Christopher Wells của VaticanNews tường trình rằng vào cuối tuần, Phiên họp của Thượng hội đồng về tính đồng nghị tập chú vào các quy trình ra quyết định, nhấn mạnh đến nhu cầu về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá.
Thực vậy, công việc tại Thượng hội đồng trong vài ngày qua tập trung vào phần Các Nẻo Đường trong Instrumentum laboris, đặc biệt tập chú vào cách các nhà lãnh đạo Giáo hội đưa ra và thực hiện các quyết định.
Trong cuộc họp báo hàng ngày vào thứ Hai, Tiến sĩ Sheila Pires, thư ký của Ủy ban Thông tin của Thượng hội đồng, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe những kinh nghiệm của Giáo hội trong các bối cảnh khác nhau, lưu ý những vấn đề đôi khi phát sinh trong việc tìm kiếm sự hài hòa giữa các truyền thống Kitô giáo và các tập tục và luật pháp địa phương.
Bà cho biết, những hiểu biết sâu sắc và đề xuất đến từ những người đã trải qua nhiều thực tại hiện sinh khác nhau.
Tiến sĩ Pires đã lưu ý một số chủ đề nổi bật nhất trong vài ngày qua, bao gồm tầm quan trọng của trẻ em trong các trường Công Giáo và vai trò của trường học trong việc đào tạo và truyền giáo.
Một chủ đề quan trọng khác là vấn đề lạm dụng, đặc biệt là lạm dụng mà các nữ tu phải chịu, với nhiều diễn giả nhấn mạnh đến nhu cầu thúc đẩy các chính sách và thủ tục để giải quyết vấn đề này.
Một lần nữa, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội nói chung là một chủ đề thảo luận quan trọng, bao gồm nhu cầu phụ nữ phải có vai trò lớn hơn trong việc đào tạo chủng viện.
Về phần mình, chủ tịch Ủy ban Thông tin, Tiến sĩ Paolo Ruffini, đã nhấn mạnh đến cuộc thảo luận về nhu cầu phải có sự tham gia của phụ nữ và giáo dân nói chung vào các quá trình ra quyết định trong Giáo hội.
Ông cũng giải quyết các vấn đề xung quanh trách nhiệm giải trình, bao gồm ý nghĩa của điều đó trong bối cảnh giáo hội và cách thức đạt được trách nhiệm giải trình.
Các chủ đề khác được đề cập trong nhiều cuộc can thiệp trong vài ngày qua bao gồm nhu cầu tăng cường thực tại đồng nghị đã hiện hữu, học hỏi từ các Giáo hội đã thực hành tính đồng nghị trong các sắc lệnh khác nhau; và nhu cầu chống lại mọi hình thức giáo sĩ trị, thông qua sự gần gũi, các mối quan hệ năng động và sự tham gia của mọi người trong toàn Giáo hội vào quá trình ra quyết định.
Sơ Gloria Liliana Franco Echeverri, ODN
Trong số những vị khách tham dự buổi họp báo hôm thứ Hai có Sơ Gloria Liliana Franco Echeverri, ODN, chủ tịch Liên đoàn nam nữ tu sĩ Mỹ Latinh (CLAR), và là nhân chứng của tiến trình đồng nghị.
Trong bài phát biểu khai mạc, Sơ Liliana cho biết những suy tư của Phiên họp “đặt trước chúng ta hành động của Chúa Giêsu”, các giá trị và phong cách truyền giáo phải thấm nhuần tính đồng nghị.
Bà cũng nhấn mạnh đến nhu cầu đào tạo có ý nghĩa dựa trên chứng tá tận tụy và thực hiện cùng với những người khác theo cách “cho phép chúng ta áp dụng phong cách của Chúa Giêsu”.
Sơ Liliana cũng nói về sự phân định, điều này mang lại khả năng xác định điều Chúa Thánh Thần đang yêu cầu Giáo hội. Bà cho biết sự phân định, cả về mặt cá nhân và cộng đồng, giúp chúng ta cùng nhau tìm kiếm sự chắc chắn trong sự đa dạng của mình về hành trình và sứ mệnh. Để đạt được mục đích này, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của các cấu trúc có sự tham gia trên khắp Giáo hội.
