NGUY CƠ TỰ BẾ (Nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi) (Tiếp theo)

CHƯƠNG BỐN : THIẾT LẬP DỰ ÁN CAN THIỆP HAY LÀ DẠY DỖ

Sau khi khảo sát và xác định Mức Độ Phát Triển Hiện Tại của trẻ em, chúng ta chỉ mới phát hiện Điểm Khởi Hành, trong dự án can thiệp của chúng ta. Hẳn thực, với những kết quả thu lượm được, sau khi lượng giá, chúng ta nhận thức một cách cụ thể hiện tình của trẻ em: vào thời điểm nầy, các em đang có những năng động nào, cũng như những bị động ở đâu?

1.-NHỮNG CÂU HỎI CẦN NÊU LÊN

Ngoài ra, nhằm thiết lập một dự án can thiệp và dạy dỗ với tất cả mọi yếu tố cần thiết, chúng ta còn phải khảo sát thêm, một cách chi li, nhiều câu hỏi khác:

- Chúng ta đi đến đâu? Cùng đích mà chúng ta nhắm tới là gì, về mặt giá trị cũng như về mặt kết quả cụ thể?

- Chúng ta lên đường với những thuận lợi hay là những trở ngại nào? Năng động và bị động đang có mặt ở đâu?

- Con đường đi của chúng ta bao gồm những bước thực hiện như thế nào?

- Chúng ta sử dụng những phương tiện như học cụ, phòng ốc, trò chơi…như thế nào?

- Dựa vào những tiêu chuẩn nào, chúng ta biết chúng ta đạt được đích điểm?

- Động lực thúc đẩy chúng ta dấn thân, với tất cả lòng hăng say nhiệt tình cần thiết, bao gồm những xúc động tích cực nào?

- Ngoài những yếu tố thuộc lãnh vực tư duy và khoa học, chúng ta còn có hay không những điểm tựa khác : trực giác, xác tín hay là những đức tính làm người, như liêm chính, trung thực, tự trọng và tôn trọng kẻ khác, bắt đầu từ đứa con của chúng ta? Chúng ta sẽ làm gì khi nhận thấy chính mình thiếu Tự Tin, nghĩa là không tin có khả năng thành tựu chương trình do mình vạch ra và cố quyết thực hiện?

- Sau cùng, như trước đây tôi đã nêu lên vấn nạn, ích lợi gì, nếu tôi phải cư xử một cách tàn tệ, thiếu tính người và tình người, khi cưỡng bức và thúc ép con tôi PHẢI làm một đôi điều, phát âm một đôi tiếng, lặp lại một đôi từ?

2.- BẢY GIAI ĐOẠN :

Nhằm làm việc và gặt hái nhiều thành quả cụ thể, với mỗi trẻ em, trong nhiều cuốn sách được xuất bản trước đây, tôi đã đề nghị một sơ đồ « Thiết Lập Dự Án », gồm có 7 giai đoạn, như sau :

Giai đọan MỘT : Khảo sát thực tế cụ thể và khách quan do chính trẻ em trình bày, xuyên qua tác phong hằng ngày của mình.

- Tôi thấy gì ?

- Tôi nghe gì ?

- Môi trường hóa những dữ kiện hoặc tin tức : Ở đâu, khi nào, bao lâu, với ai, thế nào ?

- Đề phòng một cách rất nghiêm chỉnh 3 xu thế, khi chúng ta mô tả hành vi của trẻ em: 1.-Tổng quát hóa quá khích, 2.-Bóp méo hay là xuyên tạc, 3.- chủ quan hóa hay là phát biểu một chiều, vì khổ đau và trầm cảm.

Giai đoạn HAI : Khám phá những yếu tố NĂNG ĐỘNG, nghĩa là những sự kiện tích cực, nhằm củng cố và tăng cường, nhất là bằng lời nói và thái độ « khen thưởng » hay là sử dụng phưong thức « PHẢN HỒI » một cách khoa học.

Ở đây, chúng ta cũng cần sử dụng Kỹ thuật môi trường hóa, vừa được nói tới trên đây, để khảo sát những yếu tố năng động ấy.

Giai đoạn BA : Liệt kê đầy đủ tối đa 3 vấn đề chủ yếu cần giải quyết. Đó là những yếu tố hay là sự kiện tiêu cực, tê liệt, ù lì và bị động, cần được chuyển hóa, xuyên qua lề lối can thiệp, giáo dục và dạy dỗ của chúng ta.

Ở đây, chúng ta cũng cần môi trường hóa mỗi vấn đề, với nhiều chi tiết quan trọng,

Giai đoạn BỐN : Liệt kê tối đa 3 xúc động của trẻ em, đang tạo ra những cản trở quan trọng, trong địa hạt thiết lập quan hệ với người lớn, cũng như với những trẻ em khác cùng lứa tuổi.

- Gọi tên xúc động,

- Môi trường hóa,

- Khám phá NHU CẦU cơ bản của trẻ em, đằng sau mỗi xúc động,

- Cần khảo sát thể thức sáng tạo những loại quan hệ nào, như thế nào, với ai… để hóa giải những tình huống xúc động tê liệt ấy ?

- Những xúc động tiêu cực và tê liệt của trẻ em đang xúc tác hay là dẫn khởi, trong con người của tôi, những phản ứng nào ? Tôi có thể hay là cần làm gì, để tìm lại tâm hồn an lạc, thức tỉnh ?

