Chuyện phiếm: XIN TẠ ƠN

‘Rất nhiều quốc gia đã hỗ trợ, nhưng không nước nào đã giúp nhanh và nhiều như Canada’, đó là lời cám ơn của Ông David Wilkins đại sứ Hoa Kỳ tại Canada nói với báo chí. Tổng thống Bush cũng lên tiếng cám ơn Canada như vậy. Canada đã gửi 1.000 quân sĩ, tàu chiến, máy bay, trực thăng tới miền New Orleans tiếp cứu các nạn nhân trận bão Katrina rất sớm. Đoàn tiếp cứu Canada đã đến trước cả vệ binh đoàn của Mỹ. Sống ở đây hơn 30 năm, càng ngày tôi càng thấy lòng bác ái và nhân đạo của người xứ này thật là rộng vô bờ. Em bé đi học cũng được cô giáo dạy cho cách làm việc bác ái. Ngay khi thiên tai Katrina xảy ra, không ai bảo ai, khắp cõi Canada chỗ nào cũng tự động đứng ra quyên tiền cứu trợ. Nói đâu xa, ngay tiệm bán rượu đầu ngõ nhà tôi cũng mở sổ vàng nhận quà cứu trợ nạn nhân. Và ngay cả làng nhậu tôi đây, cũng vậy, cũng bớt tiền ăn sáng trong một tuần, góp lại, đem bỏ vào quỹ cứu trợ nơi nhà thờ Cha Paolo.

Nhân nói tới Cha Paolo, xin kể ngay chuyện nhà cụ Chánh, tiên chỉ làng nhậu của chúng tôi. Hằng năm, cứ đến Lễ Tạ Ơn vào tháng Mười này là Cụ Chánh mở tiệc đãi Cha Paolo rất trọng thể. Năm xưa gia đình cụ Chánh, vượt biên tới trại tỵ nạn Mã Lai, đã được nhà thờ Cha Paolo tiếp cứu và bảo trợ đem sang Canada. Mỗi lần nhắc tới ơn này, cụ Chánh bao giờ cũng nói với nước mắt lưng tròng. Cụ bảo mình đang sống khổ cực mịt mù tương lai thì được ngài cứu vớt, đưa sang đất nước Canada này, lại còn coi mình như anh em ruột thịt, thật như đang từ hoả ngục được đưa thẳng lên thiên đàng. Mỗi lần nghe cụ Chánh ca ngợi công ơn thì bao giờ Cha Paolo cũng vẫy vẫy bàn tay. Ngài bảo ngài chỉ làm theo lời Chúa dạy. Năm nay khi điệp khúc cám ơn của Cụ Chánh bắt đầu thì ngài nói : Thực ra thì tôi phải cám ơn Cụ và cả gia đình, vì nhờ có hoàn cảnh bi đát của cụ mà tôi mới được dịp thi hành lời Chuá dạy. Bài giảng đầu tiên của Chúa khi ra truyền đạo là bài công bố tin mừng cứu độ, người Công giáo quen gọi bài này là Tám Mối Phúc Thật, trong đó có câu ‘Ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được Thiên Chúa thương xót vậy’.

Để mở đầu bữa ăn, Cụ Chánh xin Cha Paolo cầu nguyện. Cha Paolo liền nói ngay : Nếu hôm nay không phải là lễ Tạ Ơn thì tôi xin vâng lời cụ, nhưng hôm nay là ngày đặc biệt, cụ nói lời cám ơn Thượng Đế thì hợp hơn. Cụ Chánh suy nghĩ một chút rồi gật đầu bằng lòng. Cả làng đang cười nói, không ai bảo ai tự nhiên im lặng và cúi đầu. Không khí trở nên nghiêm trang lạ lùng. Giọng Cụ Chánh đầy vẻ xúc động. Cụ nói thế này : Lạy Thượng Đế, chúng con đội ơn Ngài đã ban cho tất cả chúng con rất nhiều phước lành. Đặc biệt chúng con đội ơn Ngài đã sai Cha Paolo sang trại tỵ nạn cứu chúng con, đưa chúng con tới miền đất hạnh phúc này. Chúng con đội ơn Ngài đã cho chúng con có Cha Paolo tới lui với gia đình chúng con như một người anh em nghĩa thiết. Chúng con đội ơn Ngài đã cho chúng con ổn định đời sống ở đây và đã cho chúng con những người có mặt trong bữa ăn này được kết thân với nhau. Chúng con đội ơn Ngài đã cho chúng con dư thừa thức ăn và có được những thứ đầy hương vị quê hương VN.

