LƯƠNG TÂM VÀ SỰ THẬT


Đức Hồng Y Joseph Ratzinger

“Theo nghĩa này, Thánh Phaolô có thể nói: Dân Ngoại là lề luật cho chính họ—không phải theo nghĩa của khái niệm tự chủ cấp tiến hiện đại, một nghĩa loại bỏ tính siêu việt của chủ thể, nhưng theo nghĩa sâu sắc hơn nhiều đó là không có gì thuộc về tôi ít hơn chính tôi.”
Newman và Socrates: hướng dẫn lương tâm (1)



... Vào thời điểm này, tôi muốn tạm thời lạc đề một chút. Trước khi chúng ta cố gắng hình thành những câu trả lời hợp lý cho những câu hỏi về yếu tính của lương tâm, trước tiên chúng ta phải phần nào mở rộng cơ sở của những xem xét của chúng ta, vượt ra ngoài phạm vi bản thân cho đến nay vốn tạo thành khởi điểm của chúng ta. Chắc chắn, mục đích của tôi không phải là cố gắng khai triển một nghiên cứu học thuật về lịch sử các lý thuyết về lương tâm, một chủ đề được nhiều đóng góp khác nhau gần đây bàn tới. Tôi thích ở lại với cách tiếp cận bằng thí dụ và tường thuật của chúng ta từ trước cho đến nay hơn. Cái nhìn đầu tiên nên hướng tới Đức Hồng Y Newman, người mà cuộc đời và công trình có thể được coi như một bài bình luận tuyệt vời duy nhất về vấn đề lương tâm.

Cũng không nên đối xử với Đức Hồng Y Newman theo phương cách kỹ thuật. Khuôn khổ nhất định không cho phép chúng ta cân nhắc các điểm đặc thù trong khái niệm lương tâm của Đức Hồng Y Newman. Tôi chỉ đơn giản muốn cố gắng chỉ ra vị trí của lương tâm trong toàn bộ cuộc đời và suy nghĩ của Đức Hồng Y Newman. Các hiểu biết sâu sắc thu được từ điều này hy vọng sẽ làm sắc nét hơn quan điểm của chúng ta về các vấn đề hiện tại và thiết lập mối liên hệ với lịch sử, nghĩa là, với cả những chứng nhân vĩ đại của lương tâm lẫn với nguồn gốc của tín lý Kitô giáo phải sống theo lương tâm. Khi chủ đề Newman và lương tâm được nêu ra, câu nói nổi tiếng trong lá thư ngài gửi cho Công tước đảo Norfolk ngay lập tức xuất hiện trong đầu: “Chắc chắn rồi, nếu tôi buộc phải nâng ly chúc mừng tôn giáo sau bữa tối, (điều này thực ra có vẻ ít khi xẩy ra) Tôi sẽ uống—thưa Đức Giáo Hoàng, nếu ngài vui lòng,— mừng lương tâm trước, rồi mới đến Đức Giáo Hoàng.” Trái ngược với những tuyên bố của Gladstone, Newman tìm cách đưa ra một lời thừa nhận ngôi vị Giáo hoàng cách công khai. Và trái ngược với những hình thức sai lầm của Lạc giáo Montanô cực đoan, Đức Hồng Y Newman chấp nhận cách giải thích về ngôi vị giáo hoàng: một ngôi vị được quan niệm một cách chính xác khi nó được xem xét cùng với tính ưu việt của lương tâm, một ngôi vị giáo hoàng không đối lập với tính ưu việt của lương tâm nhưng dựa trên nó và bảo đảm nó. Con người hiện đại, vốn giả định sự đối lập của thẩm quyền đối với tính chủ quan, sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu điều này. Với họ, lương tâm đứng về phía chủ quan và là biểu thức của quyền tự do của chủ thể. Mặt khác, thẩm quyền đối với họ như là hạn chế, đe dọa và thậm chí phủ nhận tự do. Vậy thì chúng ta phải đi sâu hơn để khôi phục lại tầm nhìn trong đó loại phản đối này không tồn tại.

