CÔNG ĐỒNG VATICAN II QUA BỐN THẬP NIÊN

MỤC LỤC

I.- Bốn mươi năm nhìn lại

II.- Hoài niệm của một hồng y nghị phụ người Canada

III.- Công Đồng Vatican II – hôm qua và hôm nay

IV.- Mười sáu văn kiện được Công Đồng Vatican II chuẩn nhận

V.- Công Đồng Chung và Thượng Hội Đồng Giám Mục

VI.- Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI điều hướng và kiện toàn Công Đồng Vatican II

VII.- Những thay đổi về phụng vụ

VIII.- Sự chuyển hướng về phía giáo dân

IX.- Quan niệm hôn nhân thay đổi, kể cả với người không Công giáo

X.- Tự do tôn giáo - hiện đại hóa những quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước

XI.- Hồi tưởng những năm lịch sử Công Đồng của một số chuyên viên Hoa-Kỳ còn

sống

XII.- Một linh mục chuyên viên Dòng Tên vẫn tiếp tục khảo sát sự thực thi Công Đồng

Vatican II.

XIII.- Vai trò của Đức Thánh Cha Bênêđittô XVI.

- I - BỐN MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

Ngày 8-12-2005 vừa qua – ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – cũng là ngày kỷ niệm biến cố kết thúc Công Đồng Vatican II bốn mươi năm về trước.

Khi nhìn lại bốn thập niên qua, Công Đồng Vatican II đã ảnh hưởng Giáo Hội một cách vừa tích cực vừa tiêu cực. Do đó không tránh khỏi những lệch lạc xảy ra trong lòng Giáo Hội.

Nếu định hướng của Công Đồng Vatican II là “trở về nguồn”, trong thời điểm nầy, thiết tưởng cộng đồng dân Chúa cũng nên “trở về với Công Đồng Vatican II” đề nghiên cứu học hỏi một cách nghiêm túc, ngỏ hầu áp dụng đúng đắn những giáo huấn của Công Đồng trong đời sống Kitô hữu, bao gồm các lãnh vực mục vụ và phụng vụ, tông đồ giáo dân, vấn đề đại kết, tự do tôn giáo, cũng như đối thoại liên tôn và với thế giới.

Theo hãng thông tấn Zenit, vào ngày 22-12-2005, trong khi tiếp kiến các cộng sự viên tại Giáo Triều Roma để bày tỏ những lời chúc mầng Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã cho biết: cuộc khủng hoảng nổi lên trong lòng Giáo Hội tiếp theo sau Công Đồng Vatican II không phải do các văn kiện Công Đồng, nhưng đúng hơn, do sự giải thích các văn kiện đó.

Để đánh dấu bốn mươi năm bế mạc Công Đồng Vatican II, tập san “The B.C. Catholic” thuộc Tổng Giáo Phận Vancouver B.C. Canada, số 45, quyển LXXV, phát hành ngày 12-12-2005, đã dành trọn 12 trang đặc biệt để đưa ra một cái nhìn có tính cách tổng kết, căn cứ trên một số bài viết của nhiều tác giả người Canada, Hoa-Kỳ cũng như vài quốc gia khác, đăng rải rác trên nhiều tạp chí.

Chúng tôi đã sắp xếp và đúc kết lại để cống hiến quý độc giả như là một cái nhìn lại quá khứ Công Đồng Vatican II, tuy không đầy đủ, nhưng cũng đưa ra vài nét chấm phá, ngỏ hầu nhận ra đường hướng của Giáo Hội trong bốn mươi năm qua và còn tiếp diễn trong nhiều thập niên tới.

Ngày nay có một số người kỳ vọng một Công Đồng Vatican III sẽ được mở ra để canh tân Giáo Hội hơn nữa, ngỏ hầu theo kịp đà tiến của thế giới. Tuy nhiên, cha ông chúng ta đã nói: “dục tốc bất đạt”. Giáo Hội trong thời cận đại và hiện đại đã trài qua hai Công Đồng Chung: Công Đồng Vatican I (1869-1870) bị gián đoạn vì chiến tranh ở Âu châu và Công Đồng Vatican II (1962-1965) mà những giáo huấn chưa được thi hành thỏa đáng thì Công Đồng Vatican III, nếu xảy ra chưa đúng thời cơ, có thể bị rơi vào đại khuyết điểm “đốt giai đoạn” và kết quả là “lợi bất cập hại”.