Cha Paolo thưa ‘Amen’ rồi ôm lấy cụ Chánh. Ngài bảo những lời cụ vừa nói hay hơn bài giảng ở nhà thờ của ngài sáng nay. Cả làng ai cũng cảm động về những lời cụ Chánh vừa nói. Làng nhậu của chúng tôi thật may mắn có một ông tiên chỉ tốt lành và đạo đức như vậy.

Lễ Tạ Ơn ở Canada vào đầu tháng Mười, đi trước Hoa Kỳ một tháng. Theo sách vở thì lễ có gốc từ năm 1578 khi ngài Bá Tước Martin Frobisher tới cực bắc của giải đất mà sau này là Canada và nghĩ rằng đã tìm ra mỏ vàng cho Anh quốc. Lúc đó là lễ tạ ơn vì mỏ vàng, bây giờ ý đó biến đi nhường chỗ cho ý tạ ơn Thượng Đế đã cho thu hoạch mùa màng đầy tràn.

Anh John nhìn tôi rồi vừa cười vừa nói : sách vở chép vậy thì biết vậy, chứ chưa chắc đã đúng như vậy. Chuyện này xin để tồn nghi.

Xin được trở về bữa ăn tại nhà Cụ Chánh, bữa ăn truyền thống hằng năm. Các cụ có biết Cụ Chánh đãi Cha Paolo món gì trong lễ tạ ơn này không ? Năm nay, tiệc này đặc biệt lắm. Cụ Chánh bảo : “Lão thấy ngày lễ Tạ Ơn Cha Paolo cho trang trí nơi bàn thờ la liệt bí ngô và bắp ngô, ngụ ý đây là sản phẩm đồng ruộng được Chuá ban. Nhân ý ấy, bữa nay lão xin hái hết rau trái trong vườn trồng được từ đầu mùa xuân để nấu bữa này”. Cụ đã thết món lẩu và món tả pí lù ! Cụ làm ngon thiệt, mình tay cụ làm mới ghê chứ. Lẩu và tả pí lù là hai món có lò lửa ngay trên bàn ăn. Lẩu khác tả pí lù ở chỗ lẩu thì xài các thức ăn đã nấu chín rồi, lò lửa chỉ có phận sự làm cho nóng lại. Tả pí lù thì các thức ăn hãy còn tươi, các thứ rau còn tươi, thịt gà bò tôm cua cá còn tươi. Thực khách tự ý chọn lựa những thứ mình thích và bỏ vào lò lửa đang sôi trước mặt, rồi nấu chín tuỳ theo độ mình thích. Nấu xong thì múc vô bát, ăn cả cái cả nước, nóng khói ngùn ngụt.

Lần đầu tiên Cha Paolo được ăn lẩu và tả pí lù thì tỏ ra sung sướng qúa chừng. Giữa bữa ăn, như chợt nhớ ra điều gì, ngài cất tiếng hỏi rằng bên VN có lễ Tạ Ơn như Canada không. Chưa ai biết trả lời ra sao thì may qúa anh John lên tiếng : Thưa có và có rất hiển hách. Chuyện này liên hệ tới lịch sử của cả 2 nước. Anh vừa nói, vừa nhìn tôi. Rằng ở VN có lễ tạ ơn mang tên là Lễ Cơm Mới, cũng gọi là Tết Cơm Mới. Theo tục lệ VN thì ngay đầu mùa gặt, người VN lấy những bông luá đầu tiên xay giã ngay và thổi cơm nấu xôi ngay rồi đem tế Ông Trời, tạ ơn Ông Trời đã cho được mùa lúa chín. Dân VN ai cũng mừng lễ tạ ơn này. Người Da Đỏ, gốc từ bày con theo Mẹ Âu Cơ khi xưa tiến lên phương bắc, cũng giữ lễ Tạ Ơn Cơm Mới. Nhưng vì thổ ngơi xứ này khác thổ ngơi VN nên người Da Đỏ phải thu hoạch xong mùa màng rồi mới làm lễ Tạ Ơn. Vậy lễ Tạ Ơn Canada này là do lễ Cơm Mới của VN mà ra, chứ không phải do cái ông tây cà lồ Martin Frobisher tìm ra cái mỏ vàng rồi làm lễ tạ ơn như sách vở đã ghi.

Cha Paolo trước đây đã có lần nghe lập thuyết người Da Đỏ là người VN và nay lại nghe Lễ Tạ Ơn ở Canada phát xuất từ VN thì khoái chí lắm. Ngài cười hích hích rồi trả lời anh John : Theo anh thì người Da Đỏ gốc từ VN mà ra, như vậy người VN và người Da Đỏ là anh em với nhau, và người VN đang sống trên đất mà trước đây thuộc về người Da Đỏ, tức là đang sống trên đất của anh em nhà mình, có phải không nào ? Anh John thưa ngay : Thưa, đúng vậy. Xin hết lòng bái phục Cha vì chỉ có Cha là hiểu thấu đáo lịch sử. Nói xong thì cả làng cùng cười, vui vẻ quá sức.