Giai đoạn NĂM : Xác định Phương Hướng Hành Động :

- Mục đích tối hậu,

- Xác định ba ƯU TIÊN quan trọng nhất và xếp đặt theo thứ tự 1, 2, 3 (nghĩa là 3 thành quả cần thực hiện với tất cả tâm huyết).

- Lên Kế Hoạch với những mục tiêu dài và ngắn hạn,

- Khảo sát những phương tiện và học cụ cần sáng tạo, để sử dụng trong những bài dạy hằng ngày,

- Thời hạn thực hiện dự án,

- Người thực hiện Dự án là ai ? Giáo viên chính, giáo viên phụ tá, cha mẹ, chuyên viên ngôn ngữ hay là tâm vận động, tâm lý gia…

- Tiên liệu những thái độ, lời nói và cách làm « phản sư phạm và phản giáo dục », như đập đánh, tố cáo, la nạt, áp đặt và cưỡng chế… để can đảm và sáng suốt đề phòng, khi chúng ta tiếp xúc với trẻ em.

- Xác định một cách rất rõ ràng Mục đích và Mục tiêu, bằng những phân biệt chủ yếu như sau : Mục đích bao gồm những giá trị tổng quát, cần được tôn trọng và phát huy trong cuộc sống làm người. Mục tiêu, trái lại, là những gì chúng ta cần thành đạt, thuộc địa hạt thực tế và cụ thể, sau một thời hạn hoạt động, với những bước đi lên.

Giai đoạn SÁU : Sáng tạo những BÀI HỌC cụ thể hằng ngày,

nhằm chuyển biến Mục đích và Mục tiêu đã được đề xuất trong giai đoạn NĂM trên đây, thành hiện thực cụ thể và khách quan, trong cuộc sống hằng ngày của trẻ em.

- Thứ nhất là Bài học về THỰC TẾ: nhằm giúp trẻ em khám phá và hiểu biết về những gì có mặt trong môi trường quen thuộc sinh sống hằng ngày. Những bài học này vận dụng CỬA VÀO bao gồm những giác quan như MẮT, TAI và TAY CHÂN, cũng như LÀN DA.

- Thứ hai là Bài học về TƯ DUY : trong-ngoài, trên dưới, xếp loại, đi tìm một dụng cụ, lấy tay chỉ một đối tượng mong muốn, cùng làm với bạn bè…

- Thứ ba là Bài học về XÚC ĐỘNG (xem giai đoạn BỐN trên đây).

- Thứ bốn là Bài học về QUAN HỆ: XIN-CHO-NHẬN và TỪ CHỐI ( nói KHÔNG ), thi hành những mệnh lệnh, để phát huy tư duy (xem bài học về TƯ DUY).

- Một cách đặc biệt, xoáy lui xoáy tới bài học về QUAN HỆ XÃ HỘI chiều ngang : làm với, chơi với, cho bạn điều bạn xin, đi chơi với bạn, trao đổi với bạn…

Giai đoạn BẢY : ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ :

Loại I : Sau từng giai đoạn thực hiện ngắn hạn như 3 tháng, khảo sát kết quả với một nhóm nhỏ, rút gọn, gồm có giáo viên, hiệu trưởng và cha mẹ.

Loại II : Đánh giá kết quả cuối cùng sau 1 năm, với toàn nhóm giáo viên và cha mẹ cũng như với những người có liên hệ xa gần.

Khi đánh giá kết quả cuối cùng, chúng ta khảo sát một cách trung thực, những câu hỏi sau đây :

- Kết quả đã thành đạt, nhờ vào những nhân tố nào ?

- Kết quả không đạt được, vì những lý do gì ?

- Cần thay đổi hoặc phát huy thêm những trọng điểm nào, trong Kế Hoạch năm tới.

- Một cách đặc biệt, chúng ta hãy can đảm khảo sát những thái độ và tác phong « thiếu tôn trọng trẻ em », trong những quan hệ hằng ngày giữa chúng ta và trẻ em, nhất là khi các em bộc lộ những vấn đề trầm trọng, như thoái hóa hay là không tiến phát trong địa hạt học hành.

Với một ngôn ngữ hơi khang khác một chút, tác giả Stephen R. COVEY, người Mỹ, trong tất cả mọi tác phẩm của mình, cũng đã nói tới bảy bước đi lên như vậy, trong những dự phóng làm người :

- Bước thứ nhất là sáng tạo, chủ động, dự phóng, thay vì phản ứng một cách máy móc và tự động.

- Bước thứ hai là cưu mang trong nội tâm, đích điểm mà chúng ta nhắm tới, muốn thực hiện, thành tựu. Hẳn thực, trước khi cưu mang trong cung dạ của mình, phải chăng bà mẹ đã cưu mang đứa con trong tâm tư và hạnh nguyện của mình ?

- Bước thứ ba là đặt lên hàng đầu tiên, yếu tố mà chúng ta chọn lựa và quyết định làm « ưu tiên số một ».

- Bước thứ bốn là lối nhìn « Có người, có ta », hay là « Người thắng, ta thắng, chúng ta cùng thắng », thay vì lăn xã vào một loại tư duy phiến diện, nhị nguyên như « Tao hơn mày thua, tao tốt mày xấu, tao đúng mày sai ».

- Bước thứ năm là lắng nghe, tôn trọng, tìm hiểu, nhìn nhận kẻ khác, cho dù đó là một trẻ em, thay vì ép buộc người đối diện phải lắng nghe và tuân hành mệnh lệnh do chính mình ban bố từ trên và từ ngoài.

