Tài liệu “Cẩm Nang Dành Cho Các Cha Giải Tội Liên Quan Đến Vài Khía Cạnh Luân Lý Về Đời Sống Hôn Nhân” 1 mặc dù đã xuất hiện cách đây hơn 5 năm, nhưng cho đến nay vẫn được các chuyên gia nghiên cứu và thần học gia đem ra bàn luận và được xem như một tài liệu “hiếm có”. Ðược đánh giá cao cả về nội dung thần học lẫn phương diện mục vụ. Tài liệu này không chỉ bàn về khía cạnh luân lý trong đời sống hôn nhân gia đình, nhưng còn đưa ra những hướng dẫn cụ thể nhằm giúp các linh mục trong việc cử hành bí tích hòa giải cho các đôi vợ chồng, vì một lý do nào đó, đang sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo.



Tài liệu tuy ngắn gọn nhưng thật súc tích (vỏn vẹn chỉ có gần 10 trang giấy khổ A4, nếu tính luôn cả phần ghi chú thì tất cả là 19 trang) và bao gồm nhiều hướng dẫn thực tiễn về mục vụ. Trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu lên vài suy tư và nhận xét cá nhân về những ưu và khuyết điểm, liên quan đến tài liệu nói trên.



I) MỘT VÀI NHẬN XÉT KHÁCH QUAN



Về bố cục, tài liệu được bố trí rất chặt chẽ và ăn khớp với nhau.

Trước tiên, phần giới thiệu giải thích vắn gọn lý do và nhu cầu khẩn thiết cho việc soạn thảo tài liệu. Ðiều này bắt nguồn từ sự nhạy cảm và quan tâm lo lắng của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đối với đời sống hôn nhân gia đình, 2 đứng trước những trào lưu và chủ thuyết hiện nay đang tìm thay đổi các giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống hôn nhân. Ðó chính là những nguy cơ đang đe dọa hạnh phúc của mái ấm gia đình.

Kế đến là mục đích của văn kiện

Bàn đến sự thanh sạch trong đời sống hôn nhân3 theo học thuyết của Giáo Hội Công Giáo

Những thiện ích của hôn nhân và sự tận hiến bản thân cho nhau.



Sau khi đã bàn thảo một cách chi tiết và mạch lạc về những điểm trên, Ðức Hồng Y Alfonso López Trujillo - chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Gia Ðình - đã dành phần còn lại của văn kiện để đưa ra những hướng dẫn hết sức cụ thể cho các linh mục khi cử hành bí tích hoà giải. Vì thế, phần này được gọi là “cẩm nang” 4 dành cho các cha giải tội, đặc biệt khi các ngài tiếp xúc với các hối nhân mà hiện nay, vì một lý do nào đó, họ đang sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, là điều mà giáo huấn của Giáo Hội đã không cho phép. 5



Trong phần này, văn kiện đã khai triển cách sâu sắc các chi tiết sau đây:

Ý nghĩa về sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân;

Trình bày giáo huấn của Giáo Hội 6 về việc sinh sản có trách nhiệm;

Và sau cùng là phần hướng dẫn mục vụ cho các cha giải tội.



Sau khi đã điểm qua bố cục của văn kiện, giờ đây tôi mạn phép được chia sẻ một vài ý kiến và nhận xét cá nhân.



II. VÀI SUY TƯ CÁ NHÂN



Trước tiên, công tâm mà nói, tôi rất thích thú và say mê khi đọc văn kiện trên, vì qua đó tôi cảm nhận được sự quan tâm đích thực của Giáo Hội đang trong chiều hướng cố gắng tìm cách giải tỏa những vấn đề nan giải, hầu có thể đáp ứng phần nào những ưu tư lo lắng của những đôi vợ chồng, vì những khó khăn riêng tư hoặc khách quan đến từ nhiều phía trong cuộc sống, họ đã phải quyết định chọn lựa phương pháp ngừa thai nhân tạo như giải pháp sau cùng, 7 để có thể kế hoạch hoá gia đình. 8

