NHỮNG LUỒNG GIÓ MỚI (tiếp theo)



“Đất nước ta giàu và đẹp”. Người dân Việt hãnh diện như vậy. Không ít người nước ngoài công nhận như vậy. Điều đó mang ý nghĩa rằng đất nước ta đâu có nghèo để Nhà Nước phải lấy một chút đất quanh các khu vực tôn giáo để chia hay bán cho dân làm nhà. Điều đó cũng có nghĩa rằng những khu vực tôn giáo được, hay bị, bao quanh kín mít bởi những nhà cửa không trật tự lắm chỉ làm xấu đất nước đi thôi, xấu cả về nhãn quan lẫn yếu tố chính trị.

Mặt khác, NNVN đang làm đúng khi biết khai thác cái đẹp của đất nước cho một nền ‘kỹ nghệ không có khói’ để góp phần vào việc phát triển kinh tế lâu dài. Quả thực, nền kỹ nghệ này không cần nhiều những trang thiết bị mà chủ yếu chỉ cần những nụ cười, mà dân Việt có tiếng là ‘đẹp người’ thì đâu có thiếu những nụ cười. Hơn nữa, cái đẹp ‘toàn diện’ của một đất nước có thể được nhận biết trên khuôn mặt rạng rỡ, vui tươi, luôn nở một nụ cười của mọi người dân nước đó. Dân tộc Việt vốn nổi tiếng là hào hùng, nhân hậu, thông minh, cần cù… thì đâu có khó để thực hiện được ‘cái đẹp’ đó.

Trở lại với vấn đề tranh chấp đất đai ở khu hành hương La Vang, tôi nghĩ rằng NNVN nên thực tế hơn khi xét đến những lợi ích mà tôi đã trình bày do việc trả lại đất mang lại. Khu hành hương La Vang quả thực có tiềm năng lớn lao trở thành một trong những khu du lịch thu hút nhất. Chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng Quảng Trị là một trong những miền đất khô cằn nhất của đất nước thì đây chính là việc làm thích hợp để làm tươi mát địa phương này, làm phát triển địa phương này, và góp phần làm giàu không những địa phương này mà cho cả nước. Tôi không mơ mộng nhưng chúng ta có thể thấy được một khu Hành hương La Vang hoành tráng có thể được thực hiện. Với một phương án rõ ràng, thực tế, việc quyên góp chắc chắn không gặp khó khăn.

Với những ý kiến tôi vừa trình bày, tôi đã có thể trả lời một vài bạn bè khi họ cho rằng lại ‘hoành tráng làm gì nữa, thay vì dùng tiền bạc xây phòng khám bệnh, giúp đỡ những người cần được giúp đỡ…’. Tôi tin rằng cái hoành tráng ở đây không mang tính phí phạm, xa xỉ mà, ngược lại, mang tính lợi ích lâu dài, cả về mặt Đạo lẫn mặt Đời. Về mặt Đời, khách du lịch, khách hành hương khi đổ về La Vang đương nhiên sẽ rộng rãi tiêu tiền cho những chi phí, những mua sắm, và về mặt Đạo, chắc chắn sẽ có những ‘dâng cúng’ và rồi sự dâng cúng đó sẽ được dùng vào những mục đích từ thiện lâu dài.

Cố đô Huế của chúng ta đã được Liên Hiệp Quốc xếp vào hàng di sản của thế giới. Do đó, Cố đô Huế đã và đang thu hút nhiều khách du lịch không những người nước ngoài, mà còn chính những người Việt bởi vì nhiều người Việt, trong nước cũng như Việt kiều, vẫn chưa có dịp đến thăm miền Sông Hương, Núi Ngự này. Khi viếng thăm Huế thì còn gì đẹp hơn nếu đi thêm ít chục cây số về hướng Bắc, du khách có thể thưởng ngọan thêm khu Hành hương La Vang. Tương tự như vậy, nếu những giáo dân đến để hành hương La Vang thì có phần chắc họ sẽ đi thêm vài chục cây số về hướng Nam để thưởng ngoạn Cố đô Huế. Bổ túc cho nhau, hỗ trợ nhau, Cố đô Huế và một khu Hành hương La Vang hoành tráng trong tương lai không xa, chắc chắn sẽ mang lại nguồn lợi nhiều mặt cho đất nước, cho địa phương, giúp giải quyết nhu cầu tinh thần của giáo dân Việt, cũng như giúp GHCGVN góp phần mình vào việc phát triển của đất nước.