- Bước thứ sáu là « chia sẽ, đồng hành » còn mang tên là « tương sinh, tương thành, tương tạo ». Hẳn thực, cha mẹ sinh ra con. Nhưng con cũng có khả năng sinh ra cha mẹ, giáo dục cha mẹ, ở một khía cạnh nào đó trong cuộc đời. Trên đây, trong các chương vừa qua, tôi đã nhấn mạnh : sự có mặt của một đứa con có nguy cơ tự bế trong gia đình, cũng là một sứ điệp, một bài học, một thách đố kỳ hùng, cho cha mẹ, xã hội và Quê hương.

- Bước thứ bảy là ngày ngày « đánh sáng hay là mài nhọn lại » lối nhìn làm người của chúng ta. Không làm như vậy, nguy cơ « làm ngợm », làm « hồ tinh, mộc tinh và thủy tinh » đang trấn áp và khống chế tâm hồn và cuộc đời, chính khi chúng ta nhìn con, nói với con, dạy con…

3.-KỸ THUẬT SÁU CHIẾC MŨ CỦA EDWARD DE BONO

Edward DE BONO là người Anh. Tác giả nầy đã xuất bản nhiều cuốn sách bàn về Tư duy khoa học. Một trong những phương pháp được ông đề nghị và nhắc lui nhắc tới, là « thách thức và thách đố », nhằm sáng tạo, đổi mới, thoát ra những bế tắc hay là đảo ngược lại những lối mòn đã ăn đời ở kiếp, trong tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.

Tôi xin đan cử một thí dụ : « Con người bình thường không biết bay hay là con người bình thường phải chết ». Phải chăng đó là những câu nói diễn tả chân lý hay là thực tế, được mọi người chấp nhận, không bao giờ đặt thành vấn đề ?

Thế nhưng, Edward DE BONO chỉ cần thay thế hai chữ bình thường, bằng ký hiệu TĐ (thách đố). Sau đó, tác giả yêu cầu chúng ta sáng tạo, khám phá những điều chưa ai thấy, chưa ai làm, chưa ai chứng nghiệm. Theo ông, « con người TĐ biết bay. Con người TĐ không chết ».

Đồng thời, Edward DE BONO đề nghị chúng ta hãy ngồi lại, động não, vận dụng chất xám trong hệ thần kinh trung ương, để tìm ra những định nghĩa về con người TĐ :

- Con người TĐ là ai ?

- Con người TĐ phải như thế nào để không chết ?

- Con người TĐ không chết, vì lý do gì ?

- Trong cuộc sống « ở đây và bây giờ », để mọi người cảm nhận được con người TĐ không chết, con người TĐ ấy cần mang sẵn trong mình những tư cách nào, những đức tính gì, ngôn ngữ phải làm sao, quan hệ giữa người với người như thế nào ?

Cũng trong tinh thần và lăng kính ấy, tôi xin đặt ra câu hỏi :

- Cha mẹ TĐ hay là người giáo viên TĐ dạy trẻ em có nguy cơ tự bế, phải như thế nào ?

- Họ cần ăn nói, đi đứng làm sao, để những trẻ em ấy khi lên 6-7 tuổi, không còn có nguy cơ tự bế ?

- Ai là cha mẹ TĐ, chân dung của họ thế nào ?

- Ai là giáo viên TĐ ? Họ đã đi qua những quá trình đào tạo nào, có mặt trong xã hội chúng ta hay không ?

Cũng trong khuôn khổ của công việc « Thiết Lập Dự Án », tác giả Ed. DE BONO còn đề nghị thêm cho chúng ta « Kỹ thuật Sáu Chiếc Mũ ».

Hẳn thực, để trả lời bao nhiêu câu hỏi khác nhau có liên hệ đến một dự án can thiệp và dạy dỗ, chúng ta hãy lần lượt đội lên đầu, sáu chiếc mũ, và tìm ra câu trả lời.

- Chúng ta đội chiếc mũ MÀU TRẮNG, để khám phá Thực tế của trẻ em. Thực tế phải chăng là những điều mắt thấy, tai nghe, tay chân tiếp cận ?

- Chúng ta đội chiếc mũ MÀU ĐEN, để khám phá những ứ đọng trong vấn đề phát triển, cũng như những rối loạn hành vi, trong 2 địa hạt xúc động và thiết lập quan hệ xã hội.

- Dù trẻ em đang gặp khó khăn đến độ nào chăng nữa, nếu biết đội lên đầu chiếc mũ MÀU VÀNG mặt trời, chúng ta sẽ có khả năng khám phá nơi các em, những năng động, những yếu tố tích cực. Trên những con đường còn lầy lội, dưới con mắt của những ai biết nhìn xa và nhìn rộng, nhìn lên và nhìn vào trong đáy sâu của tâm hồn, vẫn xuất hiện đâu đó một đóa hoa tô điểm cuộc đời. Đằng sau những lớp mây mù bao phủ, vào những ngày bão bùng giông tố, mặt trời vẫn luôn luôn hiện diện, với đầy đủ ánh sáng và hơi ấm cho mỗi người, không loại trừ một thành phần nào cả.

