích thích, chúng ta cần nghĩ đến một mức độ sẵn sàng, sắp sẵn hoặc để phản ứng, hoặc để vận động.

Các bắp cơ luôn luôn ở tình trạng chuẩn bị để co lại hoặc giãn ra; trong khi con người ở tình trạng nghỉ ngơi, không hoạt động. Chừng nào được kích thích, các bắp cơ sẽ sẵn sàng phản ứng co hoặc giãn tuỳ điều kiện và nhu cầu. Tình trạng phát triển bình thường của hệ thần kinh và sức khoẻ của cơ thể là tình trạng sẵn sàng. Trong địa hạt vận động, đó là tình trạng TRƯƠNG LỰC.

Trương lực bất cập xảy ra khi mức độ sẵn sàng ở dưới trung bình. Cho nên, khi cần phải hoạt động hoặc phản ứng tức khắc, bắp cơ thiếu điều kiện. Chính vì lý do đó, những trẻ em có tình trạng Trương lực bất cập gặp rất nhiều khó khăn trắc trở trong tất cả mọi hoạt động đòi hỏi chú ý và tập trung tư tưởng. Vấn đề tiếp thu, học tập, tiếp xúc, trao đổi xã hội cũng vì đó, bị ngưng trệ hoặc bế tắc. Đa số trẻ em có hội chứng Mongolisme (chứng suy thoái của sắc thể số 21) đều có ít nhiều những khó khăn này.

Không hiểu rõ như vậy, chúng ta có thể đề xuất những nhận xét hoàn toàn tiêu cực về tác phong và nhân cách của các em :

“Em A thích làm biếng

“Em B hay chọc ghẹo các em bên cạnh

“Em C thích nằm bẹp suốt ngày

“Em D hay lơ đãng”

Trương lực thái quá cũng là một chướng ngại lớn lao, rất khó khắc phục, trong vấn đề học tập, đặc biệt trong lãnh vực chú ý và thực hiện ý định.

Trường hợp trương lực bất cập tạo nên những trẻ em thiểu động, bất động.

Trái lại, trường hợp Trương lực thái quá tạo nên những trẻ em hiếu động, thường xuyên vùng vẫy. Như sóc chuyền cành, những trẻ em này nhảy từ việc này qua việc nọ và không bao giờ hoàn thành một công việc nào. Trong phòng học cũng như trong gia đình, trẻ em loại này thích bày biện lung tung, lộn xộn những vật dụng hoặc đồ chơi ở khắp cùng mọi nơi. Theo từ ngữ chuyên môn của K. Goldstein, đó là tác phong hốt hoảng, vô tổ chức, lăng xăng, hỗn độn. Những bộc lộ bên ngoài ấy phát xuất từ hai tình trạng :

Tình trạng tâm lý : nội tâm lo âu, khắc khoải, căng thẳng và xung đột.

Tình trạng thần kinh : não bộ bị chấn thương hoặc chấn động mạnh.

Song song với vấn đề TRƯƠNG LỰC CƠ, chúng ta còn phải khảo sát sự có mặt hay vắng mặt của một số phản xạ.

Sự vắng mặt của những phản xạ này trong sáu tháng đầu tiên là một triệu chứng đáng lo ngại về tình trạng nguyên vẹn của hệ thần kinh.

Sự có mặt, sau lứa tuổi từ 6 tháng trở lên cũng cần được lưu tâm một cách rất nghiêm túc, trong vấn đế tăng trưởng và phát triển.

Trước hết, phản xạ là gì ?

Phản xạ là những phản ứng tự động, tự nhiên của cơ thể, trong địa hạt vận động khi được kích thích.

Đây là một hình thức tổ chức của cuộc sống trong đó vấn đề sống còn là ưu tiên số một. “Trí thông minh” chưa có mặt. Hệ thần kinh trung ương não bộ chưa hoạt động. Phản xạ đã có mặt khi đứa bé còn ở trong bao thai. Một trong những chức năng của phản xạ là tạo điều kiện cần thiết và đầy đủ, để bào thai có thể di động và đi ra khỏi tử cung.