Tôi xin được mạn phép góp ý rằng GHCGVN nên soạn ra một phương án cụ thể càng sớm càng tốt để xây dựng khu Hành hương La Vang trong lúc chờ đợi NNVN trả lại đất. Tôi nghĩ rằng dù trong một bối cảnh xấu nhất, nghĩa là Nhà Nước vẫn còn tính toán, chưa chịu trả đất, GHCGVN vẫn có thể đưa ra một phương án xây dựng khu Hành hương La Vang với điều kiện hiện tại, để rồi Nhà Nước sẽ thấy được những lợi ích lớn hơn nếu khu Hành hương được xây dựng bề thế hơn, và rồi đất sẽ được trả lại.

Tới đây, tôi xin mạn phép góp ý về một sự kiện lớn lao hơn. Có thể những ý kiến của tôi đã được nghĩ đến, đã được áp dụng, nhưng dù sao thì tôi cũng xin được trình bày nơi đây. Đó là vấn đề đối thoại giữa NNVN và GHCGVN.

Khi được LM Trần Công Nghị phỏng vấn, ĐTGM Ngô Quang Kiệt đã phát biểu rằng ‘trong đối thoại cần phải có sự tương kính’. Tôi xin được góp ý rằng đó là điều kiện cần phải có nhưng chưa đủ. Nếu trong đối thoại mà có thêm yếu tố ‘thân mật’ thì dễ dàng mang lại kết quả hơn. Một điểm khác là đối thoại nhiều khi chỉ cần ở cấp thấp nhất, cấp địa phương, vì ở cấp địa phương thì tôi tin rằng cái nghi thức tương kính có thể bị cái tình thân thiện lấn át, hay nói cách khác, không cần có nghi thức mà chỉ cần cái tình. Tôi cũng nghĩ rằng nếu mọi việc được giải quyết xuông sẻ ở cấp địa phương thì đâu cần phải lên tới cấp cao, nhiều lắm chỉ là những báo cáo của địa phương mà thôi mà trong báo cáo đó đã có những thiện cảm rồi. Vậy làm sao chúng ta có thể tạo được cái thân mật đó, cái thiện cảm đó?

Quả thực, tôi không rõ GHCGVN đã đối thoại với NNVN như thế nào, nhưng nếu do chính các đấng bậc trong GH phụ trách thì tôi nghĩ rằng khó có cái ‘thân mật’ mà chỉ có những nghi thức, những luật lệ, những nguyên tắc…. Điều tôi muốn nói lên là GH nên dùng giáo dân trong vai trò đại diện để đối thoại, ít là ở cấp địa phương, vì tôi tin rằng dễ tạo được sự thân mật ở cấp địa phương và do đó, cấp địa phương có những tiếng nói có tính thuận lợi hơn cho chúng ta khi có những tranh chấp xảy ra và khi vấn đề phải lên tới cấp cao hơn.

Tôi xin phát biểu thêm ở đây với một sự ‘kính trọng’ chứ không hề có một ý phê bình hay phê phán gì cả. Từ ngàn xưa dân gian Việt đã có câu “Phép vua thua lệ làng”. Thời phong kiến còn như vậy, huống chi thời nay, khi mà ông Thủ tướng Nhà Nước cũng đã phải thốt lên “Trên bảo dưới không nghe”. Vậy thì rõ ràng là chúng ta phải sống với các ‘lệ làng’ nhiều hơn là với ‘phép vua’. Xét cho cùng, lệ làng chính là những luật lệ ‘bất thành văn’ đã được dân chúng địa phương công nhận và áp dụng từ thưở xa xưa. Ngày nay, cái lệ làng ấy chính là sự áp dụng luật pháp tùy tiện của chính quyền địa phương mà chính Thủ Tướng NNVN cũng đã xác nhận như trên và Chính quyền Trung ương cũng chưa có cách giải quyết thỏa đáng. Vậy thì trong hoàn cảnh này, chúng ta không thể đòi hỏi một Nhà Nước pháp quyền tuyệt đối, và rõ ràng là chúng ta phải tế nhị ứng xử với những cái ‘lệ’ của địa phương nhiều hơn là với những luật, những nguyên tắc của Trung ương. Một trong những điều tế nhị là chúng ta đừng nghĩ xấu về người đối thoại vì đó chính là không có sự tương kính. Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta phải có lo lót trong đối thoại. NNVN, chính quyền địa phương dư hiểu rằng GHCGVN chẳng có gì để lo lót. Và khi chúng ta cứ nghĩ rằng phải có lo lót khi đối thoại thì chính là chúng ta đã không có sự tương kính.