Đối với Newman, thuật ngữ đứng giữa nhằm thiết lập nên mối liên hệ giữa thẩm quyền và tính chủ quan là sự thật. Tôi không ngần ngại nói rằng sự thật là tư tưởng trung tâm trong cuộc đấu tranh trí thức của Newman. Lương tâm là trung tâm đối với ngài vì sự thật đứng ở giữa. Nói cách khác, đối với Newman, tính trung tâm của khái niệm lương tâm được liên kết với tính trung tâm trước đó của khái niệm sự thật, và chỉ có thể được hiểu từ vọng nhìn này. Sự nổi bật của ý tưởng lương tâm nơi Newman, vào thế kỷ 19 và trái ngược với chủ nghĩa “duy khách quan”của tân kinh viện, không có nghĩa là ngài tán thành triết học hoặc thần học về tính chủ quan. Chắc chắn, chủ đề tìm thấy nơi Newman một sự chú ý mà nó đã không nhận được trong thần học Công Giáo có lẽ kể từ thời Thánh Augustinô. Nhưng đó là sự chú ý vào đường lối của Thánh Augustinô chứ không phải vào đường lối của triết học duy chủ quan thời hiện đại. Nhân dịp được thăng Hồng Y, Newman tuyên bố rằng hầu hết cuộc đời ngài là cuộc đấu tranh chống lại tinh thần của chủ nghĩa cấp tiến trong tôn giáo. Chúng ta có thể nói thêm, cũng chống lại chủ nghĩa chủ quan Kitô giáo, như ngài đã tìm thấy trong Phong trào Tin lành vào thời của ngài và chắc chắn đã mang lại cho ngài bước đi đầu tiên trên con đường hoán cải suốt đời của ngài.

Lương tâm đối với Newman không có nghĩa là chủ thể là tiêu chuẩn đối với những tuyên bố về thẩm quyền trong một thế giới không có sự thật, một thế giới sống nhờ sự thỏa hiệp giữa các yêu sách của chủ thể và những đòi hỏi của trật tự xã hội. Hơn thế nữa, lương tâm biểu thị sự hiện diện có thể tri nhận được và đầy đòi hỏi của tiếng nói sự thật trong chính chủ thể. Đó chỉ là sự vượt qua tính chủ quan trong cuộc gặp gỡ của nội tâm con người với sự thật từ Thiên Chúa. Bài thơ Newman sáng tác năm 1833 ở Sicily có tính đặc trưng: “Tôi thích lựa chọn và nhìn thấy con đường của mình nhưng bây giờ, xin Ngài dẫn đầu tôi!” Việc Newman chuyển sang đạo Công Giáo, đối với ngài, không phải vấn đề sở thích bản thân hoặc nhu cầu chủ quan, thiêng liêng. Ngài bày tỏ quan điểm của mình về điều này ngay cả từ năm 1844, ở ngưỡng cửa, có thể nói như vậy, của việc trở lại đạo của mình: “Không ai có thể có cái nhìn bất lợi hơn tôi về tình trạng hiện tại của người Công Giáo Rôma.” Newman bị thu hút nhiều bởi sự cần thiết phải tuân theo sự thật được công nhận hơn là các ý thích của chính mình, nghĩa là, thậm chí chống lại sự nhạy cảm và ràng buộc bạn bè của chính ngài và các mối quan hệ do việc có các hậu cảnh giống nhau. Đối với tôi, có vẻ như đặc điểm của Newman là ngài nhấn mạnh sự ưu tiên của sự thật hơn sự tốt lành trong trật tự đức hạnh. Hay nói một cách dễ hiểu hơn đối với chúng ta, ngài nhấn mạnh tính ưu tiên của sự thật hơn sự đồng thuận, sự thoả hiệp nhóm. Tôi dám nói, khi chúng ta nói về một người có lương tâm, chúng ta có ý nói tới một người nhìn sự vật theo cách này. Người có lương tâm là người không bao giờ đạt được khoan dung, hạnh phúc, thành công, vị thế công cộng và được công luận chấp thuận, mà gây thiệt hại cho sự thật. Về khía cạnh này, Newman có liên hệ với một nhân chứng lương tâm vĩ đại khác của nước Anh, Thomas More, với vị này lương tâm hoàn toàn không phải là biểu thức của sự bướng bỉnh chủ quan hoặc chủ nghĩa anh hùng cố chấp. Thực vậy, ngài tự kể mình vào số những người tử vì đạo yếu lòng, những người chỉ sau khi ngập ngừng và nhiều câu hỏi đã thành công trong việc tập trung lương tâm vào đức vâng lời, tập trung đức vâng lời vào sự thật, một điều phải đứng cao hơn bất cứ tòa án nào của con người hoặc bất cứ loại sở thích bản thân nào. Như thế, hai tiêu chuẩn trở nên rõ ràng để xác định sự hiện diện của tiếng nói thực sự hay lương tâm. Thứ nhất, lương tâm không đồng nhất với mong muốn và thị hiếu bản thân. Thứ hai, lương tâm không thể bị thu hẹp vào lợi thế xã hội, sự đồng thuận của nhóm, hoặc các yêu cầu của quyền lực chính trị và xã hội.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào hoàn cảnh thời chúng ta. Cá nhân có thể không đạt được sự thăng tiến hoặc hạnh phúc với cái giá phải trả cho việc phản bội những gì họ thừa nhận là đúng, và nhân loại cũng vậy. Ở đây chúng ta tiếp xúc với vấn đề thực sự quan trọng của thời đại hiện đại. Khái niệm sự thật hầu như đã bị bác bỏ và bị thay thế bởi khái niệm tiến bộ. Sự tiến bộ chính “là” sự thật. Nhưng thông qua sự phấn khích biểu kiến này, sự tiến bộ mất phương hướng và trở thành vô hiệu. Vì nếu không có phương hướng nào hiện hữu thì mọi điều đều có thể thoái hóa hay tiến bộ. Thuyết tương đối của Einstein có liên quan đúng đắn đến vũ trụ vật chất. Nhưng đối với tôi có vẻ như nó mô tả chính xác tình huống của thế giới trí thức/tâm linh của thời đại chúng ta. Thuyết tương đối quả quyết rằng không có hệ quy chiếu cố định trong vũ trụ. Khi chúng ta tuyên bố một hệ thống là một điểm tham chiếu mà từ đó chúng ta cố gắng đo lường một tổng thể, chính chúng ta là người quyết định. Chỉ theo cách như vậy chúng ta mới có thể đạt được bất cứ kết quả nào.

