1. Các nhà lãnh đạo Nga bị cáo buộc tội ác chiến tranh, bị truy nã

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Leaders Accused of War Crimes, Arrest Warrants Issued”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Các cáo buộc của tòa án đối với Shoigu và Gerasimov bao gồm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại, đặc biệt trích dẫn những hành động vô nhân đạo của họ. Các thẩm phán ra lệnh bắt giữ cho biết đã có bằng chứng đáng kể cho thấy các nghi phạm “cố ý gây ra đau khổ lớn lao, thương tích nghiêm trọng về thể xác, sức khỏe thể chất và tinh thần” cho thường dân Ukraine.

ICC nêu chi tiết rằng các lệnh bắt giữ được ban hành hôm thứ Ba dựa trên cơ sở hợp lý để tin rằng những người này phải chịu trách nhiệm về “các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn do lực lượng vũ trang Nga thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine” từ ngày 10 tháng 10 năm 2022 đến ít nhất là ngày 9 tháng 3, 2023. Trong giai đoạn này, quân đội Nga bị cáo buộc đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các nhà máy điện và trạm biến áp trên khắp Ukraine, dẫn đến thương vong dân sự trên quy mô lớn và thiệt hại cơ sở hạ tầng.

Đây là trường hợp thứ ba mà tòa án toàn cầu ra lệnh truy nã các lãnh đạo cao cấp của Nga vì liên quan đến các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine.

Dưới sự lãnh đạo của Shoigu và Gerasimov, quân đội Nga đã bị cáo buộc tiến hành làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa vào Ukraine, khiến hàng ngàn người thiệt mạng và gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của quốc gia. Mạc Tư Khoa liên tục tuyên bố mục tiêu của họ là các cơ sở quân sự, nhưng trên thực tế thường xuyên có thương vong về dân sự. ICC nhấn mạnh rằng có các bằng chứng xác đáng để tin rằng các cuộc tấn công hỏa tiễn được nhắm một cách cố ý vào các địa điểm dân sự.

Mặc dù Nga không phải là thành viên của ICC, không công nhận quyền tài phán của tòa án quốc tế và từ chối giao nộp nghi phạm; nhưng lệnh truy nã này sẽ bám chặt hai con người này đến suốt đời.

Trước đó, ICC đã ban hành lệnh truy nã Putin, cáo buộc ông ta phải chịu trách nhiệm cá nhân trong vụ bắt cóc trẻ em từ Ukraine.

Vào tháng 3 năm nay, tòa án cũng đã ban hành lệnh bắt giữ hai sĩ quan quân đội cao cấp của Nga với cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, được coi là một phần của chính sách nhà nước.

Shoigu, 69 tuổi, được coi là nhân vật then chốt trong quyết định của Putin tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Cuộc xâm lược, ban đầu được cho là sẽ nhanh chóng khuất phục Ukraine, thay vào đó đã thúc đẩy một lực lượng phòng thủ vững chắc của Ukraine, giáng những đòn đáng kể vào lực lượng Nga.

Putin thay thế Shoigu trong cương vị bộ trưởng quốc phòng vào tháng 5. Cấp phó của ông, Timur Ivanov, và các quan chức cao cấp khác đã bị bắt vì tội tham nhũng, và một số quan chức của Bộ Quốc phòng đã bị cách chức. Shoigu vẫn giữ chức vụ nổi bật là thư ký Hội đồng An ninh Nga.

Gerasimov, 68 tuổi, người giữ chức tổng tham mưu trưởng từ năm 2012, tiếp tục giám sát các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, duy trì chức vụ của mình trong bối cảnh hỗn loạn và tổn thất nhân mạng của sĩ quan và binh lính Nga tiếp tục tăng cao một cách đáng kinh ngạc.

2. Putin thay thế nhà lãnh đạo cơ quan tình báo đằng sau quyết định xâm lược Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Replaces Head of Spy Agency Behind Decision to Invade Ukraine—Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Putin được tường trình đã thay thế một quan chức trong Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, là người đã đặt nền móng cho cuộc xâm lược toàn diện của đất nước ông vào nước láng giềng Ukraine.