Cuối cùng, Sơ Liliana đã ghi nhận các cuộc thảo luận vào sáng Thứ Hai, chủ yếu xoay quanh các khái niệm về tính minh bạch và văn hóa, không phải là các công cụ, mà là một nền văn hóa “phải tồn tại trong Giáo hội” và phải thấm nhuần các phương pháp và bản sắc của Giáo hội.
Giám mục Edouard Sinayobe
Giám mục Edouard Sinayobye của Cyangugu ở Rwanda phát biểu tiếp theo, nói về tình hình ở đất nước của mình sau những nỗi kinh hoàng của cuộc diệt chủng đã giáng xuống đất nước của mình cách đây ba mươi năm.
Ngài bắt đầu bằng cách nói rằng công việc của Thượng hội đồng tương đương với những gì các tông đồ đã sống và trải qua trong Phòng Tiệc Ly vào Lễ Ngũ Tuần, nơi họ nhận được hồng ân của Chúa Thánh Thần.
Chuyển sang tình hình ở Rwanda ngày nay, ngài nhận xét về quá trình hòa giải nhằm hướng đến sự hiệp nhất vẫn đang diễn ra khoảng ba thập niên sau cuộc diệt chủng. Ngài cho biết, Giáo hội đang làm việc ở bình diện mục vụ để chữa lành mọi người, đồng hành cùng cả nạn nhân lẫn thủ phạm.
Thượng Hội đồng, ngài nói, “là điều chúng ta đang sống như một cơ hội để củng cố sự hiệp nhất và hòa giải,” một giáo huấn sống động giúp người Rwanda hiểu rằng trong hành trình tiến về phía trước phải dựa trên lối sống huynh đệ và thiêng liêng.
Ngài nói rằng kinh nghiệm về tính đồng nghị là một cơ hội để đào sâu các cách tiếp cận khác nhau nhằm tạo ra sự hiệp nhất bằng cách giúp sống trong tinh thần hiệp thông.
Đức Giám Mục Sinayobye cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia và lắng nghe, và nhu cầu truyền giáo của các nhà truyền giáo.
Cuối cùng, Tổng giám mục Riga, Zbignevs Sankevics, nói với các phóng viên rằng Thượng Hội đồng đáp lại “mong muốn sâu sắc trong lòng tôi là lôi kéo mọi người đã chịu phép rửa tội vào Giáo hội,” để biến họ thành những nhà truyền giáo nhằm “mở rộng vương quốc của Chúa trên khắp thế giới.”
Ngài nhắc lại đã nói với các phóng viên, khi lần đầu tiên được phong làm giám mục, về “mục tiêu chiến lược” của mình là thúc đẩy sự tái sinh tâm linh, liên quan đến tất cả người Công Giáo, tất cả các Kitô hữu, tất cả những người nam và nữ có thiện chí. Và ngài đã bày tỏ “niềm tin sâu sắc” của mình rằng Thượng hội đồng phải hướng đến mục tiêu “giải phóng các đặc sủng của mọi người đã chịu phép rửa tội.”
Theo vị tổng giám mục người Latvia, mục tiêu này liên quan đến các khái niệm về đồng trách nhiệm và phân quyền trong Giáo hội – nhưng là biểu hiện của sự hiệp thông trong giáo hội và tâm linh hơn là theo cách thế tục hoặc dân chủ.
Tổng giám mục Sankevics đã nhấn mạnh đoạn 58 của Instrumentum laboris, trong đó đề cập đến Gaudium et spes và tập trung vào sự phân định thực sự về sự hiện diện và các kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài cho biết mục tiêu cuối cùng của Thượng hội đồng là sứ mệnh, biến một Giáo hội “luôn chuyển động” trở nên truyền giáo hơn bao giờ hết.
Ngài kết luận bằng cách nói rằng Thượng hội đồng phải phân định bằng cách xem xét các nỗ lực khác nhau của giáo hội trên khắp thế giới, xác định nơi nào có hoa trái tốt trong các cộng đồng địa phương và học hỏi từ họ.
Vào chiều thứ Hai, các nhóm làm việc sẽ chuẩn bị báo cáo của họ, trong khi sáng thứ Ba sẽ chứng kiến Phiên họp bắt đầu làm việc trên Mô-đun thứ ba, “Địa điểm”.