Ký ức ngày thơ ấu của tôi về nhà thờ Tân Chí Linh

Tôi sinh ra và sống thời thơ ấu trong căn nhà lá đối diện với nhà thờ Tân Chí Linh, hạt Chí Hòa (Sài Gòn). Có lẽ vì thế mà việc hình thành nhân cách của tôi cũng có phần được ảnh hưởng bầu khí của xứ đạo và sự phát triển của một cộng đoàn giáo dân.

Từ lúc chập chững biết đi đến khi nhận ra sự việc chung quanh, tôi không biết đồng lúa, thảm cỏ là gì vì đây là khu vực giáo dân gốc ở Bùi Chu, Hưng Yên, Thái Bình ….di cư từ miền Bắc vào đây tạo thành một xứ đạo sầm uất, có những căn nhà san sát nhau.

Cái sân nhỏ bé của nhà tôi hòa vào cái sân rộng lớn cuối nhà thờ. Bố tôi trồng một giàn dưa Tây trước cửa, những trái dưa bằng nắm tay, màu xanh nhạt cứ lớn dần làm tôi rất thích mắt. Rồi hằng ngày, tôi dược theo mẹ vào nhà thờ. Chắc là vì có con nhỏ nên mẹ tôi thường ngồi hàng ghế cuối; còn tôi cứ nghịch mấy cái ghế gỗ nhỏ để gần đó. Nghe mẹ tôi kể rằng: Khi tôi còn nằm trong bụng mẹ thì nhà thờ bắt đầu xây, số sắt để làm khung nhà thờ là do cha sở xin của một đơn vị quân đội Mỹ, đang đóng quân ở Tân Sơn Nhất. Khi tôi thôi bú mẹ thì nhà thờ đã cao ráo, tươm tất, được quét vôi màu vàng.

Ở vùng này gần một con sông nên mỗi tháng hai lần triều cường, nước lên. Mỗi lần có nước lên bọn trẻ chúng tôi rất thích, tha hồ mà dằm mà đẵm, chả bù cho người lớn cứ thấy nước ngập thì than khổ!

Ngày ấy, bố tôi là một thanh niên trẻ, đẹp trai, hay đốt đèn cho nhà thờ. Cả một khu vực mà chỉ có nhà thờ và nhà tôi là đốt đèn “ măng - xông “ (đó là một cái đèn làm bằng sắt, cao chừng năm mươi phân, có một bầu đựng dầu ở dưới, có bộ phận bơm hơi, khi bơm bằng tay thì dầu và hơi chạy lên làm sáng bóng đèn) còn những nhà khác chỉ đốt đèn dầu. Hình ảnh nhà lá và đèn dầu rất quen thuộc trong mắt tôi. Có đèn măng - xông, nhiều đứa trẻ thích đến trước sân nhà tôi đùa nghịch làm cho tôi rất thích. Mới có tí tuổi đầu mà tôi đã biết bày cho tụi nhỏ chơi trò này hay trò khác….phải chăng óc tổ chức của tôi được hình thành từ đó và sự vui nhộn của tuổi thơ ấy sau này làm cho tôi rất sợ nỗi cô quạnh, những nơi quá vắng vẻ yên tĩnh.

Bố tôi làm được nhiều việc cho nhà thờ hơn khi ông thành lập ra Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và làm Đoàn Trưởng tiên khởi. Đoàn này thu hút nhiều thanh niên trong xứ đạo, nhà tôi hay đông vui vì có nhiều người ra vào hơn. Có ông trưởng ấp tên là Tài Khoát cho Đoàn Liên Minh Thánh tâm của bố tôi làm số nhà cho cả ấp. Số tiền thu được dùng vào việc mua cờ Đoàn và tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu mà đến nay bức tượng vẫn còn.

Đến tuổi mẫu giáo, tôi được gửi vào học tại tu hội Tận Hiến, nơi có người cô, em họ của bố tôi đang tu ở đó. Mỗi tuần tôi chỉ được về nhà một lần. Chưa hết tuổi nũng nịu mà tôi phải ăn uống theo giờ, ngủ đúng giấc, phải đọc kinh, dự lễ thì ngồi yên không được nhúc nhích và lúc nào cũng phải nề nếp. Có lẽ vì không được vui đùa cho no đủ tuổi trẻ con nên sau này bung ra, tôi nghịch ngợm kinh khủng và chỉ ưa thích sự tự do mà thôi

Tu hội Tận Hiến (ICM) đã có mặt ở xứ đạo Tân Chí Linh rất sớm, góp phần phát triển xứ đạo với những hoạt động rất phong phú như mở trường mẫu giáo, dạy giáo lý, trông coi trẻ con trong giờ lễ, diễn văn nghệ…….làm cho khu vực này thêm nề nếp.

