XÂY DỰNG LÒNG TIN NƠI CON CÁI DƯỚI 6 TUỔI

4.- LÒNG TỰ TIN VÀ QUAN HỆ HÀI HÒA

Một dấu hiệu rõ rệt nhất của lòng tự tin là trẻ em có khả năng thiết lập những quan hệ hài hòa, khi tiếp xúc và trao đổi với người khác. Chính vì lý do nầy, chúng ta không ngừng khuyến khích các em phát huy những tác phong sau đây :

Từ 0 đến 9 tháng

- Biết lưu tâm đến người khác, người lớn cũng như bạn bè cùng lứa tuổi,

- Bắt chước các cử điệu của những người quen, như cha mẹ, anh chị… nhất là liếc nhìn và nét mặt,

- Chú ý và lắng nghe người đang nói chuyện, trong một vài giây lúc ban đầu, rồi từ từ kéo dài thêm…

- Vui đùa với các trẻ em cùng lứa tuổi,

- Chung quanh tháng thứ 9, nếu trẻ em tỏ ra sợ sệt, trước người lạ mặt, đó là dấu chứng tích cực về khả năng biết phân biệt ai lạ ai quen. Nhờ vào đó, các em tìm đến với những người tạo quan hệ an toàn cho mình.

Từ 9 đến 18 tháng

- Tìm mọi cách để di chuyển và lại gần một người quen thân,

- Thích chơi trò chơi trốn tìm,

- Líu lo, chuyện trò… nhằm tiếp xúc hay là yêu cầu một người khác làm một điều gì cho mình,

- Tiến lại sát gần và chơi bên cạnh những trẻ em khác,

- Muốn chọc ghẹo hay là thiết lập những quan hệ trao đổi qua lại hai chiều,

- Bắt chước giọng nói, cử điệu hay là lặp lại một vài từ do các trẻ em khác phát ra.

Từ 18 đến 36 tháng

- Nói để yêu cầu một điều gì,

- Chơi với kẻ khác và bắt đầu chấp nhận cho các trẻ em khác sử dụng những đồ chơi của mình,

- Muốn chọc ghẹo kẻ khác cười và thích kẻ khác đáp lại,

- Bắt chước các trẻ em khác, khi các em nầy có mặt bên cạnh, hay là sau khi đã ra về, vắng mặt,

- Vừa vui chơi vừa biết giữ khoảng cách,

- Biết chơi đùa vui vẽ, thuận hòa, với ý định là xin trẻ em khác cho phép mình cùng sử dụng đồ chơi.

Từ 3 đến 6 tuổi

- Biết xin, biết yêu cầu,

- Biết nhờ người lớn làm giúp và làm giùm cho mình,

- Biết chọn lựa theo cách của mình, và biết khẳng quyết ý muốn của mình một cách rõ rệt,

- Biết cùng chơi VỚI, thay vì chỉ chơi bên cạnh, tuy dù chia sẻ đồ chơi còn là một vấn đề khó khăn,

- Biết lưu tâm đến nhu cầu của kẻ khác và biết chờ đợi đến phiên của mình,

- Biết đáp ứng, khi có trẻ em khác tấn công, thay vì ngồi khóc, chịu đựng,

- Biết trao qua đổi lại, vừa biết nhận vừa biết cho,

- Biết lắng nghe và ghi nhận, khi kẻ khác nói.

NHỮNG KHẢ NĂNG CẦN THIẾT CHO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Vào lứa tuổi hay là giai đoạn phát triển nầy (3-6 tuổi), người lớn có trách nhiệm giáo dục, cần sáng tạo nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, nhằm hướng dẫn trẻ em, một cách năng động và tích cực, nhất là trong ba lãnh vực đặc biệt sau đây :

1.- Ngôn ngữ với bốn khả năng :

- lắng nghe,

- diễn tả,

- trình bày nguyện vọng, sở thích và nhu cầu, nhất là biết phân định sự khác biệt giữa nhu cầu và sở nguyện,

- biết phân biệt thế nào là khẳng định, giải thích và biện minh.

2.- Tư duy với năm chức năng khác nhau :

- Suy nghĩ, suy diễn, thuyên giải,

- Phân tích một trường hợp với bốn thành tố : sự kiện, giả thuyết, kết luận, tác động hay là tạo ảnh hưởng,

- Quan sát, thu luợm các dữ kiện cụ thể và khách quan,

- Ghi nhận, đề xuất và trình bày nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề,

- Tưởng tượng, hình dung, nhớ lại… Có nhiều cách nhìn khác nhau, tùy vào ba chiều kích khác nhau của thời gian : quá khứ, hiện tại và tương lai.