Tôi được nghe kể rằng ở một Giáo hạt nọ có vị Linh mục thường hay lui tới thăm viếng gia đình của các chức quyền địa phương, nhất là trong những dịp ‘hiếu, hỷ’. Ngài hiểu rõ gia đình họ và khi biết tin con cái họ học hành thi đậu, Ngài tới thăm, khen ngợi, và có chút quà cho các em. Đó đâu phải là ‘hối lộ’. Đó chỉ là những xã giao bình thường trong bất cứ xã hội nào. Sự thân mật được tạo ra từ những việc nho nhỏ như vậy. Một ngày nọ, Giáo hạt biết được chính quyền có ý định lấp cái ao trước nhà thờ để xây cao ốc. May thay, trong Giáo hạt có một giáo dân là bạn học của một chức quyền địa phương và giáo dân này đã góp phần tích cực trình bày với chính quyền địa phương sửa cái ao đó thành một công viên nho nhỏ thay vì lấp đi để xây cao ốc. Chính quyền đã đồng ý và hứa sẽ dành ngân khoản để sửa ao thành công viên. Không đợi chính quyền làm thủ tục cấp ngân khoản, Giáo hạt đã tự lo trồng cây và sửa cái ao thành công viên. Địa phương đẹp hơn. Giáo hạt đẹp hơn. Trong việc này, chắc chắn có cả sự góp phần của vị Linh mục.

Trong sự việc trên, nếu không giải quyết được ở cấp địa phương thì lại phải lên đến Trung ương, sự việc bé xé thành to, kết quả ra sao thì chưa biết, có điều biết chắc là có sự va chạm giữa Giáo hạt và chính quyền địa phương. Tôi chợt nghĩ đến câu nói của dân gian Việt “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Vậy nếu có miếng trầu thì mọi câu chuyện dường như sẽ dễ dàng được giải quyết. Nhưng các vị chức sắc trong Giáo hội đâu có ăn trầu và do đó, vai trò của giáo dân có thể đóng góp rất tích cực vì chỉ có giáo dân mới ăn trầu, và nên hay phải ăn trầu để những gúc mắc dễ được giải quyết hơn.

Tôi mạnh dạn nghĩ rằng ‘Miếng trầu là đầu câu chuyện’ chính là một luật ‘bất thành văn’ của mọi thời đại. Từ miếng trầu, chúng ta có thể biến các nguyên tắc thành cái tình. Tôi cũng nghĩ rằng ngoại trừ những trường hợp bắt buộc, không chức quyền nào, nhất là ở cấp thấp, thích thủ tục giấy tờ cả. Tôi nghĩ rằng nếu cứ theo đúng nguyên tắc, khi chúng ta cần một thứ giấy tờ nào đó, một thứ phép nào đó, không quan trọng lắm, mà chức quyền giải quyết không có mặt tại nhiệm sở thì đương nhiên chúng ta phải đợi. Nhưng nếu theo tình thì chúng ta có thể gọi điện thoại cầm tay để thông báo chức quyền giải quyết biết và chấp thuận miệng với một lời hứa của chúng ta là sẽ làm tốt.

Tôi cũng nghĩ rằng muốn làm luật thì Trung ương, Quốc hội phải dựa vào những thông tin của địa phương. Vậy nếu địa phương báo cáo tốt thì đương nhiên luật sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu, và ngược lại. Mặt khác, một luật được hình thành trong một bối cảnh nào đó, dù khắt khe đến đâu, mà địa phương thấy không cần thiết phải áp dụng vì mọi việc vốn đều xuông sẻ thì đâu có cần áp dụng.

Những điều tôi trình bày trên đây nếu được coi là hợp lý nhưng chưa hiện thực thì với tư cách là một giáo dân, tôi cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần thổi những luồng gió mới vào tâm hồn tất cả chúng ta để mọi người có liên hệ nhận ra việc phải làm để sớm mang lại hạnh phúc cho mọi người dân Việt.