- Khi những xúc động như lo sợ, buồn phiền, tức giận… tràn ngập tâm hồn, và làm tê liệt mọi đường đi nẻo về của cuộc sống, chúng ta vẫn hiên ngang đội lên đầu chiếc mũ MÀU ĐỎ, để đặt tên và gọi ra ánh sáng những con yêu tinh ma yêu quái đang khống chế tâm hồn. Hãy tìm ra những tên tuổi và bộ mặt thân thuộc, ở bên dưới những xúc động của chúng ta. Lúc bấy giờ, chúng nó sẽ hóa thân thành những người bạn thân thương và mách cho chúng ta : chúng ta đang cần những gì, chúng ta có thể tìm kiếm những nhu cầu ấy ở đâu, nơi những người nào ? Phải chăng khi một người nhận mình là học trò, biết đặt ra những câu hỏi, một vị thầy sẽ xuất hiện đâu đó, mang đến cho chúng ta những câu trả lời, những bài học cao quí, lung linh, diệu vợi ?

- Sau khi nhận diện và đối diện, một cách can trường và chính trực, không lượn lẹo hay là bóp méo và xuyên tạc, bốn bộ mặt TRẮNG, ĐEN, ĐỎ và VÀNG của thực tế và cuộc đời làm người, với chiếc mũ MÀU XANH DƯƠNG, chúng ta sẽ thấy được Bầu Trời Cao Cả trên đầu và Đại Dương bao la, chung quanh chúng ta. Hẳn thực, như thi sĩ Trụ Vũ đã nhắn nhủ :

« Bởi vì mắt thấy trời xanh,

« Cho nên, mắt cũng long lanh màu trời.

« Bởi vì mắt thấy biển khơi,

« Cho nên mắt cũng xa vời đại dương ».

- Với trời xanh trong ánh mắt, cũng như với đại dương trong tâm hồn, chúng ta sẽ đội chiếc mũ MÀU XANH LỤC trên đầu, vác cuốc lên vai, và đi ra tạo nên Mùa Xuân, trên những cánh đồng của Quê Hương.

Đứa con có nguy cơ tự bế của chúng ta, lúc bấy giờ sẽ trở thành một đứa con TĐ. Em đang thách đố chúng ta : Hỡi Cha, hỡi Mẹ, hỡi người giáo viên hãy làm Tiên, làm Rồng, để cho con trở thành Thánh Gióng trên những nẻo đường xuôi ngược của Đất Nước. Hãy cho con ăn. Hãy cho con mặc. Hãy đi tìm « gươm », tìm « ngựa » cho con.

Quí vị Tổ Tiên ngày xưa đã làm được những điều ấy, với đứa con của mình, « không biết đi, không biết nói, trong vòng 3 năm, từ 0 đến 3 tuổi ».

Hôm nay, phải chăng chúng ta cũng đang thừa kế cùng một dòng máu như các Ngài ? Phải chăng chúng ta cũng có khả năng dạy dỗ và giáo dục con cái, hoàn toàn giống như các Ngài ?

4.- DỰ ÁN CAN THIỆP VỚI NHỮNG BƯỚC ĐI LÊN CỤ THỂ, TỪ DỄ ĐẾN KHÓ

Trong những điều cần chuẩn bị và sưu tầm, khi thiết lập bản dự án can thiệp, theo lời tự thú chân thành của nhiều cha mẹ và các giáo viên, bận rộn suốt cả ngày vì công việc, điều khó khăn nhất là tìm ra hay là sáng tạo NHỮNG BƯỚC ĐI TỚI có thứ tự, từ dễ đến khó, hay là từ dưới đi lên.

Nhằm san bằng một phần nào những trở ngại hiện thực nầy, tôi đề nghị những cách làm và những giai đoạn thực hiện sau đây :

Giai đoạn thứ nhất : chúng ta lượng giá trẻ em, với dụng cụ do Eric SHOPLER sáng tạo, mà tôi đã trình bày với đầy đủ mọi chi tiết, trong chương hai trên đây.

Giai đoạn thứ hai : Từ những Bảng số 1- số 9, trong Chương Ba, chúng ta sắp xếp lại các Tiết Mục của Bản Lượng Giá,

- Thứ nhất, xếp đặt các TM, theo từng địa hạt : Bắt chước, Nhận thức, Vận động thô, Vận động tinh, Phối hợp mắt và tay, Kỹ năng Tư duy và Kỹ năng Ngôn ngữ.

- Thứ hai, xếp đặt các TM theo thứ tự, từ dễ đến khó, từ dưới đi lên.

- Thứ ba, sau mỗi TM, ghi thêm một cách rõ ràng lứa tuổi phát triển tính theo tháng, từ 0 đến 84 (7 tuổi),

- Thứ bốn, đằng sau mỗi lứa tuổi bao gồm từ 2 đến 3 tháng, chọn lựa một tuổi trung bình tương đương mà thôi.

Giai đoạn thứ ba : Dựa vào kết quả cụ thể của mỗi trẻ em, sau khi được lượng giá, chúng ta vẽ Đồ Biểu Phát Triển.

Giai đoạn thứ tư : Chúng ta bình giải đồ biểu và từ đó trình bày một Bản Báo Cáo, đề nghị một chương trình can thiệp thích ứng với nhu cầu của trẻ em.

Giai đọan thứ năm : Sau từng 6 tháng làm việc hay một năm, chúng ta lượng giá lại trẻ em, để đánh giá chương trình can thiệp của chúng ta.

Và sau những giai đoạn thực hiện dự án như vậy, nếu có nhiều người lượng giá trẻ em, như chuyên viên tâm lý ở Bệnh viện, giáo viên ở Trường học, cha hoặc mẹ ở Nhà…chúng ta có thể so sánh những kết quả, cũng như những lối nhìn khác nhau. Với cách làm có khoa học và với sự hợp tác của nhiều người, thế nào chúng ta cũng có thể gặt hái cho trẻ em một vài thành quả khách quan và cụ thể.