Sergei Beseda, nhà lãnh đạo Cục 5 của FSB, đã được thay thế bởi Alexei Komkov, người trước đây giữ chức phó giám đốc cơ quan tình báo, trang web tin tức điều tra của Nga “Những câu chuyện quan trọng” cho biết hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu.

Putin được cho là đã dựa vào thông tin tình báo từ Cục 5 của FSB để quyết định tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Cục 5 của FSB chủ yếu chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình chính trị của Ukraine, thu thập thông tin tình báo bên trong Nga và về các nước thành viên cũ của Liên Xô.

Beseda được cho là đã bị quản thúc tại gia vào năm 2022 — vài ngày sau khi chiến tranh bắt đầu — sau khi Putin nổi giận khi nhận ra rằng tình hình không giống như Beseda mô tả. Khôi hài đến mức Beseda báo cáo rằng các sĩ quan và binh lính Nga chắc chắn sẽ được người Ukraine mang hoa, muối và bánh mì ra chào đón như một đoàn quân giải phóng. Putin đã tin tưởng vào điều đó đến mức gọi cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt” sẽ kết thúc chóng vánh.

Putin tính toán rằng ông ta sẽ chiếm được Kyiv trong vòng ba ngày và sẽ chiếm được toàn cõi Ukraine trong 7 ngày. Thành ra, nhà độc tài không bổ nhiệm bất cứ ai làm Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine. Thâm ý là Putin không muốn chia sẻ vinh quang với bất cứ ai khác, để một mình hưởng hết hào quang chiến thắng.

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2022, khi thấy không dễ ăn, Putin mới bổ nhiệm Tướng Alexander Dvornikov làm Tổng tư lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine phụ trách hoàn toàn các hoạt động quân sự trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ngày 25 tháng 6, 2022, Tướng Alexander Dvornikov bị thay thế bởi Thượng Tướng Gennady Zhidko. Ngày 8 tháng 10, 2022, Thượng Tướng Gennady Zhidko lại bị thay thế bởi Đại Tướng đầu trọc Sergey Surovikin. Ngày 11 Tháng Giêng, đến lượt Sergey Surovikin bị thay thế bởi Valery Gerasimov, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Nga.

Andrei Soldatov, một chuyên gia hàng đầu về cơ quan an ninh đất nước, cho biết vào thời điểm đó rằng FSB đã cố gắng hạ thấp vụ bắt giữ Beseda, “trình bày đây chỉ là một cuộc thẩm vấn vị tướng đầy quyền lực”.

“Nhưng bây giờ tôi đã biết được từ các nguồn tin của mình rằng 'việc thẩm vấn đơn thuần' này đã không cứu Beseda khỏi bị giam trong nhà tù Lefortovo,” ông viết trong một bài xã luận cho cơ quan truyền thông độc lập của Nga The Moscow Times.

Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập với Putin nhận định rằng việc thanh trừng Beseda của Putin diễn ra trong bối cảnh cuộc xâm lược đang bị khựng lại có thể cho thấy Putin đang hối hận vì quyết định xâm lược Ukraine. “Câu chuyện người Ukraine mang hoa, muối và bánh mì ra chào đón lính Nga như một đoàn quân giải phóng quả là khôi hài, nhưng những thằng tin vào câu chuyện khôi hài đó còn khôi hài hơn thế nữa,” ông nói.

Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

3. Những cuộc tấn công trên lá chắn hạt nhân của Putin dẫn đến việc bắt giữ triệu phú Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Cracks in Putin's Nuclear Shield Lead to Arrest of Russian Millionaire”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một triệu phú người Nga chịu trách nhiệm về lá chắn hạt nhân của đất nước đang bị xét xử tại tòa án ở Mạc Tư Khoa sau một loạt các vụ tấn công rất thành công của Urkaine.

Evgeny Novitsky, người sáng lập và cựu chủ tịch tập đoàn AFK Sistema có trụ sở tại Mạc Tư Khoa, đồng thời là chủ tịch hiện tại của RTI Systems, một nhà thầu quốc phòng chủ yếu phục vụ Bộ Quốc phòng Nga, phải đối mặt với cáo buộc gian lận.