Nhìn chung, các công đồng xảy đến trong suốt chiều dài Giáo Hội là công việc của Chúa Thánh Linh. Nhưng tác động của Ngài thì đột xuất, như Chúa Giêsu đã ngỏ lời với ông Ni-cô-đê-mô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu.” (Gioan 3, 8)



-II- HOÀI NIỆM CỦA MỘT VỊ HỒNG Y NGHỊ PHỤ NGƯỜI CANADA

Một người chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi Công Đồng là Đức Hồng Y George Bernard Flahiff, sinh ở thành phố Paris, Ont. Canada. Là một linh mục xuất sắc thuộc Dòng Thánh Basile, đồng thời là giáo sư và bề trên tổng quyền, ngài đã được chọn làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Winnipeg Canada năm 1961 và được thăng chức Hồng Y năm 1969 bởi Đức Thánh Cha Phao-lồ VI.

Đức Hồng Y Flahiff là một Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II. Ngài đã giữ môt vai trò then chốt trong việc soạn thảo nhiều văn kiện Công Đồng. Ngài đã mời gọi Cộng Đồng Dân Chúa tuyên xưng chân lý của Đức Kitô về đức bác ái và công bình. Ngài đã ngỏ lời tại các Thượng Hội Đồng Giám Mục vào những năm 1967 và 1974 bằng cách nhắc nhở Giáo Hội về sự cam kết của Phúc Âm đối với tâm từ bi, đức công bình, sự bình đẳng và liêm chính đối với hết mọi người.

Đức Hồng Y đã hồi hưu kể từ năm 1982 và qua đời năm 1989. Cha Thomas Rosica - người chịu trách nhiệm tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Toronto trước đây và cũng là thành viên của Dòng Thánh Basile – đã ghi lại biến cố xảy ra vào một đêm đông năm 1985 khi ngài và Đức Hồng Y được Đức Giám Mục Anh Giáo hồi hưu là Henry Hill mời tham dự một buổi Kinh Chiều trọng thể tại Tu Viện Thánh Gioan của Anh Giáo ở miền đông Toronto.

Khi họ tới tu viện, Đức Giám Mục Anh giáo và Mẹ Bề Trên cầm đèn cầy thắp sáng đón tiếp, vì đèn điện bị tắt ngúm toàn vùng nên đèn cầy được thay thế! Họ đi lên nhà nguyện và căn phòng sáng rực bởi cả trăm ngọn đèn cầy mà bóng chập chờn đưa qua đưa lại trên các bức tường và trần nhà.

Một bữa ăn thú vị tiếp theo sau đó cũng được rực sáng bởi những ánh đèn cầy! Khi bữa ăn tối chấm dứt, Đức Giám Mục Hill ngỏ lời với các nữ tu về vai trò then chốt của Đức Hồng Y Flahiff tại Công Đồng Vatican II, đặc biệt là ở trong những lãnh vực đại kết và sự đổi mới về đời sống tu trì.

Kế đó Đức Hồng Y đã chia sẻ một vài kỷ niệm về Công Đồng. Ngài cho rằng chính chúng ta thường thích sống trong bóng tối cuộc đời và của lịch sử Giáo Hội: “Chúng ta thường sợ ánh sáng bởi vì ánh sáng sẽ phát hiện chúng ta.” Ngài kết luận: “Ước mong vẻ đẹp của những ánh đèn cầy tối nay sẽ nhắc nhở chúng ta về ánh sáng Chúa Kitô đang xé tan bóng tối …và về lời hứa của Chúa chẳng bao giờ lìa bỏ chúng ta là những Kitô hữu trong suốt cuộc hành trình tiến về thiên quốc.”

Trong cuộc sống âm thầm của ngài, Đức Hồng Y đã đem ra thực hành một cách nghiêm túc những văn kiện Công Đồng, bằng cách đem Lời Chúa vào trong cuộc sống chứng nhân hằng ngày, trao ban một sứ điệp về vui mầng và hy vọng cũng như đối thoại với những người thuộc thời đại chúng ta.

Linh mục P. Wallace Platt, cũng thuộc Dòng Thánh Basile, khi viết về tiểu sử Đức Hồng Y đã nhắc nhở với một tấm lòng biết ơn đối với những bài học mà Đức Hồng Y đã dạy dỗ, không những về “tinh thần Công Đồng Vatican II” mà còn bằng cuộc sống gương mẫu của một vị hoàng tử và đồng thời cũng là một công bộc lớn lao của Giáo Hội.

(Phỏng theo LM Thomas Rosica Toronto Sun)

(CÒN TIẾP)