Dưới cái nhìn của lề luật thì họ là những cặp vợ chồng đang sống trong “tội lỗi”, vì đã dám “phá rào” và đi nghịch lại với giáo huấn chính thức của Hội Thánh, vì theo cách nói của thông điệp Humanae Vitae (HV: Sự Sống Con Người) thì không thể có sự thay đổi trong lập trường của Giáo Hội về việc cho phép sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo (x. HV, số 6). Thông điệp Humanae Vitae đã đưa ra những luận chứng cơ bản như sau: “Mọi và từng hành vi trong việc giao hợp phải mở ngõ cho sự truyền sinh (x. HV, số 11), vì Thiên Chúa đã muốn “sự nối kết không thể phân chia… giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng, đó chính là: ý nghĩa phối hợp yêu thương và ý nghĩa sinh sản.” Nhờ sự kết giao thân mật, hành vi ái ân của vợ chồng, trong khi một mặt tạo nên sự hiệp nhất giữa hai vợ chồng lại với nhau, mặt khác tạo cho họ có khả năng thông ban sự sống mới, thể theo những định luật được ghi khắc trong tận cơ thể của người nam và ngươì nữ (x. HV, số 12). Do đó, việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo trong việc ái ân giữa vợ chồng với nhau, với mục đích và chủ ý nhằm ngăn chặn việc truyền sinh thì được coi là hành vi “xấu tự bản chất” 9 (x. HV, số 14), và không bao giờ hợp pháp xét về mặt luân lý, cho những cặp vợ chồng, một khi giao hợp vơí nhau mà đồng thời lại chủ tâm có ý muốn ngặn chặn khả năng truyền sinh của hành vi này (x. HV, số 16).

Nói cách vắn gọn, Giáo huấn của Giáo Hội không chấp nhận việc vợ chồng sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo với mục đích để kế hoạch hoá gia đình. 10

Tuy nhiên, sau khi đã nhấn mạnh và làm sáng tỏ tính chất bất xứng-hợp về mặt luân lý của những phương thức ngừa thai nhân tạo trong cách nhìn của Giáo Hội. Hội Ðồng Tòa Thánh về Gia Ðình đã mở ra một “lối thoát” cho những cặp vợ chồng mà hiện nay đang sống trong tình trạng “thiếu ân sủng”, 11 bằng việc khuyến khích các cặp vợ chồng ấy nên chạy đến với bí tích hoà giải, để được đón nhận ơn tha thứ và để múc lấy những ân huệ cần thiết cho đời sống Kitô-hữu. Vì lẽ đó, Hội Ðồng Tòa Thánh về Gia Ðình đã chỉ thị và hướng dẫn một cách hết sức rõ rệt cho các cha giải tội như sau:

“Việc các tín hữu thường xuyên tái phạm sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, chính điều đó tự nó không thể là lý do chính yếu để các cha giải tội từ chối không ban ơn xá giải cho các hối nhân.” 12



Như để tránh việc ngộ nhận và hiểu lầm ý tưởng đã được diễn đạt như trên, liền sau đó khoảng thêm mấy đoạn, văn kiện lại xác định thêm một lần nữa cho chắc chắn:

“Các cha giải tội không được phép từ chối việc ban ơn xá giải cho các hối nhân, ngay cả khi đã phạm ‘trọng tội’ nghịch lại với đức thanh sạch trong đời sống hôn nhân, 13 họ bày tỏ ước muốn đón nhận bí tích hòa giải và hứa sẽ lánh xa dịp tội, cũng như nhất quyết sẽ không phạm tội nữa, mặc dầu khả năng tái phạm vẫn là khả thể.” 14



Sau khi đã khẳng định như thế, văn kiện đã “thòng” thêm một câu, nhằm để tránh những tình trạng “lạm dụng” có thể xảy ra bằng cách nhấn mạnh như sau: “Việc trao ban ơn tha thứ không thể diễn tiến, nếu hối nhân không bày tỏ thực sự tấm lòng ăn năn sám hối và quyết tâm sẽ không xa vào chước cám dỗ nữa.” 15

Nói tóm lại, theo sự chỉ dẫn của Hội Ðồng Tòa Thánh về Gia Ðình qua tài liệu: “Cẩm nang dành cho các cha giải tội” thì các linh mục không được phép từ chối việc ban ơn tha tội cho các cặp vợ chồng, nếu như họ đã bày tỏ tấm lòng ăn năm sám hối và khao khát được đón nhận bí tích hòa giải, dẫu khi biết rằng họ có thể tái phạm liền sau đó.