3.- Quan hệ tiếp xúc và trao đổi, với rất nhiều khả năng cần học tập và tôi luyện :

- đặt mình vào vị trí của kẻ khác,

- tạo quan hệ, tìm cách trao đổi qua lại,

- tìm cách làm cho kẻ khác chấp nhận và nhìn nhận mình,

- khám phá tình cảm và xúc động của kẻ khác,

- khi quyết định, hỏi ý kiến của kẻ khác,

- lắng nghe kẻ khác để tìm hiểu ý kiến của họ,

- Tự chế và trì hoãn những phản ứng làm tổn thương kẻ khác,

- Diễn tả, gọi ra ánh sáng những xúc động,

- Đồng cảm có nghĩa là đọc được những xúc động của kẻ khác, như : giận, buồn, thất vọng, sung sướng, bằng lòng…

5.- TỰ TIN và Ý THỨC về KHẢ NĂNG hiện hữu của mình

Thông thường, trẻ em từ 0 đến 6 tuổi, đã có khả năng làm được rất nhiều điều, như thấy, nghe, cảm, kêu la lên khi có một nhu cầu xuất hiện…Thêm vào đó, trong những lúc tỉnh thức, trẻ em, cho dù khuyết tật đến độ nào chăng nữa, cũng thích học, muốn học và học một cách dễ dàng, nhanh chóng và tự nhiên.

Vấn đề « KHÔNG học và KHÓ học » của trẻ em tùy thuộc vào nhiều yếu tố có mặt trong môi trường. Ở đây, tôi chỉ nêu lên ba cách làm của người lớn, khả dĩ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực và xói mòn lòng tự tin nơi trẻ em :

Cách làm thứ nhất là không học cách khám phá, để khai triển những khả năng hiện hữu đã có mặt nơi trẻ em.

Bên cạnh những khiếm khuyết hoặc rối loạn, mà chúng ta ghi nhận trong tác phong thường ngày của trẻ em, nếu chúng ta biết tìm kiếm, thế nào chúng ta cũng có thể khám phá một số khả năng hay là những nhân tố năng động, tích cực. Nếu chúng ta dựa vào đó, để củng cố, tăng cường, bằng những lời khen có tính khoa học, chúng ta sẽ giúp trẻ em càng ngày càng phát huy những khả năng của mình, nhất là trong hai lãnh vực :

1)- khám phá thực tế của môi trường bằng ba giác quan Thi, Thính và Xúc.

2)- phát huy nhũng quan hệ hài hòa với kẻ khác, bằng cách học bốn bài học : « XIN, CHO, NHẬN và TỪ CHỐI ».


Lời khen có tính khoa học - nghĩa là có hiệu năng giúp trẻ em ý thức đến khả năng mà các em vừa mới thực hiện - bao gồm những bước đi lên như sau :

- Bước Một, nêu lên một sự kiện vừa mới xuất hiện. Đó là điều mà trẻ em vừa thành tựu một cách khách quan.

- Bước Hai , xác định và chứng minh cho trẻ em biết rằng : sở dĩ các em đã thành tựu, vì chính các em đã có một cách làm thuận lợi, tốt hảo, tạo điều kiện cho trẻ em thành công.

- Bước Ba, chính trẻ em là nguyên nhân tạo ra thành quả tích cực.

- Bước Bốn, nhấn mạnh rằng kết quả tích cực của các em đã đem lại niềm vui sướng, hứng khởi và những khích lệ lớn lao cho người lớn như cha mẹ và thầy cô.

Ví dụ :

* Giường chiếu trong phòng của con thật tươm tất. Vừa thức dậy, chính con đã xếp đặt đâu vào đấy. Mẹ rất hạnh phúc và vui tươi mỗi khi vào phòng con.

* Đi học về, sau khi ăn quà chiều, con đã vào phòng làm bài tức thì. Cho nên bây giờ con có giờ rảnh, giúp mẹ nấu cơm chiều chờ ba về. Mẹ thấy con khôn lớn, biết tổ chức cuộc sống. Mẹ hãnh diện có một đứa con khôn ngoan như con.

Cách làm thứ hai là chúng ta có xu thế trách móc, chửi bới, phê phán và la rầy

Xuyên qua những hành vi như vậy, chúng ta làm nổi bật những yếu tố tiêu cực nơi trẻ em, và bỏ quên những khía cạnh tích cực và năng động. Dần dần, tư ngày này qua ngày khác, chính chúng ta là nguyên nhân xói mòn và tiêu hủy lòng tự tin của con cái.