Sau đây là Bảng số 10 : Các TM được sắp xếp theo thứ tự, có kèm thêm lứa tuổi phát triển.

Bảng số 10 : Những TM sắp theo thứ tự từ dưới đi lên, theo tiêu chuẩn lứa tuổi từ 3 lên 84 tháng (7t)

ĐỊA HẠT THỨ NHẤT : BẮT CHƯỚC
Thứ tự số TM Tuổi phát triển Trung bình
1) Trò chơi cúc cù 52 10-15 12 tháng
2) Bắt chước trẻ làm 129 16-22 19
3) Bắt chước trẻ bi bô 130 17-23 20


4) Đưa tay chào
142 17-23 20


5) Vo tròn đất sét
11 24-33 28


6) Bắt chước gõ chuông
113 25-29 27


7) Bắt chước làm cho
15 26-32 29


8) Bắt chước các cử động
41 28-35 31


9) Bắt chước tiếng mèo
14 28-35 31


10) Lặp lại các từ
124 28-35 31


11) Lặp lại âm thanh
123 32-38 35


12) Xoay ống nhìn
6 37-43 40


13) Lặp lại 2-3 số
100 45-50 47


14) Làm con múa rối
13 45-50 47


15) Bấm chuông 2 lần
8 55-58 56


16) Lặp lại 4-5 số
102 66-71 68 (5t)


***

ĐỊA HẠT THỨ HAI : NHẬN THỨC GIÁC QUAN

Thứ tự số TM Tuổi phát triển Trung bình


1) Nhìn theo bọt xà phòng
3 7-15 11


2) Vượt qua đường giữa
4 7-15 11


3) Nghe tiếng chuông
111 7-15 11


4) Nghe, hướng về
57 7-15 11


5) Nghe, hướng về tiếng
35 7-15 11


6) Trả lời bằngcử điệu
59 13-17 15


7) Nhìn sách có hình
120 20-25 22


8) Mắt Chính và Phụ
7 30-35 32


9) Phân biệt Lớn và Nhỏ
25 34-39 36


10) Lắp ráp đúng chỗ
19 34-49 41


11) Xếp theo màu
32 45-49 47


12) Lắp ráp 4 đồ vật
23 45-49 47


13) Tìm ra vật che giấu
108 58-62 60 (5t)


***

ĐỊA HẠT THỨ BA : VẬN ĐỘNG TINH

Thứ tự số TM Tuổi phát triển Trung bình


1) Tay ấn sâu vào đất sét
9 13-17 15


2) Lấy cườm rakhỏi trục
65 13-20 16


3) Cầm thanh gỗ nhỏ
10 15-19 17


4) Mở, đóng công tắc điện
119 15-20 17


5) Thả rơi khối vào bình
99 15-21 18


6) Xâu hạt cườm vào trụ
66 16-23 19


7) Cầm với ngón cái và trỏ
109 21-24 22


8) Phối hợp 2 tay
67 25-28 26


9) Mở, đóng nắp chai
1 26-30 28


10) Thổi làm bọt xà phòng
2 26-30 28


11) Xâu hạt cườm
63 30-33 31


12) Nhận ra đồ vật bằng tay
87 46-49 47


13) Dùng kéo cắt giấy
86 46-50 48


14) Nắn chiếc bát với đất sét
12 48-52 50


15) Ngón cái đụng các ngón
42 62-64 63


16) Vẽ hình người
84 70-74 72 (6t)


***

ĐỊA HẠT THỨ BỐN : VẬN ĐỘNG THÔ

Thứ tự số TM Tuổi phát triển Trung bình


1) Cầm banh trong 2 tay
47 13-16 14


2) Tay đẩy trái banh tới
48 13-17 15


3) Ngồi thẳng trên ghế dựa
50 14-19 16


4) Đi một mình
37 14-22 18


5) Chuyển tay này qua tay. kia
68 14-22 18


6) Cầm ly uống
60 14-24 19


7) Ném banh
44 19-27 23


8) Ngồi, dùng chân di động
51 21-28 24


9) Đưa tay vượt đường giữa
24 24-28 26


10) Chụm chân nhảy tới
40 24-31 27


11) Vỗ tay
38 24-31 27


12) Phân biệt tay mạnh-yếu
72 28-33 30


13) Đá vào trái banh
45 28-35 31


14) Đứng thẳng trên 1 chân
39 29-36 32


15) Chân chính, Chân phụ
46 30-34 32


16) Đón bắt quả banh
43 46-51 48


17) Đu đưa sợi giây có cườm
64 46-51 48


18) Đi lên, mỗi chân 1 cấp
49 61-65 63 (5t)


***

ĐỊA HẠT THỨ NĂM : PHỐI HỢP MẮT VÀ TAY

Thứ tự số TM Tuổi phát triển Trung bình


1) Vẽ nguệch ngoạc tự do
71 16-20 18


2) Lắp ráp 3 hình 3 cỡ
26 27-31 29


3) Lắp ráp 3 hình
20 27-31 29


4) Sắp lại các khối vào hộp
94 27-31 29


5) Chồng các khối lên nhau
93 35-38 36


6) Sắp đúng các chữ cái
80 39-42 40


7) Chép lại hình tròn
74 42-46 44


8) Đồ lại trên các cạnh
79 44-51 47


9) Lắp ráp hình con mèo
30 46-50 48


10) Chép lại đường thẳng
73 46-50 48


11) Tô màu trong giới hạn
78 51-54 52


12) Chép lại hình vuông
75 55-59 57


13) Chép lại hình tam giác
76 67-69 68


14) Chép lại 7 chữ cái
83 67-69 68


15) Chép lại hình thoi
77 72-76 74 (6t)