Ðể đi kết luận, tôi rất hài lòng về nội dung và cách thức diễn tả trong văn kiện, ngay cả mặt cách sử dụng từ-ngữ. Tôi có cảm tưởng rằng: Hội Ðồng Tòa Thánh về Gia Ðình khi soạn thảo văn kiện trên đã rất thận trọng tránh đi những “từ” mang tính chất “cáo trạng” hay “buộc tội” hoặc sử dụng một lối nói thiếu “mềm mỏng” vắng bóng sự khoan dung. Trái lại, trong văn kiện này, người đọc có thể hình dung và cảm nhận được tấm lòng đầy trắc ẩn và xót thương, đó là cái nét son mà ít khi ta đọc thấy trong các tài liệu tương tự như vậy. 16 Và chính điều này đã làm cho các thần học gia luân lý nói riêng và các bậc chủ chăn nói chung, đánh giá tích cực về nội dung của văn kiện.

Chỉ có một điều tôi cảm thấy hơi tiếc, là văn kiện đã không đụng chạm hay đề cập gì đến cách thức ngừa thai nhân tạo bằng việc sử dụng “bao cao su”, ở đây không nhằm mục đích để tránh thai hoặc như phương tiện nhằm kế hoạch hoá gia đình, mà như một phương thế để ngăn ngừa việc truyền nhiễm của bệnh A.I.D.S 17 (tiếng Việt gọi là ‘bệnh liệt kháng’ hay còn gọi là bệnh ‘Sida’), với chủ ý duy nhất là để tránh gây thương vong cho người bạn phối ngẫu của mình. Vì hiện nay, một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước ở Phi Châu, và ngay cả tại Việt Nam, quê hương đất nước thân yêu của chúng ta đang bị chứng bệnh liệt kháng hoành hành, và con số tử vong mỗi ngày một gia tăng. 18

Gần đây trên tờ báo L’Osservatore Romano (báo Quan Sát Viên Roma), phát hành ngày 19 tháng 4 năm 2000, đã đăng tải bài viết của Giám mục Jacques Suaudeau (thành viên của Hôị Ðồng Tòa Thánh về Gia Ðình) với tựa đề: “Prophylatics or Family Values? Stopping the Spread of HIV/AIDS.” 19 Bài viết này đã trở thành một đề tài hấp dẫn cho việc bình luận, phân tích và suy tư của một số thần học gia. Ðồng thời, ngang qua đó, người ta cũng thấy xuất hiện các quan điểm khác nhau giữa các nhà luân lý. Tôi xin hân hạnh giới thiệu với quí vị đọc giả hai bài tiểu luận sau đây, liên quan trực tiếp đến vấn đề trên:

Jon D. Fuller và James Keenan, S.J., “Tolerant Signals: The Vatican’s New Insights on Condoms for H.I.V. Prevention,” trong tuần báo AMERICA, số ra ngày 23 tháng 9 năm 2000. Quí vị có thể download từ Website http://www.americapress.org/articles/fuller-keenan.htm

“Sign of the Time,” AMERICA, số ra ngày 7 tháng 10 năm 2000.



Ý tưởng cuối cùng đến với tôi đó là, qua tài liệu vắn gọn này, Giáo Hội đã phản ánh được phần nào lòng xót thương của Thiên Chúa đối với đoàn dân của Ngài. Giáo Hội tự nhận mình là dấu chỉ và là Bí Tích Tình Yêu của Thiên Chúa, Ðấng “không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi” (Mc 2, 17). 20 Ước chi các giáo hữu hôm nay luôn tìm thấy nơi người Mẹ Giáo Hội, tấm lòng nhân hậu và cái nét khoan dung, đặc biệt qua các vị đại diện của Hội Thánh. 21



Alphonsisan Academy - Roma, chủ nhật 17 tháng 11 năm 2002.