Cuộc sống sau khi đứa con sinh ra đòi hỏi những hình thức tổ chức càng ngày càng phức tạp và kiện toàn. Thể thức phản ứng đại loại, tự động, tức khắc dần dần nhường chỗ cho những suy tư, quyết định, chọn lựa, tiên liệu, phối hợp... của Trí thông minh. Nhờ hình thức tổ chức này, con người có khả năng trì hoãn những phản ứng của mình, để chọn lựa một giải pháp thích hợp với hoàn cảnh và môi trường chung quanh. Không có hệ thần kinh não bộ, con người sẽ không có khả năng tinh vi ấy.

Trong lứa tuổi từ 0 đến độ 6,7 tháng, Hệ Thần kinh còn tiếp tục tăng trưởng cho đến khi mọi đường dây được bao bọc bằng một lớp my-ê-lin. Vấn đề tổ chức và vấn đề chuyên môn phải đi đôi với nhau và liên hệ mật thiết vào nhau.

Sáu tháng đầu tiên của cuộc sống là một giai đoạn chuyển tiếp cần thiết trong cuộc sống của con người. Nhờ những phản xạ, đứa trẻ sơ sinh tiếp tục cuộc sống trong bao thai. Đồng thời, những phản xạ tạo điều kiện thuận lợi và cần thiết cho sự xuất hiện của Trí thông minh sau này. Trong ý hướng ấy, phản xạ không phải chỉ là một vết tích của một cơ cấu tổ chức đã lỗi thời. Phản xạ chuẩn bị Trí Thông minh. Không có phản xạ, Trí Thông minh không thể phát triển. Tuy nhiên, sau một thời gian nếu những phản xạ không biến hoá, để trở thành những hành động có mục đích và ý hướng, sự tồn đọng ấy là dấu hiệu báo động cho ta hay : có một điều gì trắc trở, bế tắc trong tiến trình tăng trưởng và phát triển.

1. Phản xạ co giãn ở cổ :

Đầu nghiêng về phía lưng (thế ngồi). Các bắp cơ giãn ra ở phía trước và rút lại ở phía lưng.

2. Phản xạ uốn cong toàn thân (vuốt lưng dọc theo xương sống).

3. Phản xạ Mo Ro còn gọi là phản xạ ôm choàng (kéo đầu lui sau hay vỗ mạnh vào đầu gối). Hai tay giăng ra và gấp lại thành vòng cung. Hai chân phóng ra trước.

4. Phản xạ bước đi tự động và phản xạ đứng lên đưa chân thẳng ra, khi hai chân đụng đến một mặt bằng.

5. Phản xạ bò sát (thế nằm trên bụng).

6. Phản xạ tự vệ (ở thế nằm, có tấm vải che mắt). Quay đầu trước sau hoặc hai bên và đưa tay lên mắt để cất đi một tấm vải nhẹ.

7. Phản xạ tìm vú mẹ (đào đất hay là rúc rỉa). Khi được thoa vuốt quanh miệng, trẻ em quay đầu bên này bên kia.

8. Phản xạ ợ hơi : Trước hoặc sau lúc bú, trẻ em ợ hơi để loại ra những chất nhờn cản trở đường hô hấp.

9. Phản xạ Babkin hay là đưa tay vào miệng (khi được thoa má hay là được cầm ngón tay của người lớn).

Như chúng ta đã nhấn mạnh nhiều lần, Trắc nghiệm NBAS nhằm khảo sát và phát hiện những vốn liếng sẵn có của trẻ em. Những phản xạ phải được xem là một trong những vốn liếng ấy.

Khi còn ở trong lòng mẹ, vốn liếng này chuẩn bị và tạo điều kiện để bào thai thoát ra khỏi lòng mẹ.

