1. Biến cố lịch sử: Cựu linh mục Anh giáo được tấn phong giám mục Công Giáo

Lần đầu tiên, một cựu linh mục Anh giáo đã được tấn phong làm giám mục trong Giáo hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham. Tọa lạc tại Vương quốc Anh, giáo hạt tòng nhân được thành lập để cung cấp cho người Anh giáo một con đường đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Giám Mục David Waller đã nhận chức giám mục tại Nhà thờ Westminster ở Luân Đôn vào ngày 22 tháng 6, ngày lễ kính hai vị thánh người Anh là John Fisher và Thomas More.

Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, đã là chủ phong trong thánh lễ tấn phong giám mục. Cùng đồng tế trong Thánh lễ có Đức Hồng Y Vincent Nichols Tổng Giám Mục Westminster và các Giám mục Stephen Lopes và Anthony Randazzo, là những nhà lãnh đạo các Giáo hạt tòng nhân Anh giáo-Công Giáo ở Hoa Kỳ-Canada và Thái Bình Dương-Úc.

Trong Thánh lễ, Đức Hồng Y Fernandez đã nói về “kho tàng” trong việc kế vị tông đồ của Giáo hội, bắt đầu từ Thánh Phêrô và các tông đồ và tiếp tục cho đến ngày nay, khi nói: “Những gì tôi đã nhận được từ Giáo hội, bây giờ tôi truyền lại cho anh em”.

Với tư cách là giám mục, Waller sẽ lãnh đạo Giáo hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham, có các giáo xứ trên khắp nước Anh, Tô Cách Lan và xứ Wales.

Các thành viên của giáo hạt tòng nhân tham dự Thánh lễ và truyền thống phụng vụ bắt nguồn từ gia sản Anh giáo trong khi vẫn hoàn toàn hiệp nhất với Đức Thánh Cha và Giáo Hội Công Giáo.

Cùng với các giáo hạt tòng nhân ở Hoa Kỳ-Canada và Thái Bình Dương-Úc, Giáo hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thành lập vào năm 2011 thông qua tông hiến Anglicanorum Coetibus của ngài. Mặc dù mở cửa cho người Công Giáo thuộc mọi thành phần, giáo hạt tòng nhân chủ yếu tồn tại như một cách để những người Anh giáo trước đây được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo trong khi vẫn giữ được nhiều truyền thống và thực hành Anh giáo của họ.

Trong khi các giáo hạt tòng nhân ở Hoa Kỳ và Úc có các giám mục riêng, cả hai đều không phải là người Anh giáo trước đây. Đức Cha Waller là giám mục đầu tiên xuất thân là một linh mục Anh Giáo, lãnh đạo giáo hạt tòng nhân ở Anh. Trước đó, giáo hạt tòng nhân Walsingham được lãnh đạo bởi Đức ông Keith Newton, một cựu tín hữu Anh giáo đã được thụ phong linh mục trong Giáo Hội Công Giáo nhưng không thể được tấn phong giám mục do đã kết hôn. Newton, 72 tuổi, sắp nghỉ hưu.

Quyết định của Vatican bổ nhiệm nhà lãnh đạo giáo hạt tòng nhân ở Anh làm giám mục đã được nhiều người coi là một tín hiệu ủng hộ và tin tưởng từ Rôma.

Trong một cuộc phỏng vấn với OSV News, Đức Cha Waller nói rằng mặc dù có tin đồn rằng “Rôma sắp chấm dứt giáo hạt tòng nhân của chúng tôi”, ông nói rằng “đây chưa bao giờ là thái độ của Tòa Thánh, vốn luôn hỗ trợ và quan tâm”.

Sau lễ thụ phong hôm thứ Bảy, Giáo hạt tòng nhân Walsingham cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng “Thật vinh dự khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một trong những linh mục của chúng ta làm đấng bản quyền và thể hiện sự cam kết của ngài với các giáo hạt tòng nhân được thành lập dưới tông hiến Anglicanorum Coetibus bởi vị tiền nhiệm của ngài”.