Trời tháng Mười đã hơi se lạnh, thực khách ngồi trong phòng ấm áp, lò lửa ngay giữa bàn, món ăn đầy ắp hương vị quê hương, chung quanh toàn người thân yêu, người gốc Bắc, người gốc Nam, ai cũng trân quý nhau như anh chị em ruột, ôi những điều sung sướng này như chuyện thần tiên, như những phép lạ. Xin tạ ơn Ông Trời, xin tạ ơn Thượng Đế.

Sau câu chuyện cười vui như tết về người Da Đỏ gốc VN, và sau tuần trà cuối bữa, Cha Paolo xin cáo từ ra về để kịp dự buổi biểu tình. Nghe ông cha đi biểu tình thì ai cũng kinh ngạc. Cha vội giải thích ngay : Đây là biểu tình chống việc phá thai mang tên ‘Life Chain’. Đây là việc giáo dân đứng ở góc đường giơ cao biểu ngữ ‘phá thai là giết người’. Việc này do giáo phận Toronto tổ chức quanh năm, mỗi giáo xứ nhận một ngày ra đứng ở ngã tư, yên lặng giơ cao biểu ngữ để gây sự chú ý của mọi người. Chỉ nối vòng tay nhau đứng im lặng. Đứng như thế trong một giờ mà thôi, rồi tự động giải tán. Hôm nay giáo xứ của ngài phụ trách việc biểu dương này.

Cha Paolo ra về một cái thì cái không khí vui vẻ ‘thánh thiện’ được đổi chiều, nó biến ra cái không khí vui vẻ trần tục ngay. Chị Ba Biên Hòa hôm nay tỏ ra sung sướng khác thường. Chị bảo bữa nay phe liền bà cho phe liền ông được tự do kể các chuyện tục cười cho đã, và trước khi ra về, phe chúng tôi xin thết phe các ông hai nồi cháo vịt, một nồi nấu theo kiểu Bắc Kỳ, một theo kiểu Nam Kỳ. Chà, mới chỉ nghe xướng danh mà đã thấy ngon quá chừng.

Nghe tới cháo vịt, ông ODP xin kể một chuyện ăn cắp vịt nấu cháo mà ông đã tham dự cách đây gần 50 chục năm. Ông này đúng là một bồ chuyện. Tôi chơi với ông đã gần ba chục năm, nghe ông kể đã nhiều chuyện, thế mà chuyện tôi cho là kỳ thú này thì chưa hề nghe. Chuyện như sau : Hồi năm 1957 hay 1958 gì đó, ông là thiếu úy coi một trung đội đóng đồn canh gác một cây cầu miền Hậu giang. Những năm này là những năm thanh bình thực sự ở Miền Nam. Cả ngày ngồi nhìn cầu, nhìn sông, nhìn mây, nhìn nước, mấy anh lính của ông đâm chán nên kiếm ra nhiều chuyện để tiêu khiển. Bữa đó có anh lính đến xin phép biểu diễn ăn cắp hai con vịt. Nghe 2 tiếng ‘ăn cắp’ thì ông nhăn mặt, nhưng anh lính trấn an ngay : thiếu úy cứ cho phép em biểu diễn màn này vì cả trung đội đang thách thức em. Sáng mai em sẽ đến gặp chủ đàn vịt và trả tiền hẳn hoi. Nghe hấp dẫn quá. Ông chịu liền.

Các cụ còn nhớ ngày xưa miền Nam bán nước mắm theo tĩnh, một cái bình bằng đất nung, hình quả trám, có dung lượng chừng 4 lít không ? Mua về nhà rồi ta mới sớt ra chai. Cái tĩnh bỏ lăn bỏ lóc ngoài vườn. Thỉnh thoảng ta thấy nó trôi ở sông. Người Nam gọi tĩnh là tĩn. Anh lính lấy một cái tĩnh, đổ nước đầy 2/3, và gài 2 lưỡi câu ở mép tĩnh, rồi mắc mồi tôm mồi tép. Cái tĩnh này được nối với một sợi giây dài và thả trôi theo dòng nước chảy xuống chỗ bầy vịt đang ăn. Vịt thấy mồi tôm mồi tép liền táp ngay. Hai chú vịt mắc lưỡi câu nên vùng vẫy mạnh làm cho nước sông tràn vô đầy cái tĩnh. Cái tĩnh đầy nước thì hoá nặng và từ từ chìm xuống đáy sông, kéo theo 2 chú vịt mắc lưỡi câu ở mép tĩnh. Sự việc xảy ra rất nhẹ nhàng nên anh chăn vịt không hề trông thấy. Anh chèo thuyền dẫn đàn vịt đi chừng nửa cây số thì chú lính mới ra sông, theo đường giây đã nối với cái tĩnh. Anh thong thả kéo cái tĩnh và hai con vịt từ đáy sông lên, rồi làm một nồi cháo đãi cả đồn.