Tuy nhiên, việc bắt giữ ông đã làm dấy lên nghi ngờ rằng trên thực tế, Nga có thể đang trừng phạt những người mà Putin tìm cách đổ lỗi cho những thiếu sót trong hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của nước này.

Theo hãng truyền thông độc lập của Nga Agentstvo trên Telegram, Novitsky đã bị Lực lượng An ninh Nga bắt giữ hôm thứ Năm 20 Tháng Sáu, mặc dù lý do bắt giữ ông vẫn chưa rõ ràng.

Theo trang tin nhà nước Tass, Novitsky đang bị giam giữ vì nghi ngờ lừa đảo, cụ thể là vi phạm Điều 159 của bộ luật hình sự Nga liên quan đến gian lận quy mô lớn. Nếu bị kết tội, Tass tuyên bố Novitsky có thể phải đối mặt với án tù 10 năm. Interfax cũng đưa tin tương tự rằng tội phạm bị cáo buộc của Novitsky có tính chất kinh tế.

Tuy nhiên, tài khoản Telegram của Baza, một hãng tin có nguồn tin bên trong cơ quan thực thi pháp luật Nga, nói rằng vụ bắt giữ Novitsky liên quan đến các hoạt động của ông với tư cách là lãnh đạo của RTI Systems.

Cheka-OGPU, một kênh Telegram nổi tiếng với việc tìm ra thông tin rò rỉ từ các cơ quan an ninh Nga, cho biết: “Việc bắt giữ Yevgeny Novitsky trùng hợp với một số cuộc điều tra về hành vi biển thủ công quỹ của Bộ Quốc phòng, được giao cho hội đồng quản trị trong đó đã có Novitsky từ lâu.”

“Đặc biệt, một cuộc điều tra đang được tiến hành về hành vi tham ô thông qua việc tạo ra các tổ hợp phần cứng và máy tính cho các trạm mặt đất của hệ thống cảnh báo sớm Voronezh. Novitsky đã giám sát quá trình sản xuất của họ tại AFK trong một thời gian dài.”

RTI Systems và AFK phát triển và sản xuất các radar tầm xa cho các trạm Voronezh của hệ thống cảnh báo tấn công hỏa tiễn của Nga, cách biên giới với Ukraine khoảng 200 dặm hay 322 km.

Putin trước đây coi radar Voronezh là trung tâm của hệ thống cảnh báo hỏa tiễn đạn đạo của đất nước, thậm chí còn trao cho nhà thiết kế Hệ thống RTI Giải thưởng Nhà nước của Liên bang Nga.

Vào đầu tháng 6, Vladimir Putin thậm chí còn sử dụng niềm tin của mình vào hệ thống phòng thủ hỏa tiễn như một mối đe dọa ngầm đối với người Âu Châu.

Putin nói với khán giả tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg: “Nếu xảy ra một số cuộc tấn công, thì mọi người nên hiểu rằng Nga có hệ thống SRPN – tức là hệ thống cảnh báo tấn công hỏa tiễn”. “Hoa Kỳ cũng có nó. Không nơi nào trên thế giới có hệ thống phát triển như vậy. Không có hệ thống phát triển ở Âu Châu. Theo nghĩa này, họ ít nhiều không có khả năng tự vệ”

Tuy nhiên, hệ thống này đã được chứng minh là dễ bị tấn công bởi Ukraine trong những tuần gần đây.

Vào cuối tháng 5, truyền thông Ukraine đưa tin một máy bay điều khiển từ xa đã tấn công hệ thống radar Voronezh ở thành phố Orsk của Nga. Đầu tháng này, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công một trạm radar tương tự ở khu vực phía tây nam Krasnodar.

Theo Kênh Telegram của Cheka-OGPU, trong khi vụ bắt giữ Novitsky được cho là do tòa án Nga đang giải quyết một trường hợp gian lận nghiêm trọng, thì nó được xem chính xác hơn là biểu hiện sự không hài lòng với các trạm radar của RTI.