***

ĐỊA HẠT THỨ SÁU : KỸ NĂNG TƯ DUY

Thứ tự số TM Tuổi phát triển Trung bình


1) Tìm ra một đồ vật được giấu
53 10-14 12


2) Tiên liệu những điều quen
141 19-23 16


3) Biết cho, khi có người xin
117 21-26 23


4) Phân biệt 2 đồ vật khác nhau
98 23-27 25


5) Xếp đúng đồ vật với hình ảnh
115 24-27 25


6) Chỉ các phần trên thân thể
17 25-28 26


7) Chỉ các phần trên con rối
16 26-31 28


8) Thi hành mệnh lện đơn sơ
131 27-29 28


9) Dùng bộ điệu tả cách đồ vật
118 28-33 30


10) Phân biệt Lớn Nhỏ
28 31-36 33


11) Thi hành chỉ thị bằng lời
128 36-41 38


12) Thi hành mệnh lệnh 2 phần
97 36-41 38


13) Dùng điệu bộ tả 1 hình ảnh
110 38-42 40


14) Phân biệt 3 hình : tròn, vuông
22 40-44 42


15) Nhận biết các hình ảnh
121 42-45 43


16) Nhận biết 5 màu sắc
34 42-45 43


17) Chơi qua lại giữa 2 con rối
18 44-47 45


18) Sắp xếp theo màu và hình
114 49-52 50


19) Lắp ráp hình đưa con trai
89 49-52 50


20) Lắp ráp hình con mèo
29 49-52 50


21) Nhận biết đồ vật bằng xúc giác
88 54-56 55


22) Phân biệt số lượng giữa 2 và 6
96 60-63 61


23) Viết ra tên mình
85 60-63 61


24) Nhận biết 9 chữ cái
82 65-67 66


25) Ghép lại 6 phần hình con bò
31 70-73 71


26) Thi hành chỉ thị được viết ra
140 76-81 78 (6t)


***

ĐIẠ HẠT THỨ BẢY : KỸ NĂNG NGÔN NGỮ

Thứ tự số TM Tuổi phát triển Trung bình


1) Xin giúp đỡ
61 17-13 15


2) Nói được những câu 2 từ
132 22-26 24


3) Gọi đúng tên những vật dụng
116 25-28 26


4) Dùng đại danh từ Tôi, Con…
135 25-29 27


5) Biết tên và họ của mình
69 28-33 30


6) Nói những câu có 4-5 từ
133 29-33 31


7) Biết thế nào là Nhiều, Ít
134 32-35 33


8) Biết mình trai hay gái
70 32-38 35


9) Lặp lại câu ngắn
125 33-38 35


10) Lặp lại dãy 2-3 số
101 34-38 36


11) Biết dùng từ Lớn và Nhỏ
27 40-45 42


12) Gọi tên các hình ảnh
122 40-45 42


13) Gọi tên 5 nàu sắc
33 46-51 48


14) Lặp lại câu khá dài, đơn sơ
126 46-51 48


15) Gọi tên 3 hình : tròn vuông…
21 48-53 50


16) Đếm lớn tiếng
104 53-55 54


17) Đếm 2-7 khối
95 56-59 57


18) Lặp lại những câu phức tạp
127 58-62 60


19) Lặp lại dãy 4-5 số
103 60-63 61


20) Đọc những con số 1-10
105 60-64 62


21) Gọi tên những chữ cái
81 62-66 64


22) Tính nhẩm bài toán của mình
106 67-70 68


23) Đọc những từ ngắn gọn
136 68-72 70


24) Tính nhẩm bài toán khách quan
107 68-72 70


25) Đọc câu ngắn
137 71-75 73


26) Đọc với vài ba lỗi
138 72-76 74


27) Đọc và hiểu
139 75-80 77 (6t)


***

Với cách xếp loại các TM theo thứ tự từ dễ đến khó, thích ứng cho mỗi lứa tuổi, chúng ta đã chuyển đổi và sử dụng Bản Lượng Giá ban đầu, với nhiều ý hướng khác nhau như sau :

- Ý hướng thứ nhất : Với 3 loại điểm (+), (+/-) và (-), trong các Bảng số 1- 7, chúng ta vẽ biểu đồ xác định ba vùng khác nhau như Vùng Tự Lập, Vùng Học Tập và Vùng Xa Lạ.

- Ý hướng thứ hai : Khảo sát những kết quả chênh lệch giữa 7 địa hạt khác nhau, nhằm xác định vị trí hay là lý do chậm phát triển của trẻ em. Dựa vào đó, chúng ta chọn lựa và sắp xếp các ưu tiên 1, 2 và 3, trong chương trình can thiệp hay là dạy dỗ. Một cách đặc biệt, với những bài học hằng ngày, chúng ta giúp trẻ em từ từ nâng cao những địa hạt còn chậm và kém, để từ từ san bằng những chênh lệch quá lớn giữa bảy địa hạt khác nhau. Trái lại, khi trẻ em có những giai đoạn thoái hóa về mặt hành vi, chúng ta chọn lựa địa hạt và những TM nào, trong đó trẻ em có nhiều thuận lợi và dễ dàng nhất. Chúng ta can thiệp ở những vị trí ấy, để giúp trẻ em khắc phục những khó khăn hiện tại và tìm lại lòng tự tin của mình. Chúng ta sẽ trở lại khảo sát cách làm nầy, trong chương bàn về những rối loạn hành vi.