Linh mục: Phêrô Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R



1 . Tài liệu này do Hội đồng Tòa Thánh về Gia Ðình phổ biến ngày 12 tháng 2 năm 1997, gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong bài viết này, tôi sẽ sử dụng bản văn bằng tiếng Anh: “Vade mecum for Confessors Concerning Some Aspects of the Morality of Conjugal Life.” Xuất bản do Daughters of St. Paul. (Boston, MA: Pauline Books & Media, 1997). Quí vị cũng có thể vào internet để lấy xuống (download) tại http://www.cin.org/vatcong/vademec.html.

Riêng bản văn bằng tiếng Pháp thì lấy xuống ở địa chỉ sau đây: http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/family/documents/rc_pc_family_doc_12021997_vademecum_fr.html

2 . Ð.T.C. Gioan Phaolô II, nhân dịp viếng thăm Mễ Tây Cơ (Mexico) tháng 5 năm 1990 đã bày tỏ mối quan tâm và e ngại của ngài về gia đình như sau: “tình yêu trong thế giới ngày nay đang bị đe dọa bằng nhiều cách và tình yêu gia đình đang bị lu mờ dần dần.”

3 . Hay còn có thể hiểu là sự khiết tịnh trong đời sống vợ chồng.

4 . Từ “Vade mecum” mà tôi tạm dịch là “cẩm nang”, được xuất phát từ tiếng La Tinh, sau đó vào năm 1629 đã du nhập vào tiếng Anh và có nghĩa: 1) A book for ready reference - Manual; 2) Something regularly carried about by a person. Trích trong Từ Ðiển, Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary. (Springfield, USA: Merriam-Webster Inc., Publishers, 1983).

5 . Xem thông điệp của Ð.T.C. Pius IX, Casti Connubii, ban hành ngày 31 tháng 13 năm 1930; cũng như Ð.T.C Phaolô VI, Humanae Vitae, ngày 25 tháng 7 năm 1968. Tiện đây, tôi xin mạn phép làm sáng tỏ bối cảnh và lý do tại sao lại có thông điệp Casti Connubii. Vào năm 1930 Hội đồng Giám Mục Anh Giáo họp tại Lambeth đã dè dặt thừa nhận cho phép ngừa thai đối với các cặp vợ chồng theo đạo Anh Giáo. Theo nghị quyết tháng 8 năm đó, các Giám Mục Anh Giáo đã đồng ý bãi bỏ luật cấm chỉ tuyệt đối việc ngừa thai nhân tạo, tuy nhiên, các ngài đã kêu gọi đến sự nhạy cảm của các tín hũu vốn hằng biết tự chủ đúng mực trong quan hệ tình dục của mình, bằng cách khuyên nhủ các tín hữu như sau: bổn phận luân lý trong việc hạn chế số con sẽ được sinh ra, hầu có thể có đầy đủ khả năng - tinh thần cũng như vật chất - để nuôi nấng và giáo dục con cái cho tốt đẹp. Cho nên cách thức ngừa thai tiên thiên và hiển nhiên đó là kiêng cữ hoàn toàn việc giao hợp (bao lâu còn thấy cần thiết), trong cuộc sống tự chủ và có kỷ luật được Thần Khí Chúa thúc đẩy. Tuy nhiên, trong những trường hợp cảm thấy cần có bổn phận luân lý phải hạn chế hay tránh mang thai, và khi có lý do tương xứng và đủ, có thể chấp nhận được về mặt luân lý nhằm tránh sự kiêng cữ hoàn toàn, Hội Ðồng Giám Mục Anh Giáo cho phép sử dụng những phương pháp ngừa thai khác, miễn sao phù hợp và tương xứng với những nguyên tắc thuộc đạo lý Chúa Kitô. Hội đồng Giám Mục Anh Giáo đồng thời cũng lên án gắt gao việc sử dụng bất cứ các phương pháp ngừa thai nào, chỉ nhằm đến những mục tiêu vị kỷ, thỏa mãn thú vui xác thịt, hay những đòi hỏi tương tự như thế.