Sau ngày sinh, phản xạ tạo điều kiện để trẻ em vận động. Với thời gian, học tập và thực tập, vận động có qui mô tổ chức, mục đích và ý hướng.

Nếu tình trạng bị cứng đọng, sẽ không có kết quả là sự chuyển hoá. Nói cách khác, không có tiến tức là thối : Trẻ em đang có vấn đề trong lãnh vực học tập. Chúng ta cần sớm can thiệp.

Thể thức sử dụng

Để khảo sát những tiết mục này, bắt đầu từ tiết mục thứ 10, chúng ta đã cất hết mọi loại quần áo trên thân thể của trẻ em, và chúng ta bắt đầu phát hiện những phản xạ trên đây.

***

IV. Những hoạt động thích nghi.

Trong giai đoạn cuối cùng của trắc nghiệm, chúng ta khảo sát khả năng tự điều hướng, tự chế, thích nghi của trẻ em. Nói cách chung, nhờ những khả năng này, chúng ta đã tiên liệu và tiên đoán khả năng tự lập của trẻ em sau này vào lứa tuổi từ 7 hoặc 8 tháng trở lên, khi trẻ em bắt đầu biết đi và phải xa lìa mẹ trong một số hoàn cảnh.

Tiết mục 20. Thể loại và cường độ hoạt động suốt thời gian trắc nghiệm (thể thức trả lời, phản ứng).

Tiết mục 21. Rụt rè, run rẩy, sợ sệt suốt thời gian trắc nghiệm.

Tiết mục 22. Khuynh hướng giật mình.

Tiết mục 23. Thay đổi màu da.

Tiết mục 25. Những hoạt động do trẻ em tổ chức (tự dỗ dành) để trở về tình trạng tỉnh thức bình lặng.

Tiết mục 26. Đưa tay lên miệng.

Tiết mục 27. Mỉm cười bắt chước (thích ứng với hoàn cảnh).

Thể thức chấm điểm
Không có Kém Trung bình Tốt
0 điểm 1 điểm2 điểm 3 điểm
----
----
----
----
----
I. Phản ứng quen nhàm

1. Đèn, ánh sáng.

2. Lúc lắc, âm thanh.

3. Chuông.

4. Kim - que tăm, xúc giác.

II. Chú ý, tiếp xúc

5. Trái banh đỏ.

6. Lúc lắc.

7. Khuôn mặt.

8. Gọi tên.

9. Cử điệu, nét mặt, bắt chước.

III. Cách tổ chức các tình trạng

10. Thức tỉnh hoạt bát.

16. Chấp nhận sự dỗ dành.

17. Khóc la rõ rệt và trở về bình lặng.

18. Chuyển tiếp giữa các giai đoạn.

19. Giai đoạn tỉnh thức náo động (bực bội, cau có, phản đối).

24. Số lượng đầy đủ các giai đoạn.

IV. Khả năng vận động

11. Trương lực.

12. 13. 14. 15. ======> Phản xạ

VI. Mức độ hoạt động

20. Trong suốt 27 tiết mục,

trả lời rõ ràng.

21. Thái độ rụt rè.

22. Nhạy cảm, giật mình.

23. Thay đổi màu da.

25. Khả năng tự dỗ dành.

26. Đưa tay lên miệng (phối hợp).

27. Mỉm cười xã hội.

Sơ đồ khám nghiệm
Tốt - ----
Trung bình ------
Kém ------
- Lần ILần II Lần III Lần IV Lần V
-- Sau 5 ng sau 10 ng sau 20 ng sau 30 ng


BÍ CHÚ:

(1) - Phần 2 nầy bao gồm nhiều tin tức rất chuyên môn dành cho Bác sĩ và chuyên viên Tâm Lý. Người cha mẹ và độc giả không có chuyên môn có thể qua Phần 3.

(CÒN TIẾP )