Đức Cha Waller, 63 tuổi, được truyền chức linh mục Anh giáo vào năm 1992. Ngài đã chuyển sang Giáo Hội Công Giáo vào năm 2011, và trở thành linh mục Công Giáo cùng năm đó. Trước khi được bổ nhiệm lãnh đạo Giáo hạt Walsingham, ngài giữ chức vụ tổng đại diện của giáo hạt này.

Sau khi nhận được ba đề nghị từ hội đồng quản trị giáo hạt, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố ngài sẽ bổ nhiệm cha Waller làm nhà lãnh đạo mới của giáo hạt vào ngày 29 tháng 4.

Giáo hạt Walsingham là giáo hạt đầu tiên trong ba giáo phận trên thế giới có ảnh hưởng trong việc lựa chọn người lãnh đạo. Vào tháng 4, Đức Ông Newton nói với National Catholic Register, rằng ngài tin việc cho phép lựa chọn Giám Mục vốn được giao cho Sứ thần Tòa Thánh, “cho thấy sự tin tưởng của Tòa Thánh đối với giáo hạt tòng nhân ở Anh”

Trong một tuyên bố ngay sau thông báo bổ nhiệm của mình, Đức Tân Giám Mục Waller cho biết thật “vừa khiêm tốn vừa vinh dự lớn lao” khi được bổ nhiệm và nói thêm rằng “13 năm qua là khoảng thời gian đầy ân sủng và phước lành khi các cộng đồng nhỏ và dễ bị tổn thương đã ngày càng tự tin, vui mừng trở thành một phần đầy đủ dù có những khác biệt của Giáo Hội Công Giáo.”


Source:Catholic News Agency

2. Ả Rập Saudi cho biết 1.301 người đã chết trong cuộc hành hương Hajj năm nay

Nhiệt độ có lúc vượt quá 51 độ C đã dẫn đến nhiều trường hợp tử vong do “đi bộ đường dài dưới ánh nắng trực tiếp mà không có nơi trú ẩn hoặc tiện nghi đầy đủ”.

Theo Bộ trưởng Y tế Ả Rập Saudi, hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong cuộc hành hương Hajj năm nay.

Fahad Al-Jalajel, được đài truyền hình nhà nước trích dẫn hôm Chúa Nhật, cho biết phần lớn trong số 1.301 trường hợp tử vong là do những người hành hương “đi bộ một quãng đường dài dưới ánh nắng trực tiếp mà không có nơi trú ẩn hoặc tiện nghi đầy đủ”.

Tử vong cũng bao gồm một số người già và những người mắc các bệnh mãn tính.

Ông cho biết khoảng 83% số người thiệt mạng là những người không được phép thực hiện cuộc hành hương.

Một người Úc đã được xác nhận trong số đó.

Ai Cập đã truy tố các công ty tổ chức các chuyến hành hương hajj bất hợp pháp

Gần 2 triệu người đã tham dự cuộc hành hương tới thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi trong năm nay khi nhiệt độ tăng vọt lên tới hơn 50 độ C.

Một đơn vị giải quyết khủng hoảng của Ai Cập được giao nhiệm vụ điều tra tình hình cho biết họ đã đình chỉ giấy phép của 16 công ty du lịch và chuyển họ đến công tố viên.

Các công ty du lịch bị cáo buộc chịu trách nhiệm về những cái chết trong số những người hành hương không ghi danh theo hệ thống chính thức.

Đơn vị này cho biết 31 trường hợp tử vong được xác nhận là do bệnh mãn tính trong số những người hành hương đã ghi danh chính thức.

Hajj là cuộc hành hương hàng năm đến thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi được thực hiện trong vòng 5 đến 6 ngày.

Đây là một trong năm trụ cột của đạo Hồi và tất cả người Hồi giáo có khả năng phải hoàn thành nó ít nhất một lần trong đời.

Theo chính quyền Saudi Arabia, khoảng 1,8 triệu người hành hương đã tham gia năm nay và 1,6 triệu người trong số họ đến từ nước ngoài.

Mỗi năm, hàng chục ngàn người hành hương cố gắng thực hiện lễ Hajj thông qua các kênh không chính thức vì họ không đủ khả năng chi trả các thủ tục tốn kém để xin thị thực Hajj chính thức.

