CÔNG ĐỒNG VATICAN II QUA BỐN THẬP NIÊN (TIẾP THEO)

- IV - MƯỜI SÁU VĂN KIỆN ĐƯỢC CÔNG ĐỒNG VATICAN II CHUẨN NHẬN

Sau dây là 16 văn kiện được Công Đồng Vatican II chấp thuận, cùng với ngày tháng và năm được phổ biến và toát lược. Tên gọi văn kiện bằng La ngữ được để trong ngoặc đơn. Thông thường đó là tên lấy từ giòng đầu tiên của chính văn bản.

1/- Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) ngày 4-12-1963. Công Đồng truyền lệnh duyệt lại một cách bao quát về phụng vụ để dân chúng có một ý thức rõ rệt hơn về sự tham dự tích cực của chính họ vào Thánh Lễ và những nghi thức khác.

2/- Sắc Lệnh về những Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) ngày 4-12-1963. Công Đồng kêu gọi những thành phần Giáo Hội, nhất là giáo dân, truyền đạt “tinh thần nhân bản và Kitô giáo” qua báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền thanh và truyền hình.

3/- Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen gentium) ngày 21-11-1964. Văn kiện trình bày Giáo Hội như một nhiệm tích, một sự hiệp thông giữa những tín hữu đã được thanh tẩy, như là dân Chúa, tức nhiệm thể Chúa Kitô và như lữ khách đang trên đường hưóng tới sự hoàn thiện viên mãn trên trời nhưng được ghi dấu ở dưới đất bằng “sự thánh thiện thực tiển, cho dù khiếm khuyết.”

4/- Sắc Lệnh về Đại Kết (Unitatis Redintegratio) ngày 21-11-1964, theo đó vấn đề Đại Kết là điều mỗi người quan tâm và sự đại kết chân thật liên hệ đến một sự đổi mới liên tục có tính cách cá nhân và cơ chế.

5/- Sắc Lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương (Orientalium Ecclesiarum) ngày 21-11-1964 tuyên bố sự đa dạng trong Giáo Hội không làm tổn thương sự duy nhất tính của Giáo Hội nên các Giáo Hội Công Giáo Đông phương nên trở về với những truyền thống của mình.

6/- Sắc Lệnh về Mục Vụ trong Giáo Hội (Christus Dominus) ngày 28-10-1965 tuyên bố mỗi giám mục có toàn quyền bình thường trong địa phận của mình và trình bày tín lý Kitô giáo theo những cách thức thích ứng với thời đại. Sắc Lệnh đề xuất những hội nghị các giám mục để thực thi việc cùng chung điều hành mục vụ.

7/- Sắc Lệnh về Việc Đào Tạo Linh Mục (Optatam Totius) ngày 28-10-1965 khuyến khích các chủng viện phải chú trọng việc huấn luyện thuộc linh, trí tuệ và kỷ cương có tính cách thiết yếu để chuẩn bị những sinh viên chọn ơn gọi linh mục trờ thành những chủ chăn tốt.

8/- Sắc lệnh về Cải Tổ Thích Nghi Đời Sống Tu Trì (Perfectae Caritatis) ngày 28-10-1965 quy định những nguyên tắc chỉ đạo để đổi mới có tính cách cá nhân và cơ cấu đối với đời sống các nam nữ tu sĩ và linh mục thuộc các hội dòng.

9/- Tuyên Ngôn của Giáo Hội đối với những Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate) ngày 28-10-1965 công bố Giáo Hội Công Giáo không bác khước những gì chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo không phải Kitô giáo, kêu gọi chấm dứt phong trào bài Do-Thái và mọi hình thức kỳ thị căn cứ trên chủng tộc, màu da, tôn giáo hay điều kiện sống vì không thuộc về tâm thức của Đức Kitô.

10/- Tuyên Ngôn về Nền Giáo Dục Kitô Giáo (Gravissimum Educationis) ngày 28-10-1965 xác quyết quyền của cha mẹ chọn lựa kiểu mẫu giáo dục mà họ mong muốn cho con cái mình, nhấn mạnh tầm mức quan trọng của các trường Công giáo và bênh vực quyền thanh tra trong các trường cao đẳng và đại học Công giáo.

11/- Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Chúa (Dei Verbum) ngày 18-11-1965 công bố Giáo Hội tin vào Thánh Kinh và Thánh Truyền như là một kho tàng chứa đựng Lời Chúa và khích lệ sử dụng việc nghiên cứu có tính cách khoa học tân tiến trong vấn đề học hỏi Thánh Kinh.

12/- Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân (Apostolicam Actuositatem) ngày 18-11-1965 tuyên bố giáo dân nên gây ảnh hưởng đối với những người lân cận bằng những giáo huấn của Chúa Kitô.

13/- Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae) ngày 7-12-1965 tuyên bố tự do tôn giáo là một quyền nằm trong nhân phẩm mỗi người và không ai bị ép buộc hành động theo một cách thức ngược lại với chính niềm tin của họ.