- Ý hướng thứ ba : Trong mỗi địa hạt can thiệp, chúng ta sẵn có những bước đi lên hay là những bài học cụ thể, được sắp xếp từ dưới lên trên, từ dễ đến khó.

- Ý hướng thứ bốn : Quyết định và chọn lựa mục tiêu cụ thể cho mỗi ngày hay mỗi tuần.

- Ý hướng thứ năm : Sau mỗi kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, chúng ta có những điểm mốc cụ thể, để đánh giá sự tiến bộ của trẻ em.

Bảng số 11 : Tổng hợp Kết quả « Ba Vùng Sinh Hoạt »

Tên trẻ em :--------------------------------------------------------

Ngày thực hiện công việc Lượng Giá :------------------------

Người thực hiện :--------------------------------------------------



Số thứ tự BC NT Vđt VđT PH TD NN Tuổi PT
theo B.9 ! ! ! ! ! ! ! !!
4.- MỖI NGÀY CHỌN LỰA MỘT TIẾT MỤC DUY NHẤT LÀM MỤC TIÊU

Theo tinh thần và lối nhìn của tác giả Spencer JOHNSON, khi lập dự án, với ý định MUỐN dạy cho trẻ em tiến phát và khắc phục những nguy cơ tự bế của mình, cha mẹ, giáo viên và các chuyên viên thuộc mọi ngành nghề… dễ sa vào cạm bẫy Ý CHÍ TOÀN NĂNG. Từ đó, chúng ta có xu thế áp đặt TỪ NGOÀI và TỪ TRÊN, những điều không có liên hệ với NHU CẦU thực sự của trẻ em.

Thay vì làm như vậy, Spencer JOHNSON đề nghị chúng ta hãy QUYẾT ĐỊNH mỗi ngày chọn lựa một mục tiêu rất nhỏ. Mục tiêu của chúng ta không phải là DẠY trẻ em. Trái lại, chúng ta bắt đầu HỌC, tìm hiểu về cách thức sinh hoạt hằng ngày của trẻ em. Một cách cụ thể, chúng ta đặt ra những câu hỏi tương tự như sau :

- Trẻ em BẮT CHƯỚC thế nào, điều gì, khi nào ?

- Trẻ em sử dựng 5 GIÁC QUAN với một tiến trình nào ? Trẻ em thích được kích thích làm sao ?

- Trẻ em bắt đầu những sinh hoạt VẬN ĐỘNG TINH và VẬN ĐỘNG THÔ như thế nào ?...

- Và cứ như vậy, chúng ta đặt ra những câu hỏi thuộc tất cả 7 địa hạt : Bắt chước, Nhận thức giác quan, Vận động tinh, Vận động thô, Phối hợp mắt và tay, Tư duy và Ngôn ngữ.

- Mỗi ngày, thay vì ôm đồm quá nhiều chuyện, chúng ta CHỈ quyết định, chọn lựa MỘT trong 131 TM trên đây làm mục tiêu, để HỌC hay là DẠY chính mình.

Dự án, theo cách đề nghị của Spencer JOHNSON, bao gồm 3 giai đoạn then chốt :

- Giai đoạn Một : Chọn lựa một mục tiêu duy nhất,

- Giai đoạn Hai : Khen thưởng chính mình, tức khắc khi thấy mình đã thực hiện và thành tựu,

- Giai đoạn Ba : Ngồi lại tìm cách sửa sai và điều chỉnh, khi thấy mình hoàn toàn không thành đạt mục tiêu.

Giai đọan QUYẾT ĐỊNH mục tiêu bao gồm 6 bước đi lên như sau :

- 1.)- Vận dụng cả hai lãnh vực tư duy và xúc động để chọn lựa mục tiêu nào có khả năng đáp ứng vừa nhu cầu thực tế vừa nhu cầu xúc động hiện tại của tôi.

- 2.)- Ghi lại mục tiêu trên một tờ giấy và niêm yết ở một nơi trang trọng, mà tôi có thể đọc lui đọc tới nhiều lần trong ngày.

- 3.)- Viết một cách vắn gọn, bắt đầu bằng : « Hôm nay, tôi quyết định… ».

- 4.)- Ghi rõ thêm thời điểm thực hiện, một cách cụ thể như : « Vào lúc… ».

- 5.)- Chọn lựa mục tiêu nào, để mỗi lần có dịp đưa mắt nhìn qua, tôi đã cảm thấy mình hăng say, hứng thú và hạnh phúc, cơ hồ điều ấy đang được từ từ thực hiện.

- 6.)- Khảo sát hành vi : « Tôi đã làm đúng hay chưa điều mà tôi đã quyết định và chọn lựa một cách hăng say và sáng suốt » ?

Giai đoạn KHEN THƯỞNG bắt đầu lập tức vừa khi tôi thành tựu mục tiêu. Giai đoạn nầy gồm có 5 bước cụ thể sau đây :

- 1.)- Vừa khi tôi cảm thấy tôi đã thành tựu mục tiêu, một cách tốt đẹp, đúng như dự tưởng, tôi dừng lại, nhìn nhận giá trị của mình và tìm lời khen thưởng kết quả mà tôi vừa thực hiện.

- 2.)- Diễn tả một cách cụ thể và khách quan điều tôi vừa làm.

- 3.)- Trình bày ra ngoài bằng ngôn ngữ, nỗi niềm hăng say, hứng thú vã hãnh diện của mình : « Tôi đã thành công, tôi đang sung sướng, tôi đáng được khen thưởng… ».