Điều này khiến những người hành hương ngoài sách này gặp nguy hiểm vì họ không thể tiếp cận các cơ sở có máy điều hòa do chính quyền Ả Rập Xê Út cung cấp dọc theo tuyến đường Hajj.

Các nhà khoa học khí hậu cho biết nhiệt độ tăng cao gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự kiện này, mặc dù những cái chết liên quan đến nhiệt độ cao trong thời gian diễn ra lễ Hajj không phải là mới và đã được ghi nhận từ những năm 1400.

Thời gian của lễ Hajj được xác định theo âm lịch của đạo Hồi, chuyển về phía trước mỗi năm theo lịch Grêgôriô.

Trong nhiều năm qua, các nghi lễ chủ yếu ngoài trời đã giảm dần trong mùa hè oi bức ở Ả Rập Saudi.


Source:ABC News

3. Tiến sĩ George Weigel: Tấm vé đến sự lãng quên?

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “TICKET TO OBLIVION?”, nghĩa là “Phải chăng là tấm vé đến sự lãng quên?”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Trong những ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đơn giản hóa các nghi thức xung quanh việc tấn phong các tân Hồng Y, những vị trước đó đã được thông báo rằng các ngài đã được chọn để tập trung tại Rôma; ở đó, khoảng một ngày trước Công Nghị Hồng Y nơi các ngài sẽ được “tuyên bố” và trao chiếc mũ đỏ, các ngài sẽ nhận được thứ được gọi là biglietto, nghĩa là một tấm vé. Được một quan thị vệ của Đức Giáo Hoàng chuyển đến bất cứ nơi nào mà vị Hồng Y sắp có mặt trong Thành phố vĩnh cửu, biglietto, theo đúng nghĩa đen, là “tấm vé” chính thức thông báo việc đề cử giáo sĩ vào Hồng Y đoàn và cho phép người cầm tấm vé tham dự công nghị sắp diễn ra. Đó là một buổi lễ hấp dẫn và thường là dịp tổ chức bữa tiệc đầu tiên trong số nhiều bữa tiệc mừng tân Hồng Y. Nhưng trước khi lễ kỷ niệm bắt đầu, người nhận biglietto phải đưa ra một bài phát biểu.

“Bài phát biểu biglietto” nổi tiếng nhất trong lịch sử diễn ra vào một ngày tháng Năm cách đây 145 năm. Đoạn đáng nhớ nhất của nó vẫn còn nói với Giáo hội ngày nay.

John Henry Newman là một trong những người cải đạo nổi tiếng nhất và là nhân vật gây tranh cãi nhất của Công Giáo vào giữa thế kỷ 19. Hành trình đức tin cá nhân của ngài đã đưa ngài từ chủ nghĩa hoài nghi của tuổi trẻ đến Anh giáo Phúc âm mạnh mẽ, rồi từ học giả của Đại học Oriel và mục sư của Nhà thờ Đại học Đức Mẹ Đồng Trinh đến vai trò lãnh đạo Phong trào Oxford cải cách Anh giáo. Nghiên cứu sâu sắc và chuyên sâu về các Giáo phụ của Giáo hội ở thiên niên kỷ thứ nhất cuối cùng đã thuyết phục ngài rằng Giáo hội Anh – về thực tế lịch sử, niềm tin thần học và mối quan hệ với quyền lực nhà nước – là một giáo phái Tin Lành khác. Vì vậy, Newman đã hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, điều này khiến ngài mất đi vị trí ở Oxford và mang lại cho ngài không ít rắc rối - từ những người Anh giáo coi ngài như kẻ phản bội và những người Công Giáo nghi ngờ về sự tinh tế trong thần học của ngài.