Nhưng sự xác định luôn có thể được thực hiện một cách khác. Những gì chúng ta đã nói về vũ trụ vật chất được phản ảnh trong “cuộc cách mạng Copernicus” lần thứ hai về mối tương quan căn bản của chúng ta với thực tại. Sự thật đúng nghĩa, tuyệt đối, điểm quy chiếu của tư duy, không còn hiển thị nữa. Vì lý do này, chính theo nghĩa tâm linh, không còn "lên hoặc xuống." Không có phương hướng nào trong một thế giới không điểm đo cố định. Những gì chúng ta xem là phương hướng không dựa trên một tiêu chuẩn tự nó đúng nhưng tùy thuộc vào quyết định của chúng ta và cuối cùng vào việc xem xét tính thiết thực. Trong bối cảnh duy tương đối như vậy, điều gọi là đạo đức học theo mục đích luận hay hệ quả cuối cùng trở thành duy hư vô, ngay cả khi nó không nhìn thấy điều này. Và điều được gọi là lương tâm theo thế giới quan này, khi suy nghĩ sâu sắc hơn, chỉ là một cách nói uyển ngữ rằng không có thứ gì gọi là lương tâm thực sự, lương tâm hiểu như việc “đồng hiểu biết” với sự thật. Mỗi người xác định tiêu chuẩn riêng của mình. Và, không cần phải nói, trong tính tương đối tổng quát, không ai có thể giúp ích nhiều cho người khác, huống chi là xác định cách cư xử cho họ.

Tại thời điểm này, toàn bộ tính chất căn để của cuộc tranh luận ngày nay về đạo đức và lương tâm, trung tâm của nó, trở nên rõ ràng. Theo tôi thì sự song hành trong lịch sử tư tưởng là cuộc tranh cãi giữa Socrate-Platông và những nhà ngụy biện trong đó quyết định có tính cách định mệnh giữa hai chủ trương nền tảng đã được tiến hành. Một đàng, là chủ trương tin vào khả năng của con người đối với sự thật. Đàng khác, là thế giới quan trong đó một mình con người đặt ra các tiêu chuẩn cho bản thân họ. Sự kiện Socrates, một người ngoại đạo, về một phương diện nào đó, có thể trở thành một vị tiên tri của Chúa Giêsu Kitô, có nguồn gốc từ câu hỏi căn bản này. Socrates tiếp nhận câu hỏi này được đưa ra trong cách triết lý dựa vào cảm hứng của ông về một loại đặc ân có tính lịch sử cứu rỗi và biến nó thành một bình chứa thích hợp cho Logos của Kitô giáo.