Ðể phản ứng laị giáo huấn vừa mới được sửa đổi của Giáo Hội Anh Giáo, Ðức Giáo Hoàng Piô XI, vào tháng 12 năm 1930 đã cho phổ biến thông điệp Casti Connubii, nội dung thông điệp xác định lập trường không thay đổi của Giáo Hôị Công Giáo về vấn đề ngừa thai. Muốn biết thêm chi tiết, xin quí vị xem bài viết của Linh mục Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R., Ngừa Thai - Phần I. Tại website: http://vietcatholic.net/news/data/9083.htm

6 . Từ “Giáo Hội” ở đây, ý chỉ Giáo Hội Công Giáo La Mã.

7 . Ðiều này có ý ám chỉ là họ đã thành tâm cố gắng áp dụng các phương pháp ngừa thai tự nhiên được Giáo Hội khuyến khích, nhưng đã không đạt được hiệu quả mong muốn.

8 . Ðể hiểu thêm về vấn đề này, xin quí vị vui lòng tham khảo bài viết của linh mục Trần Mạnh Hùng, NGỪA THAI - PHẦN III: Việc Ðánh Giá Luân Lý Những Phương Pháp Ngừa Thai Nhân Tạo. Phổ biến trên http://vietcatholic.net/news/data/10973.htm



9 . Từ này trong tiếng La Tinh gọi là “Intrinsece Malum”, nghĩa là “các hành vi ấy, chúng luôn luôn xấu tự thân, nói một cách khác, do bởi chính đối tượng của chúng, và không lệ thuộc vào ý hướng của tác nhân và hoàn cảnh. Xem Ð.T.C. Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor ( thông điệp Ánh Rạng Ngời của Chân Lý), ban hành ngày 6 tháng 8 năm 1993, số 80.

10 . Quí vị nào muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này, xin tham khảo bài viết sau đây: “Những Phương Pháp Ngừa Thai Tự Nhiên và Nhân Tạo.” Ðăng trên http://vietcatholic.net/news/data/11833.htm



11 . Lý do đơn giản vì đã áp dụng những phương pháp kế hoạch hoá gia đình, mà không được sự chuẩn nhận của Giáo Hội. Vì lẽ đó, mang mặc cảm tội lỗi, họ không thường xuyên đón nhận bí tích thánh thể là nguồn trợ lực và cũng là kho tàng, nơi mà họ có thể múc lấy mọi ân sủng.

12 . Xem Pontifical Council for the Family, “Vademecum for Confessors Concerning Some Aspects of the Morality of Conjugal Life.” (Boston, MA: Pauline Books & Media, 1997), số 3, điều 5 ở trang 25.

13 . Từ được sử dụng trong bản văn bằng tiếng Anh ghi rõ như sau: “Sacramental absolution is not to be denied to those, who, repentant after having gravely sinned against conjugal chastity, demonstrate the desire to strive to abstain from sinning again, notwithstanding relapses”. Xem Pontifical Council for the Family, “Vademecum for Confessors Concerning Some Aspects of the Morality of Conjugal Life.” (Boston, MA: Pauline Books & Media, 1997), trang 28. Theo sự hiểu biết của cá nhân tôi, thì ý nghĩa của cụm từ “conjugal chastity” được xuất phát từ thông điệp của Ð.T.C Piô IX, Casti Connubii, ban hành ngày 31 tháng 13 năm 1930, chuyển sang tiếng Anh là conjugal chastity như bản văn đã sử dụng, cho nên khi nói về “tội” phạm đến đến đức thạnh sạch trong đời sống hôn nhân, Ð.T.C Piô IX, có ý ám chỉ đến sự việc các vợ chồng đã không chịu áp dụng phương pháp tiết dục định kỳ hoặc các phương thức kế hoạch hoá gia đình theo cách tự nhiên, mà ngược lại họ đã sử dụng một lối ngừa thai nhân tạo.

