NGUY CƠ TỰ BẾ (Nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi) (Tiếp theo và Hết)

LỜI NÓI CUỐI : YÊU THƯƠNG LÀ MỘT ĐỘNG TỪ

« Bất kỳ một câu hỏi nào được nêu lên, Yêu Thương là câu trả lời,

« Bất kỳ một vấn đề gì xuất hiện, Yêu Thương là câu trả lời,

« Bất kỳ một cơn bệnh nào đang đe dọa và hoành hành, Yêu Thương là câu trả lời,

« Bất kỳ một nỗi đớn đau nào đang tiến lại, Yêu Thương là câu trả lời,

« Bất kỳ một xúc động sợ hãi nào đang trào dâng, Yêu Thương là câu trả lời,

« Yêu Thương luôn luôn là câu trả lời, trong mọi tình hưống, vì chỉ có Yêu Thương là Tất Cả
».

Tôi xin mượn câu nói của tác giả G. G. JAMPOLSKY để kết thúc cuốn sách bàn về « Nguy Cơ Tự Bế ». Và câu nói ấy cũng có thể tóm gọn một cách khéo léo, tất cả mọi dự án can thiệp và dạy dỗ, mà tôi đã trình bày, từ trang đầu tiên đến đọan cuối cùng.

Thế nhưng, Thương Yêu có nghĩa là gì, trong toàn bộ tác phẩm nầy ?

Chắc hẳn, đó không phải là một ý niệm thuần đơn, hoàn toàn lý thuyết và trừu tượng. Đó cũng không phải là một câu nói ở đầu môi chót lưỡi mà thôi. Phải chăng đó chỉ là một « ý đồ », mà tôi muốn áp đặt cho kẻ khác, khi chính con người đích thực của tôi đang tràn đầy chất liệu bạo động và kết án, tố cáo và ức chế ?

Để cảm nghiệm trong từng tế bào và thớ thịt, thế nào là Thương Yêu, chúng ta hãy ngày ngày trở lại với cách làm của Tổ Tiên và Cha Ông : Thương Yêu là Trời có khả năng mang ánh sáng và hơi ấm cho con cái. Thương Yêu cũng là Đất, có khả năng ấp ủ và vun trồng tình người và tính người đang có mặt trong cõi lòng của trẻ em, mà chúng ta giáo dục và dạy dỗ. Chúng ta hãy làm Trời, để cho trẻ em sống lại chu kỳ hạnh phúc của mình, trong cuộc sống của bào thai. Chúng ta hãy làm Đất, để tạo an toàn tối đa cho trẻ em, khi chu kỳ Lo Sợ đang nổi sóng gió, bão bùng và tràn ngập nội tâm của trẻ em. Thương Yêu đích thực và trọn vẹn là một Động Từ, chứ không phải là một ý niệm thuần đơn, một nhãn hiệu khô cằn. Động từ trong Anh ngữ, Pháp ngữ, cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác, thay hình đổi dạng, tùy vào vị trí và thời gian, cũng như tùy vào cảm tình và ý định của mỗi chủ thể. Thương Yêu của chúng ta cũng có khả năng chuyển hóa giống như vậy, nếu Thương Yêu có mặt trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi của chúng ta với trẻ em. Cho dù trẻ em có nguy cơ tự bế, đến cấp độ nào chăng nữa, nếu nhận đủ liều luợng và chất lượng Thương Yêu của chúng ta, trẻ em sẽ chuyển hóa, trong chiều hướng thành người.

Chất lượng Thương Yêu có mã lực chuyển hóa, nếu Thương Yêu ấy không kết án, trừng phạt, đe dọa, cưỡng chế và loại trừ. Về mặt tích cực, Thương Yêu trước hết là XIN chứ không phải là đòi hỏi, đặt điều kiện. Thứ hai Thương Yêu là CHO, một cách hồn nhiên và hạnh phúc, những gì đang có mặt trong điều kiện thực tế và thực tại của chúng ta. Thứ ba, Thương Yêu là NHẬN những gì trẻ em đang cho, thuộc cây nhà lá vườn của mình. Thậm chí trong tình huống hiện tại, những quà tặng mà trẻ em mang đến cho chúng ta, đang chỉ là những bức họa nguệch ngoạc, những bộ mặt méo xèo hay là những triệu chứng đáng lo ngại. Trong lòng biển mặn bao la của Thương Yêu, mọi phế liệu sẽ dần dần được chuyển hóa, bằng cách này hay cách khác. Ngoài ra, quà tặng mà trẻ em mang đến, cũng có thể là những xúc động lo sợ, buồn phiền, tức giận, trầm cảm. Tuy nhiên, đằng sau những xúc động tê liệt và tiêu cực ấy, đang thấp thoáng những lời xin, những thú nhận : « Mẹ ơi, Ba ơi, con đang cần… nhưng con không biết con đang cần gì, con không biết gọi tên làm sao. Cách con nói là những tiếng thét la, những điệu bộ, những cử chỉ lắc qua lắc lại ».

Sau cùng Thương Yêu cũng có nghĩa là Từ Chối, nói Không, khi trẻ em có những hành vi bạo động, đập đánh, hủy hại, hoặc trên chính bản thân mình, hoặc trên một em bé khác. Theo lối nói của Steve BIDDULPH, Tình Thương Yêu vừa Cương, vừa Nhu. Vừa biết cho. Nhưng đồng thời, Tình Thương Yêu cũng là qui luật, giới hạn hay là cấu trúc, như lối nói thời trang thường được sử dụng, trong lãnh vực giáo dục và sư phạm đương đại.