Vì với Logos Kitô giáo, chúng ta đang giải quyết vấn đề giải phóng thông qua sự thật và tới sự thật. Nếu bạn tách cuộc tranh luận của Socrates khỏi những tình cờ của thời đại và tính đến việc ông sử dụng các lập luận và thuật ngữ khác, bạn bắt đầu thấy đây là cùng một thế lưỡng tương chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay một cách xít xao như thế nào. Việc từ bỏ ý tưởng cho rằng con người có khả năng biết sự thật sẽ, trước nhất, dẫn đến chủ nghĩa hình thức thuần túy trong việc sử dụng từ ngữ và khái niệm. Một lần nữa, việc đánh mất nội dung, thời ấy và thời nay, dẫn đến sự phán đoán hoàn toàn có tính hình thức thuần túy.

Thí dụ, ở nhiều nơi ngày nay không còn ai bận tâm hỏi xem người ta nghĩ gì. Phán quyết về suy nghĩ của ai đó luôn sẵn có miễn là bạn có thể gán nó cho một phạm trù tương ứng, chính thức: bảo thủ, phản động, chính thống cực đoan, cấp tiến, mang tính cách mạng. Việc gán cho một lược đồ chính thức là đủ để làm cho việc phù hợp với nội dung trở thành không cần thiết. Cùng một điều như thế có thể được nhìn thấy ở dạng tập trung hơn, trong nghệ thuật. Điều một tác phẩm nghệ thuật nói hoàn toàn đáng thờ ơ. Nó có thể tôn vinh Thiên Chúa hoặc ma quỷ. Tiêu chuẩn duy nhất là tiêu chuẩn làm chủ về mặt hình thức, kỹ thuật.

Bây giờ, chúng ta đã tới trọng tâm của vấn đề. Nơi nào nội dung không còn đáng kể, nơi mà hành động thuần túy [praxeology] chiếm ưu thế, thì kỹ thuật trở thành tiêu chuẩn cao nhất. Dù vậy, điều này có nghĩa là quyền lực đó trở thành phạm trù ưu việt bất kể là cách mạng hay phản động. Đây chính là hình thức méo mó của việc giống như Thiên Chúa mà câu chuyện về Sự sa ngã nói đến. Con đường của kỹ năng kỹ thuật đơn thuần, con đường của sức mạnh tuyệt đối là sự bắt chước một thần tượng chứ không phải là biểu thức của con người được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Điều đặc trưng làm con người là con người không phải là việc họ hỏi về “cái có thể” mà là về cái “nên” và họ mở lòng đón nhận tiếng nói và những đòi hỏi của sự thật. Đối với tôi, dường như đây là ý nghĩa cuối cùng của cuộc tìm kiếm của Socrates và nó là yếu tố sâu sắc nhất trong chứng tá của tất cả các vị tử đạo. Họ chứng thực cho sự kiện này khả năng tiếp nhận sự thật của con người là giới hạn của mọi quyền lực và là sự bảo đảm cho việc con người giống Thiên Chúa. Chính bằng cách này mà các vị tử đạo là những chứng nhân vĩ đại của lương tâm, của khả năng được trao ban cho con người để tri nhận được điều “nên” vượt ra ngoài điều “có thể” và từ đó mang lại sự tiến bộ thực sự, sự thăng tiến thực sự.