Bài đăng trên Telegram viết: “Chính quyền Nga đã đặt ra lộ trình bỏ tù tất cả những người có liên quan đến một số thành phần nhất định của hệ thống phòng không hiện tại”.

Nó cũng tuyên bố rằng Vladimir Shukshin, người giám sát các hoạt động liên quan đến quốc phòng tại công ty khác của Novitsky, AFK Sistema, được báo cáo là mất tích.

4. Cục tác chiến điện tử Bộ Quốc Phòng Nga bốc cháy, ít nhất 8 người thiệt mạng vì bị kẹt trong tòa nhà

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, cho biết một tòa nhà 9 tầng đã bốc cháy ở quận Fryazino của Mạc Tư Khoa, làm ít nhất 8 người thiệt mạng.

Fryazino nằm cách trung tâm Thủ đô Mạc Tư Khoa 25 km về phía đông bắc.

Thống đốc tỉnh Mạc Tư Khoa Andrey Vorobyov cho biết tòa nhà hành chính của Viện nghiên cứu Platan, nơi sản xuất các thiết bị điện tử cho các hỏa tiễn tác chiến điện tử, đã bốc cháy vào khoảng 15h30 chiều giờ địa phương.

Ngọn lửa bao trùm diện tích 5.000 mét vuông và được dập tắt vào khoảng 22h giờ địa phương sau gần 7 giờ chiến đấu với ngọn lửa. Một phần cấu trúc của tòa nhà bị sập do hỏa hoạn. Do ngọn lửa xuất phát từ tầng 5 và cháy ngược trở lên đến tầng trên cùng nên nhiều người không thể thoát hiểm.

Các dịch vụ khẩn cấp nói với RIA Novosti rằng vụ cháy có thể xảy ra do trục trặc trong thiết bị điện.

Các hoạt động tìm kiếm và cấp cứu đang tiếp tục.

Chính quyền địa phương vẫn chưa tiết lộ con số nạn nhân cuối cùng trong vụ cháy.

5. Bản đồ chiến tranh tiết lộ tất cả các căn cứ quân sự của Nga trong phạm vi tấn công ATACMS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “War Map Reveals All Russian Military Bases Within ATACMS Strike Range”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một bản đồ đã chỉ ra các căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine mà Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật của quân đội có thể tấn công với sự cho phép của Mỹ.

Hỏa tiễn ATACMS là hỏa tiễn tầm xa mà Ukraine đã sử dụng trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào nước này, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Vào ngày 22 tháng 6, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ, đã đưa ra đánh giá cho thấy Ukraine có thể tấn công khoảng 16% các kho thiết bị và đạn dược của Nga nếu nước này được phép sử dụng hỏa tiễn trong một phạm vi nhất định.

Kyiv lần đầu tiên sử dụng hỏa tiễn này vào tháng 10 để tấn công hai căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine, làm hư hại 31 máy bay trực thăng. Chúng cũng đã được quân đội Kyiv sử dụng để tấn công các mục tiêu của Nga trên lãnh thổ tranh chấp, bao gồm cả ở Crimea, nơi Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Vào tháng 4, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden đã ủy quyền gửi “một số lượng đáng kể hỏa tiễn ATACMS” tới Ukraine vào tháng 2 như một phần của gói viện trợ trị giá 300 triệu Mỹ Kim.

Mỹ cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu của Nga trong một lãnh thổ nhất định, nhưng họ đặt ra giới hạn đối với các cuộc tấn công tầm xa qua biên giới.

Bản đồ ISW cho thấy Ukraine có thể tấn công các mục tiêu của Nga – bao gồm Bryansk, Kursk và Belgorod – có thể loại bỏ tối đa 16% các kho thiết bị và đạn dược trên mặt đất của Nga. Tuy nhiên, họ cho biết vẫn chưa rõ liệu lực lượng Ukraine có được phép làm như vậy hay không.

IWS cho biết trong báo cáo: “Phương Tây duy trì khả năng làm gián đoạn đáng kể các hoạt động của Nga trên quy mô lớn bằng cách cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các khu vực hậu phương và hậu cần hoạt động sâu của Nga trên lãnh thổ Nga”.