Trong tinh thần và ý hướng ấy, nhằm kết thúc cuốn sách này, sau khi đã khẳng định lối nhìn của mình, tôi xin nghiêm cung và cẩn trọng lắng nghe lời dạy bảo của Tổ Tiên và Cha Ông, trong truyền thống Lạc Hồng :

« Con hãy lấy Hạnh của Đất mà sống :

Đất bị người người khạc nhổ, nhưng vẫn kết sinh hoa lợi cho người người ấm no.

« Con hãy lấy Hạnh của Nước mà sống :

Nước chấp nhận mang vào mình vết nhơ của bao nhiêu bàn tay, để đem về tẩy luyện trong lòng Biển Mặn.

« Con hãy lấy Hạnh của Khí mà sống :

Khí đi vào bên trong lòng mỗi người, để mang dưỡng sinh cho từng tế bào, từng hạt máu, không quên sót một ai.

« Con hãy lấy Hạnh của Trời mà sống :

Trời ở trên cao thật cao. Nhưng đồng thời, Trời ở dưới thấp thật thấp. Không có Trời, con không có chi hết. Nhưng chính Trời cũng không có chi hết. Trời trống không, để gọi mời con trở thành Diệu Hữu.

« Con hãy lấy Hạnh của Lữa mà sống :

Ai ấm áp cho bằng Lữa ? Nhưng ai khinh thường Lữa, tự khắc người ấy rước họa vào mình. Lữa không phải là Trời. Nhưng Lữa thay thế Trời, khi con ở trong đêm tối và trải qua những ngày đông lạnh lẽo.

« Con hãy lấy Hạnh của Đêm mà sống :

Nhờ đêm, một ngày mới bắt đầu trở lại, sau khi nhọc lụy được giấc mơ ủi an, ấp ủ và chuyển hóa. Nhờ Đêm, mắt con mới thấy được rằng : Tên con đã được viết sẵn bằng ánh sao lấp lánh, giữa Đại Duơng Ngân Hà của Vũ Trụ.

« Con hãy lấy Hạnh của Mẹ mà sống : Mẹ là người để cho con học thương và học ghét. Thương mà không bị mất mát và bó buộc. Ghét mà không sợ bị loại thải và bỏ rơi. Thương Mẹ, không phải vì Mẹ vô tì tích. Ghét Mẹ, không phải vì Mẹ là tinh yêu ma quái. Trong người Mẹ dễ thương, còn nhiều chỗ, để cho con học ghét. Trong người Mẹ dễ ghét, còn vô số điểm, để cho con học thương. Nhờ biết thương và biết ghét, con mới học được bài học làm người ».

Lausanne, Thụy Sĩ, Mùa Xuân, Tháng Hai 2006

SÁCH THAM KHẢO :

) Arone, Douglas M. - The Theorem - O Books 2005, Winchester UK

2) Sách của Schopler, Eric

- Profil Psycho-éducatif (PEP-R) - De Boeck et Larcier 1994, Bruxelles Belgique

- Stratégies éducatives de l’autisme - Masson, Paris 2002

- Activités d’enseignement pour enfants autistes - Masson, Paris 2001

- L’autisme - P.U. F. Paris 1991

3) Sách của Jonhson, Spencer

- Yes or No, the guide to better decisions - HarperCollins, New York 1993

- The one minute teacher - HarperCollins, London 2005

4) Sách về Hội Chứng Tự Bế:

- Amy, Marie-Dominique - Comment aider l’enfant autiste - Dunod, Paris 2004

- Aussilloux, Charles - Comment vivre avec une personne autiste - Ed. Josette Lyon, Paris 2005

- Barthelemy, Catherine - L’autisme de l’enfant – La thérapie d’échange et de développement - Expansion S.F. Paris 1995

- Golse, Bernard - Autisme, état des lieux et horizons - Érès, Paris 2005

- Fatherty, Catherine - Asperger, qu’est-ce c’est pour moi - AFD 2005

- Jordan, Rita - Les enfants autistes - Masson, Paris 1997

- Lenoir, Pascal - L’autisme et les troubles du développement psychologique - Masson, Paris 2003

- Nguyễn văn Thành – Trẻ em Tự bế - TN, Lausanne 2005

- Tardif, Carole - L’autisme - Armand Colin, Barcelone 2005

5) Sách về Tâm Vận Động :

- Aucouturier, Bernard - La méthode Aucouturier - De Boeck, Bruxelles 2005

- Defontaine, Joel - La Psychomotricité en bandes dessinées - Maloine, Paris 1979

- DE Lièvre, Bruno - La psychomotricité au service de l’enfant - De Boeck, Bruxelles 1993

- Gassier, Jacqueline - A guide to the Psycho-Motor Development of the Child - C.Livingstone, New York 1984

- Herren, H - La stimulation psychomotrice du nourrisson - Masson, Paris 1980

- Juhel, Jean-Charles - Favoriser le développement de l’enfant, Psychomotricité et Action éducative

- De Meur, A - Psychomotricité, éducation et rééducation - De Boeck, Bruxelles 1991

6) Sách về sư phạm và giáo dục :

- Bonnet, Yannik - Les neuf fondamentaux de l’éducation - Presses de La Renaissance, Paris 2002

- Biddulph, Steve - The secret of happy children - Thorsons, London 1984

- Bidduloh, Steveve - More secrets of happy children - Marlowe, New York 2003

- Froehlich, Andreas - La stimulation basale - I.L. Suisse 1987

- Mainardi, Michèle - Relation éducative et handicap mental - Ed. Secrétariat Suisse de Pédagogie Curative, Lucerne 1984