Các hệ quả mang tính hệ thống: hai bình diện của lương tâm

a. Hồi niệm (Anamnesis)

Sau tất cả những huyên thuyên này trong suốt lịch sử trí thức, cuối cùng đã đến lúc đi đến một số kết luận, tức là hình thành một khái niệm về lương tâm. Tôi tin rằng truyền thống thời Trung cổ đã đúng khi xét theo hai bình diện của khái niệm lương tâm. Các bình diện này, mặc dù có thể được phân biệt rõ ràng, nhưng phải liên tục qui chiếu lẫn nhau. Đối với tôi, dường như nhiều luận điểm không thể chấp nhận được liên quan đến lương tâm là kết quả của việc bỏ qua hoặc sự khác biệt hoặc mối liên hệ giữa hai điều đó. Chủ nghĩa kinh viện chính thống phát biểu hai bình diện này bằng các khái niệm synderesis [Lương năng=khả năng hiểu biết các nguyên tắc luân lý căn bản] và conscientia [lương tâm].

Từ synderesis (synteresis) đi vào truyền thống lương tâm thời trung cổ từ học thuyết khắc kỷ về tiểu vũ trụ. Ý nghĩa chính xác của nó vẫn chưa rõ ràng và vì lý do này đã trở thành một trở ngại cho việc thận trọng khai triển khía cạnh thiết yếu này của toàn bộ vấn đề lương tâm. Do đó, tôi muốn thay thế từ ngữ có vấn đề này bằng khái niệm Platông được xác định rõ ràng hơn nhiều về anamnesis (hồi niệm) mà không cần tham gia vào các cuộc tranh luận triết học. Nó không những rõ ràng hơn về mặt ngữ học, sâu sắc và thuần khiết hơn về mặt triết học, mà trên hết, anamnesis còn hài hòa với các chủ đề quán xuyến [motifs] chính của tư tưởng Kinh thánh và nhân học bắt nguồn từ đó. Hạn từ anamnesis nên được hiểu theo đúng ý nghĩa của điều Thánh Phaolô đã diễn tả trong chương hai của Thư gửi tín hữu Rôma: “Khi dân ngoại vốn không có luật pháp, tự nhiên làm theo những gì luật pháp đòi hỏi, thì họ là luật pháp cho chính họ, mặc dù họ không có lề luật. Họ chứng tỏ rằng những gì luật pháp đòi hỏi đã được khắc ghi trong lòng họ và lương tâm của họ cũng làm chứng” (2:14tt.). Cùng một suy nghĩ như thế được mở rộng một cách đáng chú ý trong quy luật đơn tu vĩ đại của Thánh Basilêô. Ở đây chúng ta đọc: “Tình yêu của Thiên Chúa không đặt nền tảng trên một kỷ luật áp đặt cho chúng ta từ bên ngoài, nhưng được thiết lập một cách căn bản trong chúng ta như khả năng và sự cần thiết của bản chất hữu lý của chúng ta.” Thánh Basilêô nói về “tia sáng của tình yêu thần thiêng ẩn giấu trong chúng ta”, một kiểu nói đã trở nên quan trọng trong phong trào huyền nhiệm thời Trung cổ. Theo tinh thần thần học của Thánh Gioan, Thành Basilêô biết rằng tình yêu bao gồm việc tuân giữ các giới răn. Vì lý do này, tia sáng tình yêu được Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta có nghĩa là: “Chúng ta đã nhận được trước từ bên trong khả năng và thiên hướng tuân giữ mọi giới răn của Thiên Chúa.... Đây không phải là điều bị áp đặt từ bên ngoài." Qui chiếu mọi điều về cốt lõi đơn giản của nó, Thánh Augustinô cho biết thêm: “Chúng ta không bao giờ có thể đánh giá được thứ này tốt hơn thứ khác nếu sự hiểu biết căn bản về điều tốt chưa được thấm nhuần trong chúng ta”.

Điều này có nghĩa điều gọi là bình diện hữu thể học đầu tiên của hiện tượng lương tâm hệ ở sự kiện này là một điều gì đó giống như ký ức ban đầu về điều tốt và điều thật (cả hai đều đồng nhất như nhau) đã được cấy ghép vào trong chúng ta, có một xu hướng hữu thể học ở bên trong con người, kẻ được tạo dựng giống như Thiên Chúa, hướng về Thiên Chúa. Từ nguồn gốc của nó, hữu thể con người cộng hưởng với một số điều và xung đột với những điều khác. Việc hồi tưởng nguồn gốc này, vốn là kết quả của sự cấu tạo thần thiêng của con người chúng ta, không phải là một việc biết rõ ràng về mặt khái niệm, một kho lưu trữ nội dung có thể tìm lại được. Có thể nói, nó là một cảm thức bên trong, một khả năng hồi tưởng, đến nỗi người được nó ngỏ lời, nếu không quay lưng lại chính mình, sẽ nghe thấy tiếng vọng của nó từ bên trong. Họ thấy: “Vậy đó! Đó là điều mà bản chất của tôi hướng tới và tìm kiếm.”