Báo cáo cũng cho biết chính sách của Mỹ đang ngăn cản quân Ukraine tấn công ít nhất 84% các kho thiết bị và đạn dược của Nga khi không cho phép Ukraine tấn công một số mục tiêu nhất định trong phạm vi của ATACMS, như Voronezh và Rostov.

Báo cáo của ISW cũng cho rằng hệ thống phòng không Nga sẽ làm giảm hiệu quả của chiến đấu cơ F-16 Ukraine nếu Mỹ không cho phép lực lượng Ukraine sử dụng ATACMS để tiêu diệt các hệ thống phòng không Nga trên lãnh thổ Nga, vì điều đó có nghĩa là phi công F-16 Ukraine sẽ bị ảnh hưởng, vì họ sẽ phải hoạt động trong vùng trời đầy nguy hiểm.

Bốn quốc gia – Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy và Bỉ – đã cam kết cung cấp máy bay cho Ukraine để tăng cường nỗ lực chống lại khả năng không quân vượt trội của Nga.

Tổ chức nghiên cứu này cho biết: “ISW tiếp tục đánh giá rằng Mỹ nên cho phép Ukraine tấn công tất cả các mục tiêu quân sự trong khu vực hoạt động và hậu phương sâu của Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp”.

6. Mỹ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 150 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, AP đưa tin

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá khoảng 150 triệu Mỹ Kim.

Gói hàng mới được công bố bao gồm hỏa tiễn HIMARS, vũ khí chống thiết giáp, vũ khí nhỏ và lựu đạn, cũng như đạn pháo 155 ly và 105 ly.

Hôm 31 Tháng Năm, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, trong đó có hỏa tiễn HIMARS, để tấn công các mục tiêu ở Nga nằm gần biên giới với Kharkiv, và trong tháng qua, lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công nhiều mục tiêu bên trong nước Nga.

Theo các quan chức Mỹ, Washington vẫn cấm Ukraine sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Trước đó vào thứ Hai, Nga tuyên bố Ukraine đã sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trong cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm vào ngày 23 tháng 6, được cho là đã giết chết 4 người và làm bị thương 151 người. Các báo cáo không thể được xác minh độc lập và Ukraine chưa bình luận về tin tức này vào thời điểm này.

Các quan chức Mỹ nói chuyện với hãng tin AP không thể xác minh liệu ATACMS có được đưa vào đợt hỗ trợ tiếp theo cho Ukraine hay không.

Vào tháng 4, Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim được chờ đợi từ lâu, trong đó phần lớn là viện trợ quân sự.

Ngũ Giác Đài ngày 26 Tháng Tư thông báo sẵn sàng chuyển số vũ khí trị giá 1 tỷ Mỹ Kim từ kho dự trữ của Mỹ tới Kyiv. Hoa Kỳ sau đó đã gửi ba gói viện trợ khác trong những tháng tiếp theo, cho phép gói viện trợ quốc phòng trị giá 400 triệu Mỹ Kim, tiếp theo là 275 triệu Mỹ Kim và gói viện trợ 225 triệu Mỹ Kim vào đầu tháng 6.

7. Zelenskiy: Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công hơn 30 mục tiêu dầu mỏ của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky: Ukrainian drones have struck over 30 Russian oil targets”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố trong một cuộc họp quân sự rằng lực lượng hoạt động đặc biệt của Ukraine đã tấn công vào hơn 30 nhà máy lọc dầu, các trạm trung chuyển và kho chứa dầu của Nga.

Ông ca ngợi Trung tâm Điều hành Đặc biệt “A” của Cơ quan An ninh Ukraine vì những nỗ lực của họ và ghi nhận tầm hoạt động xa của máy bay điều khiển từ xa, hiện có thể bao phủ khoảng cách 1.500 km.

Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa gần đây đã tấn công các mục tiêu xa như Tatarstan và Bashkortostan.

Bất chấp những lo ngại của Mỹ về giá dầu tăng và khả năng trả đũa của Nga, Tổng thống Zelenskiy vẫn nhấn mạnh nhu cầu tự vệ của Ukraine và lập luận rằng xã hội Nga phải thích nghi với cuộc sống không có các nguồn năng lượng quan trọng.