14/- Sắc Lệnh về Thánh Chức và Đời Sống Linh Mục (Presbyterorum Ordinis) ngày 7-12-1965 công bố bổn phận trước tiên của linh mục là loan báo Tin Mừng cho mọi người, chấp thuận khuyến khích đời sống độc thân như là một tặng phẩm và khuyên bảo nên có một bổng lộc tương xứng đối với các linh mục.

15/- Sắc Lệnh về Hoạt Động Tông Đồ của Giáo Hội (Ad Gentes) ngày 7-12-1965 công bố hoạt động thừa sai nên hỗ trợ sự an sinh của dân chúng về mặt xã hội và kinh tế và không được bắt buộc bất cứ ai chấp nhận đức tin.

16/- Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại (Gaudium et Spes) ngày 7-12-1965 công bố Giáo Hội nên đối thoại với những người vô thần, không ngừng vận động và cổ võ hòa bình, chiến tranh nguyên tử là điều phải cố tránh bằng mọi giá và sự giúp đỡ những quốc gia chậm tiến là việc làm cấp bách. Sắc Lệnh cũng công bố hôn nhân không chỉ truyền sinh mà thôi và khoa học phải khẩn cấp tìm ra những phương tiện điều hòa sinh sản có thể chấp nhận được.

(Vatican City –CNS)

- V - CÔNG ĐỒNG CHUNG VÀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

Một sự tập hợp toàn thể các giám mục của Giáo Hội Công Giáo do Đức Giáo Hoàng mời gọi để thảo luận kỹ lưỡng những đường hướng bảo vệ và cổ võ những giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội được gọi là Công Đồng Chung. Như đã trình bày, Công Đồng Vatican II nhóm họp trong 4 khóa từ năm 1962 đến năm 1965 là công đồng chung thứ 21. Công đồng chung thứ 20 là công Đồng Vatican I được nhóm họp từ 1869-1870.

Ngoài sự kiện Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được nhóm họp thường xuyên hơn các công đồng chung, sự khác biệt cốt yếu giữa các công đồng chung và thưọng hội đồng giám mục là mức độ tham gia và quyền hạn liên kết.

Hết thảy các giám mục Công giáo, kể cả những giám mục phụ tá, có quyền tham dự và bỏ phiếu tại một Công Đồng Chung. Tại các Thượng Hội Đồng Giám Mục, các giám mục hoặc được chọn để tham dự hội nghị các giám mục hoặc được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm.

Được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, các quyết định của một Công Đồng Chung thì ràng buộc đối với Giáo Hội, điều đó khiến cho Công Đồng Chung là thẩm quyền giáo huấn tối cao của Giáo Hội. Những thành viên của các Thượng Hội Đồng Giám Mục, trái lại, chỉ đề nghị với Đức Giáo Hoàng một cách thân tín mà thôi.

Sự khác biệt rõ rệt được mô tả trong Bộ Giáo Luật năm 1983:

- “Giám mục đoàn thực thi quyền hạn trên Giáo Hội hoàn vũ một các long trọng trong một Công Đồng Chung.”

- “Thượng Hội Đồng Giám Mục là một nhóm giám mục được chọn lựa từ những miền khác nhau trên thế giới và gặp gỡ nhau vào những thời gian ấn định để cổ võ một sự hiệp nhất mật thiết giữa vị Giáo Chủ Roma và các giám mục để hỗ trợ vị Giáo Chủ Roma bằng ý kiến của họ hầu bảo vệ và tăng cường đức tin cùng phong hóa và duy trì cùng củng cố kỷ luật giáo sĩ và xem xét những vấn nạn liên hệ đến sinh hoạt của Giáo Hội giữa trần thế.”

Sự tập hợp các Thánh Tông Đồ mô tả trong chương 15 Sách Công Vụ Tông Đồ được xem như tiền lệ cho các công đồng chung: các Tông đồ gặp nhau để thảo luận vào một thời điểm có sự căng thẳng gia tăng về vấn đề các người không phải Do-Thái trở lại Kitô giáo có bị bắt buộc phải theo những luật lệ về chế độ ăn uống của Do-Thái giáo không.

Những công đồng chung ban đầu như Nicaea, Constantinople, Ephesus và Chalcedon được triệu tập để đương đầu với những nhóm ly giáo đe dọa xé nát Kitô giáo.

Bảy công đồng đầu tiên được các giáo hội Chính Thống cũng như Công giáo công nhận, đã minh định những giáo huấn căn bản của Đức Tin Kitô giáo.

Nhiều công đồng trong số 14 công đồng tiếp theo đã diễn ra từ khi có sự rạn nứt giữa các Kitô hữu Đông phương và Tây phương đã cố gắng tìm phương cách hàn gắn sự chia cách trong nội bộ Kitô giáo, và các công đồng đó cũng còn đi xa hơn nữa trong việc làm sáng tỏ những giáo huấn về đức tin và phong hóa cùng ra lệnh cải tổ phụng vụ và cơ cấu Giáo Hội.

(Phỏng theo Cindy Wooden - Vatican City – CNS)

(CÒN TIẾP)