Khả thể hướng về và quyền có “sứ mệnh” dựa trên anamnesis này của Đấng Tạo Hóa, một điều y hệt với nền tảng của hiện hữu chúng ta. Quả thực, Tin Mừng phải được loan báo cho những người ngoại giáo vì chính họ cũng đang khao khát điều đó trong thẳm sâu linh hồn họ (x. Is 42:4). Sứ mạng được chứng thực khi những người được ngỏ lời, trong cuộc gặp gỡ với lời Tin Mừng, nhận ra rằng điều này thực sự là điều họ đang chờ đợi. Theo nghĩa này, Thánh Phaolô có thể nói: Dân ngoại là lề luật đối với chính họ - không phải theo nghĩa của các khái niệm cấp tiến hiện đại về quyền tự chủ, một thứ tự chủ loại bỏ tính siêu việt của chủ thể, nhưng theo nghĩa sâu sắc hơn nhiều là không có gì thuộc về tôi ít hơn chính tôi. Cái tôi của riêng tôi là địa điểm của việc vượt qua bản thân một cách sâu sắc nhất và tiếp xúc với đấng mà từ Người tôi phát xuất và hướng tới. Trong những câu này, Thánh Phaolô phát biểu kinh nghiệm mà ngài đã có trong tư cách nhà truyền giáo cho Dân Ngoại và Israel có thể đã trải nghiệm trước ngài khi đối phó với những người “kính sợ Thiên Chúa”. Israel có thể đã trải nghiệm nơi dân ngoại điều mà các sứ giả của Chúa Giêsu Kitô thấy đã được xác nhận lại. Việc công bố của họ đã đáp lại sự mong đợi. Lời công bố của họ gặp được một kiến thức căn bản có từ trước về những điều thường hằng thiết yếu của ý muốn Thiên Chúa, những điều đã được viết ra trong các giới răn, có thể tìm thấy trong mọi nền văn hóa, và càng được làm sáng tỏ hơn khi ít có thành kiến văn hóa lấn át hơn bóp méo kiến thức căn bản này. Con người càng sống trong “sự kính sợ Chúa” - hãy xem câu chuyện của Cornêliô (đặc biệt là Công vụ 10:34-35) – thì việc anamnesis này càng trở nên hữu hiệu một cách cụ thể và rõ ràng hơn.



Một lần nữa, chúng ta hãy lấy công thức của Thánh Basilêô. Các Giáo phụ vốn nhấn mạnh: Tình yêu của Thiên Chúa, vốn rất cụ thể trong các giới răn, không được áp đặt lên chúng ta từ bên ngoài, nhưng đã được khắc ghi trong chúng ta từ trước. Cảm thức về điều tốt lành đã được in sâu trong chúng ta, như Thánh Augustinô đã nói. Bây giờ chúng ta có thể đánh giá cao việc Đức Hồng Y Newman nâng ly chúc mừng lương tâm trước, sau đó mới đến Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng không thể áp đặt các giới răn lên các tín hữu Công Giáo vì ngài muốn hoặc thấy điều đó là thích hợp. Một khái niệm hiện đại, mang tính duy ý chí như vậy về thẩm quyền chỉ có thể làm sai lệch ý nghĩa thần học thực sự của ngôi vị giáo hoàng. Bản chất thực sự của chức vụ Phêrô đã trở nên khó hiểu trong thời hiện đại, chắc chắn vì chúng ta chỉ nghĩ về thẩm quyền theo những nghĩa không cho phép có cầu nối giữa chủ thể và đối tượng. Thành thử, mọi điều không xuất phát từ chủ thể đều được cho là do ngoại cảnh áp đặt. Nhưng tình hình thực sự hoàn toàn khác theo nhân học về lương tâm, điều mà nhờ các suy nghĩ này, chúng ta có hy vọng đánh giá được. Người ta có thể nói, việc anamnesis đã thấm nhuần vào hữu thể chúng ta cần sự trợ giúp từ bên ngoài để nó có thể nhận thức được chính nó. Nhưng điều “từ bên ngoài” này không phải là điều được đặt đối lập với việc việc hồi niệm mà được sắp xếp cho nó. Nó có chức năng khích biện pháp [maieutic= phương pháp gợi hỏi theo kiểu của Socrates], không áp đặt điều gì xa lạ, nhưng đúng hơn đem những gì thích hợp với anamnesis, tức là việc cởi mở nội tâm của nó đối với sự thật, đến chỗ sinh hoa trái. Tuy nhiên, khi chúng ta giải quyết vấn đề đức tin và Giáo hội có phạm vi trải dài từ Logos cứu chuộc đến hồng ân tạo dựng, chúng ta phải tính đến một chiều kích khác được phát triển đặc biệt trong các trước tác của Thánh Gioan.