Phe liền bà nghe xong chuyện này đều tấm tắc khen hay nhưng lại thắc mắc : sao bữa nay, chuyện thì có hay nhưng không có mùi mặn gì cả. Các cụ thấy chưa, các bà là chúa thích nghe chuyện tục, nhưng bao giờ cũng giả bộ không thích và chê là tục quá. Chị Ba Biên Hoà lại tiếp : mà hình như các chuyện mặn đều có mùi Bắc Kỳ. Câu này đã chạm phải mạch điện của bồ chữ ODP. Ông phản pháo ngay : Câu này hoàn toàn sai. Chuyện mặn mùi Nam Kỳ cũng kinh lắm. Tôi không cần nói chuyện mặn thịnh hành bây giờ vì nhiều quá, tôi xin kể chuyện mặn Nam Kỳ cách đây áng chừng 100 năm. Rồi ông kể chuyện bà xôn xồn gánh 2 con heo đi chợ bán, gặp một cái anh dê xồm. Anh này thật là dê qúa xá. Cuối cùng thì cái bà xồn xồn mất cả hai con heo con lẫn con heo mẹ ở nhà. Anh kể theo sách của Cụ Trương Vĩnh Ký.

Kể xong, ông ODP hỏi Chị Ba Biên Hoà : bây giờ chị thấy chuyện Nam có mặn hơn chuyện Bắc chưa ? Chị Ba mặt đỏ au, không cãi được nên đánh trống lảng đổi đề tài : Em xin chịu bồ chữ Bắc Kỳ, cho dù em không chịu cũng không nói lại bồ chữ. Rồi chị quay ra nói với mọi người : Bây giờ, xin cả làng cho tôi được nói về một điều mà lâu nay nó cứ phảng phất trong đầu tôi hoài. Điều ấy như thế này : Mỗi lần nghĩ tới việc được cha mẹ sinh ra, cho làm người, cho ăn học thì tôi thấy mình hạnh phước vô cùng. Lại lấy được chồng xứng đáng. Lại sinh được con và nuôi con nên người. Thật hạnh phước vô cùng. Đây là đỉnh cao của ngọn núi hạnh phước. Ở trên đỉnh ngọn núi này tôi nhìn xuống vực sâu, tôi nhìn thấy những đứa trẻ bạc phận, không được cha mẹ cho sinh ra mà bị giết ngay trong bụng mẹ, Tôi muốn nói tới việc phá thai, tôi thấy đau nhói trong tim. Hôm nay, Cha Paolo nói tới việc hô hào chống phá thai thì hợp ý tôi quá. Gần đây tôi đọc trên báo bài ông Phan Văn Bình kể chuyện Cha Nguyễn Văn Đông chôn cất thai nhi, tôi cảm động quá. Tôi đã giữ bài này trong người. Nay xin đọc để cả làng chia sẻ với tôi niềm hạnh phúc được làm người.

Vai chính là LM NGuyễn Văn Đông. Có lẽ đây chính là ông Cha Đông mà năm ngoái tôi đã kể việc ngài lội rừng vào thăm mấy người Thượng già ở miền cao nguyên bị hủi và con cái đem vào rừng để cách ly và chờ chết. Chuyện kể như sau :

Hôm đó Cha Nguyễn Văn Đông tiếp nhận một thai đã đủ hình hài để chôn cất. Lúc tẩm liệm, khi nắm bàn tay em bé thì ngài cảm thấy mấy ngón tay bé nắm chặt lấy tay ngài, nắm thật chặt như không muốn rời bàn tay Cha Đông. Ngài cảm thấy bàng hoàng, ngài liền nhìn thai nhi rồi nói : mẹ con bỏ con, không cho con sống, nhưng con còn có Chúa sẽ đón nhận con, và cha đây sẽ tẩm liệm và tiễn đưa con. Tự nhiên mấy ngón tay thai nhi buông bàn tay ngài ra. Và ngài vừa cầu kinh vừa liệm em bé. Thi sĩ Xuân Vũ Trần Đình Ngọc biết việc này đã làm bài thơ thác lời thai nhi nói với cha mẹ :