Tôi được vào đội múa của cô tôi. Mỗi lần có dịp múa cho các cha coi tôi rất thích vì được đánh môi son, cài nơ màu hồng trên đầu. Cả một vùng toàn là người công giáo có gốc ở miền Bắc nên xứ đạo có cách giữ đạo rất “ miền Bắc “ như rước kiệu, hôn chân Chúa trong hang đá có cây lá hoa đèn, diễn lại cuộc tử nạn Chúa Giêsu như là thật, cả mấy gia đình cùng đọc kinh tối …..nên những sự việc đó đi vào tâm trí tôi là những dấu ấn phó phai. Sau này, cũng giống như bố tôi, tôi ưa chuộng công việc của nhà thờ trong vị trí người giáo dân và việc đến nhà thờ hằng ngày là một điều không thể thiếu.

Giáo dân Tân Chí Linh ngày đó có cách cư xử với nhau rất mộc mạc, có tình có nghĩa. Có chuyện gì là thanh niên ùa ra tiếp cứu. Ít ai dám làm điều gì xấu vì áp lực của xóm làng quá lớn. Có lần hai chị em tôi đi lạc từ cuối nhà thờ sang khu Cầu Sạn, em trai tôi khóc ầm ỹ, một bà hỏi han rồi dắt chúng tôi về tận nhà giao cho mẹ tôi. Cảm giác lạc lối lần đầu tiên đó làm tôi nhớ mãi; sau này lớn lên tôi thấy nếu mất hướng trong cuộc đời hay lạc lối trong công việc thì sợ hãi hơn nhiều.

Một kỷ niệm nữa không quên là cô tôi thường dắt tôi đi thăm các cha mà trong mối tương quan của những người tu hành ắt có. Thế mà có lần, cô tôi bắt tôi mặc quần áo chỉnh tề, tôi hí hửng tưởng được đi đâu nhưng cô dắt tôi vào nhà thờ Tân Chí Linh, quì trước tượng Đức Mẹ rồi khuyên tôi nên đi tu. Tôi hỏi lại: “ Đi tu là vào nhà Tận Hiến ở luôn phải không ạ ? Có bố mẹ, chị và em trai vào đó không? “ Cô tôi lắc đầu. Mới bảy tám tuổi đầu mà tôi nói dứt khóat: “ Không có bố mẹ, chị và em ở bên cạnh thì cháu chẳng đi đâu hết! “. Tôi vẫn lắc đầu khi cô hỏi lại lần thứ hai. Ra khỏi nhà thờ, cô buông tay tôi, tôi chạy ù về nhà với mẹ mà lòng sung sướng vô cùng. Còn cô tôi, sau này là mẹ đỡ đầu cho tôi, mặt buồn buồn đi về phía nhà tu hội. Chẳng hiểu ngày đó cô nghĩ gì? Sau này, mỗi lần cầu nguyện cho các linh mục, tôi cầu nguyện cho cô tôi cũng được ơn bằng các cha xứ.

Cuộc sống đang êm đềm trôi, bố tôi phải chuyển nhà sang Đền Thánh Vinh Sơn thuộc khu giáo 8, xa tít bên kia đường; và cả dãy nhà quanh đó cũng phải đi nơi khác để cha xứ xây trường học. ( Sau này khu giáo 8 trở thành giáo xứ Vinh Sơn và trường học gần nhà thờ vẫn còn đó).

Đã mấy chục năm qua, rời tuổi ấu thơ mà mỗi lần đi qua nhà thờ Tân Chí Linh, tôi vẫn còn nhớ như in những gì đã trải dài qua quãng đời thơ ấu ấy. Dù nhà thờ có xây mới lại, dù người dân có thay đổi thì những bước chân tung tăng của tôi vẫn in dấu trên mảnh đất thân thương có ngôi nhà thờ cao to ấy.