Một nguồn tin nói với Kyiv Independent rằng: “Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, sẽ tiếp tục thực hiện 'các lệnh trừng phạt bằng máy bay điều khiển từ xa' đối với tổ hợp lọc dầu của Nga và làm giảm tiềm năng kinh tế của đối phương, vốn cung cấp cho kẻ xâm lược các nguồn lực để tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine”.

8. Quan chức Dagestan bị cách chức sau khi hai con trai bị nghi ngờ gia nhập bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công Makhachkala và Derbent

Sergei Melikov, nhà lãnh đạo Cộng hòa Dagestan, tuyên bố cách chức nhà lãnh đạo quận Sergokalinsky, Magomed Omarov, sau khi các con trai của ông bị nghi ngờ tham gia vụ tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật, 23 Tháng Sáu ở Makhachkala và Derbent.

Melikov nhấn mạnh rằng nếu sự liên quan của Omarov được xác nhận, ông ta sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, mặc dù cuộc điều tra sẽ xác định chính xác vai trò của ông ta.

Omarov bị giam giữ sau khi có thông tin cho rằng các con trai của ông là Osman và Adil, cùng với cháu trai Abdusamad Amadziev, có liên quan đến các cuộc tấn công vào các địa điểm tôn giáo và đồn cảnh sát, khiến 20 người thiệt mạng, trong đó có 15 cảnh sát.

Omarov tuyên bố không liên lạc với họ trong những năm gần đây. Ngoài ra, một người cháu khác của Omarov, Ali Zakarigaev, đã thiệt mạng trong một chiến dịch chống khủng bố sau các cuộc tấn công.

Dagestan là một nước cộng hòa đa sắc tộc, đa số theo đạo Hồi nằm ở vùng Bắc Kavkaz của Nga. Đây cũng là nơi sinh sống của một cộng đồng Do Thái cổ xưa với số lượng đã giảm dần trong những thập niên gần đây.

Là một phần của sự lan tỏa từ các cuộc chiến tranh ở Chechnya, Dagestan đã chứng kiến nhiều hành động khủng bố lặp đi lặp lại vào đầu những năm 2000. Một cuộc nổi dậy bạo lực nhưng cường độ thấp chống lại chính phủ cũng đã diễn ra trong vài năm trong khu vực.

9. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cho biết gói trừng phạt thứ 15 chống lại Nga sẽ 'bắt đầu ngay lập tức'

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho biết tại Hội đồng Đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu ở Luxembourg rằng công việc về gói trừng phạt thứ 15 chống lại Nga sẽ “bắt đầu ngay lập tức”.

Valtonen nói: “Tôi chắc chắn rằng chúng tôi cũng sẽ có thể cập nhật danh sách các thực thể bị trừng phạt đó”.

Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu đã thông qua vòng trừng phạt thứ 14 chống lại Nga vào ngày 24 Tháng Sáu, nhằm giải quyết tình trạng lách luật các biện pháp hiện có và hạn chế hơn nữa lợi nhuận từ ngành năng lượng của Nga.

Gói mới bổ sung 116 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt và bổ sung một số biện pháp mới, bao gồm cấm bất kỳ cơ sở nào của Liên Hiệp Âu Châu tham gia vào việc trung chuyển khí tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG, của Nga sang bất kỳ bên thứ ba nào.

Valtonen cho biết, các cuộc đàm phán về gói trừng phạt thứ 14 mất nhiều thời gian nhưng phạm vi trừng phạt lại rất rộng. Cô nói thêm, tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đều có quan điểm của mình và điều này cần được xem xét.

“Tôi đánh giá cao gói trừng phạt thứ 14 cũng như các bước chúng tôi sẽ thực hiện để khiến việc Nga sử dụng hạm đội bóng tối là không thể ở khu vực Biển Baltic, hoặc ít nhất là khó khăn hơn đối với Nga”.

Ngoại trưởng Phần Lan cũng nhắc lại sự gia tăng gần đây trong các hoạt động phá hoại của Nga ở Âu Châu, sự lan truyền thông tin sai lệch và các mối đe dọa mạng nhắm vào công dân Liên Hiệp Âu Châu.