Cách làm thứ ba là chúng ta lẫn lộn hành vi và bản sắc.

Trong cuộc sống làm người, sai hỏng là chuyện bình thường.

Nếu trẻ em làm sai một điều gì, chúng ta cần trao đổi, phân tích… nhằm giúp các em thấy rõ mình sai ở chỗ nào, vì sao, lần sau cần làm như thế nào, để đừng lặp lại những sai lầm một lần thư hai.

Thay vì làm như vậy, chúng ta có xu thế la nạt, tố cáo, trách mắng…Với những cách làm nầy, chúng ta không có thái độ tôn trọng, đối với bản sắc và giá trị làm người của các em.

Làm sao chúng ta có thể giáo dục trẻ em, giúp các em thành người, khi chính chúng ta lẫn lộn, không biết « điều gì là ưu tiên số một », trong mỗi hành vi, lời nói và lối nhìn của chúng ta ?

***

Thay lời kết luận,

Tôi xin trích dẫn quan điểm của nhà tâm lý D. LAPORTE :

Lòng tự tin là một ngôi nhà vững vàng và kiên cố, ngày ngày được xây cất lên với sáu loại gạch khác nhau.

Viên gạch thứ nhất là vui thích,

Viên gạch thứ hai là cảm thức mình được yêu thương,

Viên gạch thứ ba là cảm nghiệm được an toàn,

Viên gạch thứ bốn lá khả năng tự lực, tự cường,

Viên gạch thứ năm là ý thức về giá trị làm người của mình,

Viên gạch thứ sáu là thái độ lạc quan và hy vọng, khi hướng đến ngày mai.

Tôi không phủ nhận vai trò và giá trị của tất cả sáu yếu tố trên đây. Tuy nhiên, trong lối nhìn, lối sống và lối giáo dục của tôi, thương yêu là nền tảng của tất cả những giá trị khác, trong đó có lòng tự tin.

Khi nói như vậy, một cách nào đó, tôi đã nhận làm của mình, quan điểm của tác giả G.G. JAMPOLSKY :

Bất kỳ một câu hỏi nào được trẻ em nêu lên, YÊU THƯƠNG là câu trả lời,

Bất kỳ một vấn đề gì xuất hiện với trẻ em, YÊU THƯƠNG là nhịp cầu nối kết và hàn gắn,

Bất kỳ một cơn bệnh nào đang đe dọa và hoành hành cuộc đời của trẻ em, YÊU THƯƠNG là thang thuốc đầu tiên và cuối cùng,

Bất kỳ một nỗi khổ tâm nào đang đe dọa trẻ em, YÊU THƯƠNG là cánh cửa mở ra một con đường đi tới,

Bất kỳ một xúc động sợ hãi nào, đang trào dâng và lan tỏa trong nội tâm của trẻ em, YÊU THƯƠNG là vòng tay ôm ẵm, hay là hai bàn tay thoa dịu.

Bất kỳ một vết thương nào đang lở lói trên làn da của trẻ em, YÊU THƯƠNG là khuôn mặt đoái nhìn và đồng cảm.

YÊU THƯƠNG luôn luôn là câu trả lời trong mọi tình huống, vì chỉ có YÊU THƯƠNGTất Cả.

Yêu thương như vậy không phải chỉ là lời tuyên xưng ở đầu môi chót lưỡi. Trái lại, đó là một động từ hành động.

Cho nên, với tư cách là cha mẹ hay là giáo viên…khi phục vụ trẻ em, chúng ta phải làm, phải đi, phải thực hiện với làn da, thớ thịt và con tim. Chúng ta cùng làm, cùng chơi, cùng vui đùa, cùng hạnh phúc với trẻ em, để giúp trẻ em làm người như chúng ta, và với chúng ta.

Lausanne, Thụy Sĩ - Tháng 8 năm 2005

Sách tham khảo :

1.-LA PORTE D. - Pour favoriser l’estime de soi - C.H.U. Montréal 1997.

2.-NGUYỄN văn Thành - Tự Tin - Tình Người, Lausanne 2000.

3.-NGUYỄN văn Thành - Le projet pédago-éducatif - TN, Lausanne 1997.

4.-NGUYỄN văn Thành - Comment gérer les émotions - SCES, Lausanne 1985.

5.-JAMPOLSKY G.G. - Love is the Answer - Bantam Books, USA 1990.