Con muốn cho cha mẹ được biết
Con đã là người với tim óc tứ chi
Mẹ đừng nghĩ là con không biết gì
Chỉ có nói là con chưa biết nói.
Hãy sinh con ra ! Nghe theo tiếng gọi
của chính con, của nhân loại lương tri.
Cho con thành người, con mong mỏi qúa đi !
Nhẫn tâm giết, tội sát nhân gớm ghiếc !
Con kết tinh của tình yêu tha thiết
của cha mẹ, của tinh khí anh hoa
Sao giờ đây cha mẹ lại dè bỉu
Chính đứa con, giọt máu của mẹ cha ?
Xin cho con ra đời dù không hoan hỉ
Bỏ con nơi bố thí, viện tế bần
Con muốn sống muôn ngàn lần hơn chết !
Những lời này thật vô cùng tha thiết
Xin ngưng tay, hãy bớt giận, con xin
Để con sống dù không nhìn con nữa
Xin hãy gắng, hãy thương con rộng lượng,
Mẹ cha không tủi hổ vì con đâu.
Con nằm đây hai tay chắp nguyện cầu
Xin Thượng Đế cho cha mẹ can đảm
Cha thương con, chớ giết con mẹ nhé !

Chuyện kể tiếp : Bàn tay Cha Đông vấy máu vì tẩm liệm thai nhi bị giết. Lúc rửa tay, ngài thấy bàn tay của ngài chỗ mấy ngón tay thai nhi vừa nắm trước đây có mụn nhọt từ lâu không chữa khỏi, tự nhiên mụn nhọt đó biến mất. Ai bảo thai nhi chưa sinh ra vô tình và không biết gì ? Cuối bài, tác giả còn in hình nghĩa trang nơi Cha Đông đã đi lượm xác các thai nhi bị vất bỏ, rồi đem tẩm liệm và chôn cất.

Đọc đến đây thì mắt Chị Ba nhạt nhòa. Chị xin tôi đăng chuyện này lên để may ra lọt vào mắt những bà mẹ đang có ý nghĩ phá thai. Tôi xin vâng. Chị Ba còn muốn tôi nhắc tới những điều luật nhân đạo bên Hoa Kỳ. Chẳng hạn để làm nản lòng các bà mẹ định phá thai, thì luật ở tiểu bang Georgia buộc bác sĩ phải thông báo cho người mẹ biết thai nhi đã sống được bao nhiêu tuần trong bụng và bào thai này sẽ cảm thấy đau dớn khi bị phá. Chẳng hạn luật tiểu bang Indiana buộc bác sĩ phải cho người mẹ nhìn thấy hình ảnh bào thai cử động và nghe thấy nhịp đập của tim thai nhi.

Chị Ba đã làm cả làng chúng tôi cảm động. Xưa nay chúng tôi vẫn coi chị như một người vợ thông minh, phúc hậu, đạo đức và duyên dáng của anh John, mà quên rằng Chị Ba trước 1975 là một cô giáo, đã từng dạy các em bé VN, và đã yêu trẻ.

Cụ Chánh xin góp ý. Việc làm của LM Nguyễn Văn Đông trên đây thật phúc đức, nhân đạo và đáng ca ngợi quá. Cha là người đã theo chân Mẹ Teresa Calcutta. Khi còn sinh thời Mẹ sống với lớp người mạt hạng của xã hội Ấn Độ. Mẹ thường gặp trẻ sơ sinh bị vất ngoài đường, mẹ đã bế các em bé này về nuôi. Nếu gặp một bà mẹ định phá thai thì Mẹ năn nỉ. Mẹ xin bà cố giữ thai và sinh son. Mẹ hứa với bà khi sinh xong thì Mẹ sẽ lãnh đứa con về nuôi.

John tiếp lời : Cụ Chánh nói rất đúng ý vợ chồng chúng tôi. Mẹ Teresa luôn luôn chống việc phá thai. Ngày 20.2.1994, Mẹ Teresa là khách danh dự trong buổi cầu nguyện với 3000 người ở Thủ đô Washington DC, có ông bà tổng thống Clinton tham dự. Mẹ đã nói thế này : ‘Nếu chúng ta chấp nhận việc người mẹ được giết chính đứa con trong bụng mình thì làm sao chúng ta có thể khuyên nhủ người khác đừng giết người ?’

Nhân mùa lễ Tạ Ơn, xin các cụ cùng chúng tôi tạ ơn Thượng Đế và tạ ơn cha mẹ đã cho chúng ta được sinh ra làm người.