Thánh Gioan đã quen thuộc với việc hồi niệm điều “chúng tôi” mới mẻ, vốn được ban cho chúng ta khi được tháp nhập vào Chúa Kitô (một Thân Thể, tức là một “tôi” với Người). Khi nhớ lại họ đã biết Người, nên Tin Mừng có ghi điều đó ở một số nơi. Cuộc gặp gỡ nguyên thủy với Chúa Giêsu đã mang lại cho các môn đệ điều mà tất cả các thế hệ sau này nhận được trong cuộc gặp gỡ nền tảng với Chúa trong Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể, tức là, việc hồi niệm mới về đức tin được khai mở trong cuộc đối thoại liên tục giữa bên trong và bên ngoài, tương tự như việc hồi niệm về sáng thế. Ngược với giả định của các thầy dạy Ngộ đạo muốn thuyết phục các tín hữu rằng đức tin ngây thơ của họ phải được hiểu và áp dụng theo một cách khác, Thánh Gioan nói: bạn không cần sự hướng dẫn như vậy, vì trong tư cách những người được xức dầu (tức là đã được rửa tội), bạn biết tất cả mọi sự (xem 1 Ga 2,20). Điều này không có nghĩa là tín hữu có được sự toàn tri thực sự. Tuy nhiên, nó có nghĩa: Ký ức Kitô giáo là điều chắc chắn. Chắc chắn, ký ức Kitô giáo này luôn phải học hỏi, nhưng vì xuất phát từ căn tính bí tích của nó, nó cũng phân biệt được từ bên trong giữa điều thực sự bộc lộ việc hồi niệm của nó và điều gì là sự phá hủy hay xuyên tạc nó. Trong cuộc khủng hoảng của Giáo hội ngày nay, sức mạnh của việc hồi niệm này và sự thật của lời tông đồ được cảm nghiệm một cách hoàn toàn mới mẻ, ở đó, hơn cả sự hướng dẫn theo phẩm trật, chính sức mạnh của ký ức của đức tin đơn giản sẽ dẫn đến việc biện phân được các tinh thần. Người ta có thể chỉ hiểu được quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và mối tương quan của nó với lương tâm Kitô giáo trong mối liên kết này. Ý nghĩa thực sự của thẩm quyền giảng dạy này của Đức Giáo Hoàng hệ ở chỗ ngài là người bênh vực ký ức Kitô giáo. Đức Giáo Hoàng không áp đặt từ bên ngoài.

Đúng hơn, ngài làm sáng tỏ ký ức Kitô giáo và bảo vệ nó. Vì lý do này, việc nâng ly chúc mừng lương tâm quả thực phải đi trước việc nâng ly chúc mừng Đức Giáo Hoàng vì nếu không có lương tâm thì sẽ không có Đức Giáo Hoàng. Tất cả quyền lực mà Đức Giáo Hoàng có là quyền lực của lương tâm. Nó là việc phục vụ cho ký ức kép mà đức tin vốn dựa vào và phải được thanh lọc đi thanh lọc lại, mở rộng và bảo vệ để chống lại sự hủy diệt ký ức, vốn bị đe dọa bởi tính chủ quan quên mất nền tảng của chính mình cũng như bởi các áp lực buộc phải phù hợp về văn hóa và xã hội.

