Khi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho tự do tôn giáo trong tuần này, liên minh mới giữa Nga và Bắc Hàn là một lời nhắc nhở về mối đe dọa dai dẳng đối với tự do tôn giáo ở các quốc gia đó.

“Nga và Bắc Bắc Hàn chia sẻ một thế giới quan không khoan dung đối với tự do, đặc biệt là tự do tôn giáo. Và họ ghét thế giới phương Tây chủ yếu vì những quyền tự do này,” Nina Shea, thành viên cao cấp và giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, cho biết.

Shea cho biết các linh mục Công Giáo và Chính thống Ukraine, ngoại trừ những người liên kết với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, đã phải chịu sự đàn áp và thậm chí tử vong vì bị coi là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”, trong khi Kitô hữu ở Bắc Hàn phải đối mặt với cuộc sống trong các trại lao động, tra tấn và hành quyết.

Các nhà lãnh đạo Nga và Bắc Hàn đã gặp nhau bốn ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Apulia, Ý, kết thúc, trong đó,các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ý, Đức và Liên minh Âu Châu “tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của họ đối với Ukraine trong thời gian cần thiết”“ bằng cách đồng ý gửi tài chính đến Ukraine và tăng cường trừng phạt đối với hơn 300 cá nhân và tổ chức, cũng như các ngân hàng nước ngoài tiến hành kinh doanh với nền kinh tế chiến tranh của Nga.

Nga cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, là quốc gia mà Shea lưu ý có nhiều nguyên tắc cộng sản giống với Bắc Hàn.

“Họ có chung lòng căm thù tự do và trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo đã được thiết lập kể từ Thế chiến thứ hai, dựa trên các nguyên tắc không xâm lược, tự do và chủ quyền với tư cách là một quốc gia. Những quốc gia này đang vi phạm tất cả những điều trên.”

Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân cam kết sẽ hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai nước phải đối mặt với “sự gây hấn” tại cuộc gặp lịch sử ở Bình Nhưỡng vào ngày 19 Tháng Sáu.

“Cả hai đều không phải là những nước đặc biệt giàu có. Nạn đói thường xuyên xảy ra ở Bắc Hàn, và bất kể của cải nào họ có, họ đều đầu tư vào vũ khí. Và Putin đang làm cạn kiệt sự giàu có của đất nước mình thông qua vũ khí và thông qua cuộc chiến tranh xâm lược mà ông ta đã tiến hành chống lại Ukraine”, Shea nói.

Cuộc gặp đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Putin tới Bắc Hàn sau 24 năm. Putin cảm ơn ông Kim Chính Ân vì ủng hộ các chính sách của Nga, còn ông Kim Chính Ân lên tiếng ủng hộ việc Nga xâm chiếm Ukraine.

“Mục tiêu của Putin không chỉ là lấy được loại đạn pháo mà ông ấy cần từ Bắc Hàn mà còn giúp Bắc Hàn mạnh hơn và coi đây là một vấn đề lớn hơn đối với Mỹ và các đồng minh hiệp ước của họ ở Nhật Bản và Nam Hàn”

Đáp lại mối quan hệ đối tác giữa Putin và Kim Chính Ân, Nam Hàn cho biết họ sẽ xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine. Tổng thống Nam Hàn Doãn Tích Duyệt cho biết trong một tuyên bố rằng quan hệ đối tác vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chống lại việc hỗ trợ Bắc Hàn và đe dọa an ninh của Nam Hàn. Nam Hàn trước đây đã cung cấp cho Ukraine viện trợ phi sát thương.

Các liên minh giữa Bắc Hàn và Nga, Nga và Trung Quốc đe dọa không chỉ các đồng minh của Hoa Kỳ mà còn cả chính Hoa Kỳ. Shea nói với Register rằng tổ chức của cô đang theo dõi chặt chẽ tình hình với mức độ nghiêm trọng tiềm tàng:

“Có nhiều người, những chuyên gia tại Viện Hudson, đang nghiên cứu những vấn đề này, đã nói rằng có một mối nguy thực sự là một ngày nào đó Hoa Kỳ có thể bị cai trị bởi một đế chế mới do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nếu chúng ta không thức tỉnh và hiểu điều này như là một tình huống Chiến tranh Lạnh mới.”

Cô nhấn mạnh rằng Bắc Hàn và liên minh của Nga có thể gây ra mối đe dọa cho sự an toàn của Mỹ: “Nếu Nga giúp Bắc Hàn phát triển hỏa tiễn có thể tấn công không chỉ Guam mà còn cả lãnh thổ lục địa của Mỹ, điều đó khá đáng sợ và cả Mỹ cũng cần phát triển các công cụ để giải quyết mối đe dọa đó.”


Source:National Catholic Register