Valtonen nói thêm: “Ở Âu Châu không còn tư cách quan sát viên đối với hành động gây hấn của Nga nữa”.

“Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của sự xâm lược của Nga, và do đó, điều quan trọng là chúng ta tiếp tục hỗ trợ Ukraine vì Nga chỉ hiểu sức mạnh.”

Bất chấp 13 đợt trừng phạt trước đó của Liên Hiệp Âu Châu và các biện pháp bổ sung từ Mỹ và các đồng minh khác, nền kinh tế Nga vẫn kiên cường một cách bất ngờ.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Levada của Nga thực hiện hồi đầu tháng 6 cho thấy chỉ 11% số người được hỏi nói rằng các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến cá nhân họ hoặc gia đình họ.

10. Nga tăng cường sử dụng vũ khí hóa học trên chiến trường

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Ukraine ghi nhận 715 trường hợp sử dụng vũ khí hóa học của Nga trên chiến trường trong tháng 5, nhiều hơn 271 trường hợp so với tháng trước.

Ông cho biết hầu hết các trường hợp đều là do khí CS, còn được gọi là hơi cay và thường được các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới sử dụng làm chất kiểm soát đám đông.

Mặc dù ít gây chết người hơn các loại vũ khí hóa học khác nhưng nó đã được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến thứ nhất trước khi Nghị định thư Geneva năm 1925 cấm sử dụng vũ khí hóa học và sinh học trong chiến tranh.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết, từ ngày 15 tháng 2 năm 2023 đến ngày 24 tháng 5 năm 2024, tổng số 2.698 trường hợp đã được ghi nhận, dẫn đến 1.385 trường hợp binh sĩ Ukraine cần được chăm sóc y tế.

Các quan chức quân sự Ukraine trước đây đã cáo buộc Nga sử dụng chloropicrin và các loại vũ khí hóa học khác.

Chloropicrin thường được sử dụng làm thuốc diệt cỏ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, việc tiếp xúc với hơi của nó có thể gây kích ứng nghiêm trọng cho da, mắt và các cơ quan nội tạng nếu hít phải.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học OPCW ngày 7 Tháng Năm cho biết cáo buộc của cả Ukraine và Nga rằng bên kia đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xâm lược toàn diện vẫn “không đủ cơ sở”.

OPCW cho biết trong một tuyên bố: “ Cả Liên bang Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau và đệ trình các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học cho tổ chức này”.

“Thông tin được cả hai bên cung cấp cho tổ chức cho đến nay, cùng với thông tin có sẵn cho ban thư ký, là không đủ chứng minh.”

OPCW cho biết tình hình “vẫn còn bất ổn và cực kỳ đáng lo ngại” đồng thời nhắc lại rằng việc sử dụng “các độc chất kiểm soát bạo loạn trong chiến tranh trên chiến trường là vi phạm luật pháp quốc tế”.

Tổ chức này cũng lưu ý rằng họ chưa nhận được yêu cầu chính thức điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học từ Ukraine hoặc Nga.

11. Zelenskiy cách chức Trung tướng bị binh lính cáo buộc gây ra tổn thất nặng nề

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 24 Tháng Sáu thông báo ông đã thay thế Tư lệnh các lực lượng liên quân, Trung tướng Yurii Sodol, bằng Chuẩn tướng Andrii Hnatov.

Trung tá Bohdan Krotevych, một trong những chỉ huy trưởng Lữ đoàn Azov, ngày 23 Tháng Sáu cho biết ông đã có đơn khiếu nại chính thức lên Cục Điều tra Nhà nước kêu gọi điều tra một trong các tướng lĩnh.

Ông viết: “Tôi đã viết thư cho SBI kêu gọi điều tra một tướng quân đội, người mà theo tôi, đã gây ra nguy hiểm cho nhiều binh sĩ Ukraine”.

Krotevych không nêu tên vị tướng này, nhưng theo nguồn tin bí mật của Ukrainska Pravda, vị tướng được đề cập là Sodol.