b. lương tâm

Sau khi đã xem xét bình diện đầu tiên, chủ yếu mang tính hữu thể học của khái niệm lương tâm, bây giờ chúng ta phải chuyển sang bình diện thứ hai, bình diện phán đoán và quyết định mà truyền thống thời Trung cổ chỉ danh bằng một hạn từ duy nhất là conscientia, lương tâm. Có lẽ truyền thống thuật ngữ này đã góp phần không nhỏ vào việc làm suy giảm khái niệm lương tâm. Thí dụ, Thánh Tôma chỉ gọi bình diện thứ hai này là conscientia, lương tâm. Đối với ngài, hợp lý là lương tâm không phải là một habitus [thói quen], tức là một phẩm chất hữu thể lâu dài của con người, mà là một actus [hành động], một biến cố đang được thực hiện. Tất nhiên, Thánh Tôma thừa nhận nền tảng hữu thể học nào đó của anamnesis (synderesis). Ngài mô tả anamnesis như một sự ghê tởm nội tâm đối với cái ác và là sự thu hút cái thiện. Hành động của lương tâm áp dụng nhận thức cơ bản này vào tình huống cụ thể. Theo Thánh Tôma, nó được chia thành ba yếu tố: nhận biết (recognoscere), làm chứng (testificari), và cuối cùng là phán quyết (judicare). Người ta có thể nói về sự tương tác giữa chức năng kiểm soát và chức năng quyết định. Thánh Tôma nhìn nhận trình tự này theo mô hình suy luận diễn dịch của Aristốt.

Nhưng ngài cẩn thận nhấn mạnh điều gì đặc biệt đối với nhận thức này về các hành động đạo đức mà các kết luận của chúng không phát xuất từ sự hiểu biết hay suy nghĩ đơn thuần. Việc một điều gì đó được thừa nhận hay không còn phụ thuộc vào ý chí, điều này có thể cản trở con đường nhận biết hoặc dẫn đến nó. Nghĩa là, nó phụ thuộc vào một nhân cách đạo đức đã được hình thành, có thể tiếp tục biến dạng hoặc được thanh lọc hơn nữa. Ở bình diện này, bình diện phán quyết (lương tâm trong nghĩa hẹp hơn), có thể nói ngay cả lương tâm sai lầm cũng có tính trói buộc. Quả quyết này hoàn toàn có thể hiểu được từ truyền thống thuần lý của chủ nghĩa kinh viện. Không ai được phép hành động chống lại niềm tin của mình, như Thánh Phaolô đã nói (Rm 14:23). Nhưng sự kiện niềm xác tín, mà một người đã đạt được chắc chắn ràng buộc vào thời điểm hành động, không biểu thị sự đề cao tính chủ quan. Không bao giờ sai khi làm theo những niềm xác tín mà một người đã đạt được—thực thế, người ta phải làm như vậy. Nhưng rất có thể sai lầm việc ngay từ đầu đã đi đến những niềm xác tín lệch lạc như vậy, bằng cách dập tắt sự phản đối việc hồi niệm của hữu thể. Khi đó tội lỗi nằm ở một nơi khác, sâu sắc hơn nhiều - không phải ở hành động hiện tại, không phải ở phán đoán hiện tại của lương tâm, mà là sự làm lơ của hữu thể tôi khiến tôi trở nên điếc trước những thôi thúc bên trong của sự thật. Vì lý do này, những tên tội phạm vì xác tín như Hitler và Stalin đều có tội. Những thí dụ thô thiển này không nên giúp chúng ta cảm thấy thoải mái mà phải khơi dậy nơi chúng ta việc nghiêm túc xem xét lời cầu xin tha thiết: “Xin giải thoát con khỏi tội lỗi con không hay” (Tv 19:13).

JOSEPH RATZINGER (Giáo hoàng Bênêđíctô XVI), người sáng lập Communio quốc tế, được nâng lên làm giáo hoàng vào tháng 4 năm 2005.

(1)Văn bản này được chọn lọc từ “Lương tâm và Sự thật,” được trình bày tại Cuộc Tập huấn lần thứ 10 dành cho các Giám mục, tháng 2 năm 1991, tại Dallas, Texas. Công bố trong On Conscience [Về Lương tâm] (San Francisco: Ignatius Press, 2007). In lại theo sự cho phép.

Communio 37 (Mùa thu 2010). © 2010 bởi Communio: Tạp chí Công Giáo Quốc tế