Newman, một tâm hồn nhạy cảm cũng như một bộ óc thông minh, đã phải chịu đựng trong nhiều thập niên điều mà Dorothy Day từng mô tả là “nỗi cô đơn kéo dài” của người cải đạo. Nỗi đau khổ đó đã được giảm bớt đáng kể khi Đức Giáo Hoàng Lêô 13, trong những hành động đầu tiên trong triều đại giáo hoàng cải cách vĩ đại của mình, đã công bố ý định phong Newman làm Hồng Y và cho phép người đàn ông hiện đã lớn tuổi này tiếp tục sống ở Nhà nguyện Birmingham thay vì ở Rôma, nơi lúc đó là địa điểm quy định dành cho các Hồng Y không phải là giám mục giáo phận.

Vì vậy, Newman đã tới Rôma và vào ngày 12 tháng 5 năm 1879, đã có bài phát biểu quan trọng của mình, trong đó ông mô tả bản thân bằng những thuật ngữ sau:

Trong nhiều năm dài, tôi đã phạm nhiều sai lầm... nhưng điều tôi tin tưởng rằng tôi có thể khẳng định qua tất cả những gì tôi đã viết là điều này—khi chúng ta có ý định trung thực, không có mục đích riêng tư, có đức vâng lời, sẵn lòng để được sửa chữa, sợ sai lầm, mong muốn phục vụ Giáo hội Thánh thiện, và, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ đạt được mức độ thành công khá lớn.

Và, tôi vui mừng nói điều này, khi nhớ lại một gian truân cam go tôi đã gặp phải ngay từ lần đầu tiên tôi đứng lên phản đối não trạng coi đạo nào cũng như đạo nào. Trong ba mươi, bốn mươi, năm mươi năm, tôi đã hết sức chống lại tinh thần tự do trong tôn giáo. Chưa bao giờ Giáo Hội Thánh Thiện cần những nhà vô địch chống lại nó nhiều hơn bây giờ...

Chủ nghĩa tự do trong tôn giáo là học thuyết cho rằng không có chân lý tích cực nào trong tôn giáo, nhưng tín ngưỡng này cũng tốt như tín ngưỡng khác.... đạo nào cũng như đạo nào. Nó mâu thuẫn với bất kỳ sự công nhận nào về tôn giáo. Nó dạy rằng tất cả đều phải được khoan dung, vì tất cả đều là vấn đề quan điểm. Tôn giáo được mặc khải không phải là một chân lý, mà là một tình cảm và là một sở thích; không phải là sự thật khách quan, không phải phép lạ; và mỗi cá nhân có quyền nói ra những điều mình thích.

Khi Giáo hội chờ đợi Instrumentum Laboris hay “tài liệu làm việc” cho Thượng hội đồng 2024 vào tháng 10, chúng ta hãy hy vọng rằng những người soạn thảo văn bản đó có thể nhận ra rằng điều mà Newman gọi là “tai hại lớn” vẫn còn tồn tại giữa chúng ta ngày nay.

Nhà thần học người Đức Friedrich Schleiermacher vào đầu thế kỷ 19 đã khởi xướng cho trào lưu giản lược đức tin tôn giáo thành vấn đề tình cảm, chứ không còn là một niềm tin có thể biện hộ được bằng lý trí. Trào lưu ấy có lẽ là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự suy tàn của các giáo phái Tin Lành cấp tiến. Các Hội thánh bị giản lược thành các cuộc họp kín nhỏ của tín hữu tôn giáo với mối ràng buộc mỏng manh nhất với Kitô giáo Truyền thống Vĩ đại.

Chưa hết, dù đã nhận thấy điều đó, có những người Công Giáo vẫn tiếp tục đề xuất đi theo con đường quen thuộc đó để vào một tình trạng hoàn toàn không liên quan đến niềm tin Kitô, mà chung cuộc là một Giáo hội bị lãng quên.

Khi các Hồng Y trong ban lãnh đạo cao nhất của Thượng Hội đồng 2024 nói về sự mong mỏi của họ đối với một “Giáo hội cầu vồng” hoặc tuyên bố các vấn đề đạo đức đã được thiết định vẫn còn để mở ngỏ, thì có những lý do để lo ngại: thực sự, rất đáng quan ngại, bởi vì sự khôn ngoan và tính tiên tri trong “bài phát biểu lớn” của Newman đang bị bỏ qua. Và những người có mắt để nhìn, đã thấy điều đó dẫn đến đâu.