- 4.)- Dựa vào hành vi và xúc động mà tôi vừa diễn tả, tôi khẳng định về con người của mình : « Tôi là một con người có giá trị đích thực».

- 5.)- Tôi thúc giục và khích lệ mình : « Hãy tiếp tục học như vậy, vì đó là con đường làm người… ».

Giai đoạn ĐIỀU CHỈNH cần khởi động tức khắc, khi tôi nhận thấy hành vi của tôi không đáp ứng và thỏa nguyện mục tiêu mà tôi đã quyết định. Công việc nầy bao gồm 6 động tác cụ thể :

- 1.)- Tôi tức khắc dừng lại, tìm cách ĐIỀU CHỈNH, vừa khi nhận thấy hành vi không thích hợp với mục tiêu mà tôi đã quyết định và chọn lựa.

- 2.)- Tôi ý thức một cách sáng suốt tôi đã SAI LẦM. Thêm vào đó, chính điều sai lầm ấy đã cản trở tôi học tập và tiến bộ.

- 3.)- Tôi nhìn nhận tôi đã làm những điều vụng về. Do đó, tôi cảm thấy bất an. Và càng bất an, tôi càng ước mong thay đổi hành vi hiện tại của mình.

- 4.)- Mặc dù hành vi của tôi không thể hiện điều tôi coi trọng, tôi vẫn phân biệt rõ ràng giữa hành vi và con người của tôi. Hành vi xấu không làm cho con người của tôi trở nên xấu, trong bản sắc và giá trị của mình.

- 5.)- Thay vì biện minh hành vi sai trái của mình, tôi tìm cách chuyển hóa, cải tiến.

- 6.)- Khi bắt đầu công việc chuyển hóa như vậy, tôi đã trở lại với thái độ và ý hướng học tập. Cho nên, tôi cảm thấy con người của mình vẫn an toàn và nguyên vẹn, đồng nhất và liêm chính, nghĩa là không bị giằng co và xâu xé, phân hóa giữa 2 hoặc 3 con đường mâu thuẫu với nhau.

5.- Theo Lối nhìn của Spencer JOHNSON, bao nhiêu thất bại và đổ vỡ, trong bản thân và cuộc đời, cũng như trong lòng Đất Nước và Nhân Loại… đều phát xuất từ thực trạng “thiếu nhất tâm” lan tràn khắp mọi nơi.

Lực lượng phá hoại và phản bội nằm ngay trong chính nội tâm và con người của chúng ta.

Hẳn thực, trên mặt tư duy, chúng ta thiết lập những dự án rất “oai hùng”. Nhưng đến lúc thực hiện, chúng ta không tin mình có đầy đủ hăng say và nhiệt tình, để thực hiện những điều chúng ta đã quyết định và hô hào. Hơn ai hết, chính chúng ta là “người thọc gậy bánh xe”, đối với nguyện vọng và hoài bão của chúng ta.

Một cách cụ thể, đối với trẻ em có nguy cơ tự bế, chúng ta biết rất rõ về một thực tế: Các em đang có những rối loạn trầm trọng, trong địa hạt quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người với người, bắt đầu từ những người thân trong gia đình.

Thế nhưng, chúng ta đã HỌC thay đổi hay chưa, những quan hệ của chính chúng ta, trong cuộc sống thường ngày?

Chúng ta muốn cho trẻ em có những tiến bộ, trên bình diện quan hệ. Tuy nhiên, muốn có quan hệ, phải có ít nhất 2 người. Và bao lâu TÔI chưa thay đổi về phía mình tôi, làm sao tôi có thể đòi hỏi trẻ em thay đổi?

Trong tinh thần và lăng kính nầy, tác giả Spencer JOHNSON đề nghị chúng ta hãy đặt ra cho mình 6 câu hỏi sau đây, trước mỗi quyết định hay là mỗi dự án của chúng ta:

- 1) Nhu cầu thực sự của tôi là gì? Phải chăng đó chỉ là một nguyện vọng, giữa muôn ngàn nguyện vọng mơ hồ và vu vơ khác mà thôi?

- 2) Phải chăng tôi đã thu lượm những tin tức cần thiết, khi quyết định về nhu cầu của tôi? Tôi đã khảo sát những con đường khác, trước khi chọn lựa không?

- 3) Để chuyển biến nhu cầu thành hiện thực, phải chăng tôi đã vận dụng tư duy, để khảo sát một cách đến nơi đến chốn những động tác cụ thể, từ A đến Z?

- 4) Ngoài ra, khi xác định nhu cầu như vậy, phải chăng tôi đã lắng nghe tâm tình và xúc động của tôi, để cố quyết sống trung thực và liêm chính? Tôi không nói một đường làm một nẻo. Tôi không ba hoa, chích chòe.

- Trực giác đang khuyến khích và thúc giục tôi hiên ngang đi tới, hay là dừng lại, khảo sát một cách nghiêm chỉnh, những nghi vấn?

- Sau cùng tôi có đủ tự tin, để can trường vượt qua mọi trở ngại hay không? Nói cách khác, khi tôi đã đồng ý về quyết định của tôi, phải chăng tôi có đủ mọi can đảm để từ chối, nói không với mọi ý kiến còn lại, nhất là những ý kiến “bàn lui” hay là “thọc gậy bánh xe”, khả dĩ chận đường và cản trở bước chân của tôi, trong chiều hướng thiết lập với trẻ em những quan hệ, năng động, tích cực, xây dựng và hài hòa?

(CÒN TIẾP)