Cho nên, đứng về phương diện Giáo Hội qua những văn kiện đã ban hành, thì vợ chồng cần phải biết tự chủ lấy chính mình, cần phải biết kiềm chế bản thân, nhất là những đòi hỏi về vấn đề tình dục, nếu như họ muốn thành công trong việc kế hoạch hoá gia đình, hầu có được số con như họ đã hoạch định, để cho công việc giáo dục và nuôi nấng chúng được nên tốt đẹp và hoàn hảo, thể theo như những gì mà Giáo Hội thường hay nhắc nhở, đặc biệt trong văn kiện của Công Ðồng Vaticanô II, Gaudium et Spes - Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 48 và 50. Trong đó, Công Ðồng đã nhấn mạnh đến bổn phận và trọng trách của bậc làm cha mẹ trong việc sinh sản và giáo dục con cái với đầy đủ trách nhiệm trong tư cách con người và Kitô-hữu. Vợ chồng cần phải quan tâm đúng mức đến cả hạnh phúc riêng tư của họ lẫn con cái, những đứa con đã được sinh ra và cả những đứa sắp sinh. Vì lẽ đó, Công Ðồng đã khẳng định: “Bậc làm cha mẹ có trách nhiệm cần phải dự trù các điều kiện cả vật chất lẫn tinh thần về số con cũng như hoàn cảnh sống của chúng. Do vậy khi quyết định có đông con, họ nên khôn ngoan bàn thảo với nhau trước.”

Nhưng tiếc thay, hầu hết các vị soạn thảo ra các văn kiện này đều là các bậc tu trì trọn lành, họ sống đời sống khiết tịnh, nên việc tiết dục trường kỳ là chuyện đương nhiên, vì đã được công bố rõ rệt: linh mục Công Giáo sẽ không được phép lập gia đình. Do vậy, chuyện “kiêng cữ” đối với các đấng không phải là điều quá khó khăn cần nhiều nổ lực và ý chí để có thể vượt qua, khi bản thân họ không hề lập gia đình và do đó, họ cũng chẳng hề kinh qua những khó khăn thực tế trong đời sống vợ chồng.

14 . Sđd., số 3, điều 11 ở trang 28.

15 . Sđd., số 3, điều 5 ở trang 25.

16 . Ðể có sự so sánh, mời quí vị đọc tài liệu mới nhất: “Tông Thư Tự Sắc của Ðức Thánh Cha về Bí Tích Giải Tội.” Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Ðặng Minh An, phổ biến trên Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu , số 236, tháng 6 năm 2002, trang 39-42. Bản Anh Ngữ với tựa đề: “Apostolic Letter in The Form of Motu Proprio, Misericordia Dei: On Certain Aspects of the Celebration of the Sacrament of Penance.” Quí vị có thể lấy xuống tại: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/motu_proprio/documents/hf_jp-ii_motu-proprio_20020502_misericordia-dei_en.html



17 . Từ này được viết tắt bởi chữ: Acquired Immune Deficiency Syndrome.

18 . Mời quí vị đọc bài viết của Linh mục Ðinh Thanh Bình, SDB., “Ở Nơi Chúa Cũng Ngậm Ngùi.” Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu, số 94, tháng 8 năm 2002, trang 53-55. Bài viết của cha Bình mô tả một tình trạng đầy thương tâm nơi các bệnh nhân mắc phải chứng bệnh liệt kháng, vô phương bất trị . Họ đau đớn không những chỉ trên thân xác và còn về mặt tinh thần,. Họ bị xã hội ruồng bỏ không thèm đoái hoài hay màng tới. Thật đau lòng thay cho đất nước của chúng ta. Ôi quê hương sao vẫn cứ đọa đày!

19 . Xin được tạm dịch là “Bao cao su hay những giá trị về gia đình? Chấm dứt việc lan truyền HIV/AIDS.” Từ HIV viết tắt bởi chữ “Human Immunodeficiency Virus”. Ðược coi là chứng bệnh thiếu vi khuẩn kháng liệt tố trong cơ thể.

20 . Xem Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II, “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội - Lumen Gentium.”

21 . Vì những “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo (và tội lỗi) và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng , ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ (tức là các vị chủ chăn của Giáo Hội). Trích Công Ðồng Chung Vaticanô II, “Gaudium et Spes - Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay.” Xem Phần “Lời mở đầu.”